Những thỏa thuận không được phép ghi nhận trong hợp đồng

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Những thỏa thuận không được phép ghi nhận trong hợp đồng

Tôi đang muốn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp đường ống dẫn nước cho nhà hàng, siêu thị hải sản, tuy nhiên tôi muốn thỏa thuận thêm về một số điều kiện bảo hành và trách nhiệm sử dụng đường ống, nếu có vi phạm sẽ bắt bồi hoàn lại toàn bộ tiền, như vậy thì có được không, có được ghi nhận vào hợp đồng không?


 

Luật sư Tư vấn Luật dân sự  – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 02 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Luật thương mại 2005
  • Luật đầu tư 2014 sửa đổi bổ sung năm 2016

3./ Luật sư tư vấn

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hay hợp đồng BCC) là một loại hợp đồng dân sự, được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Vì bản chất là một hợp đồng dân sự, nên hợp đồng hợp tác kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng dân sự. Cụ thể như sau:

Căn cứ Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng dân sự có hiệu lực khi đảm bảo các điều kiện sau:

– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

– Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Đồng thời, căn cứ Khoản 1 Điều 29 Luật đầu tư 2014, sửa đổi năm 2016, các bên giao kết cần lưu ý một số nội dung của hợp đồng BCC, bao gồm:

– Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;

– Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

– Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

– Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

– Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

– Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp, được quy định tại Điều 360, 361, 418 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

“Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”

“Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”

Do đó, hai bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Nếu thỏa thuận về việc phạt vi phạm, theo Điều 301 Luật thương mại 2005, thì mức phạt vi phạm không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Về bồi thường thiệt hại, thì bên vi phạm sẽ phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm gây ra.

Trường hợp thỏa thuận phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại với nội dung “Nếu có vi phạm sẽ bắt bồi hoàn lại toàn bộ tiền” thì nội dung này hoàn toàn trái với pháp luật và sẽ bị vô hiệu khi có vi phạm, tranh chấp xảy ra.

Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện có hiệu lực nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Những thỏa thuận không được phép ghi nhận trong hợp đồng, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com