Ném chất bẩn vào nhà người khác và xông vào nhà không có sự cho phép của chủ nhà thì xử lý như thế nào

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Ném chất bẩn vào nhà người khác và xông vào nhà không có sự cho phép của chủ nhà thì xử lý như thế nào

Dạ cho con hỏi . Chị con đã có chồng và ra ở riêng . Còn con thì đang ở với bố mẹ nhà khác. Chị con có nợ tiền 1 số người. Trong khi đó con không liên quan gì đến việc chị con nợ tiền. Nhưng có 1 số đối tượng cứ đến tìm ba mẹ con để đòi tiền. Trong khi đó nhà con với ba mẹ đang ở đã chuyển nhượng lại cho 2 vợ chồng con rồi . con không liên quan gì hết nhưng có 1 số đối tượng cứ đến nhà tìm ba mẹ con. Rồi ném chất bẩn vào nhà. Hành vi đó có phải là xâm phạm nhà người khác đe dọa đến tình thần vợ chồng con không. Họ còn xông vào nhà không có sự cho phép của con rồi còn đe dọa sẽ ném chất bẩn vào nhà con nữa. Hành vi đó con có thể kiện theo trách nhiệm hình sự được không khởi tố ra toà được không. Mong giúp con với. con cảm ơn.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 23 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Xử phạt với hành vi ném chất bẩn và xông vào nhà người khác

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
  • Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

3./ Luật sư tư vấn

Hành vi vi phạm pháp luật là một dạng hành vi mà pháp luật quy định, thể hiện ở hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức không tuân thủ các nghĩa vụ do pháp luật quy định hoặc làm những điều mà pháp luật cấm dẫn đến gây thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại cho các lợi ích khác nhau. Việc xông vào nhà không có sự cho phép của chủ nhà hay đe dọa sẽ ném chất bẩn vào nhà người khác cũng là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ nghiêm trọng mà các cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp sau:

Trong trường hợp có người xông vào nhà không có sự cho phép của chủ nhà hay đe dọa sẽ ném chất bẩn vào nhà người khác tức là những người này đã có hành vi trái pháp luật để đòi tiền. Hành vi này có dấu hiệu của “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự, cụ thể:

“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1.Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 
a)Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; 
b)Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 
c)Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 
d)Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; 
đ)Tài sản là di vật, cổ vật. …”

Ngoài ra, việc bên đòi nợ xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác có thể cấu thành “tội xâm phạm chỗ ở của người khác” được quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự theo đó thì người thực hiện một hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm hoặc phạt từ 01 năm đến 05 năm khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 158 Bộ luật Hình sự.

Việc đòi nợ tuy là chính đáng tuy nhiên trong trường hợp này bên đòi nợ lại đòi sai đối tượng, bên bị đòi là bên không có nghĩa vụ trả nợ. Hơn nữa, bên đòi nợ phải dùng các biện pháp hợp pháp để đòi, còn nếu họ sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật để uy hiếp tinh thần bên vay, buộc họ phải trả tiền thì đó là hành vi trái pháp luật.

Nếu hành vi của nhóm người đó không nghiêm trọng tới mức cấu thành tội phạm thì ít nhất cũng bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng với hành vi quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP như sau:

 “Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung

… 2.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a)Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác; …”

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Do đó, bạn hoàn toàn có thể trình báo sự việc gia đình bạn bị đe dọa, quấy rối đến cơ quan chức năng để họ điều tra, làm rõ và có biện pháp xử lí thích hợp.

Như vậy, còn tùy thuộc vào mức nghiêm trọng của hành vi nhóm đòi nợ thì đầu tiên bạn có thể trình báo với cơ quan chức năng để xử lý, nếu mức độ nghiêm trọng hơn thì bạn hoàn toàn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa Án để bảo vệ bản thân và gia đình.

Với những tư vấn về câu hỏi Ném chất bẩn vào nhà người khác và xông vào nhà không có sự cho phép của chủ nhà thì xử lý như thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com