Tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục xuất khẩu gạo

Câu hỏi: Tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục xuất khẩu gạo

Xin được các Luật sư hướng dẫn, tôi là nông dân tại Sóc Trăng, chỗ tôi có rất nhiều lúa gạo, hiện tại đều do các công ty trung gian thu mua rồi bán lại hoặc xuất khẩu, họ thu mua với giá khá rẻ lại còn đặt nhiều điều kiện với chúng tôi làm chúng tôi lời rất ít, làm quanh năm vẫn không cải thiện được kinh tế, nên nay chúng tôi muốn hùn nhau lại lập 1 công ty hay một hội nhỏ để trực tiếp thu mua lúa gạo của bà con và xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho bà con, mong luật sư hướng dẫn các tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục xuất khẩu gạo.


Tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục xuất khẩu gạo
Tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục xuất khẩu gạo

Luật sư Tư vấn Tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục xuất khẩu gạo – Gọi 1900.0191

Công ty Luật LVN

Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.

Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1. Thời điểm sự kiện pháp lý

Ngày 22 tháng 08 năm 2017

2. Cơ sở pháp lý

– Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 Về kinh doanh xuất khẩu gạo

– Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2010 Quy định chi tiết một số điều của nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo

– Luật Hải quan 2014

– Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 1 năm 2015 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan

3. Luật sư trả lời

Các đối tượng có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo theo điều 3 Nghị định 109/2010/NĐ-CP bao gồm:

– Thương nhân Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

– Thương nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên.

Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại điều 4 như sau:

“Điều 4. Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

1. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

b) Có ít nhất 01 (một) kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 (năm nghìn) tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

c) Có ít nhất 01 (một) cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

2. Kho chứa, cơ sở xay, xát quy định tại Điều này phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.”

Để có thể xuất khẩu gạo ra nước ngoài, doanh nghiệp cần trải qua hai thủ tục chính: thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và thủ tục hải quan.

Nhằm mục đích đảm bảo sự quản lý về xuất khẩu và góp phần ổn định thị trường lúa gạo trong nước, Nhà nước quy định các doanh nghiệp cần phải đăng ký tất cả các hợp đồng xuất khẩu gạo mình đã ký với Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Thương nhân có Giấy chứng nhận cần đáp ứng các tiêu chí sau để được đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo (khoản 1 điều 18 Nghị định 109/2010/NĐ-CP):

+Hợp đồng xuất khẩu có giá xuất khẩu không thấp hơn giá sàn gạo xuất khẩu được công bố theo quy định của pháp luật.

+Có sẵn lượng gạo ít nhất bằng 50% (năm mươi phần trăm) lượng gạo trong hợp đồng xuất khẩu đăng ký, không bao gồm lượng gạo thường xuyên phải có để duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định của pháp luật.

+Phù hợp với quy định về hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung do Bộ Công thương ban hành theo quy định của pháp luật.

Thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo cụ thể như sau:

1. Nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Trường hợp có lý do chính đáng, thời hạn này được kéo dài thêm nhưng không quá 10 ngày làm việc. Hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại điều 3 Thông tư 44/2010/TT-BTC bao gồm:

– Văn bản đề nghị đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

– Bản chính hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết.

– Bản chính báo cáo lượng thóc, gạo có sẵn, trong đó nêu rõ tổng lượng thóc, gạo thương nhân có sẵn trong kho; địa chỉ cụ thể và lượng thóc gạo có trong mỗi kho chứa thóc, gạo của thương nhân.

– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo còn hiệu lực, khi đăng ký hợp đồng lần đầu.

*Những thương nhân đáp ứng đủ tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo khi mua thóc, gạo trực tiếp từ người sản xuất lúa thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản theo chính sách hiện hành của Nhà nước thì được ưu tiên đăng ký trước hợp đồng (khoản 2 Điều 18 Nghị định 109/2010/NĐ-CP), tuy nhiên thương nhân cần nộp thêm các văn bản sau:

– Văn bản đề nghị ưu tiên

– Báo cáo tổng hợp việc mua thóc, gạo trực tiếp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản ký với người sản xuất kèm theo các chứng từ liên quan để chứng minh

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ của thương nhân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có trách nhiệm đăng ký hợp đồng xuất khẩu của thương nhân theo đúng quy định của Bộ Công thương nếu thương nhân đáp ứng đủ các tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

*Trường hợp không chấp thuận đăng ký, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải có văn bản trả lời chậm nhất trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của thương nhân và nêu rõ lý do.

Lưu ý:

– Thương nhân phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin nội dung hợp đồng đã đăng ký; chỉ được thực hiện giao hàng sau khi hợp đồng đã được đăng ký theo quy định; xuất trình hợp đồng xuất khẩu đã được đăng ký với cơ quan hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu.

– Thương nhân nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện bảo đảm (hoặc chuyển phát nhanh) đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

            Thủ tục hải quan (mục 5 chương III Nghị định 08/2015/NĐ-CP):

1. Sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo, trong thời hạnchậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh nộp hồ sơ hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan(điều 24 Luật Hải quan), hồ sơ gồm:

– Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Chú ý, tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.

– Chứng từ có liên quan.

2. Cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa.

3. Nộp lệ phí hải quan, hoàn thành thủ tục hải quan.

      Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN


 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com