Thông tin pháp luật mới nhất tại thuvienluat.vn. Để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900.0191.
Hiện nay, tình hình vi phạm hành chính xảy ra thường xuyên và trong nhiều lĩnh vực đời sống như trật tự an toàn giao thông, đất đai, an ninh trật tự, giao thông vận tải, quản lý, bảo vệ rừng, thuế…. Vì vậy, để duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính, Nhà nước phải có một cơ chế pháp lý về xử lý vi phạm hành chính chặt chẽ. Trước tình hình đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành. Bài viết dưới đây của LVNLAW sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin hữu ích về lịch sự hình thành và phát triển của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tóm tắt nội dung nội dung cơ bản của Luật này cũng như chỉ ra điểm mới của Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi.
Lịch sử hình thành và phát triển luật vi phạm hành chính
Văn bản pháp lý đánh dấu mốc lịch sử phát triển của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Được ban hành đầu tiên vào năm 1989 và trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung (1995, 2002, 2007, 2008), Pháp lệnh đã từng bước được hoàn thiện góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm hành chính ở nước ta. Tuy nhiên, trước bối cảnh đời sống kinh tế- xã hội ngày càng phát triển thì Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Thứ nhất, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1989 thiếu các quy định bảo đảm tính dân chủ, tính khách quan trong việc xem xét, quyết định việc xử phạt, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác; thủ tục xử phạt chưa bảo đảm tính công khai, các hình thức xử phạt được áp dụng chưa linh hoạt.v.v…
Thứ hai, với việc một số Luật chuyên ngành đã trực tiếp quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì đòi hỏi phải có thay đổi trong việc quy định về thẩm quyền, hình thức và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính ở tầm một đạo luật mang tính luật gốc, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Vì vậy, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được ban hành với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 ra đời nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, từ đó góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Sau hơn 7 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính – Luật số 67/2020/QH14 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022).
Nội dung cơ bản của luật vi phạm hành chính 2012
Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 với 142 điều thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12. Luật đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính như đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do tòa án nhân dân cấp huyện xem xét quyết định và đượcáp dụng kể từ ngày 01/01/2014.
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 bao gồm 6 phần và 142 điều như sau:
Phần thứ nhất: Những quy định chung bao gồm 20 điều từ điều 1 đến điều 20. Ở phần này quy định phạm vi điều chỉnh của Luật, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính,…
Phần thứ 2 có 3 chương bao gồm các quy định từ điều 21 đến điều 88. Cụ thể:
+ Chương 1(từ điều 21 đến điều 37) là các quy định về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục.
+ Chương 2 (từ điều 38 đến điều 54) là các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
+ Chương 3 (từ điều 55 đến điều 88) là các quy định về thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
Phần thứ 3 có 5 chương bao gồm các quy định từ điều 89 đến điều 118. Cụ thể:
+ Chương 1 (từ điều 89 đến điều 96) là các quy định về các biện pháp xử lý hành chính.
+ Chương 2 (từ điều 97 đến điều 104) là các quy định về thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
+ Chương 3 (từ điều 105 đến điều 106) là các quy định về thẩm quyền, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
+ Chương 4 (từ điều 107 đến điều 114) là các quy định về thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
+ Chương 5 (từ điều 115 đến điều 118) là các quy định khác liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Phần thứ 4 có 2 chương bao gồm các quy định từ điều 119 đến điều 132. Cụ thể:
+ Chương 1 (từ điều 119 đến điều 121) là quy định chung về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
+ Chương 2 (từ điều 122 đến điều 132) là các quy định về thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
Phần thứ 5 có 2 chương bao gồm các quy định từ điều 133 đến điều 137. Cụ thể:
+ Chương 1 (từ điều 133 đến điều 137) bao gồm những quy định chung về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.
+ Chương 2 (từ điều 138 đến điều 140) bao gồm những quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên
Phần thứ 6 bao gồm điều 141 và điều 142 là các điều khoản thi hành.
Nhìn chung, Luật xử lý vi phạm hành chính đã đưa ra những quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt, các biện pháp xử lý, đối tượng bị xử lý, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Với mục đích phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong 101 lĩnh vực quản lý nhà nước, có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã giao cho 188 người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có một số nội dung cơ bản như sau:
– Về một số quy định chung:
Luật xử lý vi phạm hành chính quy định các nguyên tắc, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, xác định đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu, thời hạn xử lý vi phạm hành chính, cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính, xác định tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong quá trình xử lý, …
Đồng thời Luật xử lý vi phạm hành chính cũng xác định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh các hành vi đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như: giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm, dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử phạt vi phạm hành chính,…
Mặt khác, để khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước đối với xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua, Luật đã giao Chính phủ thống nhất quản lý trong phạm vi cả nước, trong đó Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý công tác này.
– Về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Luật giao cho Chủ tịch UBND cấp xã có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại. So với Pháp lệnh trước đây, Luật còn bổ sung thêm 02 hình thức xử phạt chính là: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Bên cạnh đó Luật còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
– Về quy định mức xử phạt tiền trên các lĩnh vực:
Luật quy định mức phạt tối thiểu từ 50.000 đồng và mức phạt tối đa là 22 tỷ đồng. Mức phạt tối đa được quy định ở 5 lĩnh vực: quản lý các vùng biển đảo và thềm lục địa, quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử, tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường, đối tượng áp dụng xử phạt các tổ chức vi phạm trong những lĩnh vực này. Đồng thời, Luật cũng cho phép một số địa phương có cơ chế xử phạt đặc thù tại khu vực nội thành ở các lĩnh vực giao thông, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhưng không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm đã được quy định
– Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:
So với Pháp lệnh thì Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định thêm các chức danh có thẩm quyền xử phạt, gồm: Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành… Đồng thời, luật cũng quy định về mức phạt theo tỷ lệ phần trăm (%) so với các mức phạt tối đa được quy định tại Điều 24 nhưng có khống chế mức trần (không quá mức tối đa); quy định này tạo ra sự linh hoạt trong việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn bảo đảm khống chế mức phạt tiền tối đa đối với từng chức danh có thẩm quyền xử phạt.
– Về việc giao quyền xử lý vi phạm hành chính:
Để đảm bảo tính kịp thời, linh hoạt trong việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính. Luật quy định, người được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nếu là cấp trưởng thì có thể giao cho cấp phó thực hiện. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền hoặc ủy quyền cho bất kỳ người nào khác.
– Về thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định các tình tiết cần phải xác minh và trưng cầu giám định trước khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 59); đồng thời các cá nhân, tổ chức có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối tổ chức (Điều 61). Đây là quy định mới nhằm bảo đảm tính khách quan, dân chủ trong quá trình XPVPHC, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại trong quá trình XPVPHC.
Luật xử phạt vi phạm hành chính còn bổ sung quy định các trường hợp cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên nhưng đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt (điều 77).
– Về Các biện pháp xử lý hành chính:
+ Về đối tượng áp dụng: So với Pháp lệnh thì Luật xử lý vi phạm hành chính hạn chế áp dụng biện pháp đối với người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi; bỏ đối tượng bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên có nơi cư trú nhất định… Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS (hiện nay đối tượng này bị đưa vào trường giáo dưỡng) và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; nâng độ tuổi của người nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng từ đủ 12 tuổi (Pháp lệnh) lên đủ 14 tuổi. Mặt khác, đối với người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định, theo Pháp lệnh sẽ thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, nay theo Luật xử lý vi phạm hành chính, đối tượng này sẽ được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đồng thời, nếu như trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định đưa đối tượng bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì Luật xử lý vi phạm hành chính bỏ quy định này.
+ Thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 bỏ quy định thành lập Hội đồng tư vấn và đề cao trách nhiệm của công chức tư pháp, theo đó, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và tổ chức cuộc họp tư vấn; Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đồng thời, quy định TAND cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp: đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91), đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 93), đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 95).
Ngoài ra, Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 còn quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính; quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính.
Một số điểm mới trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính
Sau hơn 07 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Chính vì vậy, tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính – Luật số 67/2020/QH14 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022).
Về bố cục, cũng tương tự như các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính gồm 03 điều, bao gồm:
– Điều 1 – Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính chính (có 75 khoản);
– Điều 2 – Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14).
– Điều 3 – Hiệu lực thi hành.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Một số điểm mới của Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bao gồm:
Đối với nguyên tắc xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần, Khoản 2 Điều 1 Luật số 67 sửa đổi, bổ sung như sau: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính mới. Do vậy, Khoản 10 Điều 1 Luật số 67 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực, như: Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Cơ yếu; Giáo dục; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; Điện lực; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung; Báo chí; Kinh doanh bất động sản…
Cùng với đó, Luật số 67 sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với cá nhân như Luật hiện hành; sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo hướng giảm số tiền được hoãn phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2 triệu đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo…
Đáng chú ý, Luật số 67 đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể, đối với lực lượng Công an nhân dân, bãi bỏ 17 chức danh, bổ sung 22 chức danh, thay đổi tên gọi của 05 chức danh và giữ nguyên 25 chức danh để phù hợp với cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an. Luật số 67 cũng đã bổ sung thêm 08 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Ngoài ra, để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, bên cạnh trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác, Khoản 61 Điều 1 Luật số 67 đã bổ sung 04 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy…
Trên đây bài viết khái quát của LVNLAW về các vấn đề xung quanh Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu có thắc mắc liên quan hoặc cần LVNLAW hỗ trợ, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LVNLAW
Tư vấn hỗ trợ 24/7
Mobile: 1900.0191; 1900.0191
Email: info@luatlvn.vn
Xin cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết, nội dung của bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo do tính thay đổi của luật áp dụng tại từng thời điểm và những đặc thù trong từng sự kiện pháp lý. Để được tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất với trường hợp của quý khách, mọi câu hỏi, thắc mắc xin được phản hồi về Hotline 1900.0191 hoặc địa chỉ hòm mail bên dưới!