Chưa đủ tuổi kết hôn thì trách nhiệm với con chung như thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Chưa đủ tuổi kết hôn thì trách nhiệm với con chung như thế nào

Dạ cháu sinh năm 2001 năm nay 17 tuổi và chồng cháu sinh năm 1999 năm nay 19 tuổi. Chúng cháu lấy nhau từ tháng 2/2018 và vì chưa đủ tuổi nên không có giấy đăng kí kết hôn. Bọn cháu kết hôn khi cháu mang bầu 4 tháng. Lấy nhau được 2 ngày cháu bị chồng đánh đập chửi bới (lúc đó cháu mang bầu 4 tháng) và đến khi cháu có bầu 7 tháng cháu tiếp tục bị anh ta đánh đập. Lần đó cháu nghĩ là sẽ bỏ qua và tiếp tục sống. Nhưng đến giờ cháu sinh em bé được gần 2 tháng anh ta cũng luôn mồm chửi bới riếc móc và luôn mồm đuổi cháu ra khỏi nhà. Anh ta không chịu đi làm và chơi bơi cờ bạc nợ rất nhiều tiền. Hầu như chi phí trong nhà đều mẹ chồng lo hết. Dạ bây giờ mà chúng cháu bỏ nhau liệu ra pháp luật anh ta có phải chịu trách nhiệm với con khi cả 2 đều chưa đủ tuổi kết hôn không ạ?


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 16/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ giữa cha mẹ và con

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

3./ Luật sư trả lời Chưa đủ tuổi kết hôn thì trách nhiệm với con chung như thế nào

Quyền cũng như nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con là ngang nhau và không bị ảnh hưởng bởi sự kiện đăng ký kết hôn giữa cha và mẹ của đứa nhỏ. Quan hệ cha, mẹ , con được xác định theo thông tin được ghi nhận trong Giấy khai sinh của đứa trẻ. Khi người cha thực tế của đứa trẻ được ghi nhận trên Giấy khai sinh của đứa trẻ, người này có các nghĩa vụ sau:

Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1.Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a)Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; …

Thì cả hai bạn đều không đủ tuổi kết hôn, do đó, việc chung sống của hai bạn được coi là việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Đến hiện tại, hai bạn vẫn chưa đáp ứng được điều kiện về tuổi kết hôn nên việc công nhận quan hệ vợ, chồng là không được đặt ra.

Căn cứ Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Về mặt pháp lý, một người chỉ được công nhận là cha đẻ của đứa trẻ nếu thông tin về người này được ghi nhận tại phần thông tin của cha trong Giấy khai sinh của đứa trẻ, hoặc có quyết định công nhận quan hệ cha con của Tòa án khi một trong hai bên yêu cầu nhận cha/con.

Căn cứ Khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 68.Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

… 2.Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. ….

Theo đó, mặc dù hai bạn không đăng ký kết hôn, việc chung sống được thực hiện khi cả hai bạn không đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo pháp luật quy định. Con của bạn vẫn có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với hai bạn. quyền của con bạn đồng thời là nghĩa vụ của hai bạn.

Căn cứ Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

1.Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2.Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3.Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4.Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, sự việc chỉ được đặt ra khi bạn chứng minh được mối quan hệ cha- con này. Người cha sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi người này không phải người trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ. Bạn có quyền yêu cầu cha của đứa trẻ cấp dưỡng cho đứa trẻ theo quy định. Nếu bên kia không đồng ý, bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp trên theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, cha của đứa trẻ vẫn sẽ có những quyền và nghĩa vụ như khi hai bạn có đăng ký kết hôn trong mối quan hệ cha- con. Khi hai bên không còn tiếp tục chung sống với nhau nữa và bạn là người trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ. Bạn có quyền yêu cầu bên kia trợ cấp cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ theo quy định như bình thường.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com