Cập nhật Quy định về ghi nhãn thực phẩm, hàng hóa mới nhất

Thông tin pháp luật mới nhất tại thuvienluat.vn. Để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900.0191.

Thông tin về sản phẩm là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người như thực phẩm, dược phẩm và sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Một trong những kênh mà người tiêu dùng có thể tiếp cận được và tự bảo vệ mình là đọc nhãn thực phẩm, hàng hoá được ghi trên sản phẩm. Hãy cùng LVNLAW tìm hiểu các quy định pháp luật về ghi nhãn thực phẩm, hàng hoá trong bài viết dưới đây!

Ghi nhãn hàng hóa thực phẩm như thế nào là đúng quy định?

Mặc dù các quy định về nhãn hàng hóa đã được luật hóa, nhưng khi đưa vào thực tiễn vẫn có những khó khăn khiến cho doanh nghiệp (DN) gặp nhiều lúng túng. Nhằm giúp Quý doanh nghiệp nắm rõ các yêu cầu về nội dung ghi nhãn để tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, LVNLAW hướng dẫn chi tiết nội dung và yêu cầu bắt buộc thể hiện nội dung trên nhãn thực phẩm như sau:

Nhãn hàng hóa là gì?

Theo nghị định 43/2017 NĐ-CP, Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

Bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa. Bao gồm:

  • Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa; và
  • Bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp.

Ghi nhãn thực phẩm, hàng hoá là gì

Cũng theo Nghị định 43/2017 NĐ-CP thì ghi nhãn thực phẩm, hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa

Các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn thực phẩm, hàng hoá theo quy định hiện hành bao gồm:

– Tên hàng hóa

– Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa

– Xuất xứ hàng hóa

– Các nội dung khác theo tính chất của mội loại hàng hóa:

  • Lương thực:
    • Định lượng;
    • Ngày sản xuất;
    • Hạn sử dụng;
    • Thông tin cảnh báo (nếu có)
  • Thực phẩm:
    • Định lượng;
    • Ngày sản xuất;
    • Hạn sử dụng
    • Thành phần hoặc thành phần định lượng;
    • Thông tin, cảnh báo;
    • Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;
  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
    • Định lượng;
    • Ngày sản xuất;
    • Hạn sử dụng;
    • Thành phần, thành phần định lượng hay giá trị dinh dưỡng;
    • Hướng dẫn sử dụng và hướng dẫn bảo quản;
    • Công bố khuyến cáo về nguy cơ (nếu có);
    • Ghi cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”;
    • Ghi cụm từ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
  • Rượu:
    • Định lượng;
    • Hàm lượng etanol;
    • Hạn sử dụng (nếu có);
    • Hướng dẫn bảo quản (đối với rượu vang);
    • Thông tin cảnh báo (nếu có);
    • Mã nhận diện lô (nếu có).

– Vị trí

Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.

– Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa

Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng hóa phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hóa.

Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa

  • Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn phải được thể hiện bằng Tiếng Việt.
  • Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc ghi nhãn bằng Tiếng Việt thì nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung Tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.
  • Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
  • Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:
    • Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;
    • Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;
    • Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;
    • Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

Tên thực phẩm:

Phải đặt ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa. Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa. Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.

Ghi thành phần, thành phần định lượng

  • Ghi thành phần là ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra thực phẩm và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi
  • Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn thực phẩm để gây sự chú ý đối với thực phẩm thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.
  • Đối với thực phẩm phải ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng.
  • Đối với thực phẩm ghi giá trị dinh dưỡng thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thể hiện giá trị dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa bảo đảm thể hiện khoảng giá trị dinh dưỡng tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp thể hiện một giá trị cụ thể thì ghi giá trị trung bình của khoảng giá trị dinh dưỡng.
  • Đối với thực phẩm thủy sản nếu bổ sung nguyên liệu khác, phụ gia thực phẩm thì ghi thêm thành phần định lượng của nguyên liệu khác, phụ gia thực phẩm tương ứng.

Ngày sản xuất, hạn sử dụng:

  • Ngày sản xuất, hạn sử dụng thực phẩm được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm dương lịch. Trường hợp ghi theo thứ tự khác thì phải có chú thích thứ tự đó bằng tiếng Việt.
  • Đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu thì ngày sản xuất là ngày cấp đông lần đầu tiên của sản phẩm. Hạn sử dụng là ngày được nhà sản xuất tại nước sản xuất ghi trên bao bì hàng hóa xuất khẩu.

Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa

Căn cứ Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì:

  • Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
  • Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
  • Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
  • Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
  • Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa

Các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa

Căn cứ Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì có một số hành vi vi phạm về nhãn thực phẩm, hàng hoá như sau:

Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa

  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa;
  • Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa

  • Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
  • Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Mức phạt khi vi phạm về nhãn hàng hóa

Tùy theo từng hành vi và giá trị hàng hóa mức phạt có thể từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra còn có một số biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi sản phẩm, buộc tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hàng hóa có nhãn hàng hóa vi phạm.

Trên đây là những quy định về ghi nhãn hàng hóa thực phẩm mà doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cần nắm rõ để công đoạn công bố thực phẩm ra thị trường được thực hiện thuận lợi.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc công bố thực phẩm, hãy liên hệ LVNLAW để được hướng dẫn và hỗ trợ chi tiết.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LVNLAW

Tư vấn hỗ trợ 24/7

Mobile: 1900.0191 – 1900.0191

Email: info@luatlvn.vn

Website: https://luatlvn.vn

Xin cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết, nội dung của bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo do tính thay đổi của luật áp dụng tại từng thời điểm và những đặc thù trong từng sự kiện pháp lý. Để được tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất với trường hợp của quý khách, mọi câu hỏi, thắc mắc xin được phản hồi về Hotline 1900.0191 hoặc địa chỉ hòm mail bên dưới!

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com