Hoàn thiện các quy định của Bộ Luật hình sự liên quan đến tội phạm và trách nhiệm hình sự

Hoàn thiện các quy định của Bộ Luật hình sự liên quan đến tội phạm và trách nhiệm hình sự

31/10/2013

Căn cứ vào nội dung Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/08/2011 của Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 433/NQ-UBTVQH13 ngày 30/12/2011 về việc thành lập Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Trên cơ sở này, Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng ban đã thống nhất Đề cương định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự số 7724/ĐC-BSTBLHS(SĐ) ngày 24/9/2012, trong đó điểm 3.1. tiểu mục 3 Phần IV – Định hướng cơ bản sửa đổi Bộ luật Hình sự quy định: “Sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến khái niệm và phân loại tội phạm, cơ sở của trách nhiệm hình sự, nguồn của luật hình sự, các giai đoạn phạm tội, các chế định đồng phạm, phạm tội có tổ chức, các tình tiết tăng năng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vấn đề quyết định hình phạt…”. Ngoài ra, điểm 1.2 tiểu mục 1 phần IV cũng nêu: “Sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến các chế định loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích…”. Gần đây, ngày 10/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999”. Theo đó, việc tổng kết này nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thực tiễn 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, góp phần đáp ứng yêu cầu mới của đất nước, tôn trọng và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa và trật tự pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có thêm tư liệu trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích một số tồn tại, hạn chế trong các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tội phạm và trách nhiệm hình sự, từ đó đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể về các quy định liên quan đến hai chế định này so với Bộ luật Hình sự hiện hành.

1. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tội phạm

1.1. Khái niệm tội phạm

Điều 8 Bộ luật Hình sự có bảy vấn đề sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, các nhà làm luật cần ghi nhận một đặc điểm cũng rất quan trọng của khái niệm tội phạm, đó là – tội phạm do người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện. Lý do là để bảo đảm chính xác về mặt khoa học, đồng thời phù hợp với thực tiễn áp dụng, cũng như bao quát xử lý hai trường hợp có thể tồn tại trong thực tế dưới đây:

– Trường hợp thứ nhất, một người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại không có năng lực trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Một người 20 tuổi (đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) nhưng do bị tâm thần, bị điên (không có năng lực trách nhiệm hình sự) thực hiện hành vi giết người thì người này không phải chịu trách nhiệm hình sự vì họ không có năng lực trách nhiệm hình sự.

– Trường hợp thứ hai, một người có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng lại chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp mà Điều 8 Bộ luật Hình sự chưa điều chỉnh (mặc dù cũng có ý kiến cho rằng khi một người nào đó đạt đến độ tuổi nhất định thì họ sẽ có năng lực trách nhiệm hình sự, và năng lực trách nhiệm hình sự chứa trong đó (bao hàm) độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự). Ví dụ: Một người 15 tuổi thực hiện một tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý. Lẽ dĩ nhiên, lúc này họ đã có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng theo quy định của pháp luật thì họ lại chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự vì khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định: “… (2). Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Hai là, tên gọi Điều 8 là “Khái niệm tội phạm” nhưng nội dung này chỉ thể hiện ở khoản 1. Khoản 2, 3 là việc phân loại tội phạm. Khoản 4 là trường hợp tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể của hành vi, nên không phải là tội phạm để phân biệt với tội phạm. Cho nên, cần tách nội dung Điều 8 thành hai điều luật cho chính xác (khoản 1 và khoản 4 một điều và khoản 2, 3 một điều với tên gọi là “khái niệm tội phạm” và “phân loại tội phạm” như kinh nghiệm lập pháp trong các Điều 14, 15 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga) hoặc nếu giữ cần có tên gọi cho chính xác hơn bao quát cả ba nội dung trên.

Ba là, bổ sung cụm từ “của con người” sau cụm từ “của công dân” trong nhóm các khách thể của tội phạm được các nhà làm luật bảo vệ trong Điều 8 cho bao quát và thống nhất với các Chương XII – Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và Chương XIII – Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, đồng thời sắp xếp lại khách thể “tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm” trong Điều 8 thành “tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự” của con người cho đúng với tên gọi Chương XII đã nêu.

Bốn là, khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự chỉ nêu căn cứ: “tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này…”, trong khi đó, các loại tội phạm không chỉ dựa trên hai căn cứ đó mà còn dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với các tội phạm tương ứng đó (chế tài), mà cụ thể là: Đến 3 năm tù; đến 7 năm tù; đến 15 năm tù và; trên 15 năm tù, tù chung thân và tử hình, vì vậy, khoản 2 Điều luật này cần sửa đổi cho chính xác là: “Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự…”.

Năm là, cách định nghĩa: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm… Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm…” (khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự) là chưa chuẩn xác ngay với khái niệm tội phạm khi quy định: “Tội phạm là hành vi…” ở khoản 1 Điều luật này. Hơn nữa, tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì cũng đều là tội phạm, mà tội phạm lại là “hành vi nguy hiểm cho xã hội…”. Do đó, cần sửa đổi lại cho thống nhất trong nội dung của điều luật này.

Sáu là, Điều 8 Bộ luật Hình sự còn chưa đề cập đến một khách thể cũng rất quan trọng trong Chương XXIV – Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (từ Điều 341 đến Điều 344) là “hòa bình và an ninh của nhân loại”(1). Tương tự, các nhà làm luật nước ta cần ghi nhận bổ sung khách thể đã nêu vào trong nội dung điều luật này cho phù hợp với pháp luật hình sự Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Bảy là, ngoài ra, khoản 4 Điều 8 Bộ luật Hình sự cũng quy định một trường hợp loại trừ tính chất tội phạm của hành vi với nội dung: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Tuy nhiên, trong nội dung chưa nói rõ phạm vi của việc xử lý bằng các biện pháp khác là những biện pháp gì, vì vậy cần ghi nhận cụ thể các biện pháp xử lý là hành chính hoặc kỷ luật khác.

Như vậy, về Điều 8 Bộ luật Hình sự, chúng tôi đề xuất hai phương án khác nhau:

– Phương án thứ nhất: Vẫn quy định tội phạm và phân loại tội phạm trong cùng một điều luật thì Điều 8 Bộ luật Hình sự nên sửa đổi, bổ sung như sau (phần in nghiêng là̀ phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 8. Khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, của con người, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, cũng như hòa bình và an ninh của nhân loại.

2. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Tội phạm ít nghiêm trọng là hành vi gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là hành vi gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là hành vi gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là hành vi gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

4. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc kỷ luật khác”.

– Phương án thứ hai: Tách nội dung khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự thành một điều luật mới Điều 8a với tên gọi “Phân loại tội phạm”, còn Điều 8 chỉ có khoản 1 và khoản 4 của Điều 8 Bộ luật Hình sự (những nội dung cụ thể vẫn như phương án thứ nhất). Do đó, Điều 8 Bộ luật Hình sự mới nên sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 8. Khái niệm tội phạm

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, của con người, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, cũng như hòa bình và an ninh của nhân loại.

2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc kỷ luật khác”.

Ngoài ra, Điều 8a Bộ luật Hình sự nên sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 8a. Phân loại tội phạm

1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Tội phạm ít nghiêm trọng là hành vi gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù.

3. Tội phạm nghiêm trọng là hành vi gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù.

4. Tội phạm rất nghiêm trọng là hành vi gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù.

5. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là hành vi gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

1.2. Chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt

Điều 17 Bộ luật Hình sự có ba vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, đoạn 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự mới chỉ tập trung đề cập đến hành vi của người chuẩn bị (bao gồm: Tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm) nhưng chưa đề cập đến hành vi của người này trong mối liên hệ với những người đồng phạm khác như hành vi tìm kiếm, liên kết những người đồng phạm. Do đó, cần bổ sung thêm vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn xét xử và tham khảo như kinh nghiệm lập pháp trong Điều 30 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga…(2).

Hai là, Điều 17 Bộ luật Hình sự cũng chưa nói rõ nguyên nhân của việc dừng lại (bị phát hiện) trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, vì chuẩn bị phạm tội là giai đoạn đầu của quá trình thực hiện tội phạm, do đó, cần bổ sung nguyên nhân của việc bị dừng lại này là do các nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội cũng tương tự như Điều 18 về “Phạm tội chưa đạt” trong Bộ luật Hình sự và tham khảo như kinh nghiệm lập pháp trong Điều 30 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga.

Ba là, đoạn 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định: “Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện” cần được sửa đổi, bổ sung cụm từ “một” và “hoặc” để tránh hiểu sai – nếu một người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện, còn giả sử họ chuẩn bị hai tội rất nghiêm trọng hoặc hai tội đặc biệt nghiêm trọng; hay họ chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng và một tội đặc biệt nghiêm trọng lại không phải chịu trách nhiệm hình sự?. Do đó, cần sửa thành: “Người chuẩn bị phạm một hay nhiều tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về một hay nhiều tội định thực hiện đó”.

Như vậy, Điều 17 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi, bổ sung như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 17. Chuẩn bị phạm tội

Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện, tìm kiếm, liên kết những người đồng phạm hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được tiếp hành vi của mình vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người chuẩn bị phạm tội.

Người chuẩn bị phạm một hay nhiều tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về một hay nhiều tội định thực hiện đó”.

Ngoài ra, Điều 18 và Điều 52 Bộ luật Hình sự có ba vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, cần bổ sung và giải thích khái quát vào Điều 18 Bộ luật Hình sự hai trường hợp “phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành” và “phạm tội chưa đạt đã hoàn thành” để có cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự chính xác và bảo đảm công bằng đối với người phạm tội trong từng trường hợp tương. Hơn nữa, trong Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự cũng đã nêu về hai dạng phạm tội chưa đạt này.

Hai là, về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt quy định tại khoản 2, 3 Điều 52 Bộ luật Hình sự đối với trường hợp tù có thời hạn “… thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định và… mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”. Tuy nhiên, các nhà làm luật nước ta lại chưa quy định rõ: Không quá một phần hai (1/2) hay không quá ba phần tư (3/4) mức phạt tù là của mức phạt tù cao nhất hay mức phạt tù thấp nhất hay chia trung bình chung… Do đó, theo chúng tôi cần sửa đổi theo hướng “mức phạt tù” được hiểu chính là “không quá một phần hai mức phạt tù thấp nhất đến không quá một phần hai mức phạt tù cao nhất” và “không quá ba phần tư mức phạt tù thấp nhất đến không quá ba phần tư mức phạt tù cao nhất”(3) cho phù hợp với lý luận và thực tiễn, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc công bằng và phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam.

Ba là, về trách nhiệm hình sự, tham khảo Bộ luật Hình sự Liên bang Nga cho thấy, hành vi phạm tội chưa đạt cũng giống như Bộ luật Hình sự Việt Nam, có nghĩa không đặt ra vấn đề giới hạn những trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự mà quy định tất cả các trường hợp phạm tội chưa đạt đều phải chịu trách nhiệm hình sự, không phân biệt tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Điều 66 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga lại quy định: Mức hình phạt quyết định đối với hành vi phạm tội chưa đạt không vượt quá ba phần tư mức hình phạt trong khung của tội phạm hoàn thành, không áp dụng hình phạt tử hình và tù chung thân đối với người phạm tội chưa đạt. Trong khi đó, khoản 3 Điều 52 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng… Vì vậy, để nhân đạo hóa hơn nữa các quy định trong Bộ luật Hình sự, đồng thời phù hợp với thực tiễn xét xử, chỉ cần quy định áp dụng hình phạt tù chung thân trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp phạm tội chưa đạt là đã đủ sức răn đe và phòng ngừa chung.

Như vậy, Điều 18 và Điều 52 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi, bổ sung như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 18. Phạm tội chưa đạt

1. Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội.

2. Phạm tội chưa đạt thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn mà người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả chưa xảy ra;

b) Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn mà người phạm tội đã thực hiện các hành vi cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả chưa xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng chưa phù hợp với dấu hiệu hậu quả trong cấu thành tội phạm.

3. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành phải chịu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn so với phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành”.

“Điều 52. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù thấp nhất đến không quá một phần hai mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định.

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng hình phạt tù chung thân trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù thấp nhất đến không quá ba phần tư mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định”.

1.3. Đồng phạm

Điều 20 Bộ luật Hình sự có năm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, các nhà làm luật nước ta cần ghi nhận bổ sung cụm từ “do cố ý” vào cuối khoản 1 Điều 20 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm do vô ý thì không bao giờ có đồng phạm cả (căn cứ vào các dấu hiệu chủ quan của đồng phạm mà khoa học luật hình sự đã luận giải).

Hai là, khoản 1 Điều 20 Bộ luật Hình sự mới chỉ bao quát được hành vi của người thực hành (đồng thực hành) khi ghi nhận “cùng thực hiện một tội phạm”, mà chưa phản ánh hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác. Trong khi đó, những người đồng phạm khác họ không cùng thực hiện một tội phạm, mà họ chỉ tham gia cùng thực hiện một hoặc nhiều tội phạm…(4). Do đó, cần sửa thành “cố ý cùng tham gia thực hiện một hoặc nhiều tội phạm” mới đầy đủ và chính xác hơn.

Ba là, các Điều 79 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), 81 (Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ), 82 (Tội bạo loạn); v.v… Bộ luật Hình sự quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia có ghi nhận một cụm từ phản ánh một loại người đồng phạm “người hoạt động đắc lực” trong các cấu thành tội phạm này. Lẽ dĩ nhiên, về mặt thực tiễn có thể hiểu đây chính là “người thực hành” tham gia phạm tội tích cực, nhưng tại Điều 20 Bộ luật Hình sự, các nhà làm luật nước ta lại không đề cập đến loại người này hoặc giải thích trong nội dung của dạng người thực hành. Do đó, các điều luật cụ thể trong Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia cần thay cụm từ “người hoạt động đắc lực” thành “người thực hành tham gia đắc lực” cho chính xác.

Bốn là, đặc biệt, chưa làm sáng tỏ được trường hợp người thực hành không phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm mà người đó đã lợi dụng (hoặc sử dụng) người khác (chưa đủ các điều kiện là chủ thể của tội phạm thực hiện như: Bị tâm thần, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) là công cụ phạm tội, thì về mặt lý luận và thực tiễn, chúng ta vẫn quan niệm đó là người thực hành ở dạng thứ hai, nhưng rõ ràng, về mặt lập pháp hình sự, cần có sự ghi nhận vấn đề này để bảo đảm việc xử lý trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm nói chung, người thực hành nói riêng được chính xác. Tham khảo Bộ luật Hình sự Liên bang Đức, dạng người này được gọi là người thực hành (thực hiện) gián tiếp, người thực hiện hành vi cố ý được quy định trong cấu thành tội phạm qua hành vi của người khác, người khác ở đây đã bị họ sử dụng như công cụ phạm tội…(5) hay Điều 33 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga cũng quy định rõ ràng vấn đề này(6). Do đó, có thể sửa đoạn 2 khoản 2 Điều 20 Bộ luật Hình sự là: “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc sử dụng người chưa đủ các điều kiện là chủ thể của tội phạm thực hiện hành vi phạm tội”.

Năm là, các nhà làm luật chưa quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự vấn đề trách nhiệm hình sự do hành vi thái quá (hành động vượt quá) của người thực hành, trong khi thực tiễn xét xử ở nước ta vẫn tồn tại và tham khảo kinh nghiệm lập pháp của Điều 37 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga(7). Do đó, cần bổ sung thành một điều luật mới là Điều 20a. Hành vi thái quá của người thực hành trong đồng phạm nhằm bao quát xử lý đầy đủ tư cách của một loại người đồng phạm trung tâm trong đồng phạm – là người thực hành hay đồng thực hành hoặc có thêm cả hành vi thái quá của họ, cũng như trách nhiệm hình sự riêng biệt khi thực hiện hành vi thái quá nằm ngoài ý định phạm tội chung của đồng bọn.

Như vậy, Điều 20 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi, bổ sung như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 20. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng tham gia thực hiện một hoặc nhiều tội phạm do cố ý.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc sử dụng người chưa đủ các điều kiện là chủ thể của tội phạm thực hiện hành vi phạm tội (hoặc có thể thay bằng – người gián tiếp thực hiện tội phạm).

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.

Tương tự, Điều 20a mới Bộ luật Hình sự như sau:

“Điều 20a. Hành vi thái quá của người thực hành trong đồng phạm

Hành vi thái quá của người thực hành trong đồng phạm là việc người thực hành đã thực hiện một tội phạm nằm ngoài ý định của những người đồng phạm khác. Những người đồng phạm khác không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thái quá của người thực hành”.

2. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến trách nhiệm hình sự

2.1. Các nguyên tắc xử lý về hình sự

Điều 3 Bộ luật Hình sự có năm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, tên gọi Điều 3 Bộ luật Hình sự là “Nguyên tắc xử lý” là chưa đầy đủ, vì trong nội dung của Điều luật này đã đề cập đến năm nguyên tắc trong chính sách hình sự của Nhà nước, chứ không phải một nguyên tắc xử lý. Hơn nữa, đó là các nguyên tắc xử lý về hình sự, nên cần sửa thành: “Các nguyên tắc xử lý về hình sự” cho chính xác hơn.

Hai là, khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm đoạn “không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội” cho đầy đủ nội dung, bởi lẽ, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật, song cần chú ý tập trung cả hai – không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, vì khoản 1 Điều 3 Bộ luật mới chỉ tập trung đến việc không bỏ lọt tội phạm, mà chưa chú ý đến yêu cầu không bỏ lọt người phạm tội, vì nếu không bỏ lọt tội phạm, mà lại bỏ lọt người phạm tội trong vụ án có đồng phạm, thì có nghĩa, chưa làm tốt công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, chưa bảo đảm yêu cầu xử lý tội phạm và người phạm tội. Vì vậy, tất cả các yêu cầu này cần được quán triệt và tuân thủ tuyệt đối trong quá trình xử lý tội phạm và người phạm tội, đồng thời đây còn là nguyên tắc cơ bản trong quá trình giải quyết bất kỳ một vụ án hình sự nào.

Ba là, đoạn 2 khoản 2 Điều 3 Bộ luật Hình sự quy định: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy…”, trong khi đó đoạn 3 khoản 2 Điều 20 về “Đồng phạm” lại quy định: “Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm…”. Do đó, để thống nhất, chỉ cần quy định “Nghiêm trị người tổ chức…” là đã đủ, đồng thời tùy thuộc vào quy mô (lớn hay nhỏ) của tội phạm mà các vai trò (tư cách) chủ mưu, cầm đầu hoặc chỉ huy có thể do một hoặc nhiều người thực hiện, chỉ nên cụ thể hóa trong Điều 20 Bộ luật Hình sự, còn khi nêu nguyên tắc xử lý cần ngắn gọn hơn.

Bốn là, đoạn 3 khoản 2 Điều 3 Bộ luật Hình sự cần khoan hồng cả “trường hợp tự nguyện khắc phục hậu quả”, bên cạnh đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra cho phù hợp với thực tiễn xét xử và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Năm là, khoản 5 Điều 3 Bộ luật Hình sự quy định: “Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích”, tuy nhiên, cần nhấn mạnh hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ họ hòa nhập với cộng đồng, tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, chứ chỉ quy định là họ được tạo điều kiện, nhưng chưa rõ là chủ thể nào tạo điều kiện giúp đỡ, tốt hơn cả là chính quyền địa phương nơi họ sinh sống là cơ quan chủ quản và có điều kiện nhất trong công tác này. Về vấn đề này, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ “Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồngđối với người chấp hành xong án phạt tù” đã nêu rõ và trực tiếp trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã (Điều 25) và Công an cấp xã (Điều 28).

Như vậy, Điều 3 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi, bổ sung như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung:

“Điều 3. Các nguyên tắc xử lý về hình sự

1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội.

2. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.

Nghiêm trị người tổ chức, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, tự nguyện khắc phục hậu quả.

3. Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

4. Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt trong trại giam, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt.

5. Người đã chấp hành xong hình phạt được chính quyền địa phương tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích”.

2.2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự

Điều 2 Bộ luật Hình sự có ba vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, quy định “Chỉ người nào phạm một tội đã được…” cần sửa thành “phạm một hay nhiều tội đã được…”, nếu không sẽ dẫn đến cách hiểu sai là: “chỉ người nào phạm một tội… mới phải chịu trách nhiệm hình sự, còn phạm từ hai, ba… tội trở lên thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Hơn nữa, cần khẳng định đây là cơ sở “pháp lý…”.

Hai là, việc quy định “Chỉ người nào phạm một tội…” là đề cập đến việc một người đã thực hiện hành vi phạm tội được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm rồi, nhưng sau đó, đoạn 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự lại quy định: “Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện”, có nghĩa, nếu một người mới “tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm đối với một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” đã phải chịu trách nhiệm hình sự rồi, chứ chưa đòi hỏi thực hiện hành vi phạm tội. Hơn nữa, thực ra logíc khoa học là, một người họ chưa thực hiện hành vi được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm, thì rõ ràng, không thể áp dụng chế tài trong điều, khoản đó để buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo đúng nghĩa, nhưng đây chúng ta có quy định vấn đề này trong Điều 52 Bộ luật Hình sự. Sở dĩ có quy định vì đây là trường hợp đặc biệt vì, nếu để tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, sẽ gây nguy hại rất lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội, do đó, các nhà làm luật mới quy định buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ chuẩn bị phạm một trong các tội đã nêu. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp chế xã hội chủ nghĩa, cần có quy định bổ sung để tránh việc không thống nhất giữa các điều luật trong Bộ luật Hình sự (Điều 2 và Điều 17), đồng thời, cụm từ “một” trong đoạn 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự cũng cần bỏ đi để tránh cách hiểu sai như đã đề cập ở trên.

Ba là, để bảo đảm tính lôgíc và bao quát các trường hợp đặc biệt, Điều 2 Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm cụm từ “trên những cơ sở chung” vào cuối nội dung điều luật. Bởi lẽ, trên thực tế và căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, sẽ có những trường hợp một người phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự nhưng vẫn không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Trường hợp do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 23) hoặc trường hợp “người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ” (khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự); v.v…

Như vậy, Điều 2 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi, bổ sung như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 2. Cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự

Chỉ người nào phạm một hay nhiều tội đã được Bộ luật hình sự quy định hoặc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 Điều 17 Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự trên những cơ sở chung”.

2.3. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Căn cứ vào Điều 12 Bộ luật Hình sự cho thấy một vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đó là sự thống nhất giữa quy định của Điều luật này với nội dung của Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự. Khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm…”. Tuy nhiên, giữa các quy định của Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự và quy định về độ tuổi đã nêu tại Phần chung còn chưa thống nhất, nói cách khác chưa có khoản (quy định) nào về điều kiện của chủ thể đặc biệt. Ví dụ: Khoản 1 Điều 12 quy định như vậy, trong khi đó, khoản 1 Điều 115 Tội giao cấu với trẻ em lại quy định: “1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm…”. Do đó, rõ ràng ví dụ nếu một người là 17 tuổi mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 115), trong khi đó nếu theo khoản 1 Điều 12 thì người này lại phải chịu trách nhiệm hình sự, vì các nhà làm luật đã quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, đồng thời “mọi tội phạm” là bất kỳ tội phạm nào được quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật. Tương tự, trong Bộ luật Hình sự còn tồn tại nhiều tội phạm có kỹ thuật lập pháp như vậy.

Như vậy, Điều 12 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi, bổ sung như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ trường hợp điều luật trong Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

2.4. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 23 Bộ luật Hình sự có bốn vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, các nhà làm luật nước ta vẫn chưa khẳng định dứt khoát hậu quả pháp lý của việc không truy cứu trách nhiệm hình sự do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm lập pháp trong Điều 77 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga quy định hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự…(8).

Hai là, vấn đề gây thiệt hại (hậu quả) về vật chất hay tranh chấp dân sự bên cạnh việc phạm tội, nếu đã được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự rồi, thì người này cũng cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, cũng như giải quyết vấn đề dân sự để duy trì trật tự xã hội chung và bảo đảm quyền lợi của người bị hại hay nguyên đơn dân sự.

Ba là, đoạn 2 khoản 3 Điều 23 Bộ luật Hình sự quy định: “Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ” thực ra chỉ cần quy định “đã có lệnh truy nã” là đầy đủ, còn việc quy định “cố tình trốn tránh” hay “không cố tình trốn tránh” không có ý nghĩa gì.

Bốn là, về cách tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng tại đoạn 2 khoản 3 Điều 23 Bộ luật Hình sự quy định: “Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu được tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ”. Theo chúng tôi, việc quy định cụm từ “tự thú” có lẽ chưa chính xác mà phải là “đầu thú”. Khái niệm “tự thú” đã quy định cụ thể tại Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 02/06/1990 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp tiến hành hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú. Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/CV ngày 10/06/2002 của Tòa án nhân dân tối cao đã giải thích rõ hơn tự thú và phân biệt việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp “tự thú” và trong trường hợp “đầu thú” như sau: “Tự thú” là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện. Trong khi đó, “đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Sự khác nhau giữa hai khái niệm này phản ánh qua việc người phạm tội đã có lệnh truy nã hay chưa. Đặc biệt, tình tiết giảm nhẹ “tự thú” được quy định khoản 1 Điều 46, tình tiết giảm nhẹ “đầu thú” được áp dụng theo quy định khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Do đó, nếu đã có “lệnh truy nã” rồi thì không thể gọi là “tự thú” vì lúc này, hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi đó đã bị các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền biết. Vì vậy, trong nội dung điều luật này cần sửa thành cụm từ “đầu thú” cho chính xác hơn.

Như vậy, Điều 23 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi, bổ sung như sau (phần in nghiêng là phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung):

“Điều 23. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được miễn trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;

b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

d) Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội đã có lệnh truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”

Tài liệu tham khảo:

(1). Xem: GS.TS. Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo sau đại học, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.159.

(2). Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.42.

(3). Xem: TS. Trịnh Quốc Toản, Hoàn thiện hình phạt tử hình, tù có thời hạn và phạt tiền theo yêu cầu cải cách tư pháp, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 9 (tháng 5), 2008, tr.4.

(4). Xem: GS.TS. Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo sau đại học, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.474.

(5). Xem: GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, PGS.TS. Lê Thị Sơn, Phần thứ năm – Những vấn đề cơ bản về Phần chung pháp luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức, Trong sách: Thông tin khoa học pháp lý: Những vấn đề cơ bản về pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, số 8/2002, tr. 125.

(6). Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.42.

(7). Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.50.

(8). Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.45.

Trịnh Tiến Việt & Đoàn Ngọc Xuân

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com