Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương theo luật quốc tế và khả năng được công nhận và áp dụng tại Việt Nam

Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương theo luật quốc tế và khả năng được công nhận và áp dụng tại Việt Nam.

Trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề mà các nước ngày càng quan tâm và đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Có thể thấy rõ dù ở cấp độ quốc tế hay cấp độ quốc gia, chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã có những bước phát triển đáng kể. Nhãn hiệu là một trong những đối tượng quan trọng của quyền sở hữu công nghiệp. Đây là yếu tố gắn liền với hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng là dấu hiệu giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm/dịch vụ từ nhà sản xuất, cung cấp có uy tín. Chính vì vậy việc sử dụng và tạo dựng uy tín cho nhãn hiệu luôn được các doanh nghiệp chú trọng.

Nhãn hiệu với vai trò dùng để phân biệt sản phẩm/dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau theo đó cũng vượt ra khỏi khuôn khổ quan niệm truyền thống. Trong xã hội hiện đại, lý do mà các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng các loại nhãn hiệu mới – nhãn hiệu phi truyền thống (NHPTT) là vì NHPTT có ưu thế giúp người tiêu dùng có thể cảm nhận được trực tiếp và nhanh hơn, giúp cho doanh nghiệp chiếm được ưu thế trong hoạt động cạnh tranh, phù hợp với các loại hình sản phẩm/dịch vụ gắn với công nghệ tiên tiến, phương thức kinh doanh mới, hiện đại. Một trong những loại NHPTT được quan tâm nhất hiệu nay là nhãn hiệu mùi hương. Trong các loại nhãn hiệu, mùi hương được đánh giá là loại dấu hiệu có khả năng tạo ra sự phân biệt tốt nhất. Bởi nó có thể tác động được tới hầu hết người tiêu dùng, bao gồm cả người khiếm thính (không tác động bằng nhãn hiệu âm thanh) và khiếm thị (không nhận tác động bởi nhãn hiệu hữu hình). Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của việc đăng ký nhãn hiệu mùi hương, việc bảo hộ nhãn hiệu (BHNH) này cũng sẽ mang lại thách thức cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhãn hiệu. Bởi vậy, tác giả tiến hành nghiên cứu đề tài “Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương theo luật quốc tế và khả năng được công nhận và áp dụng tại Việt Nam” nhằm cung cấp những thông tin cần thiết và hữu ích về vấn đề BHNH mùi hương, từ đó đưa ra một số kiến nghị và giải pháp về vấn đề này.

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề lý luận và thực tiễn việc bảo hộ nhãn hiệu mùi hương theo luật quốc tế, cụ thể là trong các điều ước quốc tế, trong các hiệp định đa phương mà Việt Nam là thành viên, theo pháp luật Hoa Kỳ và theo pháp luật Liên minh Châu Âu.

Mục đích nghiên cứu là trên cơ sở kế thừa và phát triển các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước làm rõ nội dung các quy định của luật quốc tế về nhãn hiệu mùi hương, kết hợp với thực tiễn và có liên hệ một số quốc gia, từ đó đánh giá, đưa ra những kiến nghị nhằm công nhận và áp dụng bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

            Để thực hiện đề tài nghiên cứu, một số phương pháp chủ yếu được tác giả sử dụng như:

            Phương pháp thống kê, tổng hợp: Nhằm tìm kiếm, tập hợp những tài liệu có liên quan đến đối tượng nghiên cứu để phục vụ cho quá trình nghiên cứu thực hiện để tài.

            Phương pháp so sánh, đánh giá: Nhằm giúp bài nghiên cứu có cái nhìn đa chiều về vấn đề cần nghiên cứu từ đó rút ra được những kết luận, kiến nghị có tính chính xác và khoa học.

            Phương pháp phân tích: Nhằm làm rõ các vấn đề lý luận về vấn đề cần nghiên cứu

Kết cấu của đề tài

            Ngoài phần lời mở đầu, kết luận, nội dung của bài nghiên cứu gồm 4 chương:

            Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đề tài.

            Chương 2. Những vấn đề lý luận về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương.

            Chương 3. Thực trạng pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương theo luật quốc tế và theo pháp luật Việt Nam.

            Chương 4. Một số kiến nghị nhằm công nhận và áp dụng bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại Việt Nam.

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

            Trong các đối tượng sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu là một trong các đối tượng hiện nay được đăng ký bảo hộ nhiều nhất ở các nước phát triển cũng như đang phát triển. Chính vì vậy, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều cơ quan, ban ngành cũng như các nhà khoa học, các chuyên gia và các cơ sở đào tạo luật. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức liên quan đến vấn đề này như: Hội thảo về hiệp định TRIPS, Hội thảo về các đối tượng sở hữu công nghiệp mới ở Việt Nam,… Ngày 22 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Chiến lược do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, với sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Việc giảng dạy về pháp luật Sở hữu trí tuệ cũng ngày càng được chú trọng, “Giáo trình Pháp luật Sở hữu trí tuệ” của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và “Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ” của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã đặt ra những khái niệm cũng như phân tích những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng. Tuy nhiên, các công trình này mới chỉ dừng lại ở các vấn đề cơ bản về nhãn hiệu mà chưa đi sâu vào nhãn hiệu phi truyền thống, cụ thể là nhãn hiệu mùi hương.

            Bên cạnh đó, đã có nhiều bài viết về NHPTT như “Tổng quan về nhãn hiệu phi truyền thống” từ Trung tâm nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư Vấn Cục Sở hữu trí tuệ (2020), “Quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam” của tác giả Trần Cao thành đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2020), “Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống ở Việt Nam trong vòng một thập kỷ qua và những thách thức cần lưu ý” theo Công ty luật Bross & Partners (2019),…

Đối với nhãn hiệu mùi hương nói riêng, trên thế giới đã xuất hiện xu hướng sử dụng nhãn hiệu này, tuy nhiên do đặc tính phân biệt bằng khứu giác nên việc chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu này còn chưa phổ biến ở hầu hết các nước, trong đó có cả Việt Nam. Năm 2017, bài viết “Chế định đăng ký nhãn hiệu mùi hương theo pháp luật Hoa Kỳ” của các tác giả Nguyễn Hồ Bích Hằng, Nguyễn Xuân Mỹ Hiền, Huỳnh Thanh Thịnh được đăng trên Tạp chí Khoa học pháp lý số 05 (108)/2017 là nguồn tư liệu tham khải rất quan trọng. Năm 2020, dựa trên cơ sở kết quả Nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi” do Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì thực hiện, Trung tâm đã tổng hợp các nội dung chính và phân tích những vấn đề mới về nhãn hiệu phi truyền thống nói chung và đi sâu phân tích các khía cạnh liên quan đến nhãn hiệu mùi nói riêng qua bài viết “Bảo hộ nhãn hiệu mùi”. Ngoài ra, còn có một số nguồn tài liệu đề cập nhãn hiệu mùi hương như bài đăng “Bảo hộ nhãn hiệu “mùi” của một số quốc gia trên thế giới” của tác giả Bùi Thị Phương (2017) và bài viết “Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi ở các nước phát triển và gợi ý cho Việt Nam” của tác giả Nguyễn Khánh Linh đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2020).

1.2. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CÁC VẤN ĐỀ KẾ THỪA

                Nhìn chung, trên thế giới, đặc biệt một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu EU, các nhà nghiên cứu đã và đang chú trọng tới việc bảo hộ nhãn hiệu mùi hương nói riêng và nhãn hiệu phi truyền thống nói chung với rất nhiều những công trình nghiên cứu từ tổng quan đến chuyên sâu trên cả hai khía cạnh nghiên cứu và thực tiễn, đặt ra những nền tảng chung và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhãn hiệu mùi hương nói riêng và nhãn hiệu phi truyền thống nói chung trên phạm vi toàn thế giới. Đề tài đã kế thừa những quan điểm về mặt lý luận và học hỏi từ thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại những quốc gia này để từ đó đề ra những kiến nghị, giải pháp nhằm công nhận và áp dụng bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại Việt Nam.

            Nếu vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương đang rất được quan tâm trên thế giới thì tại Việt Nam, số lượng các bài viết nghiên cứu về vấn đề này nhìn chung vẫn còn khá ít ỏi. Thực tế này đã thôi thúc tác giả tìm hiểu về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương và những cơ hội, thách thức của nó tại Việt Nam. Tuy nhiên, những bài viết của những tác giả đi trước cũng phần nào tạo ra những nền móng vững chắc về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương và quá trình phát triển của nó cho đến thời điểm hiện tại – một nguồn thông tin dồi dào và đáng tin cậy mà nhờ vào đó, tác giả đã tham khảo, kế thừa và bổ sung cho bài nghiên cứu của mình.

1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

                Như đã đề cập, tác giả đã kế thừa những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn mà những tác giả đi trước đã đặt ra, đồng thời vận dụng vào bối cảnh xã hội và hệ thống pháp luật tại Việt Nam để chỉ ra những vấn đề pháp lý về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương. Qua đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp mang tính mới nhằm công nhận và áp dụng bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại nước ta.

CHƯƠNG 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG

2.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG

2.1.1. Khái niệm, điều kiện bảo hộ, phân loại nhãn hiệu

2.1.1.1. Khái niệm nhãn hiệu

Thuật ngữ nhãn hiệu “brand” bắt nguồn từ người Aixơlen cổ đại, với nghĩa là đốt cháy “to burn”. Theo một số nghiên cứu cho thấy, từ thời xa xưa con người đã biết sử dụng nhãn hiệu để nhận biết nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ. Đối với gia súc, người chăn nuôi gia súc khi trao đổi, mua bán gia súc của mình với người khác đã dùng biện pháp đánh dấu thông qua các vết cắt, xiên lỗ trên tại các con gia súc. Đối với các đồ thủ công mĩ nghệ như đồ gốm sứ, tơ lụa, gia thú con người đã biết dùng chữ ký hoặc biểu tượng để phân biệt sản phẩm do họ làm ra với sản phẩm của người khác. Trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp, nền sản xuất hàng hóa, dịch vụ có nhiều bước phát triển vượt bậc. Khi hàng hóa được tạo ra ngày càng nhiều, dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng thì nhãn hiệu cũng trở thành một công cụ hữu hiệu để nhận biết cũng như phân biệt hàng hóa và dịch vụ của các chủ thể sản xuất kinh doanh khác nhau. Các sản phẩm cùng loại do các chủ thể khác nhau sản xuất ra đều có nhãn hiệu khác nhau. Chính vì thế, thông qua nhãn hiệu, người tiêu dùng có thể nhận biết và lựa chọn tiêu thụ các sản phẩm có nhãn hiệu mà mình ưa dùng hoặc muốn mua mà không sợ bị nhầm lẫn và mất nhiều thời gian.

Hiện nay, “nhãn hiệu (trademark) là yếu tố đặc trưng gắn liền giữa lĩnh vực sở hữu công nghiệp và thị trường thương mại, được sử dụng trong thời gian dài bởi các nhà sản xuất cũng như các thương nhân nhằm xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa hay dịch vụ của họ, đồng thời phân biệt những hàng hóa, dịch vụ đó với các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hay bán bởi các chủ thể khác.”[1] Yếu tố quan trọng nhất của nhãn hiệu chính là chức năng phân biệt nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ. Chính vì vậy, chức năng này luôn giữ vai trò trung tâm, được đề cập đến rất nhiều trong pháp luật về nhãn hiệu ở hầu hết các nước trên thế giới.

Về khái niệm nhãn hiệu, hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Xét dưới góc độ pháp luật quốc tế, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đưa ra định nghĩa như sau: “Nhãn hiệu là các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau.[2] Dấu hiệu được đề cập đến “có thể là một hoặc nhiều từ ngữ, chữ, số, hình, hình ảnh, biểu tượng, màu sắc hoặc sự kết hợp các màu sắc, hình thức hoặc sự trình bày đặc biệt trên bao bì, gói sản phẩm. Nhãn hiệu  sẽ chỉ được chấp nhận bảo hộ nếu như nó chưa được cá nhân hoặc doanh nghiệp nào khác ngoài chủ sở hữu nhãn hiệu đó sử dụng, cũng như không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác đã được đăng ký trước đó cho cùng loại sản phẩm”.

Định nghĩa nhãn hiệu trên của WIPO đã xác định các yếu tố cũng như bản chất của nhãn hiệu. Định nghĩa này chính là sự kế thừa những quy định trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS): “Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể làm nhãn hiệu hàng hoá. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình hoạ và tổ hợp các mầu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó, phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu hàng hoá. Trường hợp bản thân các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ tương ứng, các Thành viên có thể quy định rằng khả năng được đăng ký phụ thuộc vào tính phân biệt đạt được thông qua việc sử dụng. Các Thành viên có thể quy định như là điều kiện để được đăng kí rằng các dấu hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được.”[3]

Theo pháp luật Việt Nam, nhãn hiệu được định nghĩa như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”[4] Có thể thấy, trong việc đưa ra khái niệm nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam nhìn chung đã tiếp thu những kinh nghiệm của các nước. Điều này đã cho thấy nước ta đã nhận thức rõ ràng yêu cầu khách quan của việc hài hòa hóa, tương thích hóa pháp luật quốc gia, từ đó đáp ứng với công cuộc hội nhập với thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng có quy định “Nhãn hiệu hàng hóa được cấu thành bởi dấu hiệu bất kỳ hoặc sự kết hợp bất kỳ của các dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một người với hàng hóa hoặc dịch vụ của người khác, bao gồm từ ngữ, tên người, hình ảnh, chữ cái, chữ số, tổ hợp màu sắc, các yếu tố hình hoặc hình dạng của hàng hóa hoặc hình dạng của bao bì hàng hóa. Nhãn hiệu hàng hóa bao 10 gồm cả nhãn hiệu dịch vụ , nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.”[5] Các dấu hiệu khác như âm thanh, mùi hương cũng không được quy định trong hiệp định này. Nhưng không thể phủ nhận, những quy định trong Hiệp định này có tính chất khái quát hơn, cũng như phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn theo quy định về nhãn hiệu của WTO.

Tuy nhiên, các quốc gia khác nhau lại đưa ra những định nghĩa có phần khác nhau về nhãn hiệu. Theo pháp luật Hoa Kỳ, quy định “nhãn hiệu bao gồm bất kỳ từ, tên, ký hiệu, hoặc hình ảnh hoặc sự kết hợp nào của chúng được sử dụng bởi một người hoặc một người có ý định cá nhân hoặc chân thành sử dụng nhãn hiệu trong giao dịch và đơn đăng ký-nhận dạng và phân biệt theo quy định của luật này Hàng hóa cá nhân, kể cả hàng hóa đặc biệt và hàng hóa tương tự do người khác sản xuất hoặc sao chép, kể cả khi không có khả năng truy xuất nguồn gốc; không có nhãn hiệu nào có thể phân biệt hàng hóa của người nộp đơn với hàng hóa khác, nguồn gốc của hàng hóa phải được chỉ định và từ chối đăng ký…”[6]. Khái niệm nhãn hiệu theo quy định pháp luật Hoa Kỳ được dựa trên cơ sở khái niệm nhãn hiệu theo Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1883 của WIPO và của Hiệp định TRIPS/WTO.

Đối với pháp luật của Hội đồng Châu Âu, có quy định “được công nhận là nhãn hiệu cộng đồng bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng hiện hữu dưới dạng đồ họa, các chữ cái, tên riêng, các phác họa hình ảnh, từ ngữ, các chữ số, hình dáng của hàng hóa hoặc của bao gói của hàng hóa mà các dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác[7]. Nhãn hiệu theo pháp luật EU có thể là “bất kì dấu hiệu nào có khả năng hiện hữu dưới dạng đồ họa, các chữ cái, tên riêng, các phác họa hình ảnh, từ ngữ, các chữ số, hình dáng của hàng hóa…”. Đồng thời, các dấu hiệu đó phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác nhau. Nhìn chung khái niệm nhãn hiệu theo pháp luật EU phù hợp với những quy định của WIPO và Hiệp định TRIPS/WTO. Mặc khác, cùng với việc liệt kê những yếu tố truyền thống như là tên gọi, chữ cái, hình vẽ, dấu hiệu địa lý… thì pháp luật EU đã dự liệu trước các nhân tố mới như mùi hương và âm thanh.

Ngoài ra, có thể đưa ra một khái niệm về nhãn hiệu như sau: “Nhãn hiệu là những dấu hiệu có thể nhận biết được dùng để phân biệt hàng hóa (dịch vụ) của nhà sản xuất, kinh doanh này (của nhà cung ứng dịch vụ này) với hàng hóa (dịch vụ) của nhà sản xuất, kinh doanh khác (của nhà cung ứng dịch vụ khác) và chỉ ra nguồn gốc của hàng hóa (dịch vụ)”. Khái niệm này dựa theo quan điểm của Philip Kotler, một chuyên gia hàng đầu của thế giới về nhãn hiệu: “Nhãn hiệu sản phẩm là tên, thuật ngữ, dấu hiệu, biểu tượng, hình vẽ hay sự phối hợp giữa chúng, có công dụng dùng để xác nhận hàng hóa hay dịch vụ của một người bán hay một nhóm người bán và phân biệt chúng với các hàng hóa, dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh.”

2.1.1.2. Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu

Theo pháp luật Việt Nam, điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định như sau: “Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”[8]

Như vậy, nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ phải đồng thời đáp ứng hai tiêu chí sau:

Tiêu chí bảo hộ thứ nhất, nhãn hiệu phải hội tụ đủ hai yếu tố. Thứ nhất, là các dấu hiệu có thể nhìn thấy, có thể tri giác được; thứ hai, các dấu hiệu cụ thể được xem xét là nhãn hiệu được tồn tại dưới dạng chữ cái, từ, ngữ, hình ảnh, hình vẽ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiên bằng một hay nhiều màu sắc. Theo quy định của pháp luật đặc điểm thứ nhất của nhãn hiệu là các dấu hiệu có thể nhìn thấy được, có nghĩa là con người chỉ có thể nhận thức được, nắm bắt được về chúng qua khả năng thị giác của con người. Người tiêu dùng qua quan sát, nhìn ngắm để phát hiện ra loại hàng hoá, dịch vụ có gắn với nhãn hiệu đó để lựa chọn. Theo pháp luật của một số nước trên thế giới, việc bảo hộ đối với nhãn hiệu được áp dụng đối với cả các loại nhãn hiệu là những dấu hiệu âm thanh như âm nhạc, tiết nhạc mà con người có thể nhận biết được qua thính giác hoặc nhãn hiệu là các dấu hiệu mùi hương mà con người có thể nhận biết thông qua khứu giác hay nhãn hiệu hàng hoá chỉ đơn thuần được thể hiện thông qua một màu sắc nhất định. Nhãn hiệu có thể được thể hiện thông qua các dấu hiệu chữ cái, từ, ngữ; hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc kết hợp của các yếu tố chữ cái, từ, ngữ và các dấu hiệu hình, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc. Yếu tố màu sắc là không thể thiếu được đối với nhãn hiệu hàng hóa bởi ưu điểm gây ấn tượng đối với thị giác con người, qua đó nó giúp cho nhãn hiệu thực hiện được chức năng phân biệt của mình. Luật SHTT quy định các dấu hiệu bị loại trừ khi xem xét để cấp văn bằng bảo hộ tại Điều 73, các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kì, quốc huy của các nước; biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép, ví dụ: Tên viết tắt của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hay Tổ chức thương mại thế giới (WTO) sẽ không được dùng để làm nhãn hiệu; tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và của nước ngoài; dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chúc này đăng kí các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận, ví dụ như dấu hiệu chứng nhận ISO 9000 cho các sản phẩm hàng hoá đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hay dấu hiệu CF chúng nhận cho chất lượng của các sản phẩm hàng hoá khi xuất khẩu sang thị trường các nước EU; dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Tiêu chí bảo hộ thứ hai: “Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ…”[9]. Yếu tố được hiểu là một bộ phận của dấu hiệu mà không thể hiểu là toàn bộ hay bản thân dấu hiệu đó. Quy định của điều luật chỉ đòi hỏi một hoặc một số các yếu tố thuộc dấu hiệu phải tạo nên được sự dễ nhận biết và dễ ghi nhớ của nhãn hiệu. Nhãn hiệu dễ nhận biết là nhãn hiệu bao gồm các yếu tố đủ để tác động vào nhận thức, tạo nên ấn tượng có khả năng lưu giữ trong trí nhớ hay tiềm thức của con người. Bất kì ai khi tiếp xúc với chúng đều dễ dàng tri giác và dễ ghi nhớ nhận biết về chúng khi đặt bên cạnh các loại nhãn hiệu khác. Có thể có nhiều yếu tố độc đáo không giống với những cái đã có nhưng lại có quá nhiều chi tiết phức tạp hoặc quá nhiều hình vẽ rắc rối khiến cho người tiếp cận khó nắm bắt và không thể ghi nhớ được nội dung hoặc cấu trúc của nó. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiện thuộc một trong các trường hợp sau đây: Các hình và hình hình học đơn giản không có khả năng phân biệt và gây ấn tượng cho thị giác như các hình quá phức tạp gồm nhiều đường nét rắc rối hoặc quá đơn giản như hình chữ nhật. hình tam giác, hình tròn… thường dùng trong toán học không được cách điệu hay được thể hiện thông qua các màu sắc độc đáo. Các chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ thông dụng. Ngôn ngữ thông dụng được hiểu là bất kì ngôn ngữ nào được sử dụng và được nhiều người biết đến tại Việt Nam. Hiện nay, một dấu hiệu sẽ có khả năng được đăng kí tại Cục sở hữu trí tuệ nếu dấu hiệu này thuộc ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.

Ngoại lệ được áp dụng cho các trường hợp trên: Đó là trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu. Để chứng minh được ngoại lệ này đòi hỏi người nộp đơn đăng kí nhãn hiệu phải đưa ra được các chứng cứ đầy đủ và thuyết phục.

+ Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ thuộc bất kì ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến. Những dấu hiệu, biểu tượng quy ước như 5 hình tròn lồng vào nhau là biểu tượng của các thế vận hội thể thao, hình chữ thập biểu tượng cho ngành y tế, hình cán cân công lí biểu tượng cho ngành tư pháp… sẽ không được đăng kí bảo hộ là nhãn hiệu. Những hình vẽ hay ảnh chụp của chính sản phẩm hàng hóa hay tên gọi thông thường của sản phẩm cũng không được sử dụng làm nhãn hiệu.

+ Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, tính chất, thành phẩm, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ. Thực chất đây chỉ là các dấu hiệu có chức năng thông tin về các vấn đề cần thiết liên quan đến quá trình sử dụng sản phẩm mà hoàn toàn không có chức năng phân biệt bởi nhiều khi hàng hóa cùng loại của các cơ sở sản xuất khác nhau cũng có thể có cũng công dụng, tính chất, thành phần. Tuy nhiên, có một ngoài lệ là nếu các dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng kí nhãn hiệu thì cũng sẽ được chấp nhận làm nhãn hiệu.

+ Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lí, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh.

+ Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lí của sản phẩm, dịch vụ trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và được thừa nhận rộng rãi hoặc được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.

+ Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lãn với nhãn hiệu đã được đăng kí cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đăng kí có ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng kí được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng kí nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Dấu hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của các loại hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự; hay nhãn hiệu của các loại hàng hóa, dịch vụ không trùng hoặc không tương tự nhưng có khả năng làm tổn hại đến khả năng phân biệt hay uy tín của các loại nhãn hiệu đó.

Việc xác định một nhãn hiệu có trùng với một nhãn hiệu khác hay không chúng ta chỉ cần xem xét là chúng có phải là bản photocopy y nguyên của nhau hay không, điều đó không khó khăn. Nhưng để xác định tính tương tự tới mức gây nhầm lẫn giữa các loại nhãn hiệu với nhau đôi khi là một công việc khá phức tạp. Có thể có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng gây ra nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu nhưng cũng có khi không yếu tố nào được coi là có tính quyết định hơn yếu tố nào. Việc đưa ra tiêu chuẩn hay đáp số chung cho mọi trường hợp để xác định tính tương tự có khả năng gây nhầm lẫn là công việc không thể do đặc điểm riêng biệt của mỗi trường hợp là khác nhau. Tuy nhiên, có thể tham khảo một số tiêu chí sau đây để xác định tính tương tự gây nhầm lẫn giữa hai hay nhiều nhãn hiệu (các tiêu chí này không phải sắp xếp theo thứ tự quan trọng): Sự tương tự về cấu trúc (như thêm các thành phần thứ yếu không có khả năng phân biệt vào một nhãn hiệu đã tồn tại từ trước hoặc ngược lại loại bỏ hay thay đổi thành phần thứ yếu của nhãn hiệu khác để làm thành nhãn hiệu của mình); ý nghĩa và hình thức thể hiện của các nhãn hiệu; sự tương tự về bản chất, phương thức lưu thông (kênh thương mại) trên thị trường của các loại nhãn hiệu; mức độ nổi tiếng của một trong các nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn; tổng thể các yếu tố khác có liên quan đến các loại nhãn hiệu này (xem xét về sự thỏa thuận giữa người nộp đơn đăng kí dấu hiệu như một nhãn hiệu với chủ sở hữu của một nhãn hiệu sẵn có).

Như vậy, thứ nhất, nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của các hàng hóa và dịch vụ trùng hoặc tương tự trong các trường hợp sau:

+ Nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường họp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

+ Nhãn hiệu mà giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu đó đã hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực bảo hộ nhưng thời gian tính từ khi hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực chưa quá 5 năm, trừ trường hợp hiệu lực bị đình chỉ vì lí do nhãn hiệu không được sử dụng;

+ Nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng, thậm chí trong cả trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng đó được đăng kí cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng kí nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng. Ví dụ, một người xin nộp đơn đăng kí nhãn hiệu Nokia cho các sản phẩm đồ gia dụng cũng không được chấp nhận mặc dù nó không trùng hay tương tự với các sản phẩm điện thoại của nhãn hiệu nổi tiếng Nokia.

Thứ hai, nhãn hiệu bi coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự với các đối tượng sở hữu công nghiệp sau:

+ Tên thương mại đang được sử dụng của người khác nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

+ Chỉ dẫn địa lí đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lí của hàng hóa. Đặc biệt, đối với các chỉ dẫn địa lí được đăng kí để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh thì các dấu hiệu trùng hoặc có chứa chỉ dẫn địa lí đó hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lí đó cũng không được chấp nhận nếu dấu hiệu được đăng kí để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xử từ khu vực địa lí mang chỉ dẫn địa lí đó;

+ Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn.

2.1.1.3. Phân loại nhãn hiệu

Việc phân loại nhãn hiệu thành có nghĩa rất quan trọng cả về lý luận cũng như thực tiễn. Thứ nhất, nó cho phép xác định đặc trưng của một loại nhãn hiệu mà thông qua đó ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận và ghi nhớ nhãn hiệu của người tiêu dùng, tới khả năng đăng ký và được chấp nhận BHNH đó. Thứ hai, nó ảnh hưởng tới việc quy định chế độ pháp lý đối với từng loại nhãn hiệu, phân biệt nhãn hiệu với các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp như kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại. Thực tế, nhãn hiệu có thể được phân loại theo một số tiêu chí như sau:

– Theo hình thức, có các loại nhãn hiệu như: nhãn hiệu từ ngữ; nhãn hiệu chữ cái và số; nhãn hiệu là hình vẽ, hình ảnh; nhãn hiệu hình khối; nhãn hiệu kết hợp (chữ, hình, hình khối, số…); và nhãn hiệu đặc biệt (nhãn hiệu mùi, âm thanh, ánh sáng…).

+ Nhãn hiệu từ ngữ là nhãn hiệu mà trong thành phần của nhãn hiệu chứa đựng các dấu hiệu là từ ngữ, là sự kết hợp giữa các chữ cái tạo thành một từ có nghĩa hoặc được trình bày thành một cụm từ, một câu… sự kết hợp này có thể được trình bày dưới dạng thông thường hoặc dạng cách điệu. Có thể thấy, nhãn hiệu từ ngữ có khả năng được bảo hộ mạnh hơn so với các nhãn hiệu khác. Bởi các nhãn hiệu từ ngữ thường dễ cảm nhận, dễ ghi nhớ hơn thông qua thính giác, thị giác của người tiếp xúc. Thứ hai, việc tạo ra các nhãn hiệu từ ngữ là không hạn chế do khả năng sắp xếp kết hợp giữa các chữ cái thành các tổ hợp từ, cụm từ, câu. Thứ ba, việc đăng ký nhãn hiệu là từ ngữ, có thể thể hiện được nhiều hơn ý tưởng của chủ sở hữu nhãn hiệu cho các hàng hóa và dịch vụ mà mình cung ứng ra thị trường. Và cuối cùng, việc đăng ký nhãn hiệu là từ ngữ, còn có lợi thế lớn hơn trong quá trình quảng cáo, đưa hàng hóa, dịch vụ ra thị trường bằng các kênh thông tin khác nhau.

+ Nhãn hiệu chữ cái và số: Loại nhãn hiệu này có thể là sự kết hợp của các chữ cái riêng lẻ, hoặc những con số, hoặc là sự kết hợp của cả phần chữ và phần số. Loại này cũng khá phổ biến trong quá trình đăng ký BHNH. Các thành phần này có thể được trình bày cách điệu thành các dòng khác nhau, hoặc được trình bày trên cùng một dòng, với kích cỡ như nhau, hoặc khác nhau, tùy theo ý tưởng của chủ sở hữu nhãn hiệu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhãn hiệu chữ cái phải bao gồm tử ba chữ cái trở lên, hoặc từ hai chữ cái, nhưng phải đọc được thành từ hoặc phải được trình bày cách điệu dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác. Ngoài ra, nếu nhãn hiệu là sự sắp xếp, kết hợp của một dãy dài các ký tự hoặc các từ ngữ không thể nhận biết, hoặc ghi nhớ được thì cũng không có khả năng phân biệt, do đó cũng không thể đăng ký làm nhãn hiệu.

+ Nhãn hiệu là hình vẽ, hình ảnh: là những nhãn hiệu mà chủ yếu được cảm nhận thông qua thị giác, và được trình bày theo chiều hướng nghệ thuật. Loại nhãn hiệu này có thể là hình vẽ của các con vật, đồ vật được tiếp xúc hàng ngày, hoặc là hình ảnh được trình bày trên mặt phẳng, là sự kết hợp của các đường nét, màu sắc…. Loại này cũng khá phổ biến và có ưu thế lớn trong việc quảng cáo hướng tới người tiêu dùng.

+ Nhãn hiệu hình khối: là nhãn hiệu được hình thành thông qua việc kết hợp các đường nét và màu sắc trên không gian 3 chiều. Loại nhãn hiệu này cũng có tính phân biệt tương đối cao. Điển hình cho loại nhãn hiệu này có thể thấy như hình dáng chai “COCA-COLA” của Công ty Coca-cola hay hình ngôi sao 3 cánh nổi trong vòng tròn của MERCEDES.

+ Nhãn hiệu kết hợp: là một nhãn hiệu được tạo ra trên cơ sở kết hợp các yếu tố về từ ngữ, chữ cái, chữ số và các yếu tố hình ảnh, hình khối. Thông thường, nhãn hiệu kết hợp sẽ được tạo ra từ phần từ ngữ và phần hình ảnh, trong đó phần từ ngữ và phần hình ảnh thường minh họa cho nhau, có tác dụng bổ trợ nhau, tạo nên khả năng phân biệt cho nhãn hiệu. Theo như hướng dẫn tại mục 39.6 Thông tư 01-2007: “Một dấu hiệu kết hợp được coi là có khả năng phân biệt khi dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình kết hợp thành một tổng thể có khả năng phân biệt, cụ thể:

a) Dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình đều có khả năng phân biệt và tạo thành tổng thể có khả năng phân biệt;

b) Thành phần mạnh của nhãn hiệu (yếu tố tác động mạnh vào cảm giác người tiêu dùng, gây chú ý và ấn tượng về nhãn hiệu khi quan sát) là dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình có khả năng phân biệt, mặc dù thành phần còn lại không có hoặc ít có khả năng phân biệt;

c) Trường hợp dấu hiệu kết hợp gồm các dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng cách thức kết hợp độc đáo của các dấu hiệu đó tạo ra một ấn tượng riêng biệt thì tổng thể kết hợp đó vẫn được coi là có khả năng phân biệt;

d) Dấu hiệu kết hợp gồm các thành phần chữ và hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng tổng thể kết hợp đó đã đạt được khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng theo quy định tại điểm 39.5 của Thông tư này.”

+ Nhãn hiệu đặc biệt: là các nhãn hiệu như mùi, âm thanh, ánh sáng. Nếu các nhãn hiệu từ ngữ , hình ảnh thông thường thường được cảm nhận thông qua thính giác và thị giác của con người, thì các nhãn hiệu đặc biệt lại được cảm nhận bằng các giác quan khác như thính giác, vị giác, khứu giá. Hiện tại các loại nhãn hiện và vẫn chưa được chấp nhận bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Theo mức độ nổi tiếng, có nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu nổi tiếng:

+ Nhãn hiệu thông thường là loại nhãn hiệu được bảo hộ và sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, và có số lượng người tiêu dùng biết đến hạn chế hơn, có thể chỉ tính trong phạm vi ngành nghề, hoặc trong lĩnh vực nhất định.

+ Nhãn hiệu nổi tiếng “là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.[10]

– Theo số lượng chủ thể của nhãn hiệu, có nhãn hiệu cá nhân, nhãn hiệu tập thể:

+ Nhãn hiệu cá nhân: là nhãn hiệu do cá nhân làm chủ sở hữu. Khái niệm cá nhân được hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể…

+ Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu thuộc sở hữu của tập thể, “là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó”.[11]

– Theo tính chất của nhãn hiệu, có nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu chứng nhận:

+ Nhãn hiệu thường: là nhãn hiệu do một chủ thể đăng ký, dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của chủ thể này với chủ thể khác.

+ Nhãn hiệu liên kết: “là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.”[12]

+ Nhãn hiệu chứng nhận: “là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.”[13]

2.1.2. Khái niệm, đặc điểm của nhãn hiệu mùi hương

Mùi hương cũng là một dấu hiệu vì nó truyền tải thông tin qua đường khứu giác. Mùi hương là loại dấu hiệu được đánh giá có khả năng tạo ra sự phân biệt tốt nhất trong các loại nhãn hiệu vì nó có thể tác động được tới hầu hết người tiêu dùng bao gồm cả người khiếm thị (không nhận tác động bởi nhãn hiệu hữu hình) và người khiếm thính (không tác động bằng nhãn hiệu âm thanh). Các báo cáo khoa học cho thấy khả năng ghi nhớ mùi hương là một trong những loại trí nhớ mạnh nhất và đáng tin cậy nhất của con người. Vì vậy, các mùi hương đặc biệt có thể giúp người tiêu dùng định vị một số sản phẩm thông qua khứu giác, ngay cả khi họ không nhớ tên sản phẩm. Và ngay cả khi người tiêu dùng không có khả năng mô tả bản chất của mùi bằng từ ngữ thì mùi hương có thể giúp xác định sản phẩm đơn giản bằng cách kích thích tiềm thức ghi nhận qua khứu giác của họ. Tuy vậy, do gặp hạn chế về khả năng sử dụng, đặc biệt trong quảng cáo, lan truyền và tiếp cận người tiêu dùng nên nhãn hiệu mùi được bảo hộ hiện nay chỉ có số lượng khiêm tốn.[14]

Nhãn hiệu mùi là một loại NHPTT, là loại nhãn hiệu nhận biết bằng khứu giác. Nhãn hiệu mùi có thể được cấu tạo từ các mùi tự nhiên như mùi hoa hoa hồng, mùi cỏ tươi… Trong cuộc sống thường nhật, người tiêu dùng có thể không nhớ tên gọi của sản phẩm, nhưng lại có thể dựa vào một đặc trưng nào đó của sản phẩm như hình dạng, bao bì, màu sắc, thậm chí là mùi hương để nhận biết sản phẩm. Mặc dù người tiêu dùng không thể dùng từ ngữ chuẩn xác để mô tả mùi hương nhưng trong kí ức có thể nhớ được mùi nào đó có liên quan đến sản phẩm.

Vì giữa mùi hương và kí ức có mối liên hệ đặc biệt nên cùng với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật và phát triển kinh tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn vượt ra khỏi mô hình BHNH truyền thống, muốn sử dụng mùi hương làm một công cụ để quảng bá hoạt động kinh doanh. Là một trong những chiến lược tiếp thị, nhà sản xuất thường thêm mùi hương vào sản phẩm để sản phẩm có sự hấp dẫn hơn, ví dụ như giấy, bút chì, tẩy… Mấy năm trở lại đây ngày càng có nhiều nước chấp nhận bảo hộ loại nhãn hiệu này. Do tính chất đặc biệt của mùi nên so với các loại NHPTT khác, nhãn hiệu mùi tồn tại khá nhiều vấn đề.[15]

2.1.3. Một số ví dụ về nhãn hiệu mùi hương

– Nhãn hiệu là một mùi hương của kẹo cao su bong bóng (Đăng ký nhãn hiệu số 2560618 tại Hoa Kỳ cho dầu tạo bởi chất lỏng cắt kim loại và dầu tạo bởi kim loại loại bỏ chất lỏng cho kim loại công nghiệp làm việc);

– Hương thơm của hoa đại (Nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Hoa Kỳ dành cho sản phẩm chỉ khâu và sợi thêu);

– Nhãn hiệu bao gồm mùi hương của quả nho (Đăng ký nhãn hiệu số 2568512 tại Hoa Kỳ cho chất bôi trơn và nhiên liệu động cơ cho xe cộ, máy bay và tàu thủy);

– Nhãn hiệu bao gồm mùi hương của quả dâu tây (Đăng ký nhãn hiệu số 2596156 tại Hoa Kỳ cho chất bôi trơn và nhiên liệu động cơ cho xe cộ, máy bay và tàu thủy);

– Mùi cỏ mới cắt (Đăng ký nhãn hiệu số 428870 tại Châu Âu cho bóng tennis);

– Mùi hương của loài hoa làm liên tưởng đến hoa hồng (Đăng ký nhãn hiệu số 2001416 tại Anh cho lốp xe);

– Mùi hương bia đắng nồng (Đăng ký nhãn hiệu số 200234 tại Anh cho phi tiêu).[16]

2.2. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG

2.2.1. Khái quát về nhãn hiệu phi truyền thống

Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) đã phân loại nhãn hiệu thành 2 loại chính là nhãn hiệu truyền thống (conventional trademark) và nhãn hiệu phi truyền thống (non-conventional trademark). Hiệp định TRIPS tuy quy định tương đối rộng về nhãn hiệu nhưng không trực tiếp để cập đến khái niệm nhãn hiệu phi truyền thống (NHPTT). Năm 1994, khi xây dựng Hiệp ước luật nhãn hiệu, WIPO đã đề cập đến NHPTT, tuy nhiên quy định còn tương đối đơn giản, chỉ đề cập đến một số vấn đề về thủ tục đăng ký nhãn hiệu màu sắc và nhãn hiệu ba chiều.

Dù không nêu cụ thể thế nào là NHPTT nhưng pháp luật của một số quốc gia phát triển đã đề cập đến âm thanh, mùi hương – những dấu hiệu được xem là phi truyền thông. Ví dụ như trong Bộ Luật SHTT Cộng hòa Pháp quy định tại Điều L.711-1: “những dấu hiệu âm thanh như: âm thanh, câu nhạc, những dấu hiệu hình như: hình vẽ, nhãn hiệu, con dấu, biên vải (lisière), hình nổi (relief), hình ảnh ba chiều (hologramme), logo, hình ảnh tổng hợp, hình dáng, kể cả hình dáng của sản phẩm hoặc hình dáng bao bì đóng gói hoặc dịch vụ, cách sắp xếp màu sắc, phối hợp màu sắc hoặc phối hợp sắc thái màu sắc”[17]. Cũng cần lưu ý rằng, Bộ Luật SHTT Cộng hòa Pháp đã được sửa đổi ngày 13/11/2019, có hiệu lực từ ngày 13/12/2019 (nội dung không thay đổi so với bản tiếng Anh đã trích dẫn trên). Từ những quy định trên, có thể khái quát về NHPTT như sau: NHPTT là bất kỳ loại nhãn hiệu mới nào không thuộc danh mục nhãn hiệu thông thường đã có từ trước (ví dụ: bao gồm các chữ cái, chữ số, từ, logo, hình ảnh, biểu tượng hoặc kết hợp của một hoặc nhiều yếu tố này) nhưng vẫn có thể đáp ứng được điều cần thiết của nhãn hiệu là khả năng phân biệt. Căn cứ vào dấu hiệu nhận biết bằng thị giác, có thể phân loại NHPTT thành 2 loại sau: NHPTT có thể nhận biết bằng thị giác (bao gồm nhãn hiệu ba chiều, nhãn hiệu màu, nhãn hiệu động và NHPTT không nhận biết được bằng thị giác (bao gồm nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác và nhãn hiệu nhận biết bằng xúc giác).[18]

Mỗi loại NHPTT đều có một đặc thù riêng, có loại còn mang tính kỹ thuật cao và không áp dụng cho những sản phẩm thông thường. Nhu cầu sử dụng cũng như bảo hộ NHPTT ở một mức độ nhất định phụ thuộc vào trình độ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nhận thức của người tiêu dùng ở quốc gia đó. Sự phát triển, lan truyền một cách nhanh chóng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và hoạt động thương mại quốc tế dẫn tới các nước ngày càng quan tâm đến các loại hình NHPTT.

2.2.2. Khái niệm bảo hộ nhãn hiệu mùi hương

Mặc dù chưa có một văn bản pháp lý nào định nghĩa khái niệm “BHNH mùi hương”, tuy nhiên dựa trên khái niệm bảo hộ – là khái niệm dùng để chỉ hoạt động của Nhà nước trong việc xác lập và bảo vệ các quan hệ xã hội phát sinh, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa “bảo vệ nhãn hiện mùi hương” như sau:

BHNH mùi hương là hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu mùi, quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan, đồng thời xác định những hành vi bị coi là xâm phạm và quy định các biện pháp xử lý các hành vi xâm phạm đó.

Theo định nghĩa trên, việc BHNH mùi hương là hoạt động của Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc bảo hộ này bắt đầu từ hoạt động xây dựng, ban hành pháp luật của Nhà nước. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Nhà nước ban hành các quy định về các điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu mùi, cách thức xác lập quyền, xác định hành vi bị coi là xâm phạm, các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm, đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Thông qua hoạt động BHNH mùi hương, quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan được đảm bảo.

Như vậy, nói đến BHNH mùi hương là nói đến hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện ngay cả khi không có hành vi xâm phạm nhãn hiệu mùi xảy ra trên thực tế.

2.2.3. Sự cần thiết phải bảo hộ nhãn hiệu mùi hương

Ngày nay, cùng với xu thế toàn cầu hóa, các nhà sản xuất đã và đang không ngừng sáng tạo, đổi mới những phương thức nhận diện và BHNH của mình. Theo đó, việc phân biệt các sản phẩm, dịch vụ giữa chủ sở hữu này với chủ sở hữu khác đã được thực hiện không chỉ bằng cách tạo dựng các nhãn hiệu truyền thống mà còn được mở rộng hướng đến sử dụng NHPTT), bao gồm: mùi, âm thanh, hình ảnh động… Khác biệt với những NHPTT khác, nhãn hiệu mùi hương thể hiện đặc trưng thông qua việc sử dụng mùi hương để giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt hàng hóa và dịch vụ giữa các chủ sở hữu hàng hóa, dịch vụ khác nhau ngay cả khi khách hàng không nhớ tên sản phẩm đó. Bên cạnh đó, nhãn hiệu mùi hương góp phần tạo lợi thế độc quyền cho chủ sở hữu thông qua việc ngăn chặn chủ thể khác đăng ký và sử dụng các nhãn hiệu tương tự.

NHPTT nói chung và nhãn hiệu mùi hương nói riêng được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ họ khuếch trương uy tín, hình ảnh và gia tăng tài sản sở hữu trí tuệ của mình, từ đó tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao công tác sáng tạo, tìm ra những mùi hương độc đáo kết hợp với phát triển chất lượng sản phẩm, dịch vụ, bởi lẽ mùi hương có chức năng khơi gợi cảm xúc và tác động đến nhận thức của người tiêu dùng giúp họ phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của nhà sản xuất này với nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của việc đăng ký nhãn hiệu mùi hương, việc BHNH này cũng sẽ mang lại thách thức cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhãn hiệu.[19]

2.2.4. Tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu mùi hương

            – Dấu hiệu mùi có khả năng phân biệt.

Về mặt nguyên tắc, khi một nhãn hiệu muốn được bảo hộ trước hết nó phải đạt được tính phân biệt, đối với nhãn hiệu mùi cũng không nằm ngoài nguyên tắc chung này. Tuy nhiên, nhãn hiệu mùi có những đặc điểm đặc thù, do đó không phải tất cả các tiêu chí của nhãn hiệu thông thường đều có thể được áp dụng được với loại nhãn hiệu này. Quy định pháp lý và thực tiễn thẩm định đơn nhãn hiệu mùi ở các nước có chấp nhận loại bảo hộ cho thấy những tiêu chí BHNH mùi cũng có nhiều vấn đề đặt ra.

Như đã đề cập ở trên, giống như nhãn hiệu thông thường, dấu hiệu mùi phải có khả năng phân biệt, đó là một điều kiện rất quan trọng khi đăng ký BHNH mùi vì nhãn hiệu chính là công cụ để nhận diện và chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Khả năng phân biệt thì có hai dạng là khả năng phân biệt tự thân và khả năng phân biệt thông qua sử dụng.

Khả năng phân biệt tự thân được hiểu là nhãn hiệu có tính độc đáo, để có thể thực hiện vai trò phân biệt giữa các hàng hóa, dịch vụ. Như vậy dấu hiệu mùi hương phải là một cái gì đó đặc biệt được thêm vào hàng hoá để giúp phân biệt hàng hóa của người này với hàng hóa người khác thông qua khứu giác. Ví dụ như trường hợp của công ty Vennootschap Onder Firma Senta Aromatic Marketing (Hà Lan), đã đăng ký nhãn hiệu mùi “Mùi của cỏ tươi mới cắt” cho hàng hóa, cụ thể là, bóng tennis cho nhóm 28. Dấu hiệu “mùi cỏ tươi mới cắt” được xem là mùi riêng biệt mà tất cả mọi người đều ngay lập tức nhận ra khi gắn nó lên bóng tennis.

Trường hợp thứ hai là nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đạt được khả năng phân biệt thông qua sử dụng. Nếu chủ đơn chứng minh được việc người tiêu dùng đã quen thuộc với mùi hương gắn trên sản phẩm và có thể dựa vào đó để phân biệt với sản phẩm của người khác, thì lúc này dấu hiệu mùi hương đó được bảo hộ là nhãn hiệu

            – Đánh giá dấu hiệu mùi không có khả năng phân biệt.

Các quy định về BHNH mùi dần được hoàn thiện qua từng vụ việc trong thực tiễn của các nước. Từ thực tiễn BHNH mùi tại Hoa Kỳ và Châu Âu cho thấy một số dấu hiệu mùi hương sẽ bị loại trừ bảo hộ với các lý do sau đây:

+ Mùi hương tự nhiên của sản phẩm. Có nghĩa là những mùi mang tính công năng của sản phẩm, là một đặc tính cần thiết của hàng hóa ví dụ nước hoa, xà phòng, nước tẩy rửa, nước xịt phòng. Những mùi hương này là một đặc tính cần thiết của hàng hoá, và như vậy rõ ràng là không có tính phân biệt, vì vậy không thể được BHNH.

+ Mùi hương che giấu mang tính chức năng. Trong trường hợp sản phẩm có mùi gây khó chịu cho người tiêu dùng, thì việc thêm mùi hương cho sản phẩm chỉ là nỗ lực của doanh nghiệp làm cho mùi của hàng hóa trở nên dễ chịu hơn. Mùi hương chỉ là một sự cải tiến cho hàng hóa, chứ không phải là dấu hiệu có tính chức năng là một chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của hàng hóa và có khả năng phân biệt.

+ Mùi hương phổ biến trong hoạt động thương mại. Với một loại hàng hóa có mùi hương không phải là mùi tự nhiên của sản phẩm, tuy nhiên người tiêu dùng đã nhận thức rằng đây là mùi đương nhiên mà sản phẩm có do hầu hết các nhà sản xuất đều sử dụng mùi hương này. Do đó việc bổ sung mùi hương sẽ không có hoặc có ít tác dụng gây ấn tượng cho người tiêu dùng về mùi tổng thể của các loại hàng hóa.

Ví dụ: Năm 2002, Công ty N.V. Organon (Hà Lan) đã nộp đơn đăng ký “mùi cam” làm nhãn hiệu cho “dược phẩm dùng cho người, cụ thể là, thuốc chống trầm cảm chứa những viên hòa tan nhanh chóng và thuốc” tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, USPTO đã từ chối đăng ký mùi trên làm nhãn hiệu nêu trên với lý do: hương vị cam là một phụ gia phổ biến và ưa thích dùng cho dược phẩm uống qua đường miệng giúp cho sản phẩm trở nên dễ uống hơn, làm tăng sự hài lòng của người bệnh. Do tần suất sử dụng hương vị này bởi nhiều công ty nên người tiêu dùng sẽ không biết được hương vị này chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của sản phẩm.

Ngoài ra, trong thực tế cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu mùi, cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đều chưa xem xét đến vụ việc đăng ký nhãn hiệu mùi gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mùi đã được đăng ký trước đó.

Như vậy, vấn đề tiêu chuẩn đánh giá khả năng BHNH mùi của các quốc gia có thể khái quát lại những vấn đề chính đó là: “Dấu hiệu mùi khi được xem xét để bảo hộ phải là (i) mùi riêng biệt mà người tiêu dùng ngay lập tức có thể nhận ra được; (ii) mùi đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng trên thị trường; (iii) một mùi không mang tính tự nhiên hay tính chức năng, nghĩa là không phải là mùi tự nhiên của sản phẩm hay mùi do chức năng, công dụng hay chất lượng của sản phẩm tạo ra thì có thể chấp nhận đăng ký.”[20]

2.2.5. Hình thức thể hiện của nhãn hiệu mùi hương

Một trong những yêu cầu khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, đó là dấu hiệu mùi phải được thể hiện dưới dạng nhất định để có thể thực hiện đăng bạ công khai. Việc thể hiện phải ở dưới dạng truyền tải được thông tin đến người bình thường có thể xác định được đúng nhãn hiệu. Tuy nhiên, thể hiện dấu hiệu mùi khi đăng ký nhãn hiệu là việc không hề đơn giản vì mùi hương sẽ không giữ được lâu và mỗi một người sẽ có một cảm nhận khác nhau.

Trước đây, Châu Âu đã yêu cầu dấu hiệu mùi phải có khả năng thể hiện dưới dạng hình họa. Điều này đã làm cho việc đăng ký BHNH mùi ở Châu Âu rất khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay quy định này cũng đã được bài bỏ. Thay vào đó, yêu cầu thể hiện dấu hiệu mùi đã được quy định mở: dấu hiệu được thể hiện trong đăng bạ theo cách thức mà cơ quan có thẩm quyền hoặc công chúng có thể xác định đối tượng được bảo hộ một cách rõ ràng và chính xác.

Trong khi đó Hoa Kỳ và Úc chỉ yêu cầu nộp bản mô tả chi tiết về nhãn hiệu. Đây có thể là lý do số lượng nhãn hiệu mùi được đăng ký bảo hộ ở Hoa Kỳ nhiều hơn so với Châu Âu.[21]

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG THEO LUẬT QUỐC TẾ VÀ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

3.1. NGUỒN LUẬT QUỐC TẾ VỀ  BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG

3.1.1. Khái niệm nguồn luật

Nguồn pháp luật là một vấn đề lý luận được nghiên cứu và cũng là một vấn đề thực tiễn hiện đang rất được quan tâm ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong truyền thống ở Việt Nam, các quan điểm về nguồn pháp luật chưa có sự thống nhất về mặt nhận thức.

Có quan điểm cho rằng: “…hệ thống pháp luật là một khái niệm chung bao gồm hai mặt trong một chỉnh thể thống nhất là hệ thống cấu trúc (bên trong) và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (hệ thống nguồn của pháp luật).”[22] Theo quan điểm này, việc xác định nguồn thậm chí chỉ là văn bản quy phạm pháp luật – một hình thức cụ thể của pháp luật, trong khi đó văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ được xác định là một loại nguồn pháp luật mà thôi.

Một quan điểm khác cho rằng: “nguồn của pháp luật là khái niệm dùng để chỉ tất cả những gì mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế. Hoặc nói cách khác, nguồn pháp luật là tất cả các căn cứ được chủ thể có thẩm quyền sử dụng để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trên thực tế. Như vậy, nguồn của pháp luật gồm có nguồn nội dung và nguồn hình thức…”[23] Ngoài việc xác định có nguồn nội dung, tác giả của quan điểm này còn xác định cụ thể hơn: “Nguồn hình thức của pháp luật được hiểu là phương thức tồn tại của các quy phạm pháp luật trong thực tế hay là nơi chứa đựng, nơi có thể cung cấp các quy phạm pháp luật, tức là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc phát lý xảy ra trên thực tế.”

Một quan điểm khác cụ thể và mở rộng hơn nguồn pháp luật: “Hình thức bên ngoài hay nguồn của pháp luật gồm có các văn bản pháp luật (kể cả các văn bản quy phạm pháp luật), các hiệp ước quốc tế, tập quán và tục lệ quốc tế, các hợp đồng (khế ước), luật tục, án lệ, những quy định của luật tôn giáo (chẳng hạn luật Hồi giáo), các học thuyết khoa học pháp lý.”[24]

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm xác định: “pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể. Với cách tiếp cận này, pháp luật chính là thứ chuẩn mực xã hội, là thước đo của hành vi được hình thành bằng con đường nhà nước và mang tính quyền lực nhà nước” và “… bộ phận cốt lõi, không thể thiếu của hệ thống pháp luật cũng là pháp luật (toàn bộ các quy định pháp luật chứa trong các nguồn luật, được sắp xếp thành những cấu trúc khác nhau theo trật tự nhất định)…”[25]

3.1.2. Các nguồn luật quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương

3.1.2.1. Các điều ước quốc tế

Hiệp định TRIPS 1994 về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT ra đời đã nêu rõ khái niệm nhãn hiệu theo Khoản 1 Điều 15 như sau: “Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc hợp dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp các sắc màu cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa”. Định nghĩa không hạn chế các loại dấu hiệu có thể cấu thành nhãn hiệu, chỉ yêu cầu dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt. Hiệp định TRIPS cũng cho phép các thành viên có thể quy định về nhãn hiệu không phải là dấu hiệu nhìn thấy được, có nghĩa là các dấu hiệu cấu thành nên nhãn hiệu có thể là các loại dấu hiệu nhận biết được bằng các giác quan khác ngoài thị giác. Như vậy, với cách ghi nhận khái niệm nhãn hiệu khái quát và mềm dẻo của mình, Hiệp định TRIPS dành quyền quyết định cho các Thành viên. Các quốc gia Thành viên đều có thể lựa chọn BHNH mùi hương hay không tùy thuộc vào điều kiện pháp luật của từng quốc gia. Trên cơ sở này, trong các hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, loại nhãn hiệu mới này đã góp phần trong việc tạo ra một hình thức quảng bá và chiến lược quảng cáo mới làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về nhãn hiệu của các nhà sản xuất, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đưa ra khái niệm về nhãn hiệu như sau: “Nhãn hiệu được hiểu là một dấu hiệu đặc trung để chỉ rõ một loại hàng hóa hay một loại dịch vụ nào được một cá nhân hay doanh nghiệp nhất định sản xuất hay cung cấp”. Theo định nghĩa này, WIPO cho rằng nhãn hiệu ngoài chức năng là phân biệt các loại hàng hóa hay dịch vụ thì còn là dấu hiệu xác định nhà sản xuất hay cung cấp loại dịch vụ đó.

Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu (Singapore Treaty on the Law of Trademarks) được thông qua tại Singapore ngày 27/3/2006 của WIPO đã áp dụng cho tất cả các loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu của các bên ký kết Chi tiết hướng dẫn thi hành Hiệp ước này quy định các loại nhãn hiệu có thể được đăng ký bảo hộ bao gồm nhãn hiệu ba chiều, nhãn hiệu màu sắc, nhãn hiệu hologram, nhãn hiệu động, nhãn hiệu vị trí và các loại nhãn hiệu không nhận biết bằng thị giác. Các loại nhãn hiệu không nhận biết bằng thị giác thường là nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi vị. Hiệp ước quy định cho phép các bên ký kết đăng ký nhãn hiệu là tất cả các loại dấu hiệu không bị cấm trong Công ước Paris, ngoài ra “Các quy định theo Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu” còn liệt kê cụ thể 6 loại NHPTT được áp dụng. Hiệp ước này cũng không bắt buộc các bên ký kết phải thực hiện nghĩa vụ bảo hộ tất cả các loại NHPTT, mà tại Điều 29 của Hiệp ước quy định, bất kỳ quốc gia hay tổ chức phi chính phủ nào cũng có thể áp dụng quy định về bảo lưu phạm vi bảo hộ các loại NHPTT. Như vậy , có thể thấy pháp luật quốc tế đã có những phát triển trong nhận thức đối với vấn đề NHPTT nói chung và nhãn hiệu mùi nói riêng.

3.1.2.2. Các Hiệp định đa phương mà Việt Nam là thành viên

Tại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) , Chương 18 có quy định về nhãn hiệu thương mại (tương đương với nhãn hiệu, tên thương mại theo pháp luật Việt Nam) dưới góc độ đối tượng được bảo hộ nội dung sau: ngoài các đối tượng truyền thống, CPTPP còn mở rộng ra cả âm thanh, và khuyến khích các nước bảo hộ cả mùi; đối với tất cả các đối tượng được bảo hộ, không bắt buộc phải là dấu hiệu nhìn thấy được. Khác với quy định của Hiệp định TRIPs, Hiệp định CPTPP yêu cầu quốc gia tham gia không thể chỉ giới hạn phạm vi bảo hộ đối với các dấu hiệu có thể nhìn thấy mà đòi hỏi tối thiểu là phải bảo hộ đối với nhãn hiệu âm thanh. Còn nhãn hiệu mùi hương được xem như sự khuyến khích bảo hộ và không bắt buộc đối với các quốc gia thành viên do việc BHNH mùi hương đòi hỏi những yêu cầu cao hơn, khó khăn hơn so với việc BHNH âm thanh. Về việc phải BHNH thương mại dưới hình thức âm thanh, Việt Nam chỉ phải thực hiện nghĩa vụ này sau 3 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh một số điều trong Luật Sở hữu trí tuệ để phù hợp với Hiệp định CPTPP. Về thời gian bảo hộ, CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải BHNH thương mại tối thiểu là 10 năm, và có thể được gia hạn nhiều lần, tương tự như pháp luật Việt Nam hiện hành.[26]

3.2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG

Do gặp hạn chế về khả năng sử dụng, đặc biệt trong quảng cáo, lan truyền và tiếp cận người tiêu dùng nên nhãn hiệu mùi được bảo hộ hiện nay chỉ có số lượng khiêm tốn. Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận BHNH mùi trong định nghĩa tổng thể về nhãn hiệu, nhưng không có bất kỳ hướng dẫn chi tiết về việc bảo hộ ngay từ đầu. Một số ít quốc gia có hướng dẫn chi tiết như Hoa Kỳ, Australia, EU… đều xuất phát từ thực tiễn các vụ từ chối bảo hộ của cơ quan nhãn hiệu và các khiếu nại của người nộp đơn. Về điều kiện bảo hộ mùi hương, có rất ít đơn đăng ký BHNH mùi trên thế giới có thể vượt qua giai đoạn thẩm định hình thức (EU, UK) và vượt qua cả thẩm định hình thức và nội dung (US, Australia, New Zealand…) để được cấp bảo hộ. US hiện đang dẫn đầu về số lượng bảo hộ với khoảng hơn 10 nhãn hiệu mùi hương kể từ năm 1990, Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) từng chấp thuận bảo hộ 02 nhãn hiệu nhưng hiện tại chỉ còn 1 nhãn hiệu mùi có hiệu lực, cơ quan nhãn hiệu UK (UKIPO) chấp thuận bảo hộ 2 nhãn hiệu mùi hương, cơ quan nhãn hiệu Australia (IP Australia) sau khi từ chối bảo hộ tới 05 nhãn hiệu mùi từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn chỉ có duy nhất 1 nhãn hiệu mùi được chấp thuận bảo hộ vào năm 2009… Vì các quốc gia nêu trên đều theo hệ thống Thông luật nên việc xem xét khả năng một yêu cầu BHNH mùi thường bị ảnh hưởng bởi các phán quyết có trước của các cơ quan nhãn hiệu đối với các đơn hoặc đăng ký nhãn hiệu có trước đó.[27]

2.2.1. Quy định về nhãn hiệu mùi hương theo pháp luật Hoa Kỳ

Theo lịch sử, nhãn hiệu mùi hương được đăng ký và bảo hộ đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 19905 và kể từ thời gian đó trở về sau, Hoa Kỳ tiếp tục có nhiều nhãn hiệu mùi hương đăng ký thành công. Theo quy định pháp luật Hoa Kỳ – đạo luật Lanham, nhãn hiệu được định nghĩa như sau: “thuật ngữ nhãn hiệu bao gồm bất kỳ từ ngữ, tên, ký hiệu hoặc bất kỳ dấu hiệu nào được sử dụng bởi một cá nhân hay một người có ý định sử dụng nhãn hiệu trong thương mại và đăng ký theo nguyên tắc quy định tại chương này để xác định, phân biệt hàng hóa của họ, bao gồm sản phẩm độc quyền của nhà sản xuất này với nhà sản xuất khác và để chỉ ra nguồn gốc của hàng hóa”. Như vậy, pháp luật nhãn hiệu Hoa Kỳ đã dự liệu bảo đảm mọi loại nhãn hiệu đều có thể được đăng ký trong tương lai. Thông qua cách quy định như trên, Hoa Kỳ đã công nhận mùi hương có thể là dấu hiệu, từ đó có khả năng trở thành nhãn hiệu dùng với mục đích nhận diện và phân biệt hàng hóa/ dịch vụ.

2.2.1.1. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu mùi hương theo pháp luật Hoa Kỳ

Để xác định một mùi hương có tiềm năng được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, mùi hương này cần phải thỏa mãn ba điều kiện. Thứ nhất, dấu hiệu mùi hương phải được sử dụng như một nhãn hiệu gắn liền với một sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm ở đây được hiểu là hàng hóa, dịch vụ thương mại cụ thể. Ví dụ: nhãn hiệu mùi hoa đại có thể được sử dụng cho sợi dùng để may vá, sợi thêu vì loại sợi này là một loại hàng hóa cụ thể được đưa vào thương mại. Thứ hai, mùi hương muốn được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt, thông qua chứng minh tính phi chức năng của dấu hiệu và vai trò như một nhãn hiệu của mùi hương. Thứ ba, dấu hiệu mùi hương trên không được gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác.

2.1.2.2. Đăng ký nhãn hiệu mùi hương theo pháp luật Hoa Kỳ

Khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mùi hương, đạo luật Lanham yêu cầu người nộp đơn cần nộp bảng mô tả chi tiết nhãn hiệu. Trong trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu mùi hương cùng với những thành phần khác có thể nhìn thấy được, việc nộp bản vẽ là yêu cầu bắt buộc bởi lẽ không thể phủ nhận thực tế rằng hình vẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đăng ký nhãn hiệu. Hình vẽ sẽ được lưu lại trong hồ sơ tại Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), đồng thời được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký của các đại diện nhãn hiệu đăng ký. Ngoài ra, đối với đơn đăng ký điện tử tại USPTO, mẫu nhãn hiệu phải được nộp trực tiếp hoặc thông qua bưu điện, theo số đơn đã đăng ký, ngay sau khi việc nộp đơn điện tử thành công.

Sau khi đơn đăng ký BHNH mùi hương được nộp, thẩm định viên sẽ phải cân nhắc hai vấn đề riêng biệt liên quan đến tính chức năng và khả năng phân biệt của dấu hiệu.

– Thứ nhất là tính chức năng.

Theo pháp luật của Hoa Kỳ, vấn đề quan trọng cần chứng minh là nhãn hiệu mùi hương được đăng ký chỉ có một chức năng duy nhất là chỉ định nguồn gốc của sản phẩm, chứ không phải chỉ dẫn đến đặc điểm của sản phẩm gắn liền với mùi hương. Một dấu hiệu mùi hương sẽ không được bảo hộ nếu có tính chức năng. Điều này đồng nghĩa với việc một dấu hiệu mùi hương sẽ bị từ chối bảo hộ nếu mùi này trùng với mùi tự nhiên của sản phẩm. Ví dụ: mùi hương chuối sẽ không được đăng ký bảo hộ cho sản phẩm chuối. Ngoài ra, một nhãn hiệu mùi hương sẽ được xem là có tính chức năng nếu mùi hương này do công dụng hay chất lượng của sản phẩm tạo ra, hay nói cách khác, việc áp dụng mùi hương “cần thiết cho việc sử dụng, mục đích sử dụng hay ảnh hưởng đến giá thành hoặc chất lượng của sản phẩm”. Chính vì vậy, Ủy ban xét xử và khiếu nại nhãn hiệu Hoa Kỳ (TTAB) đã đặc biệt chỉ dẫn một mùi hương sẽ không thể được đăng ký là nhãn hiệu nếu sản phẩm chủ yếu được sử dụng nhờ mùi hương đó. Trên thực tế, USPTO đã từ chối BHNH cho sản phẩm dầu thơm được mô tả là: “sản phẩm có mùi hương aldelhudic-floral, với lớp trên cùng là mùi aldehit, hương cam bergamont, chanh và hoa cam; lớp giữa là hương hoa tinh tế từ hoa nhài, hoa huệ thung lũng, cây thủy tiên và cây ngọc lan tây, mà mùi hương nữ tính lớp trong cùng từ gỗ đàn hương, bách hương, vani, hổ phách, xạ hương, mùi xạ”. Lý do USPTO đưa ra là mùi hương đăng ký nhãn hiệu chính là đặc tính “có thể ngửi được” của sản phẩm dầu thơm. Điều này đã chứng minh nhãn hiệu này không đạt được yêu cầu về tính phi chức năng. Trong một vụ việc khác, thẩm định viên cũng đã từ chối đơn đăng ký “mùi hương gợi đến hương bạc hà” được sử dụng cho mặt nạ dùng trong y tế với lập luận là mùi hương trong trường hợp này mang tính chức năng. Bởi lẽ, trong lĩnh vực y tế, mùi hương bạc hà trong mặt nạ có tác dụng rõ rệt trong việc giúp người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu hơn. USPTO cũng chỉ ra các bài báo chứng minh việc bệnh nhân mang mặt nạ trước khi gây mê sẽ có tác dụng hiệu quả hơn đối với việc gây mê phẫu thuật. Bên cạnh đó, một bài báo khác cũng đưa ra thực tế là các đối thủ cạnh tranh khác cũng đã sử dụng mùi hương cho mặt nạ. Chính vì thế, người nộp đơn không được độc quyền sử dụng hương bạc hà cho sản phẩm mặt nạ y tế của mình.

Thông thường, USPTO sẽ quyết định tính chức năng của mùi hương dựa theo các yếu tố sau: Thứ nhất, việc sử dụng mùi hương lên sản phẩm có phải là sáng chế hay giải pháp hữu ích; Thứ hai, việc áp dụng này có nhằm mục đích quảng cáo những lợi ích của sản phẩm; Thứ ba, đây có phải là thiết kế thay thế. Thứ tư, ứng dụng mùi hương cho hàng hóa, dịch vụ làm phương pháp sản xuất đơn giản hay rẻ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, tính chức năng đối với hàng hóa không bắt buộc phải xác định dựa trên tất cả các yếu tố, mà có thể tùy trường hợp sử dụng kết hợp các yếu tố đã phân tích.

Chính vì vậy, việc yêu cầu nhãn hiệu phải mang tính phi chức năng có ý nghĩa đặc biệt trong duy trì sự cân bằng thích hợp giữa luật về sáng chế, giải pháp hữu ích với luật nhãn hiệu. Nếu việc bảo hộ mùi hương có tính năng thiết thực cho sản phẩm dưới dạng sáng chế hay giải pháp hữu ích thì thời hạn bảo hộ cho các đối tượng này ngắn hơn, thay vì cho phép chủ sở hữu sử dụng mùi hương trên dưới dạng nhãn hiệu vô thời hạn. Ngoài ra, tính phi chức năng cũng có tác dụng đảm bảo mục tiêu ban đầu của nhãn hiệu là chỉ định nguồn, chứ không phải là hạn chế quyền cạnh tranh với những đối thủ kinh doanh khác. Ví dụ, trong vụ Clarke, người nộp đơn đã thành công khi chứng minh mùi hương hoa đại không là đặc tính liên quan đến việc sử dụng chỉ thêu và sợi dệt và không gây trở ngại kinh doanh cho đối thủ.

– Thứ hai là khả năng phân biệt.

Bên cạnh chức năng nhận diện và chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, các NHPTT gắn với từng sản phẩm, dịch vụ còn phải có khả năng phân biệt. Theo đó, để một nhãn hiệu được ghi nhận vào Đăng bạ chính (Principal Register) thì dấu hiệu đó phải có tính phi chức năng và chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh được bản chất của dấu hiệu vốn đã có khả năng phân biệt (inherently distinctive) hoặc dấu hiệu này sẽ đạt được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng (acquired distinctive). Tuy nhiên, trong khi một số dấu hiệu phi truyền thống như âm thanh về bản chất có thể có sự phân biệt, thì dấu hiệu mùi hương lại khó có thể tồn tại sẵn khả năng phân biệt. Vì vậy, chủ yếu nhãn hiệu mùi hương được đăng ký bằng cách chứng minh mùi hương của nhãn hiệu đạt được khả năng phân biệt trong quá trình sử dụng. Nếu tại thời điểm nộp đơn người nộp đơn không thể chứng minh được khả năng đạt được sự phân biệt thì mùi hương chỉ có thể đăng ký theo Đăng bạ phụ. Sau khi nhãn hiệu mùi hương này tồn tại được 5 năm trở lên theo Đăng bạ phụ và có đủ chứng cứ kèm theo để thỏa mãn sự đạt được tính phân biệt thì người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký mới cho nhãn hiệu theo Đăng bạ chính. Đối với quá trình này, người nộp đơn đăng ký cần phải chuẩn bị rất nhiều tài liệu, chứng cứ trong một khoảng thời gian để thẩm định viên đánh giá. Ví dụ, trong đơn đăng ký “hương hoa tươi, mạnh, gợi tới hương hoa đại” để sử dụng cho sản phẩm sợi dùng để may vá và sợi thêu. Mặc dù thẩm định viên từ chối việc đăng ký BHNH theo cơ chế Đăng bạ chính trên cơ sở nhãn hiệu không có tiềm năng giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt sản phẩm, nhưng người nộp đơn đã nộp bổ sung chứng cứ giúp nhãn hiệu đăng ký bảo hộ theo cơ chế Đăng bạ chính thành công. Cụ thể là: (i) người nộp đơn đã tuyên bố rằng tại thời điểm đó, các nhà sản xuất khác chưa có kiến thức trong việc tạo mùi hương cho sản phẩm của họ; (ii) sản phẩm đã có quảng cáo chào hàng “mùi hương ngọt ngào”; (iii) chủ sở hữu nhãn hiệu đã nộp bằng chứng chứng minh sự thành công của sản phẩm liên quan đến vấn đề đây là sản phẩm sợi mang mùi hương độc nhất trên thị trường. Trong khi đó, tại đơn đăng ký mùi hương nho cho sản phẩm dầu nhớt và động cơ đốt trong, người nộp đơn phải nộp bổ sung các chứng cứ là: (i) Mùi hương nho đã được sử dụng được trong trước ít nhất 5 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký; (ii) Hàng năm bán được ít nhất 5000 chai nhớt có hương nho trong 5 năm trên; (iii) Quảng bá sản phẩm trên một số lượng danh mục, tài liệu kinh doanh và trên trang web của người nộp đơn. Tuy nhiên, thẩm định viên đã cho rằng chứng cứ của người nộp đơn không đủ để chứng minh là sản phẩm đã đạt được tính phân biệt. Cụ thể, thẩm định viên đã chứng minh rằng nhãn hiệu mùi hương này đã được sử dụng ít hơn 10 năm, doanh thu của sản phẩm này thấp hơn trong hơn 5 năm mùi hương được sử dụng và người nộp đơn cũng không nộp được số lượng chính xác các tạp chí quảng bá sản phẩm. Kết quả là, đơn đăng ký bị bác bỏ vì không có câu trả lời cho cơ quan chức năng. Đến những năm gần đây 6 nhãn hiệu mùi hương đã được đăng ký vào Đăng bạ phụ và hiện đăng ký này vẫn còn hiệu lực. Đồng thời, đến nay, mới chỉ có thêm một nhãn hiệu với mùi hương tác động cao bao gồm xạ hương, vani, hoa hồng, và oải hương cho dầu dưỡng tóc, kem cho tóc, kem dưỡng ẩm, tạo kiểu tóc được ghi nhận vào Đăng bạ chính.[28]

2.2.2. Quy định pháp luật về nhãn hiệu mùi hương theo pháp luật Liên minh Châu Âu

Theo Điều 4 Quy định số 40/1994 ngày 20/12/1993 của Hội đồng châu Âu: “Một nhãn hiệu công cộng có thể bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào được trình bày một cách rõ ràng và chi tiết, đặc biệt các, bao gồm tên riêng, các phác họa hình ảnh, từ ngữ, các chữ số, hình dáng của hàng hóa hoặc của bao bì hàng hóa mà các dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác”. Điều kiện “bất kỳ dấu hiệu nào làm cho định nghĩa về nhãn hiệu được mở rộng, có thể bao hàm được cả những dấu hiệu phi truyền thống như âm thanh, mùi vị, hình ba chiều… miễn là những dấu hiệu đó có khả năng phân biệt và được trình bày rõ ràng chi tiết. Việc xây dựng khái niệm mang tính mở đã được các quốc gia thành viên thừa nhận và ứng dụng rộng rãi. Nhưng yêu cầu dấu hiệu phải thể hiện được trình bày chi tiết và rõ ràng tạo nên khó khăn khi bảo hộ dấu hiệu mùi để được bảo hộ là nhãn hiệu cộng đồng. Ngay cả khi chủ nhân hiệu nộp kèm đơn đăng ký cả mẫu chứa mùi, bản mô tả cũng như công thức mùi thì vẫn khó đáp ứng điều kiện nêu trên Theo Điều 2 của Chỉ thị châu Âu và theo Đạo luật Thương hiệu Vương quốc Anh năm 1994 , ba yêu cầu chính để được đăng ký làm nhãn hiệu như sau: (i) Nhãn hiệu phải là một dấu hiệu hoặc bất cứ thứ gì có thể truyền đạt thông tin. (ii) Dấu hiệu phải có khả năng phân biệt các sản phẩm hoặc dịch vụ của một cam kết với một sản phẩm khác. Đây rõ ràng là một yêu cầu về tính khác biệt của nhãn hiệu. (iii) Nhãn hiệu có khả năng đại diện đồ họa. Khả năng đại diện đồ họa của nhãn hiệu là một trong ba yêu cầu nhằm mục đích nhận dạng chính xác hơn nhãn hiệu trong đơn đăng ký nhãn hiệu. Một nhãn hiệu có đồ họa rõ ràng và chính xác sẽ đảm bảo vệ quyền và trách nhiệm pháp lý cho chủ sở hữu theo Đạo luật nêu trên.[29]

Trước ngày 01/10/2017, Luật nhãn hiệu EU yêu cầu hồ sơ đăng ký nhãn hiệu phải có bản mô tả đồ họa. Tuy nhiên, yêu cầu về mô tả đồ họa của nhãn hiệu mùi hương thường khó hơn cách thức mô tả bằng công thức hóa học, bằng chữ viết, hoặc bằng cách gửi mẫu mùi hoặc kết hợp các yếu tố đó vì hầu như không có phương tiện đồ họa nào đại diện cho mùi hương một cách chính xác để thể hiện. Khác với mã màu quốc tế hoặc ký hiệu âm nhạc, một dấu hiệu mùi hương khó được xác định một cách khách quan và chính xác thông qua việc gán tên hoặc mã cụ thể cho từng mùi. Do đó, khó khăn lớn nhất của BHNH mùi tại EU lại chính là cách thức thể hiện đồ họa. Trong vụ án số C-273/00, [2002] ECR I-11737 ngày 12/12/2002 của Ralf Sieckmann v. Deutsches Patent- und Markenamt, ECJ đã ra phán quyết, trừ khi dấu hiệu có thể được biểu thị bằng đồ họa bằng phương tiện hình ảnh, đường nét hoặc ký tự, trong một cách rõ ràng, chính xác, khép kín, dễ tiếp cận, dễ hiểu, bền và khách quan, thì dấu hiệu đó có thể đủ điều kiện đăng ký. ECJ đã phán quyết rằng người nộp đơn đã nộp theo hồ sơ một mẫu mùi, một bản mô tả và công thức hóa học và như vậy không đáp ứng các tiêu chí bảo hộ do không thể hiện dưới dạng đồ họa. ECJ cho rằng một công thức hóa học chỉ đại diện cho chất chứ không phải là mùi hương và không thỏa mãn các tiêu chí theo luật bằng một văn bản mô tả chính xác đến mức nó sẽ không cho phép nhầm lẫn. Vụ việc gây trên cãi nêu trên là một trong số các nguyên nhân dẫn đến việc xóa bỏ yêu cầu về cung cấp bản mô tả bằng đồ họa của Luật nhãn hiệu EU2015 và thể hiện một bước quan trọng đối với việc phát triển quyền SHTT theo các thách thức và yêu cầu của môi trường kinh doanh hiện tại. Nó sẽ trở nên dễ dàng hơn để đăng ký không chỉ nhãn hiệu mùi hương mà cả các nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu chuyển động. Mặc dù về mặt pháp lý, có thể điều này sẽ đặt ra những thách thức đáng kể cho các nhà khoa học, những người sẽ phát triển các công nghệ đại diện mới mà mùi hương có thể sớm được mã hóa thành thông tin trong các tệp điện tử, có thể tái tạo một cách trung thực thông qua các phương tiện công nghệ. Cụ thể là, EUIPO thay đổi yêu cầu rằng chủ đơn có thể thể hiện nhãn hiệu dưới bất kỳ hình thức phù hợp nào bằng cách sử dụng công nghệ có sẵn, và do đó không nhất thiết phải bằng phương tiện đồ họa, với điều kiện là phần thể hiện phải rõ ràng, chính xác, ổn định (công thức hóa học), dễ tiếp cận (dữ liệu Internet), dễ hiểu, ổn định và khách quan (được gọi là 07 tiêu chí Sieckmann). Có thể thấy, những thay đổi lớn nhất mà EUIPO mang lại trong thủ tục nộp đơn nhãn hiệu EU chính là loại bỏ biểu thị đồ họa và về cơ bản thay thế nó bằng Tiêu chí Sieckmann. Vụ Sieckmann đã làm thay đổi không chỉ Luật nhãn hiệu EU mà là cơ sở xây dừng bản hướng dẫn BHNH mùi ở Australia. Trước đó, IPA đã từ chối tới 05 nhãn hiệu mùi từ 1997 đến 2005 và cấp nhãn hiệu đầu tiên vào 2009 là nhãn hiệu mùi khuynh diệp cho sản phẩm gậy đánh golf của E-Concierge Australia Pty Ltd số 1241420. Dựa trên 07 tiêu chí Sieckmann, Australia đã xây dựng quy định chi tiết hơn về các trường hợp loại trừ BHNH mùi như (1) mùi tự nhiên của hàng hóa (những sản phẩm có sẵn mùi như mỹ phẩm, thực phẩm, mùi gỗ cho sản phẩm gỗ, mùi cao su cho lốp xe), (2) mùi dùng để che giấu mùi tự nhiên của hàng hóa (mùi xả chanh cho nước bồn cầu); (3) mùi phổ biến (ví dụ dâu thông, mùi cây sả, mùi chanh, mùi hoa hồng, oải hương …); (4) mùi phải khác biệt với chính hàng hóa đó, nó không phải đặc tính tự nhiên cũng không phải đặc tính dự kiến của hàng hóa mà là thứ gì đó được thêm vào để xác định hàng hóa của người nộp đơn từ những sản phẩm khác trong cùng thị trường (ví dụ mùi hoa đại cho sợi chỉ thêu, hay các loại nước hoa quả cho dầu động cơ tổng hợp). Mùi hương là thứ gì đó bất thường được thêm vào hàng hóa để hỗ trợ xác định chúng thông qua các phương tiện khứu giác từ các sản phẩm tương tự của các thương nhân khác. Ngày nay, công nghệ phát triển thiết bị điện tử có thể tái tạo lại các mùi hương khác nhau theo hướng dẫn của máy tính. Việc phiên bản đại diện cho mùi hương đăng ký có thể sớm được thể hiện dưới dạng tệp điện tử. Đây là một giải pháp tốt có thể tuân thủ tất cả 07 tiêu chí Sieckmann, bao gồm cả khả năng dễ dàng truy cập bởi tất cả công chúng. Theo đó, các tập tin mùi hương có thể được công bố, tra cứu và sao chép lại theo ý muốn. Sự phát triển và tốc độ áp dụng loại công nghệ này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký và công bố các đơn nhãn hiệu mùi. Một nhãn hiệu mùi hương sau sự phát triển công nghệ có thể sẽ trở nên tiếp cận dễ dàng như một nhãn hiệu thông thường. Ngoài ra, việc cung cấp bằng chứng sử dụng để chống lại việc hủy hiệu lực cũng sẽ không còn bất khả thi như hiện nay, do không có cách thức ghi nhận lại việc sử dụng. Vì vậy, việc thực thi quyền đối với nhãn hiệu mùi cũng là một vấn đề lớn khi khó có thể lưu giữ bằng chứng sử dụng của đối thủ khi phát hiện ngoài việc bắt quả tang. Ngay cả khi có được bằng chứng về xâm phạm nhãn hiệu mùi, các cơ quan thực thi cũng sẽ gặp lúng túng không kém phần xác lập quyền so với việc thực thi quyền các nhãn hiệu dạng khác. Do đó, nhãn hiệu mùi chỉ có thể thực sự phát huy tác dụng của nó khi công nghệ thực sự phát triển.[30]

3.3. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ BHNH MÙI HƯƠNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Theo Khoản 1 Điều 72 Luật SHTT quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ: “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.” Theo quy định trên thì nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải được thể hiện dưới dạng nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều. Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì dấu hiệu “mùi” không phải là dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu vì nó không phải là một “dấu hiệu nhìn thấy được”.

Quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật SHTT cũng giải thích rõ: “Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.” Như vậy, đối với dấu hiệu mùi pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về dấu hiệu này và khả năng phân biệt của nó. Do đó, theo Luật SHTT tuệ thì mùi hương chưa được bảo hộ tại Việt Nam dưới dạng nhãn hiệu.

CHƯƠNG 4: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM CÔNG NHẬN VÀ ÁP DỤNG BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG TẠI VIỆT NAM

4.1. ĐÁNH GIÁ VẤN ĐỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Đối với dấu hiệu mùi hương, cũng như các dấu hiệu phi truyền thống không thể nhận biết bằng thị giác khác như dấu hiệu âm thanh, vị , xúc giác, pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định hành lang pháp lý về thủ tục xác lập quyền khi chủ sở hữu muốn lựa chọn những dấu hiệu này làm nhãn hiệu. Nếu chủ thể kinh doanh muốn đăng ký những dấu hiệu này làm nhãn hiệu, việc diễn giải những dấu hiệu này vào đơn cũng gặp nhiều khó khăn vì không có quy định phải diễn giải như thế nào cho từng loại dấu hiệu nêu trên. Trong khi các nước phát triển đã quy định rõ các thủ tục cần thiết cho việc đăng lý các dấu hiệu phi truyền thống này làm nhãn hiệu thì pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể để giải quyết trong trường hợp muốn bảo hộ những loại NHPTT. Trong thời kì hội nhập hiện nay thì đây là điều thiếu sót vô cùng to lớn và cần khắc phục.

Với thực tiễn bảo hộ nhiều thập kỉ qua của một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy rằng để đặt ra một quy định chấp thuận BHNH mùi không khó nhưng việc triển khai xác lập quyền bảo hộ các nhãn hiệu này trên thực tế sẽ là một khó khăn vô cùng lớn cho Việt Nam. Nhất là khi cơ sở vật chất hiện tại của cơ quan thẩm định chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định các loại nhãn hiệu có cách thể hiện phức tạp như nhãn hiệu mùi. Thời điểm có hiệu lực của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đặt ra nhiệm vụ cho các quốc gia thành viên phải thiết lập cơ chế bảo hộ NHPTT không nhìn thấy được, cụ thể là nhãn hiệu mùi. Trong số 11 quốc gia thành viên thuộc Hiệp định CPTPP, có tới 5 quốc gia chấp thuận BHNH mùi. Như vậy, Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia còn lại trong CPTPP chưa từng chấp thuận bảo hộ dấu hiệu không nhìn thấy được như nhãn hiệu, đồng nghĩa với việc, nhãn hiệu mùi đều chưa được chấp thuận bảo hộ tại Việt Nam và Malaysia. Với kinh nghiệm bảo hộ của nhiều quốc gia khác và cả các quốc gia thành viên CPTPP, Việt Nam có thể thừa hưởng kinh nghiệm lập pháp cũng như thực tiễn bảo hộ từ các quốc gia này để xây dựng một cơ chế bảo hộ riêng cho các nhãn hiệu âm thanh và mùi.

Nói chung, Việt Nam là một nước đang phát triển, hệ thống bảo hộ và thực thi nhãn hiệu đang ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng với nhu cầu hội nhập quốc tế. Cùng với việc tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, dù sớm hay muộn, pháp luật Việt Nam cũng phải bảo hộ NHPTT nói chung và nhãn hiệu mùi nói riêng theo xu thế phát triển tất yếu của thế giới.

4.2. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ QUY ĐỊNH BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG ĐƯỢC ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM

            Thứ nhất, việc BHNH nói chung nên được điều chỉnh bằng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật riêng. Nhãn hiệu là một đối tượng sở hữu công nghiệp có đặc điểm riêng biệt và thực tiễn bảo hộ khá phức tạp. Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc đều có một khung pháp lý riêng, bao gồm các văn bản luật và dưới luật, để điều chỉnh việc BHNH. Tại Việt Nam, về đăng kí và BHNH cũng như các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, các nước trên thế giới nói chung cũng như một số nước phát triển đã kể trên thường có văn bản pháp luật riêng điều chỉnh từng+ đối tượng sở hữu công nghiệp. Có trường hợp các quốc gia gộp một số đối tượng sở hữu công nghiệp vào luật chung, nhưng luôn có một văn bản pháp luật riêng để điều chỉnh đố với nhãn hiệu. Thông thường, dưới luật có các văn bản hướng dẫn cụ thể được ban hành do cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký. Từ đó, việc đăng kí và BHNH được điều chỉnh một các thống nhất bởi một khung pháp lý riêng. Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn và khắc phục được những bất cập, nước ta nên ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh đối với nhãn hiệu.

            Thứ hai, kiến nghị sửa đổi khái niệm về nhãn hiệu tại Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu hoặc tổ hợp dấu hiệu có thể được nhìn thấy được hoặc cảm nhận được thông qua các giác quan của con người, chủ yếu được thể hiện dưới các dạng: chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; âm thanh; mùi; vị hoặc các dạng khác và phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác”. Bên cạnh đó, điều này cũng góp phần quan trọng trong việc đề ra các quy định cho phép đăng ký BHNH đối với mùi, âm thanh, … giúp các chủ thể quyền có thể khai thác tốt hơn, an toàn hơn tài sản trí tuệ của mình. Ngoài ra, khái niệm này do được quy định có tính mở nên có thể linh hoạt chấp nhận các dạng tồn tại khác của dấu hiệu để có thể trở thành nhãn hiệu ngoài các dấu hiệu đã được liệt kê.

            Thứ ba, sửa đổi điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu. Theo Khoản 1 Điều 72 Luật SHTT, nhãn hiệu để được bảo hộ chỉ có thể là “các dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc”. Điều này là không phù hợp với các điều ước quốc tế trong đó có Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và pháp luật các nước. Do đó, có thể cho phép nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện “là dấu hiệu nhìn thấy được và dấu hiệu không nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc các hình thức khác”.

            Thứ tư, về tài liệu nộp đơn. Việc BHNH mùi hương yêu cầu sự linh hoạt để tránh đi vào vết xe đổ từ những vụ kiện tụng kéo dài gây tranh cãi về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương giữa người nộp đơn và ECJ. Các vụ tranh chấp trong quá trình xác lập quyền giữa người nộp đơn và các cơ quan khiếu nại là một kinh nghiệm tốt để xây dựng những bản hướng dẫn, chẳng hạn các tài liệu mô tả có thể được áp dụng linh hoạt nhưng đảm bảo được các tiêu chí Sieckmann. Những tài liệu nộp đơn thông thoáng của Hoa Kỳ thúc đẩy số lượng nộp đơn nhãn hiệu mùi và âm thanh tại nước này có số lượng nhiều nhất trên thế giới. Mặc dù vậy, việc mọi người có thể tiếp cận với các nhãn hiệu mùi hương qua Internet hiện nay là điều bất khả thi. Điều này dẫn tới các khó khăn trong việc thúc đẩy các chủ đơn nộp đơn nhãn hiệu mùi hương, khó khăn trong việc duy trì nhãn hiệu, cung cấp bằng chứng sử dụng và thực thi quyền khi bị xâm phạm. Do đó, các cơ quan nhãn hiệu và các chủ đơn nhãn hiệu thấy rằng chỉ có công nghệ hiện đại mới khắc phục được những khó khăn trong quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mùi, gồm việc (i) tạo ra công nghệ ứng dụng rộng rãi trên các máy tính thiết bị phát ra mùi tích hợp và (ii) xây dựng hệ thống phân loại quốc tế cho các loại mùi với các mẫu mùi có đủ tính ổn định và độ bền mà mọi người có thể truy cập trực tuyến. Cuối cùng, để hỗ trợ thủ tục đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu chứa các dấu hiệu không nhìn thấy được nói chung, cần có sự đồng bộ về hệ thống dữ liệu. Trong đó, toàn bộ các thông tin dữ liệu đăng ký bảo hộ của các quốc gia chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi cần được triển khai trực tuyến. Các tài liệu trực tuyến sẽ được sử dụng để đăng tải lại trên Công báo sở hữu công nghiệp trực tuyến cũng như hệ thống dữ liệu tra cứu mà bất kỳ ai có Internet đều có thể tiếp cận được.

Trong hoạt động thương mại quốc tế, việc BHNH đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ bảo đảm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu mà còn là công cụ hữu hiệu để giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm của đúng nhà cung cấp mà mình mong muốn. Hoạt động thương mại quốc tế ngày càng phát triển thì nhu cầu bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu đối với nhãn hiệu cũng ngày càng tăng. Trong khi đó, sự khác nhau trong chế độ BHNH giữa các nước dẫn tới ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động cạnh tranh lành mạnh và lợi ích chính đáng của các chủ sở hữu nhãn hiệu trong môi trường kinh doanh quốc tế. Một trong những sự khác nhau giữa chế độ BHNH giữa các nước là quy định về các dấu hiệu có thể được sử dụng làm nhãn hiệu. Đối với các loại dấu hiệu phi truyền thống – đặc biệt là những dấu hiệu không nhận biết bằng thị giác, sự chấp nhận và bảo hộ giữa các nước có những khác biệt đáng kể. Khác biệt với những NHPTT khác, nhãn hiệu mùi hương thể hiện đặc trưng thông qua việc sử dụng mùi hương để giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt hàng hóa và dịch vụ giữa các chủ sở hữu hàng hóa, dịch vụ khác nhau ngay cả khi khách hàng không nhớ tên sản phẩm đó. Bên cạnh đó, nhãn hiệu mùi hương góp phần tạo lợi thế độc quyền cho chủ sở hữu thông qua việc ngăn chặn chủ thể khác đăng ký và sử dụng các nhãn hiệu tương tự. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của việc đăng ký nhãn hiệu mùi hương, việc BHNH này cũng sẽ mang lại thách thức cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhãn hiệu.

Bài nghiên cứu đã đưa ra những vấn đề lý luận về khái niệm, đặc điểm, hình thức BHNH mùi hương, nguồn luật áp dụng để bảo hộ nhãn hiệu này,… Từ đó cung cấp cái nhìn tổng quan của tác giả về những đặc trưng cơ bản của vấn đề BHNH mùi hương. Bên cạnh đó, tác giả cũng làm rõ nội dung các quy định của luật quốc tế về nhãn hiệu mùi hương, kết hợp với thực tiễn và có liên hệ một số quốc gia, từ đó đánh giá, đưa ra những kiến nghị nhằm công nhận và áp dụng bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại Việt Nam.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Văn bản quy phạm pháp luật

  1. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019
  2. Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp
  3. Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do bộ khoa học và công nghệ ban hành

B. Tài liệu tham khảo khác

  1. Bross & Partners (2019), Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống ở Việt Nam trong vòng một thập kỷ qua và những thách thức cần lưu ý,
  2. Bùi Thị Phượng, Bảo hộ nhãn hiệu “mùi” của một số quốc gia trên thế giới,
  3. Cục Sở hữu trí tuệ (2019), Tổng quan về nhãn hiệu phi truyền thống,
  4. Cục Sở hữu trí tuệ (2019), Bảo hộ nhãn hiệu mùi,
  5. Dịch vụ đăng ký thương hiệu, Cách đăng ký nhãn hiệu,
  6. Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Luật, Giáo trình Pháp luật Sở hữu trí tuệ, (chủ biên: PGS.TS. Trần Văn Nam, TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh), NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019
  7. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, (chủ biên: GS.TS Lê Minh Tâm), NXB Công an nhân dân, 2010
  8. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận về nhà nước và pháp luật, (chủ biên: GS.TS Lê Minh Tâm, PGS. TS Nguyễn Minh Đoan), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2013
  9. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, (chủ biên TS. Phùng Trung Tập), NXB Công an nhân dân, 2008
  10. Đào Trí Úc, Những vấn đề lí luận cơ bản về nhà nước và pháp luật, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993
  11. Nguyễn Thị Hồi, Về khái niệm nguồn của pháp luật, Tạp chí luật số 2/2008
  12. Nguyễn Thị Tú Anh (2008), Bảo hộ nhãn hiệu theo pháp luật Cộng hòa Pháp, Tạp chí Luật học (số 12)
  13. Nguyễn Hồ Bích Hằng, Nguyễn Xuân Mỹ Hiền, Huỳnh Thanh Thịnh, Chế định đăng ký nhãn hiệu mùi hương theo pháp luật Hoa Kỳ, Tạp chí Khoa học pháp lý số 05 (108)/2017,
  14. Nguyễn Khánh Linh (2020), Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi ở các nước phát triển và gợi ý cho Việt Nam, tại Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
  15. Phan Ngọc Tâm (2008), Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Châu Âu và Hoa Kỳ,
  16. Trần Cao Thành, Quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam,

[1] Xem Phan Ngọc Tâm (2008), Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Châu Âu và Hoa Kỳ,

[2] WIPO (2004), Intellectual Property Handbook: policy, law and use, WIPO Publication, pp.68.

[3] Xem Khoản 1 Điều 15 Hiệp định TRIPS

[4] Xem Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019

[5] Xem Khoản 1 Điều 6 Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ

[6] Xem Đạo luật Nhãn hiệu (Lanham Act) ban hành năm 1946

[7] Xem Điều 4 bản Quy định số 40/1994 ngày 20/12/1993 của Hội Đồng Châu Âu

[8] Xem Điều 72 Luật SHTT

[9] Xem Khoản 1 Điều 74 Luật SHTT

[10] Xem Khoản 20 Điều 4 Luật SHTT

[11] Xem Khoản 17 Điều 4 Luật SHTT

[12] Xem Khoản 19 Điều 4 Luật SHTT

[13] Xem Khoản 18 Điều 4 Luật SHTT

[14] Xem Nguyễn Khánh Linh (2020), Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi ở các nước phát triển và gợi ý cho Việt Nam, tại

[15] Xem Cục Sở hữu trí tuệ (2019), Tổng quan về nhãn hiệu phi truyền thống,

[16] Xem Cục Sở hữu trí tuệ (2019), Bảo hộ nhãn hiệu mùi,

[17] Xem Nguyễn Thị Tú Anh (2008), Bảo hộ nhãn hiệu theo pháp luật Cộng hòa Pháp, Tạp chí Luật học (số 12), trang 47 – 48.

[18] Xem Trần Cao Thành (2020), Quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trang 44,

[19] Xem Cục Sở hữu trí tuệ (2019), Tổng quan về nhãn hiệu phi truyền thống,

[20] Xem Bùi Thị Phượng (2017), Bảo hộ nhãn hiệu “mùi” của một số quốc gia trên thế giới,

[21] Xem Cục Sở hữu trí tuệ (2019), Bảo hộ nhãn hiệu mùi,

[22] Xem Đại học Luật Hà Nội, 2010, (chủ biên: GS.TS Lê Minh Tâm), Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân,tr 401.

[23] Xem Nguyễn Thị Hồi, Về khái niệm nguồn của pháp luật, Tạp chí luật số 2/2008, tr 29, 30.

[24] Xem Đào Trí Úc, Những vấn đề lí luận cơ bản về nhà nước và pháp luật, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 54.

[25] Xem Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận về nhà nước và pháp luật, (chủ biên: GS.TS Lê Minh Tâm, PGS. TS Nguyễn Minh Đoan), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2013, tr 471.

[26] Theo Trần Cao Thành, Quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trang 46,

[27] Theo Nguyễn Khánh Linh, Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi ở các nước phát triển và gợi ý cho Việt Nam,

[28] Xem Nguyễn Hồ Bích Hằng, Nguyễn Xuân Mỹ Hiền, Huỳnh Thanh Thịnh, Chế định đăng ký nhãn hiệu mùi hương theo pháp luật Hoa Kỳ, Tạp chí Khoa học pháp lý số 05 (108)/2017, trang 27-30,

[29] Theo Trần Cao Thành, Quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trang 45,

[30] Theo Nguyễn Khánh Linh (2020), Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi ở các nước phát triển và gợi ý cho Việt Nam,

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com