Trách nhiệm của công ty với người lao động chưa thành niên bị tai nạn lao động

Câu hỏi của khách hàng: Trách nhiệm của công ty với người lao động chưa thành niên bị tai nạn lao động

Xin các vị Luật sư tư vấn cho những người không nắm rõ luật như mình với.
Mình có đứa em chưa đủ 18 tuổi. Còn mấy tháng nữa với đủ 18 tuổi.
Đứa em mình đi làm bảo vệ cho một công ty bảo vệ ở Hà nội, nhưng không may trong khi làm việc thì bị tai nạn lao động, rơi ngã từ tầng 3 xuống tầng 1. Hợp đồng đang ký là 3 tháng. Hiện tại đang hôn mê bất tỉnh.
Hiện tại công ty bảo vệ Vân Long đang chối bỏ trách nhiệm viện phí. Nếu em đó không may không qua được. Với trường hợp này công ty Bảo vệ Vân Long phải chịu trách nhiệm gì không ạ. Xin các luật sư tư vấn ạ. Em xin cảm ơn và hậu tạ ạ


Luật sư Tư vấn Bộ luật Lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 24/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chế độ hưởng khi bị tai nạn lao động

  • Bộ luật lao động năm 2012
  • Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
  • Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015

3./ Luật sư trả lời Trách nhiệm của công ty với người lao động chưa thành niên bị tai nạn lao động

Tai nạn lao động được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc. Khi người lao động bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm:

Theo như bạn đưa ra thì hợp đồng em của bạn đã ký với công ty là hợp đồng là có thời hạn 3 tháng. Nên công ty có đóng bảo hiểm xã hội (có bảo hiểm tai nạn lao động) thì một phần trách nhiệm trợ cấp sẽ thuộc về bên bảo hiểm. Phần còn lại thuộc về người sử dụng lao động. Nếu không đóng cho người lao động (không theo ý người lao động) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm với toàn bộ những trách nhiệm đó.

Căn cứ Điều 144 Bộ luật lao động:

“Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1.Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2.Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3.Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.”

Mà theo quy định tại Điều 145 Bộ luật lao động:

“Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1.Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

2.Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

3.Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a)Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b)Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4.Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.”

Theo quy định này, thì khi tai nạn lao động xảy ra, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả các khoản chi phí để cứu chữa người lao động, khắc phục hậu quả do tai nạn lao động gây ra.

Theo các chi tiết bạn đưa ra thì em trai của bạn xảy ra tai nạn trong quá trình lao động nên công ty phải có trách nhiệm thanh toán chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị (đến khi ổn định), trả đủ lương và bồi thường cho em bạn. Bạn cần xác định lỗi của em bạn trong việc để xảy ra tai nạn và tình trạng suy giảm khả năng lao động của em trai bạn do tai nạn lao động gây ra để yêu cầu mức bồi thường.

Nếu em bạn không qua khỏi thì hoặc bên bảo hiểm xã hội (nếu em bạn tham gia bảo hiểm xã hội), hoặc người sử dụng lao động sẽ phải chi trả trợ cấp mai táng, tiền tuất hàng tháng theo quy định tại Mục 5 Chương III Luật bảo hiểm xã hội (từ Điều 66 đến Điều 71):

“Điều 66. Trợ cấp mai táng 

1.Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

…b)Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;…

…2.Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết. …

Điều 67. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

1.Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

…c)Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;…

…2.Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

a)Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

b)Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c)Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

d)Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. …
Điều 68. Mức trợ cấp tuất hằng tháng
1.Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. …”

Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra thì em của bạn không qua được thì số tiền sơ cứu, cấp cứu, điều trị tới khi ổn định sẽ do phía người sử dụng lao động chi trả (hoặc cơ quan bảo hiểm), người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng và thân nhân sẽ được hưởng tiền tuất hằng tháng.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com