Dấu vết – Quy luật bất biến trong điều tra hình sự
Vào buổi sáng mồng 5 Tết, nhân dân phát hiện một xác chết nổi lập lờ trên sông Cầu Lai, một con sông nhỏ, bề ngang chừng hơn chục mét, đoạn địa phận xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khi nạn nhân được đưa lên bờ thì nhận ra chính là cụ bà Nguyễn Thị C, thường gọi là cụ L, 72 tuổi, một người sống độc thân trong xã. Ngang lưng nạn nhân buộc dây thừng, đầu kia buộc vào một khối gạch lớn có nhiều mạch vữa xây, cân được 35kg. Trên đầu cụ C chít khăn mỏ quạ màu đen. Thường các cụ bà khi vấn khăn mỏ quạ thì gập lần thứ nhất theo đường chéo làm tấm khăn hình vuông trở thành hình tam giác, lại gập lần thứ hai khoảng 5 hay 6cm ở đáy tam giác chỗ đường vừa gập làm cho chiếc khăn chỗ có 4 lớp vải – cũng chính là đáy tam giác của mảnh khăn – chỗ chỉ có hai lớp vải. Ở phần hai lớp vải của khăn có một vết rách vải không hoàn toàn, hình vuông, mỗi cạnh 2,5cm. Bốn “cạnh” của hình vuông hình thành do các sợi vải đứt không đồng đều, có sợi đứt hẳn, có sợi đứt dở dang. Đặc biệt, trên một “cạnh” có đoạn đo được 4mm thì các sợi vải hoàn toàn không đứt…
Chấp hành Quyết định trưng cầu giám định pháp y của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, Cơ quan giám định pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Thái Bình kết luận giám định: “Trên cơ thể nạn nhân không có dấu vết do đả thương, đâm chém, rạch cắt; nguyên nhân chết do ngạt nước”. Kết luận giám định pháp y đặt ra cho cơ quan điều tra nhiều câu hỏi: Liệu có phải nạn nhân bị bức tử bằng cách buộc khối gạch lớn vào người rồi đẩy xuống sông? Tuy với một cụ già nhỏ bé chỉ cao 1m45, nhưng muốn làm được việc này thủ phạm ít nhất phải có hai tên, trong khi với một người tầm vóc nhỏ bé, yếu ớt thì hành vi bóp cổ hay siết cổ bằng dây cũng có thể dẫn đến cái chết? Những giám định viên pháp y và các cán bộ kỹ thuật hình sự khám nghiệm đều khẳng định hoàn toàn không có hai loại dấu vết này. Từ 30 Tết đến sau hơn một tuần, trời rét, làm thi thể biến đối chậm, nên sự khẳng định không có hai loại dấu vết này có thể tin cậy.Điểm này được thể hiện trong biên bản khám nghiệm và hoàn toàn logic với chẩn đoán pháp y chết ngạt nước vì khi xuống nước, nạn nhân phải còn sống, mới hít nước vào phổi, người chết đương nhiên không thể hít thở được? Có hay không việc nạn nhân tự buộc gạch vào người rồi xuống sông để quyên sinh, tình huống này có thể xảy ra ở những người mắc bệnh trầm cảm tuổi già với nhiều hoang tưởng tội lỗi bản thân nặng nề, nhưng khối gạch vữa kia ở đâu và cụ C có khuân nổi một vật nặng 35kg? Kết quả điều tra đã loại bỏ giả thiết thứ hai, vì cụ C không có bệnh tâm thần; khối gạch vữa được làm rõ là ở cầu ao nhà ông H. ở xóm sát bờ sông, cách nơi phát hiện tử thi cụ C khoảng hơn 100m; đây là một cục móng nhà cấp bốn của trường tiểu học gần đó, khi phá dỡ để xây trường học cao tầng, ông H đã đem về bắc cầu ao. Với sức khỏe của cụ C thì không thể mang vật nặng đi xa như vậy?Thông tin càng trở lên “rối” khi vết rách trên chiếc khăn mỏ quạ của nạn nhân “lên tiếng”. Sau khi rửa sạch phù sa và chất bẩn bám trên vải, nhưng không làm biến đổi vết rách và sợi vải, rồi nghiên cứu dưới kính hiển vi chiếu xiên tại phòng thí nghiệm, các cán bộ kỹ thuật hình sự công an tỉnh thấy chiếc khăn cũ, vải đã sờn và đặc biệt họ khẳng định đây là vết rách mới được tạo ra. Vết rách vải hình vuông mỗi cạnh 2,5 cm làm những người có kinh nghiệm về dấu vết liên tưởng đến tác động của một chiếc búa đinh mà bốn cạnh còn sắc nét đánh lên đầu nạn nhân, làm đứt rách không hoàn toàn các sợi vải. Phải chăng cụ C bị đánh bằng búa vào đầu, rồi hung thủ buộc gạch nặng vào người, lăn xuống sông để phi tang tội ác – một thủ đoạn thông thường mà tội phạm vẫn thường dùng, bởi chúng cho rằng, với những vật nặng sẽ làm tử thi sẽ không nổi lên được. Nhưng giả thiết này lại mâu thuẫn với kết luận giám định pháp y là “cơ thể nạn nhân không có dấu vết do đả thương, đâm chém, rạch cắt”; mặt khác, một cụ già nhỏ bé như vậy bị đánh bằng búa vào đầu liệu có còn sống hay không để khi bị đẩy xuống nước còn thở nên hít nước vào phổi dẫn đến chết ngạt?
Tài liệu điều tra cho thấy cụ C sống độc thân, vì cụ ông mất đã lâu. Cụ có một người con trai ngoài 40 tuổi, làm nghề bảo dưỡng đường bộ ở Sở Giao thông tỉnh Yên Bái. Anh này đã có gia đình riêng ở cùng xóm với cụ. Việc cụ ở riêng là do quan niệm không muốn vướng bận con cái, dù các con đã nhiều lần mời mẹ về ở cùng, nhưng cụ không nghe. Chiều mồng 3 Tết, anh con trai mời mẹ sang nhà mình hóa vàng tiễn gia tiên về trời để mồng 4 tốt ngày anh lên cơ quan. Cỗ bàn xong, trời cũng sâm sẩm tối, cụ C bảo: Thôi để mẹ về bên nhà đóng cửa chuồng gà, không chốc nữa tối chẳng biết đâu mà lần!… Cũng vì sống độc thân, nên không ai hay biết chuyện gì đã xảy ra, chỉ đến khi phát hiện cụ chết nổi dưới sông, thì cả làng mới bùi ngùi thương xót, rồi lời này, ý kia rằng nếu cụ ở với con cháu thì đâu đến nỗi… Cụ C còn có một người con nuôi khác là ông T, 50 tuổi, có gia thất riêng ở một xóm khác cùng xã, nhưng vừa qua đời vì ung thư phổi, mới chôn cất được vài ngày. Vùng quê này cũng như nhiều nơi khác có lệ đánh bài bạc ở nhà đám, vừa là để cho đỡ trống vắng nhà, vừa là trông coi giúp gia chủ vào ban đêm và thường đánh thâu đêm suốt sáng; đánh từ lúc dựng rạp thông đến khi xong việc mấy ngày. Có vài người hàng xóm và cả người nhà nhớ lại khoảng 9 giờ tối một hôm, họ đang ngồì trong chiếu bạc, thì thấy thằng Thường, 17 tuổi, con trai ông T. không biết đi đâu về, nó không vào trong nhà mà đứng ngoài sân vẫy thằng K bạn thân bằng tuổi nó (đang ngồi chầu rìa bên chiếu bạc) ra ngoài, rồi hai đứa đi đâu không rõ. Qua ánh điện hắt từ trong nhà ra ngoài sân, thấy trên vai áo và ngực áo thằng Thường có dính chất màu đỏ, người thì bảo giống màu máu, người thì bảo giống màu nước quết trầu của mấy cụ bà ăn trầu vỏ. Một nguồn tin khác do nhiều người cung cấp nói rằng, từ hôm phát hiện xác cụ C nổi ngoài sông, công an về khám nghiệm, mổ tử thi, thì không nhìn thấy Thường trong làng nữa? Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình triệu tập K đến làm việc. Khi hỏi Thường đi đâu, K khai không biết, nó không nói gì với cháu! Sắc mặt K tỏ ra bình thản.Cũng có thể Thường không nói cho K biết là đi đâu.Để xác minh nơi Thường đến vẫn còn có cách khác. Tuy nhiên, khi cán bộ điều tra hỏi đến việc tối hôm sau ngày chôn cất ông T, Thường đi đâu về vẫy K đang ngồi chầu rìa chiếu bạc ra ngoài, thì hai người đi đâu, liền thấy mặt K biến sắc. Ngập ngừng một thoáng K nói: “Nó rủ cháu đi ống nước”, giọng K lạc hẳn đi, vì thế nói “uống” thành ra “ống”. Thấy tinh thần đối tượng có biến loạn, cán bộ điều tra liền tăng áp lực: Lạ nhỉ, từ khi phát hiện xác cụ C thì thằng Thường biến mất, thằng này không nghề không nghiệp đi đâu nhỉ, bảo có nghề ngỗng thì còn đi làm ăn, đằng này… K im lặng không nói gì!? Cán bộ điều tra nhẹ nhàng thuyết phục: Nếu chẳng may cháu có làm điều gì dại dột, cứ mạnh dạn khai báo để được giảm nhẹ tội hoặc nếu biết ai phạm tội cứ khai ra, nếu không cháu sẽ mắc tội che giấu tội phạm. Nếu điều tra được đúng là cháu che giấu tội phạm, thì tội này cũng phải đi tù đấy. Nét mặt K tái hẳn… Có lẽ là một thanh niên nông thôn mới lớn, K không hiểu biết luật pháp, nên khi biết rồi, thì sợ… Sau một lúc suy nghĩ có vẻ căng thẳng lắm, K xin khai: Tối hôm đó, khi thằng Thường vẫy cháu ngoài, nó bảo đi với tao một lúc. Cháu bảo đi đâu?Thằng Thường nói là đi hộ tao việc này, mày cứ đến chỗ tao cần nhờ thì sẽ rõ, tao sẽ nói.Nó dẫn cháu ra bãi tha ma cạnh sông Cầu Lai, thì cháu nhìn thấy mờ mờ như có người nằm trên đám cỏ. Thằng Thường nói: Tao đập chết bà ấy rồi! Cháu giật mình sợ hãi, buột miệng hỏi theo phản xạ: Bà nào? Nó nói: Bà C. Cháu nói: Chết rồi, sao mày đập bà ấy? Thằng Thường nói: Tao lấy vàng! Cụ C ky cóp được sáu chỉ vàng thì cả làng đều biết vì đi đâu cụ cũng khoe. Thằng Thường là cháu nuôi, thường qua lại nhà cụ, nên chắc nó biết chỗ cụ giấu vàng. Cháu rất sợ hãi nên bảo nó: Mặc kệ mày, tao về đây! Nó nài nỉ: Mày phải giúp tao, tao chót rồi, mày là thằng thân nhất với tao, mày không giúp thì tao làm sao bây giờ. Giờ mày đi kiếm cho tao một sợi dây thừng, tao biết chỗ có tảng gạch, tao đi vác về, buộc vào bà ấy rồi đẩy xuống sông thì không nổi lên được đâu. Lúc ấy tự nhiên cháu lại thấy thương nó, vì nó với cháu rất thân nhau, nên đã làm theo lời nó. Khi cháu về nhà mình lấy dây thừng đem đến nghĩa địa, thì nó đã vác từ đâu về một tảng gạch rất to.Cháu và nó buộc dây thừng vào tảng gạch rồi buộc vào ngang lưng cụ C và đẩy xuống sông.Cháu cũng nghĩ rằng tảng gạch to như thế thì cụ C sẽ không nổi lên được. Nhưng từ lúc đó trở đi cháu luôn luôn bồn chồn, lo sợ sẽ xảy ra một điều khủng khiếp, ăn không biết ngon, ngủ thì ác mộng bị rắn đuổi, chó becgiê đuổi… Cán bộ điều tra hỏi K có nghe thằng Thường nói đập bằng cái gì và vào chỗ nào trên người cụ C thì K nói không biết!? Phần quan trọng nhất trong tình tiết vụ án đã sáng tỏ: Cụ C bị đánh, nhưng hung khí thuộc loại nào và tác động vào đâu trên cơ thể nạn nhân thì chưa rõ nhưng rõ ràng là mâu thuẫn với kết luận giám định pháp y. Vì thế, vết rách trên chiếc khăn mỏ quạ trở thành đối tượng nghi vấn có trọng lượng nhất về loại hung khí đã tạo ra nó, bởi trường hợp này lời khai của kẻ tiếp tay cho hung thủ được cơ quan điều tra đánh giá là trung thực.
Kết thúc buổi làm việc, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và Công an tỉnh Thái Bình có cùng quan điểm phải khai quật tử thi, giám định lại mới có thể làm sáng tỏ hoàn toàn những mâu thuẫn về dấu vết của vụ việc và đó cũng chính là chìa khóa để mở ra hướng đi đúng. Ngày hôm sau, thực hiện quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, tử thi cụ C được khai quật và giám định… Sau 7 ngày chôn cất trong điều kiện thời tiết lạnh, nên tử thi cụ C hầu như chưa biến dạng do phân hủy. Ngoài những đường mổ do pháp y Sở Y tế Thái Bình mổ trước, phát hiện thấy da vùng đỉnh đầu trái của nạn nhân có vết đen xạm mờ; sát vết này là một vết rách da sâu đến tận xương sọ, hình chữ L mà góc “chữ” hướng về phía trán, nhánh dài của vết rách da đo được 2,3cm, nhánh ngắn là 2cm, góc và mép vết rách da không gọn; vùng da rách có màu xám khác với màu sắc những vùng da lành khác. Phẫu tích da đầu để bộc lộ hoàn toàn xương vòm sọ thấy xương đỉnh trái có vết vỡ lún dạng ba cạnh đo được 3,2cm, 2,8cm và 2,5cm. Diện xương vỡ lún gồm các mảnh xương vỡ nhỏ chưa rời hẳn nhau (vỡ xương không hoàn toàn – TG) theo kiểu bậc thang, chỗ lún sâu nhất đo được 0,7cm. Khe giữa các mảnh xương vỡ còn kẹt lại mấy sợi tóc ngắn.Mặt trong diện lún vỡ có một mảnh xương nhọn chọc thủng màng cứng não.Toàn bộ mô não bán cầu đại não trái có màu nâu (khác hẳn với màu trắng xám của bán cầu đại não phải). Đây là máu chảy bên trong màng cứng não và trong mô não (do mảnh xương vỡ đâm vào) đã biến đổi thành màu nâu do quá trình phân hủy. Ngoài ra, mặt ngoài màng cứng não trái tương ứng với vùng xương vỡ lún có một khối máu tụ gần tròn, đường kính 4cm (gọi là tụ máu ngoài màng cứng não – khe giữa xương sọ và mặt ngoài màng cứng não); khối máu tụ này làm biến đổi màu sắc (trở thành màu nâu) của mặt trong xương sọ và mặt ngoài màng cứng não vùng xương vỡ lún. Sự không logic của kết luận giám định pháp y lần đầu bộc lộ từ kết quả phát hiện những tổn thương sọ não, bởi phải nghi vấn rằng: Với vết thương sọ não hở trầm trọng như vậy, gồm cả vỡ xương sọ, rách màng cứng não, tụ máu ngoài màng cứng não, chảy máu rất rộng trong chất não bán cầu não trái ở một người già yếu, tầm vóc nhỏ bé, sẽ chết ngay vì sốc chấn thương, nên khi bị hung thủ đẩy xuống nước sẽ không còn thở nữa!? Vậy thì kết luận nguyên nhân chết là ngạt nước phải được xem xét lại, phải tìm được dấu vết của dị vật (nước, bùn đất…) trong đường thở.Kiểm tra toàn diện cơ thể, đặc biệt là hệ thống đường thở từ mũi, miệng, khí quản, phế quản đều không thấy có nước, cát hay những dị vật khác. Trong những ngày Tết, nước sông Cầu Lai đỏ đậm phù sa, nếu nạn nhân hít nước vào đường thở thì hệ thống này chắc phải có nước màu phù sa và cát. Dấu vết âm tính trong đường thở cho phép loại trừ nguyên nhân chết ngạt nước của kết luận giám định pháp y lần đầu, vì hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Đây là một trường hợp đẩy xác chết xuống nước, không phải chết do ngạt nước.
Dựa trên đặc điểm thương tích, các giám định viên pháp y Bộ Công an xác định hung khí thuộc nhóm vật tày rất cứng có cạnh; diện tiếp xúc với đỉnh đầu nạn nhân có dạng phẳng; số lần tác động (đánh) là một lần; cường độ lực tác động mạnh; khi đánh thủ phạm ở phia sau nạn nhân (gọi là tương quan vị trí giữa thủ phạm và nạn nhân). Có thể giải thích như sau: Do cấu tạo xương đỉnh (vòm) sọ người có ba lớp, lớp ngoài và trong là xương cứng, giữa hai lớp này là xương xốp; lại do cấu trúc hình vòm cong, nên một vật có bề mặt phẳng tác động (đánh) vào theo chiều từ trên xuống dưới với một lực mạnh hay vừa phải thường tạo ra kiểu lún xương hình bậc thang mà các loại xương khác không có dạng tổn thương này (do khác đặc điểm cấu tạo). Mặt khác, vết rách da ở đỉnh đầu trái nạn nhân có đặc điểm bờ mép và góc không gọn chính là đặc điểm thương tích do vật tày gây ra. Nhận định này cùng với vết rách vải trên chiếc khăn mỏ quạ của cụ C càng làm cho búa đinh trở thành “nghi can” số một. Chỉ có điều vì sao trên một “cạnh” của vết rách vải hình vuông lại có đoạn dài 4mm mà các sợi vải hoàn toàn lành lặn thì chưa ai giải thích được?
Sau nhiều công sức dò tìm tung tích tên Thường, thằng cháu nuôi bất nghĩa bị bắt ở Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, tên Thường đã khai và diễn lại hành vi phạm tội: Tối mồng 3 Tết, nó đến nhà bà nuôi nói dối là người lớn sai nó mời bà sang nhà để bàn việc… Khi đến đoạn đồng vắng cách giữa hai xóm, nó từ phía sau rút chiếc búa đinh giắt trong người đập mạnh vào đầu bà nuôi.Cụ C gục ngay tại chỗ. Nó vác cụ đến nghĩa địa cạnh sông Cầu Lai cách đó khoảng hơn trăm mét. Vì thế, màu đỏ trên vai và ngực áo nó mà những người ngồi trong chiếu bạc nhìn thấy chính là máu… Trên đường về nhà để gọi bạn, nó vứt chiếc búa vào bụi rậm… Tên Thường chỉ chỗ vứt búa. Nhặt búa lên, cán bộ kỹ thuật hình sự tức thì lật mặt búa như một phản xạ tự nhiên, trong tất cả ánh mắt đổ dồn của mọi người: Các cạnh của chiếc búa còn rất gọn. Một hơi thở dài bật ra sau kìm nén, bởi hung khí gây án đã được nhận định đúng… Còn đoạn “sợi vải lành lặn” 4mm kia cũng ngay lập tức được giải thích: Trên một cạnh của mặt búa có một vết sứt dài 4mm, không rõ vì sao?
Tên Thường vì hai tội danh, nên phải chịu mức án tử hình, không làm cho những người tham gia giải quyết vụ án băn khoăn nhiều về chuyện nhân tình thế thái. Một vụ giết người, buộc xác vào vật nặng đẩy xuống nước để che giấu tội ác đã được chứng minh bằng sự logic của dấu vết, nhưng để lại một vết gợn lớn. Xưa nay đã có biết bao lần phá án thất bại bởi sự cẩu thả của con người và lần này cũng vậy. Gám định viên pháp y giám định lần đầu đã bỏ qua dấu vết thương tích ở vùng đầu của nạn nhân, trong khi dấu vết này quyết định bản chất của vụ án về hai vấn đề mấu chốt: Khi bị đẩy xuống nước, nạn nhân còn sống hay đã chết và hung khí gây án là loại vật gì? Sai lầm khi giám định pháp y lần đầu có nguyên nhân là sự bàng quan với tất cả các dấu vết của vụ án: Ở một hiện trường cách xa làng mạc, phát hiện tử thi dưới nước nhưng bị buộc vào vật nặng, rõ ràng là dấu hiệu không bình thường nhưng lại không đặt ra những tình huống từ dấu hiệu bất bình thường đó, khi mà thực tế có không ít những trường hợp giết người vứt xác xuống nước để làm như nạn nhân chết ngạt nước. Vết rách trên chiếc khăn mỏ quạ của nạn nhân rất không bình thường, vì nó không giống như những vết rách vải khác do vải đã quá cũ nát hoặc bị móc vào đinh hay vật nhọn nào đó… Vì không nhận thấy đặc điểm bất bình thường của vết rách và không có nhận thức về mối liên hệ từ vết rách với cơ thể, nên đã khám xét quá cẩu thả, bỏ qua thương tích vùng đầu. Nếu dấu vết thương tích này được phát hiện khi khám nghiệm và giám định pháp y tử thi lần đầu thì vụ việc sẽ rất đơn giản với đúng bản chất của nó: Có nhiều tổn thương sọ não trầm trọng như vậy khi xuống nước, nạn nhân đã ngừng thở và giám định viên pháp y hoàn toàn có thể chẩn đoán đúng nguyên nhân chết cũng như xác định rằng đây là một trường hợp xác chết bị đẩy xuống nước. Chẩn đoán pháp y “chết ngạt nước” làm cho những người am hiểu lĩnh vực này băn khoăn nhất vì hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Bởi trường hợp này tử thi hầu như chưa phân hủy, việc chẩn đoán chết ngạt nước khá đơn giản, chỉ cần thấy có nước trong khí, phế quản và dịch bọt trong mô phổi. Với ngạt nước nói chung, đôi khi nạn nhân chết khi gặp nước lạnh đột ngột; hoảng sợ khi bị lút quá sâu xuống nước… do xuất hiện phản xạ ức chế trung tâm chỉ huy tuần hoàn và hô hấp ở hành não dẫn dến ngừng thở nên trong đường thở không có nước. Tuy nhiên, trường hợp này không có bất kỳ nguyên nhân nào dẫn dến chết do phản xạ mà y văn đã mô tả, trong khi hiện trường vụ việc rất không bình thường vì xác được buộc vào vật nặng. Có lẽ chỉ còn một hướng có thể nhận định đó là sự thiếu trách nhiệm và cách làm việc thiếu khoa học khi giám định.
Trong khoa học điều tra hình sự, dấu vết vật chất luôn là “người chỉ đường” tin cậy nhất, nếu ta tôn trọng chúng và nắm vững quy luật tồn tại, tác động cũng như biến đổi của chúng.
Nguyễn Văn
Tham khảo thêm:
- Bàn về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử
- Nâng cao vai trò của Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử
- Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp
- Báo cáo thống kê thi hành án dân sự – Một số vấn đề từ thực tiễn
- Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ”
- Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự
- Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự
- Lợi ích, khó khăn và một số kiến nghị cho Việt Nam trong quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN
- Cần xây dựng pháp luật về chuyển đổi giới tính trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực
- Những điểm mới cơ bản trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương