TỘI MUA BÁN PHỤ NỮ ( ĐIỀU 119)

Mua bán phụ nữ là hành vi coi người phụ nữ như một món hàng để trao đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác

So với tội mua bán phụ nữ quy định tại Điều 115 Bộ luật hình sự năm 1985 về cơ bản không có gì mới, chỉ bổ sung thêm một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt và quy định hình phạt bổ sung ngay trong cùng một điều luật.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

  1. Đối với người phạm tội

Người phạm tội có thể là người mua, có thể là người bán hoặc có thể họ vừa là người mua, vừa là người bán phụ nữ. Thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua, chúng tội thường gặp người phạm tội là người dùng mọi thủ đoạn lừa phỉnh phụ nữ để đem ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) bán cho người nước ngoài làm vợ. Việc mua bán phụ nữ xảy ra ở trong nước, nếu có cũng chủ yếu là sự móc nối của những người trong các khâu của quá trình mua bán phụ nữ và cuối cùng là đưa ra nước ngoài.

Quan niệm mua và bán phụ nữ cũng không hoàn toàn giống như mua và bán những hàng hoá khác hoặc mua bán nô lệ như một số nước ở thời kỳ trung cổ, do đó trong một số trường hợp nhìn hình thức bên ngoài chúng ta không thấy được đó là hành vi mua bán phụ nữ, thậm chí người phụ nữ bị đem bán còn cảm ơn người đã mua bán mình. Ví dụ: Chị Phạm Thị H đã 30 tuổi nhưng chưa có chồng, Nguyễn Thị M là người thường đi lên Lạng Sơn buôn bán nên biết được ở Lạng Sơn có người tìm phụ nữ có hoàn cảnh éo le để đưa sang Trung Quốc bán. M đã về gặp chị H và kể cho chị H nghe là sang Trung Quốc lấy chống có cuộc sống sung sướng, nếu chị H đồng ý thì M sẽ giúp đỡ. Vì hoàn cảnh như vậy nên chị H đã đồng ý và theo M lên Lạng Sơn để sangTrung Quốc, bằng việc làm này thị M đã được đồng bọn chia cho 1.000.000 đồng. Sau một năm, chị H viết thư về gia đình báo tin là đã có chồng và không quên gởi lời cám ơn M đã giúp chị.

Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân của người Việt Nam cũng như của người nước ngoài tại Việt nam có sử dụng các cán bộ khoa học hoặc công nhân có tay nghề cao là phụ nữ. Những người này được trả lương cao thậm chí rất cao và không ít trường hợp những “ông chủ” muốn lôi kéo họ về làm việc cho mình nên đã “mua hoặc bán” như kiểu chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng này không phải là hành vi phạm tội mua bán phụ nữ.

Người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì mới là hành vi phạm tội, nếu họ không nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì không phải là tội phạm. Ví dụ: Chị K đã ly hôn với chồng muốn sang Trung Quốc để lấy chồng vì chị nghe nói phụ nữ Việt Nam sang bên đó lấy chồng dễ, lại có cuộc sống sung sướng. Chị K nhờ chị L là người thường xuyên đi buôn bán ở Quảng Ninh xem có cách nào giúp chị, chị L đồng ý và dẫn chị K ra Quảng Ninh. Tại đây, chị L giới thiệu với Trần Văn Q về hoàn cảnh của chị K, Trần Văn Q đã đưa chị K đến nhà Hoàng Công T (T là đối tượng thường xuyên đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán), T đã trả cho Q 500.000 đồng, Q đêm về cho chị L 100.000 đồng và dặn lần sau có ai muốn sang Trung Quốc lấy chồng thì cứ đưa ra đây. Mặc dù chị L có được Q cho tiền nhưng chị L không biét việc làm của mình là hành vi giúp sức cho kẻ khác mua bán phụ nữ, nên hành vi của chị L không phải là hành vi phạm tội.

Vì là buôn bán nên dấu hiệu thu lợi cũng là một dấu hiệu quan trọng, nhưng nó không phải là dấu hiệu bắt buộc, việc người phạm tội có thu lợi hay không, điều đó không có ý nghĩa về mặt định tội, nếu có thì cũng chỉ có ý nghĩa về việc áp dụng hình phạt (lượng hình).

Hậu quả của hành vi mua bán phụ nữ là người phụ nữ đó đã bị mua, bị bán. Nhưng nếu người phạm tội đã thực hiện các hành vi nhằm mua, nhằm bán, nhưng việc mua bán chưa xảy ra thì cũng không vì thế mà cho rằng chưa phạm tội mua bán phụ nữ mà trường hợp phạm tội này là phạm tội chưa đạt.

  1. Đối với người bị hại

Người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ là người phụ nữ từ 16 tuổi trở lên bị mua, bị bán. Nếu người người bị hại là phụ nữ dưới 16 tuổi thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mau bán phụ nữ mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo Điều 120 Bộ luật hình sự.

Hiện nay có một tình trạng khá phổ biến là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng thường xác định người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ lại là thân nhân của họ như: bố, mẹ, anh, em của người phụ nữ bị mua, bị bán, nhất là đối với các trường hợp người bị hại bị đưa ra nước ngoài. Việc xác định thân nhân của người bị hại là bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, nếu không xác định thân nhân của người bị hại tham gia tố tụng với tư cách như người bị hại thì có không ít những trường hợp không bảo đảm quyền lợi của các đương sự nhất là đối với trường hợp người bị hại bị đưa ra nước ngoài.

Việc xác định thân nhân của người phụ nữ bị mua, bị bán tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử một số nơi đã cho họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện của người bị hại, nhưng ngay cả trong trường hợp này cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể, bởi lẽ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ mới tham gia tố tụng thay cho họ còn những phụ nữ bị bán ra nước ngoài chưa hẳn họ đã bị chết.

Trong khi chưa có hướng dẫn hoặc sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, theo chúng tôi nếu người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ không xác định được địa chỉ hoặc tuy xác định được địa chỉ nhưng không thể triêu tập họ được thì chỉ cho thân nhân của họ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chỉ giải quyết những vấn đề có liên quan đến thân nhân của người bị hại. Ví dụ: Những khoản thiệt hại vật chất do phải đi tìm người bị hại hoặc do người bị hại bị bán ra nước ngoài không nhận được tin tức mà thân nhân của người bị hại tổn thất về tinh thần.

Người bị hại có thể biết mình bị mua, bị bán nhưng cũng có thể không biết mình bị mua, bị bán. Thậm chí có người còn tự nguyện để người khác mua bán, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Mua bán một phụ nữ và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự ( khoản 1 Điều 119)

Là trường hợp một người hoặc nhiều người mua bán một phụ nữ mà không thuộc trường hợp phạm tội: Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm; phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; để đưa ra nước ngoài; mua bán nhiều người; mua bán nhiều lần, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản1 Điều 119 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù.

  1. Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm ( điểm a khoản 2 Điều 119)

Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm là trường hợp sử dụng người phụ nữ bị mua, bị bán vào việc hoạt động mại dâm. Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này còn bị truy cứu thêm tội môi giới mại dâm hoặc tội chứa mại dâm, nhưng cũng có thể chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm nếu người phạm tội chỉ biết người phụ nữ mà mình mua, mình bán sẽ được sử dụng vào mục đích mại dâm.

Đây là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội, do đó các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có căn cứ xác định người phạm tội biết người phụ nữ mà họ mua bán là để sử dụng vào mục đích mại dâm, nếu không có căn cứ xác định người phạm tội biết mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Tình tiết mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999, do đó những hành vi phạm tội mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật hình sự.

  1. Mua bán phụ nữ có tổ chức ( điểm b khoản 2 Điều 119)

Cũng giống như trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội mua bán phụ nữ có tổ chức là trường hợp nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để mua được, để bán được phụ nữ. Mua bán phụ nữ có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phận công, cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc mua bán phụ nữ và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình.

  1. Mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp ( điểm c khoản 2 Điều 119)

Phạm tội mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc mua bán phụ nữ là nguồn sống chính cho mình.

Bộ luật hình sự năm 1985 chưa coi trường hợp phạm tội này là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết định khung hình phạt. Nhưng qua thực tiễn xét xử, có một số tội phạm, trong đó có tội mua bán phụ nữ, người phạm tội đã lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập chính của bản thân, nên Quốc hội đã bổ sung tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm, trong đó có tội mua bán phụ nữ. Việc nhà làm luật coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng là yếu tố định khung hình phạt là một yêu cầu cần thiết do thực tiễn xét xử đặt ra.

Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống. Ví dụ: Hoàng Văn N là một kẻ sống lang thang không nghề nghiệp, thường tụ tập một số người cùng cảnh ngộ như mình chuyên tìm phụ nữ để đưa ra nước ngoài bán để lấy tiền. Tuy nhiên, không phải hành vi phạm tội nào cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần đều coi là có tính chất chuyên nghiệp, mà chỉ những hành vi mà người phạm tội coi đó là phương tiện kiếm sống thì mới là có tính chất chuyên nghiệp.

Tình tiết mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999, do đó những hành vi phạm tội mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật hình sự.

  1. Mua bán phụ nữ để đưa ra nước ngoài ( điểm d khoản 2 Điều 119)

Hành vi mua bán phụ nữ để đưa ra nước ngoài được coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Thực tiễn trong những năm vừa qua hầu hết các vụ mua bán phụ nữ là để đưa ra nước ngoài và cũng chủ yếu là đưa sang Trung Quốc.

Chỉ cần chứng mình người phạm tội có ý định đưa người phụ nữ bị mua bán ra nước ngoài là thuộc trường hợp phạm tội này rồi, chứ không cần phải đưa người phụ nữ bị mua bán ra được nước ngoài trót lọt mới thuộc trường hợp phạm tội này.

Cần phân biệt trường hợp phạm tội này với trường hợp tổ chức, cưỡng ép phụ nữ trón đi nước ngoài có thu tiền, vàng. Nếu tiền, vàng mà người phạm tội thu được là của người phụ nữ trốn đi nước ngoài thì không phải là mua bán phụ nữ để đưa ra nước ngoài, vì tiền hoặc vàng mà người phạm tội có không phải của người khác mà của chính người phụ nữ bị đưa ra nước ngoài.

  1. Mua bán nhiều phụ nữ ( điểm đ khoản 2 Điều 119)

Đây là trường hợp có từ hai người phụ nữ trở lên bị người phạm tội mua bán, trong đó có thể có người bị đưa ra nước ngoài, có người không bị đưa ra nước ngoài hoặc tất cả bị đưa ra nước ngoài. Nếu có người bị đưa ra nước ngoài thì người phạm tội vừa mua bán nhiều người vừa để đưa ra nước ngoài (hai tình tiết định khung).

Mua bán nhiều phụ nữ là trường hợp một lần người phạm tội mua bán nhiều phụ nữ, nếu người phạm tội mua bán nhiều phụ nữ nhưng mỗi lần chỉ mua bán một phụ nữ thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà thuộc trường hợp “mua bán nhiều lần” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự)

  1. Mua bán nhiều lần (điểm e khoản 2 Điều 119)

Mua bán nhiều lần là trường hợp người phạm nhiều lần thực hiện hành vi mua bán phụ nữ và mỗi lần hành vi mua bán đã cấu thành tội mua bán phụ nữ.

Mua bán nhiều lần, có thể mỗi lần mua bán một người phụ nữ, nhưng cũng có thể trong các lần mua bán đó có lần mua bán nhiều người, nếu có lần mua bán nhiều người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ và điểm e khản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự với hai tình tiết định khung là ” mua bán nhiều người và mua bán nhiều lần”.

Trường hợp, chỉ có một phụ nữ bị bán hoặc bị mua nhưng người phạm tội đã mua bán nhiều lần đối với cùng một phụ nữ thì cũng bị coi là mua bán nhiều lần

Người phạm tội mua bán phụ nữ trong các trường hợp: Mua bán phụ nữ vì mục đích thương mại; phạm tội có tổ chức; để đưa ra nước ngoài; mua bán nhiều người hoặc mua bán nhiều lần thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ năm năm đến hai mươi năm tù.

Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt đối với tội mua bán phụ nữ nữa, nên hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999 thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật hình sự.

 Khi quyết định hình phạt cụ thể, toà án cần xem xét một cách toàn diện, nếu phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị mức hình phạm cao hơn người phạm tội có một tình tiết, nếu các tình tiết của vụ án tương tự như nhau.

Hiện nay, tình trạng mua bán phụ nữ xảy ra khá nghiêm trọng, nhất là tình trạng đưa nhiều phụ nữ ra nước ngoài để bán, có trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như sau khi bị bán, có chị em viết thư về gia đình kể lại cuộc sống cơ cực ở xứ người, bị mua đi bán lại qua nhiều lần, có chị không chịu nổi phải tự sát; bọn mua bán phụ nữ tổ chức thành đường dây móc nối với người nước ngoài và đưa rất nhiều phụ nữ ra nước ngoài bán thu lợi bất chính, dư luận xã hội đòi hỏi phải nghiêm trị những tên cầm đầu, chỉ huy đồng bọn. Nhưng mức hình phạt tối đa của tội phạm này cao nhất cũng chỉ có hai mươi năm tù. Mặt khác, việc bỏ tình tiết tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt trong tội mua bán phụ nữ là không thoả đáng, vì tội mua bán phụ nữ là một tội nguy hiểm và dư luận đang quan tâm, người phạm tội mà thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm phải bị phạt nặng hơn trường hợp không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm mới thoả đáng. Ngoài ra, qua thực tiễn xét xử chúng tôi còn thấy trường hợp ua bán phụ nữ chưa thành niên cũng là trường hợp lẽ ra phải áp dụng khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội nhưng Bộ luật hình sự năm 1999 cũng không quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt. Hy vọng rằng, khi có điều kiện hình phạt tối đa của tội phạm này sẽ được sửa đổi bổ sung theo hương nghiêm khắc hơn.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đén năm năm theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Bộ luật hình sự.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI CỐ Ý TRUYỀN HIV CHO NGƯỜI KHÁC ( ĐIỀU 118)

Cố ý truyền HIV cho người khác là hành vi của một người không bị nhiễm HIV nhưng đã cố ý truyền HIV từ người này sang người khác.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

Điều luật chỉ quy định người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 của Bộ luật hình sự thì thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 118 của Bộ luật hình sự, nhưng xem xét một cách cụ thể chúng ta thấy giữa tội lây truyền HIV cho người khác với tội truyền HIV cho người khác không chỉ khác nhau về tư cách chủ thể mà còn khác nhau ở cả hành vi phạm tội. Những điểm khác nhau đó là :

– Nếu ở Điều 117 có tên tội danh là “lây truyền…” thì ở Điều 118 tên tội danh là “truyền”, không có từ “lây” chứng tỏ chỉ có người bị nhiễm HIV thì mới lây cho người khác được ( lây bệnh cho người khác); “lây truyền” tức là truyền bệnh từ cơ thể của mình sang cơ thể của người khác, còn “truyền” không bao hàm nội dung của khái niệm “lây” nó chỉ có nghĩa là truyền tải vi rút HIV từ cơ thể người có bệnh sang người chưa bị nhiễm bệnh.

– Hành vi truyền HIV cho người khác nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi lây truyền HIV cho người khác nên nhà làm luật coi hành vi truyền HIV là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, còn hành vi lây truyền HIV nhà làm luật chỉ coi là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng.

 – Nếu ở Điều 117 chủ thể của tội phạm nhất thiết phải là người bị nhiễm HIV, thì ở Điều 118 chủ thể của tội phạm tội có thể là người bị nhiễm HIV nhưng chủ yếu là người không bị nhiễm HIV, nếu là người bị nhiễm HIV thì vi rút HIV mà họ truyền cho người khác không phải vi rút HIV trong cơ thể của họ mà vi rút từ cơ thể của người khác. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa hai tội này và cũng vị vậy mà điều luật chỉ dùng động từ “truyền” mà không dùng động từ “lây truyền”. Theo từ điển tiếng Việt thì “lây” là truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác, nên  khi nói lây HIV cho người khác cũng có nghĩa là truyền HIV từ cơ thể mình sang cơ thể người khác rồi.

Người bị hại (nạn nhân) là người đã bị truyền HIV là người có hành vi truyền HIV cho họ đã cấu thành tội phạm này rồi, không cần biết người bị hại có bị nhiễm HIV hay không. Nếu người bị hại không bị nhiễm HIV thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Cố ý truyền HIV cho một người và không thuọc trường hợp quy định tại từ điểm a đến điểm đ khoản 2 Điều 118 Bộ luật hình sự ( khoản 1 Điều 118)

Đây là trường hợp chỉ có một người bị người khác truyền HIV, người bị truyền HIV có thể bị nhiễm HIV do bị truyền những cũng có thể không bị nhiễm, nhưng người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 118 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng. Do đó, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ cũng chỉ nên áp dụng mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt không nên áp dụng dưới mức thấp nhất, đặc biệt không nên chuyển sang một hình phạt khác nhẹ hơn.

  1. Phạm tội có tổ chức ( điểm a khoản 2 Điều 118)

Cũng giống như trường hợp phạm tội có tổ chức trong các tội phạm khác,  là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện hành vi cố ý truyền HIV vào cơ thể người khác, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Khi xác định trường hợp phạm tội này cần chú ý phân biệt với trường hợp đồng phạm thông thường có từ hai hoặc nhiều người cùng cố ý truyền HIV cho người khác nhưng không có sự bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau; không có phân công vai trò của mỗi người, không vạch kế hoạch và không có người cầm đầu.

  1. Phạm tội đối với nhiều người ( điểm b khoản 2 Điều 118)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội qua định tại điểm a khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ người phạm tội trong trường hợp này không phải là người lây truyền HIV trong cơ thể mình đã bị nhiễm cho người khác mà là truyền HIV của người khác cho nhiều người khác. Ví dụ: A biết B bị nhiễm HIV. Vì là con nghiện nên nhiều lần A xin tiền của C và D mua ma tuý để tiêm chích nhưng C và D không cho, A tìm cách trả thù C và D. Một hôm A đang chích ma tuý cho B thì C và D đến. B thấy C và D đến và cũng là bạn tiêm chích ma tuý với B nhiều lần, nên B nói với C và D: “có chích thì bảo A nó chích cho, ma tuý tao mua còn đấy”. Nghe B nói vậy, C và D đồng ý, lợi dụng cơ hội này A đã dùng kim tiêm và xi lanh đã chích ma tuý cho B để chích ma tuý cho C và D với ý định làm cho C và D bị nhiễm HIV từ cơ thể của B.

  1. Phạm tội đối với người chưa thành niên ( điẻm c khoản 2 Điều 118)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ người phạm tội trong trường hợp này không phải là người lây truyền HIV trong cơ thể mình đã bị nhiễm cho người khác mà là truyền HIV của người khác cho người chưa thành niên. Ví dụ: H và K đều mới 17 tuổi là học sinh lớp 11, nhưng cả hai đều nghiện ma tuý và đều yêu T bạn học cùng lớp. H biết anh trai mình là B đã bị nhiễm HIV vì tiêm chích ma tuý. Một hôm H dang chích ma tuý cho B thì K đến nhà chơi, vì muốn trả thù K nên H nói với K: “có làm một tý không ?”. Đang lên cơn nghiện nên K đồng ý để cho H dùng kim và xi lanh vừa chích ma tuý cho anh mình để chích ma tuý cho K với mong muốn K sẽ bị nhiễm HIV như anh mình.

  1. Phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân ( điểm d khoản 2 Điều 118)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ người phạm tội trong trường hợp này không phải là người lây truyền HIV trong cơ thể mình đã bị nhiễm cho người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ vủa nạn nhân mà là truyền HIV của người khác cho người người thi hành công vụ.

  1. Lợi dụng nghề nghiệp để phạm tội ( điểm đ khoản 2 Điều 118)

Lợi dụng nghề nghiệp để cố ý truyền HIV cho người khác là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng nghề nghiệp của mình mà nghề đó có khả năng, điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành vi cố ý truyền HIV cho người khác như lợi dụng việc chữa bệnh cho nạn nhân để truyền HIV cho người mà mình chữa bệnh. Ví dụ: Vũ Thị C là y tá Trung tâm cai nghiện. C biết H là người bị nhiễm HIV. Do có mâu thuẫn với K là người yêu cũ cũng bị đưa vào trung tâm cai nghiện, nên C có ý định trả thù K. Một lần Vũ Thị C được phân công trực, thấy K và H đều bị lên cơn sốt, theo chỉ định của bác sỹ điều trị, K và H đều phải tiêm thuốc giảm sốt. Lợi dụng cơ hội này, Vũ Thị C đã dùng kim tiêm và xi lanh tiêm thuốc cho H đẻ tiêm thuốc cho K với ý định để K cũng bị nhiễm HIV.

Phạm tội thuộc các trường hợp: có tổ chức; đối với nhiều người; đối với người chưa thành niên; đối với người thi hành công vụ oặc vì lý do công vụ của nạn nhân; lợi dụng nghề nghiệp để phạm tội thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 118 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân. đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên khi xét xử Toà án cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để áp dụng một mức hình phạt cụ thể hco tương xứng với tội phạm do bị cáo gây ra. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chưa gây ra hậu quả ( người bị truyền HIV chưa bị nhiễm HIV) thì có thể áp dụng mức hình phạt dưới mức mười năm tù. nếu người phạm tội tập trung nhièu tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 118 Bộ luật hình sự lại có nhiều tình tiét tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, hậu quả gây ra làm người bị truyên HIV nhiễm HIV và không có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì phải áp dụng hình phạt cao trong khung hình phạt ( hai mươi năm hoặc tù chung thân).

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảmm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ một năm đến năm năm the khoản 3 Điều 118 Bộ luật hình sự.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI VU KHỐNG ( ĐIỀU 122 )

Vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác, hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

  1. Đối với người phạm tội

Người phạm tội phải có một trong các hành vi sau:

– Bịa đạt những điều không có thực

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp không biết bao nhiêu những điều man trá và khi phải nghe những điều người ta nói không đúng về mình thì chúng ta thường có một phản ứng lại và coi đó là vu khống, vu cáo, đồ bịa đặt, đồ lừa thầy phản bạn và coi đó là hành vi xấu xa, đê tiện v.v.. Nhưng không phải bao giờ những hành vi đó đều coi là tội phạm hình sự mà nhiều trường hợp người nghe, người biết chỉ coi đó là hành vi mất đạo đức, nếu cần thì xử lý hành chính, có khi giữa người bị vu khống với người có hành vi bịa đặt gặp nhau thông cảm và họ lại quan hệ tốt với nhau như cũ. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, nhiều kẻ lợi dụng quyền tự do, dân chủ để vu khống một số cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, nhằm bôi nhọ danh dự hoặc thực hiện những mưu đồ khác. Vì vậy, việc đưa ra truy tố xét xử những kẻ có hành vi vu khống là rất cần thiết.

Bịa đặt là tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có đối với người khác như: không tham ô thì bảo là tham ô, không quan hệ bất chính lại tố cáo là quan hệ bất chính, không nhận hối lộ lại tố cáo là nhận hối lộ, người đã tốt nghiệp đại học, đã bảo vệ luận văn thạc sỹ, tiến sỹ nhưng lại tố cáo họ là bằng giả v.v… Trong thực tế không ít trường hợp kẻ có hành vi bịa đặt rất tinh vi, nếu không điều tra xác minh thì rất dễ tin điều đó là sự thật, kẻ bịa đặt trong trường hợp này thường sử dụng những sự kiện có thực mà ai cũng biết để gài đặt vào trong những sự kiện có thực đó những điều không có thực. Ví dụ: Nguyễn H nguyên là Uỷ viên Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh, chỉ vì không được chấp nhận là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội vì H che giấu quá trình hoạt động bản thân của mình. Từ đó, H nhân danh mặt trận tổ quốc tỉnh, cấu kết với một số phần tử bất mãn viết nhiều đơn gửi đến các cơ quan Đảng và Nhà nước vu cáo một số cán bộ chủ chốt của địa phương. Trong các đơn thư tố cáo, Nguyễn H đã dựa vào những việc có thực như: cưỡng chế giải toả, di dân để xây dựng công trình phúc lợi, quyết định thu hồi nhà vắng chủ của UBND, cơ quan Công an có bắt tạm giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ v.v.. để gài đặt những điều không có thực như: ông T là chủ tịch tỉnh đã cho quân càn quết, bắt trói đánh đập dã man người vô tội, xâm phạm nghiêm trọng chính sách đối với người dân tộc thiểu số, lấy nhà vô chủ cấp cho người nhà v.v..

– Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt

Tuy người phạm tội không bịa đặt, nhưng lại loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: sáo chép làm nhiều bản gởi đi nhiều nơi, kể lại cho người khác nghe, đăng tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng v.v… Người có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt có thể biết điều đó do ai bịa đặt hoặc cũng có thể chỉ biết đó là bịa đặt còn ai bịa đặt thì không biết.

Người loan truyền phải biết rõ điều mình loan truyền là không có thực nếu họ còn bán tin bán nghi thì cũng chưa cấu thành tội vu khống.

– Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền

Đây là trường hợp tố cáo trước cơ quan có thẩm quyền về một tội phạm xảy ra và người thực hiện tội phạm mà hoàn toàn không có thực. Trong thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan nhà nước nhận được tin báo về tội phạm và người phạm tội, sau khi xác minh thấy không có tội phạm xảy ra đã không khởi tố vụ án hình sự hoặc tuy đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thậm chí đã truy tố ra trước Toà án và Toà án đã kết án người bị tố cáo, nhưng sau khi kiểm tra lại toàn bộ các tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thì mới xác định tội phạm và người phạm tôi bị tố cáo là không có thực, nhưng không phải vì thế mà cho rằng người đã tố cáo đã có hành vi vu khống mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định người tố cáo không đúng đó có phải là vu khống không. Đây cũng là một vấn đề khá phức tạp cả về lý luận cũng như thực tiễn xét xử. Nhiều người sau khi được minh oan, đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải trừng trị kẻ đã tố cáo sai sự thật đã đẩy họ tới chỗ phải tù tội, nhưng cũng có người không yêu cầu gì. Mặc dù Bộ luật hình sự quy định tương đối đầy đủ những hành vi của công dân và của những người tiến hành tố tụng, nếu cố tình làm oan người ngay thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng trên thực tế lại có rất ít những trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu cho rằng do trình độ nghiệp vụ non kém hoặc không cố ý. Trong hoạt động tố tụng tình trạng người làm chứng man khai cũng không phải ít, nhưng để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội khai báo gian dối theo Điều 307 Bộ luật hình sự thì lại không phải là dễ dàng. Người làm chứng man khai có thể đưa ra đủ lý do để biện bạch cho lời man khai của họ, để chứng minh là mình không cố ý. Hiện nay và sau này chắc chắn tình trạng này còn xảy ra nhiều, chúng tôi hy vọng rằng, đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng cần tổng kết thực tiến xét xử về những trường hợp tố cáo người phạm tội không đúng sự thật, người phiên dịch đã cố tình dịch không đúng mà họ biết rõ là sai sự thật để có thể đề ra chủ trương xử lý bảo đảm sự công bằng xã hội.

Tất cả những hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt hoặc tố cáo sai người phạm tội với cơ quan có thẩm quyền đều nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người bị hại. Những hiệt hại này có thể có xảy ra hoặc cũng có thể chưa xảy ra.

 

VỀ PHÍA NGƯỜI BỊ HẠI

Người bị hại chính là người bị vu khống, là công dân (con người cụ thể) chứ không phải pháp nhân hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Điều này tưởng đơn giản không có gì phức tạp, nhưng thực tiễn có trường hợp có hành vi vu khống, có người vu khống nhưng lại không xác định được người bị hại là ai hoặc xác định sai người bị hại dẫn đến giải quyết vụ án không đúng. Ví dụ: Ch đã bịa đặt và loan truyền nhiều tin mà Ch biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự của một số cán bộ chủ chốt ở địa phương, nhưng Ch không chỉ đích danh ai mà chỉ nói chung chung là “những người lãnh đạo địa phương”. Khi hành vi của Ch bị phát hiện, cần phải xác minh ai là người bị hại để yêu cầu khởi tố Ch thì không ai nhận mình là người bị hại, vậy là cơ quan điều tra xác định luôn người bị hại là Uỷ ban nhân huyện và thay mặt Uỷ ban nhân dân huyện ông chủ tịch ký vào công văn yêu cầu khởi tố Ch về tội vu khống.

Người bị hại trong vụ án vu khống có thể bị xúc phạm danh dự, cũng có thể bị thiệt hại về tài sản hoặc những thiệt hại khác về tinh thần, về sức khoẻ v.v..nhưng chủ yếu là thiệt hại về tinh thần (danh dự).

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Vu khống một người và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự ( khoản 1 Điều 112)

Đây là trường hợp phạm tội không có các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự. Người phạm tội vu khống trong trường hợp này bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự có khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đén hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Đây là tội phạm ít nghiêm trọng, việc đưa ra truy tố xét xử chủ yếu để giáo dục, nếu không có nhiều tình tiết tăng nặng và hậu quả của hành vi vu khống gây ra chưa nghiêm trọng lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì chỉ nên cảnh cáo hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên, theo Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tội vu khống chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nên chỉ khi nào người bị hại có yêu cầu thì mới được khởi tố vụ án. và người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  1. Phạm tội có tổ chức ( điểm a khoản 2 Điều 122)

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội vu khống có tổ chức là trường hợp có nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để vu khống được người khác. Vu khống có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phận công, cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc vu khống và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình.

Đây là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống ( điểm b khoản 2 Điều 122)

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một cong vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.15

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống là hành vi vu khống do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi vu khống đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc vu khống; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc vu khống một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người phạm tội  có việc lợi dụng chức vụ để vu khống thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống.

Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Vu khống nhiều người ( điểm c khoản 2 Điều 122)

Cũng tương tự như trường hợp phạm tội đối với nhiều người, nhưng vì khoản 2 Điều 122 không có quy định trường hợp vu khống nhiều lần, nên vu khống đối với nhiều người bao gồm cả trường hợp một lần vu khống từ hai người trở lên hoặc nhiều lần vu khống mà tổng số người bị vu khống từ hai người trở lên. Tuy nhiên, do Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tội vu khống chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nên chỉ coi là phạm tội đối với nhiều người khi có từ hai người trở lên bị vụ khống và cả hai người đều có yêu cầu khởi tố vụ án.

Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Vu khống ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình ( điẻm d khoản 2 Điều 122)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tư như đối với các trường hợp phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình, chỉ khác nhau ở chỗ người bị hại trong trường hợp này là người bị vu khống.

Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Vu khống người thi hành công vụ ( điểm đ khoản 2 Điều 122)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác đối với người thi hành công vụ, chỉ khác ở chỗ trong trường hợp này người bị hại là người bị vu khống. Như vậy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đẻ vu khống người khác và vu khống người thi hành công vụ đều bị coi là nghiêm trọng hơn và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự.

Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

  1. Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng ( điểm e khoản 2 Điều 122)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự thì tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù. Ví dụ: tội gián điệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 80; tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93; tội cưỡng dâm trẻ em thuộc trường hợp quy định tại  khoản 2 Điều 114. v.v…

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: Tội phản bội tổ quốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78; tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93; tội cướp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 133; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 279.v.v…

Nếu hành vi vu khống người khác phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự.

Phạm tội thuộc các trường hợp: có tổ chức; lợi dụng chức vu, quyền hạn; đối với nhiều người; đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đối với người thi hành công vụ; vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặcbiệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một năm đến bảy năm tù. So với khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn, nhưng tất cả các tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự là tình tiết mới nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội vu khống cũng có khoản 2, nhưng chỉ có một tình tiết định khung là phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng nên có thể coi những trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 là trường hợp nghiêm trọng nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 thì áp dụng khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt bổ sung đối với tội làm nhục người khác, vì vậy đói với người phạm tội làm nhục người khác trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI HIẾP DÂM (ĐIỀU 111)

Hiếp dâm là hành vi của một người dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với người khác trái với ý muốn của họ.

Hiếp dâm là tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục của phụ nữ

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

Hành vi khách quan

Người phạm tội thực hiện việc hiếp dâm có thể dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với người khác trái với ý muốn của họ.

So với Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì Bộ luật hình sự năm 1999 mô tả hành vi khách quan đầy đủ và cụ thể hơn. Nếu như Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định: “người nào dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác” thì Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác”. Như vậy, so với Bộ luật hình sự năm 1985, Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hai hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm này, nhưng không vì thế mà cho rằng tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 đã thay đổi về chất so với tội hiếp dâm quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985. Việc nhà làm luật quy định thêm hai hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm chỉ làm cho việc áp dụng dễ dàng, thuận tiện hơn, chứ không làm cho bản chất thay đổi. Tuy nhiên, về cấu tạo, Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo lại hợp lý hơn so với Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985.

Hành vi dùng vũ lực

Hành vi dùng vũ lực trong tội hiếp dâm cũng tương tự với hành vi dùng vũ lực ở một số tội phạm khác mà người phạm tội có dùng vũ lực, nhưng ở tội hiếp dâm, hành vi dùng vũ lực là nhằm giao cấu với người bị tấn công. Hành vi này, thông thường là làm thế nào để buộc người phụ nữ phải để cho kẻ tấn công giao cấu như: Vật lộn, giữ chân tay, bịp mồm, bóp cổ, đánh đấm, trói v.v… Những hành vi này chủ yếu làm tê liệt sự kháng cự của người bị hại để người phạm tội  thực hiện được việc giao cấu. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp người phạm tội  đã dùng vũ lực tới mức làm cho người bị hại bất tỉnh nhưng chưa bị chết và sau khi người phạm tội  đã thoả mãn dục vọng, người bị hiếp đã chết thì người phạm tội  còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, ngoài tội hiếp dâm mà họ đã thực hiện. Bởi vì, người phạm tội  đã bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra miễn là y thoả mãn được dục vọng.

Hành vi đe doạ dùng vũ lực

Đe doạ dùng vũ lực là hành vi của một người dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác, làm cho người bị đe doạ sợ hãi như: doạ giết, doạ đánh, doạ bắn… làm cho người bị hại sợ hãi phải để cho người phạm tội giao cấu trái với ý muốn của mình. Điều luật không quy định đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, nên có thể hiểu hành vi đe doạ dùng vũ lực quy định ở đây bao gồm cả trường hợp đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc và trường hợp đe doạ dùng vũ lực như trường hợp đối với tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.

Hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân

Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng nếu như bị người khác giao cấu thì không thể chống cự lại được.

Tình trạng này, có thể do chính người phạm tội tạo ra cho nạn nhân để thực hiện việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân. Ví dụ: Trần Văn T bỏ thuốc mê vào cốc nước để chị Đào Xuân D uống. Sau khi uống nước chị D mê không biết gì nữa, nên T đã thực hiện hành vi giao cấu với chị D. Cũng có trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng không thể tự vệ được do những lý do khách quan khác không do người phạm tội gây ra cho nạn nhân, nhưng người phạm tội đã lợi dụng tình trạng đó để giáo cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Ví dụ: Chu Văn H là Y sĩ  bệnh viện huyện K tỉnh T đã lợi dụng lúc chị L đang truyền huyết thanh để giao cấu với chị L, mặc dù biết H giao cấu với mình, nhưng vì đang truyền huyết thanh và nghe H dặn: “Nếu cử động, huyết thanh chảy ra ngoài sẽ bị cưa tay” nên chị L không giám chống cự.

Hành vi dùng thủ đoạn khác

Thủ đoạn khác là những thủ đoạn ngoài những hành vi  đã được quy định trong cấu thành ( dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân). Đây là quy định mở nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, bởi lẽ thực tiễn xét xử có những trường hợp hành vi phạm tội của người phạm tội không thuộc mọt trong các hành vi cụ thể đã được quy định trong cấu thành, nhưng hành vi này bản chất lại là hành vi hiếp dâm và việc truy cứu người phạm tội về tội hiếp dâm là cần thiết. Tuy nhiên, khi xác định hành vi dùng thủ đoạn khác để giáo cấu trái với ý muốn của nạn nhân cần chú ý một số vấn đề sau:

Những thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện hoặc lợi dụng phải là những thủ đoạn nhằm đưa người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng làm chủ bản thân để người phạm tội  giao cấu trái với ý muốn của họ như: cho uống thuốc kích dục hoặc lợi dụng sự kém hiểu biết của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cáu trái với ý muốn của nạn nhân. Ví dụ: Hà Đ là Bác sỹ chữa bệnh tại nhà. Cháu Hoàng Thị M  15 tuổi là người dân tộc thiểu số bị bệnh đến nhà Đ để Đ khám và chữa bệnh cho cháu M, Đ nói với cháu M là muốn khoẻ mạnh và có nước da trắng hồng thì đặt thuốc vào âm đạo, cháu M đồng ý đặt thuốc. Đ đã lợi dụng việc đặt thuốc cho cháu M để thực hiện hành vi giao cấu với cháu M. Sau khi đặt thuốc, cháu M đã kể lại toàn bộ hành vi của Đ với mẹ cháu, nên vụ án bị phát hiện.

đ. Hành vi giao cấu trái với ý muốn của người phụ nữ

Giao cấu trái với ý muốn của người phụ nữ là hành vi khách quan của cấu thành tội hiếp dâm, nhưng không phải trường hợp nào người phạm tội  giao cấu được với người bị hại thì mới là phạm tội hiếp dâm mà trong nhiều trường hợp người phạm tội  mới có hành vi dùng vũ lực nhằm giao cấu với người bị hại là đã phạm tội hiếp dâm rồi. Trong trường hợp này gọi là phạm tội hiếp dâm chưa đạt (chưa thực hiện được hết hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành). Về dấu hiệu này, cũng có nhiều quan điểm khác nhau: Có ý kiến cho rằng, nếu người phạm tội chưa giao cấu được với người bị hại thì chưa coi là đã phạm tội hiếp dâm, vì người bị hại chưa bị hiếp và để phản bác lại ý kiến này, lại có ý kiến cho rằng tội hiếp dâm là tội cấu thành hình thức như đối với tội cướp, chỉ cần người phạm tội  có hành vi vũ lực là tội phạm đã hoàn thành. Theo chúng tôi thì cả hai ý kiến trên đều không chính xác, vì ngay trong điều văn của điều luật về tội hiếp dâm đã thể hiện hành vi giao cấu là dấu hiệu khách quan của cấu thành (dấu hiệu bắt buộc) “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu vớnanj nhân”, chứ không quy định như ở tội cướp “nhằm” chiếm đoạt. Thông thường, đối với các tội cấu thành hình thức, điều văn của điều luật thường dùng từ “nhằm” để chỉ mục đích của người phạm tội. Ví dụ: Tôị phản bội Tổ quốc (Điều 78), tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền (Điều 79), tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 81), tội bạo loạn (Điều 82), tội hoạt động phỉ (Điều 83) v.v…Từ những phân tích trên, chúng ta cũng thấy rõ tội hiếp dâm là tội cấu thành vật chất chứ không phải cấu thành hình thức như một số người vẫn lầm tưởng.

Giao cấu là hành vi, đồng thời cũng là hậu quả xảy ra của tội hiếp dâm (người bị hại đã bị hiếp). Về vấn đề này, chắc sẽ có người không đồng tình, vì hậu quả là kết quả của một hành vi gây ra, là mối quan hệ nhân quả giữa A (hành vi) và B (hậu quả), không thể có một hiện tượng vừa là A lại vừa là B. Đúng là như vậy, nhưng ở đây hành vi giao cấu không bao giờ là nguyên nhân của hậu quả bị giao cấu mà hậu quả bị giao cấu là kết quả của hành vi dùng vũ lực nhằm giao cấu. Cũng tương tự như vậy, chúng ta có thể coi hành vi chiếm đoạt trong các tội xâm phạm sở hữu vừa là hành vi nếu xét từ phía người phạm tội, vừa là hậu quả nếu xét từ phía người bị hại (bị chiếm đoạt).

e) Trái với ý muốn của người bị hại.

Đây là một dấu hiệu hết sức quan trọng mà thực tiễn xét xử không ít trường hợp khó xác định, vì về phía người bị hại, trong một số trường hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau đã khai với các cơ quan tiến hành tố tụng không đúng với trạng thái tâm lý của mình, có người do có sự thoả thuận nhưng lại khai với nhà chức trách là mình bị hiếp, ngược lại có người bị hiếp thật, nhưng bị người phạm tội mua chuộc lại khai là có sự thoả thuận. Thông thường khi xác định tội phạm người ta xét đến ý thức chủ quan của người phạm tội, nhưng đối với tội hiếp dâm, thì ý thức chủ quan của người bị hại lại là vấn đề rất quan trọng để xác định có tội hay không có tội.

Để xác định việc giao cấu có trái với ý muốn của người bị hại hay không, ngoài lời khai của người bị hại, chúng ta còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: mối quan hệ giữa hai người, thủ đoạn thực hiện tội phạm, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra việc giao cấu, nhân thân của cả hai người, ý kiến nhận xét của những cơ quan, tổ chức xã hội nơi hai người công tác, của bạn bè, của cha mẹ và các tình tiết khác của vụ án, tránh chủ quan phiến diện. Chỉ khi nào chứng minh việc giao cấu đó là trái với ý muốn của người bị hại (người phụ nữ) thì người có hành vi giao cấu(người đàn ông) mới bị coi là phạm tội hiếp dâm.

Dấu hiệu trái với ý muốn của người bị hại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm, nhưng dấu hiệu này chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp người bị hại từ 13 tuổi trở lên, còn đối với trường hợp người bị hại chưa đủ 13 tuổi thì dù có trái ý muốn hay không, người có hành vi giao cấu với họ đều là phạm tội hiếp dâm và người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự (xem tội hiếp dâm trẻ em).

Ý thức chủ quan của người phạm tội

Người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, điều này chắc mọi người đều thống nhất, không ai có ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có một số trường hợp khó xác định sự cố ý hiếp dâm của người phạm tội. Thông thường, người phạm tội bào chữa rằng mình không có ý giao cấu với nạn nhân mà chỉ có ý định trêu gẹo trong những trường hợp người phạm tội mới có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác nhưng chưa giao cấu được, cùng lắm là người phạm tội  chỉ nhận có hành vi làm nhục. Ví dụ: Trần Văn B, Nguyễn Văn C, Phạm Quốc K vào công viên chơi thì gặp chị H ngồi nói chuyện với anh Q. Trần Văn B đến hăm doạ anh Q và vu cho anh Q cướp người yêu của B, anh Q thấy B có ba người nên sợ bỏ đi. B và đồng bọn khống chế buộc chị H phải đi với chúng. Vì sợ quá nên chị H buộc phải đi theo bọn B. Khi đến chỗ vắng B và đồng bọn cởi quần áo của chị H ra, cùng lúc đó, chị H nhìn thấy có xe đi tuần tra của công an nên dã kêu cứu và sau đó B cùng đòng bọ bị bắt. Do chị H chưa bị B và đồng bọn giao cấu, nên bọn B chỉ khai rằng, chúng không có ý giao cấu với chị H mà chỉ muốn dâm ô với chị H mà thôi. Đối với trường hợp đã giao cấu được với người bị hại, thì người phạm tội lại bào chữa rằng, tưởng người bị hại đồng ý nên mới giao cấu hoặc khẳng định là người bị hại đồng ý nhưng sau đó lại tố cáo với cơ quan pháp luật. Ví dụ: Lê Văn K mới quen chị Mai Ngọc T ở một quán giải khát, ba hôm sau, K gọi điện hẹn chị T đến một địa điểm vắng. Taị đây, lúc đầu K tán tỉnh, không thấy chị T phản ứng gì K liền ôm chị T đòi giao cấu nhưng chị T chống cự quyết liệt, nhưng K đã dùng sức lực và giao cấu được với chị T. Lúc đang hành động thì gắp tổ tuần tra đi qua đã đưa hai người về trụ sở Công an giải quyết. Tại đây, K khai rằng việc giao cấu với chị T là do được chị T đồng ý.

Khi gặp những trường hợp như trên xảy ra, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh sự cố ý của người phạm tội, chứ không phải tin ngay vào lời khai của người phạm tội, thậm chí ngay cả lời khai của người bị hại. Thực tiễn xét xử đã có trường hợp trong quá trình điều tra, tại phiên toà sơ thẩm, người bị hại đều khai rằng, việc họ bị giao cấu là trái với ý muốn, nhưng tại phiên toà phúc thẩm họ lại khai rằng, họ đồng tình để người phạm tội giao cấu, Toà án cấp phúc thẩm đã tin lời khai này của người bị hại để tuyê bố bị cáo không phạm tội hiếp dâm, nhưng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật đã phát hiện lời khai của người bị hại tại phiên tòa phúc thẩm là lời khai man do phía bị cáo mua chuộc.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Hiếp dâm người từ đủ 18 tuổi trở lên (khoản 1 Điều 111)

Trong trường hợp, chỉ có một người bị hiếp dâm mà người bị hiếp dủ 18 tuổi trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 111 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng, và theo Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự, thì vụ án chỉ được khởi tố nếu người bị hại yêu cầu. Trong trường hợp người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa thì vụ án phải được đình chỉ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, mặc dù người bị hại rút yêu cầu, Viện kiểm sát hoặc Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

  1. Hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (đoạn 1 khoản 4 Điều 111)

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, nhưng chỉ những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà bị hiếp dâm thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự  theo đoạn 1 khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ năm năm đến mười năm tù. Vì vậy, gặp phải trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh tuổi của người bị hại, biện pháp chứng minh có hiệu quả nhất là giấy khai sinh của người bị hại. Tuy nhiên, thực tế cũng có một số trường hợp, không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không đúng với tuổi thật của họ, thì phải xác minh tuổi thật của người bị hại. Tuổi của người bị hại là một thực tại khách quan không phụ thuộc vào nhận thức của người phạm tội, chỉ cần xác định người bị hại là người từ đủ 16 tuổi đến đưới 18 tuổi là người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đoạn 1 khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự rồi. Cũng chính vì vậy mà điều văn của điều luật chỉ quy định: “Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên”. Chứ không quy định: “Phạm tội hiếp dâm mà biết người bị hiếp là người chưa thành niên”.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 111 Bộ luật hình sự thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó ( xem từ mục 3 đến mục 15 trong phần này)

 3.Hiếp dâm người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh ( điểm b khoản 2 Điều 111)

Đây là trường hợp tách từ đoạn hai khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985. Người phạm tội và người bị hại trong trường hợp này phải có mối quan hệ, trong đó người phạm tôi có nghĩa vụ đối với người bị hại. Nghĩa vụ này xuất phát từ quan hệ huyết thống như bố mẹ đối với con cái, quan hệ giáo dục như thầy giáo đối với học sinh, quan hệ chữa bệnh như thầy thuốc đối với bệnh nhân v.v…

Khi xét đến các quan hệ này, cần chú ý là chỉ khi nào hành vi phạm tội của người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh đã lợi dụng sự chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh để hiếp dâm người được chăm sóc, được giáo dục hoặc được chữa bệnh thì mới thuộc trường hợp phạm tội này, nếu hành vi hiếp dâm không liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Nguyễn Văn B là giáo viên trường PTTH huyện K, một lần B cùng với một số bạn đi ăn nhậu, trên đường về gặp em Vũ Thị C  là học sinh lớp 11 của trường, các bạn của B trêu gẹo C và cùng B kéo C vào chỗ vắng hãm hiếp. Sau khi gây án, B mới biết em C là học sinh của trường.

Phạm tội hiếp dâm người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, là tội phạm rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. So với đoạn 2 khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về trường hợp phạm tội này thì điểm b khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, do đó không được áp dụng điểm b khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

  1. Hiếp dâm có tổ chức ( điểm a khoản 2 Điều 111)

Hiếp dâm có tổ chức cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác. Các dấu hiệu của phạm tội có tổ chức được quy định tại khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khái niệm đồng phạm được Bộ luật hình sự nước ta ghi nhận tại Điều 20 với định nghĩa là “có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm là đồng phạm”, nhưng phạm tội có tổ chức lại là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ hơn; Phạm tội có tổ chức bao gồm nhiều người cùng tham gia, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Đối với tội hiếp dâm có tổ chức, có thể tất cả những người tham gia đều là người thực hành (đều có hành vi giao cấu với người bị hại) nhưng cũng có trường hợp có người không giao cấu vớ người bị hại nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm. Ví dụ: A, B, C, D bàn bạc bắt chị M đến một nơi vắng, chúng phân công B và C giữ chân tay chị M, còn D bịt mồm chị M để cho A giao cấu với chị M. Sau khi A giao cấu xong, hắn bảo D hiếp chị M để hắn bịt mồm, nhưng D chưa kịp giao cấu với chị M thì bị tổ tuần tra phát hiện bắt giữ. Trong trường hợp này, mặc dù chỉ có A gao cấu với chị M, nhưng tất cả bốn tên A, B, C, D đều bị truy cứu trách niệm hình sự về tội hiếp dâm với tình tiết là hiếp dâm có tổ chức.

Người phạm tội hiếp dâm có tổ chức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. So với điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về trường hợp phạm tội này thì không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn, do đó nếu hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985, vì theo khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”. Tuy nhiên, tại mục 4 Thông tư liên tịch số 02 ngày 5-7-2000 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an lại hướng dẫn ” đối với những tội phạm đã được quy định trong một điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nay theo cách so sánh…mà vẫn giữ nguyên trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999, thì áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự “. Hướng dẫn này rõ ràng là không đúng với khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999. Hy vọng rằng các cơ quan ban hành thông tư trên sớm thống nhất  để hướng dẫn lại cho đúng với quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999.

  1. Nhiều người hiếp một người ( điểm c khoản 2 Điều 111)

Khác với trường hợp hiếp dâm có tổ chức, trường hợp nhiều người hiếp một người là tất cả những người tham gia dù có tổ chức hay không có tổ chức đều giao cấu với người bị hại, nếu phạm tội có tổ chức mà lại có từ hai người trở lên giao cấu với nạn nhân thì những người giao cấu với nạn nhân phạm tội có hai tình tiết đó là: hiếp dâm có tổ chức và nhiều người có một người, và trong trường hợp này hình phạt đối với họ sẽ nặng hơn những người khác nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau. Người phạm tội trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù.

  1. Hiếp dâm nhiều lần ( điểm d khoản 2 Điều 111)

Hiếp dâm nhiều lần là trường hợp một người hiếp một người từ hai lần trở lên hoặc nhiều người hiếp một người, trong đó mỗi người hiếp nạn nhân từ hai lần trở lên. Nếu nhiều người hiếp một người, trong đó mỗi người hiếp nạn nhân từ hai lần trở lên thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c và điểm d khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, nếu chỉ có một người hiếp mọt người từ hai lần trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù.

  1. Hiếp dâm nhiều người ( điểm đ khoản 2 Điều 111)

Hiếp dâm nhiều người là trường hợp một người đã hiếp dâm từ hai người trở lên hoặc nhiều người cùng hiếp dâm từ hai người trở lên. Đây là trường hợp có nhiều người bị hiếp, trong đó ít nhất mỗi người bị hiếp một lần, còn người phạm tội có thể là một người hoặc nhiều người. Vì vậy khi xác định hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải phân biệt:

Nếu có một người hiếp dâm từ hai người trở lên và tất cả nạn nhân chỉ bị hiếp một lần, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự;

Nếu có một người hiếp dâm từ hai người trở lên, trong đó có nạn nhân bị hiếp một lần, có nạn nhân bị hiếp nhiều lần, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự;

Nếu có nhiều người phạm tội ( phạm tội có tổ chức hoặc là đồng phạm thông thường), trong đó có nhiều người bị hiếp nhưng tất cả nạn nhân chỉ bị hiếp một lần thì tất cả người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, nếu là phạm tội có tổ chức thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, nếu có một người bị hai người trở lên hiếp thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điẻm c khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự.

  1. Hiếp dâm có tính chất loạn luân ( điểm e khoản 2 Điều 111)

Tính chất loạn luân được thể hiện ở chỗ giữa người phạm tội hiếp dâm với người bị hại có cùng dòng máu trực hệ ( bố mẹ với con cái, ông bà với các cháu), giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Hiếp dâm có tính chất loạn luân là trường hợp hiếp dâm có tính nguy hiểm cao hơn trường hợp hiếp dâm bình thường khác, qua thực tiễn xét xử thấy cần phải trừng trị nghiêm khắc người phạm tội  hiếp dâm có tính chất loạn luân, nên ngày 10-5-1997 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, trong đó quy định hiếp dâm có tính chất loạn luân là tình tiết định khung tăng nặng đối với tội hiếp dâm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự và người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định lại tình tiết phạm tội này tại điểm e khoản 2 Điều 111 với khung hình phạt như khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985.

  1. Hiếp dâm làm nạn nhân có thai ( điểm g khoản 2 Điều 111)

Đây cũng là tình tiết được bổ sung cùng với tình tiết “hiếp dâm có tính chất loạn luân”. Hiếp dâm mà làm nạn nhân có thai là do hành vi hiếp dâm của người phạm tội mà nạn nhân có thai, tức là cái thai của nạ nhân là kết quả của việc giao cấu giữa người phạm tội với nạn nhân. Nếu nạn nhân tuy có bị hiếp dâm nhưng việc nạn nhân có thai lại là kết quả của việc giao cấu giưã nạn nhân với người khác thì người phạm tội hiếp dâm không phải chịu tình tiết “làm nạn nhân có thai”. Nói chung thực tiễn xét xử trường hợp phạm tội này thường xảy ra đối với người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu với người bị hại nhiều lần, người phạm tội không từ chối cái thai trong bụng nạn nhân là của mình, nên rất ít khi phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên, kết quả giám định cũng không phải chứng cứ duy nhất để xác định cái thai trong bụng nạn nhân có phải là của người phạm tội không. Vì vậy, để xác định nạn nhân có thai có đúng là do hành vi hiếp dâm gây ra không, cần phải đánh giá một cách khách quan toàn diện; chỉ khi nào có đủ căn cứ xác định nạn nhân có thai là do hành vi hiếp dâm gây ra thì người phạm tội hiếp dâm mới phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù.

  1. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( điểm h khoản 2 Điều 111)

Trường hợp phạm tội này, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định là “gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân” (điểm e khoản 2 Điều 112). Tuy không có hướng dẫn cụ thể, nhưng thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng đã coi trường hợp “gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân” là trường hợp nạn nhân bị hiếp có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%. Do đó, khi soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999, Ban soạn thảo đã thay tình tiết “gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân” bằng tình tiết “gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” cho phù hợp với thực tiễn xét xử và được Quốc hội thông qua. Như vậy căn cứ để xác định tình tiết phạm tội này là kết quả giám định thương tật của nạn nhân do Hội đồng giám định pháp y kết luận.

  1. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm ( điểm i khoản 2 Điều 111)

Người phạm tội hiếp dâm bị coi là tái phạm nguy hiểm nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội hiếp dâm thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội hiếp dâm.

Đối với tội hiếp dâm, cũng như đối với một số tội phạm khác nếu thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nặng hơn trường hợp không phải là tái phạm nguy hiểm. Việc trừng trị những người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là rất cần thiết, bởi vì chứng tỏ người phạm tội  không chịu phục thiện, cần phải có thời gian cải tạo dài hơn mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Các dấu hiệu về tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong cuốn: “Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” (NXB chính trị quốc gia – năm 2000) cũng như các trường hợp tái phạm nguy hiểm khác trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người. Người phạm tội hiếp dâm lại là người tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù.

  1. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên ( điểm a khoản 3 Điều 111)

Trường hợp phạm tội này, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định là “gây tổn hại rất nặng cho sức khoẻ của nạn nhân” (điểm a khoản 3 Điều 112). Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp hiếp dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% quy định tại điẻm h khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ, tỷ lệ thương tật của nạn nhân trong trường hợp này là từ 61% trở lên và người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. So với điểm a khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 thì đây là quy định nặng hơn vì khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 có mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, do đó nếu hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985.

  1. Người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội ( điểm b khoản 3 Điều 111)

Đây là tình tiết mới được quy định xuất phát từ yêu cầu của xã hội. Cùng với việc quy định tình tiết này trong tội hiếp dâm và một số tội xâm phạm tình dục khác, Bộ luật hình sự năm 1999 còn quy định thêm hai tội về lây truyền HIV, đó là tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 117) và tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 118). Vì vậy, chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi.

Người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm, tức là cố ý lây truyền HIV cho người khác bằng hành vi hiếp dâm, làm cho tính chất và mức độ của hành vi hiếp dâm nguy hiểm hơn nhiều so với trường hợp hiếp dâm bình thường.

Khi áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội cần chú ý một số điểm như sau:

Nếu có căn cứ cho rằng người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm thì mới áp dụng tình tiết này, nếu người phạm tội bị niễm HIV thật nhưng họ không biết, sau khi phạm tội cơ quan Y tế mới xét nghiệm thấy người phạm tội bị nhiễm HIV thì không áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội. Đây là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội, nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định người phạm tội biết rõ mình bị nhiễm HIV thì mới thuộc trường hợp này.

Chỉ cần xác định người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm là thuộc trường hợp phạm tội này rồi mà không cần phải xác định người bị hại có bị lây nhiễm HIV hay không. Ví dụ: Đoàn Văn T do tiêm chích ma tuý nhiều nên đã được Trung tâm Y tế nơi T cai nghiện xác định T đã bị nhiễm HIV và nói rõ cho T biết để có biện pháp không lây truyền cho người khác. Do chán đời lại bị một số tên cùng cai nghiện với T rủ rê lôi kéo, nên T đã cùng một số tên trốn khỏi Trung tâm cai nghiện. Sau khi trốn khỏi Trung tâm cai nghiện, T và đồng bọn thực hiện hành vi hiếp dâm chị H. Sau khi phạm tội, đồng bọn của T cho biết T bị nhiễm HIV, cơ quan Y tế xét nghiệm chị H không bị nhiễm HIV, nhưng T vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 3 Điều 111 với tình tiết “biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội”.

  1. Hiếp dâm làm nạn nhân chết (điểm c khoản 3 Đièu 111)

Đây là trường hợp nạn nhân do bị hiếp dâm mà chết, nếu nạn nhân bị chết không phải là do bị hiếp mà do nguyên nhân khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm và tội phạm tương ứng với hành vi làm cho nạn nhân bị chết. Nếu hành vi của người phạm tội có đủ dấu hiệu của tội giết người thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người và tội hiếp dâm. Ví dụ : Đỗ Mạnh H và Trần Quang C đã bắt chị Nguyễn Thị Kim X vào trong một Điếm canh đê thay phiên nhau hãm hiếp, chị X van xin bọn chúng tha cho về, nhưng H và C sợ tha chị X về chị sẽ tố cáo nên chúng đã bóp cổ chị X cho đến chết rồi vứt xác xuống sông để phi tang. Cũng có trường hợp lúc đầu người phạm tội  đã dùng vũ lực làm cho nạn nhân bị ngất rồi thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân, nhưng sau đó người phạm tội  bỏ mặc cho nạn nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân thì cũng không phải là hiếp dâm làm nạn nhân chết mà người phạm tội  vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội : Tội giết người và tội hiếp dâm. Trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân chết là trường hợp do bị hiếp (thường là bị nhiều người hiếp) nạn nhân do sức yếu không chịu nổi sự hãm hiếp của người phạm tội  nên bị chết. Có trường hợp do quá sợ hãi nên nạn nhân bị ngất đi và sau đó bị chết thì cũng coi là trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân chết.

  1. Hiếp dâm làm nạn nhân tự sát ( điểm c khoản 3 Điều 111)

Một người tự sát có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng nếu vì bị hiếp dâm mà tự sát thì người đã hiếp dâm nạn nhân sẽ phạm tội thuộc trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân tự sát. Tuy nhiên, để xác định một người tự sát là do bị hiếp không phải bao giờ cũng dễ dàng. Do phong tục tập quán ở mỗi địa phương khác nhau, trình độ nhận thức của mỗi người cũng khác nhau, nhưng nhìn chung hầu hết những người bị hại trong các vụ án hiếp dâm đều không muốn cho mọi người biết là mình bị hiếp dâm. Phụ nữ nước ta có truyền thống lấy chữ “trinh” làm đầu, mặc dù là người bị hại, nhưng người bị hại trong các vụ án hiếp dâm lại là phụ nữ, nhất là những phụ nữ chưa có chồng nếu mọi người biết đã bị hiếp thì tương lai của người này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, có người nghĩ quẩn đã tự sát, đối với những phụ nữ đã có chồng mà bị hiếp dâm lại có tâm trạng sợ chồng ruồng bỏ, nếu gặp phải người chồng còn mang nặng tư tưởng phong kiến dễ dẫn đến việc nạn nhân nghĩ quẩn mà tự sát. Đây cũng là đặc điểm của tội hiếp dâm ở nước ta mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, nếu xét thấy cần thiết thì phải xét xử kín để giữ cho nạn nhân tránh khỏi những dị nghị gây bất lợi cho họ.

Chỉ cần xác định nạn nhân vì bị hiếp dâm mà tự sát, còn nạn nhân có bị chét hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc đẻ xác định tình tiết phạm tội này. Tuy nhiên nếu nạn nhân tự sát và bị chết mức hình phạt sẽ cao hơn trường hợp nạn nhân tự sát mà không chết.

Hiếp dâm gây tổn hại cho sức khoe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy mức cao nhất của khung hình phạt đều là tử hình, nhưng mức thấp nhất của khung hình phạt ở khoản 3 Điều 111 chỉ có mười hai năm, so với khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về các tường hợp phạm tội này thì khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 là điều khoản của Bộ luật hình sự nhẹ hơn. Do đó, những hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì người phạm tội được áp dụng khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý.

Người phạm tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 111 còn có thể bị áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm theo quy định tại khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI CƯỠNG DÂM ( ĐIỀU 113)

Cưỡng dâm là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với mình.

 

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

 

  1. Về phía người phạm tội

Nếu ở tội hiếp dâm, người thực hành chỉ có thể là nam giới còn những người khác trong một vụ án có đồng phạm có thể là nữ giới, thì ở tội cưỡng dâm người thực hành có thể bao gồm cả nữ giới. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử người phạm tội là nữ giới rất ít gặp mà chủ yếu vẫn là nam giới.

Người phạm tội cưỡng dâm dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau như : lừa phỉnh, mua chuộc, dụ dỗ, đe doạ hoặc bằng tình cảm, bằng tiền bạc, có khi chỉ là một lời hứa… tức là người phạm tội  không từ một thủ đoạn nào miễn là thực hiện được ý đồ giao cấu với người bị hại hoặc lợi dụng người bị hại đang ở trong tình trạng quẫn bách để họ phải miễn cưỡng giao cấu với mình.

Đối với tội cưỡng dâm, hành vi giao cấu với nạn nhân không chỉ là dấu hiệu khách quan của cấu thành mà nó là dấu hiệu bắt buộc (dấu hiệu cần và đủ). Nếu các dấu hiệu khác đã thoả mãn nhưng chưa có việc giao cấu xảy ra, thì chưa cấu thành tội phạm. Vì vậy đối với tội cưỡng dâm, không có giai đoạn phạm tội chưa đạt. Ví dụ : Trần Công M là giáo viên Trường trung cấp kỹ thuật Y, M có ý định giao cấu với chị Vũ Thị H là học viên của trường, nhiều lần M tìm cách tán tỉnh chị H, nhưng chị H đều làm ngơ. Một lần, M gọi chị H vào phòng mình dụ dỗ mua chuộc, chị H vẫn không chịu, M liền hăm doạ : “Nếu không đồng ý trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ bị đánh trượt”. Chị H rất lo lắng, nhiều lần định chiều theo ý M, nhưng chị lại đấu tranh được và quyết định tố cáo hành vi của M. Sau khi thẩm tra, thấy lời tố cáo của chị H là có căn cứ, nhưng vì M chưa giao cấu được với chị H, nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với M về tội cưỡng dâm mà chỉ đề nghị Nhà trường xử lý hành chính đối với M.

  1. Về phía người bị hại

Người bị hại trong vụ án cưỡng dâm cũng có thể là nam giới, nhưng chủ yếu là nữ giới. Dù là nam hay nữ, thì họ phải là người lệ thuộc vào người phạm tội, nếu không phải là người bị lệ thuộc thì cũng phải là người đang ở trong tình trạng quẫn bách.

Người bị lệ thuộc vào người phạm tội cũng giống như sự lệ thuộc trong các tội “Hành hạ người khác”, tội “Bức tử” bao gồm sự lệ thuộc về tinh thần cũng như lệ thuộc về mặt vật chất bắt nguồn từ nhiều quan hệ khác nhau như : cha với con, thầy với trò, thầy thuốc với bệnh nhân, cha cố với con chiên…

Người ở trong tình trạng quẫn bách là người tuy không có mối quan hệ lệ thuộc với người phạm tội, nhưng do nhiều nguyên nhân họ rơi vào trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với ngươì phạm tội, người rơi vào trong tình trạng này không còn sáng suốt lựa chọn một xử sự bình thường như những người khác hoặc trong lúc bình thường khác.

Dù là người bị lệ thuộc vào người phạm tội hay người ở trong tình trạng quẫn bách thì việc họ giao cấu với người phạm tội là do miễn cưỡng. Sự miễn cưỡng của người bị hại là ý thức chủ quan của họ, nên trong nhiều trường hợp việc xác định nó không phải bao giờ cũng dễ dàng. Có người lúc giao cấu họ không hề miễn cưỡng nhưng sau đó vì một lý do nào đó họ lại tố cáo rằng mình phải miễn cưỡng giao cấu hoặc ngược lại, lúc giao cấu họ đã miễn cưỡng nhưng sau đó họ lại khai là không có sự miễn cưỡng. Vì vậy, để xác định người bị hại có miễn cưỡng giao cấu với người phạm tội hay không cần phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án mà đặc biệt là mối quan hệ lệ thuộc giữa người bị hại với ngươì phạm tội, hoàn cảnh lúc xảy ra việc giao cấu. Ví dụ : Hoàng Thị Kim O vay của Trần Công T 200.000.000đ  để làm vốn đi buôn, nhưng lại bị Phạm Thị L  lừa nên không có khả năng trả nợ cho T; nhiều lần T đến đòi nợ, chị O phải khất lần. Khi biết chị O không có khả năng trả nợ cho mình, T gạ chị O cho y giao cấu thì sẽ cho chị O kéo dài thời gian trả nợ mà không tính lãi. Trước hoàn cảnh quẫn bách này, sau nhiều lần suy nghĩ chị O đã phải miễn cưỡng để cho T giao cấu với mình.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

  1. Cưỡng dâm một người mà nạn nhân là người đã thành niên (khoản 1 Điều 113)

Đây là trường hợp phạm tội cưỡng dâm thông thường không có các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Người đã thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên, nếu người phạm tội cưỡng dâm những người này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 1 Điều 113 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự, thì người có hành vi cưỡng dâm chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như người bị hại có yêu cầu khởi tố, nếu đã khởi tố rồi mà trước ngày mở phiên toà, họ lại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp Viện kiểm sát, hoặc Toà án xét thấy cần thiết vẫn tiến hành tố tụng.

  1. Nhiều người cưỡng dâm một người ( điểm a khoản 2 Điều 113)

Nhiều người cưỡng dâm một người là trường hợp có nhiều người (từ hai người trở lên) dùng thủ đoạn khiến một người lệ thuộc vào những người này hoặc đang trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu.

Trường hợp nhiều người cưỡng dâm một người trên thực tế rất ít xảy ra, vì một người có quan hệ lệ thuộc vào nhiều người và nhiều người này giao cấu với một người bị lệ thuộc vào mình ít khi xảy ra trong thực tiễn, nhưng trường hợp một người cưỡng dâm nhiều người, trong thực tiễn lại xảy ra nhiều và tình tiết “cưỡng dâm nhiều người” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 ( điều luật chưa được sửa đổi bổ sung vào ngày 10-5-1997), nhưng sau khi điều luật này được sửa đổi thì tình tiết “cưỡng dâm nhiều người” không được quy định nữa mà thay vào đó là tình tiết “phạm tội nhiều lần”. Tuy nhiên “cưỡng dâm nhiều lần” với  “cưỡng dâm nhiều người” không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ : Một giám đốc Công ty doạ chuyển công tác hoặc buộc thôi việc để giao cấu với nhiều phụ nữ là nhân viên dưới quyền mình, khi vụ án bị phát hiện vị giám đốc này đã cưỡng dâm tất cả 12 phụ nữ trong Công ty của y nhưng mỗi lần chỉ giao cấu với một người, còn trường hợp “cưỡng dâm nhiều lần” người phạm tội  có thể chỉ cưỡng dâm đối với một người nhưng xảy ra từ hai lần trở lên. Tính chất nguy hiểm của hành vi “cưỡng dâm nhiều người” xét về mọi mặt bao giờ cũng nghiệm trọng hơn trường hợp cưỡng dâm một người mà nhiều lần. Nếu cho rằng trường hợp cưỡng dâm nhiều người cũng nguy hiểm như trường hợp cưỡng dâm nhiều lần đối với một người là không thoả đáng. Chính vì vậy, Bộ luật hình sự năm 1999 tình tiết “cưỡng dâm nhiều người” lại được quy định là tình tiét định khung hình phạt ( điểm c khoản 2 Điều 113)

  1. Cưỡng dâm nhiều lần ( điểm b khoản 2 Điều 113)

Cũng như trường hợp phạm tội nhiều lần đối với các tội phạm khác, phạm tội cưỡng dâm nhiều lần là trường hợp một người đã thực hiện hành vi cưỡng dâm nhiều lần và mỗi lần cưỡng dâm đều có đủ yếu tố cấu thành tội “cưỡng dâm”, nhưng tất cả các lần phạm tội đó đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạm tội cưỡng dâm nhiều lần là tất cả những lần cưỡng dâm chỉ đối với một người. Tình tiết phạm tội này, điểm b khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định là “phạm tội nhiều lần“, nay điểm b khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là “cưỡng dâm nhiều lần” nhưng bản chất không có gì thay đổi, việc quy định như vậy chỉ rõ hơn mà thôi.

  1. Cưỡng dâm nhiều người ( điểm c khoản 2 Điều 113 )

Cưỡng dâm nhiều người là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến nhiều người lệ thuộc mình hoặc nhiều người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu. Như trên đã phân tích, tình tiết phạm tội này mới được “tái lập” nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử, đồng thời thể hiện được tính chính xác trong công tác lập pháp của Nhà nước ta. Khi áp dụng tình tiết phạm tộ này cần chú ý:

Nếu có nhiều người bị cưỡng dâm, trong đó có người bị cưỡng dâm nhiều lần, thì người phạm tội bị truy cứu theo khoản 2 Điều 113 với hai tình tiết “cưỡng dâm nhiều lần” và “cưỡng dâm nhiều người” và hình phạt đối với người phạm tội phải nặng hơn trường hợp cưỡng dâm chỉ có một tình tiết “cưỡng dâm nhiều lần” hoặc “cưỡng dâm nhiều người”  quy định khoản 2 Điều 113.

  1. Cưỡng dâm có tính chất loạn luận ( điểm d khoản 2 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp hiếp dâm có tính chất loạn luân như đối với tội hiếp dâm đã giới thiệu ở trên, nạn nhân bị cưỡng dâm là người cùng dòng máu trực hệ với người phạm tội (như cha mẹ với con, ông bà với cháu); giữa anh chị em cùng cha mẹ hoặc anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Pháp luật coi trường hợp cưỡng dâm có tính chất loạn luân nghiêm trọng hơn trường hợp cưỡng dâm thông thường là nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục của gia đình, giữ gìn đạo đức xã hội.

  1. Cưỡng dâm làm nạn nhân có thai (điểm đ khoản 3 Điều 113 )

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp làm nạn nhân có thai như các trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân có thai, tức là việc nạn nhân có thai là hậu quả trực tiếp do hành vi cưỡng dâm của người phạm tội gây ra, nếu cái thai đó lại không phải kết quả của hành vi cưỡng dâm của người phạm tội thì không thuộc trường hợp quy định này, do đó các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định nạn nhân có thai chính là do cưỡng dâm mà có thì người phạm tội mới bị coi là cưỡng dâm là nạn nhân có thai. Trong thực tế không ít trường hợp tuy có hành vi cưỡng dâm, nhưng nạn nhân có thai lại không phải do bị cưỡng dâm mà có mà do việc quan hệ tình dục với ngươì khác rồi nhân việc phát hiện có hành vi cưỡng dâm nên nạn nhân đã khai là có thai với người phạm tội cưỡng dâm. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ căn cứ vào lời khai của nạn nhân mà phải đánh giá toàn diện khách quan các tình tiết của vụ án để xác định nạn nhân có thai là do bị cưỡng dâm hay do quan hệ tình dục với người khác mà có.

  1. Cưỡng dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( điểm e khoản 2 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp hiếp dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân quy định tại điểm h khoản 2 Điều 111, điểm c khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự, do đó khi xác định trường hợp phạm tội này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải trưng cầu giám định pháp y để xác định hậu quả do hành vi cưỡng dâm gây tổn hại sức của nạn nhân có tỷ lệ thương tật là bao nhiêu phần trăm (%). Tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% của nạn nhân là tỏn hại sức khoẻ của một người, vì vậy nếu trường hợp người phạm tội cưỡng dâm nhiều người, trong đó mỗi người bị tổn hại sức khoẻ dưới 31% mà tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người trên 31%, thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu theo điểm b khoản 3 Điều 113 với tình tiết “cưỡng dâm nhiều người” mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 113.

  1. Người phạm tội là người tái phạm nguy hiểm ( điểm g khoản 2 Điều 113)

Cũng tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, người phạm tội cưỡng dâm được coi là tái phạm nguy hiểm nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cưỡng dâm theo khoản 2 và khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cưỡng dâm.

Nếu người phạm tội cưỡng dâm chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự thì không coi là tái phạm nguy hiểm, vì khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự là tội  nghiêm trọng.

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Nhiều người cưỡng dâm một người; cưỡng dâm nhiều lần; cưỡng dâm nhiều người; có tính chất loạn luân ; làm nạn nhân có thai ; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đén 60%; tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù. So với khoản 3 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

  1. Cưỡng dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên ( điểm a khoản 3 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự, cũng như các trường hợp phạm tội gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân, chỉ khác nhau ở mức tỷ lệ thương tật. Cưỡng dâm mà gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên là gây tổn hại rất nặng cho sức khoe của nạn nhân. So với khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985, thì tình tiết này là tình tiết mới, vì khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định trường hợp cưỡng dâm gây tổn hại rất nặng cho sức khoẻ của nạn nhân, vì vậy tình tiết phạm tội này chỉ áp dụng đối với hành vi cưỡng dâm xảy ra từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi.

  1. Biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội (điểm b khoản 3 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 3 Điều 111 và điểm e khoản 3 Điều 112 quy định về tội hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em, chỉ khác nhau ở chỗ, người phạm tội trong trường hợp này là phạm tội cưỡng dâm chứ không phải hiếp dâm.

  1. Cưỡng dâm làm nạn nhân chết

Cưỡng dâm làm nạn nhân chết là trường hợp do cưỡng dâm đã gây ra hậu quả nạn nhân bị chết, tức là cái chết của nạn nhân là hậu quả của hành vi cưỡng dâm, nếu nạn nhân chết lại do hành vi khác của người phạm tội thì không thuộc trường hợp này mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội cưỡng dâm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự hoặc tội vô ý làm chết người theo Điều 98 Bộ luật hình sự.

Cưỡng dâm làm nạn nhân chết thông thường xảy ra trong trường hợp do cương dâm nên làm nạn nhân có thai, rồi do phá thai nên dẫn đến nạn nhân bị chết, khó có trường hợp nạn nhân bị chết do trực tiếp hành vi cưỡng dâm gây ra, nếu có thì cũng chỉ đối với trường hợp cưỡng dâm trẻ em nhưng trường hợp phạm tội cưỡng dâm trẻ em đã được quy định thành một tội độc lập theo Điều 113 Bộ luật hình sự.

  1. Cưỡng dâm làm nạn nhân tự sát

Người bị cưỡng dâm cũng có trường hợp vì nhiều lý do khác nhau nên đã tự sát. Tuy nhiên, khi xác định do bị cưỡng dâm mà nạn nhân tự sát thì người phạm tội mới bị coi là làm nạn nhân tự sát. Thực tiễn xét sử, có những trường hợp nạn nhân tự sát là do những lý do trực tiếp khác chứ không phải do bị cưỡng dâm, bị chồng con, gia đình ruồng bỏ, khinh bỉ, ngược đãi, thậm chí có những hành vi hành hạ xúc phạm đến nhân phẩm của nạn nhân làm cho nạn nhân chán đời tự sát, nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc gia đình nạn nhân ruồng bỏ là do bị cưỡng dâm thì người phạm tội cưỡng dâm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về  trường hợp làm nạn nhân tự sát. Nếu nạn nhân tự sát, nhưng nguyên nhân dẫn đến nạn nhân tự sát không liên quan gì đến hành vi cưỡng dâm của người phạm tội thì không thuộc trường hợp cưỡng dâm làm nạn nhân tự sát. Ví dụ : Chị H là sinh viên trường đại học bị Đoàn Văn Ph cưỡng dâm trong lúc chị H đang yêu anh Đinh Thế A, biết chị H bị cưỡng dâm nhưng anh A vẫn yêu chị H và quyết tâm lấy chị H làm vợ. Ngay từ khi chị H và A yêu nhau, gia đình chị H đã phản đối muốn gả H cho một người giầu có. Sau khi tốt nghiệp, bố mẹ chị H bắt chị H về để gả cho người mà gia đình đã hứa, chị H đã viết một lá thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử.

Người phạm tội cưỡng dâm làm nạn nhân tự sát, không nhất thiết nạn nhân phải chết mà chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự.

Cưỡng dâm thuộc các trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười tám năm tù. So với khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

  1. Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đén dưới 18 tuổi ( khoản 4 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này được tách từ tội cưỡng dâm người chưa thành niên quy định tại Điều 113a Bộ luật hình sự năm 1985, còn tội cưỡng dâm người chưa thành niên quy định tại Điều 112a được đỏi thành tội cưỡng dâm trẻ em.

Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đén dưới 18 tuổi được xác định bởi tuổi thật của nạn nhân mà không phụ thuộc vào nhận thức của người phạm tội, căn cứ dể xác định tuổi của nạn nhân là giấy khai sinh, trường hợp không có giấy khai sinh thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ và các tài liệu có liên quan đến tuổi của nạn nhân để xác định tuổi thật của nạn nhân. trường hợp đã làm hết cách mà không xác định được tuổi thật của nạn nhân, thì áp dụng phương pháp có lợi cho người phạm tội như đã giới thiệu ở tội hiếp dâm trẻ em quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự.

 Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đén dưới 18 tuổi, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 113 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 113, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt theo khung hình phạt của khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 113 Bộ luật hình sự. Đây là quy định có tính chất chỉ dẫn. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng khi đã xác định người phạm tội Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đén dưới 18 tuổi, thì phải áp dụng khoản 4 Điều 113 Bộ luật hình sự và nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của điều 113 thì phải xác định đó là trường hợp phạm tội quay định tại điểm nào của khoản nào để áp dụng hình phạt của khoản nào đối với người phạm tội.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội cưỡng dâm theo quy định tại Điều 113 còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm quy định tại khoản 5 Điều 113 Bộ luật hình sự.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI DÂM Ô ĐỐI VỚI TRẺ EM ( ĐIỀU 116)

Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thoả mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân

Đây là tội phạm được quy định theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự ngày 10-5-1997 và được quy định tại Điều 202b Bộ luật hình sự năm 1985 thuộc mục B Chương VIII ( các tội phạm xâm phạm trật tự công cộng). Tuy nhiên, việc xác định tội phạm này xâm phạm đến trận tự công cộng là không chính xác vì nếu chỉ có hành vi dâm giữa những người đã thành niên với nhau ở hững nơi công cộng thì mới xâm phạm đén trật tự công cộng, còn dâm ô đối với trẻ em thì đã xâm phạm đến một khách thể quan trọng hơn đó là sự phát triển bình thường về tình dục của trẻ em, nên coi hành vi dâm ô trẻ em là hành vi xâm phạm nhân phẩm của con người và quy định trong Chương các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người là hoàn toàn hợp lý.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

  1. Đối với người phạm tội

Chủ thể của tội phạm này có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và nhất thiết phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. So với tội dâm ô đối với trẻ em quy định tại Điều 202b Bộ luật hình sự năm 1985 thì chủ thể của tội phạm này có sửa đổi, bổ sung. Vì Điều 202b Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định người nào có hành vi dâm ô, còn Điều 116 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định cụ thể “người nào đã thành niên”, tức là phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội này bị thu hẹp hơn Điều 202b Bộ luật hình sự năm 1985.

Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là hành vi dâm ô mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.

  1. Đối với người bị hại

Người bị hại phải là người dưới 16 tuổi, có thể là nữ hoặc là nam, nhưng chủ yếu là trẻ em nữ.

Nạn nhân có thể bị người phạm tội cưỡng ép buộc phải thực hiện hành vi dâm ô, nhưng cũng có thể đồng tình với người phạm tội để người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô hoặc tự nguyện thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Dâm ô đối với một người ( khoản 1 Điều 116)

Phạm tội dâm ô một lần đối với một trẻ em không thuộc một trong các tường hợp quy định tại khoản 2 Điều 116 Bộ luật hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 116 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù. So với khonả 1 Điều 202b Bộ luật hình sự năm 1985 tuy khung hình phạt không có gì thay đổi nhưng dấu hiệu về chủ thể so với Bộ luật hình sự năm 1985 bị thu hẹp hơn, nên có thẻ coi khoản 1 Điều 116 là quy định có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, nếu có người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi dâm ô trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mơí bị phát hiện thì không bị coi là tội phạm.

  1. Phạm tội nhiều lần ( điểm a khoản 2 Điều 116)

Phạm tội dâm ô trẻ em nhiều lần là có từ hai lần trở lên có hành vi dâm ô đối với một trẻ em. Nếu chỉ có hai lần dâm ô, trong đó có một lần người phạm tội chưa đủ 18 tuổi hoặc có một lần người bị hại đủ 16 tuổi thì không bị coi là dâm ô nhiều lần.

  1. Đối với nhiều trẻ em ( điểm b khoản 2 Điều 116)

Phạm tội dâm ô đối với nhiều trẻ em là trường hợp một người có hành vi dâm ô đối với từ hai trẻ em trở lên. Nếu có hai trẻ em bị dâm ô, nhưng có một trẻ em bị dâm ô khi người phạm tội chưa đủ 18 tuổi thì người phạm tội chỉ bị coi là dâm ô một người và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 116 Bộ luật hình sự.

  1. Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh ( điểm c khoản 2 Điều 116)

Dâm ô đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh là trường hợp giữa người phạm tội và người bị hại có mối quan hệ, trong đó người phạm tôi có nghĩa vụ đối với người bị hại. Nghĩa vụ này xuất phát từ quan hệ huyết thống như bố mẹ đối với con cái, quan hệ giáo dục như thầy giáo đối với học sinh, quan hệ chữa bệnh như thầy thuốc đối với bệnh nhân v.v… Nếu chỉ xét riêng về mói quan hệ giã người phạm tội với người bị hại thì trương hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 112, chỉ khác ở chỗ, hành vi của người phạm tội trong trường hợp này là hành vi dâm ô chứ không phải  là hành vi hiếp dâm.

  1. Gây hậu quả nghiêm trọng ( điểm d khoản 2 Điều 116)

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi dâm ô gây ra không giống hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội khác gây ra. Trường hợp dâm ô gây hậu quả nghiêm trọng cần đánh giá một cách toàn diện khách quan tất cả các tình tiết của vụ án, tren cơ sở đó mà đánh giá có gây ra hậu quả nghiêm trọng hay không. Ví dụ: Do người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em bị bắt quả tang, vì xấu hổ nên người bị hại đã bỏ nhà đi lang thang, bố mẹ và gia đình nạn nhân phải mất nhiều tiền bạc, thời gian mới tìm được người bị hại, nhưng không dám đến trường, không dám gặp bạn bè hoặc do hành vi dâm ô của người phạm tội mà những người thân của người phạm tội ghen tuông, đánh đạp nạn nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 61%. Tất nhiên trong trường hợp này ngươid gây thương tích cho nạn nhân phải bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, còn người có hành vi dâm ô bị coi là gây hậu quả nghiêm trọng.

  1. Tái phạm nguy hiểm ( điểm đ khoản 2 Điều 116)

Người phạm tội dâm ô thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà còn phạm tội dâm ô, bởi lẽ khoản 1 Điều 116 là tội phạm ít nghiêm trọng còn khoản 2 của Điều 116 là tội phạm nghiêm trọng nên sẽ không có trường hợp tái phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự. Trường hợp nếu người phạm tội dâm ô gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì đã bị truy cứu theo khoản 3 Điều 116 Bộ luật hình sự, nếu có xác định tái phạm nguy hiểm cũng chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt trong phạm vi khung hình phạt theo khoản 3 Điều 116 chứ không có ý nghĩa xác định khung hình phạt. Tuy nhiên nếu thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm cũng như các tình tiét khác thuộc khoản 2 của Điều 116 thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải xác định để làm căn cứ khi quyết định hình phạt.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội nhiều lần; đối với nhiều trẻ em; đói với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 116 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến bảy năm tù. Khi quyết dịnh hình phạt nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 116 sẽ bị phạt nặng người phạm tội chỉ có một tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 116 Bộ luật hình sự.

  1. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng ( khoản 3 Điều 116)

Dâm ô gây hậu quả rất nghiêm trọng là trường hợp dâm ô rất nhiều trẻ em, hoặc dâm ô tập trung nhiều tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt theo khoản 2 Điều 116, hoặc dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hại mà tỷ lệ thương tật từ 60% trở lên, gây dư luận xấu trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục.

Việc xác định dâm ô gây hậu quả rất nghiêm trọng cũng như viẹc xác định dâm ô gây hậu quả nghiêm trọng cần phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án, căn cứ vào tình hình xã hội nơi vụ án xảy ra và những tác hại cho xã hội do hành vi dâm ô gây ra.

  1. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ( khoản 3 Điều 116)

Dâm ô trẻ em gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp người phạm tội đã có hành vi dâm ô đối với rất nhiều trẻ em, do hành vi dâm ô mà dẫn đến nhiều trẻ em có lối sống trụy lạc hoặc phạm tội tập trung nhiều tình tiết tăng nặng định khung quy định trong điều luật, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng khác cho xác hội, bị dư luận quần chúng nhân dân lên án. Cũng như việc xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, khi xác định gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần chú ý đánh giá một cách toàn diện các tình tiết của vụ án những hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 116 Bộ luật hình sự. Do bị truy cứu cùng chung một khung hình phạt  cho cả hai trường hợp phạm tội mà mức độ nguy hiểm khác nhau, nên khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định một mức hình phạt cho tương xứng với hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.ếu các tình khác của vụ án như nhau, thì người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng  phải bị phạt nặng hơn người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội dâm ô đối với trẻ em còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nhề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm theo quy định tại khoản 4 Điều 116 Bộ luật hình sự.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI CƯỠNG DÂM TRẺ EM ( ĐIỀU 114)

Cưỡng dâm trẻ em là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi lệ thuộc mình hoặc đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với mình.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

Tội cưỡng dâm người chưa thành niên là tội phạm được tách ra từ trường hợp phạm tội quy định tại điểm a khoản 2 Điều 113a Bộ luật hình sự năm 1985 do yêu cầu của việc đấu tranh với những hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ em đang xảy ra rất nghiêm trọng ở nước ta.

Về cơ bản các dấu hiệu của tội cưỡng dâm trẻ em cũng tương tự như đối với tội cưỡng dâm quy định tại Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân bị cưỡng dâm ở tội này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dươí 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự.

Cũng tương tự như đối với các trường hợp hiếp dâm trẻ em, hiếp dâm người chưa thành niên, trường hợp cưỡng dâm trẻ em, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần xác định tuổi thật của nạn nhân là trẻ em từ 13 đến dưới 16 tuổi mà không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội có biết hay không biết người mà mình cưỡng dâm là trẻ em.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

  1. Cưỡng dâm một người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi ( khoản 1 Điều 114)

Người chưa thành niên dưới 16 tuổi được gọi là trẻ em, vì vậy cưỡng dâm người dưới 16 tuổi gọi là cưỡng dâm trẻ em. Lẽ ra trường hợp phạm tội này chỉ cần quy định cưỡng dâm trẻ em là đủ. Tuy nhiên, nếu cưỡng dâm trẻ em dưới 13 tuổi thì lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm nên cần phải quy định cụ thể trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi để khỏi nhầm với trường hợp trẻ em dưới 13 tuổi bị giao cấu mà Bộ luật hình sự quy định là tội hiếp dâm. Để xác định trường hợp phạm tội này, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần xác định tuổi của nạn nhân sau khi đã xác định đủ các yếu tố cấu thành tội cưỡng dâm.

Cưỡng dâm một người là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 114 có khung hình phạt từ năm năm đén mười năm tù.

  1. Cưỡng dâm trẻ em có tính chất loạn luân ( điểm a khoản 2 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội cưỡng dâm cótính chất loạn luân quy định tại điểm d khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Cưỡng dâm trẻ em làm nạn nhân có thai ( điểm b khoản 2 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội cưỡng dâm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại điểm b khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Cưỡng dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( điểm c khoản 2 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội cưỡng dâm quy định tại điểm e khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại điểm c khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm ( điểm d khoản 2 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội cưỡng dâm quy định tại điểm g khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự .

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai ; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ; tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 114 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. So với khoản 2 Điều 113a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt nặng hơn nên chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội kể từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi .

  1. Nhiều người cưỡng dâm một người ( điểm a khoản 3 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội cưỡng dâm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 đến dưới 18 tuổi, nếu nạn nhân lại là người dưới 13 tuổi người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định taị khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Phạm tội cưỡng dâm trẻ em nhiều lần( điểm b khoản 3 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội cưỡng dâm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân lại dưới 13 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự và nếu nạn nhân trên 16 tuổi thì thuộc trường hợp cưỡng dâm người chưa thành niên quy định tại đoạn hai khoản 4 Điều 113 Bộ luật hình sự .

Khi xác định tình tiết phạm tội này cần chú ý: Tất cả những lần cưỡng dâm, nạn nhân đều ở độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, nếu có hai lần cưỡng dâm, nhưng chỉ có một lần nạn nhân ở độ tuổi đủ 13 đến dưới 16 còn một lần nạn nhân trên 16 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội cưỡng dâm người chưa thành niên (khoản 4 Điều 113 ) và tội cưỡng dâm trẻ em ( khoản 1 Điều 114); nếu có một lần nạn nhân chưa đén 13 tuổi thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội hiếp dâm trẻ em ( khoản 4 Điều 112) và tội cưỡng dâm trẻ em ( khoản 1 Điều 114).

  1. Cưỡng dâm nhiều trẻ em ( điểm c khoản 4 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tường tự như trường hợp phạm tội cưỡng dâm nhiều người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ, các nạn nhân trong trường hợp này đều là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự.

Khi xác dịnh tình tiết phạm tội này, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần xác dịnh tuổi thật của người bị hại mà không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội.

  1. Cưỡng dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên ( điểm d khoản 3 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội “cưỡng dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên quy định tại điểm a khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ, nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn cưỡng dâm trẻ em ( điểm đ khoản 3 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp “biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ, nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại điểm e khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Cưỡng dâm làm nạn nhân chết hoặc tự sát ( điểm e khoản 3 Điều 114)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp cưỡng dâm làm nạn nhân chết hoặc tự sát quy ddịnh tại điểm c khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân lại là người dưới 13 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em quy định tại điểm g khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự.

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp : Nhiều người cưỡng dâm một người ; Phạm tội nhiều lần ; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; phạm tội làm nạn nhân chết hoặc tự sát, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 114 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Trừ trường hợp “phạm tội làm nạn nhân chết hoặc tự sát”, còn các trường hợp phạm tội khác, so với khoản 3 Điều 113a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 114 là tội phạm nặng hơn, vì khoản 3 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1999 là điều khoản được nhập hai khoản ( khoản 3 và khoản 4 Điều 113a). Vì vậy, nếu hành vi phạm tội của người phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 3 Điều 113a Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội ( trừ trường hợp phạm tội làm nạn nhân chết hoặc tự sát được áp dụng khoản 3 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội)

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI LÂY TRUYỀN HIV CHO NGƯỜI KHÁC ( ĐIỀU 117 )

Lây truyền HIV cho người khác là hành vi của một người biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào.

HIV theo tiếng Anh là: “Human Immunodeficiency Virus” có nghĩa là vi rút làm suy giảm miễn dịch ở người, là vi rút gây bệnh SIDA.

Còn SIDA theo tiếng Pháp là: “Syndrome Immuno Deficitaire Acquis” có nghĩa là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, viết tắt là AIDS, là căn bệnh mất khả năng miễn dịch, gây tử vong.

Bị nhiễm HIV ở giai đoạn AIDS là bệnh rất nặng có nhiều khả năng gây tử vong

Đây là tội danh mới lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật hình sự nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống một căn bệnh nguy hiểm cho loài người, nhưng chưa tìm ra phương thuốc đặc trị, đồng thời đáp ứng được thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

  1. Đối với người phạm tội

Chủ thể của tội phạm này có thể nói là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ những người bị nhiếm HIV mới có thể phạm tội này. Người bị nhiễm HIV là người đã bị vi rút HIV xâm nhập vào cơ thể và được các cơ quan Y tế xét nghiệm và kết luận đã bị nhiễm HIV.

Người phạm tội phải biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền cho người khác thì mới phạm tội, nếu người phạm tội bị nhiễm HIV, nhưng không biết mình nhiễm mà lây truyền HIV cho người khác thì chưa cấu thành tôi phạm này.

Theo điều văn của điều luật thì chỉ cần biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền cho người khác là đã cấu thành tội phạm chứ không cần phải biết mình bị AIDS mà cố ý lây tuyền cho người khác mới phạm tội. Vì vậy, chỉ cần xác định người phạm tội bị nhiễm HIV chứ không cần xác định người phạm tội đã bị bệnh ở giai đoạn AIDS.

Cố ý lây truyền HIV cho người khác là mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị nhiễm HIV. Nếu do vô tình làm cho nạn nhân bị nhiễm HIV thì người phạm tội chưa bị coi là có tội lây truyền HIV cho người khác.

Hành vi lây truyền HIV được thực hiện dưới nhiều hình thức như: thông qua việc quan hệ tình dục ( giao cấu), tiêm chích hoặc những hành vi khác lây qua hệ thống tuần hoàn ( qua đường máu).

  1. Đối với người bị hại

Người bị hại ( nạn nhân) là người bị lây truyền HIV do hành vi của người phạm tội gây ra. Người bị lây truyền HIV bị nhiễm HIV thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV, nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi lây truyền HIV cho người khác nhưng nạn nhân lại không bị nhiễm HIV thì nói chung không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, nếu nạn nhân chưa bị nhiễm HIV mà lại phạm tội trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự thì người phạm tội vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nhưng ở giai đoạn chưa đạt.

Việc xác định người bị hại có bị nhiếm HIV hay không là căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, nếu kết quả giám định của Hội đồng giám định còn có những vấn đề chưa rõ thì yêu cầu giám định lại.

 

NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Lây truyền HIV cho một người và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự ( khoản 1 Điều 117)

Trường hợp người phạm tội chỉ lây truyền HIV cho một người và không thuộc trường hợp phạm tội quy định tại các điểm từ a đến d khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 117 có khung hình phạt từ một năm đến ba năm tù. Đây là trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn hoặc nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

  1. Phạm tội đối với nhiều người ( điểm a khoản 2 Điều 117 )

Lây truyền HIV đối với nhiều người là biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền cho từ hai người trở lên, nếu chỉ cố ý truyền HIV cho một người còn người khác là vô tình người phạm tội chỉ bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự.

Trường hợp cố ý lây truyền HIV cho nhiều người nhưng chỉ có một người bị nhiễm còn các người khác không bị nhiễm HIV thì người phạm tội vần bị truy cứu trách nhiệm hình sự về trường hợp” đối với nhiều người”. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt Toà án có thể cân nhắc giảm nhẹ một phần hình phạt cho người phạm tội vì hành vi phạm tội của bị cáo chỉ hoàn thành đối với một người còn những người khác là phạm tội chưa đạt.

Nếu tất cả những người bị lây truyền HIV đều không bị nhiễm HIV thì người phạm tội vẫn bị truy coi là phạm tội đối với nhiều người, nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không bằng trường hợp có một người hoặc nhiều người bị nhiễm HIV và nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể được Toà án áp dụng mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 117 ( là khung hình phạt liền kề với khung hình phạt ở khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự).

  1. Phạm tội đối với người chưa thành niên ( điểm b khoản 2 Điều 117)

Trường hợp phạm tội này, người bị nhiễm HIV ( người bị hại) là người chưa thành niên ( người dưới 18 tuổi). Việc xác định tuổi của người bị hại trong trường hợp phạm tội cũng như đối với các trường hợp phạm tội đối với người chưa thành niên trong các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người khác không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội mà chỉ căn cứ vào tuổi thật của người bị hại. Tuổi thật của người bị hại là căn cứ vào giấy khai sinh hoặc giấy tờ có căn cứ xác định tuổi thật của người bị hại. Trường hợp đã làm hết mọi cách mà không xác định được tuổi thật của người bị hại thì áp dụng nguyên tắc xác định tuổi của người bị hại theo hướng có lợi cho người phạm tội.

  1. Phạm tội đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình ( điểm c khoản 2 Điều 117)

Người bị hại trong trường hợp phạm tội này là người trực tiếp chữa bệnh cho người phạm tội họ có thể là Bác sỹ, Y sỹ, Y tá, Hộ lý hoăc nhân viên y tế khác. Nếu người phạm tội lây truyền HIV cho thầy thuốc hoặc nhân viên y tế, nhưng những người này không trực tiếp chữa bệnh cho người phạm tội thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 117.

Thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho người phạm tội có thể chữa bệnh AIDS do vi rút HIV gây ra nhưng cũng có thể chữa bệnh khác cho người phạm tội mà người phạm tội lại cố ý lây truyền HIV cho thầy thuốc hoặc nhân viên y tế chữa các bệnh đó cho mình thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự) .

  1. Phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân ( điểm d khoản 2 Điều 117)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội này người phạm tội không vì động cơ cản trở người thi hành công vụ mà có thể vì bất cứ động cơ nào. Tuy nhiên, nếu vì lý do công vụ của nạn nhân mà người phạm tội có ý truyền HIV cho họ thì cần xác định nạn nhân phải là người đã thi hành một công vụ và vì việc thi hành công vụ đó mà bị người phạm tội cố ý lây truyền HIV cho họ thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: đối với nhiều người; đối với người chưa thành niên; đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế chữc bệnh cho mình; đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đén bảy năm tù.

Người phạm tội lây truyền HIV cho người khác không bị áp dụng các hình phạt bổ sung, bởi lẽ họ người bị nhiễm HIV, việc áp dụngcác hình phạt bổ sung đối với họ không có ý nghĩa đối với việc phòng ngừa tội phạm.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Hành vi nguy hiểm cho xã hội

Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi đã gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ trong các tội xâm phạm sở hữu chủ yếu là quan hệ tài sản, ngoài ra còn có các quan hệ khác như trật tự an, an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm hoặc những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, nhưng quan hệ về tài sản là quan hệ chủ yếu và là đặc trưng của các tội xâm phạm sở hữu. Nếu thiệt hại gây ra hoặc đe doạ gây ra không đáng kể thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và không bị coi là hành vi tội phạm. Ví dụ: Trộm cắp chưa đến 500.000 đồng mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án nhưng đã được xoá án tích thì không coi là tội phạm.

Việc đánh giá hành vi nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội phụ thuộc vào tình hình phát triển của xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Nếu trước đây, hành vi trộm cắp dưới 500.000 đồng được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, thì hiện nay, hành vi này không bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội nữa. Ngược lại có hành vi trước đây chưa được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng nay lại coi là nguy hiểm cho xã hội và được coi là tội phạm. Ví dụ: Hành vi sử dụng trái phép tài sản của công dân, trước đây chưa được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nay hành vi này được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và bị coi là tội phạm.

Hành vi nguy hiểm cho xã hội phải được quy định trong Bộ luật hình sự

Việc nhà làm luật quy định chỉ những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự  mới là tội phạm là nhằm gạt bỏ việc áp dụng nguyên tắc tương tự. Chỉ có Bộ luật hình sự mới được quy định tội phạm, ngoài Bộ luật hình sự ra không có văn bản pháp luật nào khác được quy định tội pham. Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, đã có một thời gian dài các Toà án vận dụng đường lối chính sách hiện hành để xét xử một số hành vi mà pháp luật hình sự không quy định là tội phạm.

Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà làm luật quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất thiết phải được quy định trong Bộ luật hình sự sẽ dẫn đến tình trạng hình sự hoá một cách tuyệt đối. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới chỉ quy định “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật hình sự” hoặc “tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự“. Mặt khắc, tại Điều 2 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự“, trong khi đó khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1985 lại quy định ” tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự…” Vậy là giữa khái niệm tội phạm và cơ sở trách nhiệm hình sự nhà làm luật đã quy định không thống nhất, dẫn đến việc hiểu và giải thích rất khác nhau giữa khái niệm tội phạm với cơ sở trách nhiệm hình sự. Trong quá trình soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999, cũng có ý kiến đề nghị Bộ luật hình sự nên quy định: ” Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật hình sự.” ý kiến này có nhân tố hợp lý, tránh sự sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự một cách triền miên, nhưng lại không bảo đảm tính thống nhất, tập trung, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa văn bản này với văn bản khác, nhất là trong điều kiện xây dựng một Nhà nước pháp quyền thì con người với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, được biết mình được làm gì, không được làm gì, nhất là các quan hệ pháp luật hình sự lại liên quan trực tiếp đến những quyền cơ bản nhất của con người kể cả quyền sống. Vì vậy, luật hình sự cần được pháp điển hoá thành Bộ luật hoàn chỉnh, nơi duy nhất quy định về tội phạm và hình phạt, bảo đảm tốt nhất cho việc thực hiện chính sách hình sự, bảo đảm quyền công dân, bảo đảm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Sau hơn mười năm thi hành và qua nhiều lần thảo luận, một lần nữa Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn khẳng định hành vi nguy hiểm cho xã hội phải được quy định trong Bộ luật hình sự mới là tội phạm, đồng thời sửa đổi Điều 2 của Bộ luật hình sự cho phù hợp với khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 với nội dung ” Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự“.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Chức năng:

_Chỉ có toà án nhân nhân mới có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và giải quyết các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.

_Do kết quả xét xử của toà án nhân nhân mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền hoặc phải thực hiện nghĩa vụ pháp lí nhất định.

_Việc xét xử của toà án nhân dân có tính quyết định cuối cùng khi giải quyết các vụ việc pháp lí.

_Hoạt động xét xử của toà án nhân dân là hoạt động áp dụng pháp luật.

Nhiệm vụ: Bảo vệ công lí, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

_Phiên họp UBND: diễn ra 1 lần/ tháng do chủ tịch UBND triệu tập và chủ toạ, là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của UBND, trong phiên họp thảo luận những vấn đề như: chương trình làm việc; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách- phê chuẩn quyết toán ngân sách và quỹ dự trữ của địa phương để báo cáo HĐND quyết định…

_Hoạt động của Chủ tịch UBND:

+Lãnh đạo công tác của UBND, các thành viên của UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

+Triệu tập và chủ toạ các phiên họp của UBND.

+Phê chuẩn kết quả bầu cử của các thành viên UBND cấp dưới trực tiếp; điều động, đình chỉ, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp…

+Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, của UBND và Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp.

+Chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, cháy nổ, dịch bệnh … và báo cáo UBND trong phiên họp gần nhất.

+Ra quyết định, chỉ thị để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

_Phó chủ tịch UBND: Giúp việc cho chủ tịch UBND, được Chủ tịch UBND phân công phụ trách thực hiện những công việc nhất định như kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế…chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động của mình.

_Các uỷ viên UBND: Được chủ tịch UBND phân công phụ trách những ngành, lãnh vực chuyên môn nhất định như quân sự, kế hoạch, tài chính… chịu trách nhiệm cá nhân về ngành và lĩnh vực được phân công.

_Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn: Là cơ quan tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lí nhà nước ở địa phương và thực hiện  một số nhiệm vụ, quyền hạn thoe sự uỷ quyền của UBND cùng cấp và quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước UBND, cơ quan chuyên môn cấp trên và HĐND cùng cấp khi được yêu cầu.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI GIAO CẤU VỚI TRẺ EM ( ĐIỀU 115)

Giao cấu với trẻ em là hành vi của một người đã thành niên giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi không trái với ý muốn của nạn nhân.

 

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

 

  1. Về phía người phạm tội

Người phạm tội phải là người đã thành niên, tức là người đã đủ 18 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này có thể là nữ giới, nhưng đa số là nam giới.

Việc giao cấu với người dưới 16 là hoàn toàn có sự đồng tình của hai người không bên nào ép buộc bên nào. Sự thoả thuận này có trường hợp là mối tình yêu đương giữa hai người, nhất là ở một số vùng nông thôn, tệ tảo hôn còn phổ biến, cũng có trường hợp do cuộc sống, do hoàn cảnh éo le của một số em gái chưa đủ 16 tuổi đã bán dâm cho khách làng chơi để kiếm tiền.

Việc trừng trị hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi bằng luật hình sự của Nhà nước ta cũng chủ yếu nhằm bảo vệ sự phát triển bình thường về mặt tình dục đối với người chưa đủ 16 tuổi.

  1. Đối với người bị hại

Người bị hại trong vụ án giao cấu với người dưới 16 tuổi là người có độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, có thể là nam giới nhưng chủ yếu là nữ giới.

Việc để người phạm tội giao cấu là hoàn toàn có sự tự nguyên, không hề có sự cưỡng bức hay ép buộc nào. Mặc dù họ tự nguyện và có nhiều trường hợp họ yêu cầu không xử lý đối với người phạm tội, nhưng yêu cầu này của họ không được chấp nhận vì họ là đối tượng mà Nhà nước buộc phải bảo vệ.

Chỉ coi là tội giao cấu với trẻ em khi người phạm tội và người bị hại đã thực hiện việc giao cấu, nếu chỉ có những hành vi có tính chất dâm ô mà chưa thực hiện việc giao cấu thì không cấu thành tội giao cấu với trẻ em mà tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô trẻ em quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

  1. Giao cấu với một người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi ( khoản 1 Điều 115)

Trường hợp người phạm tội chỉ giao cấu với một người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù. Khi quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội này, cần phải xem xét một cách toàn diện đầy đủ các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, đặc biệt là mối quan hệ giữa người bị hại với người phạm tội. Thông qua việc giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng cần giáo dục không chỉ người phạm tội mà cần giáo dục ngay cả đối với người bị hại để họ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân và xã hội.

 

  1. Phạm tội nhiều lần ( điểm a khoản 2 Điều 115)

Phạm tội nhiều lần trong trường hợp này là giao cấu với một trẻ em từ hai lần trở lên. Khi xác định tình tiết phạm tội này cần chú ý: Tất cả các lần giao cấu, người phạm tội đã đủ 18 tuổi và người bị hại ở độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, nếu có hai lần giao cấu nhưng trong đó coa một lần người phạm tội chưa đủ 18 tuổi hoặc người bị hại đã đủ 16 tuổi thì không coi là phạm tội nhiều lần và người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự. Nếu trong các lần giao cấu mà có một lần người bị hại dưới 13 tuổi thì người phạm tội phải bị truy cứu về hai tội: tội hiếp dâm trẻ em và tội giao cấu với trẻ em.

  1. Đối với nhiều người ( điểm b khoản 2 Điều 115)

Phạm tội đối với nhiều người trong trường hợp này là giao cấu với từ hai trẻ em trở lên và tất cả người bị hại đều ở độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có hai người bị hại, trong đó có một người đủ 16 tuổi thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự. Trường hợp nếu có một người dưới 13 tuổi khi bị giao cấu thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự hai tội: tội giao cấu với trẻ em và tội hiếp dâm trẻ em. Trường hợp có nhiều người bị giao cấu, trong dó có người bị giao cấu từ hai lần trở lên thì người phạm tội thuộc hai trường hợp: phạm tội nhiều lần và đối với nhiều người.

  1. Giao cấu với trẻ em có tính chất loạn luân ( điểm c khoản 2 Điều 115)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp hiếp dâm có tính chất loạn luân, cưỡng dâm có tính chất loạn luân, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này giữa nạn nhân với người phạm tội có sự thoả thuận, đồng tình với nhau khi giao cấu. Việc xử lý nghiêm trường hợp giao cấu với trẻ em có tính chất loạn luân là nhằm bảo vệ giống nòi, bảo vệ sự phát triển bình thường của các em, bảo vệ thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội.

  1. Giao cấu với trẻ em làm nạn nhân có thai ( điểm d khoản 2 Điều 115)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp làm nạn nhân có thai trong các trường hợp đối với tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm, chỉ khác ở chỗ trong trường hợp phạm tội này nạn nhân đã đồng tình để người phạm tội giao cấu.

Khi xác định ttình tiết phạm tội này cần chú ý: Chỉ khi nào xác định người bị hại có thai do chính hành vi giao cấu của người phạm tội làm cho nạn nhân có thai và khi có thai, người bị hại ở độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16. Nếu người bị hại có thai do kết quả của một lần giao cấu với người khác hoặc tuy có thai với người phạm tội nhưng do giao cấu nhièu lần trong đó có lần người bị hại đã đủ 16 tuổi và cái thai đó là kết quả của lần giao cấu khi người bị hại đã tròn 16 tuổi, thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

  1. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( điểm đ khoản 2 Điều 115)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại  cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ lệ thương tật từ 31% đến 60% đối với hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm và việc xác định tình trạng sức khoẻ của nạn nhân trên cơ sở giám định thương tật của Hội đồng giám định pháp y, chỉ khác các trường hợp trên là người bị hại trong trường hợp này đồng tình cho người phạm tội giao cấu. Đây không phải là tình tiết định khung mới vì khoản 2 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 đã quy định tình tiết “gây tổn hại nặng cho sức khoe của nạn nhân” và theo các thông tư, nghị quyết hướng dẫn thì tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% là thương tích nặng hặc tổn hại nặng đến sức khoẻ.

Người phạm tội giao cấu với trẻ em thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 115 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù. So với khoản 2 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 115 là tội nhẹ hơn, nên được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý (trừ trường hợp đối với nhiều người, vì đây là tình tiết định khung mới quy định)

  1. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên ( điểm a khoản 3 Điều 115)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại  cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ lệ thương tật từ 61% trở lên đối với hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm và việc xác định tình trạng sức khoẻ của nạn nhân trên cơ sở giám định thương tật của Hội đồng giám định pháp y, chỉ khác các trường hợp trên là người bị hại trong trường hợp này đồng tình cho người phạm tội giao cấu. Vì khoản 3 Điều 115 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định gây tổn hại rất nặng cho sức khoẻ của nạn nhân, nên phải coi trường hợp phạm tội này là tình tiết định khung mới. Do đó chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi, nếu hành vi phạm tội thực trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện thì áp dụng điểm d khoản 2 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội với tình tiết “gây tổn hại nặng cho sức khoe của nạn nhân”.

  1. Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội ( điểm b khoản 3 Điều 115)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm, vẫn cưỡng dâm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 111; điểm c khoản 3 Điều 112; điểm b khoản 3 Điều 113; điểm đ khoản 3 Điều 114, chỉ khác các trường hợp trên ở chõ người bị hại trong trường hợp này là trẻ em và đồng tình để người phạm tội giao cấu.

Đây là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định đối với tội giao cấu với trẻ em, nên chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại  cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 115 có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. So với khoản 3 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 115 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhẹ hơn, nhưng lại không được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý, vì cả hai tình tiết định khung hình phạt này đều là tình tiết mới. Còn khoản 3 Điều 114 chỉ quy định trường hợp có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 điều này nhưng tình tiết này Bộ luật hình sự năm 1999 đã không quy định ở tội phạm này cũng như tất cả các tội khác trong Bộ luật hình sự.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI HIẾP DÂM TRẺ EM (ĐIỀU 112)

Hiếp dâm trẻ em là hành vi của một người dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với người dưới 16 tuổi.

Tội hiếp dâm trẻ em là tội phạm mới được quy định tại luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 10-5-1997, trên cơ sở tách một phần đoạn 2 khoản 1 và toàn bộ khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự chưa được sửa đổi vào ngày 10-5-1997 do yêu cầu của việc đấu tranh với tệ xâm phạm tình dục của trẻ em ngày càng nghiêm trọng thành Điều 112. Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản vẫn giữ lại các dấu hiệu, các tình tiết định khung hình phạt như Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn xét xử và tình hình phát triển của xã hội.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

Các dấu hiệu của tội hiếp dâm trẻ em về cơ bản tương tự như tội hiếp dâm mà nạn nhân không phải là trẻ em quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, vì nạn nhân là trẻ em nên có một vài dấu hiệu thuộc về phía nạn nhân không giống với trường hợp hiếp dâm mà nạn nhân không phải là trẻ em như : Đối với nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải xác định việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, còn đối với nạn nhân dưới 13 tuổi thì dù nạn nhân có đồng ý hay không đồng ý giao cấu thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em.

Việc nhà làm luật quy định nạn nhân dưới 13 tuổi dù có đồng ý để người phạm tội  giao cấu thì hành vi giao cấu này vẫn bị coi là phạm tội hiếp dâm trẻ em xuất phát từ luận điểm : ở độ tuổi dưới 13 trẻ em còn hết sức non nớt, yếu ớt, chưa có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn, dễ bị người khác lôi kéo, rủ rê, mua chuộc, khó có thể tự vệ được, nên cần được bảo vệ một cách đặc biệt nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường, lành mạnh của các em mà cần phải trừng trị thật nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục đối với các em.

Tuổi của nạn nhân (người bị hiếp) là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm trẻ em. Việc xác định tuổi của người bị hại trên cơ sở giấy khai sinh của họ nếu trường hợp mất giấy khai sinh hoặc không có giấy khai sinh thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng tất cả các biện pháp có thể được, để xác định tuổi thật của người bị hại. Cuối cùng nếu không còn cách nào để xác định tuổi thật của người bị hại, thì theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, tuổi của người bị hại sẽ được xác định như sau : Nếu chỉ biết tháng và năm sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó làm ngày sinh của người bị hại. Ví dụ : Chỉ biết người bị hại sinh vào tháng 5-1986, thì lấy ngày 1-5-1986 là ngày sinh của người bị hại ; nếu chỉ biết năm sinh mà không biết ngày tháng thì lấy ngày đầu của tháng đầu tiên trong năm đó làm ngày sinh của người bị hại để tính tuổi. Ví dụ : Chỉ biết người bị hại sinh năm 1985 thì lấy ngày 1-1-1985 là ngày sinh của người bị hại. Việc xác định ngày sinh của người bị hại theo cách trên là có lợi cho người phạm tội, nhưng chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn nên thực tiễn xét xử còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều địa phương không đồng ý với cách xác định tuổi của người bị hại theo hướng có lợi cho ngươì phạm tội và cho rằng làm như vậy sẽ không cương quyết trừng trị người phạm tội  hiếp dâm trẻ em, trẻ em bị hiếp dâm cần phải bảo vệ đặc biệt. Hy vọng rằng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xúc tiến ngay việc hướng dẫn cách tính tuổi của người bị hại trong trường hợp không có giấy khai sinh hoặc các giấy tờ có ý nghĩa xác định tuôỉ của người bị hại. Bởi vì vấn đề này có ý nghĩa vô cùng quan trọng liên quan đến mức hình phạt của người phạm tội. Ví dụ : nếu nạn nhân bị hiếp dâm tròn 13 tuổi nếu không có các tình tiết quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù, nhưng nếu nạn nhân thiếu một ngày mới tròn 13 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

B – CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ :

  1. Hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi ( khoản 1 Điều 112)

Trong trường hợp chỉ có một người hiếp một người mà nạn nhân đã đủ 13 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi và không có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. Việc xác định trường hợp phạm tội này chủ yếu là xác định tuổi của người bị hại.

 

  1. Hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân ( điểm a khoản 2 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm e khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự về tội hiếp dâm đã nghiên cứu ở trên, chỉ khác ở chỗ người bị hiếp trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Vấn đề đặt ra là, vậy người bị hiếp dưới 13 tuổi, đồng thời lại có tính chất loạn luân thì có cần xác định phạm tội có tính chất loạn luân và áp dụng điểm a khoản 2 Điều 112 không, hay chỉ áp dụng khoản 4 Điều 112?. Đặt vấn đề như vậy là xuất phát từ thực tiễn xét xử đã có không ít trường hợp Toà án chỉ căn cứ vào các tình tiết quy định ở khung hình phạt nặng hơn và bỏ qua các tình tiết quy định ở khung hình phạt nhẹ hơn vì cho rằng việc xác định các tình tiết quy định ở khung hình phạt nhẹ hơn không còn có ý nghĩa nữa. Ví dụ : Một người phạm tội hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi và phạm tội có những tình tiết như: có tính chất loạn luân; phạm tội nhiều lần; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.v.v… nhưng Toà án chỉ xác định người phạm tội hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi mà không đề cập đến các tình tiết khác vì cho rằng, người phạm tội đã bị áp dụng khoản 4 Điều 112 rồi, nên việc xác định các tình tiết khác không còn ý nghĩa nữa. Theo chúng tôi, cách đặt vấn đề như vậy là không toàn diện, vì việc xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án là một nguyên tắc và ngay cả trong trường hợp người phạm tội đã được xác định thuộc trường hợp phải áp dụng khung hình phạt nặng nhất thì cũng không vì thế mà bỏ qua các tình tiết được quy định ở khung hình phạt nhẹ hơn. Nếu chúng ta xác định đầy đủ các tình tiết thì việc quyết định một hình phạt cụ thể cho người phạm tội sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên, nếu một người phạm tội có nhiều tình tiết, trong đó có tình tiết được quy định ở khung hình phạt nhẹ, có tình tiết được quy định ở khung hình phạt nặng thì Toà án chỉ áp dụng khung hình phạt nặng để quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Ví dụ : Đào Văn T phạm tội hiếp dâm trẻ em, vừa có tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự  vừa có tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự  thì Toà án chỉ áp dụng khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với Đào Văn T.

  1. Hiếp dâm trẻ em làm nạn nhân có thai ( điểm b khoản 2 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội làm nạn nhân có thai quy định tại điểm g khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự đối với tội hiếp dâm chúng ta đã nghiên cứu ở trên, chỉ khác một điểm là nạn nhân có thai trong trường hợp này là trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, khi xác định nạn nhân có thai trong trường hợp phạm tội này cần chú ý thời điểm có thai đối với nạn nhân bị hiếp dâm nhiều lần, trong đó có hai lần nạn nhân chưa đủ 16 tuổi, có lần nạn nhân đã đủ 16 tuổi và lần có thai lại là lần nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì không thuộc trường hợp hiếp dâm trẻ em làm nạn nhân có thai mà thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần quy định tại điểm c khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( điểm c khoản 2 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm h khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp phạm tội này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì đều thuộc trường hợp phạm tội quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự và tình tiết gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân chỉ còn là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt chứ không phải tình tiết định khung hình phạt nữa. Tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải xác định tình tiết này khi giải quyết vụ án.

  1. Hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh ( điểm d khoản 2 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự và tình tiết phạm tội này chỉ là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt chứ không còn là tình tiết định khung hình phạt nữa.

  1. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm ( điểm đ khoản 2 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm 1 khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự chúng ta đã nghiên cứu ở trên, các dấu hiệu để xác định trường hợp tái phạm nguy hiểm trong mọi trường hợp đều như nhau, vì đây là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội.

Phạm tội hiếp dâm trẻ em thuộc một trong các tình tiết : Có tính chất loạn luân ; làm nạn nhân có thai ; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; tái phạm nguy hiểm, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự  có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm tù. So với  khoản 2 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 112 phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 112

  1. Hiếp dâm trẻ em có tổ chức ( điểm a khoản 3 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp phạm tội hiếp dâm có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự chúng ta đã nghiên cứu ở trên, chỉ có khác ở chỗ trường hợp phạm tội này nạn nhân là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và khung hình phạt không phải là khoản 2 của điều luật mà là khoản 3. Như vậy cũng là hiếp dâm có tổ chức, nhưng nạn nhân càng it tuổi thì hình phạt đối với người phạm tội lại cáo cao. Nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì cũng như các trường hợp phạm tội trên, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự, còn tình tiết có tổ chức chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt. Nếu phạm tội hiếp dâm trẻ em có tổ chức mà nạn nhân lại chưa đủ 13 tuổi thì hình phạt đối với người phạm tội sẽ phải nặng hơn trường hợp nạn nhân đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

  1. Nhiều người hiếp một người mà nạn nhân là trẻ em ( điểm b khoản 3 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội nhiều người hiếp một người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, chỉ có khác ở chỗ trường hợp phạm tội này nạn nhân là trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi và khung hình phạt không phải là khoản 2 của điều luật mà là khoản 3. Nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự và bị xử phạt rất nghiêm khắc.

 

  1. Nhiều lần hiếp dâm trẻ em ( điểm c khoản 3 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội nhiều lần quy định tại điểm d khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này nạn nhân bị hiếp là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và khung hình phạt không phải là khoản 2 của điều luật mà là khoản 3.  Nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự và ngươì phạm tội sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc.

Khi xác định tình tiết nhiều lần hiếp dâm trẻ em cần chú ý một điểm là: Phải có từ hai lần hiếp dâm trở lên mà các lần đó nạn nhân đều dưới 16 tuổi, nếu chỉ có một lần nạn nhân bị hiếp là dưới 16 tuổi còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì không thuộc trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em nhiều lần. Tuy nhiên, trường hợp nhiều lần hiếp dâm một người, nhưng chỉ có một lần nạn nhân dưới 16 tuổi còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi, vậy trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội được xác định như thế nào?  Vấn đề này cho đến nay cả về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đang tồn tại các ý kiến khác nhau :

Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu phạm tội hiếp dâm nhiều lần trong đó có một lần nạn nhân chưa đủ 16 tuổi còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em không có tình tiết phạm tội nhiều lần.

Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội hiếp dâm có tình tiết phạm tội nhiều lần theo điểm d khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự.

Quan điểm thứ ba cho rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về hai tội : Tội hiếp dâm theo Điều 111 và tội hiếp dâm trẻ em theo Điều 112 Bộ luật hình sự vì người phạm tội có hai hành vi phạm tội vào hai thời điểm khác nhau, tuy cùng xâm phạm đến một người bị hại .

Có thể còn ý kiến khác, nhưng theo chúng tôi chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi hiếp dâm về một tội còn cụ thể tội nào cần phân biệt một số trường hợp sau:

Nếu người phạm tội hiếp dâm nhiều lần, trong đó chỉ có một lần nạn nhân chưa đủ 16 tuổi, còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo điểm d khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự với tình tiết “phạm tội nhiều lần”.

Nếu người phạm tội hiếp dâm nhiều lần, trong đó có từ hai lần trở lên nạn nhân chưa đủ 16 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm trẻ em” theo điểm c khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự vì có tình tiết “Phạm tội nhiều lần”.

  1. Hiếp dâm nhiều trẻ em ( điểm d khoản 3 Điều 112 )

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, chỉ có khác là nạn nhân trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và khung hình phạt không phải là khoản 2 của điều luật mà là khoản 3. Nếu nạn nhân chưa đủ 13 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên ( điểm đ khoản 3 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm a khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự, chỉ có khác là nạn nhân trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân chưa đủ 13 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội ( điểm e khoản 3 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự, chỉ có khác là nạn nhân trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân chưa đủ 13 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự.

  1. Hiếp dâm trẻ em làm nạn nhân chết hoặc tự sát ( điểm g khoản 3 Điều 112)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự, chỉ có khác là nạn nhân trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự .

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Hiếp dâm có tổ chức; nhiều người hiếp một người; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự và bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. So với khoản 3 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

  1. Hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi ( khoản 4 Điều 112)

Trường hợp hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi được luật pháp quy định như là một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, không cần hội tụ đủ các yếu tố cấu thành tội hiếp dâm thông thường, người có hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi vẫn bị coi là phạm tội hiếp dâm. Vì vậy, khi Bộ luật hình sự năm 1985 chưa được sửa đổi, bổ sung cũng đã quy định “mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm”, tức là không cần dấu hiệu “trái với ý muốn của nạn nhân” như các trường hợp hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi trở lên. Tinh thần này được quán triệt và khẳng định lại một lần nữa tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với tội hiếp dâm trẻ em “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm”. Tuy nhiên, về khung hình phạt không còn nghiêm khắc hơn trước mà quy định người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Việc quy định này là phù hợp với thực tiẽn xét xử, vì có trường hợp tuy xét về hành vi thì dã cấu thành tội hiếp dâm, nhưng về hậu quả cũng như các mặt tác hại khác lại không đáng kể, nếu phạt người phạm tội mức hình phạt hai mươi năm (mức thấp nhất của khung hình phạt theo khoản 4 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985) thì không tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Thấy rõ được sự bất hợp lý này, nên Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định khung hình phạt dài hơn, có mức thấp nhất là mười hai năm. So với khoản 4 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Việc xác định trường hợp phạm tội này chủ yếu là xác định tuổi của nạn nhân và việc xác định tuổi của nạn nhân như trên chúng ta đã nghiên cứu đang là vấn đề cần phải giải thích hoặc hướng dẫn một cách thống nhất.

Khi áp dụng khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự cũng cần phải chú ý một số điểm sau :

So với khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự thì khoản 4 Điều 112 có khung hình bằng nhau. Nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt dễ cho rằng hành vi hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi cũng như hành vi hiếp dâm trẻ em trên 13 tuổi, sẽ dẫn đến sự nhận thức không đúng khi áp dụng khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự. Do đó nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự mà không có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều 112 Bộ luật hình sự thì người phạm tội có thể chỉ bị phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm tù, nhưng nếu có tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự thì có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Vì thế khi đã xác định người phạm tội hiếp dâm trẻ em thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự thì đồng thời phải xác định người phạm tội có các tình tiết quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 112 không ? trên cơ sở đó mà quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Nếu người phạm tội hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi lại có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều 112 Bộ luật hình sự thì chắc chắn mức hình phạt không thể như trường hợp phạm tội không có tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3.

Người phạm tội hiếp dâm trẻ em còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm ( khoản 5 Điều 112)

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Bầu cử là cách thức mà thông qua đó, nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình, thành lập ra các cơ quan đại diện. Nhân dân bầu ra đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, tham gia thực hiện quyền lực nhà nước.

Chế độ bầu cử là tổng thể các nguyên tắc, các quy định pháp luật bầu cử cùng các mối quan hệ được hình thành trong tất cả các tiến trình bầu cử từ lúc người công dân được ghi tên trong danh sách cử tri cho đến lúc bỏ lá phiếu vào thùng phiếu và xác định kết quả bầu cử.

Chế độ bầu cử do nhiều yếu tố cấu thành, kết hợp giữa yếu tố pháp luật thực định, yếu tố thực tế và tình cảm của nhân dân đối với vấn đề bầu cử.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Tôi gặp nhiều trường hợp gây ra hành vi như nhau song có người bị xử phạt hành chính (phạt tiền), có người lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phải đi tù, cải tạo không giam giữ…).
Tôi xin hỏi khi nào bị xử phạt hành chính và khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Nguyễn Thị Nhân

Luật sư trả lời

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Đối tượng bắt buộc đóng

 + Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

+ Cán bộ, công chức, viên chức;

+Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

+Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

+Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Điều kiện hường theo quy định tại điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

+ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên

+ Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

+  Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

+  Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

+  Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư 59/TT- BLĐTBXH có quy định:

“Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu. Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu”

Như vây, đối với những trường hợp đủ điều kiện về hưởng lương hưu mà thời gian đống bảo hiểm còn thiếu tối đã 06 tháng thì thì có thể đóng một lần cho số tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Cách tính hưởng lương hưu

+ Trương hợp tham gia bảo hiểm bắt buộc (Căn cứ điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

  1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
  2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
  3. a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
  4. b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

 

Vây, theo Luật mới khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì nếu trước năm 2018thì lao động nam sẽ được hưởng 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm và thêm mỗi một năm thì tăng 2%; còn lao động nữ được hưởng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ứng với 20 năm đóng và thêm mỗi một năm thì tăng 3%.  Trường hợp sau năm 2018 thì cách tính được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 56 với số năm đóng bảo hiểm tương ứng với 45% tháng lương bình quân thay đổi theo từng năm.

Tuy nhiên, cả lao động nam và nữ đều tăng không quá 75% mức lương bình quân.

+ Trường hợp tham gia bảo hiểm tự nguyện (ddieuf 74 luật bảo hiểm xã hội 2014)

  1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
  2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
  3. a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
  4. b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức tính lương hưu cũng giống như khi tham gia bảo hiểm bắt buộc

Hồ sơ hưởng chế độ lương hưu.

  1. a) Sổ bảo hiểm xã hội;
  2. b) Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;
  3. c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật này

Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 108 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 Bài viết tham khảo Luật bảo hiểm xã hội 2014

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

_Giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, TAND tối cao, VKSND tối cao trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

_Giám sát việc ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, TAND tối cao, VKSND tối cao…

_Xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao thuộc lĩnh vực được phân công, phụ trách.

_Trong trường họp cần thiết yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, TAND tối cao, VKSND tối cao báo cáo về hoạt động thuộc lĩnh vực được phân công, phụ trách.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Cựu phó chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể Thao Lương Quốc Dũng, nghệ sĩ cải lương Vương Linh, ca sĩ nhạc người Anh Gary Glitter… từng bị toà án Việt Nam kết tội do quan hệ tình dục, dâm ô với trẻ vị thành niên.
Cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao lĩnh 8 năm tù

Trưa 19/2/2004, ông Lương Quốc Dũng lúc đó đang đương chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao bị bắt với cáo buộc hiếp dâm trẻ em sau khi cảnh sát điều tra theo đơn tố cáo của người nhà một bé gái 13 tuổi.

Tại cơ quan điều tra, ông Dũng thừa nhận có quan hệ với bé gái vào ngày 30/12/2003 tại khách sạn Eden, Hà Nội. Nguyễn Thị Quỳnh Nga (tức Nga ” Chọi”), người môi giới trong vụ án xâm hại tình dục này, tới cơ quan điều tra đầu thú ngay sau khi ông Dũng bị bắt.

Ngày 29/10/2004 tòa sơ thẩm, TAND Hà Nội phạt ông Dũng 8 năm tù và Nga án 7 năm tù cùng về tội Hiếp dâm trẻ em. Về dân sự, khoản tiền 68.000 USD bị cáo Dũng khai đã đưa cho gia đình người bị hại nhằm “khắc phục hậu quả” song bà Trương Minh Thuỷ, đại diện người bị hại, không thừa nhận.

Sau phiên xử, ông Dũng và Nga không kháng cáo nhưng gia đình nạn nhân có đơn chống án lên TAND Tối cao cho rằng án sơ thẩm chưa đề cập đến tiền bồi thường thiệt hại. Cấp phúc thẩm đã lên kế hoạch mở phiên toà vào ngày 19/12005. Tuy nhiên đến phút chót gia đình bị hại bất ngờ rút đơn.

Ông Dũng làm phó chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục – Thể thao từ năm 1998. Ông từng là Trưởng các tiểu ban Vận động tài trợ, Tài chính, Cơ sở vật chất SEA Games 2003.

Cựu ca sĩ nhạc rock người Anh Gary Glitter dâm ô với trẻ em

Gary Glitter tại phiên tòa.

Gary Glitter tên thật là Paul Francis Gadd – ca sĩ nhạc rock người Anhbị bắt ở Việt Nam ngày 19/11/2005 ở tuổi 62 do bị cáo buộc có hành vi dâm ô với trẻ vị thành niên.

Ngày 3/3/2006 tại phiên sơ thẩm mở tại TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Gary Glitter chỉ thừa nhận khi tới Việt Nam có quan hệ với 2 gái mại dâm và từ đây được giới thiệu quen 2 bé gái. Ông phủ nhận đã thực hiện hành vi dâm ô đối với 2 bé gái như cáo buộc của nhà chức trách.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng quá trình thực nghiệm, các nạn nhân cũng đã chỉ rõ từng ngóc ngách, vật dụng có tại hiện trường vụ án. Việc thu thập chứng cứ được thực hiện đầy đủ và nội dung phù hợp với diễn biến của vụ việc. Căn cứ nhiều lời khai cũng như bản cung tại cơ quan điều tra của bị cáo, toà nhận định Gary Glitter đã có hành vi đúng như cáo buộc. Bị cáo đã phạm tội nhiều lần với nhiều trẻ em ở ở nhiều nước khác nhưng vẫn “chứng nào tật nấy” khi tới Việt Nam.

Toà tuyên phạt ông Gary Glitter mức án 3 năm tù về tội Dâm ô đối với trẻ em, trục xuất khỏi Việt Nam ngay sau khi thi hành bản án xong.

Nghệ sĩ cải lương Vương Linh mua dâm

Đầu những năm 2000, nghệ sĩ cải lương Vương Linh (tên thật là Lê Văn Hân, 43 tuổi) được bà con ở nhiều tỉnh phía Nam mến mộ.

Tối 7/4/ 2001, đoàn cải lương tiếng hát Vương Linh xuống lưu diễn tại xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn, An Giang). Gần nửa đêm, Vương Linh và đồng nghiệp Quốc Bảo (tên thật Tô Định Cường, 42 tuổi) rủ nhau ra TP Long Xuyên “tìm hoa”… Hành vi mua bán dâm của hai nghệ sĩ hôm đó đã bị cảnh sát bắt quả tang.

Ngày 7/2/2002, Vương Linh bị tuyên án 8 năm tù do mua dâm trẻ dưới 13 tuổi. Riêng Quốc Bảo do chưa hoàn thành hành vi giao cấu, trong quá trình tạm giam đã tích cực tố giác 3 phạm nhân có hành vi trốn trại nên bị tuyên 3 năm tù treo về tội Mua dâm người chưa thành niên.

‘Quan hệ’ với trẻ em, cựu vô địch wushu lĩnh 5 năm tù

Trần Xuân Ánh (21 tuổi, vận động viên wushu) khai đồng ý mua dâm qua môi giới của Lê Văn Tú. Khi đang vui vẻ với cô gái có khuôn mặt trẻ măng này, Ánh bị cảnh sát bắt quả tang.

Cáo trạng truy tố, tại thời điểm quan hệ với Ánh, cô gái mới 11 tuổi 9 tháng. Dù hai bên thuận tình nhưng mọi hành vi quan hệ tình dục với trẻ em chưa đủ 13 tuổi đều phạm vào tội Hiếp dâm trẻ em.

Tại phiên toà mở tháng 3/2007, Ánh bị tuyên phạt 5 năm tù, Tú lĩnh 10 năm.

Ánh từng nhận huy chương vàng vô địch wushu châu Á năm 2000, huy chương đồng châu Á 2001, huy chương đồng thế giới 2001, huy chương vàng giải trẻ toàn quốc năm 1999…

Phút thiếu kiềm chế nhục dục của võ sư karatedo

Từng là tuyển thủ quốc gia môn võ karatedo, đoạt huy chương bạc tại SEA Game, Đoàn Đình Lân (39 tuổi, Hà Nội) đang bị tạm giam đợi ngày ra trước vành móng ngựa về tội Hiếp dâm.

Theo hồ sơ, 20/11/2015 Lân vào trang mạng xã hội kết bạn với một nữ sinh đại học ở Hà Nội, tự giới thiệu là nhiếp ảnh gia. Lân mời thiếu nữ 19 tuổi làm người mẫu, hẹn đến đón tại một điểm trên đường Láng.14h cùng ngày, Lân tới đón thiếu nữ “đi chụp ảnh” tại khách sạn ở quận Cầu Giấy.

Khi được Lân dẫn lên một phòng trên tầng 5, cô gái chột dạ dừng lại hỏi: “Sao lại đi vào đây ạ?”. Lân đáp: “Thì chụp ảnh ở trong này mà”. Nói rồi anh ra mở cửa và đẩy cô vào trong… Quá trình thực hiện hành vi hiếp dâm, Lân còn lấy điện thoại ra quay nhằm mục đích khống chế nạn nhân.

Cô gái xi về nhưng gã “thợ ảnh” không đồng ý, đe dọa sẽ cho cả trường biết. Gã tiếp tục thực hiện hành vi hiếp dâm thêm lần nữa rồi mới đưa nạn nhân ra khỏi nhà nghỉ.

Minh Béo bị bắt vì quấy rối tình dục trẻ em

Diễn viên Minh Béo. Ảnh: OC. Register.

Mới đây, Văn phòng Biện lý Quận Cam, Mỹ ngày 29/3 phát đi thông báo cho biết Minh Béo bị truy tố với ba tội danh, gồm: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên, có hành động khiêu dâm với một em bé dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ để thực hiện hành vi dâm ô.

Công tố viên nói rằng ngày 20/3, Minh Béo tiếp cận với một nhóm vũ công tham gia cuộc thi tài năng trên đài phát thanh ở Huntington Beach. Anh bị cáo buộc lạm dụng tình dục một cậu bé vào ngày 23/3 tại một buổi làm việc. Cậu bé này đã báo lại sự việc cho cảnh sát và nhà chức trách nhanh chóng tiến hành điều tra.

Ngày hôm sau, một cảnh sát mật của khu Garden Grove đóng giả trẻ dưới 14 tuổi, tiếp cận Minh Béo. Diễn viên hài bị cáo buộc cố gắng sắp xếp cuộc gặp với trẻ vị thành niên với ý định lạm dụng tình dục và bị bắt giữ ngay sau đó.

Theo biện lý Quận Cam, nếu vi phạm toàn bộ cáo buộc, Minh Béo có thể phải chịu mức án giam 5 năm 8 tháng tại nhà tù bang.

Nam diễn viên đang bị giam giữ tại nhà tù quận Cam. Nếu muốn tại ngoại, số tiền bảo lãnh Minh Béo lên tới một triệu USD. Phiên tòa xét xử diễn ra vào ngày 15/4. Minh Béo sang Mỹ lưu diễn từ ngày 18/3 tại California.

Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) 39 tuổi, quê ở Tiền Giang. Từngtốt nghiệp khoa Diễn viên Kịch, khoa Đạo diễn. Anh có nhiều vai diễn trên sân khấu kịch như cậu Phước (Số đỏ), ông già Tàu (Làm gái). Ngoài ra, Minh Béo còn đóng phim làm MC…

Phương Linh

*Xem thêm: Phân biệt tội Hiếp dâm trẻ em và Giao cấu với trẻ em

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

TỘI HÀNH HẠ NGƯỜI KHÁC (ĐIỀU 110)

Hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình một cách có hệ thống (lặp đi lặp lại nhiều lần) gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bị hành hạ.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

  1. Về phía người phạm tội

Người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị tuy cứu về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự .

Về hành vi khách quan, tội hành hạ người khác cũng tương tự như hành vi khách quan của tội bức tử, chỉ khác nhau ở chỗ : trong tội hành hạ người khác, người bị hành hạ không tự sát, nên có thể nói tội hành hạ người khác là hành vi khách quan của tội bức tử.

  1. Về phía người bị hại

Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội, nếu bị hành hạ nhưng không có mối quan hệ lệ thuộc với người có hành vi hành hạ thì người có hành vi hành hạ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, mà tuỳ vào hành vi cụ thể mà người có hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định Điều 121 Bộ luật hình sự.

Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội với người bị hại là lệ thuộc về vật chất, về tinh thần. Mối quan hệ này bắt nguồn từ quan hệ công tác (thủ trưởng với nhân viên ), quan hệ thầy trò, quan hệ tôn giáo, quan hệ giữa người làm công với chủ, nhất là đối với một số nhà hàng khách sạn tư nhân… Đối với quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ với các con, ông bà với các cháu), quan hệ nuôi dưỡng ( cha mẹ nuôi với con nuôi, người đỡ đầu với người được đỡ đầu) không thuộc đối tượng xâm phạm của tội phạm này mà là đối tượng của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự.

Thông thường người bị hại trong tội phạm này, bị hành hạ ngược đãi, nhưng không dám kêu hoặc phản ứng mà cam tâm chịu đựng, họ chỉ tố cáo khi mối quan hệ lệ thuộc không còn nữa hoặc bị người khác tố cáo.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Trường hợp phạm tội thông thường

Đây là trường hợp phạm tội chỉ có một người bị hại và người bị hại không phải là người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật.

Người phạm tội trong trường hợp này bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 110 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. So với Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này thì không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn ( Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định một khung hình phạt cho tất cả mọi trường hợp phạm tội, không phân biệt các trường hợp phạm tội như Bộ luật hình sự năm 1999 ).

  1. Phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị tàn tật (điểm a khoản 2 Điều 110 )

ây là trường hợp phạm tội mà người bị hại là những người cần được bảo vệ đặc biệt, Bộ luật hình sự năm 1999 coi các trường hợp phạm tội này là nghiêm trọng hơn, nên quy định thành tình tiết định khung tăng nặng, có hình phạt từ một năm đến ba năm tù.

Hành hạ người già

Hành hạ người già là trường hợp người phạm tội đối xử tàn ác với người già lệ thuộc vào người phạm tội.

Việc quy định phạm tội đối với người già là trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn là xuất phát từ chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ, chăm sóc người già, vừa là chuẩn mực đạo đức xã hội, vừa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Phạm tội đối với người già, người phạm tội đã xâm phạm đến những người mà lẽ ra họ phải kính trọng, xâm phạm đến người bị hạn chế khả năng chống cự lại hành vi xâm phạm đến lợi ích của mình và đồng thời xâm phạm đến đạo đức xã hội, truyền thống dân tộc và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Người già là người phải đến một độ tuổi nhất định. Nếu phạm tội đối với người chưa đến độ tuổi đó, thì không coi là phạm tội đối với người già. Theo tài liệu về y sinh học quóc tế, thì người từ 60 đến 74 tuổi là người có tuổi, từ 75 đến 89 tuổi là người già, từ 90 tuổi trở lên là người già sống lâu. Tuy nhiên, đó là quy định về sinh học, còn về pháp lý, thực tiễn xét xử, các Toà án đã coi người từ 60 tuổi trở lên là người già.

Tình tiết phạm tội đối với người già cũng không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội. Do đó cũng không cần thiết phải yêu cầu người phạm tội biết người mà mình xâm phạm là người già thì họ mới bị coi là phạm tội đối với người già, mà chỉ cần căn cứ vào tuổi của người bị xâm phạm để xác định người phạm tội có phạm tội đối với người già hay không.

Hành hạ trẻ em

Hành hạ trẻ em là trường hợp người phạm tội  đói xử tàn ác với người lệ thuộc mình mà người bị lệ thuộc là trẻ em

Theo Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người dưới 16 tuổi là trẻ em.

Phạm tội đối với trẻ em được coi là trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn, không chỉ xuất phát từ quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn bảo vệ những người không có khả năng tự vệ.

Khi áp dụng trường hợp phạm tội  này cần chú ý một số điểm sau:

– Việc xác định tuổi của người được xác định là trẻ em là một yêu cầu bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hồ sơ vụ án nhất thiết phải có giấy khai sinh của người bị hại là trẻ em, nêu không có giấy khai sinh thì phải có các tài liệu chứng minh người bị hại là người chưa đến 16 tuổi. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp việc xác định tuổi của người bị hại gặp rất nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng hết mọi biện pháp nhưng vẫn không xác định được tuổi của người bị hại. Vậy trong trường hợp này tính tuổi của người bị hại như thế nào ? Hiện nay có hai ý kiến trái ngược nhau: ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm đó, cách tính này là không có lợi cho ngời phạm tội. Còn ý kiến thứ hai thì cho rằng, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm đó, cách tính này theo hướng có lợi cho người phạm tội. Để có căn cứ xác định tuổi của người bị hại nhất là người bị hại lại là trẻ em, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể.

– Phạm tội đối với trẻ em không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội mà là tình tiết khách quan, do đó không cần người phạm tội phải nhân thức được hoặc buộc họ phải nhận thức được đối tượng mà mình xâm phạm là trẻ em thì mới coi là tình tiết tăng nặng, mà chỉ cần xác định người mà người phạm tội xâm phạm là trẻ em thì người phạm tội đã bị coi là phạm tội đối với trẻ em rồi.

Hành hạ với phụ nữ có thai.

Hành hạ phụ nữ có thai là trường hợp người phạm tội đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình mà người bị lệ thuộc là phụ nữ đang có thai

Cũng như trường hợp hành hạ trẻ em, hành hạ phụ nữ có thai không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội, nên không yêu cầu người phạm tội phải biết người mà mình hành hạ đang có thai. Trường hợp phạm tội này khác với trường hợp “giết phụ nữ mà biết là có thai” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Do đó, Nhà làm luật chỉ quy định “đối với phụ nữ có thai” chứ không quy định “mà biết là có thai”. Vì vậy, chỉ cần xác định người phụ nữ bị hành hạ đang có thai là người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự.

Khi áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với người phạm tội cần chú ý một số điểm như sau:

Người phụ nữ đang có thai, không kể cái thái đó ở tháng thứ mấy;

Việc xác định người phụ nữ có thai hay không nhất thiết phải do giám định viên hoặc bác sỹ chuyên khoa;

Hành hạ người tàn tật

 Hành hạ người tàn tật là đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình mà người bị lệ thuộc là người bị tàn tật

Người bị tàn tật là người bị một tật và bị tàn phế, không có khả năng tự vệ như người bình thường, như bị cụt chân, bị bại liệt, bị mù, bị câm điếc… Tuy nhiên, không coi là hành hạ người tàn tật nếu người bị hành hạ chỉ bị một tật nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, vẫn có khả năng tự vệ như người bình thường. Ví dụ: Một người bị thương tật có tỷ lệ 12%, thậm chí 21% nhưng vẫn khoẻ mạnh.

Phạm tội đối với nhiều người (điểm b khoản 2 Điều 110)

Hành hạ nhiều người là trường hợp đối xử tàn ác với từ hai người lệ thuộc mình trở lên. Có thể cả hai người trở lên cùng bị hành hạ trong một thời gian hoặc có thể không cùng một thời gian. Ví dụ: Tô Sỹ T là chủ Nhà hàng Caraoke đã có hành vi hành hạ chị Đỗ Thị L là tiếp viên Nhà hàng làm chị L phải bỏ trốn khỏi Nhà hàng, nhưng không dám tố cáo hành vi phạm tội của T. sau đó T lại tiếp tục có hành vi hành hạ chị Trần Kim D và bị chị D tố cáo hành vi phạm tội của T trước cơ quan pháp luật. Trong quá trình điều tra,mới phát hiện trước đó T còn hành hạ chị L nên T bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 110

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

_Nghĩa vụ trung thành với tổ quốc;

_Nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc;

_Nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân;

_Nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

_Nghĩa vụ chấp hành các quy tắc sinh hoạt cộng đồng chung;

_Nghĩa vụ bảo vệ môi trường;

_Nghĩa vụ nộp thuế;

_Nghĩa vụ học tập;

_Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

_Nguyên tắc hoạt động: tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.

_Hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thể hiện thông qua các phiên họp, hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các phó Chủ tịch Quốc hội và các uỷ viên.

_Hoạt động chủ yếu:

+Công bố và chủ trì việc bầu cử Quốc hội.

+Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kì họp Quốc hội.

+Giải thích Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

+Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao; đình chỉ thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và đề nghị Quốc hội bãi bỏ; bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

+Giám sát hoạt động của HĐND; đình chỉ thi hành các văn bản của HĐND tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và đề nghị Quốc hội bãi bỏ, bãi bỏ các văn bản của  HĐND tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương trái pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giải tán HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu cần thiết.

+Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc địa phương…

+Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội…

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Xác định tội danh, vấn đề lý luận và thực tiễn mà chúng tôi đề cập trong bài viết này không phải là mới, nhưng đối với người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tố tụng hình sự lại là vấn đề thời sự được quan tâm hàng ngày. Vì có xác định tội danh đúng thì mới áp dụng pháp luật hình sự đúng, ra bản án mới đúng pháp luật, người phạm tội mới chấp nhận bản án, cúi đầu nhận tội và mới đạt được yêu cầu của việc xử án là xét xử đúng người, đúng tội.

Bài viết này tập trung trao đổi về kỹ năng, quy trình (các bước) xác định tội danh và một số vấn đề trong thực tiễn hoạt động xác định tội danh.

1. Kỹ năng xác định tội danh

Bước 1: Xác định tội phạm

Trong đời sống xã hội có nhiều người có hành vi gây nguy hại cho xã hội, nhưng không phải tất cả các hành vi gây nguy hại cho xã hội đều là tội phạm. Trong Bộ luật Hình sự (xin viết tắt là BLHS) hiện hành có quy định, có hành vi tuy có gây nguy hại cho xã hội nhưng không phải là tội phạm như là: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự); hoặc là hành vi phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự); hoặc là hành vi trong tình thế cấp thiết vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ tới lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa (quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự). Ví dụ, một tàu thuỷ chuyên chở 100 tấn gạo từ miền Nam ra miền Bắc, với trọng lượng tàu biển và trọng lượng 100 tấn gạo thì tàu thuỷ chỉ có thể chịu đựng được gió cấp 5. Trên đường đi gặp mưa, bão gió trên cấp 5, vì muốn bảo vệ con tàu mà các thuỷ thủ trên tàu, thuyền trưởng nhận định nếu con tàu giảm trọng tải 15 tấn thì vượt qua được gió bão cấp 6, cấp 7, còn nếu giữ nguyên 100 tấn gạo thì có nguy cơ tàu thuỷ bị chìm vì gió cấp 6, cấp 7 nên thuyền trưởng quyết định, vứt bỏ 15 tấn gạo xuống biển. Kết quả là con tàu vượt qua được cơn bão có gió cấp 6, 7. Trường hợp này thiệt hại 15 tấn gạo là nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, đó là con tàu, cùng đoàn thuỷ thủ và 85 tấn gạo.v.v. Trong BLHS còn có quy định khác để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây nguy hại cho xã hội là tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 12 BLHS quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

“1- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Như vậy, ngoài các trường hợp mà BLHS quy định không phải là tội phạm và tuổi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà hành vi gây nguy hại cho xã hội đó là bị coi là tội phạm, thì họ phải chịu hình phạt của Nhà nước đối với hành vi gây nguy hại cho xã hội mà họ đã gây ra.

Tội phạm là gì? Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự về khái niệm tội phạm mà chúng tôi trình bày ở trên, thì chúng ta hiểu là: Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự mà thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà hành vi nguy hiểm cho xã hội đó xâm phạm đến một trong các quan hệ xã hội quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự thì hành vi nguy hiểm đó là tội phạm.

Đã từ lâu, các nhà khoa học về tội phạm học, cùng các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã xác định được các căn cứ để xác định tội phạm hay còn gọi là các yếu tố cấu thành tội phạm hoặc là các cấu thành bắt buộc của tội phạm. Các yếu tố cấu thành đó là:

Một là, mặt chủ thể của tội phạm: Là con người cụ thể, đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và là người có năng lực trách nhiệm hình sự.

Hai là, mặt chủ quan của tội phạm: Là động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Và là lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý)

Ba là, mặt khách thể của tội phạm: Là quan hệ xã hội mà Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ.

Bốn là, mặt khách quan của tội phạm: Là các hành vi của chủ thể, biểu hiện ra bên ngoài trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi này, có thể là bằng hành động nhưng cũng có thể là bằng không hành động.

Phải có đủ bốn yếu tố này mới cấu thành tội phạm. Thiếu một trong bốn yếu tố này, thì không phải là tội phạm. Do đó, chúng ta thấy rằng:

+ Những hành vi có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm.

+ Những tội phạm được quy định trong các điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự được gọi là tội.

+ Người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định, thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bước 2: Đối chiếu hành vi của bị cáo bị truy tố với dấu hiệu cấu thành của tội bị truy tố.

Nghiên cứu nội dung các điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự, chúng ta thấy trong từng điều luật có quy định rõ các cấu thành của tội trong điều luật đó. Các cấu thành này, tạo nên sự khác biệt giữa tội này với tội khác. Ví dụ: Tội “giết con mới đẻ”. Điều 94 Bộ luật Hình sự quy định các cấu thành của tội “giết con mới đẻ” như sau:

+ Người mẹ nào

+ Do ảnh hưởng nặng nề về tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt

+ Mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó

+ Hậu quả là đứa trẻ chết

Như vậy là, tội “giết con mới đẻ” có 4 cấu thành bắt buộc, trong đó chủ thể của tội này bắt buộc phải là người mẹ sinh ra đứa trẻ đó. Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu có thể là trường hợp không có chồng mà mang thai rồi đẻ con hoặc là đẻ nhiều con gái, mà nhà chồng cho rằng đẻ con gái là đem tai hoạ về nhà chồng.v.v. mà người mẹ của đứa trẻ đó, không chịu đựng nổi dư luận xã hội hoặc sức ép tâm lý của nhà chồng… Hoàn cảnh khách quan đặc biệt có thể là trường hợp đứa trẻ có dị dạng… Hành vi khách quan của người mẹ là giết con hoặc vứt bỏ đứa con đó ở nơi kín đáo làm đứa con chết…

Con mới đẻ là trường hợp đứa trẻ mới sinh ra trong bày ngày tuổi (ý kiến của cơ quan y tế, được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 26/11/1986).

Do đó, trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội “giết con mới đẻ” thì Thẩm phán được phân công là Chủ toạ phiên toà phải đối chiếu bị cáo và các hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, có trùng hợp với các cấu thành của tội “giết con mới đẻ” mà chúng tôi đã trình bày ở trên hay không. Nếu bị cáo và các hành vi bị truy tố trùng hợp với các cấu thành của tội “giết con mới đẻ” quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự, thì chấp nhận tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo và chấp nhận điều luật áp dụng của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo. Còn nếu, có một cấu thành của tội “giết con mới đẻ” mà khác với bị cáo bị truy tố hoặc khác với một trong các hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, thì người bị truy tố không phạm vào tội “giết con mới đẻ” quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự mà là phạm vào một tội khác. Ví dụ: Bị cáo không phải là người mẹ đẻ ra đứa trẻ bị giết, hoặc bị cáo là người mẹ đẻ ra đứa trẻ bị giết nhưng đứa trẻ bị giết đã 9 hoặc 10 ngày tuổi, thì bị cáo không phạm vào tội “giết con mới đẻ” mà phạm vào tội “giết người” quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Tóm lại, việc xác định tội danh tiến hành theo hai bước mà chúng tôi trình bày ở trên là phù hợp với lý luận ở chỗ căn cứ vào bốn yếu tố cấu thành tội phạm và phù hợp với thực tiễn ở chỗ là đối chiếu các cấu thành của tội mà Viện kiểm sát truy tố với bị cáo và các hành vi vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát truy tố có trùng hợp với nhau hay không. Nếu trùng hợp thì chấp nhận tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, nếu không trùng hợp thì cần phải làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật bị truy tố là phạm vào tội nào. Có như vậy xác định tội danh mới đúng.

2. Những vấn đề trong thực tế về xác định tội danh

Căn cứ vào bốn yếu tố cấu thành tội phạm và các cấu thành của từng tội quy định tại từng điều luật trong Phần các tội phạm của BLHS cũng như trong thực tế đấu tranh chống tội phạm ở nước ta cho thấy, có nhiều trường hợp mà người có hành vi vi phạm giống nhau, nhưng việc xác định tội danh lại hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: A và B đều có hành vi để chất ma tuý trong người (lượng chất ma tuý đủ để truy tố), cùng tham gia giao thông, cùng bị bắt giữ, sau đó A bị truy tố về tội “mua bán trái phép chất ma tuý”, còn B bị truy tố về tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý”. Những trường hợp như thế này, thì căn cứ vào đâu để xác định tội danh khác nhau? Chúng tôi xác định là: căn cứ vào bốn yếu tố cấu thành tội phạm mà chúng ta có thể nhận thấy rằng: Trường hợp, mặt chủ thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm và mặt khách thể của tội phạm là giống nhau, nhưng mặt chủ quan của tội phạm khác nhau, thì tội danh khác nhau. Trở lại ví dụ nêu ở trên, tuy A và B cùng có hành vi để chất ma tuý trong người, cùng tham gia giao thông, cùng bị bắt giữ, nhưng mục đích, động cơ (mặt chủ quan của tội phạm) để chất ma tuý trong người của A là khác với B ở chỗ: đối với A là nhằm mục đích để bán chất ma tuý, còn đối với B là nhằm mục đích giao ma tuý cho người khác để được trả công. Do đó, tội danh đối với A là tội “mua bán trái phép chất ma tuý”, còn tội danh đối với B là tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý” và như vậy là đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm của từng tội.

Do đó, đối với trường hợp mà người có hành vi vi phạm pháp luật bị truy tố trước Toà án là giống nhau, thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại phiên toà cần phải làm rõ động cơ, mục đích của người khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đó là để làm gì? Có như vậy mới không mắc sai lầm trong việc xác định tội danh.

Tuy nhiên, trong thực tế còn có trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giống nhau, động cơ mục đích khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giống nhau, khách thể của tội phạm cũng giống nhau, nhưng việc xác định tội danh lại khác nhau.

Ví dụ: Vụ án thứ nhất: Vụ Nguyễn Trọng T. Toà án tỉnh H xét xử sơ thẩm tại bản án số 254/2009/HSST ngày 21/7/2009. Tóm tắt nội dung vụ án như sau: T quen biết các cháu Trần Minh Đ và Trần Thành C (người bị giết chết sinh năm 1996) và quen biết cha mẹ các cháu Đ và C. Đầu tháng 1/2009, T có ý định bắt cóc cháu Đ để tống tiền cha mẹ cháu Đ, lấy tiền tiêu Tết âm lịch Kỷ Sửu.

Chiều ngày 7/01/2009, T gặp cháu Đ đi xe đạp, T định hỏi cháu Đ xin đi nhờ xe đạp với mục đích rủ cháu Đ đến chỗ vắng để thực hiện mục đích tống tiền, nhưng xe đạp của cháu Đ không có đèo hàng phía sau nên T không thực hiện ý định phạm tội. Sau đó, T gặp C đi học về bằng xe đạp, T biết gia đình cháu C kinh tế khá giả nên T thay đổi ý định là sẽ bắt cóc cháu C.

 

Khoảng 17 giờ ngày 9/01/2009, T chờ sẵn ở cổng trường học của cháu C, lúc cháu C từ cổng trường đi ra, T rủ cháu C đi thả diều, cháu C đồng ý, T dùng xe đạp của cháu C chở cháu C đi ra bãi ngô bên bờ sông chơi đến hơn 19 giờ, lúc này trời chạng vạng tối, không có người qua lại, T bất ngờ bẻ quặt hai tay cháu C ra sau lưng, dúi người xuống đất, T dùng đầu gối đè lên tay cháu C sau đó T nhặt được thanh gỗ ở gần đó đập liên tiếp vào gáy cháu C, cháu C đau đớn giãy giụa và nói “mày, mày, mày…” sợ bị lộ, T bóp chặt cổ cháu C, thấy cháu C không cử động, T mới bỏ tay ra rồi lục soát túi quần cháu C lấy được một điện thoại di động nhãn hiệu Motorola, sau đó ném xác cháu C xuống sông cùng thanh gỗ hung khí và chiếc ba lô đựng sách của cháu C để phi tang. T chiếm đoạt xe đạp đem bán được 540.000 đồng, dùng điện thoại di động chiếm đoạt được nhắn tin và gọi điện đến số máy di động của mẹ cháu C với nội dung như sau: Con trai là cháu C bị một đối tượng bắt cóc, phải đem 350 triệu đồng đến đặt tại một nơi do T quy định rồi đi về, thì sẽ thả cháu C, nếu không làm theo yêu cầu, thì sẽ giết cháu C (mặc dù T đã giết cháu C rồi), gia đình cháu C chấp nhận làm theo yêu cầu của T, T đứng gần điểm hẹn nhìn thấy bố cháu C để túi tiền tại nơi T quy định và đã đi xa, đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau 10/01/2009, T lấy được túi tiền thì bị bắt cùng vật chứng là 148 triệu đồng.

 

Toà án tỉnh H đã kết án và xử phạt đối với Nguyễn Trọng T như sau: Tử hình về tội “Giết người”, 4 năm tù về tội “Cướp tài sản” (chiếc điện thoại di động và xe đạp), 6 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” (đối với số tiền 148 triệu đồng). Tổng hợp hình phạt đối với 3 tội mà T phải chấp hành là tử hình.

– Vụ án thứ hai: Vụ Phạm Đức B, Toà án tỉnh N xét xử sơ thẩm tại bản án số 75/2008/HSST ngày 31/7/2008. Tóm tắt nội dung vụ án như sau: B là thanh niên trẻ tuổi (sinh ngày 20/10/1989) lười học tập, lười lao động nhưng đua đòi, ham chơi. Để có tiền tiêu, B đã có hành vi: Vào chiều ngày 09/11/2007, cháu Nguyễn Tiến T (là người bị B giết chết, sinh ngày 24/11/2000) đi học về vào nhà B chơi, cùng xem phim với B, sau đó cháu T ra sân chơi với con chó con nhà B. Lúc này B thấy cháu T đang vui chơi với con chó. B đã lấy ruột dây phanh xe đạp (dây bằng kim loại) siết chặt vào cổ cháu T một lúc, làm cháu T nghẹt thở ngã xuống đất, B đưa cháu T vào trong nhà dùng dầu xoa bóp để cháu T hồi tỉnh nhưng cháu T đã chết, B lấy bông đặt gần mũi để kiểm tra xem đã chết hẳn chưa. Biết cháu T chết thật nên B lấy dây cao su buộc mũi, buộc chân, buộc tay cháu T đem dấu vào bụi chuối ở trong vườn, đến đêm khuya B buộc đá vào xác cháu T rồi vứt xuống ao để xoá dấu vết. Sáng hôm sau, ngày 10/11/2007, B gọi điện thoại cho mẹ cháu T nói là: Đến 11 giờ cùng ngày đem 50 triệu đồng đến điểm hẹn mà B quy định, thì được nhận lại cháu T (mặc dù B đã giết chết cháu T từ chiều ngày hôm trước) mẹ cháu T chấp nhận điều kiện của B. Sau đó, B lại thay đổi địa điểm không giao tiền ở điểm đã hẹn mà để 50 triệu đồng vào thùng rác, buồng vệ sinh nữ tại siêu thị thành phố V, rồi đến cửa khách sạn P để nhận cháu T, B nhờ bạn nữ của B vào buồng vệ sinh nữ lấy tiền ở thùng rác giúp B. Khi bạn nữ của B đưa tiền cho B, thì bị bắt cùng vật chứng là 50 triệu đồng.

Toà án tỉnh N đã tuyên xử phạt đối với Phạm Đức B như sau: Tử hình về tội “Giết người”, 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (đối với số tiền 50 triệu đồng). Tổng hợp hình phạt đối với 2 tội mà B phải chấp hành là tử hình.

Hai vụ án này, Toà án cấp phúc thẩm đã xét xử phúc thẩm. Kết quả là Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Trọng T và đối với Phạm Đức B.

Vấn đề đặt ra trong hai vụ án này là: Sau khi giết người xong, T và B đều có hành vi là nói gian dối với cha mẹ người bị giết là các cháu C và T đều sống nhằm mục đích để cha mẹ người bị giết tin tưởng và đưa tiền theo yêu cầu của bị cáo. Tuy nhiên ở mỗi Toà án cấp sơ thẩm lại xác định tội danh khác nhau: Toà án tỉnh H xác định tội danh là tội “cưỡng đoạt tài sản”, còn Toà án tỉnh N xác tội danh là tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và trong hai bản án phúc thẩm đều xác định là: Toà án cấp sơ thẩm xét xử đúng người, đúng tội. Vậy thì, trong hai tội này, tội nào được xác định là đúng với lý luận về xác định tội danh và đúng với các cấu thành của tội mà Toà án đã kết tội.

 



Chúng tôi trở lại vấn đề căn bản của việc xác định tội danh để làm rõ tội nào là đúng và theo trình tự sau đây:

* Xác định có tội phạm về chiếm đoạt tài sản sau khi giết người không?

 

Chúng tôi khẳng định là có tội phạm xảy ra. Cụ thể như sau:

 

– Về mặt chủ thể của tội phạm: Các bị cáo T và B đều là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

 

– Về mặt chủ quan của tội phạm: Các bị cáo T và B đều có động cơ, mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản của cha, mẹ các cháu C và T.

 



– Về mặt khách thể của tội phạm: Các bị cáo T và B đều xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của cha mẹ các cháu C và T mà Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ.

 



– Về mặt khách thể của tội phạm: Các bị cáo T và B đều có hành vi sau khi giết người xong, đã có lời nói gian dối với cha mẹ người bị giết chết (các cháu C và T) là các cháu C và T đều sống để cha mẹ người bị giết chết tin tưởng mà giao tài sản cho bị cáo và nhận con đem về.

 



* Đối chiếu các hành vi của bị cáo bị truy tố với các cấu thành của tội “Cưỡng đoạt tài sản” (đối với vụ án Nguyễn Trọng T).

 



Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự, thì tội “cưỡng đoạt tài sản” có các cấu thành sau đây:

 



+ Người nào

 



+ Đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người khác

 



+ Nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt…

 



Đối với Nguyễn Trọng T, bị truy tố về 3 tội, trong đó có tội “cưỡng đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật Hình sự. Đối chiếu các hành vi phạm tội của T mà Viện kiểm sát tỉnh H truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” với các cấu thành của tội “cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên thì Nguyễn Trọng T có 2 cấu thành phù hợp với 2 cấu thành của tội quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự là:

 



Một là: Người nào: Người nào ở đây là chủ thể của tội phạm mà cụ thể là Nguyễn Trọng T. Đối với T đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (T sinh năm 1980, T phạm tội ngày 09/01/2009. Lúc này T đã 28 tuổi 9 ngày) và có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể là: T nhận thức được hành vi mà T phạm tội đối với người bị hại.

 



Hai là: Nhằm chiếm đoạt tài sản: Khi T thông báo cho cha mẹ cháu C thì T nói rõ là đem tiền đến điểm mà T quy định, thì sẽ nhận được con (cháu C).

 



Còn cấu thành thứ 3, quy định tại Điều 135 BLHS là “đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người khác” thì không có. Cụ thể là: nếu cháu C còn sống, bị T nhốt giữ ở một nơi khác, mà T sử dụng cháu C để đe doạ, uy hiếp tinh thần đối với cha mẹ cháu C thì mới có căn cứ để xác định là T đe doạ uy hiếp tinh thần. Nhưng trong vụ án này, cháu C đã chết từ trước khi T liên hệ với cha mẹ cháu C. Trong bản án sơ thẩm (trang số 5) cũng xác định cháu C đã chết từ trước rồi. Bản án nhận định là: “Hậu quả cháu C bị chết đuối… Sau đó, T sử dụng chiếc ĐTDĐ lấy của cháu C nhắn tin đe doạ anh Trần Văn T và chị Vũ Thị T là bố mẹ của cháu C yêu cầu phải nộp 350.000.000 đồng, thì mới thả cháu C về (mặc dù T đã giết hại cháu C”… Lời nói của T lúc này với cha mẹ cháu C không phải là đe doạ mà là sự gian dối để người bị hại tin là thật. Như vậy là, về tội “cưỡng đoạt tài sản”, thì Nguyễn Trọng T không có đầy đủ 3 cấu thành mà kết án Nguyễn Trọng T về tội “cưỡng đoạt tài sản” là không đúng với tội mà Nguyễn Trọng T đã phạm phải.

 



* Đối chiếu các hành vi mà bị cáo bị truy tố với các cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (đối với vụ án Phạm Đức B).

 



Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự (hành vi phạm tội của B thực hiện vào ngày 09/11/2007) năm 1999 chưa sửa đổi bổ sung thì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có cấu thành sau đây:

 



+ Người nào

 



+ Bằng thủ đoạn gian dối

 



+ Chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc… thì bị phạt

 



Đối với Phạm Đức B, bị truy tố về 2 tội, trong đó có tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Đối chiếu các hành vi phạm tội của B mà Viện kiểm sát tỉnh N truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với các cấu thành của tội“lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên, thì Phạm Đức B có cấu thành phù hợp với 3 cấu thành của tội quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.

 



Một là: Người nào: Người nào ở đây là chủ thể của tội phạm, mà cụ thể là Phạm Đức B. Đối với B đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (B sinh ngày 20/10/1989, B phạm tội ngày 09/11/2007. Lúc này B đã 18 tuổi 20 ngày) và có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể là B nhận thức được hành vi mà B phạm tội đối với người bị hại.

 



Hai là: Chiếm đoạt tài sản của người khác: Cụ thể là B đã chiếm đoạt 50.000.000 đồng của cha mẹ cháu T và bị bắt ngay khi B chiếm đoạt số tiền này.

 



Ba là: Bằng thủ đoạn gian dối: Cụ thể là: Cháu T đã chết rồi nhưng B nói với cha mẹ cháu T là cháu T còn sống đang ở khách sạn P thành phố V. Lời nói này là thủ đoạn gian dối của B nhằm mục đích để cha mẹ cháu T tin là: Cháu T còn sống thật, có như vậy B mới chiếm đoạt được tài sản của cha mẹ cháu T.

 



Như vậy, các hành vi của B bị truy tố có đầy đủ các cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự, Toà án tỉnh N kết án Phạm Đức B về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng tội mà B đã phạm phải. Về tội này của B trong bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân N nhận định như sau (trang 3) “B gọi điện cho chị H (mẹ cháu T) để trao đổi việc nhận tiền, B hướng dẫn cho chị H đi đến phòng vệ sinh nữ số 2 Siêu thị Intimex và bỏ tiền vào trong sọt rác. Chị H làm theo hướng dẫn của B, sau đó chị H đòi gặp cháu T, nhưng B nói dối T đang ở khách sạn P tại phòng 101 không gặp được và dập máy điện thoại…”.

 



Cũng trong thực tế có một số tội việc xác định tội danh hay bị sai là: Tội “cố ý gây thương tích” với tội “giết người”; tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tội “buôn lậu” với tội “vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua biên giới”; tội “cướp tài sản” với tội “cưỡng đoạt tài sản”.v.v.

 



Việc xác định tội danh trong vụ án hình sự, những vấn đề lý luận và thực tiễn luôn luôn được sự quan tâm của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự mà trong những vụ án mà chúng tôi trình bày trên đây chỉ là ví dụ để minh họa trong thực tế hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, yêu cầu của công việc xét xử án hình sự là phải xét xử đúng người, đúng tội và việc xác định đúng người phạm tội, đúng tội đã phạm lại là trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự. Để đạt được yêu cầu này, thì vấn đề cơ bản là phải nắm vững nguyên tắc cơ bản về xác định tội danh.

Hoàng Văn Thành

TAND huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội

 

 
 

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Bà Nguyễn Thị H có đứng tên sở hữu căn nhà gắn liền với thửa đất ở quê nhưng bà H bận làm ăn xa nên đã giao toàn bộ căn nhà và thửa đất lại cho em trai của bà là ông Nguyễn Văn B quản lý sử dụng. Đến đầu năm 2013, ông B phát hiện ông Đặng Ngọc Ng, có hành vi lấn chiếm trái phép qua phần đất của bà H nên đã báo cho bà H biết sự việc. Sau khi biết sự việc nhưng do bận công việc làm ăn ở nước ngoài, bà H đã gọi em trai của mình lên thành phố Hồ Chí Minh để ký hợp đồng uỷ quyền cho ông B khởi kiện giải quyết vụ tranh chấp quyền sử dụng đất(đòi quyền sử dụng đất bị lấn chiếm)đối với ông Ng.



Thực hiện việc uỷ quyền, ông B đã nộp đơn kiện tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND xã hoà giải nhưng không thành. Tiếp đó, ông B đã làm đơn khởi kiện và các cung cấp các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện nộp tại Toà án. Trong đơn khởi kiện thể hiệnrõ họ và tên người khởi kiện là bà Nguyễn Thị H và đại diện uỷ quyền theo hợp đồng uỷ quyền đã được công chứng là ông Nguyễn Văn B và ông B đã ký vào cuối đơn khởi kiện. Tuy nhiên, sau khi xem xét đơn khởi kiện, Toà án đã không nhận đơn khởi kiện vì cho rằng: Cá nhân không được quyền uỷ quyền khởi kiện mà chỉ được quyền uỷ quyền tham gia tố tụng trong trường hợp này, nghĩa là họ và tên người khởi kiện phải là bà Nguyễn Thị H và bà H phải ký tên vào đơn khởi kiện. Lập luận cho nhận định của mình, Toà án đã dẫn chứng khoản 3 Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định“Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ;…”, ông B ký tên trong đơn khởi kiện là sai quy định và trái với Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự nên Toà án không thể nhận đơn khởi kiện được. Do đó, ông B đành phải chỉnh sửa lại đơn khởi kiện để bà H ký tên và sau đó uỷ quyền cho ông tham gia tố tụng theo đúng hướng dẫn của Toà án. Vậy, việc làm của Toà án trong trường hợp này có đúng luật không?

Theo quan điểm của cá nhân tác giả thì việc làm của Toà án trong trường hợp nêu trên là máy móc, chưa đúng quy định pháp luật, bởi lẽ:

Tại khoản 3 Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng có qui định:“….người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn;…”. Tại khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao có hướng dẫn:



Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân.”

Theo đó, tư cách người khởi kiện vẫn là cơ quan, tổ chức nhưng khi ký tên thì người đuợc uỷ quyền được quyền ký tên và đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân mặc dù luật qui định rõ:người đại diện của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu vào cuối đơn. Nghĩa là nếu là pháp nhân khởi kiện thì họ có quyền uỷ quyền cho người khác khởi kiện, ký tên vào đơn khởi kiện. Do vậy, khi áp dụng pháp luật, Toà án cần phải áp dụng tương tự pháp luật: Pháp nhân và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật nên pháp nhân được quyền uỷ quyền khởi kiện thì cá nhân cũng phải có quyền này.

Mặt khác, Điều 581 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) đã có định nghĩa:“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việcnhân danhbên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”.Khoản 1 Điều 142 BLDS năm 2005 quy định:“Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện”. Người được ủy quyền là người đại diện cho người ủy quyền theo thỏa thuận giữa các bên và họ thực hiện công việc uỷ quyền nhân danh cho người đã uỷ quyền. Nghĩa là, người được uỷ quyền sẽ“nhập vai”như chính người uỷ quyền, họ thực hiện tất cả các nhiệm vụ được uỷ quyền thì việc họ ký tên thay người uỷ quyền là điều bình thường và hoàn toàn phù hợp với qui định của pháp luật.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quý bạn đọc trao đổi, góp ý./.

Huỳnh Minh Khánh

Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com


Theo số liệu thống kê từ năm 2006 đến năm 2010, trong toàn quân xảy ra hơn 2.300 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Số người vi phạm Luật giao thông đường bộ là hơn 2.100 người (gồm người trong và ngoài Quân đội). Hậu quả: Chết hơn 1.400 người; bị thương hơn 2.100 người (gồm người trong và ngoài Quân đội); làm hư hỏng hàng trăm xe ôtô, hàng nghìn xe môtô, xe gắn máy. Thời gian xảy ra các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến quân nhân chủ yếu vào ngày nghỉ, giờ nghỉ (chiếm 75%).

Là một cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong Quân đội, qua nhiều năm thống kê, nghiên cứu, tiếp nhận, xử lý thông tin và giải quyết các vụ án về an toàn giao thông đường bộ, chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng tập trung vào một số nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan chính sau:

Về nguyên nhân khách quan:

Một là, hệ thống giao thông đường bộ tuy đã được đầu tư, quy hoạch phát triển nhưng đến nay vẫn còn bất cập, bị quá tải so với nhu cầu, nhiều cung đường xuống cấp nhanh, thiết bị cảnh báo giao thông hư hỏng.

 

Hai là, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, họp chợ dẫn đến cản trở giao thông, ách tắc giao thông, gây ra nhiều vụ tai nạn.

Ba là, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh đột biến về số lượng và chủng loại, đặc biệt là xe ôtô cá nhân. Còn nhiều phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo yếu tố kỹ thuật…

 

Bốn là, các loại xe vận chuyển hành khách chưa được kiểm soát chặt chẽ, chở người vượt quá quy định; phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách.

 

Năm là, trong Quân đội, do yêu cầu công tác và sinh hoạt nên số cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng sử dụng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng so với trước đây.

 

Về nguyên nhân chủ quan:

 

Thứ nhất, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông của một số cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng kém, thường biểu hiện các hành vi như phóng nhanh, vượt ẩu; đi trái phần đường, luồng đường; điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, không chú ý quan sát mặt đường…

 

Thứ hai, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ở một số đơn vị chưa được chú trọng, nội dung giáo dục chưa sâu, hình thức giáo dục, tuyên truyền chưa phong phú, thậm chí có đơn vị chỉ làm mang tính phong trào, đối phó với sự kiểm tra của cấp trên. Công tác quản lý cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng chưa chặt chẽ, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong việc bảo đảm an toàn giao thông.

 

Thứ ba, công tác tiếp nhận, xử lý thông tin; giải quyết, xử lý các vụ tai nạn giao thông của một số cơ quan thi hành pháp luật chưa nghiêm túc và kiên quyết, thiếu tính răn đe, giáo dục.

Đối với chỉ huy ở một số đơn vị, còn quan niệm tai nạn giao thông là sự không may, đánh đồng với tai nạn rủi ro nên những vụ vi phạm an toàn giao thông hậu quả ít nghiêm trọng thường bỏ qua, không có hình thức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm. Một số đơn vị vì sợ trách nhiệm, sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị nên khi có vụ việc tai nạn giao thông xảy ra thì tìm cách tự giải quyết không báo cáo hoặc giải quyết không được mới báo cáo lên cấp trên và cơ quan chức năng. Chính việc làm này đã làm mất đi tính kịp thời của việc tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý sau này.

 

Để bảo đảm an toàn giao thông trong Quân đội, thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, chúng tôi xin kiến nghị cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau đây trong các đơn vị Quân đội:

Nhóm giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ:

– Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, coi đây là một nội dung quan trọng về công tác tư tưởng của đơn vị.

– Thường xuyên tổ chức cho bộ đội học tập Luật Giao thông đường bộ và các chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng về bảo đảm an toàn giao thông.

– Từng giai đoạn, mỗi đơn vị cần tổ chức rút kinh nghiệm về những ưu điểm, khuyết điểm, có hình thức khen thưởng, khuyến khích những người có thành tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục, trong chấp hành và bảo đảm an toàn giao thông.

Nhóm giải pháp về quản lý đường bộ:

– Tăng cường sự quản lý của Lãnh đạo, chỉ huy các cấp, đơn vị, xác định trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo đảm an toàn giao thông. Đưa nội dung bảo đảm an toàn giao thông vào tiêu chí phấn đấu thi đua và xét đề bạt, thăng quân hàm, nâng lương hàng năm, đặc biệt là đối với những đơn vị thực hiện nhiệm vụ vận tải và đội ngũ lái xe chuyên nghiệp.

– Mỗi đơn vị cần có quy định, quy chế và cam kết của cá nhân về những nội dung phấn đấu bảo đảm an toàn giao thông.

Nhóm giải pháp về bảo đảm phương tiện tham gia giao thông, cơ sở vật chất huấn luyện:

– Các phương tiện tham gia giao thông phải được kiểm định, kiểm tra thường xuyên bảo đảm tình trạng kỹ thuật tốt.

– Các đơn vị làm tốt công tác sát hạch, cấp bằng lái xe quân sự; kiểm tra xe quân sự; kiên quyết không để xe không đủ điều kiện an toàn được lưu hành.

– Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ lái xe chuyên nghiệp. Thường xuyên tổ chức học tập, phổ biến những sáng kiến hay và kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đơn vị cũng như trên địa bàn đóng quân.

Nhóm giải pháp về xử lý các vụ việc tai nạn giao thông:

– Chỉ huy các đơn vị khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đơn vị mình, gây thiệt hại về người và phương tiện giao thông thì phải báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để giải quyết kịp thời, không được che giấu, gây khó khăn cho quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc và làm sai lệch kết quả thống kê các vụ tai nạn giao thông.

– Đối với các Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong Quân đội phải thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, xử lý tin báo về vi phạm an toàn giao thông đường bộ; phải tiến hành điều tra, xác minh, kết luận chính xác; kiên quyết, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông gây hậu quả nghiêm trọng theo đúng pháp luật, đặc biệt là các vụ gây chết người hoặc gây thương tích nặng.

 

 
 

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com


Trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em ở nước ta diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nếu như vào những năm 90 của thế kỷ XX, loại tội phạm này chỉ xuất hiện ở một số thành phố, tỉnh biên giới thì đến nay đã lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Phụ nữ, trẻ em bị mua bán qua biên giới với những tuyến trọng điểm như tuyến Việt Nam – Trung Quốc; Việt Nam – Campuchia, ngoài ra còn các tuyến khác như Đài Loan, Malaysia… Các địa bàn xảy ra nhiều ở phía Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang…, ở phía Nam như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… Những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc chủ yếu để đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ; số phụ nữ, trẻ em còn lại làm người giúp việc, làm con nuôi, làm “ô sin” bị ép buộc hành nghề mại dâm, bị bóc lột sức lao động… Những phụ nữ, trẻ em bị bán sang Campuchia và các nước khác thì bị đưa vào hoạt động trong các ổ mại dâm, phục vụ cho các đường dây sextour, bị bóc lột tình dục… hầu hết họ đều bị đối xử thậm tệ, bị đánh đập dã man, gây ra những hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình họ và xã hội. Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của toàn xã hội, đến phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của Nhà nước, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, tiềm ẩn những nhân tố xấu về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.



Để ngăn chặn tình trạng tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phối hợp với các ngành, các cấp chủ động tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 766/TTg ngày 17/9/1997 về “phân công trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc đưa trái phép phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài”. Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến 2010” trong đó có 4 đề án lớn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Cùng với việc triển khai các chương trình, đề án về phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em thì trong những năm qua chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc gia, khu vực và quốc tế về phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam.



Một số thủ đoạn điển hình của bọn tội phạm mua bán người:



Qua nghiên cứu các vụ án mua bán phụ nữ và trẻ em cho thấy, chủ yếu bọn tội phạm lợi dụng sự kém hiểu biết của người bị hại ở những vùng sâu, vùng xa trong nội địa, những người không có việc làm, hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn… để dụ dỗ, lừa phỉnh, hứa hẹn giúp đỡ tìm việc làm, tìm chồng… hoặc vẽ lên viễn cảnh một cuộc sống giàu sang hưởng lạc sau đó đưa họ ra thành phố hoặc đưa qua biên giới bán cho các ổ mại dâm, cho người nước ngoài lấy làm vợ… Đối với trẻ em thì bọn tội phạm dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạn được như bắt cóc, dụ dỗ, lừa đảo… rồi bán cho người nước ngoài làm con nuôi, bán qua biên giới để bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục… Bọn tội phạm không từ một thủ đoạn nào để biến những phụ nữ và những em nhỏ thành món hàng hoá đặc biệt để kiếm lời kể cả những thủ đoạn khống chế, cưỡng ép, đe doạ và dùng vũ lực.



Về đặc điểm đối tượng, qua nghiên cứu cho thấy đối tượng phạm tội là nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới (từ 70 – 75%), phần lớn ở độ tuổi 20 đến 45 tuổi, chủ yếu là người Việt Nam, người nước ngoài thì người Campuchia, Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao hơn. Thành phần đối tượng phạm tội rất đa dạng về nghề nghiệp, ngoài bọn ma cô, môi giới dẫn dắt, những người làm nghề buôn bán ở những vùng biên giới, còn có cả những giám đốc, những nhân viên, những ông chủ khách sạn vì hám lợi mà tham gia thực hiện. Qua nghiên cứu các đối tượng phạm tội thường là những người có nhân thân xấu, nhiều đối tượng đã có tiền án, tiền sự về các tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội buôn lậu, buôn bán hàng cấm… Bọn tội phạm thường móc nối với các chủ chứa, môi giới, dẫn dắt để hình thành các đường dây mua bán phụ nữ và trẻ em ở trong nước và ra nước ngoài.



Những nguyên nhân chính tác động đến tình tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong thời gian qua.



Qua nghiên cứu diễn biến và thực trạng tình hình tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em trong thời gian qua cho thấy những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm này do nhiều nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan khác nhau gây ra, song nó bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân chính sau:



Từ khi nước ta thực hiện chính sách kinh tế mở cửa, tăng cường giao lưu hội nhập với các nước thuận lợi đã tạo điều kiện để bọn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Mặt trái của kinh tế thị trường mà điển hình là sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, nạn thất nghiệp gia tăng, nhiều người không có việc làm, chính những vấn đề này đã thúc đẩy nhiều người bước vào con đường làm ăn phi pháp và bọn tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em cũng lợi dụng những yếu tố này để hoạt động.



Việc kinh doanh trên thân xác và nhân phẩm người phụ nữ có thể đưa lại cho bọn tội phạm những khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng những hậu quả pháp lý lại không nghiêm trọng như buôn bán ma tuý và một số tội phạm khác; chính vì vậy, nó thu hút, hấp dẫn bọn tội phạm hoạt động.



Sự lạc hậu, kém hiểu biết của nạn nhân cũng là một trong những nguyên nhân, là môi trường góp phần làm gia tăng các vụ phạm tội mua bán phụ nữ và trẻ em ở nước ta trong thời gian qua. Có những người phụ nữ bị lừa gạt, nhưng cũng có những người phụ nữ chấp nhận trở thành hàng hoá cho các phi vụ mua bán, bởi chính bản thân họ không ý thức được phẩm giá của mình, không lường trước được hậu quả tác hại do bọn tội phạm gây ra cho bản thân cũng như cho xã hội. Phần lớn trong số họ là những người kém hiểu biết, dễ tin, dễ bị lừa gạt, không am hiểu kiến thức pháp luật, không dám đấu tranh để bảo vệ chính bản thân mình.



Sự suy đồi về lối sống, sự đảo lộn về giá trị đạo đức của một bộ phận dân cư cũng là một trong những tác nhân làm gia tăng loại tội phạm này. Vì đồng tiền, vì cuộc sống xa hoa, họ bất chấp lương tri mà làm bất cứ việc gì để thoả mãn bản thân, ngay cả việc chà đạp lên tính mạng và phẩm giá con người.



Một trong những nguyên nhân mang tính xã hội nữa là tình trạng mất cân đối của tỷ lệ giữa nam và nữ trong cơ cấu dân số của một số nước láng giềng và trong khu vực đã phát sinh quan hệ cung cầu, kéo theo việc hình thành các đường dây mua bán phụ và trẻ em qua biên giới đi các nước, đặc biệt là Trung Quốc.



Việc phát hiện, điều tra và xử lý bọn tội phạm mua bán phụ và trẻ em hiệu quả chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng loại tội phạm này ở nước ta trong thời gian qua. Mặc dù lực lượng Công an nhân dân, Viện kiểm sát, Toà án đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa cao, hình phạt áp dụng với người phạm tội chưa thích đáng cho nên tình hình tội phạm vẫn diễn ra phức tạp.



Những quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em.



Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc đấu tranh phòng chống tệ nạn mua bán phụ nữ và trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng đưa ra các đường lối chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ phụ nữ và trẻ em ngày càng tốt hơn. Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (năm 1979), Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với 12 nước, tham gia ký kết hầu hết các điều ước quốc tế về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, pháp điển hoá các quy định về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, quy định trong Bộ luật Hình sự các tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em để trừng trị thích đáng những hành vi này (Điều 119 và Điều 120 Bộ luật Hình sự). Ngày 17/9/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 776/TTg về “tăng cường trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc đưa trái phép phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài”. Trong Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 đã có một đề án quy định một số nội dung về đấu tranh các tội phạm xâm phạm trẻ em và tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999 – 2002, trong đó quy định về phòng ngừa, đấu tranh phòng chống các tội xâm phạm trẻ em, mua bán trẻ em; phê duyệt “Chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến 2010”(1) trong đó có 4 đề án lớn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em… Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự ngày 19/6/2009 đã quy định tội mua bán người Điều 119 và sửa đổi bổ sung Điều 120 Bộ luật Hình sự(2) nhằm mở rộng phạm vi đối tượng cần bảo vệ và cụ thể hoá trách nhiệm hình sự với loại tội phạm này. Tuy nhiên mặc dù đã có nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh chống mua bán phụ nữ và trẻ em song những quy định này còn hạn chế hiệu quả, thiếu các giải thích cụ thể và hướng dẫn áp dụng… Vì vậy, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn của yêu cầu đấu tranh chống loại tội phạm này trong tình hình mới.



Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người ở Việt Nam:



Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các ngành các cấp, các lực lượng và nhiều biện pháp một cách đồng bộ đồng thời thực hiện tốt một số giải pháp sau:



Một là, xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Quy định cụ thể và nghiêm khắc các chế tài trừng trị những hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em.



Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mua bán người, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người đến từng gia đình và toàn xã hội. Giáo dục cho mọi công dân ý thức được hậu quả tác hại do bọn tội phạm gây ra cho nạn nhân và xã hội. Nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật.



Giúp đỡ, tạo điều kiện để đưa những người bị mua bán, lừa gạt về đoàn tụ với gia đình, hoà nhập với cộng đồng, tạo điều kiện về công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống.



Ba là, tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội. Quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu, quản lý giấy tờ đi lại ở các vùng biên giới, quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh. Theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động dịch vụ nhà hàng khách sạn, dịch vụ môi giới hôn nhân, nhận con nuôi, các bệnh viện phụ sản, nhà trẻ sơ sinh… Theo dõi chặt chẽ các đối tượng nghi vấn, tăng cường công tác sưu tra và xác minh hiềm nghi, huy động sự tham gia của quần chúng nhân dân ở các địa bàn trọng điểm, các vùng biên giới vào công tác phòng chống các tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em.



Bốn là, tăng cường các hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử: Lực lượng Công an nhân dân phải phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng, lực lượng Hải quan và các ngành hữu quan để kịp thời phát hiện điều tra khám phá những đường dây mua bán phụ nữ và trẻ em, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát và Toà án nhanh chóng truy tố, xét xử công khai, với mức hình phạt nghiêm khắc để vừa trừng trị, giáo dục người phạm tội, vừa có ý nghĩa răn đe phòng ngừa chung. Trừng trị nghiêm khắc những băng nhóm có tổ chức, những tên cầm đầu, chủ mưu.



Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em. Lực lượng Công an nhân dân phải phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát các nước, với Interpol, Aseanapol… để kịp thời trao đổi nắm bắt các thông tin tội phạm, phối hợp điều tra, bắt giữ và xử lý người phạm tội. Tăng cường các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự với các nước trong đấu tranh phòng chống các tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em.



Sáu là, tổ chức tốt việc tái hoà nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị buôn bán. Kịp thời đưa những phụ nữ và trẻ em bị mua bán về sum họp với gia đình, hoà nhập với cộng đồng, phối hợp các cơ quan đoàn thể như Công an, Đoàn thành niên, Hội phụ nữ, Công đoàn, Y tế, thương binh – xã hội… tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn, xoá đi những mặc cảm về bản thân, có việc làm để ổn định cuộc sống.



Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, đặc biệt là cho thanh thiếu niên, những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao, dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. Ưu tiên các chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vá các vùng nông thôn. Chú trọng đến việc dạy nghề, bố trí việc làm, xoá đói, giảm nghèo cho phụ nữ và trẻ em. Lồng ghép các chương trình kinh tế – xã hội của Trung ương và địa phương ở các địa phương trên cả nước, cần có chính sách xã hội đối với những phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn, tập trung cho những đối tượng như phụ nữ độc thân, trẻ em lang thang.



Trần Minh Hưởng

________________

(1) Chương trình 130 – Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 – 2010.

(2) Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em Điều 120 Bộ luật Hình sự.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Là cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân, ai cũng thuộc mười chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy đối với cán bộ ngành Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy của Bác Hồ là “kim chỉ nam”, là tiêu chí mà người cán bộ Kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trong suốt cuộc đời.

Như chúng ta đã biết, Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (TCVKSND) được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khoá II, Kỳ họp thứ Nhất, thông qua ngày 15 tháng 7 năm 1960. Và ngày 26/7/1960, Bác Hồ ký Lệnh số 20/LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực thi hành. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên. Theo lời kể của đồng chí Bùi Lâm, để chuẩn bị cho việc thành lập hệ thống ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Lắm cùng với đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Sau khi xây dựng xong dự thảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc đến báo cáo với Bác Hồ để xin Người cho ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với dự thảo trên nguyên tắc chung của Hiến pháp năm 1959 đã quy định. Hồ Chủ tịch căn dặn, đại ý là: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, Viện kiểm sát phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ của mình và đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Kiểm sát. Là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, cán bộ ngành Kiểm sát phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy, khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ đã nói cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.



 

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được thành lập, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ thị toàn ngành Kiểm sát phải triển khai thực hiện lời dạy trên của Bác Hồ. Mười chữ vàng mà Bác Hồ đã căn dặn ngành Kiểm sát nhân dân được xem như phương châm hoạt động và rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát được đưa vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân. Đến nay, lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát được xem là nội dung quan trọng để giảng dạy về đạo đức cho các thế hệ cán bộ Kiểm sát, cho sinh viên các khóa học tại các trường của ngành Kiểm sát và là tiêu chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi cán bộ Kiểm sát.



 

Trên cơ sở đó, Điều 107 Hiến pháp năm 2013 đã quy định chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Theo đó, Điều 2 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định: VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.



 

Để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất, bảo vệ chế dộ xã hội chủ nghĩa, Điều 85 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định người được bổ nhiệm vào các ngạch Kiểm sát viên phải tuyên thệ:



 

Một là, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân:



 

– Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nghĩa là Kiểm sát viên phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Kiểm sát nhân dân, bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, nhằm giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.



 

– Tận tụy phục vụ nhân dân, nghĩa là không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái pháp luật.



 

Hai là, đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật, nghĩa là mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vàtrongsuốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.



 

Ba là, kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội, nghĩa là kịp thời phát hiện các quy định của pháp luật trái với Hiến pháp để thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị buộc các cơ quan, tổ chức và công dân tự điều chỉnh hành vi và điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp để bảo đảm cho pháp luật được thống nhất, lẽ phải được bảo vệ và tôn trọng nhằm bảo đảm sự công bằng trong xã hội, mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật và phải làm việc theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.



 

Bốn là, không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, nghĩa là khi được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên các cấp thì yêu cầu người được bổ nhiệm Kiểm sát viên phải có đầy đủ phẩm chất và phải đạt được một trình độ chuyên môn nhất định, đồng thời, sau khi được bổ nhiệm Kiểm sát viên phải tiếp tục phấn đấu, ra sức học tập và làm theo lời dạy của Bác để: “Vữngvềchính trị, giỏivềnghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho.



 

Năm là, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, nghĩa là Kiểm sát viên phải có quan điểm: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Kiểm sát viên phải luôn thực hiện và duy trì kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ để xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân luôn trong sạch, vững mạnh, luôn là địa chỉ đáng tin cậy của nhân dân.



 

Muốn như vậy, Kiểm sát viên cần phải nói đi đôi với làm, lý thuyết gắn liền với thực tiễn và ý chí phải được thể hiện bằng hành động trong thực tế. Điều 85 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 là dấu ấn không thể nào quên đối với cuộc đời một Kiểm sát viên, do đó, trước khi trở thành Kiểm sát viên cần phải tuyên thệ trước hình ảnh của Bác, trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, lời tuyên thệ thể hiện ý chí, sự quyết tâm của người Kiểm sát viên với tập thể cơ quan và với nhân dân. Đồng thời, lời tuyên thệ cũng là lời nhắc nhở của Bác, của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với Kiểm sát viên được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin giao cho trọng trách.



 

Đó cũng là lời hứa để Kiểm sát viên sẽ tiếp tục ra sức tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ tư pháp phải:“Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư”, đối với cán bộ Kiểm sát phải:“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Có như thế, ngành Kiểm sát nhân dân mới xây dựng được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên:“Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; từ đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao.

Thanh Nghị

VKSND huyện Phù Mỹ, Bình Định

 
 

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 2015 và mục tiêu 2016.

    Theo Dantri.com thì mức tăng trưởng GDP  năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất trong 5 năm, quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt gần 4,2 triệu tỷ đồng. Theo đó, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014. Số liệu này đã được Tổng cục Thống kê chính thức công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2015 công bố.

Tăng trưởng của khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,41% (đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64% (đóng góp 3,2 điểm phần trăm) và khu vực dịch vụ tăng 6,33% (đóng góp 2,43 điểm phần trăm).

Cơ quan thống kê nhận định, mặc dù nền kinh tế năm nay tiếp tục có sự chuyển dịch nhưng tốc độ chậm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33%; khu vực dịch vụ chiếm 39,73% (cơ cấu tương ứng của năm 2014 là 17,7%; 33,21%; 39,04%)

Cũng theo số liệu công bố, quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4.192.900 tỷ đồng. Theo đó, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.

Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 9,12% so với năm trước, tích luỹ tài sản tăng 9,04%, chênh lệch xuất – nhập khẩu hàng hoá dịch vụ làm giảm 8,62% của mức tăng trưởng chung.

Qua số liệu đã công bố cho thấy năm 2015 mức độ tăng trưởng được coi là điểm nhấn cho nền kinh tế thể hiện sự phát triển và đẩy mạnh mức sống của Việt Nam ngày càng rõ rệt. Từ đó , có thể hướng tới và kỳ vọng trong năm 2016 về mức độ tăng trưởng cao hơn khi năm 2016 đánh dấu bước ngoặt cho sự hội nhập, hợp tác mở của và phát triển của Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD và năm 2016 khoảng 2.450 USD; ngược lại, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) giảm xuống còn 4,8% GDP, trong khi năm 2016 là 4,95%. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%. Năng suất lao động xã hội tăng 4-5%/năm, tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm, năm 2016 giảm 1,5%. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.

Mục tiêu đặt ra cho năm 2035 là GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD, gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010. Con số này có thể đạt 22.200 USD nếu tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 7%.

Đó là những mục tiêu trong và dài hạn đặt ra đối với đất nước trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Điều này đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cùng phát triển đồng thời đẩy lùi những hạn chế về tham nhũng, lạm phát, tiêu cực,… và duy trì sự ổn định về mặt chính trị, an ninh. Đó là thách thức và khó khăn đối với Việt Nam. Và cũng cần có sự cải cách và đổi mới nhất định đối với nền kinh tế trong và ngoài nước, giảm bớt thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất nhập khẩu ra nước ngoài và thu hút sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Cần có một cơ chế rõ ràng và được kiểm soát một cách chặt chẽ.

                                                                                                     Nguồn Dantri.com

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

 

Những năm gần đây, số người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chiều hướng gia tăng, nhưng Liên ngành Trung ương chưa có hướng dẫn thi hành hoạt động tố tụng hình sự đối với những người này, mà mọi hoạt động tố tụng hình sự đều vận dụng như giải quyết đối với người Việt Nam phạm tội. Vì vậy, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án có người nước ngoài phạm tội thì bên cạnh việc nhiều Kiểm sát viên vận dụng tốt các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự giải quyết vụ án, vẫn còn một số không ít Kiểm sát viên còn lúng túng, bị động, dẫn đến việc bị Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì chưa đảm bảo thủ tục tố tụng. Trong khi chờ Liên ngành Trung ương có hướng dẫn, chúng tôi xin nêu một số kinh nghiệm đã được vận dụng giải quyết đối với các vụ án có người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để các đồng nghiệp cùng tham khảo:

 



Thứ nhất, xác định tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự: Điều 24 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch”.

 



Trong thực tế, nhiều người nước ngoài phạm tội nhưng nói và viết thành thạo tiếng Việt, sau khi người nước ngoài phạm tội bị bắt cần hỏi rõ người đó đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc nào khi tham gia tố tụng hình sự. Nếu người nước ngoài phạm tội đề nghị dùng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt thì sử dụng tiếng Việt trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự. Ví dụ: Người nước ngoài biết tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và tiếng Việt nhưng người đó đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt khi tham gia tố tụng hình sự thì quá trình tiến hành tố tụng sử dụng tiếng Việt.

 



Trường hợp người nước ngoài phạm tội không sử dụng tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự là tiếng Việt thì yêu cầu người đó đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc nào để tham gia tố tụng hình sự. Khi xác định rõ tiếng nói và chữ viết của người nước ngoài phạm tội được sử dụng khi tham gia tố tụng, thì trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch. Ví dụ: Người nước ngoài phạm tội yêu cầu sử dụng tiếng Anh trong tố tụng hình sự thì cần phải có phiên dịch tiếng Anh mỗi khi người đó tham gia tố tụng hình sự.

 



Việc người nước ngoài phạm tội yêu cầu sử dụng tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự phải được lập thành văn bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Có vụ án, biên bản đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết sử dụng trong tố tụng hình sự không lưu vào trong hồ sơ vụ án, khi ra phiên toà, người đó trình bày tiếng nói và chữ viết sử dụng trong quá trình điều tra là do Điều tra viên áp đặt chứ không phải do bị cáo đề nghị nên đã bị Toà án trả hồ sơ để điều ttra bổ sung.

 



Thứ hai, trưng cầu phiên dịch trong tố tụng hình sự: Trường hợp người nước ngoài phạm tội nhưng không sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt, trường hợp này cần yêu cầu người phiên dịch. Người phiên dịch được quy định tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

 



Trong thực tế, việc lựa chọn người phiên dịch gặp rất nhiều khó khăn, vì nhiều người nước ngoài không biết tiếng phổ thông của dân tộc mình. Ví dụ: Lee Chil Wen là người Đài Loan -Trung Quốc không biết tiếng Bắc Kinh, khi Cơ quan điều tra trưng cầu người phiên dịch tiếng Bắc Kinh thì không phiên dịch được, sau đó Cơ quan điều tra phải trưng cầu một người Hoa biết tiếng dân tộc của Lee Chil Wen mới phiên dịch được.

 



Thông thường, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trưng cầu người phiên dịch đều có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề đúng với tiếng phổ thông mà người nước ngoài phạm tội mang quốc tịch, nhưng có trường hợp người đó không dịch được. Việc người được trưng cầu không phiên dịch được phải được lập thành biên bản và lưu vào trong hồ sơ vụ án. Sau đó mới trưng cầu người khác phiên dịch, mặc dù người được yêu cầu phiên dịch mới này không có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề, miễn là được người nước ngoài phạm tội chấp nhận.

 



Thứ ba, xác định quốc tịch: Người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu nhập cảnh bằng con đường hợp pháp thì có hộ chiếu, còn nhập cảnh bằng con đường bất hợp pháp thì thường không có hộ chiếu. Dù có hộ chiếu hay không có hộ chiếu thì sau khi xác định được tiếng nói và chữ viết của người nước ngoài phạm tội sử dụng trong tố tụng hình sự, Điều tra viên phải yêu cầu người đó khai và viết bản tự khai là mang quốc tịch nước nào. Trên cơ sở hộ chiếu và lời khai của người nước ngoài phạm tội, Cơ quan điều tra làm văn bản đề nghị Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp xác định quốc tịch. Công văn của Cơ quan điều tra gửi Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp cần nêu một số thông tin như: Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán, bố mẹ, anh, chị em ruột; văn hoá, nghề nghiệp; dân tộc; quốc tịch tự khai; hộ chiếu số… của người nước ngoài phạm tội để việc tra cứu được thuận tiện. Công văn của Cơ quan điều tra và Văn bản trả lời của Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp phải lưu vào hồ sơ của vụ án. Trường hợp hết thời hạn điều tra mà Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp chưa có văn bản trả lời thì quốc tịch của người nước ngoài phạm tội được xác định trên cơ sở hộ chiếu, lời khai và bản tự khai của người đó.

 



Thứ tư, xác định lý lịch bị can: Trên cơ sở tài liệu có trong hồ sơ, Cơ quan điều tra làm Công văn đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam xác minh lý lịch tư pháp của người nước ngoài phạm tội. Trường hợp Văn phòng Interpol Việt Nam không cung cấp được lý lịch của người đó thì làm Công văn đề nghị Sở ngoại Vụ cung cấp lý lịch. Trường hợp cả Văn phòng Interpol Việt Nam và Sở Ngoại vụ đều không cung cấp được lý lịch thì yêu cầu người nước ngoài phạm tội tự khai về phần lý lịch có xác nhận của Điều tra viên. Nếu người nước ngoài phạm tội có Luật sư tham gia bào chữa thì yêu cầu Luật sư chứng kiến và ký xác nhận. Trường hợp người đó mang quốc tịch nước ngoài nhưng là người gốc Việt thì về nơi cư trú của người đó trước khi đi nước ngoài đề nghị cung cấp lý lịch và lấy xác nhận của chính quyền địa phương. Sau khi hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát, thì Kiểm sát viên phải tiến hành phúc cung lại phần lý lịch, nếu thấy phù hợp với lý lịch mà Cơ quan điều tra đã thu thập thì khi đó mới lập cáo trạng truy tố.Ví dụ: Khi điều tra vụ Huỳnh Thị Ánh phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý, Ánh mang quốc tịch Campuchia, Interpol và Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh đều không cung cấp được lý lịch của Huỳnh Thị Ánh, Kiểm sát viên đã yêu cầu Điều tra viên trực tiếp lấy lý lịch tự thuật của Ánh có sự chứng kiến của Luật sư và về quê Ánh ở Sóc Trăng xác minh. Vụ Huỳnh Thị Ánh đã được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm mà không có vướng mắc về phần lý lịch.

 



Thứ năm, thông báo về việc bắt, việc tạm giam: Đối với người nước ngoài phạm tội nhưng là người gốc Việt thì việc thông báo về việc bắt được áp dụng theo Điều 85 và Điều 88 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Điều 85 quy định: “Người ra lệnh bắt, cơ quan nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay”. Tại khoản 4 Điều 88 quy định: “Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết”. Ví dụ: Tô Văn Nam là người Việt Nam nhưng mang quốc tịch Hoa Kỳ bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh về tội mua bán trái phép chất ma tuý, Cơ quan điều tra đã thông báo việc bắt Tô Văn Nam cho gia đình Tô Văn Nam tại thành phố Hồ Chí Minh biết.

 



Đối với trường hợp người nước ngoài phạm tội (không phải là người gốc Việt) thì người ra lệnh bắt, Cơ quan nhận người bị bắt thông báo việc bắt cho Sở Ngoại vụ hoặc Đại sứ quán của người bị bắt mang quốc tịch biết. Ví dụ: Lin Chao Hung quốc tịch Đài Loan – Trung Quốc sau khi bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan điều tra đã thông báo việc bắt, việc tạm giam đến Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo cho gia đình Lin Chao Hung ở Đài Loan – Trung Quốc biết.

 



Thứ sáu, ký vào từng trang biên bản hỏi cung bị can: Biên bản hỏi cung bị can được tiến hành theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tại khoản 2 quy định: “… Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung”.

 



Trong thực tế, nhiều Kiểm sát viên nhầm lẫn giữa người bào chữa, người đại diện hợp pháp với người phiên dịch nên nhiều bản cung người phiên dịch không ký vào từng trang bản cung, nhưng Kiểm sát viên không phát hiện để khắc phục, đến khi hồ sơ vụ án được chuyển sang cho Toà án, thì lúc đó mới được phát hiện, do vậy, đã bị Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

 



Thứ bảy, giao bản kết luận điều tra: Đối với vụ án có người nước ngoài phạm tội đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt thì Điều tra viên chỉ cần giao một bản kết luận điều tra bằng tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài phạm tội không sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt thì Điều tra viên giao một bản kết luận điều tra bằng tiếng Việt và một bản kết luận điều tra được dịch sang tiếng nói vàchữ viết mà người nước ngoài phạm tội đã đề nghị sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự. Bản dịch sang tiếng nước ngoài phải có chữ ký của người dịch đã được Cơ quan điều tra yêu cầu trong quá trình điều tra vụ án.

 



Thứ tám, giao bản cáo trạng: Việc xây dựng bản cáo trạng đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như xây dựng bản cáo trạng đối với người Việt Nam phạm tội và được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

 



Sau khi bản cáo trạng được người có thẩm quyền ký chính thức thì Kiểm sát viên đề nghị người phiên dịch dịch sang tiếng nói và chữ viết mà người nước ngoài phạm tội đề nghị sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự. Bản dịch phải có chữ ký của người dịch và có xác nhận của cơ quan chủ quản của người dịch.

 



Trong vụ án có nhiều người nước ngoài phạm tội thì bản cáo trạng phải được dịch sang tiếng nói và chữ viết của từng người đã sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự. Ví dụ: Vụ án có bị can Nguyễn Văn A sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Anh, bị can Nguyễn Văn B sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Trung Quốc, bị can Nguyễn Văn C sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Lào… thì bản cáo trạng phải được dịch sang tiếng Anh để giao cho bị can A, dịch sang tiếng Trung để giao cho bị can B và dịch sang tiếng Lào để giao cho bị can C.

 



Trường hợp người nước ngoài phạm tội đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt khi tham gia tố tụng hình sự thì không phải dịch bản cáo trạng sang tiếng nói và chữ viết mà người đó mang quốc tịch. Ví dụ: Nguyễn Winston mang quốc tịch Canada nhưng phạm tội ở Việt Nam, khi bị bắt đã đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt nên khi tham gia tố tụng hình sự bản cáo trạng không phải dịch sang tiếng Canada.

 



Khi giao bản cáo trạng cho người nước ngoài phạm tội thì giao một bản tiếng Việt và một bản được dịch sang thứ tiếng mà người đó đã đề nghị sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự và phải được ghi rõ trong biên bản giao nhận cáo trạng.

 



Trên đây là một số kinh nghiệm trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với các vụ án có người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, rất mong các đồng nghiệp bổ sung kinh nghiệm để việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án có người nước ngoài phạm tội được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Đỗ Văn Kha

Vụ 1C, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 
 

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Thống kê các vụ giải quyết tranh chấp trong WTO theo thứ tự DS

Số hiệu Mô tả Thời gian
DS458 Australia — Một số biện pháp về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và các yêu cầu về đóng gói bao bì trơn đối với các sản phẩm thuốc lá và bao bì (Nguyên đơn: Cuba) 03/05/2013
DS457 Peru – Thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp (Nguyên đơn: Guatemala) 12/04/2013
DS456 Ấn Độ – Các biện pháp liên quan tới pin và module năng lượng mặt trời (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 06/02/2013
DS455 Indonesia – Hoạt động nhập khẩu các sản phẩm từ trồng trọt, động vật và các sản phẩm từ động vật (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 10/01/2013
DS454 Trung Quốc – Thuế chống bán phá giá áp dụng với Ống thép đúc không gỉ chất lượng cao (“HP – SSST”) từ Nhật Bản (Nguyên đơn: Nhật Bản) 20/12/2012
DS453 Argentina – Các biện pháp liên quan tới thương mại mại hàng hóa và thương mại dịch vụ (Nguyên đơn: Panama) 12/12/2012
DS452 EU và một số quốc gia thành viên: Các biện pháp ảnh hưởng tới lĩnh vực năng lượng tái tạo (Nguyên đơn: Trung Quốc) 05/11/2012
DS451 Trung Quốc – Các biện pháp liên quan tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may (Nguyên đơn: Mexico) 15/10/2012
DS450 Trung Quốc – Các biện pháp ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 17/09/2012
DS449 Hoa Kỳ – Thuế chống bán phá giá và Thuế đối kháng đối với một số sản phẩm của Trung Quốc (Nguyên đơn: Trung Quốc) 17/09/2012
DS448 Hoa Kỳ – Các biện pháp ảnh hưởng tới việc nhập khẩu chanh tươi (Nguyên đơn: Argentina) 03/09/2012
DS447 Hoa Kỳ – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhâp khẩu động vật, thịt và các sản phẩm nguồn gốc động vật nhập khẩu từ Argentina (Nguyên đơn: Argentina) 30/08/2012
DS446 Argentina – Các biện pháp ảnh hưởng tới việc nhập khẩu hàng hóa (Nguyên đơn: Mexico) 24/08/2012
DS445 Argentina – Các biện pháp ảnh hưởng nhập khẩu hàng hóa (Nguyên đơn: Nhật Bản) 21/08/2012
DS444 Argentina – Các biện pháp ảnh hưởng tới việc nhập khẩu hàng hóa ( Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 21/08/2012
DS443 EU và một số quốc gia thành viên – Một số biện pháp liên quan tới việc nhập khẩu dầu diesel sinh học (Nguyên đơn: Argentina) 17/08/2012
DS442 Liên minh châu Âu – Thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm rượu béo nhập khẩu từ Indonesia (Nguyên đơn: Indonesia) 30/07/2012
DS441 Australia – Các biện pháp liên quan tới nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và các yêu cầu đóng gói khác áp dụng với các sản phẩm thuốc lá và bao bì (Nguyên đơn: Cộng hòa Dominica) 18/07/2012
DS440 Trung Quốc – Thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với ô tô nhập khẩu từ Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 05/07/2012
DS439 Nam Phi – Thuế chống bán phá giá đối với thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil (Nguyên đơn: Brazil) 21/06/2012
DS438 Argentina –  Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu hàng hóa (Nguyên đơn: Liên minh châu Âu) 25/05/2012
DS437 Hoa Kỳ – Thuế đối kháng đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (Nguyên đơn: Trung Quốc) 25/05/2012
DS436 Hoa Kì – Biện pháp chống trợ cấp đối với tấm thép carbon nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 12/04/2012
DS435 Australia – Các biện pháp liên quan đến thương hiệu và yêu cầu đóng gói các sản phẩm thuốc lá (Nguyên đơn: Honduras) 04/04/2012
DS434 Australia – Các biện pháp liên quan đến thương hiệu và yêu cầu đóng gói các sản phẩm thuốc lá (Nguyên đơn: Ukraine) 13/03/2012
DS433 Trung Quốc – Các biện pháp liên quan tới việc xuất khẩu đất hiếm, tungsten (wolfram) và molybdenum (Nguyên đơn: Nhật Bản) 13/03/2012
DS432 Trung Quốc – Các biện pháp liên quan tới việc xuất khẩu đất hiếm, tungsten (wolfram) và molybdenum (Nguyên đơn: EU) 13/03/2012
DS431 Trung Quốc – Các biện pháp liên quan tới việc xuất khẩu đất hiếm, tungsten (wolfram) và molybdenum (Nguyên đơn: Hoa Kì) 13/03/2012
DS430 Ấn Độ – Các biện pháp liên quan tới hoạt động nhập khẩu hàng nông sản từ Hoa Kì (Nguyên đơn:  Hoa Kì) 06/03/2012
DS429 Hoa Kì – Các biện pháp chống bán phá giá với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (Nguyên đơn: Việt Nam) 20/02/2012
DS428 Thổ Nhĩ Kì – Các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu sợi bông (Nguyên đơn: Ấn Độ) 13/02/2012
DS427 Trung Quốc – Các biện pháp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng với lò nướng từ Hoa Kì (Nguyên đơn: Hoa Kì) 20/09/2011
DS426 Canada – Các biện pháp liên quan tới chương trình thuế quan năng lượng sạch (FIT) (Nguyên đơn: EU) 11/08/2011
DS425 Trung Quốc – Thuế chống bán phá giá chính thức đối với thiết bị kiểm tra an ninh bằng X quang nhập khẩu từ EU (Nguyên đơn: EU) 25/07/2011
DS424 Hoa Kỳ – Các biện pháp chống bán phá giá chống bán phá giá với việc nhập khẩu một số sản phẩm thép không gỉ từ Italia (Nguyên đơn: EU) 01/04/2011
DS423 U-crai-na – Thuế đối với rượu chưng cất (Nguyên đơn: Môn-đô-va) 03/03/2011
DS422 Hoa Kỳ – Các biện pháp chống bán phá giá đối với một số loại tôm đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 28/02/2011
DS421 Môn-đô-va – Các biện pháp ảnh hưởng đến nhập khẩu và lưu thông hàng hóa nội địa (Phí môi trường) (Nguyên đơn: Ucraina) 17/02/2011
DS420 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá đối với thép cán cacbon chống ăn mòn của Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 31/01/2011
DS419 Trung Quốc – Các biện pháp liên quan tới thiết bị phong điện (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 22/12/2010
DS418 Cộng hòa Đô-mi-ni-ca – Các biện pháp tự vệ đối với việc nhập khẩu các sản phẩm túi xách polypropylene và sợi hình ống (Nguyên đơn: En-xan-va-đo) 19/10/2010
DS417 Cộng hòa Đô-mi-ni-ca – Các biện pháp tự vệ đối với việc nhập khẩu các sản phẩm túi xách polypropylene và sợi hình ống (Nguyên đơn: Honduras) 18/10/2010
DS416 Cộng hòa Đô-mi-ni-ca – Các biện pháp tự vệ đối với việc nhập khẩu các sản phẩm túi xách polypropylene và sợi hình ống (Nguyên đơn: Goa-tê-ma-la) 15/10/2010
DS415 Cộng hòa Đô-mi-ni-ca – Các biện pháp tự vệ đối với việc nhập khẩu các sản phẩm túi xách polypropylene và sợi hình ống (Nguyên đơn: Costa Rica) 15/10/2010
DS414 Trung Quốc – Thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với một số sản phẩm thép của Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 15/09/2010
DS413 Trung Quốc – Biện pháp tác động tới dịch vụ thanh toán điện tử (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 15/09/2010
DS412 Ca-na-đa – Một số biện pháp gây ảnh hưởng đến ngành năng lượng tái tạo (Nguyên đơn: Nhật Bản) 13/09/2010
DS411 Armenia – Các biện pháp tác động tới nhập khẩu và bán hàng nội địa của thuốc lá và đồ uống có cồn (Nguyên đơn: Ucraina) 20/07/2010
DS410 Argentina – Thuế chống bán phá giá áp đặt lên chốt và chuỗi  (Nguyên đơn: Peru) 19/05/2010
DS409 EU và nước thành viên – Tịch thu thuốc (generic drugs) quá cảnh (Nguyên đơn: Braxin) 12/05/2010
DS408 EU và nước thành viên –  Tịch thu thuốc (generic drugs) quá cảnh (Nguyên đơn: Ấn Độ) 11/05/2010
DS407 Trung Quốc –  Thuế chống bán phá giá tạm thời áp đặt với chốt sắt, thép nhập khẩu từ EU (Nguyên đơn: EU) 07/05/2010
DS406 Hoa Kỳ – Các biện pháp liên quan tới sản xuất và buôn bán thuốc lá (Clove Cigarettes) (Nguyên đơn: Indonesia) 07/04/2010
DS405 EU – Biện pháp chống bán phá giá đối với giầy da nhập khẩu từ Trung Quốc (Nguyên đơn: Trung Quốc) 04/02/2010
DS404 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá áp đặt với tôm nhập khẩu từ Việt Nam (Nguyên đơn: Việt Nam) 01/02/2010
DS403 Philippines – Thuế áp đặt với rượu chưng cất (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 14/01/2010
DS402 Hoa Kỳ – Sử dụng quy tắc “Quy về không” trong biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 24/11/2009
DS401 EC – Biện pháp cấm nhập khẩu và marketing đối với sản phẩm từ hải cẩu (seal products) (Nguyên đơn: Na uy) 05/11/2009
DS400 EC- Biện pháp cấm nhập khẩu và marketing đối với sản phẩm từ hải cẩu (seal products) (Nguyên đơn: Canada) 02/11/2009
DS399 Hoa Kỳ – Các biện pháp liên quan tới nhập khẩu lốp xe tải, xe chở khách từ Trung Quốc (Nguyên đơn: Trung Quốc) 14/09/2009
DS398 Trung Quốc – Các biện pháp liên quan tới hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô (Nguyên đơn: Mexico) 21/08/2009
DS397 EC – Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với chốt sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc (Nguyên đơn: Trung Quốc) 31/07/2009
DS396 Philippines – Các loại thuế đối với Rượu chưng cất (Nguyên đơn: EC) 29/07/2009
DS395 Trung Quốc – Các biện pháp liên quan tới xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô (Nguyên đơn: EC) 23/06/2009
DS394 Trung Quốc – Các biện pháp liên quan tới xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 23/06/2009
DS393 Chile – Biện pháp chống bán phá giá đối với bột lúa mỳ nhập khẩu từ Achentina (Nguyên đơn: Achentina) 14/05/2009
DS392 Hoa Kỳ – Một số biện pháp liên quan tới nhập khẩu gia cầm xuất xứ từ Trung Quốc (Nguyên đơn: Trung Quốc) 17/04/2009
DS391 Hàn Quốc – Các biện pháp liên quan tới nhập khẩu thịt và thịt bò từ Canada (Nguyên đơn: Canada) 09/04/2009
DS390 Trung Quốc – Các khoản trợ cấp, cho vay và ưu đãi khác (Nguyên đơn: Guatemala) 19/01/2009
DS389 EC – Các biện pháp liên quan tới các sản phẩm thịt và thịt gia cầm nhập khẩu từ Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 16/01/2009
DS388 Trung Quốc – Các khoản trợ cấp, cho vay và ưu đãi khác (Nguyên đơn: Mexico) 19/12/2008
DS387 Trung Quốc – Các khoản trợ cấp, cho vay và ưu đãi khác (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 19/12/2008
DS386 Hoa Kỳ – Yêu cầu ghi nhãn quốc gia xuất xứ (Nguyên đơn: Mexico) 17/12/2008
DS385 EC – Lệnh rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với sản phẩm PET nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 04/12/2008
DS384 Hoa Kỳ – Yêu cầu ghi nhãn quốc gia xuất xứ (Nguyên đơn: Canada) 01/12/2008
DS383 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá áp dụng với túi nhựa đừng hàng Polyethylene (Polyethylene Retail Carrier Bags) nhập khẩu từ Thái Lan (Nguyên đơn: Thái Lan) 26/11/2008
DS382 Hoa Kỳ – Lệnh rà soát hành chính và các biện pháp chống bán phá giá liên quan tới sản phẩm nước cam nhập khẩu từ Braxin (Nguyên đơn: Braxin) 27/11/2008
DS381 Hoa Kỳ – Các biện pháp liên quan tới hoạt động nhập khẩu, xúc tiến và kinh doanh cá ngừ, các sản phẩm cá ngừ (Tuna and Tuna products) (Nguyên đơn: Mexico) 24/10/2008
DS380 Ấn Độ – Thuế và các biện pháp liên quan tới sản phẩm Rượu và rượu chưng cất nhập khẩu (Wines and Spirits) (Nguyên đơn: EC) 22/09/2008
DS379 Hoa Kỳ – Thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng chính thức đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc (Nguyên đơn: Trung Quốc) 19/09/2008
DS378 Trung Quốc – Các biện pháp ảnh hưởng tới dịch vụ thông tin tài chính và các nhà cung cấp thông tin tài chính nước ngoài (Nguyên đơn: Canada) 20/06/2008
DS377 EC – Biện pháp thuế đối với các sản phẩm công nghệ thông tin (Nguyên đơn: Đài Loan) 12/06/2008
DS376 EC – Biện pháp thuế đối với các sản phẩm công nghệ thông tin (Nguyên đơn: Nhật Bản) 28/05/2008
DS375 EC – Biện pháp thuế đối với các sản phẩm công nghệ thông tin (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 28/05/2008
DS374 Nam Phi – Biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm Giấy (Uncoated Woodfree Paper) (Nguyên đơn: Indonesia) 09/05/2008
DS373 Trung Quốc – Các biện pháp ảnh hưởng tới dịch vụ thông tin tài chính và các nhà cung cấp thông tin tài chính nước ngoài (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 03/03/2008
DS372 Trung Quốc – Các biện pháp ảnh hưởng tới dịch vụ thông tin tài chính và các nhà cung cấp thông tin tài chính nước ngoài (Nguyên đơn: EC) 03/03/2008
DS371 Thái Lan – Các biện pháp tài chính và hải quan đối với sản phẩm thuốc lá nhập khẩu từ Philippines (Nguyên đơn: Philippines) 07/02/2008
DS370 Thái Lan – Định giá hải quan đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ EC (Nguyên đơn: EC) 25/01/2008
DS369 EC – Biện pháp cấm nhập khẩu và marketing đối với sản phẩm từ hải cẩu (Seal Products) (Nguyên đơn: Canada) 25/09/2007
DS368 Hoa Kỳ – Quyết định áp thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng sơ bộ đối với sản phẩm Giấy (Coated Free Sheet Paper) của Trung Quốc (Nguyên đơn: Trung Quốc) 14/09/2007
DS367 Australia – Các biện pháp ảnh hưởng tới nhập khẩu sản phẩm táo của New Zealand (Nguyên đơn: New Zealand) 31/08/2007
DS366 Colombia – Giá chỉ định và hạn chế cảng nhập cảnh (Nguyên đơn: Panama) 12/07/2007
DS365 Hoa Kỳ – Hỗ trợ trong nước và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu các sản phẩm nông sản (Nguyên đơn: Braxin) 11/07/2007
DS364 EC – Cơ chế nhập khẩu mặt hàng chuối (Nguyên đơn: Panama) 22/06/2007
DS363 Trung Quốc – Các biện pháp ảnh hưởng tới quyền kinh doanh và dịch vụ phân phối các ấn phẩm và các sản phẩm giải trí nghe nhìn (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 10/04/2007
DS362 Trung Quốc – Các biện pháp ảnh hưởng tới bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 10/04/2007
DS361 EC- Cơ chế nhập khẩu mặt hàng chuối (Nguyên đơn: Colombia) 21/03/2007
DS360 Ấn Độ – Thuế bổ sung và phụ thêm đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 06/03/2007
DS359 Trung Quốc – Các biện pháp hoàn phí, cắt giảm hoặc miễn giảm thuế và các thanh toán khác (Nguyên đơn: Mexico) 26/02/2007
DS358 Trung Quốc – Các biện pháp hoàn phí, cắt giảm hoặc miễn giảm thuế và các thanh toán khác (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 02/02/2007
DS357 Hoa Kỳ – Trợ cấp và hỗ trợ trong nước đối với ngô và các sản phẩm nông sản khác (Nguyên đơn: Canada) 08/01/2007
DS356 Chile – Biện pháp tự vệ chính thức áp đặt với các sản phẩm sữa (Nguyên đơn: Achentina) 28/12/2006
DS355 Braxin – Biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhựa cây nhập khẩu từ Achentina (Nguyên đơn: Achentina) 26/12/2006
DS354 Canada – Miễn và giảm thuế đối với mặt hàng rượu và bia (Nguyên đơn: EC) 29/11/2006
DS353 Hoa Kỳ – Các biện pháp liên quan tới thương mại máy bay dân dụng loại lớn – Đệ đơn lần thứ 2 (Nguyên đơn: EC) 27/06/2005
DS352 Ấn Độ – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu và buôn bán rượu và rượu chưng cất của EC (Nguyên đơn: Liên minh châu Âu) 20/11/2006
DS351 Chile – Biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm sữa (Nguyên đơn: Achentina) 25/10/2006
DS350 Hoa Kỳ – Tiếp tục duy trì và áp dụng phương pháp “Quy về 0” (Nguyên đơn: EC) 02/10/2006
DS349 EC – Các biện pháp ảnh hưởng tới hạn ngạch thuế quan đối với tỏi tươi (Nguyên đơn: Achentina) 06/09/2006
DS348 Colombia – Biện pháp hải quan đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Panama (Nguyên đơn: Panama) 20/07/2006
DS347 EC và các nước thành viên – Các biện pháp ảnh hưởng tới thương mại máy bay dân dụng lớn (Đệ đơn lần 2) (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 31/01/2006
DS346 Hoa Kỳ – Tiến hành rà soát hành chính biện pháp chống bán phá giá đối với ống dẫn dầu nhập khẩu từ Achentina (Nguyên đơn: Achentina) 20/06/2006
DS345 Hoa Kỳ – Hướng dẫn ký quỹ hải quan đối với thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng áp đặt với hàng hóa Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 06/06/2006
DS344 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 26/05/2006
DS343 Hoa Kỳ – Biện pháp liên quan tới sản phẩm tôm nhập khẩu từ Thái Lan (Nguyên đơn: Thái Lan) 24/04/2006
DS342 Trung Quốc – Biện pháp liên quan tới hoạt động nhập khẩu phụ tùng ô tô (Nguyên đơn: Canada) 13/04/2006
DS341 Mexico – Biện pháp chống trợ cấp chính thức áp đặt với dầu ôliu nhập khẩu từ EC (Nguyên đơn: EC) 31/03/2006
DS340 Trung Quốc – Biện pháp liên quan tới hoạt động nhập khẩu phụ tùng ô tô (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/03/2006
DS339 Trung Quốc – Biện pháp liên quan tới hoạt động nhập khẩu phụ tùng ô tô (Nguyên đơn: EC) 30/03/2006
DS338 Canada – Thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với hạt ngô nhập khẩu từ Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 17/03/2006
DS337 EC – Biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm cá hồi nuôi nhập khẩu từ Nauy (Nguyên đơn: Na uy) 17/03/2006
DS336 Nhật Bản – Thuế đối kháng áp đặt với sản phẩm bộ nhớ truy cập động ngẫu nhiên nhập khẩu từ Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 14/03/2006
DS335 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Ecuador (Nguyên đơn: Ecuador) 17/11/2005
DS334 Thổ Nhĩ Kỳ – Biện pháp liên quan tới nhập khẩu gạo (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 02/11/2005
DS333 Cộng hòa Dominica – Mức phí quy đổi ngoại tệ liên quan tới hàng nhập khẩu từ Costa Rica (Nguyên đơn: Costa Rica) 12/09/2005
DS332 Braxin – Biện pháp ảnh hưởng tới sản phẩm lốp đúc nhập khẩu (Retreaded Tyres) (Nguyên đơn: EC) 20/06/2005
DS331 Mexico -Thuế chống bán phá giá áp đặt lên ống và ống thép nhập khẩu từ Guatemala (Nguyên đơn: Guatemala) 17/06/2005
DS330 Achentina – Thuế đối kháng áp đặt lên sản phẩm dầu olive, bột mỳ và đào nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 29/04/2005
DS329 Panama – Phân loại thuế quan đối với một số sản phẩm sữa (Nguyên đơn: Mexico) 16/03/2005
DS328 EC – Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm cá hồi (Nguyên đơn: Nauy) 01/03/2005
DS327 Ai cập – Thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm diêm nhập khẩu từ Pakistan (Nguyên đơn: Pakistan) 21/02/2005
DS326 EC – Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm cá hồi (Nguyên đơn: Chile) 08/02/2005
DS325 Hoa Kỳ – Quyết định chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 05/01/2005
DS324 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với tôm nhập khẩu từ Thái Lan (Nguyên đơn: Thái Lan) 09/12/2004
DS323 Nhật Bản – Hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm táo tía tẩm ướp và sấy khô (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 01/12/2004
DS322 Hoa Kỳ – Các biện pháp liên quan tới phương pháp  “Quy về 0” và Rà soát hoàng hôn (Nguyên đơn: Nhật Bản) 24/11/2004
DS321 Canada – Tiếp tục ngừng thực hiện nghĩa vụ trong tranh chấp với EC về hoocmon (Nguyên đơn: EC) 08/11/2004
DS320 Hoa Kỳ – Tiếp tục ngừng thực hiện nghĩa vụ trong tranh chấp với EC về hoocmon (Nguyên đơn: EC) 08/11/2004
DS319 Hoa Kỳ – Điều 776 của Đạo luật thuế quan năm 1930 (Nguyên đơn: EC) 05/11/2004
DS318 Ấn Độ – Các biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ các vùng lãnh thổ hải quan riêng biệt: Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ (Nguyên đơn: Đài Loan) 28/10/2004
DS317 Hoa Kỳ – Biện pháp ảnh hưởng tới thương mại máy bay dân dụng loại lớn (Nguyên đơn: EC) 06/10/2004
DS316 EC và các nước thành viên – Biện pháp ảnh hưởng tới thương mại máy bay dân dụng loại lớn (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 06/10/2004
DS315 EC – Các vấn đề hải quan chọn lọc (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 21/09/2004
DS314 Mexico – Biện pháp chống trợ cấp tạm thời đối với dầu olive nhập khẩu từ EC (Nguyên đơn: EC) 18/08/2004
DS313 EC – Thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm sắt cuộn cán mỏng nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 05/07/2004
DS312 Hàn Quốc – Thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giấy nhập khẩu từ Indonesia (Nguyên đơn: Indonesia) 04/06/2004
DS311 Hoa Kỳ – Rà soát thuế đối kháng đối với gỗ xẻ mềm của Canada (Nguyên đơn: Canada) 14/04/2004
DS310 Hoa Kỳ – Quyết định của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ về lúa mỳ vụ xuân của Canada (Nguyên đơn: Canada) 08/04/2004
DS309 Trung Quốc – Thuế giá trị gia tăng đối với mạch tích hợp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 18/03/2004
DS308 Mexico – Biện pháp thuế áp đặt với đồ uống không cồn và các loại nước giải khát khác (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 16/03/2004
DS307 EC  – Viện trợ cho tàu thương mại (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 13/02/2004
DS306 Ấn Độ – Biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm pin nhập khẩu từ Bangladesh (Nguyên đơn: Bangladesh) 28/01/2004
DS305 Ai Cập – Các biện pháp ảnh hưởng tới các sản phẩm dệt may nhập khẩu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 23/12/2003
DS304 Ấn Độ – Biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EC (Nguyên đơn: EC) 08/12/2003
DS303 Ecuador – Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm nhập khẩu tấm xơ ép mật độ trung bình (Nguyên đơn: Chile) 24/11/2003
DS302 Cộng hòa Dominican – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu và buôn bán quốc tế sản phẩm thuốc lá (Nguyên đơn: Cộng hòa Honduras) 08/10/2003
DS301 EC – Các biện pháp ảnh hưởng tới kinh doanh tàu thương mại (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 03/09/2003
DS300 Cộng hòa Dominican – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu thuốc lá (Nguyên đơn: Cộng hòa Honduras) 28/08/2003
DS299 EC – Biện pháp đối kháng áp đặt với sản phẩm bộ xử lý bộ nhớ truy cập động ngẫu nhiên nhập khẩu từ Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 25/07/2003
DS298 Mexico – Một số biện pháp giá trong định giá hải quan và các mục đích khác (Nguyên đơn: Cộng hóa Guatemala) 22/07/2003
DS297 Croatia – Biện pháp ảnh hưởng tới nhập khẩu động vật và các sản phẩm thịt tươi sống (Nguyên đơn: Hungary) 09/07/2003
DS296 Hoa Kỳ – Điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm bán dẫn truy cập bộ nhớ ngẫu nhiên (DRAMS) nhập khẩu từ Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 30/06/2003
DS295 Mexico – Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với gạo và thịt bò nhập khẩu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 16/06/2003
DS294 Hoa Kỳ – Pháp luật, quy định và phương pháp (Quy về 0) trong tính toán biên độ phá giá (Nguyên đơn: EC) 12/06/2003
DS293 EC – Các biện pháp liên quan tới phê duyệt và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (Nguyên đơn: Achentina) 14/05/2003
DS292 EC – Các biện pháp liên quan tới phê duyệt và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (Nguyên đơn: Canada) 13/05/2003
DS291 EC – Các biện pháp liên quan tới phê duyệt và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 13/05/2003
DS290 EC – Bảo vệ thương hiệu và định vị địa lý cho thực phẩm và hàng nông sản (Nguyên đơn: Australia) 17/04/2003
DS289 Cộng hòa Séc – Thuế bổ sung đối với thịt lợn nhập khẩu từ Ba Lan (Nguyên đơn: Ba Lan) 16/04/2003
DS288 Nam Phi – Biện pháp chống bán phá giá chính thức áp đặt với chăn nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ (Nguyên đơn: Thổ Nhĩ Kỳ) 09/04/2003
DS287 Australia – Cơ chế cách ly đối với một số hàng nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 03/04/2003
DS286 EC – Phân loại hải quan đối với sản phẩm gà rút xương đông lạnh (Nguyên đơn: Thái Lan) 25/03/2003
DS285 Hoa Kỳ – Các biện pháp ảnh hưởng tới dịch vụ cung cấp sàn đánh bạc xuyên biên giới (Nguyên đơn: Antigua và Barbuda) 13/03/2003
DS284 Mexico – Một số biện pháp ngăn cản nhập khẩu đỗ đen từ Nicaragua (Nguyên đơn: Nicaragua) 17/03/2003
DS283 EC – Trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm đường (Nguyên đơn: Thái Lan) 14/03/2003
DS282 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá đối với ống dẫn dầu nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 18/02/2003
DS281 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 31/01/2003
DS280 Hoa Kỳ – Thuế chống trợ cấp đối với tấm thép nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 21/01/2003
DS279 Ấn Độ – Duy trì hạn chế nhập khẩu theo chính sách xuất nhập khẩu 2002-2007 (Nguyên đơn: EC) 23/12/2002
DS278 Chile – Biện pháp tự vệ chính thức đối với đường fructose nhập khẩu (Nguyên đơn: Achentina) 20/12/2002
DS277 Hoa Kỳ – Điều tra của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đối với gỗ xẻ mềm của Canada (Nguyên đơn: Canada) 20/12/2002
DS276 Canada – Các biện pháp liên quan tới xuất khẩu lúa mỳ và các đối xử đối với hạt nhập khẩu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 17/12/2002
DS275 Venezuela – Biện pháp cấp phép nhập khẩu đối với hàng nông sản (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 07/11/2002
DS274 Hoa Kỳ – Các biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép (Nguyên đơn: Đài Loan) 01/11/2002
DS273 Hàn Quốc – Các biện pháp liên quan tới kinh doanh các loại tàu thương mại (Nguyên đơn: EC) 21/10/2002
DS272 Peru – Thuế chống bán phá giá tạm thời áp đặt với dầu thực vật nhập khẩu từ Achentina (Nguyên đơn: Achentina) 21/10/2002
DS271 Australia – Các biện pháp liên quan tới hoạt động nhập khẩu sản phẩm dứa tươi (Nguyên đơn: Philippines) 18/10/2002
DS270 Australia – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu rau và hoa quả tươi (Nguyên đơn: Philippines) 18/10/2002
DS269 EC – Phân loại hải quan đối với sản phẩm gà rút xương đông lanh (Nguyên đơn: Braxin) 11/10/2002
DS268 Hoa Kỳ – Rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá đối với ống dẫn dầu nhập khẩu từ Achentina (Nguyên đơn: Achentina) 07/10/2002
DS267 Hoa Kỳ – Trợ cấp cho sản phẩm bông vùng cao (Nguyên đơn: Braxin) 27/09/2002
DS266 EC – Trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm đường (Nguyên đơn: Braxin) 27/09/2002
DS265 EC – Trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm đường (Nguyên đơn: Australia) 27/09/2002
DS264 Hoa Kỳ – Quyết định phá giá cuối cùng đối với gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada (Nguyên đơn: Canada) 13/09/2002
DS263 EC – Các biện pháp ảnh hưởng tới mặt hàng rượu nhập khẩu (Nguyên đơn: Achentina) 04/09/2002
DS262 Hoa Kỳ – Rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Pháp và Đức (Nguyên đơn: EC) 25/07/2002
DS261 Uruguay – Đãi ngộ thuế đối với một số sản phẩm (Nguyên đơn: Chile) 18/06/2002
DS260 EC – Biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/05/2002
DS259 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: Braxin) 21/05/2002
DS258 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: New Zealand) 14/05/2002
DS257 Hoa Kỳ – Quyết định áp thuế chống trợ cấp cuối cùng đối với gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada (Nguyên đơn: Canada) 03/05/2002
DS256 Thổ Nhĩ Kỳ – Lệnh cấm nhập khẩu thức ăn cho vật nuôi (Nguyên đơn: Hungary) 03/05/2002
DS255 Peru – Đại ngộ thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu (Nguyên đơn: Chile) 22/04/2002
DS254 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: Na uy) 04/04/2002
DS253 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: Thụy Sỹ) 03/04/2002
DS252 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: Trung Quốc) 26/03/2002
DS251 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 20/03/2002
DS250 Hoa Kỳ – Thuế môn bài tại bang Florida áp đặt với cam và bưởi nhập khẩu (Nguyên đơn: Braxin) 20/03/2002
DS249 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: Nhật Bản) 20/03/2002
DS248 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 07/03/2002
DS247 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada (Nguyên đơn: Canada) 06/03/2002
DS246 EC – Các điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan đối với các nước đang phát triển (Nguyên đơn: Ấn Độ) 05/03/2002
DS245 Nhật Bản – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu táo (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 01/03/2002
DS244 Hoa Kỳ – Rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với tấm thép cacbon chống mòn nhập khẩu từ Nhật  Bản (Nguyên đơn: Nhật Bản) 30/01/2002
DS243 Hoa Kỳ – Quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may (Nguyên đơn: Ấn Độ) 11/01/2002
DS242 EC – Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (Nguyên đơn: Thái Lan) 07/12/2001
DS241 Achentina – Thuế chống bán phá giá chính thức đối với gia cầm (Nguyên đơn: Braxin) 07/11/2001
DS240 Romani – Cấm nhập khẩu lúa mỳ và bột lúa mỳ (Nguyên đơn: Hungary) 18/10/2001
DS239 Hoa Kỳ – Thuế chống bán phá giá áp đặt với kim loại silic nhập khẩu từ Braxin (Nguyên đơn: Braxin) 18/09/2001
DS238 Achentina – Biện pháp tự vệ chính thức đối với đào đóng hộp nhập khẩu (Nguyên đơn: Chile) 14/09/2001
DS237 Thổ Nhĩ Kỳ – Thủ tục nhập khẩu trái cây tươi (Nguyên đơn: Ecuado) 31/08/2001
DS236 Hoa Kỳ – Quyết định sơ bộ liên quan tới gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada (Nguyên đơn: Canada) 21/08/2001
DS235 Slovakia – Biện pháp tự vệ đối với sản phẩm đường nhập khẩu (Nguyên đơn: Ba Lan) 11/07/2001
DS234 Hoa Kỳ – Luật chống bán phá giá và chống trợ cấp năm 2000 (Nguyên đơns: Canada; Mexico) 21/05/2001
DS233 Achentina – Các biện pháp ảnh hưởng tới dược phẩm nhập khẩu (Nguyên đơn: Ấn Độ) 25/05/2001
DS232 Mexico – Các biện pháp ảnh hưởng tới sản phẩn diêm nhập khẩu (Nguyên đơn: Chile) 17/05/2001
DS231 EC – Mô tả thương mại đối với cá sardine (Nguyên đơn: Peru) 20/03/2001
DS230 Chile – Biện pháp tự vệ và thay đổi thời hạn liên quan tới sản phẩm đường nhập khẩu (Nguyên đơn: Colombia) 17/04/2001
DS229 Braxin – Thuế chống bán phá giá đối với các loại túi sợi đay nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 09/04/2001
DS228 Chile – Biện pháp tự vệ đối với sản phẩm đường (Nguyên đơn: Colombia) 15/03/2001
DS227 Peru – Các loại thuế áp đặt với thuốc lá (Nguyên đơn: Chile) 01/03/2001
DS226 Chile – Biện pháp tự vệ tạm thời đối với hỗn hợp dầu ăn (Nguyên đơn: Achentina) 19/02/2001
DS225 Hoa Kỳ – Thuế chống bán phá giá đối với ống thẳng nhập khẩu từ Italy (Nguyên đơn: EC) 05/02/2001
DS224 Hoa Kỳ – Quy định về bằng sáng chế của Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Braxin) 31/01/2001
DS223 EC – Biểu hạn ngạch thuế quan đối với gluten ngô (Corn Gluten Feed) nhập khẩu từ Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 25/01/2001
DS222 Canada – Bảo lãnh vay và tín dụng xuất khẩu đối với máy bay (regional Aircraft) (Nguyên đơn: Braxin) 22/01/2001
DS221 Hoa Kỳ – Điều 129(c)(1) Hiệp định Vòng đàm phán Uruguay (Nguyên đơn: Canada) 17/01/2001
DS220 Chile – Hệ thống dải giá và biện pháp tự vệ liên quan tới hàng nông sản (Nguyên đơn: Guatemala) 05/01/2001
DS219 EC – Thuế chống bán phá giá đối với  ống sắt đúc dễ uốn hoặc phụ kiện ống nhập khẩu từ Braxin (Nguyên đơn: Braxin) 21/12/2000
DS218 Hoa Kỳ – Thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép cacbon nhập khẩu từ Braxin (Nguyên đơn: Braxin) 21/12/2000
DS217 Hoa Kỳ – Luật chống bán phá giá và chống trợ cấp năm 2000 (Nguyên đơn: Australia; Braxin; Chile; EC; Ấn Độ; Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Thái Lan) 21/12/2000
DS216 Mexico – Biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với máy biến thế (Nguyên đơn: Braxin) 20/12/2000
DS215 Philippines – Biện pháp chống bán phá giá liên quan tới nhựa polypropylene nhập khẩu từ Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 15/12/2000
DS214 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với dây thép và ống hàn tròn nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 01/12/2000
DS213 Hoa Kỳ – Thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tấm thép cacbon chống mòn nhập khẩu từ Đức (Nguyên đơn: EC) 10/11/2000
DS212 Hoa Kỳ – Biện pháp chống trợ cấp đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ EC (Nguyên đơn: EC) 10/11/2000
DS211 Ai Cập – Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với thép cây nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ (Nguyên đơn: Thổ Nhĩ Kỳ) 06/11/2000
DS210 Bỉ – Biện pháp hành chính trong xây dựng thuế hải quan đối với gạo (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 12/10/2000
DS209 EC – Các biện pháp liên quan tới cà phê hòa tan (Nguyên đơn: Braxin) 12/10/2000
DS208 Thổ Nhĩ Kỳ – Thuế chống bán phá giá đối với phụ kiện ống sắt và thép (Nguyên đơn: Braxin) 09/10/2000
DS207 Chile – Hệ thống dải giá và biện pháp tự vệ liên quan tới hàng nông sản (Nguyên đơn: Achentina) 05/10/2000
DS206 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp liên quan tới tấm thép nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 04/10/2000
DS205 Ai Cập – Cấm nhập khẩu đối với dầu đậu nành và cá ngừ đóng hộp (Nguyên đơn: Thái Lan) 22/09/2000
DS204 Mexico – Các biện pháp liên quan tới dịch vụ viễn thông (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 17/08/2000
DS203 Mexico – Các biện pháp liên quan tới buôn bán lợn sống (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 10/07/2000
DS202 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với ống cuộn carbon nhập khẩu từ Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 13/06/2000
DS201 Nicaragua – Các biện pháp ảnh hưởng tới hàng nhập khẩu từ Honduras và Colombia (Nguyên đơn: Honduras) 06/06/2000
DS200 Hoa Kỳ – Mục 306 của Đạo luật Thương mại năm 1974 và những sửa đổi bổ sung (Nguyên đơn: EC) 05/06/2000
DS199 Braxin – Các biện pháp liên quan tới bảo hộ bằng sáng chế (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/05/2000
DS198 Romani – Các biện pháp về giá nhập khẩu tối thiểu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/05/2000
DS197 Braxin – Các biện pháp về giá nhập khẩu tối thiểu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/05/2000
DS196 Achentina – Một số biện pháp bảo hộ bằng sáng chế và dữ liệu đánh giá (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/05/2000
DS195 Philippines – Các biện pháp ảnh hưởng tới đầu tư và thương mại trong lĩnh vực xe máy (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 23/05/2000
DS194 Hoa Kỳ – Các biện pháp hạn chế xuất khẩu như trợ cấp (Nguyên đơn: Canada) 19/05/2000
DS193 Chile – Các biện pháp ảnh hưởng tới nhập khẩu và quá cảnh cá kiếm (Nguyên đơn: EC) 19/04/2000
DS192 Hoa Kỳ – Các biện pháp tự vệ chuyển tiếp đối với sợi cotton cuộn nhập khẩu từ Pakistan (Nguyên đơn: Pakistan) 03/04/2000
DS191 Ecuador – Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 15/03/2000
DS190 Achentina – Các biện pháp tự vệ chuyển tiếp đối với một số sản phẩm vải dệt từ cotton và hỗn hợp cotton nhập khẩu từ Braxin (Nguyên đơn: Braxin) 11/02/2000
DS189 Achentina – Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với bìa cứng carton nhập khẩu từ Đức và biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với gạch ngói nhập khẩu từ Italy (Nguyên đơn: EC) 26/01/2000
DS188 Nicaragua – Các biện pháp ảnh hưởng tới các sản phẩm nhập khẩu từ Honduras và Colombia (Nguyên đơn: Colombia) 17/01/2000
DS187 Trinidad và Tobago – Biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với mỳ ống Macaroni và Spaghetti nhập khẩu từ Costa Rica (Nguyên đơn: Costa Rica) 17/01/2000
DS186 Hoa Kỳ – Mục 337 của Đạo luật Thuế quan năm 1930 và các sửa đổi bổ sung (Nguyên đơn: EC) 12/01/2000
DS185 Trinidad và Tobago – Biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm mỳ ống, mỳ sợi nhập khẩu từ Costa Rica (Nguyên đơn: Costa Rica) 18/11/1999
DS184 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Nhật  Bản (Nguyên đơn: Nhật Bản) 18/11/1999
DS183 Braxin – Các biện pháp giấy phép xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiểu (Nguyên đơn: EC) 14/10/1999
DS182 Ecuado – Biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với xi măng nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 05/10/1999
DS181 Colombia – Biện pháp tự vệ đối với tơ polyester thô nhập khẩu từ Thái Lan (Nguyên đơn: Thái Lan) 07/09/1999
DS180 Hoa Kỳ – Phân loại lại một số sản phẩm xiro đường (Nguyên đơn: Canada) 06/09/1999
DS179 Hoa Kỳ – Biện pháp chống bán phá giá liên quan tới thép cuộn, thép tấm và thép dải không gỉ nhập khẩu từ Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 30/07/1999
DS178 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thịt cừu sống, sấy khô hoặc đông lạnh nhập khẩu từ Australia (Nguyên đơn: Australia) 23/07/1999
DS177 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thịt cừu sống, sấy khô hoặc đông lạnh nhập khẩu từ New Zealand (Nguyên đơn: New Zealand) 16/07/1999
DS176 Hoa Kỳ – Mục 211 Đạo luật Omnibus năm 1998 (Nguyên đơn: EC) 08/07/1999
DS175 Ấn Độ – Biện pháp liên quan tới thương mại và đầu tư trong lĩnh vực ô tô (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 02/06/1999
DS174 EC – Bảo hộ Thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản và thực phẩm (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 01/06/1999
DS173 Pháp – Các biện pháp liên quan tới việc triển khai hệ thống quản lý bay  (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 21/05/1999
DS172 EC – Các biện pháp liên quan tới việc triển khai hệ thống quản lý bay (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 21/05/1999
DS171 Achentina – Bảo hộ sáng chế đối với dược phẩm và bảo hộ dữ liệu đánh giá đối với hóa chất nông nghiệp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 06/05/1999
DS170 Canada – Điều khoản về bảo hộ bằng sáng chế (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 06/05/1999
DS169 Hàn Quốc – Các biện pháp ảnh hưởng tới sản phẩm thịt bò tười, sấy khô và đông lạnh nhập khẩu (Nguyên đơn: Australia) 13/04/1999
DS168 Nam Phi – Thuế chống bán phá giá đối với một số dược phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 01/04/1999
DS167 Hoa Kỳ – Điều tra chống trợ cấp đối với gia súc nuôi nhập khẩu từ Canada (Nguyên đơn: Canada) 19/03/1999
DS166 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ chính thức đối với bột mỳ gluten nhập khẩu từ EC (Nguyên đơn: EC) 17/03/1999
DS165 Hoa Kỳ – Biện pháp nhập khẩu đối với một số sản phẩm từ EC (Nguyên đơn: EC) 04/03/1999
DS164 Achentina – Các biện pháp ảnh hưởng tới giầy da nhập khẩu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 01/03/1999
DS163 Hàn Quốc – Các biện pháp liên quan tới mua sắm chính phủ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 16/02/1999
DS162 Hoa Kỳ – Luật Chống bán phá giá năm 1916 (Nguyên đơn: Nhật Bản) 10/02/1999
DS161 Hàn Quốc – Biện pháp liên quan tới sản phẩm thịt bò tươi sống, sấy khô và đông lạnh nhập khẩu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 01/02/1999
DS160 Hoa Kỳ – Điều 110(5) Luật bản quyền của Hoa Kỳ (Nguyên đơn: EC) 26/01/1999
DS159 Hungary – Biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Cộng hòa Séc (Nguyên đơn: Cộng hòa Séc) 21/01/1999
DS158 EC – Cơ chế nhập khẩu, kinh doanh và phân phối sản phẩm chuối (Nguyên đơns: Guatemala; Honduras; Mexico; Panama; Hoa Kỳ) 20/01/1999
DS157 Achentina – Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với mũi khoan nhập khẩu từ Italy (Nguyên đơn: EC) 14/01/1999
DS156 Guatemala – Biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với xi măng pooclang xám nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 05/01/1999
DS155 Achentina – Các biện pháp liên quan tới sản phẩm thuộc da bò xuất khẩu và nhập khẩu da thành phẩm (Nguyên đơn: EC) 23/12/1998
DS154 EC – Các biện pháp liên quan tới ưu đãi khác biệt đối với sản phẩm cà phê (Nguyên đơn: Braxin) 07/12/1998
DS153 EC – Bảo hộ bằng sáng chế đối với dược phẩm và các sản phẩm hóa chất nông nghiệp (Nguyên đơn: Canada) 02/12/1998
DS152 Hoa Kỳ – Điều 301–310 Đạo luật Thương mại năm 1974 (Nguyên đơn: EC) 25/11/1998
DS151 Hoa Kỳ – Các biện pháp ảnh hưởng tới hàng dệt may (II) (Nguyên đơn: EC) 19/11/1998
DS150 Ấn Độ – Một số biện pháp liên quan tới thuế hải quan (Nguyên đơn: EC) 31/10/1998
DS149 Ấn Độ – Hạn chế nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 28/10/1998
DS148 Cộng hòa Séc – Các biện pháp ảnh hưởng tới nhập khẩu lúa mỳ từ Hungary (Nguyên đơn: Hungary) 12/10/1998
DS147 Nhật Bản – Hạn ngạch thuế quan và trợ cấp liên quan tới thuộc da (Nguyên đơn: EC) 08/10/1998
DS146 Ấn Độ – Các biện pháp ảnh hưởng tới lĩnh vực ô tô (Nguyên đơn: EC) 06/10/1998
DS145 Achentina – Thuế chống trợ cấp đối với lúa mì gluten nhập khẩu từ EC (Nguyên đơn: EC) 23/09/1998
DS144 Hoa Kỳ – Một số biện pháp liên quan tới gia súc, thịt lợn và các loại hạt nhập khẩu từ Canada (Nguyên đơn: Canada) 25/09/1998
DS143 Cộng hòa Slovakia – Biện pháp liên quan tới thuế nhập khẩu lúa mỳ từ Hungary (Nguyên đơn: Hungary) 19/09/1998
DS142 Canada – Các biện pháp liên quan tới ngành sản xuất ô tô (Nguyên đơn: EC) 17/08/1998
DS141 EC – Thuế chống bán phá giá đối với ga trải giường cotton nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 03/08/1998
DS140 EC – Điều tra chống bán phá giá đối với vải cotton mộc nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 03/08/1998
DS139 Canada – Một số biện pháp liên quan tới ngành sản xuất ô tô (Nguyên đơn: Nhật Bản) 03/07/1998
DS138 Hoa Kỳ – Áp thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép cacbon chì và bitmut cán nóng nhập khẩu từ Anh (Nguyên đơn: EC) 12/06/1998
DS137 EC – Biện pháp liên quan tới gỗ cây tùng, bách nhập khẩu từ Canada (Nguyên đơn: Canada) 17/06/1998
DS136 Hoa Kỳ – Luật thuế chống bán phá giá năm 1916 (Nguyên đơn: EC) 04/06/1998
DS135 EC – Biện pháp liên quan tới miăng và các sản phẩm chưa miăng (Nguyên đơn: Canada) 28/05/1998
DS134 EC – Hạn chế đối với thuế nhập khẩu gạo (Nguyên đơn: Ấn Độ) 27/05/1998
DS133 Cộng hòa Slovakia – Biện pháp liên quan tới hoạt động nhập khẩu các sản phẩm bơ sữa và hoạt động quá cảnh gia súc (Nguyên đơn: Thụy Sỹ) 07/05/1998
DS132 Mexico – Điều tra chống bán phá giá đối với xiro ngô hàm lượng đường fructose cao (HFCS) nhập khẩu từ Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 08/05/1998
DS131 Pháp – Một số biện pháp thuế thu nhập hình thành nên trợ cấp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 05/05/1998
DS130 Ailen – Một số biện pháp thuế thu nhập hình thành nên trợ cấp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 05/05/1998
DS129 Hi Lạp – Một số biện pháp thuế thu nhập hình thành nên trợ cấp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 05/05/1998
DS128 Hà Lan – Một số biện pháp thuế thu nhập hình thành nên trợ cấp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 05/05/1998
DS127 Bỉ – Một số biện pháp thuế thu nhập hình thành nên trợ cấp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 05/05/1998
DS126 Australia – Các trợ cấp đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu da trong công nghiệp ô tô  (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 04/05/1998
DS125 Hi Lạp – Thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các chương trình truyền hình và phim ảnh (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 04/05/1998
DS124 EC – Thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các chương trình truyền hình và phim ảnh (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/04/1998
DS123 Achentina – Biện pháp tự vệ đối với giầy dép nhập khẩu (Nguyên đơn: Indonesia) 22/04/1998
DS122 Thái Lan – Thuế chống bán phá giá với sắt hay thép góc, hình và thép hình tổ hợp và dầm chữa H từ Ba Lan (Nguyên đơn: Ba Lan) 06/04/1998
DS121 Achentina – Biện pháp tự vệ đối với giầy dép nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 06/04/1998
DS120 Ấn Độ – Các biện pháp ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa (Nguyên đơn: EC) 11/03/1998
DS119 Australia – Các biện pháp chống bán phá giá đối với giấy phủ (Coated Woodfree Paper Sheets) (Nguyên đơn: Thụy Sỹ) 20/02/1998
DS118 Hoa Kỳ – Thuế bảo trì cảng (Nguyên đơn: EC) 06/02/1998
DS117 Canada – Các biện pháp liên quan tới dịch vụ phân phối phim (Nguyên đơn: EC) 20/01/1998
DS116 Braxin – Các biện pháp liên quan tới điều khoản thanh toán trong nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 08/01/1998
DS115 EC – Các biện pháp ảnh hưởng tới chuyển nhượng quyền tác giả và các quyền liên quan (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 06/01/1998
DS114 Canada – Bảo hộ bằng sáng chế đối với dược phẩm (Nguyên đơn: EC) 19/12/1997
DS113 Canada – Các biện pháp ảnh hưởng tới các sản phẩm sữa xuất khẩu (Nguyên đơn: New Zealand) 29/12/1997
DS112 Peru – Điều tra chống trợ cấp đối với xe buýt nhập khẩu từ Braxin (Nguyên đơn: Braxin) 23/12/1997
DS111 Hoa Kỳ – Hạn ngạch thuế quan đối với lạc nhập khẩu (Nguyên đơn: Achentina) 19/12/1997
DS110 Chile – Thuế áp đặt với đồ uống có cồn (Nguyên đơn: EC) 15/12/1997
DS109 Chile – Thuế áp đặt với đồ uống có cồn (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 11/12/1997
DS108 Hoa Kỳ – Áp đặt thuế đối với “Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài” (Nguyên đơn: EC) 18/11/1997
DS107 Pakistan – Các biện pháp ảnh hưởng tới xuất khẩu nguyên liệu da và tấm bọc (Nguyên đơn: EC) 07/11/1997
DS106 Australia – Trợ cấp đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu bọc da dùng cho ô tô (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 10/11/1997
DS105 EC – Cơ chế nhập khẩu, kinh danh và phân phối sản phẩm chuối (Nguyên đơn: Panama) 24/10/1997
DS104 EC – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu pho mát (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 08/10/1997
DS103 Canada – Các biện pháp ảnh hưởng tới nhập khẩu sữa và xuất khẩu các sản phẩm từ sữa (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 08/10/1997
DS102 Philippines – Các biện pháp liên quan tới thịt lợn và thịt gia cầm (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 07/10/1997
DS101 Mexico – Điều tra chống bán phá giá với xiro ngô hàm lượng đường fructose cao (HFCS) nhập khẩu từ Hoa Kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 04/09/1997
DS100 Hoa Kỳ – Các biện pháp liên quan tới sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 18/08/1997
DS99 Hoa Kỳ – Thuế chống bán phá giá áp đặt với sản phẩm bán dẫn truy cập bộ nhớ ngẫu nhiên (DRAMS) từ 1 Megabit trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 14/08/1997
DS98 Hàn Quốc – Biện pháp tự vệ chính thức đối với một số sản phẩm sữa nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 12/08/1997
DS97 Hoa Kỳ – Điều tra chống trợ cấp đối với cá hồi nhập khẩu từ Chile (Nguyên đơn: Chile) 05/08/1997
DS96 Ấn Độ – Hạn chế số lượng nhập khẩu đối với hàng nông sản, dệt may và công nghiệp (Nguyên đơn: EC) 18/07/1997
DS95 Hoa Kỳ – Biện pháp ảnh hưởng tới mua sắm chính phủ (Nguyên đơn: Nhật Bản) 18/07/1997
DS94 Ấn Độ – Hạn chế số lượng nhập khẩu đối với hàng nông sản, dệt may và công nghiệp (Nguyên đơn: Thụy Sỹ) 17/07/1997
DS93 Ấn Độ – Hạn chế số lượng nhập khẩu đối với hàng nông sản, dệt may và công nghiệp  (Nguyên đơn: New Zealand) 16/07/1997
DS92 Ấn Độ – Hạn chế số lượng nhập khẩu đối với hàng nông sản, dệt may và công nghiệp (Nguyên đơn: Canada) 16/07/1997
DS91 Ấn Độ – Hạn chế số lượng nhập khẩu đối với hàng nông sản, dệt may và công nghiệp (Nguyên đơn: Australia) 16/07/1997
DS90 Ấn Độ – Hạn chế số lượng nhập khẩu đối với hàng nông sản, dệt may và công nghiệp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 15/07/1997
DS89 Hoa Kỳ – Thuế chống bán phá giá đối với ti vi màu nhập khẩu từ Hàn quốc (Nguyên đơn: Hàn Quốc) 10/07/1997
DS88 Hoa Kỳ – Biện pháp ảnh hưởng tới mua sắm chính phủ (Nguyên đơn: EC) 20/06/1997
DS87 Chile – Thuế áp đặt với đồ uống có cồn (Nguyên đơn: EC) 04/06/1997
DS86 Thụy Điển – Các biện pháp ảnh hưởng tới thực thi quyền sở hữu trí tuệ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 28/05/1997
DS85 Hoa Kỳ – Các biện pháp liên quan tới các sản phẩm dệt  may và quần áo (Nguyên đơn: EC) 22/05/1997
DS84 Hàn Quốc – Thuế áp đặt với đồ uống có cồn (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 23/05/1997
DS83 Đan mạch – Các biện pháp liên quan tới thực thi quyền sở hữu trí tuệ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 14/05/1997
DS82 Ailen – Các biện pháp liên quan tới chuyển nhượng quyền tác giả và các quyền liên quan (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 14/05/1997
DS81 Braxin – Các biện pháp ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư trong lĩnh vực ô tô (Nguyên đơn: EC) 07/05/1997
DS80 Bỉ – Các biện pháp liên quan tới dịch vụ niêm giám điện thoại thương mại (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 02/05/1997
DS79 Ấn Độ – Bảo hộ bằng sáng chế đối với dược phẩm và hóa chất nông nghiệp (Nguyên đơn: EC) 28/04/1997
DS78 Hoa Kỳ – Biện pháp tự vệ đối với chổi broom corn (Nguyên đơn: Colombia) 28/04/1997
DS77 Achentina – Các biện pháp liên quan tới hàng dệt may, quần áo và giầy dép (Nguyên đơn: EC) 21/04/1997
DS76 Nhật Bản – Các biện pháp liên quan tới hàng nông sản (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 07/04/1997
DS75 Hàn Quốc – Thuế áp đặt với đồ uống có cồn (Nguyên đơn: EC) 02/04/1997
DS74 Philippines – Các biện pháp liên quan tới thịt lợn và thịt gia cầm (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 01/04/1997
DS73 Nhật Bản – Mua sắm vệ tinh nhân tạo (Nguyên đơn: EC) 26/03/1997
DS72 EC – Các biện pháp liên quan tới sản phẩm bơ sữa (Nguyên đơn: New Zealand) 24/03/1997
DS71 Canada – Các biện pháp ảnh hưởng tới xuất khẩu máy bay dân sự (Nguyên đơn: Braxin) 10/03/1997
DS70 Canada – Các biện pháp ảnh hưởng tới việc xuất khẩu máy bay dân sự (Nguyên đơn: Braxin) 10/03/1997
DS69 EC – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu một số sản phẩm thịt gia cầm (Nguyên đơn: Braxin) 24/02/1997
DS68 Ailen  –  Phân loại hải quan đối với một số linh kiện máy tính (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 14/02/1997
DS67 Anh – Phân loại hải quan đối với một số linh kiện máy tính (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 14/02/1997
DS66 Nhật Bản – Các biện pháp ảnh hưởng tới sản phẩm thịt lợn nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 25/01/1997
DS65 Braxin – Các biện pháp ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư trong lĩnh vực ô tô (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 10/01/1997
DS64 Indonesia – Các biện pháp ảnh hưởng tới ngành sản xuất ô tô (Nguyên đơn: Nhật Bản) 29/11/1996
DS63 Hoa Kỳ – Các biện pháp chống bán phá giá đối với ure (Solid Urea) nhâp khẩu từ Cộng hòa Dân chủ Đức (Nguyên đơn: EC) 28/11/1996
DS62 EC – Phân loại hải quan đối với một số linh kiện máy tính (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 08/11/1996
DS61 Hoa Kỳ – Cấm nhập khẩu đối với tôm và một số sản phẩm từ tôm (Nguyên đơn: Philippines) 25/10/1996
DS60 Guatemala – Điều tra chống bán phá giá đối với xi măng pooclăng từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 17/10/1996
DS59 Indonesia – Một số biện pháp liên quan tới ngành sản xuất ô tô (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 08/10/1996
DS58 Hoa Kỳ – Cấm nhập khẩu tôm và các sản phẩm từ tôm (Nguyên đơns: Ấn Độ; Malaysia; Pakistan; Thái Lan) 08/10/1996
DS57 Australia – Chương trình tín dụng nhập khẩu hàng dệt may và giầy dép (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 07/10/1996
DS56 Achentina – Các biện pháp liên quan tới giầy dép, dệt may và các sản phẩm khác (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 04/10/1996
DS55 Indonesia – Một số biện pháp liên quan tới ngành sản xuất ô tô (Nguyên đơn: Nhật Bản) 04/10/1996
DS54 Indonesia – Một số biện pháp liên quan tới ngành sản xuất ô tô (Nguyên đơn: EC) 03/10/1996
DS53 Mexico – Định giá hải quan hàng nhập khẩu (Nguyên đơn: EC) 27/08/1996
DS52 Braxin – Một số biện pháp liên quan tới thương mại và đầu tư trong lĩnh vực ô tô (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 09/08/1996
DS51 Braxin – Một số biện pháp đầu tư lĩnh vực ô tô (Nguyên đơn: Nhật Bản) 30/07/1996
DS50 Ấn Độ – Bảo hộ bằng sáng chế đối với dược phẩm và các sản phẩm hóa chất nông nghiệp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 02/07/1996
DS49 Hoa Kỳ – Điều tra chống bán phá giá đối với cà chua tươi hoặc sấy khô nhập khẩu từ Mexico (Nguyên đơn: Mexico) 01/07/1996
DS48 EC – Các biện pháp liên quan tới thịt và các sản phẩm thịt (hormones) (Nguyên đơn: Canada) 28/07/1996
DS47 Thổ Nhĩ Kỳ – Hạn chế nhập khẩu hàng dệt may (Nguyên đơn: Thái Lan) 20/06/1996
DS46 Braxin – Chương trình tài chính hỗ trợ xuất khẩu máy bay (Nguyên đơn: Canada) 19/06/1996
DS45 Nhật Bản – Các biện pháp ảnh hưởng tới dịch vụ phân phối (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 13/06/1996
DS44 Nhật Bản – Các biện pháp ảnh hưởng tới tiêu thụ giấy và phim tráng ảnh (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 13/06/1996
DS43 Thổ Nhĩ Kỳ – Thuế đối với doanh thu từ phim nước ngoài (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 12/06/1996
DS42 Nhật Bản – Các biện pháp liên quan tới thiết bị ghi âm (Nguyên đơn: EC) 28/05/1996
DS41 Hàn Quốc – Một số biện pháp liên quan tới kiểm tra mặt hàng nông sản (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 24/05/1996
DS40 Hàn Quốc – Pháp luật, quy định và thực tiễn trong lĩnh vực mua sắm thiết bị viễn thông (Nguyên đơn: EC) 05/05/1996
DS39 Hoa Kỳ – Lệnh tăng thế đối với một số sản phẩm của EC (Nguyên đơn: EC) 18/04/1996
DS38 Hoa Kỳ – Quyền tự do của người dân Cuba và Luật đoàn kết dân chủ (Nguyên đơn: EC) 03/05/1996
DS37 Bồ Đào Nha – Bảo hộ bằng sáng chế theo luật sở hữu công nghiệp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/04/1996
DS36 Pakistan – Bảo hộ bằng sáng chế đối với dược phẩm và các sản phẩm hóa học trong nông nghiệp (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 30/04/1996
DS35 Hungary – Trợ cấp xuất khẩu hàng nông sản (Nguyên đơns: Achentina; Australia; Canada; New Zealand; Thái Lan; Hoa Kỳ) 27/03/1996
DS34 Thổ Nhĩ Kỳ – Hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dệt may (Nguyên đơn: Ấn Độ) 21/03/1996
DS33 Hoa Kỳ – Các biện pháp ảnh hưởng tới áo sơ mi dệt len, áo choàng nhập khẩu từ Ấn Độ (Nguyên đơn: Ấn Độ) 14/03/1996
DS32 Hoa Kỳ – Các biện pháp ảnh hưởng tới hàng nhập khẩu áo khoác len, lông cừu dành cho phái đẹp (Nguyên đơn: Ấn Độ) 14/03/1996
DS31 Canada – Một số biện pháp liên quan tới tạp chí xuất bản định kỳ (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 11/03/1996
DS30 Braxin – Thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm dừa sấy khô và bột sữa dừa nhập khẩu từ Sri Lanka (Nguyên đơn: Sri Lanka) 23/02/1996
DS29 Thổ Nhĩ Kỳ – Hạn chế nhập khẩu hàng dệt may (Nguyên đơn: Hong Kong, Trung Quốc) 12/02/1996
DS28 Nhật Bản – Các biện pháp liên quan tới thiết bị ghi âm (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 09/02/1996
DS27 EC – Cơ chế nhập khẩu, kinh doanh và phân phối sản phẩm chuối (Nguyên đơns: Ecuador; Guatemala; Honduras; Mexico; Hoa Kỳ) 05/02/1996
DS26 EC – Các biện pháp liên quan tới thịt và các sản phẩm thịt (Hormones) (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 26/01/1996
DS25 EC – Thực thi các cam kết tại vòng đàm phán Uruguay liên quan tới mặt hàng gạo (Nguyên đơn: Uruguay) 14/12/1995
DS24 Hoa Kỳ – Các biện pháp hạn chế nhập khẩu bông và sản phẩm đồ lót làm từ sợi nhân tạo (Nguyên đơn: Costa Rica) 22/12/1995
DS23 Venezuela – Điều tra chống bán phá giá đối với ống dẫn dầu nhập khẩu (OCTG) (Nguyên đơn: Mexico) 05/12/1995
DS22 Braxin – Các biện pháp liên quan tới sản phẩm dừa sấy khô (Nguyên đơn: Philippines) 30/11/1995
DS21 Australia – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu các sản phẩm thuộc họ cá hồi (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 20/11/1995
DS20 Hàn Quốc – Các biện pháp liên quan tới sản phẩm nước đóng chai (Nguyên đơn: Canada) 08/11/1995
DS19 Ba Lan – Cơ chế nhập khẩu mặt hàng ô tô (Nguyên đơn: Ấn Độ) 28/09/1995
DS18 Australia – Các biện pháp liên quan tới hoạt động nhập khẩu cá hồi (Nguyên đơn: Canada) 05/10/1995
DS17 EC  – Các loại thuế đối với gạo nhập khẩu (Nguyên đơn: Thailand) 05/10/1995
DS16 EC – Cơ chế nhập khẩu, kinh doanh và phân phối sản phẩm chuối (Nguyên đơns: Cộng hòa Guatemala; Cộng hòa Honduras; Mexico; Hoa Kỳ) 28/09/1995
DS15 Nhật Bản – Các biện pháp ảnh hưởng tới hoạt độn mua sắm các thiết bị viễn thông (Nguyên đơn: EC) 18/08/1995
DS14 EC – Mô tả thương mại của sò điệp (Nguyên đơn: Chile) 24/07/1995
DS13 EC – Thuế đối với các sản phẩm hạt nhập khẩu (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 19/07/1995
DS12 EC – Mô tả thương mại của sò điệp (Nguyên đơn: Peru) 18/07/1995
DS11 Nhật Bản – Các loại thuế đối với đồ uống có cồn (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 07/07/1995
DS10 Nhật Bản – Các loại thuế đối với đồ uống có cồn (Nguyên đơn: Canada) 07/07/1995
DS9 EC – Các loại thuế đối với sản phẩm ngũ cốc nhập khẩu (Nguyên đơn: Canada) 30/06/1995
DS8 Nhật Bản – Các loại thuế đối với đồ uống có cồn (Nguyên đơn: EC) 21/06/1995
DS7 EC – Mô tả thương mại của sò điệp (Nguyên đơn: Canada) 19/05/1995
DS6 Hoa Kỳ – Áp thuế nhập khẩu đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản theo Điều 301 và 304 Luật Thương mại năm 1974 (Nguyên đơn: Nhật Bản) 17/05/1995
DS5 Hàn Quốc – Các biện pháp liên quan tới thời hạn sử dụng của các sản phẩm (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 03/05/1995
DS4 Hoa Kỳ – Tiêu chuẩn đối với xăng dầu thường và xăng dầu tái chế (Nguyên đơn: Braxin) 10/04/1995
DS3 Hàn Quốc – Các biện pháp liên quan tới đánh giá và kiểm tra hàng nông sản (Nguyên đơn: Hoa Kỳ) 04/04/1995
DS2 Hoa Kỳ – Tiêu chuẩn đối với xăng dầu thường và xăng dầu tái chế (Nguyên đơn: Venezuela) 24/01/1995
DS1 Malaysia – Lệnh cấm nhập khẩu đối với Polyethylene và Polypropylene (Nguyên đơn: Singapore) 10/01/1995

 

 

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau trong đó người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác nhau từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng. Bản chất của hoạt động kinh doanh đa cấp không xấu tuy nhiên khi về Việt Nam thì hoạt động này ít nhiều biến tướng theo những cách thức khác nhau.

Căn cứ vào quy định của Nghị định 42/2014/NĐ- CP thì các hàng hóa được phép kinh doanh vào loại hình đa cấp là các loại hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm , hạn chế kinh doanh, cấm lưu thông hoặc tạm ngừng lưu thông; các loại hàng hóa là thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất nguy hiểm,…

Những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp:

– Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

– Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

– Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;

–  Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào;

–  Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

–  Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;

–  Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác;

–  Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về một trong các nội dung quy định phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo;

– Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định ;

– Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên

– Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 26 Nghị định 42/2014/NĐ-CP;

–  Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp;

–  Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi bị cấm được quy định

Đối với cá nhân khi tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp phải theo trình tự , thủ tục nhất định; phải được ký kết với Doanh nghiệp hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, được tham gia đào tạo, cấp chứng chỉ và được cấp thẻ thành viên. Khi giới thiệu hàng hóa hoặc tiếp thị bán hàng, người tham gia bán hàng đa cấp phải xuất trình Thẻ thành viên đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, chính xác theo quy định.

Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng tham gia bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp trước khi chấm dứt hợp đồng tối thiểu là 10 ngày làm việc. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền nhận trong quá trình tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

Quy định về mua lại hàng hóa từ người tham gia bán hàng đa cấp.

Theo quy định tại Điều 26, Nghị định 42/2014/NĐ- CP :

“ 1. Khi người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia bán hàng đa cấp đó, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại.

  1. Điều kiện mua lại hàng hóa từ người tham gia bán hàng đa cấp:a) Hàng hóa còn hạn sử dụng;b) Hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn;c) Yêu cầu mua lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp nhận hàng.
  2. Trong trường hợp phải mua lại hàng hóa theo quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm:a) Hoàn lại tổng số tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận được hàng hóa đó nếu không có căn cứ để khấu trừ theo quy định tại Điểm b Khoản này;b) Hoàn lại tổng số tiền sau khi đã trừ đi các chi phí quản lý, tái lưu kho và chi phí hành chính khác nhưng không thấp hơn 90% khoản tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận được hàng hóa đó.
  3. Khi hoàn lại tiền theo quy định tại Khoản 3 Điều này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể khấu trừ tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp đã nhận từ việc mua hàng hóa đó.
  4. Sau khi hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.”

            Như vậy, nếu người tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và hàng hóa đủ điều kiện mua lại theo quy định thì có quyền yêu cầu Doanh nghiệp mua lại hàng hóa, sản phẩm đó trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com