Mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ

Mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ

Chuẩn mực thẩm mỹ và pháp luật có sự tác động qua lại lẫn nhau. Chuẩn mực thẩm mĩ tác động trong hầu hết các lĩnh vực quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ pháp luật, điều chỉnh hành vi thẩm mỹ của con người phù hợp với các quan điểm, quan niệm trong xã hội về cái đẹp, cái xấu, cái cao cả… Chuẩn mực thẩm mỹ đòi hỏi các bộ luật, đạo luật được ban hành phải phù hợp với các giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ đang phổ biến trong xã hội thì mới dễ dàng được nhân dân tuân thủ và thực hiện. Khi đó bản thân các bộ luật, đạo luật cũng mang giá trị thẩm mỹ, là một “tác phẩm nghệ thuật”. Nhiều quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ, do phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của nhà nước về tổ chức, quản lí xã hội, đã được nhà nước thừa nhận và vận dụng trong các đạo luật. Các văn bản của nhà nước điều chỉnh các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trật tự công cộng, ứng xử nơi công sở, kiến trúc ,… là những minh chứng sống động cho mối liên hệ này. Như vậy, chuẩn mực thẩm mỹ là cơ sở lý luận và thực tiễn để nhà nước xây dựng và ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị, văn hóa nghệ thuật, quảng cáo, du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, thời trang…

Ví dụ như, trong  Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 02/7/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin về Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn như sau:

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm 

1.Biểu diễn và tổ chức biểu diễn chương trình, tiết mục, vở diễn có nội dung: 

1.1. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 

1.2. Kích động bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc; 

1.3. Truyền bá tư tưởng phản động, văn hóa đồi trụy, hành vi tàn ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam; 

1.4. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; 

1.5. Xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc; 

1.6. Xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân. 

2. Biểu diễn và tổ chức biểu diễn chương trình, tiết mục, vở diễn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

3.Quảng cáo mạo danh đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; quảng cáo, giới thiệu không đúng chương trình, tiết mục, vở diễn không đúng người, đúng tên diễn viên hoặc thành tích nghệ thuật, danh hiệu nghệ thuật được Nhà nước phong tặng; để người không có trách nhiệm lên sân khấu trong khi diễn viên đang biểu diễn. 

4. Thực hiện trong khi biểu diễn: 

4.1. Tự tiện thay đổi động tác diễn xuất, phong cách biểu diễn nghệ thuật, thêm, bớt lời ca, lời thoại khác với nội dung và hình thức thể hiện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép công diễn mà gây hậu quả xấu; 

4.2. Lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi hoặc phát ngôn không đúng với chương trình, tiết mục, vở diễn đã được duyệt, cấp phép; 

4.3. Dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật của mình; 

4.4. Đối với loại hình nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc truyền thống, dân gian, xiếc, nghệ thuật cổ điển châu Âu: phục trang, hóa trang trái với thuần phong, mỹ tục, không phù hợp với đặc trưng loại hình nghệ thuật, không đúng với tính cách nhân vật và nội dung thể hiện giai đoạn lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật; 

4.5. Đối với loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc hiện đại: hóa trang tạo ra kiểu đầu tóc kinh dị, sơn, nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù; trang phục hở hang, lộ liễu. 

5. Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật: 

5.1. Cấp các loại giấy phép không đúng thẩm quyền; 

5.2. Thanh tra, kiểm tra, xử lý không đúng chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định.”

Từ quy định trên, cho thấy Nhà nước ta đã ghi nhận những chuẩn mực thẩm mỹ chung của xã hội về cách ăn mặc, giao tiếp của con người với nhau, từ đó đặt ra những quy định về cách biểu diễn, giao lưu, nội dung cũng như trang phục biểu diễn của chương trình và diễn viên, nghệ sĩ tham gia. Các chuẩn mực thẩm mỹ gắn với người Việt Nam được nhà nước ghi nhận, thừa nhận, bên cạnh đó, các nội dung trên của các chuẩn mực thẩm mỹ phù hợp với ý chí, đáp ứng nhu cầu quản lí xã hội văn minh của nhà nước. Do đó, nó được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước và có giá trị pháp lý buộc mọi người phải tuân theo, cụ thể ở đây là những nghệ sĩ, diễn viên.

Đối với pháp luật, vấn đề không dừng lại ở chỗ cứ ban hành thật nhiều văn bản luật có chất lượng cao, điều quan trọng hơn là làm thế nào để các văn bản luật đó đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành pháp luật thường trực trong hành vi của mỗi người. Nhìn trên phương diện này, chuẩn mực thẩm mỹ có tác dụng định hướng, điều chỉnh hành vi pháp luật của các cá nhân phù hợp với các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ. Trong nhiều trường hợp, vì những lí do nhất định, các cá nhân không biết đến các quy định của pháp luật, nhưng do các quy tắc pháp luật phù hợp với các chuẩn mực thẩm mỹ, nên các hành vi pháp luật cũng trùng với hành vi thẩm mỹ; các cá nhân thực hiện hành vi pháp luật dựa trên các quan điểm, quan niệm thẩm mỹ của họ.

Ví dụ như trong cách ăn mặc của các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, chúng ta có thể không biết đến luật, không biết đến những quy định của nhà nước về vấn đề này, thì khi trông thấy họ ăn mặc hở hang, cũn cỡn hoặc đi quá xa là không phù hợp với phong tục của người Việt Nam. Hoặc bên cạnh đó là những kiểu tóc cắt tóc cắt trụi hay nhuộm màu với những kiểu tóc quá lố của một số nghệ sĩ, thanh niên hiện nay. Họ cho đó là phong cách, kiểu cách cá tình, nhưng dưới con mắt của xã hội thì đó là trái với thuần phong mỹ tục. Dù người dân không biết đến rằng nó được quy định trong luật, nhưng do vi phạm chuẩn mực thẩm mỹ mà họ lên án, chê trách, phê phán, phản đối.

Hay những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, không biết đến pháp luật điều chỉnh về cách ăn mặc hay không, hoặc là có những quy định như thế nào, nhưng vì nó là chuẩn mực chung và cũng được người bề trên nhắc nhở chỉ bảo, mà các em luôn thực hiện đúng, ăn mặc phù hợp với lứa tuổi của mình, không lố lăng, cũn cỡn, phù hợp với lứa tuổi.

Chuẩn mực thẩm mỹ, cũng như các chuẩn mực xã hội khác, luôn vận động, biến đổi và thay đổi, có những quy tắc thẩm mỹ mất đi và có những chuẩn mực thẩm mỹ mới ra đời, đáp ứng yêu cầu của quan hệ thẩm mỹ trong xã hội. Pháp luật, do đặc trưng về sức mạnh cưỡng chế của nó, góp phần củng cố, bảo vệ các chuẩn mực thẩm mỹ tiến bộ, phù hợp, đồng thời, loại bỏ những quy tắc thẩm mỹ đã lạc hậu và xây dựng nhưng chuẩn mực mới tương ứng với lối sống văn minh, hiện đại.

Thật vậy, so sánh thời kì bây giờ với thời kì trước đây ở Việt Nam, về chuẩn mực thẩm mỹ của người phụ nữ đã có sự thay đổi. Từ vẻ đẹp kín đáo xưa trong áo bà ba, áo dài với những nét đẹp thùy mị làm khuôn mẫu, thì nay nét đẹp của người phụ nữ phóng khoáng hơn, hiện đại, pha với phong cách phương Tây. Từ đó, cách trang điểm, trang phục của diễn viên, nghệ sĩ nữ cũng thay đổi theo. Phim truyền hình xưa chủ yếu là phim nhựa, đen trắng, hoặc có màu, nhưng kĩ thuật chưa cao, người phụ nữ trong phim khi đó rất giản dị, phù hợp với thời kì, và quan điểm về vẻ đẹp khi đó. Đến nay, đã có nhiều thay đổi, theo hướng hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của xã hội, nhưng vẫn giữ được những nét riêng không xóa bỏ hoàn toàn. Điều này được pháp luật ghi nhận lại, và được đảm bảo bằng các biện pháp cưỡng chế. Thực tế, nhiều nữ diễn viên đã bị phạt vì ăn mặc quá hở hang, không phù hợp với chuẩn mực thẩm mỹ Việt Nam, gây phản cảm, nhức nhối trong dư luận như Thu Minh… với những biện pháp xử phạt nghiêm trị. Nhờ đó, mà chuẩn mực về cái đẹp về người phụ nữ Việt Nam vẫn được giữ gìn, hòa nhập cùng những nét hiện đại, hòa nhập tạo nên những chuẩn mực mới nhưng vẫn giữ được lối sống văn minh, hiện đại.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com