Gây rối trật tự công cộng

Gây rối trật tự công cộng


Hôm vừa rồi tôi có uống rượu ở phòng người bạn và xảy ra xô xát. Tôi có cầm gậy đánh một người nhưng không đánh được. Lúc ra về thì bị người đó rủ thêm bạn tới đánh vỡ đầu. Vậy tôi có bị phạt tiền về tội gây rối không?

Gửi bởi: duongthehung

Trả lời có tính chất tham khảo

Do bạn chưa trình bày cụ thể hành vi của mình nên chúng tôi không thể trả lời một cách cụ thể về việc bạn có phạm tội gây rối trật từ công cộng hay không?

Việc uống rượu, xô xát với người khác có thể là dấu hiệu của hành vi gây rối, tuy nhiên trường hợp này tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi đối với xã hội để có thể xác định người thực hiện hành vi đó vi phạm hành chính hay phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chúng tôi viện dẫn quy định của pháp luật cụ thể để bạn tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 09 năm 2010 thì:

“Điều 7. Hành vi vi phạm trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu bóng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, xí nghiệp, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên các phương tiện giao thông, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

a) Thả rông trâu, bò, ngựa, chó hoặc động vật khác trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào tàu, thuyền, xe lửa hoặc các phương tiện giao thông khác, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;

đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

e) Để gia súc hoặc các động vật khác gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác;

g) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời” trong thành phố, thị xã hoặc ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các khu vực kho, bãi, sân bay, cảng …

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh sự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Xúi giục người khác không chấp hành các yêu cầu của người thi hành công vụ;

c) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ: dao, lê, mã tấu, dây xích, côn, gậy … hoặc công cụ hỗ trợ;

d) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;

e) Tụ tập để cổ vũ, kích động đua ca nô, xuồng máy, tàu thuyền trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

g) Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

h) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

i) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

k) Trực tiếp xâm hại hoặc thuê người xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác;

l) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức;

m) Tập trung đông người trái pháp luật tại khu vực tại các địa điểm, khu vực cấm;

n) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về việc tập trung đông người ở nơi công cộng;

o) Tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự (trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp);

p) Viết, tán phát, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

q) Tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

b) Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán “đèn trời”.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi quy định tại điểm đ, h khoản 2; điểm c, p, q khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Người vi phạm tại điểm e khoản 2 Điều này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do gia súc hoặc các động vật khác gây ra.

Còn theo Điều 245, Bộ luật Hình sự năm 1999 thì:

“Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

Như vậy, bạn cần đối chiếu hành vi cụ thể của mình đối với các quy định chúng tôi viện dẫn ở trên để xác định hành vi của mình có vi phạm trật tự công cộng và chịu chế tài của pháp luật hay chưa.

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn

Các văn bản liên quan:

Nghị định 73/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: z

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com