Khái niệm, đặc điểm của chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ
1. Chuẩn mực thẩm mỹ
a) Khái niệm chuẩn mực thẩm mỹ
Chuẩn mực thẩm mỹ là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi về mặt thẩm mỹ đối với hành vi xã hội của con người, tuân theo những quan điểm, quan niệm đang phổ biến, thừa nhận trong xã hội về cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái anh hùng, cái tuyệt vời, được xác lập trong các quan hệ thẩm mỹ, trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trong lối sống và sinh hoạt… của các cá nhân và các nhóm xã hội.
b) Đặc điểm của chuẩn mực thẩm mỹ
Chuẩn mực thẩm mỹ là loại chuẩn mực xã hội bất thành văn: có nghĩa là các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi đối với hành vi thẩm mỹ của con người không được ghi chép thành văn bản dưới dạng “cẩm nang” hay “đạo luật” nào đó; mà chúng tồn tại, biến đổi, phát huy tác dụng bằng con đường truyền miệng, giáo dục, thông qua xã hội hóa cá nhân và lưu truyền qua các thể hệ. Trong quá trình đó, các quan niệm, giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ được tích tụ, thẩm thấu vào trong nhận thức, kinh nghiệm của mỗi cá nhân, trở thành “khuôn mẫu hành vi” và bộc lộ thành hành vi thực tế khi con người tham gia vào các quan hệ thẩm mỹ nhất định.
Ví dụ như quan niệm về nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam được lưu truyền, tồn tại, phát huy thông qua con đường từ đời này truyền sang đời khác. Vẻ đẹp thanh cao, kín đáo trong tà áo dài truyền thống với những đức hạnh “công, dung, ngôn, hạnh” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nước Việt, để đến bây giờ, người Việt vẫn giữ những giá trị truyền thống đó làm khuôn mẫu đánh giá người phụ nữ trong các gia đình Việt.
Chuẩn mực thẩm mỹ mang tính lợi ích, gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, nghĩa là các quan điểm. Quan niệm thẩm mỹ trước tiên phải xuất phát từ chỗ, nó mang lại hoặc đáp ứng những nhu cầu, lợi ích nhất định cho cộng đồng xã hội và cá nhân. Chẳng hạn, việc xây dựng một ngôi nhà, trước khi nói đến kiểu cách, kiến trúc đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, thì cần phải tính tới nhu cầu về diện tích sử dụng (lợi ích vật chất). Hoặc một vở diễn sân khấu được dàn dựng công phu, diễn viên đẹp, thể hiện hấp dẫn…, nhưng nội dung của nó phải để lại trong lòng công chúng thưởng thức nghệ thuật những trăn trở, suy tư về hiện thực cuộc sống, tính nhân văn, ý nghĩa giáo dục (lợi ích tinh thần). Hoặc là khi chúng ta xem một bộ phim truyền hình, có những hình ảnh đẹp, dàn diễn viên sinh đẹp, cuốn hút…, nhưng nội dung bộ phim ấy lại mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn, có thể là phản ánh hiện thực hoặc là có ý nghĩa giáo dục hay hướng con người tới những cái tốt đẹp, những cái đó khiến chúng ta, suy nghĩ, lắng đọng, nhìn nhận hiện thực khách quan, đó chính là giá trị lợi ích tinh thần mà bộ phim mang lại cho chúng ta.
Chuẩn mực thẩm mỹ luôn đòi hỏi phải bảo đảm tính hài hòa, nghĩa là các quy tắc, yêu cầu về thẩm mỹ phải luôn được đặt trong mỗi tương quan hài hòa với các điều kiện, hoàn cảnh kinh tế – xã hội nhất định, hoặc phải phù hợp từng tình huống cụ thể của đời sống. Ví dụ: ăn ngon, mặc đẹp, dùng hàng hiệu là nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ tất yếu của con người và nên được đáp ứng nếu điều kiện kinh tế – xã hội nói chung, khả năng tài chính của từng gia đình, cá nhân nói riêng cho phép. Nhưng nếu một sinh viên con nhà nghèo mà lại học đòi “sành điệu” thì đó có thể là nguyên nhân làm phát sinh hành vi tiêu cực, phạm tội vì nó vi phạm tính hài hòa.
Chuẩn mực thẩm mỹ luôn mang tính khái quát (tính hình tượng). Các quan niệm, quan điểm thẩm mỹ không đơn thuần xuất phát từ ý kiến chủ quan của mỗi người, mà chúng còn phản ánh ý chí chung của nhiều người, của đa số các thành viên trong xã hội, được họ thừa nhận; tán thành và làm theo. Với đặc trưng này, chuẩn mực thẩm mỹ được coi là hình tượng, khuôn mẫu, là “tấm gương” để mỗi cá nhân tự soi mình vào đó mà điều chỉnh hành vi thẩm mỹ sao cho phù hợp với các quy tắc, yêu cầu chung trong các mối quan hệ thẩm mỹ – xã hội.
Ví dụ như xã hội đặt ra những quan điểm về cái đẹp của người phụ nữ hiện đại, đề cao nét đẹp tao nhã, độc lập của người con gái… để mỗi cá nhân lấy đó làm chuẩn mực, làm khuôn mẫu, làm “gương” cho mình soi vào, và phấn đấu cũng như điều chỉnh hành vi, cách nói chuyện, đi đứng, ăn mặc phù hợp với nó, với nét đẹp thẩm mỹ mà xã hội đề cao.
2. Chuẩn mực pháp luật
a) Khái niệm:
Chuẩn mực pháp luật là những quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, định hướng cho hành vi ứng xử của các cá nhân và các nhóm xã hội.
b) Đặc điểm của chuẩn mực pháp luật:
Tính quy định xã hội của pháp luật:
Dưới góc độ xã hội học pháp luật, tính quy định xã hội của pháp luật là một đặc trưng cơ bản của hiện tượng pháp luật. Đặc trưng này nói lên rằng, pháp luật trước hết được xem xét như một hiện tượng xã hội, nảy sinh từ các tiền đề có tính chất xã hội, phản ánh các quan hệ kinh tế,chính trị,văn hóa,xã hội của xã hội ở những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt là quan hệ kinh tế.Trong mối quan hệ với kinh tế, pháp luật phụ thuộc vào kinh tế, thể hiện ở chỗ nội dung của pháp luật là do các quan hệ kinh tế-xã hội quyết định; chế độ kinh tế là cơ sở, nền tảng của pháp luật.
Pháp luật luôn phản ánh sự phát triển của chế độ kinh tế,nên nó không thể cao hơn hoặc thấp hơn trình độ phát triển của chế độ kinh tế.Một khi chế độ kinh tế thay đổi thì sớm hay muộn sẽ kéo theo sự thay đỏi của pháp luật.Bên cạnh đó, pháp luật có sự tác động trở lại đối với sự tác động của kinh tế. Sự tác động đó mang tính tích cực khi pháp luật có nội dung tiến bộ, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị là lực lượng tiến bộ trong xã hội,phản ánh đúng trình độ phát triển của kinh tế. Ngược lại, sự tác động mang tính tiêu cực khi pháp luật mang nội dung thoái bộ, lạc hậu, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị đã lỗi thời, muốn dùng pháp luật để duy trì các quan hệ kinh tế không còn phù hợp. Nội dung của pháp luật được quy định bởi tình hình, đặc điểm, các điều kiện về kinh tế, chính trị xã hội của quốc gia ở từng thời kì phát triển.
Trong xã hội luôn luôn tồn tại nhiều mối quan hệ xã hội với tính chất đa dạng và phức tạp. Vì vậy, mục đích xã hội của pháp luật là hướng tới điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, pháp luật không thể điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội, mà chỉ có thể điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, có tính phổ biến, điển hình, thông qua đó, tác động tới các quan hệ xã hội khác,định hướng cho các quan hệ đó phát triển theo những mục đích mà nhà nước đã xác định. Mọi sự thay đổi của pháp luật, suy cho cùng, đều xuất phát từ sự thay đổi của các quan hệ xã hội và chịu sự quyết định bởi chính thực tiễn xã hội. Điều đó nói lên bản chất xã hội của pháp luật.
Tính chuẩn mực của pháp luật:
Dưới góc độ nhìn của nhiều nhà xã hội học pháp luật thì pháp luật thường được tiếp cận nghiên cứu với tư cách một loại chuẩn mực xã hội. Vì vậy, tính chuẩn mực của pháp luật là một chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự, đó là những “khuôn mẫu”, “mực thước” được xác định một cách tương đối cụ thể, rõ ràng trong chừng mực có thể. Tính chuẩn mực của pháp luật nói lên giới hạn cần thiết mà nhà nước quy định để mọi chủ thể có thể xử sự một cách tự do trong khuôn khổ cho phép, thường biểu hiện dưới dạng “cái có thể”, “cái được phép” , “cái không được phép” và cái bắt buộc thực hiện”….Vượt khỏi giới hạn ,phạm vi đó là vi phạm pháp luật .Không thể có chuẩn mực pháp luật chung chung, trừu tượng, mà nó phải được thể hiện ra thành các quy tắc điều chỉnh hành vi. Bởi vậy, nếu không đặt ra các quy phạm pháp luật thì sẽ không có căn cứ pháp lí để đánh giá hành vi nào là hợp pháp và hành vi náo bất hợp pháp.
Chuẩn mực pháp luật khác với các loại chuẩn mực xã hội khác ở một điểm cơ bản là nó mang tính cưỡng chế cuả nhà nước. Các chuẩn mực xã hội, khi được nhà nước thừa nhận, sử dụng và bảo đảm bằng khả năng cưỡng bức ,sẽ trở thành chuẩn mực pháp luật. Nếu nhà nước và các cơ quan của nó không còn thừa nhận và thực hiện, áp dụng các chuẩn mực đó nữa, tức là dưới góc độ lợi ích nhà nước nó trở nên vô vị thì lúc đó nó sẽ mất đi tính chất của một chuẩn mực pháp luật. Tuy không còn là một chuẩn mực pháp luật,nhưng nếu về mặt thực tiễn chuẩn mực đó vẫn sống, vẫn chi phối hành vi xã hội của con người thì tính chất chuẩn mực của nó lại mang tính chất phong tục, tập quán đạo đức hay thẩm mỹ chứ không phải là pháp luật nữa .
Chuẩn mực pháp luật thành văn đã hàm chứa trong nó các quy tắc xử sự mà trong phần lớn các trường hợp đã được thể hiện và thực hiện trong hành vi thực tế của con người. Chuẩn mực pháp luật được thực hiện chừng nào nó còn phù hợp với các quan hệ xã hội và các lợi ích của giai cấp thống trị nảy sinh từ các quan hệ xã hội này.Chuẩn mực pháp luật nào không còn phản ánh đúng các quan hệ xã hội nữa thì nhà nước ta phải thay đổi nó về mặt hình thức hoặc tước đi của nó sức mạnh. Rõ ràng ở đây không nói đến sự vi phạm các yêu cầu của chuẩn mực pháp luật trong tiến trình thực hiện nó ,mà nói đến quá trình hình thành những quan hệ xã hội thực tế ,trong quá trình đó thể hiện ra một nội dung chuẩn hóa mới xuất hiện (có thể mới chỉ trong thực tế áp dụng pháp luật được công bố chính thức) . Nếu chuẩn mực pháp luật thể hiện nhu cầu xã hội thì đứng đằng sau nó là chính quyền nhà nước với nhiệm vụ bảo vệ các quan hệ xã hội thống trị ,phù hợp với các quan hệ xã hội ấy, chuẩn mực tạo thành hành vi phù hợp với pháp luật, tức là cưỡng bức tuân theo nó. Sự thực hiện phổ biến tương ứng với các quan hệ xã hội thống trị đồng thời cũng là tính chuẩn mực. Các cơ quan thực hiện, áp dụng pháp luật thường quy định nội dung của một chuẩn mực pháp luật nhất định bằng con đường giải thích tương ứng với các quan hệ mới, trong khi các quan hệ mới về cơ bản lại được phản ánh cả trong lập pháp một cách thích hợp. Như vậy, tính hiệu lực của chuẩn mực pháp luật dựa trên không chỉ ý chí mà cả trên thực tế xã hội, không chỉ trong sự xuất hiên chuẩn mực pháp luật, mà cẩ trong việc tiếp tục thực hiện chuẩn mực pháp luật đó nữa.
Tính ý chí của pháp luật:
Pháp luật không phải là kết quả của sự tự phát hay cảm tính, mà bao giờ cũng là hiện tượng ý chí. Pháp luật thể hiện các quan hệ xã hội và ý chí giai cấp có gốc rễ từ trong các quan hệ xã hội được thể hiện ra trong hệ thống các chuẩn mực pháp luật. Xét về bản chất, ý chí của pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền trong xã hội, được thể hiện rõ ở mục đích xây dựng pháp luật, nội dung xây dựng pháp luật và dự kiến hiệu ứng của pháp luật khi triển khai vào thực tế.T ính ý chí nói lên mối quan hệ khăng khít giữa nhà nước và pháp luật, là hai thành tố của kiến trúc thượng tầng, cả hai hiện tượng nhà nước và pháp luật cùng có chung nguồn gốc phát sinh, phát triển. Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, nhưng quyền lực đó chỉ có thể được triển khai và phát huy có hiệu lực trên cơ sở các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, nhà nước không thể tồn tại và phát huy quyền lực nếu thiếu pháp luật và ngược lại, pháp luật chỉ phát sinh, tồn tại và có hiệu lực khi nó dựa trên cơ sở sức mạnh của quyền lực nhà nước .
Vì vậy, không thể nói pháp luật đứng trên nhà nước hay nhà nước đứng trên pháp luật. Pháp luật không chỉ phản ánh bản chất giai cấp mà còn phản ánh các nhu cầu khách quan, phổ biến của các mối quan hệ xã hội. Do đó,nhà nước không thể ban hành pháp luật một cách tùy tiện, chủ quan, duy ý chí, không tính đến những nhu cầu, lợi ích của các giai cấp, tầng lớp xã hội. Khi những bộ phận nhất định của pháp luật trở nên lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn xã hội thì nhà nước phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ để ban hành văn bản pháp luật mới.
Tính cưỡng chế của pháp luật:
Pháp luật do nhà nước xây dựng,ban hành và bảo đảm thực hiện. Điều đó có nghĩa là pháp luật được hình thành và phát triển bằng con đường ngắn nhất.Với tư cách của mình, nhà nước là một tổ chức hợp pháp, công khai và có quyền lực bao trùm toàn xã hội. Nhà nước không chỉ xây dựng, ban hành pháp luật mà còn có các biện pháp tác động nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện thông qua việc nhà nước thường xuyên củng cố và hoàn thiện bộ máy công cụ thể hiện quyền lực nhà nước như quân đội,cảnh sát,toàn án,nhà tù…Đặc trưng này chỉ có ở pháp luật không có ở các loại chuẩn mực xã hội khác. Pháp luật được thể hiện trong nhiều biến thể hành vi của con người nếu tính đến bản chất giai cấp của nó.