Tăng cường vai trò của các tổ chức phi Nhà nước trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam

Tăng cường vai trò của các tổ chức phi Nhà nước trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam

29/12/2015

1. Khái niệm, vai trò và thực trạng của tổ chức phi Nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Tổ chức phi Nhà nước cho đến nay vẫn chưa có một quan niệm thống nhất chính thức, do chưa được ghi nhận bằng một cơ sở pháp lý cụ thể do Nhà nước ban hành. Trong thời gian gần đây, cùng với sự gia tăng về số lượng, vai trò của các tổ chức phi Nhà nước cũng đang dần được hình thành trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ở Việt Nam. Theo cách hiểu chung hiện nay, tổ chức phi Nhà nước nên được hiểu một cách đơn giản nhất đó là những tổ chức hoạt động phi chính trị, tồn tại bên cạnh và hỗ trợ hoạt động quản lý của Nhà nước. Trong số đó, nổi bật lên là các quan điểm về hình thành, tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự – như một đại diện tiêu biểu trong lĩnh vực quản lý phi Nhà nước.

Trong bài viết tựa đề “Một số vấn đề lý luận về xã hội dân sự” năm 2008, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng: Xã hội dân sự là một hệ thống các quan chế và thiết chế xã hội đa dạng, phong phú và ở nhiều mức độ có mối liên hệ lẫn nhau không thông qua (không phụ thuộc vào) Nhà nước của cá nhân tự do và có toàn quyền tồn tại và hoạt động trong điều kiện nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền[1]. Nếu được thừa nhận chung, các tổ chức xã hội dân sự cần được hiểu như những cánh tay nối dài của Nhà nước, thay mặt cho Nhà nước thực hiện các công tác giám sát, đánh giá và quản lý ở địa phương, cộng đồng nơi quyền lực Nhà nước không thể bao quát được do sự hạn chế về nhân sự hoặc khó khăn trong việc triển khai, thực thi và giám sát các chính sách, pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, mục đích hoạt động của các tổ chức phi Nhà nước, tổ chức xã hội dân sự là yếu tố để phân biệt với tổ chức quản lý nhà nước và tổ chức tư nhân khác. Trong khi mục đích của cơ quan nhà nước là quyền lực để quản lý nhà nước, các tổ chức tư nhân khác có mục đích lợi nhuận thì các tổ chức phi Nhà nước như xã hội dân sự không đặt mục tiêu quyền lực hay lợi nhuận lên hàng đầu mà điều các tổ chức này cũng như các thành viên của họ hướng tới là các lợi ích cho xã hội, lợi ích công cộng.

Như vậy, loại hình tổ chức phi Nhà nước như tổ chức xã hội dân sự về bản chất thuộc sự điều chỉnh của pháp luật dân sự là chủ yếu, xuất phát từ bản chất của sự hình thành tự nguyện của nhân dân (hay còn được gọi là “đoàn thể nhân dân”). Và về cơ bản, tổ chức xã hội dân sự cũng chính là một loại tổ chức xã hội, được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Tổ chức xã hội dân sự như vậy được hiểu một cách khái quát là tổ chức độc lập tương đối với Nhà nước, hình thành trên cơ sở tự nguyện và các thành viên tham gia hoạt động vì một mục đích chung đó là vì lợi ích của thành viên, lợi ích của người dân và lợi ích công cộng.

Các tổ chức xã hội dân sự hay các tổ chức phi Nhà nước được xem như những phương tiện thực hiện sự liên kết giữa mối quan hệ của Nhà nước với doanh nghiệp và với các tổ chức phi Nhà nước vì mục tiêu phát triển bền vững. Điều này được đúc kết xuất phát từ thực tế hoạt động của các tổ chức phi Nhà nước trong thời gian qua. Về cơ sở pháp lý, có thể thấy, các tổ chức này về cơ bản là tổ chức xã hội, do đó việc thành lập và hoạt động dựa trên cơ sở nguyên tắc hiến định và luật định. Cụ thể tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật dân sự năm 2005 các điều từ Điều 110 đến Điều 115 và Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định các điều khoản liên quan đến hình thức và cơ chế hoạt động của các tổ chức này.

Dù không được cụ thể bằng các quy định pháp luật, nhưng dựa trên mục đích chung khi thành lập và hoạt động của các tổ chức phi Nhà nước là vì lợi ích của thành viên, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Do đó, trên cơ sở mục đích được ghi nhận chung đó, cũng như dựa trên điều lệ hoạt động của tổ chức, vai trò của các tổ chức này trong việc thúc đẩy CSR cũng được xác lập và thừa nhận chung. Thứ nhất, vai trò của các tổ chức này là mang tính chất đại diện kêu gọi, bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng, dân cư cũng như người lao động, người tiêu dùng nói riêng hay những nhóm người yếu thế trong xã hội nói chung. Thứ hai, thay mặt cộng đồng, người dân, các tổ chức này đóng vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động quản lý của Nhà nước, tiến tới xây dựng xã hội dân sự có chất lượng, thực sự phục vụ lợi ích cho dân cư, cộng đồng. Thứ ba, các tổ chức phi Nhà nước còn có các vai trò khác trong thúc đẩy hoạt động CSR như tư vấn, tuyên truyền và tổ chức tập huấn về quyền và nghĩa vụ trong từng lĩnh vực pháp luật có liên quan đến CSR, đặc biệt là đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về CSR.

Với số lượng các tổ chức phi Nhà nước không nhỏ như hiện nay, điều cần thiết làphải thiết lập được mạng lưới và cách thức tổ chức, hoạt động. Nhân tố chính trong quá trình đảm bảo thực hiện CSR ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến đầu tiên là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, cho đến nay dường như vai trò và hiệu quả tích cực của VCCI mang lại cho CSR tại Việt Nam vẫn còn mờ nhạt, ngoại trừ một vài khóa tập huấn cũng như việc tổ chức trao giải thưởng CSR Việt Nam hàng năm. Tiếp đến, Mạng lưới Global Compact Việt Nam được thiết lập năm 2007 với mục tiêu “trở thành trung tâm hàng đầu về CSR” với hơn 95 thành viên bao gồm các công ty trong và ngoài nước, các tổ chức phi Chính phủ, các cơ sở đào tạo, Liên Hợp Quốc và các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đến năm 2010 khi Liên Hợp Quốc ngừng hỗ trợ, hoạt động của Mạng lưới cũng bị đình trệ, và có vẻ như Mạng lưới đã không thể hoàn thành sứ mệnh của mình như mục tiêu đã đặt ra trong việc xây dựng và phát triển CSR ở Việt Nam. Hay vai trò của Văn phòng vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, có quan điểm cho rằng, cần phải xem xét để định hướng, xây dựng chức năng của tổ chức này như một cơ quan quản lý phi Nhà nước về CSR, vì thực ra CSR về bản chất hiện nay vẫn được ghi nhận là hoạt động tự nguyện do đó cũng cần phải có những cơ chế quản lý và đảm bảo thực thi bằng các thực thể phi Nhà nước.

Trong các lĩnh vực nội dung cụ thể, số lượng các tổ chức hỗ trợ việc thực hiện bảo vệ quyền của các bên hữu quan cũng đang được tăng cường. Hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tổ chức theo hệ thống bao gồm: Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Văn phòng phía nam của VINASTAS(và 48 Hội được tổ chức ở các tỉnh/ thành phố); ngoài ra, còn có các hiệp hội ngành nghề trong từng lĩnh vực cụ thể (ví dụ như Hiệp hội Da giày Việt Nam LEFASO, Hiệp hội Dệt may Việt Nam VITAS, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam VEIA…). Nhìn chung, hiện nay có khoảng 990 tổ chức phi Chính phủ và hiệp hội kinh doanh hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam[2], trong đó số lượng hiệp hội ngành nghề của Việt Nam theo thống kê trên website Bộ Công thương là 179 hội, hiệp hội và liên hiệp[3].

Cuối cùng, phải kể đến là các cơ quan, tổ chức định chuẩn cũng đóng góp vai trò không nhỏ trong việc thực hiện CSR của doanh nghiệp. Rõ ràng, những quy tắc xử sự của doanh nghiệp có thể được xây dựng và ban hành bởi các cơ quan, tổ chức khác nhau. Vì vậy, tương ứng với mỗi bộ quy tắc thường sẽ có cơ quan, tổ chức đã ban hành sẽ chịu trách nhiệm trong việc đánh giá tình hình, mức độ thực hiện CSR của doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn đã ban hành trong các bộ quy tắc ấy. Ví dụ, đối với tiêu chuẩn SA8000 thì tổ chức SA hoặc cơ quan, tổ chức được ủy quyền sẽ có thẩm quyền trong việc thực hiện việc đánh giá mức độ hoàn thành tiêu chuẩn SA8000 của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xem xét quy định vai trò của các cơ quan này trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện CSR cũng chưa được đề cập đến, hầu hết các cơ quan định chuẩn này chỉ thực hiện vai trò của mình theo các mức độ nhỏ, lẻ hay trong các lĩnh vực có yêu cầu về đánh giá CSR của doanh nghiệp. Điều quan trọng là cần phải xây dựng được hệ thống các cơ quan định chuẩn phối kết hợp giúp đánh giá việc thực hiện CSR của doanh nghiệp, đặc biệt đối với việc thực hiện tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội theo ISO 26000 hiện nay.

Đánh giá sơ bộ, có thể thấy Việt Nam đã có một hệ thống các tổ chức phi Nhà nước đủ điều kiện để có thể thúc đẩy thực hiện CSR. Tuy nhiên, cần xác định được nhu cầu thiết lập một mạng lưới tổ chức, hoạt động có hiệu quả hơn, tránh sự rời rạc như hiện nay. Mặt khác, cần phải xem xét nhu cầu thiết lập cũng như vai trò, địa vị pháp lý của các tổ chức phi Nhà nước trong việc hỗ trợ thúc đẩy thực hiện CSR ở nước ta.

2. Tình hình thực hiện vai trò của các tổ chức phi Nhà nước đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về bản chất là sự cam kết đơn phương của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động cũng như cộng đồng, xã hội vì sự phát triển bền vững. Do đó, để đánh giá được tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam thì cần đánh giá sự tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến các trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, bên cạnh số lượng không nhiều các doanh nghiệp có chế độ chính sách CSR tốt thì tình trạng doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật có liên quan đến CSR lại ngày càng tăng lên. Nói cách khác, vi phạm pháp luật dường như vẫn còn là một thực trạng phổ biến của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với lĩnh vực bảo vệ quyền của người lao động, các hành vi vi phạm phổ biến liên quan đến quyền được bảo hiểm xã hội của người lao động, vi phạm quy định liên quan đến chế độ tiền lương, liên quan đến thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động và các quyền cơ bản khác của người lao động.

Đối với lĩnh vực bảo vệ quyền của người tiêu dùng, doanh nghiệp vẫn còn vi phạm các quyền cơ bản của người lao động như quyền được an toàn về sức khỏe, quyền được thông tin, quyền được bảo hành sản phẩm, quyền được bảo mật về thông tin cá nhân, hiện tượng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn nhiều.

Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, vẫn còn nhiều hành vi vi phạm do doanh nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng, đó là các hành vi liên quan đến việc không thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện các kế hoạch bảo vệ môi trường, có nhiều hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường…

Trong số đó, có các vi phạm điển hình như sự việc Công ty bột ngọt Vê Đan làm ô nhiễm dòng sông Thị Vải[4]; công ty Hào Dương làm ô nhiễm dòng sông Đồng Điền[5] và công ty Nicotek Thanh Thái[6] chôn hóa chất gây ô nhiễm môi trường đất, không khí; nhiều vi phạm khác về an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân như vụ việc vật thể lạ trong nước ngọt của công ty Tân Hiệp Phát[7], trong chai sữa Susu, nước uống tăng lực, nước giải khát C2; gần đây nhất là việc thanh tra đột xuất những cơ sở làm bánh trung thu truyền thống, lâu đời được người dân Hà Nội ưa chuộng và các kết luận về quy trình làm bánh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Và còn nhiều nữa những vi phạm về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp theo các nội dung khác nhau thuộc đối tượng bảo vệ của CSR.

Rõ ràng, mặc dù đã được pháp luật quy định và nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt, tuy nhiên, dường như các chế tài của Nhà nước vẫn chưa đủ tính răn đe nên tình trạng doanh nghiệp vi phạm không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Ngoài nguyên nhân do hệ thống pháp luật quy định chưa có hiệu quả, hiệu lực thi hành chưa cao, còn rất nhiều lý do khác, xuất phát từ cả phía doanh nghiệp và phía quản lý nhà nước. Có thể rút gọn lại thành những nguyên nhân chủ yếu như sau: Thứ nhất, do CSR hiện nay vẫn là sự lựa chọn, chưa phải là quy định bắt buộc nên doanh nghiệp không có trách nhiệm ràng buộc việc thực hiện CSR; thứ hai, chất lượng quản lý của Nhà nước chưa cao vì nhiều nguyên nhân như do thiếu cơ sở pháp lý quy định bắt buộc thực hiện CSR, do chưa phân định được rõ ranh giới giữa vi phạm CSR và vi phạm pháp luật nói chung. Điều này dẫn đến sự cần thiết phải xem xét đến vai trò tích cực của các tổ chức phi nhà nước. Rõ ràng, khi quyền lực nhà nước và pháp luật không bao quát được hết, thì vai trò của các tổ chức phi Nhà nước chính là yếu tố giúp phủ kín sự quản lý, giám sát việc thực hiện CSR.

Tuy nhiên thực tế hiện nay có thể thấy, các tổ chức phi Nhà nước ở Việt Nam do đặc điểm hình thành và tổ chức hoạt động còn có một số hạn chế nhất định nên còn cản trở việc phát huy vai trò tích cực của mình đối với việc thực hiện CSR.

Qua nghiên cứu vụ việc của công ty Nicotek Thanh Thái, có thể rút ra một số hạn chế của các tổ chức phi Nhà nước như sau: Vai trò của các tổ chức xã hội chưa thể hiện rõ sự phối kết hợp cả trong công tác quản lý và cả nhiệm vụ đại diện cho quyền lợi của cộng đồng, dân cư. Pháp luật bảo vệ môi trường quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong vai trò quản lý và giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong vụ việc này, rõ ràng bóng dáng và vai trò của Mặt trận Tổ quốc cũng không được thể hiện như mong đợi của người dân. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội về môi trường cũng không thể hiện được sự đoàn kết cùng nhau nhập cuộc, đấu tranh đòi công lý để bảo vệ cộng đồng dân cư đang bị ô nhiễm môi trường đe dọa. Mặc dù đây thực chất là trách nhiệm của họ, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, có lẽ lý do chính là thiếu cơ sở pháp lý về tổ chức hoạt động và nguồn tài chính đã ngăn cản họ tham gia. Sự việc chỉ được xử lý với vai trò của Hội Nông dân đứng ra đại diện khởi kiện, phối kết hợp với hơn 1000 chữ ký của người dân kêu gọi bảo vệ môi trường và sự tấn công mạnh mẽ của truyền thông, báo chí. Rõ ràng, các tổ chức xã hội được xem là hạt nhân của tổ chức xã hội dân sự, đã không làm tròn vai trò của mình, do những hạn chế nhất định, mà quan trọng nhất đó là thiếu cơ sở pháp lý cho việc hoạt động.

Tương tự như vậy, trong vụ việc của Hào Dương, việc phát hiện sai phạm đã diễn ra từ lâu nhưng không có tổ chức xã hội nào thay mặt, hay cộng đồng dân cư đại diện để khởi kiện. Việc xử lý hành chính xuất phát từ báo cáo của Ban điều hành khu công nghiệp Hiệp Phước nơi Hào Dương đặt trụ sở. Hào Dương lúc đó chỉ là bị đơn trong vụ kiện của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh khởi kiện yêu cầu trả nợ bảo hiểm xã hội. Còn trong vụ việc của Nicotex Thanh Thái, đã có Hội Nông dân đại diện khởi kiện và sử dụng cả sức mạnh của áp lực của cộng đồng, quần chúng từ hơn 1000 chữ ký yêu cầu xử lý hình sự đối với Nicotex Thanh Thái. Có thể nói, đây là một trong số rất ít lần ra quân hiếm hoi của các tổ chức xã hội để đại diện bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng chịu tác động của hoạt động do doanh nghiệp tiến hành. Vì nhiều lý do khác nhau như hạn chế về trình độ chuyên môn, hiểu biết về pháp luật chưa nhiều, thiếu nguồn kinh phí hoạt động, chưa đủ cơ sở pháp lý để hoạt động mà các tổ chức xã hội chưa thực hiện được hiệu quả vai trò tích cực của mình trong CSR. Đặc biệt, trong vụ việc như thế này, có thể thấy sức mạnh của áp lực từ cộng đồng cũng như truyền thông cũng được xem là những nhân tố hoạt động hiệu quả để thúc đẩy CSR. Tuy vậy, như đã phân tích trong vụ việc của Tân Hiệp Phát, ranh giới giữa sức mạnh của cộng đồng và truyền thông trong việc thúc đẩy chất lượng hay làm giảm chất lượng CSR là rất gần. Vì vậy, vai trò nhạc trưởng điều hành vẫn còn chưa có chủ thể nào lấp được chỗ trống đó, có thể là Nhà nước bằng các quy định pháp luật, cũng có thể là các tổ chức phi Nhà nước với các cơ sở pháp lý rõ ràng và hiệu quả.

Tình hình thực hiện CSR trong thời gian qua đã cho thấy được bên cạnh nhiều hạn chế khác nhau thì vai trò của xã hội dân sự và các tổ chức phi Chính phủ chưa thực sự được phát huy cũng là một trong những lý do đem lại chế độ CSR kém chất lượng. Tổ chức phi Nhà nước có đại diện là các tổ chức xã hội, các tổ chức dân sự khác – là đại diện hợp pháp cho các bên yếu thế trong cộng đồng, xã hội để khởi kiện, khiếu nại khi có các vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đại diện để thực hiện các khiếu kiện đó gần như chưa được tiến hành trên thực tế, điều đó đã được thực tế chứng minh. Ngoài ra việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho doanh nghiệp cũng như các bên hữu quan về các nội dung, vấn đề của CSR cũng chưa được thực hiện đồng bộ. Tập huấn cho doanh nghiệp thì tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề nhất định, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, việc tập huấn cho các bên hữu quan đặc biệt như người lao động, người tiêu dùng hay dân cư chưa được quan tâm thực hiện. Thực tế, các tổ chức này còn có một số vai trò tạo điều kiện, cơ sở vật chất và hỗ trợ về tài chính cho công cuộc thực hiện và thúc đẩy chất lượng CSR. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này cũng chưa được phủ đều và đến được những nơi doanh nghiệp thật sự cần do sự hạn chế trong khâu tổ chức, hợp tác cũng như nguồn tài chính của bên tài trợ.

Những tồn tại nói trên cũng có nguyên nhân nhân nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, cơ sở thành lập và hoạt động của các tổ chức này là điều lệ, quy chế hoạt động dựa trên sự thỏa thuận, vì vậy, tính cưỡng chế chưa cao, việc bảo vệ các đối tượng hữu quan vì thế chưa triệt để. Ngoài ra, xã hội dân sự chỉ có thể hiệu quả khi có được cơ sở pháp lý hoạt động, được sự nhất trí của Nhà nước. Tuy nhiên, thuật ngữ này hiện nay còn khá mới mẻ, thậm chí, nếu không tường tận về nó, có thể hiểu ý nghĩa của xã hội dân sự là sự tự do, dân chủ quá mức cho phép. Vì vậy, cần phải làm rõ vai trò của xã hội dân sự cũng như hiệu quả của nó với việc giám sát, thúc đẩy CSR trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, muốn thành lập và hoạt động thì phải có điều kiện tài chính vì các tổ chức này hưởng cơ chế của pháp nhân nên có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Thực tế hiện nay nguồn tài chính cấp cho các tổ chức hoạt động này chủ yếu là của các doanh nghiệp, tương tự như nguồn kinh phí hoạt động của tổ chức công đoàn do chủ sử dụng lao động chi trả, nên việc đi ngược lại với quyền lợi của người cấp vốn hoạt động cho mình là điều không mấy khi được lựa chọn.

Thứ ba, một vấn đề nữa đó là nhân sự quản lý các hội, hiệp hội chủ yếu là các đại diện quản lý của Nhà nước, hoặc doanh nghiệp, điều này không có tính khách quan và độc lập về lợi ích. Hơn nữa, nếu nhân sự được lấy từ dân cư hay các bên có liên quan sẽ có sự đồng cảm về cách nhìn của những bên yếu thế nhiều hơn, hoạt động thực sự vì lợi ích đối kháng với việc tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp nhiều hơn.

3. Giải pháp tăng cường vai trò của các tổ chức phi Nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Thứ nhất, để thực hiện tốt vai trò của các tổ chức này, cần phải xây dựng cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức phi Chính phủ. Đối với vấn đề này, có thể thấy kinh nghiệm ở một số quốc gia như Anh, Canada và Nhật Bản… vai trò của tổ chức phi Chính phủ giữ vị trí rất quan trọng trong việc giám sát, phản biện xã hội và đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến CSR. Hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ ở Anh, Pháp đã góp phần thúc đẩy trách nhiệm giải trình xã hội của các doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin minh bạch và công khai cho cộng đồng. Sự hợp tác của các tổ chức phi Chính phủ của Nhật Bản và Canada là nhằm mục đích tư vấn, đóng góp ý kiến cho Chính phủ trong quá trình lập pháp và xây dựng chính sách thông qua các diễn đàn thường xuyên của họ. Việc tư vấn, góp ý cho chính sách công về CSR là một hoạt động hiệu quả nhất mà các tổ chức phi Chính phủ có thể làm được để thúc đẩy CSR tại quốc gia đó.

Các tổ chức phi Nhà nước nếu có sự liên kết tốt sẽ hỗ trợ hiệu quả cho Nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện CSR. Để làm được điểu này, cần quy định rõ hơn vai trò và vị trí để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các tổ chức phi Nhà nước.

Thứ hai, cần phát huy vai trò tích cực của các tổ chức thuộc xã hội dân sự, để một mặt bổ trợ cho vai trò của Nhà nước, mặt khác giám sát các hoạt động của Nhà nước và doanh nghiệp trong hoạt động CSR, nhằm hạn chế các hành vi tư lợi, lạm dụng chức quyền của Nhà nước hay những hành vi đi ngược lại với văn hóa, đạo đức của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sự giám sát của cộng đồng, xã hội có thể được thể hiện thông qua các báo cáo mà doanh nghiệp phải hoàn thành đó là báo cáo về hạch toán xã hội, kiểm toán xã hội và báo cáo xã hội. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý về trách nhiệm xây dựng các loại báo cáo nói trên đối với doanh nghiệp. Có thể tham khảo thêm kinh nghiệm xây dựng báo cáo trách nhiệm xã hội của Pháp hay quy định về trách nhiệm báo cáo trong hướng dẫn của tiêu chuẩn ISO 26000. Việc quy định trách nhiệm cung cấp các loại báo cáo nói trên nhằm mục đích củng cố nhận thức của cả doanh nghiệp lẫn cộng đồng về việc thực hiện CSR, đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý cụ thể để đánh giá mức độ, chất lượng thực hiện CSR của doanh nghiệp. Thay mặt các bên hữu quan, các tổ chức phi Nhà nước sẽ là những tổ chức có trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc thực hiện CSR thông qua các báo cáo giải trình xã hội này.

Thứ ba, cần xem xét đến cơ chế giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ việc không tôn trọng và thực hiện CSR của doanh nghiệp bằng con đường phi Nhà nước, thông qua các thực thể phi Nhà nước. Kinh nghiệm của Chính phủ Canada cho thấy, việc thiết lập Hội đồng tư vấn và giải quyết tranh chấp về CSR do các tổ chức phi Chính phủ quản lý là điều cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ cho các bên hữu quan có quyền và lợi ích bị xâm phạm do việc không thực hiện CSR tham gia vào quy trình giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đối với các công ty xuyên quốc gia, việc thiết lập các mạng lưới Điểm liên lạc quốc gia (National contact Point) ở các quốc gia với nhau cũng là biện pháp hỗ trợ để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực hiện CSR của doanh nghiệp. Một quy trình giải quyết tranh chấp liên quan đến CSR được xây dựng cụ thể thông qua việc phối kết hợp giữa các tổ chức phi Nhà nước với sự hỗ trợ của Điểm liên lạc quốc gia nhằm liên kết hoạt động với các quốc gia khác sẽ được xem là đầy đủ và cần thiết, đó cũng chính là mô hình nước ta cần xem xét, tránh để việc giải quyết các vấn đề liên quan đến CSR bằng các con đường truyền thống như Tòa án hay tố tụng trọng tài. Ở góc độ này, vai trò của các tổ chức phi Chính phủ lại càng chứng tỏ sự thuyết phục và hợp lý hơn do bản chất của những cam kết đơn phương, tự nguyện của doanh nghiệp về việc thực hiện CSR.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của các tổ chức phi Nhà nước còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau như sự cam kết hỗ trợ dài hạn, kinh nghiệm và thâm niên hoạt động, yếu tố con người, và đặc biệt là vấn đề tài chính để duy trì hoạt động. Những vấn đề này cũng cần phải được nhanh chóng khắc phục, xử lý để tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các tổ chức phi Nhà nước thực hiện đúng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy CSR của mình.

Bên cạnh đó, bản thân các tổ chức phi Nhà nước cũng cần phải hoạt động mạnh hơn nữa để thực hiện vai trò phản biện xã hội, giám sát và đánh giá xã hội cho doanh nghiệp cũng như các bên hữu quan để thúc đẩy việc thực hiện CSR tốt hơn. Hay nói cách khác, ngoài những tác động bên ngoài tạo cơ sở hoạt động, các tổ chức phi Nhà nước cần phải nhận thức và nỗ lực phát huy nội lực của mình trong vai trò là một chủ thể của CSR.

Kết luận

Có thể thấy được rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ khi xuất hiện ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn là một sự lựa chọn khiên cưỡng của doanh nghiệp, ngoại trừ một số doanh nghiệp đặc biệt do yêu cầu bắt buộc phải cam kết thực hiện các bộ quy tắc xử sự. Nếu nhận thức được đầy đủ vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp của mình, từ đó đạt được mục đích “vì lợi nhuận”.

Quá trình để đưa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ nhận thức đến áp dụng và thực hiện quy chuẩn, đồng bộ ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay thực tế gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Điều đóthực sự đã trì hoãn doanh nghiệp trong việc tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý đối với quyền của người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng, xã hội. Vì vậy, yêu cầu bức thiết nhất hiện nay, đó là cần phải tìm ra các giải pháp, cách thức để khắc phục được những khó khăn này, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam. Giải pháp tăng cường vai trò của các tổ chức phi Nhà nước nếu được quan tâm thực hiện đúng cách sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Phạm Thị Huyền Sang

Khoa Luật, Đại học Vinh

Tài liệu tham khảo:

1. Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2014), Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp: kinh nghiệm của Nhật Bản, truy cập tại: http://www.ciem.org.vn/tabid/81/articletype/ArticleView/articleId/1590/default.aspx, ngày 5/6/2014.

2. Nguyen Dinh Tai, Le Thanh Tu (2009), Enhancing corporate social responsibility to employees and consumers by incorporating public-private efforts – the case of Vietnam, APEC Symposium “Enhancing public-private partnership on Corporate social responsibility”, Hanoi, October 2009.

3. Michael Torrance – Norton Rose Fulbright (2014), What you need to know in Canadian government’s corporate social responsibility initiative, truy cập tại: http://www.mining.com/web/what-you-need-to-know-about-the-governments-new-corporate-social-responsibility-initiative/, ngày 16/7/2015.

4. Luu Trong Tuan (2011), CSR lessons from Vedan deeds, Business and Economic Research, vol.1, no.1.

5. GS.TS. Võ Khánh Vinh (2008), Một số vấn đề lý luận về xã hội dân sự, Tạp chí Khoa học xã hội, số 4 -2008.

6. Nigel Twose and Tara Rao (2003), Strengthening Development Country Governments’ Engagement with corporate social responsibility: Conclusions and Recommendations from Technical Assistance in Vietnam, Final report.

7. Halina Ward and Craig Smith (2008), Corporate social responsibility at the crossroads: Futures for the CSR in the UK to 2015, International Institute for Environment and Development.



[1]GS.TS. Võ Khánh Vinh (2008), Một số vấn đề lý luận về xã hội dân sự, Tạp chí Khoa học xã hội, số 4 -2008.

[2]L.Thư(2013), 990 tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam, truy cập tại: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/151491/990-to-chuc-phi-chinh-phu-quoc-te-hoat-dong-tai-vn.html, truy cập ngày 12/7/2014.

[3]Danh sách các hiệp hội Việt Nam, truy cập tại: http://hiephoi.moit.gov.vn/, truy cập ngày 10/7/2015.

[4]Vụ Vedan “giết” sông Thị Vải: thành công suốt 14 năm, truy cập tại: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20080916/vu-vedan-giet-song-thi-vai-thanh-cong-suot-14-nam/278743.html, truy cập ngày 12/7/2014.

[5]Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt công ty cổ phần thuộc da Hào Dương hơn 6,39 tỷ đồng, truy cập tại: http://vov.vn/xa-hoi/tp-hcm-xu-phat-cong-ty-co-phan-thuoc-da-hao-duong-hon-639-ty-dong-365491.vov, truy cập ngày 20/4/2015.

[6]Hồng Đức (2013) Vụ chôn trộm hóa chất: công ty có “truyền thống” chôn trộm thuốc trừ sâu, truy cập tại: http://danviet.vn/xa-hoi/vu-chon-thuoc-tru-sau-cty-co-truyen-thong-chon-trom-hoa-chat-164952.html, truy cập ngày 10/8/2014.

[7]Nam Phương (2015),Bộ Y tế thanh tra toàn diện Công ty Tân Hiệp Phát,truy cập tại http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-y-te-thanh-tra-toan-dien-cong-ty-tan-hiep-phat-3185123.html,truy cập ngày 14/4/2015.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com