Cướp ngân hàng phạt thế nào?

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Cướp ngân hàng phạt thế nào?

Tội cướp ngân hàng thì bị phạt như thế nào, nếu chỉ biết mà không báo thì có phạm tội gì và bị xử nặng không, tôi sợ bị trả thù nên cũng không dám nói với ai cả, chỉ im lặng, nhưng giờ họ bị bắt rồi nên tôi rất lo lắng.


Luật sư Tư vấn Luật hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 21 tháng 06 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Tội cướp tài sản

  • Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

3./ Luật sư tư vấn

Pháp luật hiện nay chưa có quy định về tội cướp ngân hàng, tuy nhiên, xem xét các yêu tố cấu thành thì tội cướp ngân hàng được coi là tội cướp tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Căn cứ Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, người nào có hành vi cấp thành Tội cướp tài sản sẽ bị xử lý như sau:

“Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy, tùy vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội, người phạm tội cướp tài sản có thể bị phạt tù từ 2 đến 20 năm, hoặc chung thân. Đồng thời, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 hoặc, quản chế, cấm cư trú…

Khi phát hiện hành vi phạm tội, công dân có trách nhiệm tố giác, báo tin về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố đến cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có các quyền sau đây:

– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa;

– Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Do đó, anh/chị có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật về việc tố giác tội phạm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm của mình mà không phải lo lắng về việc trả thù.

Trường hợp của anh/chị phát hiện người khác phạm tội mà giữ im lặng thì hành vi này có thể cấu thành Tội không tố giác tội phạm và phải chịu trách nhiệm theo Điều 390 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 như sau:

“Điều 390. Tội không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”

Như vậy, khi phát hiện người nào đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện Tội cướp tài sản mà không tố giác thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Với những tư vấn về câu hỏi Cướp ngân hàng phạt thế nào?, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com