Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Chủ hộ không cho mượn sổ hộ khẩu bản chính thì làm thế nào
Con em năm nay vào lớp 1, em và chồng em kết hôn năm 2010, nhưng đã ly thân từ năm 2016, hiện hộ khẩu em vẫn để ở nhà chồng và chưa thay đổi, em muốn lấy hộ khẩu để làm thủ tục nhập học cho con nhưng hắn không giao sổ và còn có nhiều cách hành xử vô văn hóa, em được biết hắn đã có người khác và hình như cũng có con riêng, em không muốn liên quan gì đến hắn nữa và sẽ tiến hành thủ tục ly hôn, nhưng trước mắt em muốn hắn giao sổ bản chính để em làm thủ tục nhập học cho con thì có được không, có cách nào pháp luật can thiệp không?
Luật sư Tư vấn Luật Cư trú – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 11 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Mượn sổ hộ khẩu để thực hiện thủ tục nhập học
- Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường tiểu học
- Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP.
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
3./ Luật sư tư vấn
Học tập là một trong những quyền và nghĩa vụ của học sinh, của công dân Việt Nam mà không ai được ngăn cản. Khi bố, mẹ nộp hồ sơ xin nhập học lớp 1 cho con thì thường phải có bản sao Sổ hộ khẩu với những đối tượng thường trú tại khu vực có trường học. Tuy nhiên, bản sao sổ hộ khẩu không phải là bắt buộc trong hồ sơ nhập học và việc được chủ hộ tạo điều kiện thực hiện các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu cũng được pháp luật quy định là một trong những trách nhiệm mà chủ hộ phải thực hiện.
Căn cứ Điều 42 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT quy định về quyền của học sinh:
“1.Được học ở một trường, lớp hoặc cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học tại nơi cư trú; được chọn trường ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.
2.Được học vượt lớp, học lưu ban; được xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học theo quy định.
3.Được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.
4.Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được chăm sóc và giáo dục hoà nhập (đối với học sinh khuyết tật) theo quy định.
5.Được nhận học bổng và được hưởng chính sách xã hội theo quy định.
6.Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, mọi học sinh đều có quyền đi học, lựa chọn trường tiểu học không nhất thiết phải ở nơi thường trú, một cá nhân hoàn toàn có thể lựa chọn trường học ở ngoài nơi thường trú để con họ theo học. Nên, việc không có hộ khẩu thường trú không phải là việc làm cho con bạn không thể đi học lớp 1. Tuy nhiên, thường thì các trường sẽ có những ưu tiên cho những trẻ có hộ khẩu thường trú, hay trẻ của những gia đình thuộc diện khó khăn,… tùy thuộc vào quy chế tuyển sinh của từng trường, thường thì khi ưu tiên hết những học sinh có hộ khẩu đăng ký thường trú tại nơi có trường học thì sẽ xét đến học sinh không có hộ khẩu thường trú. Nhưng điều này chỉ ở phạm vi “ưu tiên”, không đồng nghĩa với việc không có hộ khẩu thường trú thì không được nhập học.
Còn về việc chủ hộ không cho mượn sổ hộ khẩu bản chính thì pháp luật có quy định “người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật” tại Khoản 8 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA.
Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về “Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú”:
“1.Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a)Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b)Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c)Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.”
Theo đó, hành vi không đưa sổ hộ khẩu bản chính cho bạn để bạn làm hồ sơ nhập học cho con của người chồng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng tùy theo mức độ khi hành vi này cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Bạn có thể làm đơn gửi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu can thiệp.
Tóm lại, trong tình huống của bạn thì bạn vẫn có thể cho con nhập học lớp 1 mà không cần có sổ hộ khẩu trong hồ sơ, tuy nhiên, nếu cần, bạn vẫn có thể yêu cầu người chồng cho mượn sổ hộ khẩu để bạn làm các thủ tục theo quy định của pháp luật và nếu người chồng không đưa thì bạn có thể yêu cầu các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Mức phạt đối với hành vi này của chồng bạn là phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Với những tư vấn về câu hỏi Chủ hộ không cho mượn sổ hộ khẩu bản chính thì làm thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.