Cây di sản nằm trên đất của mình có được bán không?

Trong diện tích đất nhà tôi có một cây mun, hiện xã đã đánh số và báo là cây di sản. Cây này đã ở trong diện tích đất nhà tôi từ thời ông cố nội của tôi dựng nhà. Không có tranh chấp với ai, cây cũng do anh em chúng tôi thường xuyên chăm sóc, đặt rào chắn và bảo vệ.

Giờ có người hỏi mua và tôi đã bán thì có sao không, họ đã mang cây đi rồi, tôi đã nhận tiền. Nếu bị phạt thì mức phạt là bao nhiêu. Xin cảm ơn!

Theo nội dung sự việc anh/chị trình bày, chúng tôi nhận định thắc mắc của khách hàng liên quan đến tính pháp lý của hành vi mua bán “cây di sản”.

– Cơ sở pháp lý:

Luật di sản văn hóa năm 2001;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Bộ luật dân sự năm 2015;

– Luật sư tư vấn:

Trước hết, chúng tôi khẳng định việc đánh số cây mun và công nhận cây di sản của xã không có giá trị pháp lý. Cây mun thuộc quyền sở hữu của anh/chị do đó anh/chị hoàn toàn có quyền bán cây này. Việc mua bán trên không vi phạm pháp luật và không phải chịu phạt.

Theo pháp luật hiện hành, “cây di sản” không phải là thuật ngữ pháp lý. Danh hiệu này hiện chưa được ghi nhận ở bất kì văn bản pháp luật nào. Vấn đề vinh danh và bảo vệ cây di sản lần đầu tiên được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khởi xướng vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Kể từ đó, Hội đã thành lập Hội đồng xét duyệt với những tiêu chí cụ thể về tên khoa học của cây, xác định tuổi cây, chu vi, đường kính, chiều cao, các giá trị của cây về văn hóa, lịch sử, xã hội và giáo dục,… để xem xét phong danh hiệu “Cây di sản”. Như vậy, theo chúng tôi cần thiết phải xem xét lại thẩm quyền phong danh hiệu trên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Giữa tháng 3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi Công văn số 932/BVHTTDL-TTr tới Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, qua đó khẳng định pháp luật chưa từng quy định về việc vinh danh hay cấp bằng chứng nhận đối với danh hiệu “Cây di sản”. Toàn bộ nội dung từ tên gọi, tiêu chí, quy trình để chứng nhận, tôn vinh danh hiệu trên hoàn toàn do Hội này tự đặt ra.

Cụ thể, căn cứ Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa:

11. Khoản 1 Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia, cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia;

c) Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; quyết định việc đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc xem xét đưa di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục di sản thế giới.”

Theo đó, thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích không được trao cho các tổ chức hội. Hơn nữa, tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội cũng không ghi nhận thẩm quyền này cho các tổ chức Hội. Như vậy, việc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tự tổ chức vinh danh và phong danh hiệu “Cây di sản” là vượt quá thẩm quyền của các tổ chức Hội.

Quyền sở hữu của anh/chị với cây mun là quyền sở hữu được xác lập theo thời hiệu do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Cụ thể tại Điều 236 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Cây này nằm trong diện tích đất nhà anh/chị từ thời ông cố nội, không có tranh chấp lại được gia đình anh/chị thường xuyên chăm sóc và đặt rào chắn bảo vệ. Như vậy, anh/chị hoàn toàn đủ điều kiện trở thành chủ sở hữu cây theo diện “người chiếm hữu bất động sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai”.

Với tư cách là chủ sở hữu, anh/chị được hưởng các quyền sau theo Bộ luật dân sự năm 2015::

Điều 158. Quyền sở hữu

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Điều 194. Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Vậy việc bán cây của anh/chị là phù hợp với quy định của pháp luật, anh/chị không phải chịu bất kì hình thức phạt nào.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com