Một số vướng mắt về áp dụng biện pháp cưỡng chế Thi hành án dân sự

Một số vướng mắt về áp dụng biện pháp cưỡng chế Thi hành án dân sự

23/01/2015

 

Câu hỏi 1: Khoản 3 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế…”. Nhưng trong thời gian này, đương sự chưa hết quyền thỏa thuận thi hành án và người phải thi hành án chưa hết thời gian tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự. Việc Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế là vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người phải thi hành án?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo quyết định thi hành án hợp lệ. Tuy nhiên, đối với các trường hợp đương sự có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án, thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này. Như vậy, không phải toàn bộ quyết định cưỡng chế phải được ra sau 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Phong tỏa tài khoản không phải là biện pháp cưỡng chế thi hành án mà là biện pháp bảo đảm thi hành án. Việc phong tỏa tài khoản là biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản, nên không nhất thiết phải sau 15 ngày, do vậy, việc Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế là đúng quy định của pháp luật, không được xem là vi phạm đến quyền lợi của người phải thi hành án.

Câu hỏi 2: Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trên thực tế phát sinh vướng mắc như sau: Theo bản án tuyên xác định ranh giới đất, cơ quan thi hành án dân sự thụ lý đơn yêu cầu thi hành án, đã tống đạt giấy báo tự nguyện thi hành án cho hai bên đương sự. Nhưng một bên không tự nguyện, nên cơ quan thi hành án dân sự triệu tập hai bên đến chứng kiến cùng các ngành chuyên môn, đại diện địa phương cho đo đạc, xuống mốc ranh giới như bản án tuyên và người yêu cầu thi hành án đã ký nhận vào biên bản nhận ranh giới đất. Sau đó, người này không tự nguyện thi hành, không chấp nhận và dời bỏ cột mốc. Người yêu cầu thi hành án khiếu nại là cơ quan thi hành án dân sự chưa thi hành xong bản án. Vấn đề này giải quyết thế nào? Có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án lại không?

Trả lời: Nội dung này đã được quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số58/2009/NĐ-CP: “Tài sản đã được giao trên thực tế cho người được nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị đương sự chiếm lại thì cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người được nhận tài sản. Người đã nhận tài sản có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.

Câu hỏi 3: Vướng mắc trong việc thực hiện quy định tại Điều 74: Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Trình tự, thủ tục xác định phân chia tài sản của người phải thi hành án có chung với người khác như thế nào?

Trả lời: Trước hết, cần phải có sự phân biệt giữa tranh chấp tài sản và yêu cầu xác định, phân chia quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Tranh chấp liên quan đến tài sản đã kê biên và tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản… là vụ kiện dân sự. Vì vậy, khi có tranh chấp thì phải do Tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 10, khoản 11 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Do vậy, trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự cần hướng dẫn các đương sự khởi kiện để Tòa án giải quyết.

Đối với việc xác định hoặc phân chia quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản mà không có tranh chấp thì được xác định là việc dân sự. Việc không có tranh chấp ở đây có thể được hiểu là tài sản đó có sự thống nhất, thỏa thuận giữa người phải thi hành án với người khác về việc thừa nhận tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án mà thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người khác. Tuy nhiên, người được thi hành án không đồng ý với thỏa thuận đó hoặc cơ quan thi hành án dân sự nhận thấy thỏa thuận đó là trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến việc thi hành án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, của người được thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự hướng dẫn các đương sự có thể tự mình yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để thi hành án.

Câu hỏi 4: Theo quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên trước khi thông báo công khai bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp giá thẩm định có sự chênh lệch thì cơ quan thi hành án dân sự giải quyết như thế nào?

Trả lời: Để đảm bảo quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên của đương sự trước khi có thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản theo điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự, thì cơ quan thi hành án dân sự cần hướng dẫn cho đương sự thỏa thuận về giá tài sản hoặc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản. Nếu các bên không thỏa thuận được về các nội dung nêu trên thì Chấp hành viên chấp nhận đơn yêu cầu định giá lại tài sản của đương sự và hướng dẫn cho đương sự quyền lựa chọn tổ chức thẩm định giá. Kết quả định giá lại của tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn được xác định làm giá khởi điểm bán đấu giá tài sản. Quá trình làm việc cần có biên bản cụ thể, chặt chẽ.

Câu hỏi 5: Điều 103 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tài sản không giao tài sản bán đấu giá cho người mua được tài sản thì thủ tục cưỡng chế giao tài sản được thực hiện theo quy định tại các Điều 114, 115, 116 và 117 của Luật này”.

Thực tiễn công tác thi hành án có vướng mắc phát sinh: Số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản do các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyển sang được cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ngay việc thanh toán cho người được thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tiền. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, do nhiều nguyên nhân, sau khi bán đấu giá tài sản thành công lại không thể giao ngay được tài sản cho người trúng đấu giá, dẫn tới việc người trúng đấu giá tài sản gửi nhiều đơn thư khiếu nại, đề nghị giao tài sản hoặc đề nghị hủy hợp đồng mua bán tài sản.

Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, khi ủy quyền bán đấu giá, cơ quan thi hành án được nhận tiền bán đấu giá tài sản sau khi trừ các chi phí bán đấu giá tài sản đồng thời phải có nghĩa vụ giao tài sản cho người trúng đấu giá trong một thời hạn nhất định được ghi trong hợp đồng, nghĩa vụ giao tài sản chỉ chấm dứt khi có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 374 Bộ luật Dân sự. Khi nghĩa vụ giao tài sản chưa chấm dứt thì các nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán tài sản chưa hoàn thành, nên trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự chậm giao tài sản theo thời hạn trong hợp đồng thì người trúng đấu giá có quyền hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đã ký kết và yêu cầu trả lại khoản tiền mua tài sản đã nộp. Do đó, khi chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá, khoản tiền bán đấu giá tài sản chưa được xác định là tiền thi hành án để thực hiện việc chi trả cho những người được thi hành án.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và người trúng đấu giá, tránh đơn thư khiếu nại trong việc giao tài sản bán đấu giá, cơ quan thi hành án dân sự cần chú ý: Đối với khoản tiền bán đấu giá tài sản thu được khi chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá, cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng, khi giao xong tài sản cho người trúng đấu giá thì khoản tiền đó được xác định là tiền thu để thi hành án và thực hiện thanh toán theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Nếu nguời trúng đấu giá huỷ hợp đồng mua bán tài sản thì cơ quan thi hành án trả lại số tiền đó cho họ.

 

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com