Quỹ đại chúng và quỹ thành viên là gì, quy định xoay quanh

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Quỹ đại chúng và quỹ thành viên là gì, quy định xoay quanh


Luật sư Tư vấn Luật Chứng khoán – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 13 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Quỹ đại chúng và quỹ thành viên là gì, quy định liên quan

  • Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010)
  • Thông tư số 224/2012/TT-BTC ngày 26/12/2012 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ thành viên.

3./ Luật sư tư vấn

Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Quỹ đầu tư này bao gồm quỹ đại chúng và quỹ thành viên, vậy, quỹ đại chúng và quỹ thành viên là gì và chúng được quy định ra sao trong các văn bản pháp luật hiện hành? Sau đây là phần tìm hiểu về quỹ đại chúng và quỹ thành viên.

Theo quy định tại Điều 82 Luật chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm quỹ đại chúng và quỹ thành viên, trong đó, quỹ đại chúng lại được chia thành quỹ mở và quỹ đóng.

Đầu tiên là về quỹ đại chúng. Quỹ đại chúng là loại quỹ đầu tư chứng khoán được chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng (Khoản 28 Điều 6 Luật chứng khoán) và thường không bị pháp luật giới hạn về số lượng nhà đầu tư tối đa vào quỹ. Tuy nhiên, do số lượng các nhà đầu tư lớn nên quỹ đại chúng có nhiều giới hạn đầu tư do pháp luật quy định nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn các nhà đầu tư vào quỹ. Trong đó, quỹ đóng (hay Quỹ đại chúng dạng đóng) là loại quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư, tức là quỹ sẽ không có nghĩa vụ mua lại chứng chỉ được phát hành ra công chúng theo yêu cầu của nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư chỉ có thể thu hồi số vốn đầu tư bằng cách chuyển nhượng chứng chỉ quỹ đầu tư cho nhà đầu tư khác trên thị trường chứng khoán. Còn quỹ mở (hay Quỹ đại chúng dạng mở) là loại quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đầu tư đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Loại quỹ này có số vốn và số thành viên luôn biến động, nên thường chỉ xuất hiện ở những quốc gia có nền kinh tế và thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Nhật Bản v.v..

-Thành lập quỹ đầu tư đại chúng theo quy định tại Điều 83 Luật Chứng khoán, cụ thể:

+Việc huy động vốn của quỹ đại chúng được công ty quản lý quỹ thực hiện trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày Giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng có hiệu lực. Quỹ đại chúng được thành lập nếu có ít nhất một trăm nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất là năm mươi tỷ đồng Việt Nam. Trường hợp việc huy động vốn của quỹ đại chúng không đáp ứng được điều kiện trên thì công ty quản lý quỹ phải hoàn trả cho nhà đầu tư mọi khoản tiền đã đóng góp trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc việc huy động vốn. Công ty quản lý quỹ phải chịu mọi phí tổn và nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc huy động vốn.

+Toàn bộ vốn góp của nhà đầu tư phải được phong tỏa tại một tài khoản riêng đặt dưới sự kiểm soát của ngân hàng giám sát và không được sử dụng cho đến khi hoàn tất đợt huy động vốn. Công ty quản lý quỹ phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả huy động vốn có xác nhận của ngân hàng giám sát trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày kết thúc việc huy động vốn.

Việc thành lập quỹ thành viên do công ty quản lý quỹ thực hiện theo quy định và phải báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

-Ban đại diện quỹ đại chúng đại diện cho quyền lợi của nhà đầu tư, do Đại hội nhà đầu tư bầu. Quyền và nghĩa vụ của Ban đại diện quỹ đại chúng được quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán.

+Quyết định của Ban đại diện quỹ đại chúng được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán. Mỗi thành viên Ban đại diện quỹ đại chúng có một phiếu biểu quyết.

+Ban đại diện quỹ đại chúng có từ ba đến mười một thành viên, trong đó có ít nhất hai phần ba số thành viên Ban đại diện quỹ là thành viên độc lập, không phải là người có liên quan của công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát.

+Nhiệm kỳ, tiêu chuẩn, số lượng thành viên, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm và bãi nhiệm, bổ sung thành viên Ban đại diện quỹ, Chủ tịch Ban đại diện quỹ, điều kiện, thể thức họp và thông qua quyết định của Ban đại diện quỹ được quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán.

-Hạn chế của quỹ đầu tư đại chúng:

+Quỹ đại chúng có số lượng nhà đầu tư tham gia lớn nên có thể gây ảnh hưởng đến giá trị của quỹ vì hai nguyên nhân:

+Việc mua bán chứng chỉ quỹ diễn ra liên tục và do đó, có thể làm ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến hình ảnh của quỹ.

+Đối với quỹ đại chúng dạng mở, việc số lượng nhà đầu tư và giá trị ròng của quỹ luôn biến đổi có thể làm sai lệch các biện pháp đầu tư hoặc vi phạm các giới hạn tài chính do pháp luật quy định

+Quỹ đại chúng thường chịu sự giám sát khá chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước trên quan điểm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ. Pháp luật thường có những yêu cầu đối với quỹ đại chúng cao hơn so với quỹ thành viên.

Quỹ thành viên, theo quy định tại Khoản 28 Điều 6 Luật chứng khoán, là quỹ đầu tư chứng khoán được lập bằng vốn góp của một số nhà đầu tư nhất định và không phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng. Nhà đầu tư vào quỹ thành viên được gọi là thành viên góp vốn hay thành viên quỹ đầu tư. Pháp luật thường có quy định giới hạn số lượng thành viên góp vốn của Quỹ thành viên. Luật chứng khoán quy định quỹ thành viên có tối đa 30 thành viên và tất cả thành viên phải là pháp nhân. Thành viên của quỹ thông thường là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có năng lực tài chính mạnh như công ty tài chính, ngân hàng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm. Các thành viên góp vốn có quyền tham gia quản lý quỹ nhiều hơn so với nhà đầu tư trong quỹ đại chúng, đồng thời khả năng chịu đựng rủi ro cũng tốt hơn nên quỹ thành viên không chịu nhiều hạn chế đầu tư như quỹ công chúng.

-Thành lập quỹ thành viên theo quy định tại Điều 21 Thông tư 224/2012/TT-BTC: việc thành lập quỹ thành viên phải có vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng; có tối đa 30 thành viên góp vốn và chỉ bao gồm thành viên là pháp nhân trong nước, tổ chức nước ngoài do một công ty quản lý quỹ quản lý. Tài sản của quỹ được lưu ký tại một ngân hàng lưu ký độc lập với công ty quản lý quỹ.

Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định về quỹ đại chúng và quỹ thành viên như trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Quỹ đại chúng và quỹ thành viên là gì, quy định xoay quanh, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com