Kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng

Kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng.

Mối quan hệ giữa kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng với bảo vệ chủ  quyền biển, đảo và đảm bảo quốc phòng, an ninh cơ bản được hình thành từ trong  quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhận thấy được tầm quan trọng của bảo vệ an ninh, chủ quyền  quốc gia trên biển gắn với phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành  nhiều văn kiện liên quan đến vấn đề này. Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/TW về  Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 ngày 09/02/2007 đã khẳng định quan  điểm, chủ trương, mục tiêu cơ bản là đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh về  biển, đồng thời đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia cũng như chủ quyền biển  đảo. Đặc biệt trong những năm gần đây vấn đề biển Đông liên tiếp xảy ra những  tranh chấp với những diễn biến mới ngày càng phức tạp nên nhận được sự quan tâm theo dõi chặt chẽ của cộng đồng quốc tế và khu vực. Tổng kết sau 10 năm thực hiện 

Nghị quyết số 09-NQ/TW, hội nghị Trung ương 8 khoá XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh  tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Việt  Nam trở thành quốc gia phát triển mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, dựa vào  biển và hướng ra biển [3].  

Là một trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển với 6/8 quận, huyện tiếp giáp với  biển, trong đó có huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng là địa phương tiên phong  trong công cuộc thực hiện mục tiêu giàu mạnh từ biển và hướng ra biển của cả nước.  Thành phố có hơn 92 km bờ biển, với 80% dân số đang sinh sống dựa vào kinh tế  biển. Biển đã và đang tạo ra vị thế phát triển cho thành phố Đà Nẵng thông qua các  lĩnh vực khai thác hải sản, du lịch, công nghiệp cơ khí và chế biến, vận tải biển…  Trong đó, đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP, AN) vùng biển là bệ đỡ và  điểm tựa cho các ngành kinh tế biển phát triển ổn định, vững chắc. Xác định được vị  trí và tầm quan trọng của kinh tế biển trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của  địa phương, thành phố đã ban hành Quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển đảo thuộc  địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Bên cạnh đó, theo chủ trương của Đảng  và Nhà nước về phát triển kinh tế biển đảo kết hợp với giữ vững QP, AN và chủ quyền lãnh thổ, thành phố Đà Nẵng luôn tích cực hợp tác và đấu tranh để thực hiện  các cam kết quốc tế về biển. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền vùng  biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển, tạo môi trường thuận lợi để mở rộng quan hệ  trao đổi khoa học kỹ thuật, đầu tư, đổi mới công nghệ, hiện đại hoá trang bị cho QP,  AN; tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên trong khu vực và  quốc tế… với mục đích cao nhất là ổn định để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước; sử dụng biển tương xứng với tầm vóc của nó trong cơ cấu kinh tế cũng như  sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống,  thành phố xây dựng chiến lược của riêng mình trong chiến lược tổng thể của quốc  gia, trong đó chú trọng những giải pháp và bước đi phù hợp với điều kiện của đất  nước và tranh thủ được vốn, kỹ thuật trong hợp tác quốc tế để vươn ra làm chủ biển  khơi, phục vụ phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế đất nước với tốc độ nhanh và  bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế biển Đà Nẵng nói chung, quan hệ kinh  tế biển với đảm bảo QP, AN còn nhiều vấn đề đặt ra như: Đà Nẵng vẫn chưa có một  chương trình khai thác và bảo vệ tài nguyên biển một cách toàn diện, tổng hợp. Tình  trạng yếu kém về kết cấu hạ tầng, nhân lực vẫn còn phổ biến, chưa tạo tiền đề vững  chắc cho hoạt động bảo vệ biển và chủ quyền biển đảo. Sự thiếu hụt về vốn, công  nghệ cho các ngành kinh tế biển còn rất phổ biến. Chưa tạo được sự kết hợp chặt chẽ,  thường xuyên giữa các lực lượng chuyên trách đảm bảo an toàn, an ninh trong phát  triển kinh tế biển như: Bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, công an, kiểm  ngư… Phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN của thành phố  chưa có sự gắn kết với các tỉnh trong vùng cũng như chưa thể hiện được vai trò của  trung tâm kinh tế biển miền Trung. Sự kết hợp giữa các lực lượng chuyên trách với doanh nghiệp và người dân trong công tác đảm bảo QP, AN ở từng phân ngành trong  phát triển kinh tế biển chưa mang tính bền vững, chuyên nghiệp. Đồng thời, mô hình  quản lý nhà nước (QLNN) cấp thành phố về kinh tế biển còn đang lúng túng và thiếu  tư duy toàn diện, chưa mang tính thời đại về phát triển kinh tế biển trong bối cảnh cả  thế giới đang đồng loạt tiến ra biển v.v… 

Hiện thực trên cho thấy tính cấp thiết cần có một nghiên cứu có tính hệ  thống, căn bản, toàn diện về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN cho thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, vấn đề “Kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng” được nghiên cứu sinh  chọn làm đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ kinh tế, chuyên ngành kinh tế chính trị.  

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 

2.1. Mục đích nghiên cứu 

Xây dựng khung lý luận về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP,  AN ở địa bàn cấp tỉnh (thành phố) trong bối cảnh mới. Kết hợp với khảo sát thực  tiễn tình hình ở thành phố Đà Nẵng. Luận án phân tích, đánh giá dựa vào các nội  dung, tiêu chí, điều kiện và phương thức kết hợp… để làm rõ kết quả đạt được,  những khó khăn, bất cập và nguyên nhân. Từ đó, đề ra mục tiêu, phương hướng và 

đề ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế biển đặt trong mối quan hệ với  đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ tiếp theo. 

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu 

Để thực hiện mục đích trên, luận án tập trung vào các nhiệm vụ sau: – Hệ thống hoá, kế thừa có bổ sung để hoàn thiện và phát triển các vấn đề lý  luận cơ bản về kinh tế biển đặt trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN cấp tỉnh, nơi  có điều kiện thuận lợi về biển và kinh tế biển cũng như đóng góp tỉ lệ cao cho ngân  sách nhà nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế  quốc tế.  

– Phân tích kinh nghiệm phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm  bảo QP, AN ở một số nước và một số thành phố của Việt Nam. Từ đó, rút ra bài học cho thành phố Đà Nẵng để phát triển kinh tế biển bền vững trong những năm tới.  

– Dựa vào khung lý luận đã được xây dựng để phân tích, đánh giá thực trạng kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng thời gian  qua, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân chủ yếu.  

– Căn cứ vào dự báo về bối cảnh quốc tế và trong nước liên quan đến kinh tế  biển và vấn đề QP, AN vùng biển, luận án đề xuất mục tiêu, phương hướng và giải  pháp chủ yếu nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm  bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.  

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 

3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án 

Tổng hợp các quan hệ kinh tế liên quan đến kinh tế biển trong mối quan hệ  với đảm bảo QP, AN cấp tỉnh (thành phố), tiếp cận theo góc độ của chuyên ngành  kinh tế chính trị. Trong đó, khía cạnh kinh tế biển được xác định là trọng tâm của sự  phát triển. 

Luận án tiếp cận theo đối tượng của kinh tế chính trị: Nghiên cứu QHSX  trong mối liên hệ với LLSX và KTTT.  

Về quan hệ sản xuất: Thứ nhất, nghiên cứu mối quan hệ giữa các chủ thể  thực hiện các nhiệm vụ chính của kinh tế biển. Trong đó, chính quyền thành phố là  trọng tâm, thông qua các cấp chính quyền và hệ thống chính trị của thành phố,  doanh nghiệp, người dân và các chủ thể phối hợp thực hiện nhiệm vụ QP, AN (các 

lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách) của thành phố. Thứ hai, nghiên cứu  hình thức triển khai kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN theo phân ngành: Đánh bắt và chế biến hải sản, du lịch biển, vận tải biển, cảng biển, công  nghiệp cơ khí và chế biến. Thứ ba, nghiên cứu các phương thức thực hiện mối quan  hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN của chính quyền nhà nước các  cấp và của các chủ thể tham gia phát triển kinh tế biển, theo cơ chế thực hiện dựa  trên cơ sở đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.  

Về lực lượng sản xuất: Nghiên cứu các nguồn lực, điều kiện để thực hiện  phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN gồm: Vốn; con  người; cơ sở vật chất kỹ thuật và khoa học công nghệ. 

Về kiến trúc thượng tầng: Vai trò và năng lực, quyền hạn của chính quyền nhà nước các cấp và các chủ thể thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong  mối quan hệ với đảm bảo QP, AN.  

3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án 

+ Phạm vi về nội dung: Kinh tế biển bao gồm nhiều phân ngành, vì vậy để phù hợp với mục tiêu và dung lượng của luận án cũng như hướng vào mối quan hệ  với đảm bảo QP, AN, luận án tập trung vào một số phân ngành cụ thể là: Đánh bắt  và chế biến hải sản, dịch vụ, du lịch biển, vận tải biển, cảng biển.  

+ Phạm vi về không gian: Luận án nghiên cứu kinh tế biển trong mối quan  hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng – một trong những trung tâm kinh tế  biển lớn nhất cả nước.  

+ Phạm vi về thời gian:  

Thời gian khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo QP, AN trong giai đoạn 2010-2018. Phạm vi đề xuất phương  hướng và giải pháp được xác định cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2030. 

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 

4.1. Cơ sở lý luận 

Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, các quan điểm,  đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế biển trong mối quan  hệ với đảm bảo QP, AN trong bối cảnh toàn thế giới đang đồng loạt tiến ra biển và  khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ với những công cụ và phương thức ngày  càng hiện đại. Đặc biệt, quan điểm của Đảng ta trước những diễn biến phức tạp về  biển Đông. Ngoài ra, luận án còn kế thừa có chọn lọc và phát triển những quan  điểm lý luận của các nhà khoa học trong nước và thế giới về những nội dung liên  quan tới đề tài luận án.  

4.2. Phương pháp nghiên cứu 

Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: 

– Phương pháp trừu tượng hoá khoa học: Với phương pháp nghiên cứu này,  luận án tạm thời gạt bỏ những yếu tố ngoại vi liên quan đến đối tượng nghiên cứu  để định hướng chuyên sâu cho những vấn đề cơ bản nhất cũng như thể hiện bản  chất của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN. Phương  pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 1 và chương 2 của luận án. 

– Phương pháp hệ thống hóa để tiếp cận liên vùng, liên ngành… để nghiên  cứu tổng thể chủ đề dưới góc độ của khoa học Kinh tế chính trị. Góp phần làm rõ  mối quan hệ nhiều chiều, phức tạp của việc phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN ở cấp địa phương. 

– Phương pháp phân tích – tổng hợp (sử dụng chủ yếu ở chương 2 và chương  3 của luận án): Tác giả đi sâu phân tích các khái niệm mang tính tổng hợp như: kinh  tế biển, đảm bảo QP, AN; phát triển kinh tế, kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm  bảo QP, AN… trên cơ sở đó làm rõ nội hàm chuyên sâu về những vấn đề nghiên cứu 

chính của luận án (kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN), lấy đó làm  căn cứ để phân tích những đặc tính riêng của các nội dung nghiên cứu, tạo thành  một hệ thống tổng thể và hoàn chỉnh phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của vấn đề  nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế chính trị. 

– Phương pháp nghiên cứu thống kê, so sánh và kết hợp logic với lịch sử:  Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu kinh tế hiện đại. Luận  án sử dụng phương pháp thống kê để thu thập số liệu về thực trạng phát triển kinh tế biển ở thành Phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2018 để làm rõ mối quan hệ giữa phát  triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng. Tác giả tiến hành so  sánh, đối chiếu hệ thống các số liệu dựa trên các tiêu chí đánh giá để rút ra sự khác  nhau giữa những số liệu thống kê. Đây là căn cứ để đánh giá khoa học khách quan  tình hình thực tiễn. Từ đó, rút ra được những kết luận quan trọng về kết quả đạt  được, những vấn đề đặt ra và nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề đặt ra này.  Đồng thời, thông qua kết hợp logic và lịch sử, suy luận để dự báo tình hình trong  nước và thế giới liên quan đến đối tượng nghiên cứu, nhằm định hướng phát triển  và căn cứ vào mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn để đề xuất các giải pháp thực  hiện tốt mục tiêu đề ra. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 3 và  chương 4 của luận án. 

Trong từng chương, tiết và tiểu tiết của luận án có kết hợp trình bày các  biểu, bảng, sơ đồ, đồ thị để thể hiện rõ các số liệu thực tiễn gắn với kết quả nghiên  cứu một cách tường minh.  

5. Đóng góp mới của luận án 

5.1. Về lý luận 

Trên cơ sở hệ thống hoá và kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu trong  và ngoài nước liên quan đến đề tài, luận án bổ sung nhằm hoàn thiện để xây dựng  khung lý luận về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở địa bàn cấp  tỉnh (thành phố) trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập  quốc tế, khi chiến lược hướng ra biển đang ngày càng bùng nổ cũng như các tranh  chấp về chủ quyền biển, đảo ngày càng diễn biến phức tạp 

5.2. Về thực tiễn 

– Từ khung lý luận được xây dựng làm căn cứ để đi sâu tìm hiểu và phân  tích mối quan hệ giữa các phân ngành kinh tế biển, làm rõ đặc điểm, vị trí, vai trò,  các nhân tố ảnh hưởng, điều kiện và phương thức hoạt động… khác nhau trong mối  quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố trực thuộc Trung ương.  

– Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và một số tỉnh, thành phố trong  nước trên phương diện tiếp cận theo mục tiêu, nhiệm vụ của luận án đặt ra về chủ  thể, các nguồn lực và phương thức thực hiện… có kết quả cao trong mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng an ninh.  

– Dựa vào kết quả nghiên cứu khảo sát thực tế tại thành phố Đà Nẵng, thời  gian kiểm chứng các số liệu, tư liệu theo giới hạn cho phép. Luận án đi sâu phân  tích, đánh giá khoa học, khách quan theo khung lý thuyết thực trạng các nội dung  liên quan đến kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà  Nẵng. Các kết quả đánh giá, phân tích được trình bày theo cách truyền thống bao  gồm: Kết quả đạt được; những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân…  

– Trên cơ sở dự báo tình hình quốc tế và trong nước tác động đến kinh tế biển  mà trực tiếp là biển Đông trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở  thành phố Đà Nẵng thập kỷ tới, luận án đề xuất những mục tiêu, phương hướng và  các giải pháp khả thi cả trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo hài hòa các nội dung và  điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN.  

Đây sẽ là tài liệu có ý nghĩa thiết thực giúp các cấp chính quyền thành phố  và các tổ chức của hệ thống chính trị làm căn cứ hoàn thiện chính sách, biện pháp,  thực hiện tốt những nội dung về thúc đẩy phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ  hài hòa với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng hướng đến xây dựng thành phố  điển hình về phát triển kinh tế biển của cả nước và khu vực miền Trung nước ta.  

6. Kết cấu luận án 

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội  dung chính của luận án được kết cấu gồm 4 chương, 10 tiết.  

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến kinh tế biển trong  mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh 

Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế biển trong mối quan hệ với  đảm bảo quốc phòng, an ninh 

Chương 3: Thực trạng kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc  phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng 

Chương 4: Phương hướng và giải pháp để phát triển kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 tầm  nhìn 2030 

Chương 1 

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 

LIÊN QUAN ĐẾN KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH 

1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU Ở NƯỚC NGOÀI VÀ TRONG  NƯỚC LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 

Kinh tế biển và phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo QP, AN trên bình  diện quốc gia và quốc tế cũng như phạm vi của một địa phương cấp tỉnh, thành phố những năm gần đây được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu quan tâm vì tính thời  sự của vấn đề nghiên cứu. Đồng thời, đây là lĩnh vực có sự đóng góp rất lớn vào  quá trình phát triển kinh tế của mỗi địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Tới  nay, đa số các công trình nghiên cứu đề cập tới các nội dung chủ yếu sau đây: Vai  trò của kinh tế biển với đảm bảo QP, AN; các nhân tố ảnh hưởng tới kinh tế biển;  kinh nghiệm phát triển kinh tế biển; phát triển kinh tế biển bền vững; quy hoạch,  quản lý kinh tế biển; chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển kinh tế biển;  nội dung và các phương thức kết hợp phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN…  Để có tầm nhìn chuyên sâu về các nghiên cứu này, có thể tổng quan kết quả nghiên  cứu theo các chủ đề và nội dung như sau: 

1.1.1. Các công trình nghiên cứu về kinh tế biển và phát triển kinh tế biển + Công trình ở nước ngoài: 

Costas Th. Grammenos (2010), The handbook of Maritime economics and  business: (Tổng quan về kinh tế hàng hài và thương mại) nhà xuất bản Lloyd’s List,  London [63]. Cuốn sách trình bày tổng quan về ngành kinh tế hàng hải trên thế giới,  qua đó cho thấy một bức tranh về lịch sử phát triển của ngành hàng hải thế giới. Bên  cạnh đó, tác giả cũng cho thấy tình hình phát triển của ngành hàng hải trên thế giới  những năm đầu của thế kỷ 21 với sự bùng nổ của ngành đóng tàu. Ngành đóng tàu đã góp phần đưa các ngành vận tải biển, các ngành kinh doanh dịch vụ hàng hải và  cảng biển lên một tầm cao mới. Hiện nay tất cả các ngành kinh doanh này đều đang  rất phát triển và là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của các quốc gia  ven biển.  

United Nations conference on Trade and Development UNCTAD (Hội nghị  Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển), The Oceans Economy: Opportunities and Challenges for Small Island Developing States (Kinh tế đại dương: Những cơ  hội và thách thức cho các nước ven biển đang phát triển), New York and Geneva  2014 [79]. Báo cáo đề cập tới khái niệm về kinh tế đại dương, theo đó, kinh tế đại  dương bao gồm thương mại theo đường biển; hệ thống khu kinh tế, khu công  nghiệp và cảng biển; vận tải biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển; việc đánh  bắt hải sản cung cấp cho thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu; khai thác dầu  khí và khí đốt trong thềm lục địa để bảo đảm an ninh năng lượng và cho xuất khẩu;  du lịch biển và dịch vụ nghỉ dưỡng cùng các hoạt động phụ trợ như hậu cần, giao  nhận vận tải, bảo hiểm, đánh giá kiểm định chất lượng tàu biển, tiếp nhiên liệu tại  cảng, đào tạo đội ngũ thuỷ thủ, ngân hàng… Trong đó, thương mại theo đường  biển là hoạt động trao đổi buôn bán hàng hoá vận chuyển bằng đường biển giữa  các nước trong cùng khu vực hoặc giữa các châu lục; giúp thúc đẩy đầu tư sản xuất và phát triển dịch vụ của các quốc gia thông qua thực hiện giá trị hàng hoá trong trao đổi. Báo cáo cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức mà các quốc gia  đang phát triển đang phải đối mặt trong quá trình muốn phát triển bền vững nền  kinh tế đại dương. Qua đó, báo cáo đề xuất một số giải pháp giảm thiểu thách thức  trong phát triển kinh tế đại dương như thực thi hiệu quả Công ước Liên Hợp quốc  về Luật Biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững; phát triển kế hoạch  quy hoạch không gian biển và bờ biển; tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đóng vai  trò tích cực trong phát triển kinh tế biển; thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế  trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt giữa các đảo quốc nhỏ và các quốc gia ven  biển kém phát triển. 

Orapan Nabangchang, Ocean Economy and Ocean Health in Thailand (Kinh  tế biển và bảo vệ môi trường biển ở Thái Lan), nhà xuất bản trường đại học  Sukhothai Thammatirat, Thái Lan, 2017 [71]. Thái Lan luôn gắn phát triển kinh tế  biển của với việc bảo vệ môi trường biển và chủ quyền quốc gia. Tác giả phân tích  những chính sách phát triển kinh tế biển của Thái Lan gồm 4 điểm về biển: (1)cải  thiện hiệu quả quản lý biển; (2) khôi phục và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên  nhiên cho việc sử dụng bền vững biển; (3) tăng cường năng lực cạnh tranh trong  việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên biển; (4) kiểm soát ô nhiễm và an  toàn hàng hải dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn ban hành  nhiều văn kiện pháp lý khác nhằm khẳng định chủ quyền của mình trên biển. 

+ Công trình ở trong nước: 

Tô Thị Bích Phượng, Những giải pháp cơ bản nhằm phát triển bền vững và  có hiệu quả kinh tế biển Đà Nẵng, báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp thành phố,  Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Đà Nẵng [36]. Tác giả phân tích những lợi thế về  vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng, từ đó nhấn  mạnh vai trò quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong việc góp phần vào quá trình  phát triển kinh tế biển của cả nước. Tác giả đưa ra các giải pháp để phát triển bền  vững kinh tế biển như: Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) với bảo đảm QP, AN, hợp tác quốc tế. Thứ hai, cần chú trọng quy hoạch và  tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và  có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo. Thứ ba, hình thành và phát  triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như: du lịch, dịch vụ  biển, khai thác và nuôi trồng hải sản. Thứ tư, tổ chức phát triển hợp lý không gian  KT-XH vùng biển và ven biển. Thứ năm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học – 

công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển, đảo nhằm khai thác, sử dụng bền  vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo. Thứ sáu, tổ chức tốt công  tác tuyên truyền về biển, đảo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác  quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các quy định của quốc tế về bảo vệ  nguồn lợi thuỷ sản không chỉ với cư dân biển, đảo mà còn với toàn xã hội.  

Nguyễn Bá Diến (2006), Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và chiến  lược phát triển bền vững, Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, Đại  học quốc gia Hà Nội), Dự án “Các nguyên tắc trong thực tiễn quản lý biển và đới  bờ” (Principles in Practice: Ocean and Coastal Governance) giữa Đại học Quốc gia  Hà Nội, Trường Đại học Dalhousie (Canada) và Trường Đại học Visayas  (Philippines) dưới sự tài trợ của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Canada (CIDA) 

[17]. Cuốn sách này trình bày chính sách, pháp luật về biển và nguyên tắc phát triển  bền vững; phân tích thực trạng và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện  chính sách biển của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế; giới thiệu về một số  hoạt động hợp tác quốc tế trong khai thác, quản lý biển giữa Việt Nam và các nước  trong khu vực. Bên cạnh đó, cuốn sách còn cung cấp những kiến thức, thông tin cơ  bản, toàn diện và hệ thống về biển của Việt Nam, về chiến lược phát triển bền vững  trong lĩnh vực biển, tổng quan về chính sách và thực trạng, yêu cầu và một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý biển và hàng hải của Việt  Nam. Cuốn sách cũng bước đầu giới thiệu kinh nghiệm quản lý biển của một số  nước, đặc biệt là Canada, Philippines là những quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm  trong việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về biển.  

Hà Tất Thắng (2007), ”Về chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam”,  [44]. Tác giả phân tích hiện trạng kinh tế biển Việt Nam, làm rõ những khó khăn,  hạn chế của hoạt động phát triển kinh tế biển. Từ đó, tác giả đề xuất chiến lược phát  triển mới dựa trên việc kết hợp khai thác lợi thế địa chiến lược của Việt Nam với  các chính sách tự do hoá về kinh tế, thương mại trong giai đoạn hội nhập quốc tế.  

Nguyễn Quang Thái (2010), Vấn đề phát triển các khu kinh tế mở hiện đại  vùng ven biển Việt Nam 2010 [43]. Cuốn sách là tập hợp nội dung của các vấn đề  như bài học về sự phát triển của các khu kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có  các khu kinh tế ven biển từ trước tới nay, tác giả cũng làm rõ các vấn đề tồn tại kéo  dài trong hoạt động của các ngành kinh tế ven biển và nêu ra một số giải pháp, chính sách khắc phục các vấn đề này trong mối liên hệ với bối cảnh, điều kiện của  từng địa phương, từng vùng kết hợp với các quan điểm chỉ đạo chiến lược của Đảng  và Nhà nước.  

Nguyễn Thu Hạnh (2011), Hiện trạng và các giải pháp phát triển các khu du  lịch biển quốc gia tại vùng du lịch Bắc Trung Bộ [28]. Phát triển du lịch biển là một  nội dung của phát triển kinh tế biển và là lĩnh vực quan trọng của phát triển kinh tế  biển. Trên cơ sở nhận định giá trị to lớn mà du lịch biển mang lại cho các vùng và  địa phương ven biển, đề tài phân tích hiện trạng phát triển ngành du lịch ở khu vực  các tỉnh Bắc Trung Bộ, tác giả đã đưa ra các nhóm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ sự  phát triển của ngành du lịch biển vùng Bắc Trung Bộ nhằm thúc đẩy phát triển bền  vững kinh tế biển của khu vực này.  

Phạm Xuân Hậu (2011), ”Vấn đề phát triển kinh tế biển – đảo, ven biển Việt  Nam thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập” [29]. Bài viết phân tích giá trị của biển  Đông: Biển Đông có diện tích 3.537.000 km2 theo bách khoa toàn thư Địa lý Xô  Viết là biển lớn thứ 4 trong 61 biển quan trọng trên thế giới. Vùng biển Đông của  Việt Nam có tiềm năng lớn về kinh tế, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ an  ninh quốc phòng của đất nước. Bờ biển kéo dài 3.260 km, lãnh hải rộng 12 hải lý,  vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 24 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, nước  

ta đang sở hữu nguồn tài nguyên lớn về sinh vật và tài nguyên đặc biệt, nhưng hiệu  quả khai thác chưa cao. Vì vậy, tác giả cho rằng việc xây dựng kế hoạch chiến lược  phát triển kinh tế biển – đảo và bờ biển cần được quan tâm đặc biệt. Điều này không  chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn ý nghĩa bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền toàn  vẹn lãnh thổ của quốc gia.  

Chu Đức Dũng (2012), Chiến lược phát triển kinh tế biển Đông của một số  nước Đông Á – Tác động và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam [18]. Đây là Đề tài  nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đi sâu nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế  biển của một số quốc gia khu vực Đông Á. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm  cho Việt Nam.  

Thân Trọng Thụy, Phạm Xuân Hậu (2012), ”Phát triển các khu kinh tế ven  biển – bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam” [49]. Quy  hoạch không gian phát triển 15 khu kinh tế ven biển Việt Nam đã được Chính phủ  phê duyệt và quyết định thành lập dựa trên những ưu thế về vị trí địa lý, tiềm năng  và chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, vùng và địa phương. Các tác giả  khẳng định: Các khu kinh tế ven biển đang dần khẳng định vai trò hạt nhân phát  triển KT-XH vùng và địa phương. Trong tương lai, những hạt nhân này sẽ là động  lực tạo sự đột phá trong phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh – quốc phòng và toàn  vẹn lãnh thổ.  

Lại Lâm Anh (2013), Quản lý kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng  vào Việt Nam [1]. Luận án trình bày các khái niệm về kinh tế biển, quản lý kinh tế  biển, vai trò của quản lý kinh tế biển cũng như các quan điểm và cách tiếp cận về  quản lý kinh tế biển. Bên cạnh đó luận án nghiên cứu các trường hợp phát triển kinh  tế biển của Trung Quốc, Malaysia và Singapore, từ đó nghiên cứu vận dụng bài học  kinh nghiệm cho Việt Nam.  

Lưu Ngọc Trịnh và Cao Tường Huy (2013), Phát triển các khu kinh tế ven  biển Việt Nam, thực trạng và một số bài học [52]. Bài viết nghiên cứu thực trạng  phát triển các Khu kinh tế (KKT) ven biển Việt Nam, nhất là ba KKT ven biển Chu  Lai, Dung Quất và Phú Quốc – Nam An Thới. Từ sự phát triển của các KKT ven  biển, bài nghiên cứu rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Cần xây dựng các KKT  tại những địa điểm thuận lợi, nằm trên các trục giao thông chính, gồm cả đường  biển, đường bộ và đường không; cần điều tra khảo sát kỹ trước khi phát triển, cần tạo dựng được sự liên kết chặt chẽ các KKT ven biển với các vùng lân cận; chính  quyền địa phương (Ban quản lý KKT) cần có mức độ độc lập, tự chủ hơn nữa để  phát huy các sáng kiến và thí nghiệm của mình; cần tập trung nguồn lực xây dựng  dứt điểm những KKT đã được điều tra, khảo sát kỹ và phù hợp quy hoạch chung;  cần có tầm nhìn tổng thể và dài hạn, tránh bị chi phối bởi lợi ích nhóm, lợi ích cục  bộ của địa phương và ngành.  

Nguyễn Hoàng Hà (2014), Định hướng phát triển kinh tế biển, đảo vùng Bắc  Trung Bộ đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 [27]. Tác giả đưa ra những nội dung mang  tính định hướng cho phát triển kinh tế biển, đảo của vùng Bắc Trung Bộ một cách hợp  lý, bài viết đi sâu nghiên cứu, tiếp cận, đánh giá và phân tích vấn đề theo “3 cấp độ  không gian”: (i) Việt Nam trong khu vực; (ii) Miền Trung trong Việt Nam; (iii) Bắc  Trung Bộ trong miền Trung.  

Lê Anh Tuấn (2015), Giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững trước thách  thức của biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long [53]. Vùng đồng bằng  sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông – ngư nghiệp tập trung có quy mô lớn nhất  nước ta, đây là khu vực có hai mặt giáp với Biển Đông và vịnh Thái Lan với tổng chiều  dài đường ven biển hơn 700 km và nhiều đảo lớn nhỏ rải rác quanh thềm lục địa khu  vực Vịnh Thái Lan. Tuy vùng Đồng bằng có nhiều thuận lợi về mặt địa lý, có một hệ  sinh thái vùng cửa sông – ven biển rất đặc trưng và đa dạng nhưng vùng đồng bằng  sông Cửu Long cũng là nơi đang phải đối phó nhiều thách thức lớn do hiện tượng nóng  lên toàn cầu dẫn đến hệ quả biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc tăng cường các  hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến kinh tế biển có vai trò quan trọng trong chiến  lược phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đồng bằng Nam Bộ. Để có cơ sở khoa học cho  vấn đề phát triển kinh tế biển bền vững trong bối cảnh có nhiều biến động về thời tiết  và các hiện tượng thiên tai cực đoan, việc đánh giá những mặt thuận lợi và khó khăn  trong tổ chức thực hiện các kế về phát triển kinh tế biển có ý nghĩa cấp thiết. Nghiên  cứu này rà soát và phân tích những vấn đề liên quan cho phương hướng phát triển các  loại hình sinh kế và kinh doanh theo hướng khai thác và bảo tồn tài nguyên biển, đồng  thời cũng là một phần của chiến lược bảo vệ không gian lãnh thổ quốc gia.  

Ngô Bình Thuận (2016), ”Một số giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững” [46]. Bài viết chủ yếu tập trung vào các giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển theo  hướng bền vững. Một số giải pháp chính mà tác giả đưa ra gồm: thực hiện tái cơ 

cấu lại các ngành thuộc kinh tế biển, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế biển  cho mọi bộ phận người dân và cơ quan nhà nước, tăng cường đầu tư và xây dựng cơ  sở vật chất cho ngành kinh tế biển, nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành này và  mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế.  

Luận án tiến sĩ của Đỗ Thị Hà Thương, Huy động vốn đầu tư cho phát triển  kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa [47]. Luận án hệ thống hóa và làm rõ những lý luận cơ  bản về kinh tế biển và phát triển kinh tế biển trên địa bàn một tỉnh, những đặc trưng của nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển, tác giả cũng làm rõ việc huy động  vốn và sự cần thiết đa dạng các hình thức huy động vốn cho phát triển kinh tế biển.  Luận án cũng trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến huy động vốn đầu tư cho phát  triển kinh tế biển, đưa ra các tiêu chí đánh giá thực trạng vấn đề huy động vốn đầu  tư cho phát triển kinh tế biển ở địa phương. Đồng thời, phác hoạ những kinh  nghiệm của một số nước trên thế giới có điều kiện tương đồng với Việt Nam và một  số địa phương trong nước về việc huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển.  Trên cơ sở đó, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thanh Hoá. Trọng tâm  của luận án tập trung phân tích thực trạng huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát  triển kinh tế biển ở tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2010 – 2014, đưa ra đánh giá về những  kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân dẫn tới huy động vốn chưa đáp  ứng được nhu cầu sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển của tỉnh Thanh  Hoá. Từ đó, luận án đề xuất hệ thống các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường  huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển tỉnh Thanh Hoá theo ba nhóm giải  pháp chính tương ứng với ba ngành chủ lực kinh tế biển của tỉnh là (1) Giải pháp  huy động vốn đầu tư cho ngành thuỷ sản; (2) Giải pháp huy động vốn đầu tư cho  ngành du lịch biển; (3) Giải pháp huy động vốn đầu tư cho ngành hàng hải.  

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Chiến lược khai  thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm  nhìn đến năm 2030 [58]. Các tác giả đã có những đánh giá để làm rõ hơn các vấn đề  liên quan đến biển, về các tiềm năng, lợi thế và những tác động bất lợi từ biển; thúc  đẩy việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền  vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng  suất sinh học của các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược  Biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.  

Luận án tiến sĩ của tác giả Đoàn Hải Yến, Phát triển bền vững các khu kinh  tế ven biển vùng đồng bằng sông Hồng [60]. Tác giả đã làm rõ khái niệm khu kinh  tế, khu kinh tế ven biển, phát triển bền vững khu kinh tế ven biển và luận giải nội  hàm các khái niệm. Luận án cũng đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển  khu kinh tế ven biển và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thực trạng phát triển bền  vững khu kinh tế ven biển vùng đồng bằng sông Hồng trong những năm qua.  

Hà Thanh Biên với bài ”Quy hoạch sử dụng biển: Giải pháp để phát triển kinh  tế biển bền vững” trong Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phát triển bền vững kinh tế biển:  Từ chiến lược chính sách đến thực tiễn Việt Nam hiện nay [6]. Bài viết nhận định:  Nhìn chung các vùng biển của Việt Nam có vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt  quan trọng, đồng thời đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam rất  lớn. Mặt khác, tài nguyên biển là dạng tài nguyên chia sẻ, do vậy, cần phải có sự sắp  xếp, tổ chức, định hướng dài hạn để khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển,  nhằm hướng tới hiệu quả, gắn liền với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.  Điều này đòi hỏi phải xây dựng một quy hoạch sử dụng biển cho toàn quốc mang tính  tổng hợp với phương thức tiếp cận hệ sinh thái [6, tr.77-83].  

Vũ Thanh Ca với bài ”Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam: Thực  trạng, tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Phát  triển bền vững kinh tế biển: Từ chiến lược chính sách đến thực tiễn Việt Nam hiện  nay [10]. Tác giả cho rằng kinh tế biển Việt Nam có những tiềm năng rất lớn để  phát triển do Việt Nam nằm trên bờ Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay kinh tế biển  Việt Nam chưa thực sự phát triển nhưng đã có những ảnh hưởng xấu tới môi trường  và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên biển. Từ đó tác giả cho rằng để kinh tế biển có  sự phát triển bền vững, cho phép tận dụng hết tiềm năng và lợi thế của biển Việt  Nam cần xây dựng và triển khai thực hiện một cơ chế kinh tế thị trường theo hướng  nền kinh tế biển xanh bằng cách xây dựng và thực hiện quy định pháp luật để đảm  bảo tối ưu hóa các lợi ích có được trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo  vệ môi trường và các hệ sinh thái biển; giải quyết hài hoà lợi ích giữa các ngành;  đảm bảo tài nguyên biển được khai thác hợp lý, tiết kiệm, các tài nguyên tái tạo  không bị khai thác quá mức để duy trì khả năng tái tạo, môi trường và các hệ sinh  thái biển được bảo vệ, bảo tồn, thậm chí được cải thiện, khôi phục lại; áp dụng các  công nghệ mới, tiết kiệm sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, đồng thời gia tăng lượng lưu giữ khí nhà kính để giảm biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng  cần thực hiện ngay việc lượng giá các giá trị dịch vụ hệ sinh thái và xây dựng các  cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái theo hướng nền kinh tế thị trường [10, tr.42-50].  

Nguyễn Chu Hồi, ”Các lợi thế chiến lược cho kinh tế biển miền Trung phát  triển bền vững” trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Phát triển bền vững kinh tế biển:  Từ chiến lược chính sách đến thực tiễn Việt Nam hiện nay [31]. Tác giả đã chỉ rõ  các tỉnh thành ven biển miền Trung nước ta vừa có những lợi thế địa chiến lược,  vừa có tính đặc thù về điều kiện tự nhiên và nguồn tài nguyên biển, tài nguyên 

thuộc các vùng ven biển và đảo, tạo tiền đề cho kinh tế biển ở đây phát triển bền  vững và tăng trưởng mạnh. Đồng thời tác giả cũng chỉ rõ khu vực này đang phải đối  mặt với những thách thức trong dài hạn, đòi hỏi chính quyền các tỉnh Miền Trung cần phải thay đổi tầm nhìn, xoá bỏ định kiến và xác định đúng ưu tiên phát triển  trên nguyên tắc tôn trọng “tính trội, tính đa dụng và tính liên kết” của các hệ thống  tài nguyên và hệ nhân văn trong vùng và ở từng địa phương. Đây là những vấn đề  chung, dài hạn được tác giả bài viết phân tích và bàn luận nhằm góp thêm tiếng nói  cho kinh tế biển của một vùng biển đảo quan trọng của đất nước, thực sự bứt phá  theo hướng xanh và bền vững [31, tr.17-29].  

Vũ Diệu Ngân với bài ”Phát triển kinh tế biển Đà Nẵng: Tiềm năng và thách  thức” [33]. Đà Nẵng được xác định là trung tâm kinh tế biển, là một trong ba trung  tâm lớn của Việt Nam, động lực phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên  hướng ra Biển Đông và các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Tác giả phân tích những  tiềm năng cho phát triển kinh tế biển của thành phố Đà Nẵng cùng những thực trạng  phát triển trong các ngành cụ thể như hàng hải, thuỷ hải sản, dịch vụ du lịch. Tác  giả cũng đưa ra những hạn chế và giải pháp khắc phục hạn chế cho kinh tế biển Đà  Nẵng bao gồm tập trung đẩy mạnh hoạt động đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa  bờ; Hoàn thiện và mở rộng các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo mọi  điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, nhất là vùng biển quần đảo  Hoàng Sa; nuôi trồng thuỷ sản đa dạng theo quy hoạch; đa dạng hoá và nâng cao  chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch biển.  

Luận án tiến sĩ của tác giả Lê Thanh Sơn, Chính sách phát triển kinh tế biển và  hải đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu [41]. Tác giả làm rõ khung lý thuyết nghiên cứu về  chính sách để phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó tác giả đưa ra 05 chính sách bộ phận cơ bản trong chính sách phát triển kinh tế biển và hải đảo  của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu là chính sách ưu đãi về sử dụng đất đai; chính sách hỗ trợ  phát triển cơ sở hạ tầng; chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn  nhân lực; chính sách hỗ trợ phát triển thị trường. Đồng thời, tác giả cũng đã đưa ra  những tiêu chí để đánh giá tính hiệu lực, tính hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế  biển và hải đảo của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và phân tích 03 nhóm yếu tố có ảnh hưởng  tới việc xây dựng chính sách để phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh. Từ đó, tác giả luận  án đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của chính sách phát triển  kinh tế biển, đảo của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong giai đoạn 2010 – 2015 và đưa ra một  số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách đến năm 2025,tầm nhìn 2030. 

Bài viết của Lê Quốc Bang “Kinh tế biển” [4]. Bài viết trình bày khái niệm và  vai trò của kinh tế biển, đặc biệt có sự so sánh về khái niệm “kinh tế biển” của các nhà  nghiên cứu nước ta với các khái niệm được đưa ra ở các quốc gia khác như: Mỹ, Trung  Quốc. Ngoài ra bài viết còn đánh giá tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát  triển kinh tế đất nước nói chung.  

1.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan tới đảm bảo quốc phòng, an  ninh trên biển, đảo 

+ Công trình ở nước ngoài: 

Lee Ki Suk (2010), East sea in the world map (Biển Đông trên bản đồ thế  giới) [67]. Tác giả nghiên cứu về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của biển Đông trên  bản đồ thế giới. Nghiên cứu sâu về các vấn đề quan trắc học, sự hình thành các tầng  cấu trúc, sinh vật của biển Đông. Từ đó nêu bật những giá trị kinh tế về tài nguyên  biển mà biển Đông đang tiềm ẩn. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của biển Đông như là  cầu nối vận tải biển và hàng hải quốc tế. Tất cả những phân tích của tác phẩm  hướng đến vấn đề lợi ích của các cường quốc trên thế giới cũng như các quốc gia  của vùng biển Đông. Từ đó, nhấn mạnh tới các vấn đề về tranh chấp và yêu cầu đặt  ra để đảm bảo ổn định an ninh trên khu vực biển Đông.  

Zhao Hong, Sino-Philippines relations: Moving beyond south China sea  dispute? (Quan hệ Trung Quốc – Philippines: Vượt xa khỏi tranh chấp biển Đông?) [100]. Tác giả trình bày những vấn đề pháp lý liên quan tới vấn đề tranh chấp biển  Đông giữa Philippines và Trung Quốc và những tác động tới mối quan hệ của hai  quốc gia này. Tuy là nước nhỏ song đối với vấn đề chủ quyền, an ninh trên biển, Philipines rất quyết liệt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và kiên quyết không đổi  chủ quyền trên biển Đông vì các lợi ích kinh tế.  

Carlyle Thayler, The capacity on the eastern sea, navy, marine policefishery  control of Vietnam (Các lực lượng trên biển Đông, hải quân, cảnh sát biển và kiểm  ngư của Việt Nam) [62]. Tác giả tập trung nghiên cứu 3 lực lượng vũ trang trên biển  chủ yếu của Việt Nam là hải quân, cảnh sát biển và kiểm ngư. Đây là ba lực lượng  quan trọng nhất giữ vai trò gìn giữ ổn định an ninh và quốc phòng trên mặt trận  biển, đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra rằng chất lượng nguồn nhân  lực của ba lực lượng vũ trang này còn nhiều hạn chế, họ chưa được trang bị đủ kiến  thức và thiết bị tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, tác giả cũng chỉ ra điểm yếu trong sự  phối kết hợp giữa 3 lực này trong hoạt động thực tiễn. Trong khi đó, công tác giữ  gìn an ninh biển, đảo của Việt Nam lúc nào cũng nằm trong nguy cơ đe doạ từ các  lực lượng ven biển Đông khác. Do đó, tác giả nhấn mạnh việc phải xây dựng các  biện pháp nâng cao chất lượng trang thiết bị và nhân lực cho các lực lượng vũ trang  nêu trên. Và phải có giải pháp tăng cường liên kết, phối hợp giữa 3 lực lượng 

Ben Dolven, Mark E. Manyin, Shirley A. Kan, Maritime Territorial Disputes  in East Asia: Issues for Congress Congressional Research Service (Những tranh  chấp lãnh thổ trên biển Đông) [61]. Tác giả phân tích khá rõ nét bức tranh biển  Đông nơi có sự tranh chấp lãnh thổ của các quốc gia ven biển. Theo đó, tranh chấp  chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo  Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông,  trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa 03 quốc gia và  vùng lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc và chính quyền Đài Loan. Trong đó quần đảo  Hoàng Sa là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và vùng lãnh thổ  Đài Loan; quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp của 6 quốc gia và vùng lãnh  thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Các quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa Bãi  Macclesfield là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, Quần đảo  Đông Sa do Đài Loan quản lý là đối tượng tranh chấp giữa Cộng hoà Nhân dân  Trung Hoa và Đài Loan. Quần đảo Natuna do Indonesia tuyên bố chủ quyền cũng  đang bị Trung Quốc đe doạ. Ngoài ra, vùng biển trong khu vực Biển Đông cũng là  đối tượng tranh chấp, với lợi ích mà các quốc gia quan tâm gồm: ngư trường, khai  thác tài nguyên đặc biệt là dầu khí và kiểm soát của một vị trí chiến lược. Các quốc gia gián tiếp can dự đáng kể đến biển Đông là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Từ  đây, tác giả phân tích những mối đe doạ an ninh trên biển Đông và xu hướng hợp  tác, đấu tranh của các quốc gia ven bờ nhằm đạt được lợi ích của mình.  

Katherine Morton, China’s Ambition in the South China Sea: Is a Legitimate  Maritime Order Possible (Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông:(Liệu có nằm  trong trật tự pháp lý hàng hải?) [66]. Tham vọng chiếm hữu biển Đông của Trung  Quốc đã không chỉ không xa lạ với các quốc gia trong khu vực mà còn với các nước  lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ. Mọi hành động của Trung Quốc ở biển Đông đều  gây sự chú ý tới khu vực và quốc tế. Đứng dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu  Mỹ về các vấn đề pháp lý ở biển Đông, tác giả cho thấy một bức tranh rõ nét về  xung đột ở biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia khác như Việt Nam,  Philippines và phân tích những tham vọng ẩn sau chiến lược phát triển kinh tế hàng  hải mà chính phủ Trung Quốc đang thi hành. Ngoài ra, tác giả gợi ý một số giải  pháp trong ngắn hạn và dài hạn cho các quốc gia như Việt Nam, để bảo vệ chủ  quyền quốc gia và an ninh trên biển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tuân thủ theo  các công ước và luật pháp về luật biển quốc tế và huy động sự giúp sức từ các tổ  chức, quốc gia khác trên thế giới thông qua các việc tham gia các diễn đàn khu vực  và quốc tế, tận dụng cơ hội để ràng buộc Trung Quốc vào các điều ước đã cam kết  với quốc tế.  

+ Công trình ở trong nước: 

Nguyễn Nhâm với bài “Chiến lược biển của các nước lớn trên thế giới những  quan tâm từ góc độ kinh tế biển Việt Nam” [34]. Nội dung bài viết đi sâu nghiên  cứu đến việc các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc… đều đã thực hiện điều chỉnh  chiến lược biển, đều coi biển và đại dương có vai trò rất quan trọng về KT-XH, đời  sống của con người và QP, AN trong thế kỷ XXI. Từ đó cho thấy Nghị quyết số 09- 

NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 09/02/2007 với các nội  dung cụ thể là một quyết sách rất đúng đắn, hợp lòng dân, việc xây dựng chiến lược  phát triển kinh tế biển sẽ tạo cơ sở để Việt Nam vươn ra biển, làm giàu từ biển, và  góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.  

Nguyễn Đồng Thuỵ với bài ”Một số vấn đề về đấu tranh quốc phòng bảo vệ  chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới” [48]. Bài viết khẳng định đảm bảo an  ninh, quốc phòng biển, đảo là điều kiện quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển phát  

triển bền vững, đồng thời trình bày những diễn biến phức tạp trong vấn đề bảo vệ  chủ quyền của nước ta ở biển Đông. Tác giả đưa ra giải pháp trên từng lĩnh vực cụ  thể, trong đó, trong lĩnh vực kinh tế, tác giả đưa ra các giải pháp như tăng cường  công tác quản lý kinh tế, nhất là lĩnh vực tài chính, thương mại; chủ động đấu tranh  ngăn chặn các thủ đoạn lợi dụng mở cửa, hợp tác để phá hoại kinh tế, mua chuộc  cán bộ hòng làm suy yếu hệ thống chính trị của ta và gây mất ổn định chính trị – xã  hội. Đồng thời, có biện pháp hữu hiệu bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty, tổ  chức kinh tế nước ngoài đang làm ăn trên vùng biển, đảo của Việt Nam, nhất là vô  hiệu hoá thủ đoạn gây sức ép, phá hoại hợp đồng kinh tế của nước ta với các đối tác  nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành các biện pháp đấu tranh  phù hợp trên lĩnh vực tài chính, thương mại để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.  

Trần Nam Chuân với bài ”Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng thế trận quốc  phòng toàn dân trên biển, đảo thời kỳ mới” [13]. Thế trận quốc phòng toàn dân trên  biển, đảo là bộ phận cấu thành quan trọng trong thế trận phòng thủ chung của Việt  Nam, nó có tính độc lập tương đối với những đặc thù riêng. Do vậy, chúng ta xây  dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, đảo phải tính tới những yêu  cầu đó để có các giải pháp phù hợp. Tác giả đưa ra giải pháp như xây dựng thế trận  quốc phòng toàn dân toàn diện, có trọng điểm, gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân  và biên phòng toàn dân, quán triệt mục tiêu, nguyên tắc, phương châm trong giải  quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển, đảo với các nước có liên quan bằng đối  thoại hoà bình.  

Lê Quốc Dũng với bài viết ”Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển – mấy  vấn đề cần quan tâm” [19]. Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển là nền tảng để  xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững  chắc, góp phần giữ vững hoà bình, ổn định trên biển để phát triển kinh tế; đồng thời,  bảo đảm QP, AN của đất nước từ hướng biển. Để xây dựng “thế trận lòng dân” trên  biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc,  tác giả cho rằng các cấp, các ngành, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển cần tập  trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục,  nâng cao nhận thức trách nhiệm cho nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo; Phát  huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính  quyền địa phương ven biển trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển; Đẩy mạnh  

phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật, chất tinh thần của nhân dân ven biển và  trên các đảo; Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong xây dựng “thế  trận lòng dân” trên biển.  

Trần Nam Chuân với bài viết ”Định hướng chiến lược bảo vệ chủ quyền  biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới” [14]. Bài viết tập trung phân tích chiến  lược an ninh quốc gia và bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời  cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh  biển, đảo của Tổ quốc.  

1.1.3. Các công trình nghiên cứu liên quan tới mối quan hệ giữa phát  triển kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng, an ninh 

+ Công trình ở nước ngoài:  

The government of Japan, National security strategy of Japan: Summary  overview (Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản: tổng quan tóm tắt) [77]. Cuốn  tổng quan về chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản có đề cập tới mối quan hệ  giữa đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển của Nhật Bản gắn với thực hiện các  mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo. Chính phủ Nhật Bản đặc biệt chú trọng tới mối  quan hệ này và chiến lược phát triển kinh tế biển luôn gắn với công tác bảo đảm an  ninh, quốc phòng trên biển. Nhật Bản hướng tới mục tiêu trở thành “quốc gia đại  dương mới”. Theo đó, Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hợp tác giữa các  lực lượng liên quan để ứng phó trước những thách thức mới trên biển. Để bảo đảm  an toàn cho các tuyến hải lộ, chính sách mới này cũng quy định Chính phủ sẽ thúc  đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” để duy trì và  củng cố trật tự trong khu vực.  

World bank (Ngân hàng thế giới), The potential of the Blue economy:  Increasing Long-term Benefits of the Sustainable Use of Marine Resources for  Small Island Developing States and Coastal Least Developed Countries. (Tiềm  năng của kinh tế biển: Lợi ích lâu dài của việc khai thác tài nguyên biển ở các  hòn đảo nhỏ và các vùng ven biển của các nước đang phát triển và phát triển

[81]. Đây là báo cáo mà Ngân hàng thế giới phối hợp thực hiện cùng với tổ chức  Liên Hợp quốc nhằm đưa ra những phân tích về phát triển kinh tế các vùng ven  biển ở các nước đang phát triển và các nước phát triển. Hiện nay, những thách  thức toàn cầu, nhất là suy thoái và ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh  

học, biến đổi khí hậu đã và đang đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ biển và đại dương  trên toàn thế giới cũng. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ sức khoẻ biển,  đại dương, vì đại dương khoẻ mạnh. Mục tiêu phát triển của Liên Hợp quốc về  bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển đã trở thành  thước đo phát triển của các quốc gia. Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7)  khẳng định vai trò và mối liên kết quan trọng của đại dương khoẻ mạnh và bền  vững đối với sự thịnh vượng của các quốc gia trên toàn thế giới nói chung, các quốc  gia ven biển nói riêng. Trong bối cảnh đó, kinh tế biển xanh được hầu hết các quốc  gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững biển và dần đưa thành yêu cầu bắt  buộc trong chiến lược, chính sách phát triển.  

Dhara P. Shad, China’s maritime security strategy:An assessment of the white  paper on Asia – Pacific security cooperation (Chiến lược an ninh hàng hải Trung  Quốc: Đánh giá Sách trắng về hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương) [65]. Trong  cuốn sách này, tác giả đã phân tích sâu sắc mối quan hệ về phát triển kinh tế biển gắn  với đảm bảo an ninh, quốc phòng trên biển của Trung Quốc, đồng thời cho thấy  những chiến lược vĩ mô của quốc gia này để đảm bảo ổn định mối quan hệ ấy. Theo  đó, Trung Quốc đang mở rộng không gian chiến lược hướng biển để duy trì sự tăng  trưởng kinh tế, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Nghiên cứu chiến lược biển được  Trung Quốc đặc biệt quan tâm, nhất là chiến lược khai thác phát triển Biển Đông.  Trung Quốc coi khống chế được Biển Đông tức là khống chế được cả vùng Đông  Nam Á và con đường giao lưu huyết mạch từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.  Giành được vị thế ở Biển Đông sẽ giúp nước này giành được thế chủ động để vươn ra  các vùng biển khác, đồng thời giúp Trung Quốc tăng cường và mở rộng tầm ảnh  hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước trong khu vực.  

Malcolm Cook and Ian Storey (2019), The Trump Administration and  Southeast Asia: The Hanoi Summit and US Policy in Southeast Asia (Chính quyền  Trump và Đông Nam Á: Hội nghị Hà Nội và chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á)  [68]. Trong bài viết này, các tác giả đã phân tích những nội dung cơ bản về chiến  lược chính sách của chính quyền Trump đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó  nhấn mạnh tới Việt Nam, đặc biệt là sau khi Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ giữa  tổng thống Trump và chủ tịch Kim (Triều Tiên) tại Hà Nội. Đối với vấn đề biển  Đông, các tác giả cho rằng Mỹ sẽ ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình ở  

khu vực này. Mỹ không chỉ muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên  biển Đông mà còn bị thu hút bởi những lợi ích kinh tế to lớn từ khu vực địa chính  trị này. Mỹ chủ trương tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam,  đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng thái độ bắt nạt các nước Đông Nam Á ở khu  vực biển Đông.  

+ Công trình ở trong nước: 

Vũ Văn Phái, Biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và  tương lai [35]. Tác giả trình bày rõ nét về quá trình hình thành và phát triển của  kinh tế biển Việt Nam gắn với việc bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia qua các giai  đoạn lịch sử. Tác giả nêu lên những thế mạnh của kinh tế biển Việt Nam, bao gồm  các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản cũng như vị trí địa lý thuận lợi cho  giao thương quốc tế, đồng thời phân tích những khó khăn, hạn chế trong việc phát  triển bền vững kinh tế biển gắn với việc bảo vệ chủ quyền.  

Quốc Toản, Mạnh Dũng với bài ”Kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng  cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia” [51]. Các tác giả  cho rằng xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng trên các địa bàn có vị trí chiến lược tại các vùng biên giới trên bộ đã khó khăn, phức tạp, nhưng triển khai xây dựng trên  biển, đảo càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Đây là mô hình mới, phức tạp cả về  địa lý, ngành nghề và nhiệm vụ. Vì vậy, trước hết phải có sự nghiên cứu về tổng  thể, trên cơ sở đó triển khai xây dựng từng bước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của  Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành trong và ngoài quân  đội, nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế – quốc phòng trên biển, đảo nhất định sẽ đạt  mục tiêu đề ra; góp phần phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc  phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã  hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.  

Nguyễn Thị Thơm với bài viết ”Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững  chắc chủ quyền biển, đảo” [45]. Với yêu cầu phát triển kinh tế biển song song với  bảo vệ QP, AN, tác giả cho rằng việc nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân  là việc làm đầu tiên và quan trọng nhất, tiếp đến là việc xây dựng lên các khung khổ  pháp lý về khai thác và phát triển kinh tế biển cũng như xây dựng các cơ chế quản  lý nhà nước đối với ngành này. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế, phát  triển nhân lực và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở ngành kinh tế biển.  

Lê Quý Quỳnh, Trần Thị Phương Thảo với bài ”Phát triển kinh tế biển kết  hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam” [37, tr.58-64]. Các tác giả nhận định  rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất  nước đồng thời đưa ra một số giải pháp để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an  ninh quốc phòng quốc gia như luôn luôn chú trọng nâng cao nhận thức về xây dựng  và thực hiện chiến lược phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; phải có sự kết  hợp chặt chẽ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế trên các đảo với xây dựng  công trình QP, AN; xây dựng các huyện đảo thành các khu vực phòng thủ địa  phương; đẩy mạnh dân sự hoá các đảo và phát triển một số ngành mũi nhọn kết hợp  với nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo xa bờ.  

Nguyễn Tuấn Dũng với bài viết ”Phát triển kinh tế du lịch biển – đảo gắn với  bảo đảm QP, AN trong bối cảnh hội nhập hiện nay” [20, tr.20-27]. Trước diễn biến  phức tạp của tình hình biển Đông, tác giả cho rằng chúng ta phải đặt ra mục tiêu gắn  phát triển kinh tế du lịch biển (KTDLB) – đảo với bảo đảm QP, AN. Trên thực tế,  việc gắn kết 2 lĩnh vực này đã được thực hiện và thu được một số kết quả khả quan;  tuy nhiên, ở một số nơi, một số thời điểm hiệu quả của sự gắn kết này còn hạn chế.  Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa phát  triển KTDLB – đảo với bảo đảm QP, AN trong bối cảnh hội nhập ở Việt Nam, cụ  thể như tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho các nhà  quản lý, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân về sự cần thiết gắn phát  triển KTDLB – đảo với bảo đảm QP, AN trong bối cảnh hội nhập; Tăng cường đầu  tư cho phát triển KTDLB – đảo để khẳng định chủ quyền trên biển và các đảo, quần  đảo; Tăng cường phối hợp giữa ngành Du lịch với Quân đội và Công an trong phát  triển KTDLB – đảo; Hoàn thiện cơ chế quản lý phát triển KTDLB – đảo gắn với bảo  đảm QP, AN trong bối cảnh hội nhập; Xây dựng môi trường hoàn bình, thân thiện  và an toàn, bảo đảm vững chắc về QP, AN, ổn định trật tự, an toàn xã hội tạo điều  kiện thuận lợi cho KTDLB – đảo phát triển.  

Trần Đơn với bài viết ”Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận  phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo” [26]. Tác giả phân tích vai trò  quan trọng của kinh tế biển với an ninh, quốc phòng và chỉ ra một số điểm hạn chế  trong phát triển kinh tế biển như: quy mô các ngành hoạt động về kinh tế biển của  nước ta còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế 

biển của đất nước. Tác giả cho rằng nếu đem so với các nước trên thế giới và khu  vực thì Việt Nam còn chậm phát triển về nhiều mặt; giá trị gia tăng thu được từ hoạt  động kinh tế biển đều ở mức thấp hoặc rất thấp… Từ đó tác giả đưa ra các nhóm  giải pháp như: Một là, thực hiện quy hoạch thống nhất kết hợp kinh tế với QP,  AN trên các vùng biển, đảo và tuyến biển gần bờ. Hai là, ưu tiên nguồn lực cho phát  triển kinh tế biển, thực hiện có hiệu quả chiến lược kết hợp kinh tế với QP, AN trên  các vùng ven biển, hải đảo. Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với QP, AN, thúc  đẩy nhanh quá trình dân sự hoá trên biển với xây dựng thế trận QP, AN vững mạnh,  đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Bốn là, trang thiết bị kỹ thuật – hậu cần phục vụ cho phát triển kinh tế kết hợp với QP, AN phải phù hợp với điều  kiện cụ thể tại địa bàn các vùng biển, đảo. Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ  chức đảng và chính quyền ở các huyện đảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển,  đảo của Tổ quốc.  

Nguyễn Quang Dy (2019) với bài viết ”Việt Nam có thể làm gì tại biển  Đông” [21]. Tác giả cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình trên biển Đông.  Đó là việc hiện nay Trung Quốc ra sức chèn ép chúng ta trên biển thông qua việc  cho các tàu chiến hạm của họ khiêu khích các tàu của chúng ta. Trung Quốc muốn  gây sức ép để chúng ta phải quan hệ với họ, thay vì hướng quan hệ sang Mỹ khi Mỹ  đang ngày càng gia tăng tiếng nói ở khu vực biển Đông và có những tranh chấp  căng thẳng về thương mại với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, tác giả cho rằng  Việt Nam đang đứng trước thời cơ để phát triển kinh tế biển. Đó là cơ hội nâng cấp  quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược  toàn diện với các cường quốc khác trên thế giới, tức là cơ hội để phát triển giao  thương, thương mại trên biển Đông với nhiều đối tác lớn khi mà Trung Quốc còn  đang phải lay hoay trong chiến tranh thương mại với Mỹ.  

1.2. ĐÁNH GIÁ CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC VÀ CÁC  VẤN ĐỀ MỚI ĐẶT RA ĐỐI VỚI ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 

1.2.1. Các kết quả nghiên cứu đã đạt được 

Thứ nhất, về cơ bản, các công trình trong nước đã nêu bật được vị trí, vai trò  quan trọng của phát triển kinh tế biển đối với sự phát triển KT-XH của cả nước và  của từng địa phương. Các tác giả đều thống nhất ý kiến về vai trò quan trọng của  kinh tế biển, đặc biệt trong bối cảnh tiềm năng đất liền ngày càng hạn hẹp trong khi tiềm năng của biển rộng lớn trên nhiều mặt nhưng phát triển kinh tế biển chưa được  xứng với tiềm năng vốn có của mỗi quốc gia và địa phương có biển.  Thứ hai, nhiều công trình đã tiếp cận theo hướng tìm hiểu và phân tích các lĩnh  vực phát triển kinh tế biển bao gồm các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển mà chủ  yếu là kinh tế Hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển); Hải sản (đánh bắt và nuôi  trồng hải sản); Khai thác dầu khí ngoài khơi; Du lịch biển; Làm muối; Dịch vụ tìm  kiếm, cứu hộ, cứu nạn; Kinh tế đảo… Một số công trình tập trung vào các ngành kinh  tế trực tiếp liên quan đến kinh tế biển, hoạt động của các ngành này không diễn ra  trực tiếp trên biển nhưng trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan tới hoạt động kinh tế  biển như: ngành công nghiệp đóng tầu và sửa chữa tầu biển (hoạt động kinh tế này  cũng có thể xếp vào kinh tế hàng hải); Công nghiệp khai thác và lọc dầu, chế biến các  sản phẩm từ dầu khí; Công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản; các ngành cung cấp dịch vụ  biển; hoạt động thông tin liên lạc trên biển; Hoạt động nghiên cứu khoa học – công  nghệ có liên quan tới biển; phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động kinh tế biển; hoạt  động điều tra, quy hoạch về khai thác tài nguyên – môi trường biển.  Thứ ba, một số nghiên cứu đi sâu tìm hiểu quan niệm về kinh tế biển, theo đó  kinh tế biển được tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau nhưng cơ bản chia kinh  tế biển ra làm toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh  tế phục vụ cho quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên của biển. Đồng thời, một số  công trình hướng vào phân tích nhân tố ảnh hưởng và điều kiện để phát triển kinh tế  biển. Nhiều công trình lại đi sâu tìm hiểu và phân tích những nguyên nhân, hạn chế  cũng như những khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế biển nói chung và một  vài nội dung phát triển kinh tế biển cụ thể. Trong đó, có các công trình nghiên cứu  chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, có các công trình chỉ ra nguyên nhân  vĩ mô và vi mô… Trên cơ sở đó các tác giả đưa ra các giải pháp phù hợp, góp phần  hạn chế khó khăn, tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển bền vững.  Thứ tư, một số công trình đề cập tới mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển  gắn với đảm bảo QP, AN. Các công trình đều khẳng định rõ đây là mối quan hệ biện  chứng: Kinh tế biển là yếu tố quyết định đến QP, AN; ngược lại, quốc phòng an ninh  cũng có tác động trở lại đối với kinh tế biển theo hai chiều hướng: tích cực và tiêu  cực. Chẳng hạn như quốc phòng an ninh vững chắc sẽ tạo môi trường hoà bình, ổn  định để thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải  

biển… thúc đẩy KTDLB đảo phát triển; ngược lại, tiềm lực, khả năng quốc phòng an  ninh yếu kém, trật tự an toàn xã hội không được bảo đảm sẽ tất yếu tạo ra những bất  ổn về kinh tế, chính trị, xã hội, làm giảm khả năng thu hút khách du lịch đến tham  quan nghỉ dưỡng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển KTDLB đảo.  

Thứ năm, nhiều nghiên cứu đề cập đến phương thức đảm bảo mối quan hệ  giữa phát triển kinh tế biển và đảm bảo QP, AN ở phạm vi quốc gia hoặc phạm vi  cấp tỉnh, thành phố. Đánh giá kết quả và khó khăn, hạn chế gắn với các điều kiện  khách quan, chủ quan cũng như tình hình KT-XH nhất định.  

Thứ sáu, các công trình nước ngoài nghiên cứu về mối quan hệ giữa phát  triển kinh tế biển và đảm bảo QP, AN chủ yếu tập trung khai thác các nội dung, vấn  đề về tranh chấp trên biển Đông trên nhiều phương diện pháp luật, công ước quốc tế  về luật biển… Có một số công trình đi sâu phân tích những tác động ảnh hưởng tới  các quốc gia ven biển khi xảy ra những tranh chấp về chủ quyền trên biển. Các tác  giả chủ yếu dựa vào các công ước quốc tế và luật biển để đánh giá về các cuộc tranh  chấp trên biển Đông hiện nay và đề xuất các ý tưởng giải quyết mối quan hệ thông  qua đàm phán, thương lượng.  

Tóm lại, mặc dù kết quả nghiên cứu của các công trình trên đã phổ quát nhiều nội dung theo hướng đề tài luận án nghiên cứu, tuy nhiên, hầu hết các công  trình nghiên cứu chưa đi sâu, tập trung vào khía cạnh kinh tế biển trong mối quan hệ  với đảm bảo QP, AN, nhất là trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo thế giới nói chung và chủ quyền biển Đông nói riêng ngày càng xuất hiện phương thức, thủ  đoạn diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. Đồng thời, cách tiếp cận những  dự báo, các giải pháp đưa ra đã không bao quát hết những biến đổi mới của thực  tiễn. Đặc biệt, nghiên cứu mối quan hệ giữa kinh tế biển với đảm bảo QP, AN trong  phạm vi cấp thành phố trực thuộc Trung ương, địa bàn có lợi thế về biển trên nhiều  phương diện để phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn chưa được nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống trong bối cảnh mới. 

1.2.2. Các vấn đề mới đặt ra cần tập trung nghiên cứu chuyên sâu, làm  sáng tỏ trong luận án 

Tiếp cận dưới góc độ của chuyên ngành kinh tế chính trị, để phù hợp với đối  tượng, mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài, luận án tập nghiên cứu các nội  dung cơ bản sau: 

Một là, nghiên cứu và kế thừa có chọn lọc, đồng thời bổ sung để hoàn thiện  khung khổ lý thuyết về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở cấp  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường  hiện đại và hội nhập quốc tế. Luận án cần làm rõ những khái niệm, nội dung kết hợp 

(chủ thể, nguồn lực, phương thức, điều kiện đảm bảo), tiêu chí đánh giá, nhân tố  ảnh hưởng, sự cần thiết khách quan, vấn đề mới đặt ra … của kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo QP, AN. Trên cơ sở đó nghiên cứu để giải quyết những mục  tiêu mà luận án đề ra.  

Hai là, luận án cần tập trung phân tích, luận giải để nêu bật lên mối quan hệ  biện chứng giữa kinh tế biển và đảm bảo QP, AN để khẳng định đây là mối quan hệ  kinh tế mang tính chất đặc thù. Trong đó, kinh tế biển giữ vai trò cung cấp cơ sở vật  chất kỹ thuật và các nguồn lực khác để đảm bảo QP, AN. Đồng thời, đảm bảo QP, AN 

sẽ tác động trở lại đến kinh tế biển trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Đặt trong bối  cảnh biển Đông đang có nhiều diễn biến, tranh chấp bất ổn khó lường như hiện nay.  Ba là, nghiên cứu và phân tích kinh nghiệm phát triển kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo QP, AN ở một nước và một số tỉnh, thành phố trong nước có  biển. Từ đó, rút ra những bài học cho thành phố Đà Nẵng về phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN.  

Bốn là, trên cơ sở khung lý luận đã được xây dựng để khảo sát thực trạng kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng. Trong  đó, đi sâu phân tích, đánh giá theo từng phân ngành kinh tế biển của thành phố  trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN theo hướng: Các chủ thể làm gì? làm như  thế nào? Để thực hiện mối quan hệ. Chính quyền các cấp của thành phố đã làm gì  để gắn kết… các phân tích, đánh giá theo kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, thách  thức và nguyên nhân. 

 Năm là, dựa vào dự báo trong nước và quốc tế, mà trực tiếp là tình hình biển  Đông tác động rất lớn đến vấn đề QP, AN quốc gia và thành phố Đà Nẵng. Kết hợp với mục tiêu phát triển cao về kinh tế trong những thập niên tới của thành phố, luận án đề  xuất các phương hướng tạo kim chỉ nam để đề xuất các giải pháp cả trước mắt và lâu  dài nhằm hoàn thiện và phát triển mối quan hệ giữa kinh tế biển với đảm bảo QP, AN ở  thành phố Đà Nẵng một cách đồng bộ, hệ thống và khả thi, hướng đến xây dựng thành  phố điển hình về phát triển kinh tế biển của khu vực miền Trung và cả nước.  

Chương 2 

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KINH TẾ BIỂN 

TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH 

2.1. LÝ LUẬN VỀ KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM  BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH 

2.1.1. Những khái niệm cơ bản liên quan đến kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh 

2.1.1.1. Kinh tế biển và phát triển kinh tế biển  

– Khái niệm kinh tế biển: 

Nghiên cứu về kinh tế biển có quá trình lịch sử lâu dài gắn liền với các quốc  gia có biển. Đến nay có rất nhiều quan niệm khác nhau của các nước, các tổ chức quốc  tế cũng như các nhà nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế biển. Sở dĩ như vậy vì việc xác  định phạm vi và cách tiếp cận của kinh tế biển còn nhiều khác biệt. Có quan điểm cho  rằng kinh tế biển chỉ bao gồm những hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, trong khi một  số ý kiến khác lại cho rằng kinh tế biển còn phải tính đến những hoạt động ở ven biển  hoặc liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến biển. Thực chất, các quan điểm đều không  bàn luận nhiều về bản thân các ngành nghề thuộc kinh tế biển, mà về các lĩnh vực liên  quan và không phải diễn ra trên biển, hay nói cách khác là chưa thống nhất được về mặt quan hệ sản xuất của nó. Có thể dẫn liệu những minh chứng tiêu biểu sau đây: 

Ở nước ngoài, khái niệm kinh tế biển giữa các quốc gia cũng không giống nhau: Theo Vụ Nghề cá và Đại dương Canada (DFO), thì “Kinh tế biển là những  ngành được thành lập trong khu vực hàng hải và các cộng đồng ven biển liền kề với  các khu vực này, hay những ngành mà thu nhập của chúng phụ thuộc vào các khu  vực này” [64].  

Tại Trung Quốc, sau nhiều tranh luận về phạm vi của kinh tế biển như cho  rằng kinh tế biển là các hoạt động về hàng hải (tác giả Yang Jinsen, 1984) [94];  hay là các về du lịch biển, giao thông vận tải biển, làm muối, chăn nuôi thuỷ sản,  hoạt đông thăm dò và khai thác dầu khí, các hoạt động khai thác tài nguyên biển  (các học giả Dương Kim Thâm, Lương Hải Tân và Hoàng Minh Lỗ, 1990) [76];  hoặc là các hoạt động kinh tế có liên quan tới biển và tùy thuộc vào mức độ hoạt  động của ngành kinh tế ấy (Xu Zhibin, 2003) [89] … thì cuối cùng các tác giả  cũng đi tới thống nhất rằng kinh tế biển là những hoạt động kinh tế trực tiếp hoặc  gián tiếp liên quan tới biển. 

Tại Mỹ, khái niệm kinh tế biển được xem xét dựa trên mức độ đóng góp của  kinh tế biển vào nền kinh tế quốc dân. Cục phân tích kinh tế Mỹ cho rằng kinh tế biển  là nền kinh tế tận dụng nguồn lực của biển trong quá trình sản xuất hay là quá trình sản  xuất một sản phẩm hoặc dịch vụ phụ thuộc vào chất lượng của các nguồn lực biển [69].  

Ở Niu-di-lân, trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội thống kê  Niu-di-lân (2006), các tác giả đã khẳng định: “kinh tế biển là tổng thể các hoạt động  kinh tế sử dụng hoặc diễn ra trong môi trường biển, hoặc sản xuất các hàng hoá và  dịch vụ cần thiết cho các hoạt động trên biển” [70].  

Ở Việt Nam, khái niệm kinh tế biển cũng chưa có sự thống nhất rõ ràng.  Theo Vũ Văn Phái trong bài viết “Biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam: Quá  khứ, hiện tại và tương lai” [35], coi kinh tế biển của nước ta sau thời kỳ đổi mới bao  gồm 6 lĩnh vực là: 1) nghề cá (đánh bắt, nuôi trồng và chế biến); 2) khai thác  khoáng sản; 3) hàng hải (đóng tàu, chuyên chở, xây dựng cảng); 4) du lịch và giải  trí biển; 5) dịch vụ biển (sản xuất các thiệt bị, phương tiện làm việc trong biển); 6)  an ninh – quốc phòng (quản lý vùng biển).  

Đề tài khoa học cấp thành phố Đà Nẵng năm 2002 có tên “Giải pháp cơ bản  nhằm phát triển bền vững và có hiệu quả kinh tế biển thành phố Đà Nẵng” [42], tác  giả Huỳnh Văn Thanh cho rằng: Kinh tế biển bao gồm các hoạt động kinh tế trên  biển và đất liền, trong đó biển chủ yếu là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế như: khai  thác tài nguyên biển, các hoạt động vận tải và du lịch, còn các hoạt động ven bờ  khác là các hoạt động trên bờ như chế biển hải sản, đóng tàu… cũng nhờ yếu tố  biển hoặc phục vụ cho biển.  

Trong Chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đến  năm 2020, kinh tế biển được cho là bao gồm những ngành cụ thể như: 1. Kinh tế Hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển);  

2. Hải sản (đánh bắt và nuôi trồng hải sản);  

3. Khai thác dầu khí ngoài khơi; 

4. Du lịch biển; 

5. Làm muối; 

6. Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; 

7. Kinh tế đảo. 

8. Đóng tầu và sửa chữa tầu biển; 

9. Công nghiệp cơ khí và chế biến; 

10. Công nghiệp chế biến thuỷ sản, hải sản; 

11. Cung cấp dịch vụ biển; 

12. Thông tin liên lạc biển; 

13. Nghiên cứu khoa học – công nghệ biển; 

14. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; 

15. Điều tra cơ bản về tài nguyên – môi trường biển. 

Như vậy, hầu hết các quan điểm của nước ngoài và Việt Nam đều quy kinh  tế biển về hai điểm chính. Một là, chỉ quan niệm kinh tế biển là những hoạt động  kinh tế chỉ diễn ra trên biển. Hai là, không chỉ các hoạt động diễn ra trên biển mà  còn cả các hoạt động ven biển hoặc trên đất liền nhưng có liên quan tới biển.  

Tham khảo có tính kế thừa để bổ sung hoàn thiện, từ những quan điểm nước  ngoài và Việt Nam, để phù hợp với bối cảnh và yêu cầu thực tiễn của quá trình phát  triển nền kinh tế thị trường hiện đại, khái niệm kinh tế biển trong luận án này xin  được trình bày khái quát như sau: 

Kinh tế biển là lĩnh vực hoạt động và các quan hệ kinh tế diễn ra trên biển  cùng với các hoạt động kinh tế khác tuy không diễn ra trên biển nhưng có liên quan  tới hoạt động khai thác biển (bao gồm những hoạt động nhờ vào yếu tố “biển” để  phát triển kinh tế và các hoạt động dịch vụ cho phát triển kinh tế biển).  

Có thể khái quát kinh tế biển theo sơ đồ 1.1.dưới đây: 

Kinh tế biển 

“Các hoạt động kinh tế có liên quan trực  

tiếp tới biển” 

“1.Kinh tế Hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển);” “2. Hải sản (đánh bắt và nuôi trồng hải sản);” “3.Khai thác dầu khí ngoài khơi;”  

“4. Du lịch biển;” 

“5.Làm muối;”  

“6.Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn;” 

“7.Kinh tế đảo.” 

“Các hoạt động kinh tế gián tiếp  liên quan tới biển” 

“8. Đóng và sửa chữa tầu biển (hoạt động kinh tế này cũng có thể xếp vào kinh tế hàng hải);” “9. Công nghiệp cơ khí và chế biến;” 

“10.Công nghiệp chế biến thủy sản, hải sản;” 

“11.Cung cấp dịch vụ biển;”  

“12. Thông tin liên lạc biển;”  

“13.Nghiên cứu khoa học – công nghệ biển;”  

“14. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển;”  

“15.Điều tra cơ bản về tài nguyên – môi trường biển” 

Sơ đồ 1.1: Khái quát kinh tế biển và các lĩnh vực kinh tế biển Nguồn: Tổng hợp của tác giả.

Khái niệm phát triển kinh tế biển: 

Phát triển kinh tế biển về cơ bản có nội hàm giống khái niệm phát triển kinh  tế ở chỗ các khái niệm này đều phản ánh một quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ  hơn về mọi mặt của nền kinh tế và được đo lường bằng các tiêu chí như: xem xét  qua mức độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu KT-XH cũng như đời sống, mức sống của  người dân. Phát triển kinh tế là một khái niệm có nội hàm rộng hơn tăng trưởng 

kinh tế, thông thường khi nói đến tăng trưởng kinh tế người ta chỉ xem xét sự gia  tăng về tốc độ, quy mô của nền kinh tế thì phát triển kinh tế là sự kết hợp một cách  chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội ở mỗi quốc gia.  Phát triển kinh tế bao gồm có tăng trưởng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều  hướng tiến bộ (thường xét đến sự chuyển dịch cơ cấu ngành: sự gia tăng tỉ trọng  ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp), sự biến đổi ngày  càng tốt hơn trong các vấn đề xã hội (xoá bỏ nghèo đói, suy dinh dưỡng, tăng tuổi  thọ bình quân, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, nước sạch của người dân,  đảm bảo phúc lợi xã hội, giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội…).  

Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển sẽ có thêm những nội dung liên quan tới  đặc trưng riêng của các hoạt động kinh tế biển. Thứ nhất, theo nghĩa rộng, phát triển  kinh tế biển được hiểu là việc phát triển toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên  biển và các hoạt động kinh tế diễn ra trên đất liền nhưng trực tiếp liên quan đến khai  thác biển. Thứ hai, theo nghĩa hẹp, phát triển kinh tế biển là việc phát triển kinh tế  dựa trên những tiềm năng lợi thế riêng có do nguồn lực, điều kiện tự nhiên của vùng  biển đem lại.  

Phát triển kinh tế biển không chỉ là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển  mà còn phải gắn các ngành này với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia  và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Muốn vậy cần khuyến khích mọi  thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động này, khuyến khích họ đầu tư cho các  ngành kinh tế biển. Trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng vững chắc ở các vùng ven biển, đảo. Hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven  biển có vai trò đặc biệt quan trọng. Đưa các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào khai thác tài  nguyên biển song vẫn đảm bảo những yêu cầu về môi trường. Thu hút người dân ra  biển đảo làm ăn sinh sống và định cư lâu dài. Đảm bảo các công tác về cứu hộ, cứu  nạn trên biển. Tạo ra một môi trường an toàn, thuận lợi và ổn định trên biển, đảo. 

Như vậy: Phát triển kinh tế biển là sự gia tăng toàn diện các phân ngành kinh tế biển theo chiều hướng tiến bộ, bao gồm: Sự phát triển toàn diện và đồng bộ của các phân ngành kinh tế biển với các mặt của đời sống văn hoá – xã hội ở các  khu vực ven biển, dựa trên một chiến lược phát triển kinh tế biển và phương thức  quản lý kinh tế biển phù hợp và hiệu quả.  

Phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung quan trọng trong phát  triển kinh tế tổng thể của một quốc gia. Nó thể hiện tầm nhìn hướng ra biển của  quốc gia đó.  

2.1.1.2. Đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và đảm bảo quốc phòng,  an ninh cấp thành phố (cấp tỉnh) 

– Đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia: 

Hai khái niệm quốc phòng và an ninh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau vì  QP, AN là hai mặt của sự nghiệp bảo vệ đất nước.  

Quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia gồm tổng thể các hoạt  động đối nội, đối ngoại về kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học… của Nhà nước để  phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, trong đó sức mạnh quân sự là nòng  cốt để giữ vững hoà bình, đẩy lùi và ngăn chặn các hoạt động chống đối của kẻ thù,  sẵn sàng đánh lại kẻ thù xâm lược dưới bất cứ hình thức và quy mô nào.  

An ninh được định nghĩa trong từ điển quân sự Việt Nam là trạng thái ổn  định, an toàn, không có dấu hiệu nguy hiểm đe doạ sự tồn tại và phát triển bình  thường của cá nhân, của tổ chức, của từng lĩnh vực trong hoạt động xã hội hoặc của  an toàn xã hội. Bản chất của an ninh được thể hiện ở hai yếu tố: an toàn (về mặt vật  chất) và yên tâm (về mặt tinh thần). Thêm nữa, có thể hiểu an ninh bao hàm hai yếu  tố, an toàn và không bị đe doạ. Cũng từ đó, an ninh quốc gia có thể hiểu là trạng  thái của một quốc gia không bị đe doạ bởi chủ thể quốc gia hoặc phi quốc gia khác  gây tại hoạ cho mình. An ninh quốc gia của Việt Nam là sự ổn định, phát triển bền  vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt  Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ  quốc. Bao hàm cả vấn đề an toàn cho cộng đồng dân cư nói chung, cho mỗi cá nhân  nói riêng. An ninh quốc gia bao gồm cả các nội dung của an ninh truyền thống và an  ninh phi truyền thống. Trong đó, an ninh truyền thống chủ yếu nhấn mạnh về đe doạ  quân sự và bảo vệ quốc phòng. An ninh truyền thống lấy nhà nước, lãnh thổ quốc  

gia làm trung tâm của các mối quan tâm về an ninh. An ninh truyền thống nhấn mạnh sự  đe dọa an ninh từ các quốc gia khác, là quan hệ an ninh giữa các nhà nước mà ít quan  tâm tới những mối đe dọa an ninh trong biên giới quốc gia. Các mối đe dọa an ninh  truyền thống xuất phát từ bốn nguồn gốc là mối đe dọa đến từ bản thân các quốc gia; mối  đe dọa từ các quốc gia khác; mối đe dọa đến từ các cuộc xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn  giáo và mối đe dọa đến từ các nhóm, tổ chức và các cá nhân tội phạm. Đặc biệt, an ninh  truyền thống sử dụng các sức mạnh vũ trang, quân sự, chiến tranh để giải quyết. 

Còn an ninh phi truyền thống bàn về các vấn đề chính trị, an ninh, quốc  phòng, kinh tế, xã hội, trong chiến lược quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia  cũng như trong hợp tác an ninh của nhiều khu vực và thế giới. Thông thường nó bao  gồm an ninh kinh tế, an ninh tài chính – tiền tệ, an ninh tài nguyên thiên nhiên, an  ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh tin học, an ninh  sức khỏe… An ninh phi truyền thống lấy con người là đối tượng trung tâm, nó nhấn  mạnh tới việc bảo đảm cho mỗi người dân và các cá nhân trong cộng đồng có được  an sinh và phát triển năng lực căn bản của mình. An ninh phi truyền thống chủ yếu  sử dụng các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm sự ổn định bên  trong, thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển con người và thực hiện an sinh xã hội.  

Trong thế kỷ 20, khái niệm “an ninh” thường gắn liền với bối cảnh các cuộc  xung đột vũ trang. Sau Chiến tranh lạnh, xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, thế  giới bước vào giai đoạn mà trong đó xu thế hợp tác và phát triển kinh tế là chủ yếu,  điều này mang đến sự phồn thịnh cho nhiều quốc gia, khu vực. Tuy nhiên, quá trình  hợp tác, hội nhập quốc tế này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, đe dọa đến an  ninh, chủ quyền của các quốc gia dân tộc và cuộc sống của chính con người. Vì vậy  ngày nay, an ninh không chỉ xoay quanh các vấn đề về vũ trang nữa mà đã mở rộng  ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó an ninh phi truyền thống ngày càng được chú trọng  nhiều hơn, đặc biệt là an ninh trong lĩnh vực kinh tế, chính trị. Do đó, đảm bảo quốc  phòng, an ninh quốc gia trên biển không chỉ là việc đảm bảo về mặt trật tự, an ninh  thông qua các hoạt động vũ trang trên biển mà còn là việc đảm bảo cho kinh tế phát  triển bền vững, ổn định về chính trị – xã hội, bảo vệ môi trường… ở ven biển, trong đó  đảm bảo ổn định về chính trị và phát triển kinh tế bền vững đóng vai trò then chốt.  

Như vậy, có thể thấy, quốc phòng mạnh là điều kiện tốt nhất để giữ vững an ninh  bên trong, ngược lại an ninh tốt là điều kiện để ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng. Từ đó có thể khái quát: Đảm bảo QP, AN quốc gia là phòng ngừa, phát hiện,  ngăn chặn và đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm hại QP, AN quốc gia. Trong đó,  hoạt động xâm phạm QP, AN quốc gia là những hành vi xâm phạm chế độ chính trị, chế  độ kinh tế, nền văn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, độc lập, chủ quyền, thống nhất,  toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  

Đảm bảo QP, AN quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Các cơ quan, tổ chức,  công dân đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đảm bảo sự ổn định, an toàn QP, AN quốc gia theo quy định của pháp luật.  

– Đảm bảo QP, AN cấp thành phố (cấp tỉnh): 

Đảm bảo QP, AN ở cấp tỉnh, thành phố đóng vai trò then chốt cho công cuộc  bảo vệ QP, AN của quốc gia nói chung. Về cơ bản, đảm bảo QP, AN cấp tỉnh, thành  phố là việc duy trì ổn định, phát triển bền vững của tỉnh, thành phố đó. Nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn những hoạt động chống phá chính quyền cấp tỉnh, thành phố  cũng như ngăn chặn, kiểm soát, triệt tiêu những hành động xâm phạm độc lập, chủ  quyền quốc gia ở tỉnh, thành phố đó. Đồng thời, đảm bảo giữ vững ổn định trên mọi  mặt của đời sống đặc biệt là đảm bảo ổn định về kinh tế để phát triển.  

 Đảm bảo QP, AN ở cấp tỉnh, thành phố là một nhiệm vụ trọng yếu đặt ra  cho các chính quyền địa phương trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Trong phạm vi  nghiên cứu của luận án này thì đảm bảo QP, AN ở thành phố Đà Nẵng là việc duy  trì được một môi trường ổn định, an toàn trên các vùng biển của thành phố Đà  Nẵng; ngăn ngừa và triệt tiêu được các hoạt động chống phá chính quyền thành phố  hay các hoạt động xâm phạm tới chủ quyền quốc gia trên biển thuộc địa phận của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là những hành vi xâm hại chủ quyển trên các vùng  biển, ven biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo một môi trường  hoà bình, ổn định để phát triển bền vững nền kinh tế biển của thành phố.  

2.1.1.3. Quan niệm về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc  phòng, an ninh cấp thành phố (cấp tỉnh) 

Nghị quyết Trung ương 8, khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Phát triển bền  vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm QP, AN, giữ vững độc lập, chủ quyền và  toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì  môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển” [3]. Đây là chủ trương được bổ sung, phát triển trên cơ sở những nghị quyết Trung ương trước đây về chiến lược biển. Có  thể thấy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế  biển với đảm bảo QP, AN.  

Biển cũng là hướng phòng thủ chiến lược của đất nước ta. Lịch sử cho thấy,  nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta được bắt đầu từ hướng  biển. Ngày nay, vùng biển, đảo càng trở nên một hướng đặc biệt quan trọng, xung  yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phát triển kinh tế biển gắn  với QP, AN bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là điều Đảng và Nhà nước ta  luôn quan tâm, chú trọng.  

Đại hội lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), lần đầu tiên Đảng ta bàn về  phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh phát  triển kinh tế biển gắn với bảo đảm QP, AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.  Nghị quyết Đại hội VIII chỉ rõ:  

Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc  phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy  mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm  năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc  phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh KT-XH, bảo vệ và làm chủ  vùng biển của Tổ quốc [22].  

Ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị (khoá VIII) ban hành Chỉ thị 20-CT/TƯ về  “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá” [7].  Đặc biệt, tại Đại hội X (tháng 4/2006), Đảng ta khẳng định:  

Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm  với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia  mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm QP, AN và hợp tác quốc tế. Hoàn  chỉnh quy hoạch và phát triển có hiệu quả hệ thống cảng biển và vận tải  biển, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác và chế biến hải sản, phát  triển du lịch biển, đảo. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp đóng tàu  và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ bổ trợ. Hình thành một số  hành lang kinh tế ven biển. Nhanh chóng phát triển KT-XH ở các hải đảo  gắn với bảo đảm QP, AN [23].  

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, chủ trương phát triển kinh tế biển  gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được điều chỉnh cụ thể, chi tiết hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển  năm 2011) chỉ rõ cần kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP, AN; QP, AN với kinh tế trong  từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH và trên từng địa  bàn. Trong đó, một số nội dung được nhấn mạnh như những giải pháp tích cực để gắn 

phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo như tăng cường công tác quy hoạch;  xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược đều phải  gắn kết chặt chẽ với quá trình tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận QP, AN;  nhiệm vụ, phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo;  chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện  quân với dân một ý chí; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển  kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng  thuận xã hội… Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta cũng nhấn mạnh:  

Phát triển kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo  vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu  khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh  dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo.  Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế  biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo  vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển,  đảo một cách bền vững [24]… 

Nằm trong chiến lược hướng ra biển chung của cả nước, nhận thức về kinh tế biến trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN ở cấp tỉnh (thành phố) trên cơ sở kế  thừa có chọn lọc và bổ sung để hoàn thiện theo mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu  của luận án có thể khái quát: Kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN  cấp tỉnh (thành phố): Là sự hoạt động chủ động, thường xuyên của các các chủ thể  thuộc các phân ngành kinh tế biển với các cấp chính quyền và các lực lượng chuyên  trách về QP, AN trên địa bàn cấp tỉnh theo các quy chế và hình thức thích hợp, nhằm đảm bảo những điều kiện và yêu cầu cần thiết về QP, AN để phát triển kinh tế biển.  Đồng thời, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của vùng và của cả đất nước,  thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. 

Trong đó chủ thể trong các phân ngành kinh tế biển: Doanh nghiệp; các  HTX; các hội nghề nghiệp; nghiệp đoàn… và người dân. 

Lực lượng chuyên trách gồm: Bộ đội biên phòng; hải quân, cảnh sát biển,  công an; lực lượng kiểm ngư.  

2.1.2. Sự cần thiết phải giải quyết hài hoà quan hệ giữa phát triển kinh  tế biển với đảm bảo quốc phòng, an ninh 

Kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN có thể diễn ra ở nhiều  cấp độ. Nếu xét theo tính cấp thiết của tình hình có thể theo mức độ tăng dần từ cấp  độ 1 đế cấp độ 2 và tăng dần lên đến cấp độ cuối. Và ở mỗi cấp độ có những tiêu chí  cụ thể. Nếu xét theo mức độ ảnh hưởng có thể xét theo địa bàn ảnh hưởng: Tỉnh  (thành phố); vùng và quốc gia… Trong phạm vi của đề tài chủ yếu xét theo mối quan 

hệ và tác động qua lại phạm vi cấp thành phố và tác động qua lại giữa các cấp độ. 2.1.2.1. Tác động của phát triển kinh tế biển tới đảm bảo quốc phòng, an ninh Kinh tế biển tác động tới QP, AN theo cả hai hướng thuận lợi và không  thuận lợi.  

Về tác động thuận lợi: kinh tế biển quyết định việc cung cấp cơ sở vật chất  kỹ thuật, nhân lực cho hoạt động QP, AN. Ph. Ăngghen đã khẳng định “thất bại hay  thắng lợi của chiến tranh đều phụ thuộc vào điều kiện kinh tế” [32, tr.235]. Vì vậy,  để xây dựng QP, AN trên biển vững mạnh thì phải xây dựng, phát triển kinh tế biển  vững mạnh. Mặt khác, kinh tế biển còn quyết định việc cung cấp số lượng, chất  lượng nguồn nhân lực cho QP, AN ở các vùng biển, ven biển. Qua đó, quyết định tổ  chức biên chế của lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân; quyết định  đường lối chiến lược QP, AN đối với các vùng biển, ven biển, đảo. Trong thời kỳ  đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần khẳng định KT-XH phát triển  không chỉ tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực kinh tế cho tăng cường tiềm lực  quốc phòng, an ninh; phòng, chống tội phạm, mà còn tạo cơ sở chính trị – xã hội  thuận lợi cho việc nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo  vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm  trong tình hình mới. Đại hội XI của Đảng đã phát triển nhận thức đó ở chỗ, coi sự  ổn định và phát triển bền vững của đất nước là nền tảng của QP, AN nói chung, của  công tác phòng, chống tội phạm nói riêng. Chúng ta hiểu rằng, sự ổn định và phát  triển bền vững đòi hỏi tăng trưởng kinh tế phải trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kết  hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện công bằng xã hội. Vì thế, xét cho cùng  sự ổn định và phát triển bền vững đời sống KT-XH nói chung đã tạo điều kiện để  giải quyết tốt vấn đề lợi ích của nhân dân, bảo đảm sự thống nhất lợi ích giữa cá nhân với cộng đồng và toàn xã hội, tăng cường sự cố kết nhà – làng – nước trong  thời đại mới, do đó nó cho phép huy động được sức mạnh của toàn dân trong sự  nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng,  chống tội phạm nói chung. Đối với lĩnh vực kinh tế biển và QP, AN trên biển, ở các  vùng ven biển và hải đảo nói riêng cũng không nằm ngoài những nội dung ấy.  

Về mặt không thuận: kinh tế biển ngược lại cũng có tác động không thuận lợi  tới QP, AN. Bởi vì lợi ích kinh tế, suy cho đến cùng là nguyên nhân làm nảy sinh  các mâu thuẫn và xung đột xã hội. Mặt khác, khi kinh tế bất ổn thì khả năng hỗ trợ  về nhân lực, vật lực cho QP, AN cũng vì thế mà không ổn định theo. Một nền kinh  tế kém phát triển sẽ không thể tạo dựng một nền QP, AN vững mạnh. Khi QP, AN 

không đủ lực về kinh tế tức là không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư cho vũ khí  hiện đại, nâng cấp quân đội, công an, không đào tạo được nguồn nhân lực chất  lượng cả về sức khoẻ và trí tuệ, không phát triển được các lĩnh vực khoa học về  quân sự… thì quốc gia rất dễ đứng trước các nguy cơ bị đe doạ về xâm lược chủ  quyền quốc gia, bị chèn ép trong các tranh chấp quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay  khi hội nhập quốc tế ngày càng phát triển sâu rộng thì các nguy cơ tiềm ẩn về diễn  biến hoà bình, về vi phạm các công ước về luật biển, về các tranh chấp quốc tế trên  biển… ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Ví dụ, trong kinh tế du lịch biển  hiện nay đang phát sinh rất nhiều những tác động mới trái chiều như dưới nhiều  dạng thức khác nhau như: tội phạm lợi dụng visa du lịch để lẩn trốn đến các nước  khác;hình thành các tổ chức tội phạm quốc tế rửa tiền, buôn lậu; buôn người; đánh  bạc; cá cược qua mạng dưới nhiều hình thức; thậm chí còn lợi dụng để lôi kéo, kích  động, tuyên truyền trái phép về chủ quyền biển đảo. Vì vậy, nếu các lực lượng QP,  AN không chủ động nhạy bén, kịp thời đối phó với những diễn biến mới thì nguy  cơ xảy ra những bất ổn thậm chí dẫn đến chiến tranh là rất lớn. Vì vậy, các quốc gia  luôn phải chủ động trang bị cho mình mọi biện pháp phòng vệ để phòng ngừa nguy  cơ. Để thực hiện được điều này thì phải có nguồn lực tài chính dồi dào, hay nói cách  khác chỉ có một nền kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng mạnh mới đủ khả năng  đảm bảo cho quốc gia hoà bình, ổn định trước những nguy cơ tiềm ẩn.  

2.1.2.2. Tác động của đảm bảo quốc phòng, an ninh đến phát triển kinh tế biển

Quốc phòng, an ninh có tác động tới phát triển kinh tế biển theo hai hướng.  Mặt thuận lợi: Việc xây dựng một nền quốc phòng, an ninh vững mạnh,  công tác phòng, chống tội phạm có hiệu quả sẽ tạo môi trường hoà bình, ổn định lâu 

dài, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH nói chung. Ở đây nói cụ thể và  chính xác hơn thì QP, AN trên biển, các vùng ven biển và đảo vững mạnh sẽ tạo  môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Quốc phòng, an ninh trên  các biển, đảo vững mạnh tạo ra môi trường ổn định, thu hút đầu tư và góp phần phát  triển cho các lĩnh vực như du lịch, giao thông vận tải biển và nhiều ngành khác liên  quan tới khai thác môi trường biển. Từ lịch sử xa xưa, những nơi có giao thông  đường biển thuận lợi là những nơi có hoạt động kinh tế, thương mại phát triển sầm  uất và thu hút rất lớn đối với thương mại toàn cầu và khu vực. Từ đó, sẽ tạo ra rất  nhiều công ăn việc làm cho cư dân ven biển hay các vùng, địa phương ven biển liên  quan. Bên cạnh đó, nhờ được đảm bảo môi trường ổn định để phát triển kinh tế  biển, giao lưu quốc tế sẽ ngày càng mở rộng ở các khu vực ven biển, từ đó giúp  nâng cao nhận thức, trình độ của nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế  biển. Qua đó nâng cao chất lượng phát triển cho nền kinh tế biển.  

Mặt không thuận: Hoạt động QP, AN tiêu tốn đáng kể một phần nguồn nhân  lực, vật lực, tài chính của xã hội. Những tiêu dùng này, như V. I. Lênin đánh giá, là  tiêu dùng “mất đi”, không quay vào tái sản xuất xã hội. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến  tiêu dùng của xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung, kinh tế  biển nói riêng. Hoạt động QP, AN còn ảnh hưởng đến đường lối phát triển kinh tế 

biển, cơ cấu kinh tế biển. Hoạt động QP, AN trên biển còn có thể dẫn đến huỷ hoại  môi trường sinh thái, để lại hậu quả nặng nề cho kinh tế biển, nhất là khi chiến tranh  xảy ra. Để hạn chế những tác động tiêu cực này, phải kết hợp tốt tăng cường củng  cố QP, AN với phát triển kinh tế biển vào một chỉnh thể thống nhất.  

2.2. NỘI DUNG, TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG  ĐẾN KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG,  AN NINH 

2.2.1. Nội dung kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng,  an ninh 

2.2.1.1. Tiếp cận từ góc độ kinh tế chính trị làm nền tảng lý luận về nội  dung kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh

Một là, những quy định trong nước và quốc tế liên quan đến xử lý quan hệ  kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh Trước hết, ở trong nước cần phải xây dựng lực lượng chuyên trách như: Bộ  đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển; lực lượng kiểm ngư… theo hướng chính quy, hiện đại. Đặc biệt phải hiện đại các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Tập  trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu  vực biển. Đồng thời cần tăng cường năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ  vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên  các vùng biển. Tăng cường khả năng ứng phó với các nguy cơ về an ninh truyền  thống, phi truyền thống. Đảm bảo an ninh quốc gia, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. 

Kiên quyết đấu tranh đấu dưới nhiều hình thức để làm thất bại các âm mưu lợi dụng  các vấn đề về biển, đảo để chống phá cách mạng. Kiên trì xây dựng và giữ gìn môi  trường hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo điều kiện cần thiết cho việc  khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả. Tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại,  hợp tác quốc tế theo hướng tham gia chủ động và đóng góp tích cực vào nỗ lực  chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển. Đông thời,  tranh thủ các nguồn lực và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm nâng cao năng lực  tổ chức và khai thác biển, trong đó chú trọng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tri  thức và đào tạo nguồn nhân lực. 

Về quốc tế khi xảy ra các tranh chấp trên trên biển,Việt Nam nhất quán quan  điểm là các bên phải tôn trọng nguyên trạng, không được sử dụng hoặc đe dọa sử  dụng bằng vũ lực. Kiên trì lập trường giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại hoà  bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và phù hợp  với luật pháp quốc tế. Trong đó, Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp  quốc làm căn cứ pháp lý cơ bản và tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển  Đông (DOC). Qua đó nhằm tìm kiếm các giải pháp vừa cơ bản vừa lâu dài, nhằm  đáp ứng các lợi ích chính đáng của đối tác, hướng đến xây dựng Biển Đông thành  vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển. 

Hai là, các chủ thể tham gia phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với  đảm bảo quốc phòng, an ninh. 

Mối quan hệ giữa các chủ thể thực hiện các nhiệm vụ chính của kinh tế biển  (chính quyền các cấp; các cơ quan chức năng; doanh nghiêp; các lực lượng vũ trang  chuyên trách cộng đồng xã hôi; ngư dân…). Với nhiều chủ thể các cấp độ khác  nhau, có vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng cũng như nhiệm vụ chính trị khác nhau các  mối quan hệ đan xen phức tạp… Vì vậy, cần xác định rõ trong đó; chính quyền  thành phố là trọng tâm, thông qua các cấp chính quyền và hệ thống chính trị của  thành phố, doanh nghiệp, người dân và các chủ thể phối hợp thực hiện nhiệm vụ QP, AN (các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách) của thành phố để thực  hiên nhiệm vụ 

Ba là, tương tác lợi ích của hai quá trình phát triển kinh tế biển và đảm bảo  quốc phòng, an ninh trên địa bàn 

Đảm bảo lợi ích đối với các chủ của hai quá trình phát triển trong mối quan  hệ tương tác là vấn đề rất phức tạp. Trong phạm vi nghiên cứu nhấn mạnh đến lợi  ích kinh tế. Đồng thời, phải xác định rõ lợi ích kinh tế là nền tảng vật chất, là điều  kiện cơ bản phục vụ cho việc đảm bảo QP, AN. Trên thực hai quá trình này cần  phải nhận thức rõ tính thống nhất và mâu thuẫn về lợi ích kinh tế. Sự thống nhất ở  chỗ làm tiền đề và điều kiện cho nhau cùng phát triển. Mâu thuẫn ở chỗ phát triển  kinh tế đòi hỏi phải tiết kiện mọi chi phí,trong khi đảm bảo QP, AN cần thiết phải  đầu tư các nguồn lực. Vì vậy, xây dựng nội dung kinh tế biển trong mối quan hệ với  đảm bảo quốc phòng, an ninh luôn phải kết hợp nhuần nhuyễn để đảm bảo hài hòa  lợi ích giũa các chủ thể  

2.2.1.2. Kinh tế du lịch biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng,  an ninh 

Dưới góc độ kinh tế chính trị, KTDLB là một phạm trù kinh tế phản ánh các  quan hệ kinh tế giữa người cung ứng và người tiêu dùng các sản phẩm du lịch gắn  với không gian lãnh thổ của vùng biển và hải đảo thông qua các hoạt động: kinh  doanh lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, phát triển khu du lịch,  điểm du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch khác, nhằm thoả mãn nhu cầu của du  khách, đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thu nhập cho doanh nghiệp kinh  doanh du lịch, lợi ích về kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường… cho nhân dân địa  phương có tài nguyên du lịch biển – đảo. Gắn phát triển KTDLB với bảo đảm QP,  AN là tổng thể các hoạt động của các cấp, các ngành và cư dân ven biển thực hiện  gắn kết song song hai nhiệm vụ phát triển KTDL và QP, AN để hai lĩnh vực này phát  triển cân đối, hợp lý, hài hoà; vừa góp phần thúc đẩy KTDLB phát triển, vừa bảo đảm  thực hiện các tiêu chí về QP, AN, hướng đến mục tiêu phát triển KTDLB bền vững.  Như vậy, nội dung KTDLB trong mối quan hệ với bảo đảm QP, AN không chỉ là  việc gia tăng về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý các lĩnh vực hoạt động của  KTDLB mà còn là việc phát triển trong mối quan hệ với việc xây dựng thế trận QP,  AN trên biển và các đảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh phi truyền thống và bảo vệ chủ quyền biển – đảo. Nó được thể hiện trong quy  hoạch, chiến lược phát triển KTDLB; xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch biển – đảo; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch  theo hướng “lưỡng dụng” vừa phục vụ KTDLB, vừa có thể thực hiện nhiệm vụ QP,  AN khi cần thiết. 

2.2.1.3. Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong mối quan hệ với đảm  bảo quốc phòng, an ninh 

Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản là ngành khai thác trực tiếp từ biển,  có mối quan hệ gắn bó trực tiếp và không thể tách rời với biển, vì vậy cũng gắn bó  chặt chẽ với QP, AN trên biển. Lực lượng lao động trong ngành thuỷ hải sản cùng  với hệ thống kết cấu hạ tầng và các phương tiện tàu thuyền chính là nguồn lực quan  trọng để xây dựng và củng cố QP, AN trên biển. Không những vậy, sự hiện diện  của lực lượng lao động tại các vùng biển tạo ra lực lượng tại chỗ, sẵn sàng ứng phó  khi có tình huống đe doạ tới QP, AN xảy ra trên các vùng biển, ven biển và các đảo.  Chính lực lượng ngư dân là tai mắt trực tiếp phát hiện các tình huống, nguy cơ của  các thế lực thù địch gây mất xâm phạm chủ quyền biển đảo, thông báo kịp thời cho  cho lực lượng quân đội, công an, cảnh sát biển… Trong khai thác hải sản những rủi  ro hay sảy ra khi tình hình thời tiết biển gây ra trực tiếp đe doạ đến tính mạng ngư  dân vì vậy, vai trò của các lực lượng cứu nạn, cứu hộ cũng rất quan trọng, giúp cho  ngư dân vững tin bám biển để lao động sản xuất, từ đó thúc đẩy kinh tế biển phát  triển. Do đó, phát triển các ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản trong  mối quan hệ với đảm bảo QP, AN là phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng và  hoàn thiện kế hoạch phát triển ngành thuỷ hải sản trong mối quan hệ với xây dựng  thế trận QP, AN. Khai thác hải sản thường gắn liền với môi trường biển, đảo và ven  biển nên công tác quy hoạch phát triển các ngành nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản cũng cần tính đến yêu cầu của việc xây dựng, tổ chức và bố trí lực lượng trên các  hướng, mũi, địa bàn chiến lược, góp phần tạo nên thế trận liên hoàn bờ – biển – đảo  vững chắc. Phải trang bị kiến thức cho ngư dân, nhất là với lực lượng ngư dân trực  tiếp tham gia đánh bắt hải sản xa bờ những kỹ năng sử dụng thiết bị hiện đại để khai  thác phát hiện luồng cá, liên hệ viễn thông, nhất là những kiến thức về chủ quyền,  quyền chủ quyền biển đảo theo công ước quốc tế để không vi phạm khi khai thác hải sản và cũng kịp thời phát hiện những hành vi xâm phạm chủ quyền… Đồng thời,  đẩy mạnh việc chuyển ngư dân ra sinh sống tại các đảo nhằm tạo thế liên hoàn giữa  phía trước và phía sau, giữa đảo và bờ, duy trì được tuyến phòng thủ vững mạnh.  Điều này vừa phục vụ đời sống dân sinh, vừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong  phát triển KT-XH, bảo đảm tính chiến lược về kinh tế, chính trị và quân sự ở các địa  phương ven biển, đảo.  

2.2.1.4. Kinh tế hàng hải trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh

Phát triển kinh tế hàng hải có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển  KT-XH của nước ta, góp phần quan trọng trong việc củng cố, giữ vững QP, AN trên  biển, vùng biển. Kinh tế hàng hải là ngành kinh tế đa dạng gồm các lĩnh vực: công  nghiệp đóng tàu, vận tải biển, cảng biển và dịch vụ (lôgicstic)… có mối quan hệ trực  tiếp và mật thiết với các hoạt động đảm bảo QP, AN vì hàng hải là ngành có tính  quốc tế hoá cao, với nhiều hoạt động phức tạp liên quan đến con người, tàu thuyền,  cảng biển, hàng hoá, môi trường cả trong nước và quốc tế. Ngày nay, xu hướng phát  triển vận tải biển tăng rất nhanh cả trên thế giới và khu vực do lợi ích kinh tế của  ngành đem lại. Tuy nhiên kéo theo đó, mặt trái trong kinh tế hàng hải cũng có điều  kiện phát sinh rất phức tạp như buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, cướp  biển, lợi dụng ranh giới biển để gây hấn, tranh chấp chủ quyền; khai thác trái phép…  Ngoài ra, tranh chấp hàng hải là tranh chấp thường xuyên nhất do liên quan đến  nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, phát triển kinh tế hàng hải trong mối quan  hệ với đảm bảo QP, AN là nội dung đặc biệt quan trọng. Phải xây dựng một hệ  thống kết cấu hạ tầng hàng hải tiên tiến, vững chắc. Cần áp dụng các chính sách  khuyến khích, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách; đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư phát  triển kết cấu hạ tầng hàng hải, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công – tư (PPP), lựa  chọn các dự án trọng điểm cần ưu tiên để thực hiện nhằm tạo bước đột phá về huy  động nguồn vốn; xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh  nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải đối với những dự án  đặc biệt quan trọng, dự án đặc thù, kết hợp bảo đảm QP, AN và bảo vệ chủ quyền  biển đảo của Việt Nam. Đối với lực lượng đảm bảo QP, AN chuyên trách phải được  đầu tư cơ bản từ nguồn lực con người và trang thiết bị hiện đại đủ về số lượng, mạnh  về chất lượng có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

2.2.1.5. Dịch vụ biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh

Dịch vụ biển là khái niệm có phạm vi rất rộng. Trong phạm vi của luận án  chỉ đề cập đến những dịch vụ biển có mối quan hệ với đảm bảo QP, AN,“đó là các  dịch vụ như tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển; thông tin liên lạc trên biển; nghiên  cứu khoa học, công nghệ biển; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế  biển; điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển. Có thể thấy đây đều là những  hoạt động không thể thiếu khi muốn đảm bảo QP, AN trên biển.”Do tình hình an  ninh biển có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó  lường như cướp vũ trang trên biển, tranh chấp ngư trường, đánh bắt trái phép thuỷ hải sản… do đó muốn kinh tế biển phát triển ổn định cần chú trọng tới công tác cứu  hộ cứu nạn mà lực lượng cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt thực hiện các nhiệm  vụ này. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng về truyền  thông, thông tin ở các vùng ven biển, đảo, kết nối chặt chẽ giữa các lực lượng như  cảnh sát biển, bộ đội, ngư dân, chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến  những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ QP, AN ở trên biển,  các vùng ven biển và ở các đảo; giữ vững liên lạc giữa đất liền với ngư dân khai  thác trên biển để đảm bảo an toàn cho người dân; tuyên truyền phòng chống thiên  tai từ biển cho nhân dân… xây dựng các lực lượng chuyên trách để từng bước thực  hiện QLNN trên các vùng biển thông qua việc xây dựng các lực lượng và phương  tiện để chỉ huy điều hành cứu hộ, cứu nạn trên biển như: hệ thống quan sát, trinh  sát, cảnh giới từ xa, thông tin liên lạc hàng hải; thành lập đội tàu tuần tra biên  phòng, kiểm ngư, hải quan; tổ chức xây dựng và trang bị cho lực lượng cảnh sát  biển; xây dựng hệ thống đèn biển cho các đảo; đầu tư hỗ trợ phát triển nghề đánh cá  xa bờ, nhằm vừa nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ngành hải sản vừa góp  phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên biển đảo của Tổ quốc; tuyên truyền về  chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trên biển đảo và đấu tranh QP, AN.  Bên cạnh đó, cần có cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ biển vững mạnh.  Khoa học và công nghệ biển phải là nền tảng vững chắc góp phần thực hiện thành công  các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội; chiến lược biển quốc gia và đường  lối chính sách đối ngoại của Việt Nam; thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của Việt  Nam trong việc tham gia các tổ chức và điều ước khu vực, quốc tế về biển. Khoa học  và công nghệ biển phải trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội,  bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn tự nhiên, ngăn ngừa và phòng chống thiên tai, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Mặt  khác, hoạt động khoa học và công nghệ biển là một cầu nối tăng cường quan hệ hữu  nghị, thân thiện giữa các nước trong khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu này; khai thác  tài nguyên biển trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích, chủ quyền lãnh hải  và tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giải quyết tranh chấp trên biển.  

Quản lý bền vững biển Việt Nam, phát triển kinh tế biển… là lĩnh vực phức  tạp, đa ngành nghề, sử dụng nhiều lao động, đòi hỏi nguồn nhân lực biển phải có tay  nghề, có kỹ thuật nghiệp vụ, được huấn luyện và đào tạo chuyên nghiệp. Việc tổ  chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động kinh tế biển là chìa khoá của  sự thành công trong phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý, khai thác tài nguyên  và bảo vệ môi trường biển Việt Nam cũng như đảm bảo QP, AN trên biển đảo của  nước ta. Chú trọng phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực về biển như dầu khí,  hàng hải, hải sản, du lịch; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương ven biển thực  hiện tốt kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, thông tin về biển; đấu tranh việc xuyên tạc  công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền,  tập huấn, phổ biến thông tin về biển, đảo theo hướng thiết thực, hiệu quả cho lực  lượng lao động trong các ngành kinh tế biển để giữ vững QP, AN trên biển; cần  tuyên truyền, đào tạo cho các cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ  chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên gia và đội ngũ lao động chuyên ngành kỹ thuật,  ngư dân, người làm nghề biển, đội ngũ lao động trên biển, đảo và ven biển về chủ  quyền biển, hải đảo, nâng cao nhận thức và hành động cho họ trong đấu tranh bảo  vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.  

2.2.2. Những tiêu chí đánh giá kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm  bảo quốc phòng, an ninh cấp tỉnh (thành phố) 

2.2.2.1. Mức độ đảm bảo quốc phòng, an ninh của thành phố, của vùng và  trong các phân ngành kinh tế biển 

Tiêu chí đầu tiên để đánh giá kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo  QP, AN cấp tỉnh/thành phố là mức độ đảm bảo QP, AN của thành phố, của vùng và  trong các phân ngành kinh tế biển. Sở dĩ như vậy vì sự ổn định về chính trị, kinh tế  xã hội sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các phân ngành kinh tế biển phát triển. Tiêu  chí này được đánh giá thường xuyên, định kỳ theo các mốc thời gian thông (tháng,  quý, năm…) qua số lượng, mức độ và tính chất của các sự vụ liên quan đến đảm bảo  QP, AN. Thực tế, khi đo lường số lượng các sự kiện liên quan đến đảm bảo QP, AN theo số liệu thống kê hàng năm để so sánh, đánh giá là tiêu chí dễ thực hiện.Ví  dụ,các cơ quan chuyên trách về QP, AN hàng tháng, quý, năm đều phải có báo cáo  cụ thể về số lượng, tính chất và mức độ của từng sự kiện diễn ra. Tổng kết năm so  sánh với các năm trước và so sánh với một số địa phương điển hình để chỉ ra kết  quả và hạn chế và nguyên nhân. Tuy nhiên, để đo lường được mức độ và tính chất  của các sự kiện liên quan đến đảm bảo QP, AN là vấn đề khó và phức tạp. Vấn đề  đặt ra đối với từng sự kiện khác nhau liên quan đến vấn đề đảm bảo QP, AN cần  phải dựa vào quan điểm và cách tiếp cận để đánh giá.Ví dụ, có những sự kiện liên  quan đến vấn đề quốc phòng tầm quốc gia, khu vực liên quan đến tranh chấp trên  biển Đông. Hoặc có những sự kịên liên quan đến ngư dân trong khai thác hải sản vi  phạm lánh hải hay sử dụng phương tiện, cách thức đánh bắt không được phép. Hoặc  những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh an toàn trong hoạt động du lịch…  trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển các phân ngành kinh tế biển. Những tiêu chí này  mặc dù khó định lượng, nhưng qua thực tiễn và kinh nghiệm phải được thể hiện qua  hệ thống văn bản quy định và phải được luật hóa để làm cơ sở đánh giá. Khi đã có  những quy định rõ ràng thì mới tạo căn cứ cho hoạt động phát triển kinh tế mà  không ảnh hưởng xấu tới QP, AN và ngược lại. Từ căn cứ pháp lý để xây dựng các quy chế, kế hoạch phối hợp các lực lượng liên quan với nhau, tạo điều kiện thuận  lợi cho phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia. Đồng thời tránh  được những sự chồng chéo, phức tạp trong quá trình thực thi các chính sách phát  triển kinh tế biển gắn với đảm bảo QP, AN cũng như nâng cao nhận thức cho những  lực lượng liên quan như ngư dân, doanh nghiệp khai thác chế biến thuỷ hải sản,  doanh nghiệp vận tải biển… về phạm vi được hoạt động và không được hoạt động,  khai thác. Mức độ hoàn thiện của các văn bản quy phạm pháp luật này sẽ phụ thuộc  vào việc xây dựng, bổ sung, ban hành và hoàn thiện của các cơ quan nhà nước có  liên quan cũng như các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đặt  ra. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào những cơ sở thực tiễn và yêu cầu đặt ra trong  bối cảnh mới của các ngành kinh tế biển cũng như những cơ sở thực tiễn, bối cảnh  của QP, AN quốc gia, khu vực và quốc tế. Ngoài ra, còn phải xét đến trình độ nhận  thức, năng lực chuyên môn của đội ngũ thực hiện xây dựng các văn bản quy phạm  pháp luật này. Họ phải vừa đảm bảo có chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp  luật vững, vừa phải có kinh nghiệm thực tiễn sát sao, phù hợp.  

2.2.2.2. Sự tham gia của các chủ thể kinh doanh kết hợp kinh tế biển trong  mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh (trực tiếp; gián tiếp; chuyên trách)

Phát triển kinh tế biển song vẫn muốn giữ vững QP, AN trên biển thì nhất  định phải có sự kết hợp của rất nhiều lực lượng liên quan, từ các chủ thể kinh doanh  các phân ngành kinh tế biển và các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, bộ đội  biên phòng (BĐBP), lực lượng kiểm ngư và các cơ quan, tổ chức, chính quyền nhà  nước ở địa phương, ở Trung ương. Đảm bảo QP, AN trên biển cũng chính là bảo vệ  chủ quyền quốc gia trên biển, nói rộng hơn cũng chính là bảo vệ độc lập, chủ quyền  của quốc gia nói chung, chống kẻ thù xâm lược. Đây là nhiệm vụ của không riêng ai  mà của toàn Đảng, toàn dân ta. Phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo  QP, AN rõ ràng có hiệu quả hay không phải dựa trên sự tham gia kết hợp của mọi lực  lượng, mọi người dân. Chẳng hạn như sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát biển với  lực lượng kiểm ngư và BĐBP ở các địa phương ven biển. Khi phối hợp giữa hai lực  lượng này phải căn cứ vào nội dung, tính chất hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, khả  năng chuyên biệt để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các lực lượng cũng như  đảm bảo sự hài hoà khi kết hợp cho các lực lượng này, không chồng chéo. Tiêu chí  này cũng phải được lượng hóa bằng các con số cụ thể theo thời gian: 3 tháng; 6 tháng  và 12 tháng… Sự phối hợp này cũng phải chỉ đích danh cá nhân doanh nghiệp và tổ  chức tham gia và sự đóng góp trực tiếp hay gián tiếp bằng vật chất, con người và các  hình thức cụ thể khác. Có hai cách phối hợp phổ biến hiện nay.  

Thứ nhất là phối hợp trực tiếp: Các lực lượng liên quan tổ chức các buổi tiếp  xúc trực tiếp, trao đổi thông tin và bàn bạc với nhau để đưa ra các hành động tương  xứng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên. Đây là phương pháp rất  hiệu quả, đặc biệt là đối với những nhiệm vụ đòi hỏi tính khẩn cấp. Phương thức kết  hợp này phải được quy định rõ về thời gian, số lần trong năm; đối tượng tham gia  và nội dung phải rất cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên.  Ngoài tập hợp theo định kỳ, khi có những vấn đề, tình huống đột xuất cần phải triệu  tập các bên phải nghiêm túc chấp hành… Nội dung công tác phối hợp luôn đổi mới  cho phù hợp với tình hình thực tiễn… Đồng thời, thông qua hình thức phối hợp này  có thể trao đổi những vấn đề bất cập, hay những việc cần làm ngay để thục hiện tốt  nhiệm vụ đặt ra. Ví dụ vấn đề gỡ thẻ vàng (khai thác hải sản bất hợp pháp) trong  đánh bắt hải sản; hay vấn đề tàu ra khơi phải có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên  hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng. Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không  được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ. Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12  mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.  Những bất cập trong quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân.  

Thứ hai là phối hợp gián tiếp: Tức là các bên liên quan không trực tiếp gặp  nhau để trao đổi mà thường liên hệ thông qua các văn bản, thư điện tử, rồi từ đó  thống nhất nội dung phối hợp thực hiện nhiệm vụ với nhau. Các hành động sau đó  thường là tuân theo các chỉ thị, văn bản. Cách này nếu áp dụng cho các sự kiện khẩn  cấp thường không hiệu quả vì thường chậm hơn sự phối hợp trực tiếp, hơn nữa đôi  khi vẫn xảy ra những sự chồng chéo hoặc không hiểu hết ý nhau. Vì vậy, sự phối  hợp này thường chỉ áp dụng cho những hoạt động có tính chất đơn giản, thường  xuyên và có tính ổn định.  

2.2.2.3. Mức độ phù hợp của các hình thức phối kết hợp và kết quả xử lý  các tình huống đối với các phân ngành kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm  bảo quốc phòng an ninh  

Mức độ phù hợp của các hình thức phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách  hoặc lực lượng liên quan, bán chuyên trách trong các hoạt động phát triển kinh tế  biển gắn với đảm bảo QP, AN cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá mối quan hệ  giữa phát triển kinh tế biển và đảm bảo QP, AN. Bởi nếu không phù hợp thì sẽ rất  khó cho các bên liên quan trong quá trình giải quyết một sự việc xảy ra cũng như  không đưa đến giải pháp hiệu quả để khắc phục vấn đề đó được. Có hai hình thức  đo mức độ phù hợp này là phối hợp thường xuyên và phối hợp đột xuất.  

– Phối hợp thường xuyên: Là hình thức phối hợp cơ bản và phổ biến nhất,  được sử dụng thường xuyên, liên tục theo một kế hoạch chung thống nhất đã được  chuẩn bị từ trước, song phải kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình  thực tiễn.  

– Phối hợp đột xuất: Là hình thức được sử dụng khi có tình huống đột xuất  xảy ra. Vì vậy, khi xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp phải dự kiến được các  tình huống có thể xảy ra và thống nhất cách giải quyết. Những vấn đề xảy ra ngoài  dự kiến phải có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất giải quyết một cách kịp thời.  

Trong quá trình thực hiện phải kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức trên,  không xem nhẹ hình thức nào. Đồng thời, phải linh hoạt trong sử dụng hình thức  phối hợp cho phù hợp với tình hình thực tế. 

Kết quả xử lý các tình huống đối với các phân ngành kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo quốc phòng an ninh: Hàng năm, các cơ quan chuyên trách phải  thống kê đầy đủ về số lượng các lần phối kết hợp và đánh giá kết quả xử lý các tình  huống đối với các phân ngành kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc  phòng an ninh. Trong đó, đánh giá rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia trên cả  hai phương diện thành tích đạt được và tồn tại yếu kém. Tiêu chí này dùng để so  sánh, đánh giá kết quả của mối quan hệ đạt được trong mỗi phân ngành kinh tế biển  của thành phố cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, khi so sánh với các tỉnh,  thành phố khác sẽ là thông tin, thông số cần thiết để xem xét đánh giá mức độ hoàn thiện quan hệ trên thực tiễn. Từ đó, tìm ra nguyên nhân để đề xuất giải pháp tăng  cường mối quan hệ. Tuy nhiên, chỉ tiêu này trên thực tiễn chỉ mang tính tham khảo  để bổ sung bởi đây là lĩnh vực rất đa dạng và phức tạp.  

2.2.2.4. Sự phát triển của từng phân ngành kinh tế biển và mức độ đóng góp  nguồn lực vật chất để thực hiện mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh

Bất cứ một hoạt động nào, muốn thành công đều phải có một nguồn lực vật  chất đủ mạnh. Phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN nhất  định phải dựa trên một nguồn lực cần thiết. Trước hết, nguồn lực ấy được đo lường  bằng các chỉ tiêu định lượng về tốc độ tăng trưởng kinh tế như: về quy mô; sản  lượng; cơ cấu và trình độ phát triển… của các phân ngành kinh tế biển. Sau đó là  mức độ đóng góp của từng phân ngành kinh tế biển để thực hiện nhiệm vụ QP, AN.  Sự đóng góp này thông được đánh giá thông qua các tiêu chí cụ thể như: Mức quy  định đóng góp hàng năm; mức chi tiêu cho hoạt động QP, AN hàng năm của từng  phân ngành kinh tế biển (mua sắm trang thiết bị; kinh phí phối hợp tập huấn nghiệp  vụ; truyền thông nâng cao nhận thức…). Ngoài ra, có nhưng đống góp tự nguyện  khác… Mức độ phát triển của các phân ngành kinh tế biển là yếu tố quyết đinh tạo  lập hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến (ví dụ như hệ thống các bến cảng, tàu biển,  truyền thông…), vốn đầu tư, con người (các lực lượng chuyên trách, các doanh  nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển…), khoa học công nghệ… Những  nguồn lực này phải được chú trọng đồng bộ, thường xuyên thì mới đảm bảo thúc  đẩy kinh tế và QP, AN phát triển song hành.  

Nguồn lực con người: Nhân lực trong lĩnh vực kinh tế biển phải vừa có sức  khỏe và trình độ chuyên môn phù hợp, thường xuyên trau dồi kỹ năng, kiến thức,  đồng thời luôn được nâng cao nhận thức về việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Thường xuyên tuyên truyền để họ hiểu và khi cần thì tham gia vào hoạt động  bảo vệ QP, AN trên biển, đảo.  

Nguồn lực về khoa học, công nghệ: Nguồn lực này sẽ góp phần giúp các  hoạt động khai thác biển được hiệu quả nhưng đồng thời quan tâm tới vấn đề bảo vệ  môi trường hoặc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến để thăm dò những sự xâm phạm  tới vùng biển quốc gia…  

– Nguồn lực về vốn: Cần có những giải pháp thu hút vốn đầu tư đa dạng từ  các thành phần kinh tế để xây dựng kết cấu hạ tầng vững mạnh cho các lĩnh vực của kinh tế biển, đáp ứng cả yêu cầu về phát triển kinh tế lẫn đảm bảo QP, AN.  

2.2.3. Nhân tố ảnh hưởng kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo  quốc phòng, an ninh 

2.2.3.1. Sự hoàn thiện quy phạm pháp luật và hệ thống văn bản quản lý nhà  nước các cấp về kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh

Các văn bản quy phạm pháp luật và QLNN các cấp về kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo QP, AN đóng vai trò là kim chỉ nam dẫn đường để cho mối  quan hệ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo QP, AN có được sự kết hợp thống nhất,  hài hoà cũng như thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện. Hệ thống các  văn bản quy phạm pháp luật và QLNN các cấp này thể hiện cụ thể những đường  lối, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước ta về mối quan hệ giữa phát  triển kinh tế biển với QP, AN. Từ đó chính quyền các cấp mới tiến hành quán  triệt, tổ chức thực hiện cũng như nắm rõ được trách nhiệm của mình trong các  công tác chỉ đạo, quản lý đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên  quan. Hệ thống các văn bản này còn là cơ sở giải quyết mối quan hệ giữa phát  triển kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng và an ninh khi có những vướng mắc  phát sinh. Việc hoàn thiện các văn bản này sẽ góp phần cho việc khai thác tiềm  năng và các lợi thế về biển, đồng thời tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo  nên sự gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực kinh tế biển với QP, AN, nhất  là ở những địa phương ven biển, nơi phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng  trời, vùng biển của đất nước. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ QP, AN trên biển, việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm  pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến mối quan hệ giữa phát triển kinh  tế biển và đảm bảo an ninh, quốc phòng càng phải được làm sớm, làm nghiêm  ngặt và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và cả nước. 

2.2.3.2. Nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể trực tiếp (doanh  nghiệp; lực lượng quốc phòng, an ninh và nhân dân…) tham gia phát triển kinh  tế biển và đảm bảo quốc phòng, an ninh 

Phải khẳng định rõ khi nói rằng nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể  trực tiếp tham gia vào mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và đảm bảo QP, AN là nhân tố cốt lõi ảnh hưởng tới mối quan hệ này. Từ các lực lượng chuyên trách  như BĐBP, cảnh sát biển tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế  biển, đến người dân sinh sống ở các vùng ven biển, đảo, tất cả đều phải nhận thức  sâu sắc cũng như phải có trách nhiệm tham gia củng cố mối quan hệ giữa phát triển  kinh tế và đảm bảo QP, AN. Hay nói rộng hơn, đó chính là nhận thức về việc bảo vệ  chủ quyền quốc gia trên biển, nhận thức về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi  cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Các  chủ thể bao gồm các doanh nghiệp về kinh tế biển, các lực lượng chuyên trách,  người dân… đều là những lực lượng nòng cốt cho thế trận lòng dân, thế trận QP,  AN trên biển của các địa phương ven biển cũng như cả nước. Nếu các chủ thể này  không nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và củng cố mối  quan hệ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo QP, AN thì khi có xâm phạm xảy ra,  những nguy cơ đe doạ tới an ninh, ổn định cho không chỉ các địa phương mà còn  cho cả nước là rất lớn. Ngoài ra, nếu không được tuyên truyền để nâng cao nhận  thức thì chính những chủ thể này có thể là tác nhân gây bất ổn định, bất an toàn cho  QP, AN trên biển. Lấy ví dụ một doanh nghiệp khai thác thuỷ hải sản, nếu không  nhận thức được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế trong mối quan hệ với đảm bảo  QP, AN thì họ dễ gây ra những hoạt động khai thác sai trái gây hủy hoại môi trường  biển và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ven biển hay gây ra những hoạt  động khai thác gây bất ổn định ở trên biển. Một ví dụ khác, đó là việc các chủ thể là  doanh nghiệp, người dân… khi không nhận thức được trách nhiệm trong việc củng  cố mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và đảm bảo QP, AN thì họ có thể là đối  tượng cho các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, vì lợi ích kinh tế của mình mà nghe  theo các lực lượng chống phá để gây mất trật tự, an ninh ở các vùng biển, ven biển,  đảo… Từ đó, tác động xấu tới QP, AN. Do đó, phải thường xuyên tuyên truyền,  nâng cao nhận thức cho mọi chủ thể liên quan về mối quan hệ giữa phát triển kinh  tế biển với đảm bảo QP, AN. 

2.2.3.3. Mô hình quản lý nhà nước các cấp về kinh tế biển trong mối quan  hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh và tình hình kinh tế, chính trị trong và  ngoài nước 

 Thứ nhất, về mô hình quản lý nhà nước 

Kinh nghiệm của các quốc gia có tiềm năng về kinh tế biển cũng như thực  tiễn quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta đã chỉ ra nhân tố có tầm ảnh hưởng trực tiếp  đến kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN thực hiện mô hình quản lý phù hợp, toàn diện các phân ngành phát triển kinh tế biển, bao gồm: quản lý theo  phân cấp từ trung ương đến địa phương tất cả các hoạt động khai thác tài nguyên  trên biển và thềm lục địa. 

Trong đó, kết hợp tổ chức, quản lý nhà nước theo hệ thống ngành dọc với  Hội đồng tổng hợp để vừa giải quyết vấn đề chuyên ngành vừa giải quyết vấn đề  liên ngành giúp cho các hoạt động quản của lý nhà nước về phát triển kinh tế biển  đạt hiệu quả cao. Đồng thời, đa đạng hóa các phương pháp, hình thức quản lý nhà  nước nhằm tạo lập môi trường pháp lý cho kinh tế biển phát triển bền vững. Thường  xuyên rà soát để bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế  biển với phòng ngừa thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo.  

Thứ hai, tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước 

Tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước là những nhân tố ảnh hưởng  rất lớn tới mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và đảm bảo QP, AN. Ngày nay,  khi thế giới ngày càng rộng mở, giao lưu hợp tác ngày một phổ quát thì nguy cơ về  những bất ổn cũng ngày càng nhiều và diễn biến mới. Trong bối cảnh toàn thế giới  tiến ra biển, nhất là khu vực biển Đông với nhiều diễn biến, tranh chấp phức tạp khó  lường, nhiều quốc gia bị động trước áp lực từ các nước lớn trên nhiều phương diện  sẽ tác động rất lớn đến vấn đề tới mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm  bảo QP, AN. Về kinh tế, những quy định, ràng buộc, tiêu chuẩn của các tổ chức  quốc tế và khu vực trong các phân ngành kinh tế biển cũng tác động rất lớn đến tới  mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN. Đòi hỏi quá trình  phát triển kinh tế biển của các quốc gia trên thế giới hay các lĩnh vực đều ít nhiều  chịu sự tác động lẫn nhau. Có thể sự suy thoái về kinh tế ở một nước nhanh chóng  có thể lan ra toàn cầu cũng như kéo theo hệ luỵ cho các lĩnh vực khác như là làm  mất ổn định về các vấn đề về chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng… Trong khi các  vấn đề kinh tế, chính trị trong nước ít nhiều còn là vấn đề chủ quan, có thể kiểm  soát phần nào thì tình hình kinh tế, chính trị bên ngoài lại hoàn toàn mang tính khách quan, khó lường. Do đó, kết hợp phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN phải luôn luôn đề phòng những tác động này.  

2.2.3.4. Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện kinh tế biển trong  mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh 

Trước hết, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật sẽ tác động lên mối quan hệ giữa  phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN theo hướng làm cho mối quan hệ này  hoặc là trở lên vững mạnh hơn, hoặc là trở nên lỏng lẻo hơn. Một điều kiện cơ sở  vật chất kỹ thuật tốt, được đầu tư chắc chắn sẽ thúc đẩy cho các hoạt động phát triển  kinh tế biển, từ đó tác động tích cực tới công tác đảm bảo QP, AN. Hay một điều  kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tốt cũng sẽ giúp cho công tác đảm bảo QP, AN được  thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế. Điều  kiện cơ sở vật chất kỹ thuật ở đây có thể hiểu là chất lượng và số lượng các cảng  biển, nguồn nhân lực kinh tế biển, hệ thống giao thông vận tải biển, khoa học và  công nghệ sử dụng trong khai thác kinh tế biển… Muốn có một điều kiện cơ sở vật  chất kỹ thuật tốt thì chỉ dựa vào sự đầu tư của nhà nước là không đủ, cần phải có sự  kết hợp giữa cả doanh nghiệp, chính quyền và nhân dân. Cần có các biện pháp thu  hút đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật này, giảm tải gánh nặng cho nhà nước, nâng  cao trách nhiệm cho mọi chủ thể tham gia. Có như vậy mới tạo nên một mối quan  hệ bền vững, chắc chắn giữa phát triển kinh tế biển với đảm bảo QP, AN.  

Thứ hai, điều kiện để đảm bảo thực hiện tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh  tế biển với đảm bảo QP, AN là nguồn lực tài chính. Ở đây, cụ thể là huy động các  nguồn lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, đối với các phân ngành cụ thể trong kế hoạch tài chính hàng năm phải có định mức cụ thể căn cứ vào yêu cầu triển  khai nhiệm vụ. Từ trước đến nay vấn đề tài chính nói chung cho công tác này với  các chủ thể tham gia phát triển kinh tế biển thường không rõ, chỉ khi triển khai  nhiệm vụ cần thiết thì mới xin cấp tài chính để thực hiện. Từ đó dẫn đến việc thực  hiện nhiệm vụ thiếu chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng công tác.  

2.3. KINH NGHIỆM NƯỚC NGOÀI VÀ TRONG NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN  KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH 2.3.1. Kinh nghiệm nước ngoài 

2.3.1.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh  

Nhật Bản là quốc gia có đường bờ biển dài khoảng 35.000 km với 6.847 hòn đảo lớn nhỏ, gần 42% dân số sống tập trung tại các vùng hải cảng, ngành công  nghiệp cảng biển đóng góp tới 99% thu nhập từ trao đổi mậu dịch với nước ngoài  và 42% thu nhập buôn bán trong nước, phát triển kinh tế biển là một lợi thế lớn của  Nhật Bản và vì vậy được nước này chú trọng hàng đầu. Chiến lược biển quốc gia  của Nhật Bản quan tâm tới việc sử dụng bền vững tài nguyên biển và bảo vệ môi  trường biển cũng như luôn đảm bảo an ninh ổn định để phát triển.  

Thứ nhất, về mặt chiến lược, chính sách: Nhật Bản phát triển kinh tế biển  kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường và tài nguyên biển đồng thời đảm bảo ổn  định về QP, AN. Với mục tiêu như vậy, từ năm 2007, Nhật Bản ban hành Luật cơ  bản về Chính sách đại dương với các nội dung gồm:  

+ Xác định trách nhiệm của chính quyền các cấp, của các địa phương, doanh  nghiệp và người dân đối với những vấn đề liên quan đến biển;  

+ Đưa ra các nguyên tắc, quy định trong việc xử lý mối quan hệ giữa phát  triển, sử dụng tài nguyên biển với bảo tồn, bảo vệ môi trường biển;  + Bảo đảm an ninh, an toàn trên biển;  

+ Thúc đẩy nghiên cứu khoa học về biển;  

+ Phát triển các ngành công nghiệp biển;  

+ Quản trị toàn diện, tổng hợp biển;  

+ Hợp tác quốc tế về biển.  

Theo đó, Nội các Chính phủ Nhật Bản đã ban hành 3 kế hoạch cơ bản thực  hiện Chính sách đại dương. Kế hoạch cơ bản lần 1 vào tháng 3/2008 đề cập đến các  nội dung về thúc đẩy phát triển và khai thác nguồn tài nguyên biển; bảo vệ môi  trường biển; thúc đẩy phát triển vùng đặc quyền kinh tế; bảo đảm an ninh hàng hải;  đảm bảo an toàn, an ninh biển; thúc đẩy nghiên cứu và khảo sát biển; áp dụng các  biện pháp kết hợp đối với các vùng duyên hải; nâng cao nhận thức công chúng về  biển; thúc đẩy hợp tác và điều phối quốc tế về biển… Quan điểm xuyên suốt của Kế  hoạch cơ bản lần 1 là tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi  trường biển, thúc đẩy nghiên cứu biển, nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong quản  lý, phát triển biển, đại dương. Tuy nhiên, Bản kế hoạch này không đề cập về tranh  chấp trên biển hay các vấn đề về QP, AN mà chỉ nói chung về việc tuần tra nhằm  đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự trên biển, phát hiện các tàu thuyền lạ và tàu thu  thập thông tin tình báo. Trên cơ sở kế thừa Kế hoạch cơ bản lần 1, bản Kế hoạch lần  2 của Nhật Bản (giai đoạn 2013 – 2018) nhấn mạnh thêm nội dung về tăng cường khai thác tài nguyên dưới mặt biển và tăng cường khả năng giám sát xung quanh  các vùng biển của Nhật Bản. Kế hoạch lần 2 đưa ra những biện pháp nhằm đẩy  mạnh nghiên cứu các nguồn tài nguyên dưới mặt biển như methan hydrate và đất  hiếm; phát triển công nghệ sản xuất khí methan từ methan hydrate phục vụ mục  đích thương mại; tăng cường khả năng giám sát hàng hải của Nhật Bản tại những  vùng biển quanh nước này bằng cách tái cơ cấu và trang bị máy bay, tàu thuỷ cho  Lực lượng bảo vệ bờ biển và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tiến hành hoạt động  chia sẻ thông tin giữa hai lực lượng này. Ngày 15/5/2018 bản Kế hoạch cơ bản lần 3  thực hiện chính sách đại dương (giai đoạn 2018 – 2023) được Nội các Nhật Bản  thông qua trong bối cảnh tình hình an ninh hàng hải ngày càng bị đe doạ nghiêm  trọng, cần phải bảo vệ lợi ích hàng hải và duy trì sự ổn định cho phát triển và tiến ra  Bắc cực. Kế hoạch lần này đặt ra khẩu hiệu “Vượt qua thách thức trở thành quốc gia  đại dương mới” với các nội dung cụ thể như: Bảo đảm an ninh biển toàn diện, trong  đó lấy trọng tâm là liên kết và hợp tác với các nước khác để thực hiện chiến lược  Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở; củng cố năng lực của các lực  lượng phòng vệ bờ biển và cảnh sát biển Nhật Bản, tiến hành bảo vệ và quản lý các  đảo xa bờ. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực biển như khai thác các tài nguyên băng  cháy, quặng sulfua đa kim, đất hiếm; phân vùng khu vực sử dụng biển cho điện gió;  tăng cường cạnh tranh quốc tế thông qua gia tăng năng suất và giá trị gia tăng từ các  dịch vụ biển; tăng cường chức năng điểm trung chuyển hàng hải quốc tế; phát triển  đánh bắt cá thương mại… Duy trì và bảo tồn môi trường biển, trong đó sử dụng các  khuôn khổ quốc tế như mục tiêu phát triển bền vững để thực hiện việc bảo vệ môi  trường biển; thiết lập các khu bảo tồn biển thích hợp, giảm ô nhiễm biển, bảo tồn  các rạn san hô…; thực hiện các sáng kiến toàn diện nhằm hướng đến một vùng biển  sạch và phong phú, thúc đẩy các cuộc điều tra và nghiên cứu. Nâng cao kiến thức  khoa học, tập trung thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ biển;  duy trì và tăng cường khảo sát đại dương, quan sát, giám sát từ trên cao. Thúc đẩy  chính sách Bắc Cực với các biện pháp liên quan đến nghiên cứu và phát triển, hợp  tác quốc tế và sử dụng bền vững, sử dụng tuyến Đông Bắc trong tuyến đường biển  Bắc và sử dụng các sáng kiến của nước ngoài nhằm phát huy thế mạnh của Nhật  Bản trong lĩnh vực quan sát, nghiên cứu và phát triển; đồng thời thiết lập các trung  tâm hợp tác quốc tế ở Bắc Cực. Hợp tác quốc tế theo hướng thượng tôn pháp luật và  dựa trên nghiên cứu khoa học để hiện thực hoá lợi ích quốc gia. Phát triển nguồn  

nhân lực có kiến thức về đại dương và nâng cao hiểu biết của người dân thông qua  thực hiện giáo dục hàng hải; đào tạo và bảo đảm nhân sự chuyên môn hỗ trợ các  quốc gia biển; áp dụng và duy trì Ngày lễ đại dương. Điểm cốt lõi trong Kế hoạch lần  3 về chính sách đại dương của Chính phủ Nhật Bản là nêu bật mối quan tâm của Nhật  Bản về vấn đề an ninh trên biển, bao gồm an ninh khu vực và cả công tác phòng vệ  tại vùng đảo xa; vấn đề bảo vệ lãnh hải quốc gia và lợi ích trên biển của Nhật Bản  trong bối cảnh tình hình trên biển của Nhật Bản ngày càng phức tạp do sự đe doạ ngày càng tăng từ phía Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Kế hoạch lần 3 của Nhật Bản  còn nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa Lực lượng Tuần Duyên và Cơ Quan Ngư  Nghiệp để tăng cường năng lực đối phó với các hoạt động phi pháp của các tàu cá  Nghiệp để tăng cường năng lực đối phó với các hoạt động phi pháp của các tàu cá  nước ngoài trong vùng biển Nhật Bản; nhấn mạnh đến các biện pháp thu thập, chia sẻ  thông tin, đặc biệt là đối với các thông tin về tàu thuyền nước ngoài… Ngoài ra, để  đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, chính sách mới của Nhật cũng quy định việc  phát huy chiến lược “Một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở cửa” nhằm  duy trì và củng cố tuyến đường biển thông thoáng, mở và tự do cho Nhật Bản.  

Thứ hai, về quản lý hoạt động khai thác tài nguyên biển 

 Nhật Bản quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên biển theo ngành dọc. Mỗi phân ngành kinh tế liên quan đến biển sẽ thuộc sự quản lý của các cơ quan cấp  Bộ, các cơ quan này chịu trách nhiệm chính trong quản lý các cảng chủ đạo. Cảng  cấp II và cấp III được đặt dưới quyền quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là  thuộc các thành phố, các quận… Ban quản lý cảng do Chính phủ bổ nhiệm. Các  chính quyền địa phương chỉ đơn thuần quản lý về mặt hành chính, quản lý hoạt  động kinh doanh cũng như quản lý nguồn kinh phí của cảng và hải cảng đều thuộc  trách nhiệm của Chính phủ quốc gia. Suốt thời kỳ hậu chiến cho đến năm 1950, một  đạo luật cơ bản lần đầu ra đời có mối quan hệ giữa lĩnh vực xây dựng, phát triển,  quản lý và hoạt động của các cảng và vùng hải cảng. Đạo luật này quy định việc  quản lý cảng, nhu cầu xây dựng các cảng thuộc hệ thống quản lý của các cấp chính  quyền địa phương. Suốt những năm 50, căn cứ vào tốc độ gia tăng dân số và gia  tăng mật độ dân số khu vực đô thị, Chính phủ Nhật Bản đã tập trung chuyên sâu vào 

phát triển mạng lưới cảng biển, đường bộ, đường sắt và hệ thống đường cao tốc khu  vực đô thị, đặc biệt là tại vành đai công nghiệp Thái Bình Dương. Sau đó, đến năm  1960, nền kinh tế Nhật Bản đạt được tốc độ phát triển cao dẫn đến việc thiếu các cảng biển có năng lực phù hợp. Vì vậy, đến năm 1961, đạo luật những biện pháp  khẩn cấp về phát triển cảng đã ra đời và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển cảng  đã được ấn định (1961- 1965). Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập của người dân sau 5  năm tài khoá 1961- 1965, phát triển nền kinh tế quốc gia nhằm kích thích sự phát  triển hệ thống cảng biển và bến cảng cũng được Chính phủ quan tâm. Đối với sự  phối hợp của chính phủ trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, để triển khai kế  hoạch phát triển các khu vực trong đó có cả cảng biến và hải cảng, các kế hoạch đều  phải được thông qua và lấy ý kiến của các khu vực kinh tế, các cấp chính quyền địa  phương và những nhà quản lý. Hưởng ứng yêu cầu về một hệ thống phát triển mới  của chính quyền địa phương (quận trưởng). Chính phủ (thông qua Sở Kế hoạch  Kinh tế) thành lập một hội đồng mà nhân sự gồm các thành viên của Chính phủ, các  bộ ngành có liên quan cùng với chính quyền quận xem xét và quyết định. Các kế  hoạch về xây dựng những khu công nghiệp mới của thành phố không chỉ hạn chế  trong việc xem xét vị trí khu công nghiệp đó nằm ở đâu, những kế hoạch phát triển  cảng, mà còn bao gốm kế hoạch xây dựng nhà ở, hệ thống đường cao tốc và đường  bộ, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước công nghiệp và sinh hoạt cũng như hệ thống  điện và các dịch vụ viễn thông. Chính phủ căn cứ vào kế hoạch xây dựng để bố  sung ngân sách, ví dụ: trong trường hợp các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bị chậm  trễ. Chức năng của Chính phủ được mở rộng thêm với việc thành lập Cục Đất đai  quốc gia vào năm 1970. Năm 2001, cơ cấu của Chính phủ được sắp xếp lại, Cục  Đất đai quốc gia, Cục Phát triển Hokkaido. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng  được hợp nhất thành một bộ có tên là Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận  tải. Cảng biển là một trong những yếu tố quyết định đến việc cung cấp hệ thống cơ  sở hạ tầng phát triển cho các khu công nghiệp mới. Kế hoạch phát triển các khu vực  phải có sự kết hợp giữa các loại hình và quy mô các ngành công nghiệp trong khu  vực một cách hợp lý, thông qua đó để quyết định thiết kế hệ thống đường cao tốc,  mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước và các dịch vụ cảng biển.  Khu vực công cộng (Chính phủ trung ương và các địa phương) và các tổ chức kinh  tế tư nhân đều đã đầu tư vốn cho việc phát triển các khu công nghiệp mới. Chính  phủ đầu tư tài chính cho các công trình cơ sở hạ tầng cơ bản như mạng lưới đường  cao tốc, đường bộ, đường sắt, cung cấp nguồn nước cho các ngành công nghiệp và  trợ cấp một phần cơ bản về tài chính cho cơ sở hạ tầng cảng biển như là xây dựng  công trình đê chắn sóng, cầu tàu, nạo vét luồng lạch vào cảng, cải tạo điểm neo đậu  

tàu khí vào cảng bốc dỡ hàng. Hệ thống cảng biển Nhật đóng vai trò quan trọng  trong nền kinh tế quốc gia. Mặc dù là một nước công nghiệp phát triển, nhưng hiện  nay Chính phủ Nhật đang tiến hành chuyển đối việc quản lý toàn diện hệ thống  cảng từ khu vực công cộng sang khu vực tư nhân nhằm tăng cường tính cạnh tranh  trong ngành công nghiệp cảng biển, khai thác hết năng lực của cảng để phục vụ  chiến lược kinh tế quốc gia, san sẻ bớt gánh nặng tài chính với Chính phủ trong lĩnh  vực đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biến tại quốc gia này. đầu tư cho xây  dựng cơ sở hạ tầng cảng biến tại quốc gia này.  

Thứ ba, về quản lý hoạt động thuỷ sản 

Ngành khai thác và đánh bắt thủy sản là một trong những ngành kinh tế quan  trọng của Nhật Bản. Từ sau thế chiến thứ II, chính phủ Nhật Bản mở rộng hoạt động  khai thác hải sản theo luật pháp và công ước quốc tế. Chính phủ đầu tư mạnh về khoa  học – kỹ thuật và tài chính cho ngành này. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu xuất,  nhập khẩu hàng hóa, chính phủ Nhật Bản trú trọng đến việc đảm bảo an toàn an ninh  hàng hải, tránh không để xảy ra sự gián đoạn tại các cảng biển. Chính phủ Nhật bản  sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để đảm bảo an toàn cho tầu ra, vào cảng trong  phạm vi 1000 hải lý tính từ các cảng của Nhật. Việc khai thác các nguồn tài nguyên  khoáng sản dưới thềm lục địa thuộc chủ quyền của Nhật Bản cũng được chính phủ  quan tâm và quản lý chặt chẽ việc khai thác gắn với bảo vệ môi trường biển. 

2.3.1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh  

Trung Quốc là quốc gia có đường bờ biển dài 18.000 km tiếp giáp với Thái  Bình Dương, biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là điều kiện địa lý vô cùng thuận  lợi cho phát triển kinh tế biển. Trung Quốc có truyền thống lâu đời về khai thác các  nguồn lợi từ biển (khoảng 5000 năm trước Trung Quốc đã có hoạt động khai thác  muối từ biển). Sau Cách mạng Tân Hợi (1949), Trung Quốc đã sớm ban hành chiến  lược biển với 4 nội dung cơ bản là: 

+ Xác định nội dung hạt nhân của chiến lược chính trị biển là việc mở rộng  quản lý biển;  

+ Khẳng định chiến lược phát triển kinh tế biển là hạt nhân của việc xây  dựng chiến lược cường quốc biển;  

+ Xác định đảm bảo an ninh biển gắn với an ninh quốc gia là nội dung trọng  tâm trong chiến lược phòng vệ biển; 

+ Coi trọng việc sử dụng công nghệ cao kết hợp với kỹ thuật thông thường  trong chiến lược khoa học – kỹ thuật biển.  

Chiến lược phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN của Trung Quốc, có thể khái quát như sau:  

Thứ nhất, Trung Quốc coi trọng phát triển toàn diện kinh tế biển với các nội  dung cụ thể như: Gắn khai thác các nguồn tài nguyên biển ở khu vực xa bờ với ven  bờ (năm 1991 được sự nhất trí của cơ quan quản lý đáy đại dương, Trung Quốc đã  tiến hành hoạt động khai thác quặng ở vùng biển rộng trên 150 ngìn km2 và hiện  nay đang đề nghị được mở rộng phạm vi khai thác). Bên cạnh đó, Trung Quốc đã  tiến hành các hoạt động thăm rò, khảo sát các vùng biển Bắc cực, phát triển nhiều  ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới biển như: đóng tàu biển, khai thác hải sản,  nghề muối, du lịch biển… 

Thứ hai, Trung Quốc đề ra mục tiêu phát triển kinh tế biển “hiệu quả cao” với các nội dung: Phát triển và mở rộng những ngành kinh tế mới gắn với biển,  nâng cao năng lực của nghề khai thác thuỷ sản truyền thống, nâng cao khả năng  cạnh tranh của các sản phẩm khai thác từ biển trên thị trường trong và ngoài nước.  Thường xuyên cập nhật và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý biển, tạo  môi trường pháp lý đảm bảo công bằng, minh bạch trong việc phát triển kinh tế  biển. Các chính sách, pháp luật về biển đã được chính phủ Trung Quốc ban hành  như: “Quy hoạch phát triển biển quốc gia”, “Đề cương quy hoạch phát triển biển  toàn quốc”, “Luật Nghề cá nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”, “Quy tắc quản lý  tầu thuyền nước ngoài của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”, “Điều lệ hợp tác,  khai thác dầu mỏ biển với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”, “Điều lệ hợp tác,  khai thác dầu mỏ biển với bên ngoài của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”. Với  hệ thống các chính sách, pháp luật đã được ban hành đã đóng vai trò quan trọng  trong thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế biển của Trung Quốc. Cùng với việc ban  hành chính sách, pháp luật, chính phủ Trung Quốc còn chú trọng kiện toàn hệ thống  các cơ quan quản lý nhà nước về biển từ rất sớm (năm 1949 cơ quan quản lý,  nghiên cứu phát triển bảo vệ tài nguyên biển toàn quốc (đều thuộc Quốc vụ viện) đã  được thành lập), xây dựng cơ cấu quản lý bộ máy hành chính gắn liền với các vùng  biển để tạo điều kiện quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế biển từ đó hình thành sự  phân cấp quản lý từ trung ương tới địa phương. 

Thứ ba, chính sách phát triển kinh tế biển bền vững được chính phủ Trung  Quốc đề ra với các nội dung chủ yếu như: Ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm biển để bảo  vệ môi trường và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển cho phát triển kinh tế  một cách hiệu quả. Ngay từ những năm 1970 chính phủ Trung Quốc đã dựa trên  chính sách bảo vệ môi trường quốc gia kết hợp với tính đặc thù của môi trường biển  để đề ra chiến lược bảo vệ môi trường biển, trong đó quy định những nguyên tắc cơ  bản để bảo vệ môi trường biển. Đồng thời từng bước kiện toàn các cơ quan quản lý,  giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành và từng địa phương trong việc bảo vệ môi  trường biển. Ngoài ra, để đảm bảo tái tạo tài nguyên biển, chính phủ Trung Quốc đã  thực thi chiến lược cấm đánh bắt cá theo từng khoảng thời gian trong năm nhằm  đảm bảo cho nguồn cá sinh sản tái tạo. Việc chấn chỉnh các hoạt động khai thác và  bảo vệ môi trường biển đã giúp các nguồn tài nguyên được tái tạo và đảm bảo cho  khai thác lâu dài các nguồn lợi từ biển cho phát triển kinh tế – xã hội. Song song với  việc ban hành hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên biển, chính phủ còn ban  hành các tài liệu truyên truyền cho ngư dân và xây dựng các đề án bảo vệ biển; tiêu  chuẩn chất lượng nghề khai thác, đánh bắt cá…  

2.3.1.3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển kinh tế biển trong mối  quan hệ với đảm bảo quốc phòng, an ninh 

Hàn Quốc là một quốc gia bán đảo có 15 khu bảo tồn biển, 4 vùng biển quản  lý môi trường và 5 vùng biển quản lý đặc biệt cho việc thực hiện các mục tiêu cụ  thể. Đồng thời, Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia hàng đầu thế  giới về phát triển bền vững, song song với những nỗ lực của Chương trình Môi  trường Liên Hợp quốc về bảo vệ môi trường biển. Hàn Quốc đã tham gia ký kết  nhiều công ước quốc tế về môi trường như: Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển,  Công ước Luân đôn, Công ước Liên Hợp quốc về đa dạng sinh học, Công ước khí  hậu và nhiều hiệp định môi trường đa phương khác.  

Tại Hàn Quốc, công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo, đặc biệt là vùng  Tại Hàn Quốc, công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo, đặc biệt là vùng bờ, đã  được thể chế hoá và áp dụng trong thực tiễn. Hàn Quốc đã xây dựng được một hệ  thống luật pháp khá hoàn chỉnh để phục vụ quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Rất  nhiều địa phương ven biển đã áp dụng thành công phương thức quản lý này với kết  quả sử dụng hợp lý tài nguyên, hài hoà các hoạt động quản lý ngành và bảo vệ, cải  thiện tài nguyên và môi trường. Về hệ thống pháp lý, vào năm 1996, Hàn Quốc đã xây dựng Luật Cơ bản về phát triển Biển và Nghề cá. Một loạt các luật khác được  xây dựng theo Luật này. Cũng trong năm 1996, cùng với Luật khung, Hàn Quốc đã  xây dựng quy hoạch tổng thể về biển tích hợp tất cả các quy hoạch ngành, được gọi là  quy hoạch phát triển biển và nghề cá. Tầm nhìn, mục tiêu của tất cả các ngành có liên  quan đều được tích hợp vào quy hoạch. Từ năm 1996, Hàn Quốc đã thực hiện tổng hợp  chức năng các cơ quan, tổng hợp về chính sách, pháp luật và quy hoạch để thực hiện  quản lý tổng hợp. Một số lĩnh vực nhỏ hơn nằm ngoài chức năng của Bộ Đại dương và  Nghề cá như quản lý hàng hải, quản lý biên giới, lãnh thổ được quản lý theo chuyên  ngành. Quy hoạch các ngành phải được phản ánh trong quy hoạch tổng hợp.  

Cùng với tăng trưởng kinh tế vùng bờ, cũng như các quốc gia khác, ở Hàn  Quốc đã nảy sinh các vấn đề về môi trường, mất các sinh cảnh quan trọng và suy  thoái các hệ sinh thái hệ sinh thái biển và vùng bờ. Do vậy, Hàn Quốc đã tập trung  xây dựng Luật quản lý vùng bờ. Nội dung chính của Luật là quản lý tổng hợp tài  nguyên, quản lý môi trường biển tại khu vực vùng bờ (có khoảng cách từ bờ ra biển  3 hải lý và cách mực nước triều cao nhất 500 m hoặc 1.000 m về phía đất liền), bao  gồm quản lý các khu vực biển, xây dựng các công trình biển bảo vệ vùng bờ, giáo  dục và tuyên truyền. Quy hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ có kỳ quy hoạch 10 năm  và điều chỉnh các vấn đề liên quan tới bảo tồn, sử dụng và phát triển các vùng biển.  Chính quyền Trung ương xây dựng quy hoạch cả nước, Chính quyền tỉnh xây dựng  quy hoạch cho tỉnh trên cơ sở quy hoạch cả nước.  

Quản lý tổng hợp vùng bờ Hàn Quốc được phát triển theo giai đoạn. Khoảng  cuối 1980, tại Hàn Quốc đã đưa ra khái niệm quản lý tổng hợp vùng bờ. Khái niệm  này được đưa vào chính sách quốc gia từ đầu những năm 1990. Các dự án thí điểm  quản lý tổng hợp vùng bờ được thực hiện vào giữa những năm 1990. Các điều tra  để xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng bờ cũng được thực hiện vào thời gian  này. Vào năm 1999, Hàn Quốc thông qua Luật quản lý vùng bờ với nội dung chính  là quản lý tổng hợp. Hàn Quốc đã xây dựng và thực hiện quy hoạch quản lý tổng  hợp vùng bờ ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện tại, quản lý tổng hợp vùng bờ  ở Hàn Quốc tập trung vào phân vùng chức năng, bảo tồn các hệ sinh thái và quản lý  tổng hợp cửa sông, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững KT-XH và  bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống quản lý với mục tiêu là các vùng bờ tự  nhiên, đảm bảo tính pháp lý của phân vùng, quản lý trực tiếp, giới hạn trong vùng  nước ven bờ. 

Trước năm 2008, Hàn Quốc không có chính sách riêng biệt và cụ thể để quản  lý đảo, các đảo có người do Bộ Nội vụ quản lý hành chính. Nhận thức tầm quan  trọng của việc quản lý các đảo không người, năm 2008, Hàn Quốc đã ban hành Luật  quản lý các đảo nhỏ không người với nội dung cơ bản là quản lý tài nguyên, môi  trường, xây dựng quy hoạch quản lý đảo với kỳ quy hoạch 10 năm. Hàn Quốc đã  ban hành Luật quản lý các đảo với mục đích quản lý môi trường và tài nguyên các  đảo, chủ yếu tập trung vào bảo tồn. Hàn Quốc đã thực hiện điều tra về điều kiện tự  nhiên, địa hình, cảnh quan, hệ sinh thái làm cơ sở để bảo tồn. Trên cơ sở đó, xác  định các hình thức quản lý cho các đảo; chia đảo thành 4 loại: Loại bảo tồn, loại nửa  bảo tồn, loại phát triển có điều kiện và loại phát triển. Trong luật cũng có các phần  quy định về các đảo đặc biệt dùng xác định các ranh giới quốc gia trên biển. Về quy  hoạch quản lý, việc điều tra các đảo này được thực hiện thường xuyên. Tổng cục  Khí tượng Thuỷ văn biển Hàn Quốc thuộc Bộ Đại dương và Nghề xuyên. Tổng cục  Khí tượng Thuỷ văn biển Hàn Quốc thuộc Bộ Đại dương và Nghề cá điều tra  thường xuyên các đảo này. Các đảo được dùng là điểm để xác định các vùng biển là  rất quan trọng, cần được chú ý bảo vệ.  

 Hiện nay, Hàn Quốc đang xem xét, sửa đổi các luật hiện hành để thích ứng  với xu hướng quản lý tổng hợp theo cách tiếp cận hệ sinh thái. Ngoài ra, Hàn Quốc  đang nỗ lực hoàn chỉnh quy hoạch và tăng cường quản lý tổng hợp ở địa phương.  Hàn Quốc đang thực hiện điều tra toàn quốc lần 3 và xây dựng Quy hoạch quản lý  tổng hợp toàn quốc lần 2 bằng cách điều chỉnh Quy hoạch quản lý tổng hợp lần  1.Vào năm 2006, 70% tỉnh thành xây dựng Quy hoạch quản lý tổng hợp ở cấp tỉnh. 

Cùng với việc ban hành Quy hoạch quản lý tổng hợp toàn quốc lần 2, các tỉnh sẽ  phải điều chỉnh quy hoạch đã được xây dựng trước đó để phù hợp với quy hoạch  quốc gia. Cơ sở pháp lý để quản lý môi trường biển và các luật cơ bản phục vụ quản  lý môi trường biển của Hàn Quốc bao gồm 3 Luật liên quan tới quản lý môi trường  biển: Luật quản lý môi trường biển, Luật về bảo tồn và quản lý các hệ sinh thái  biển, Luật về bảo tồn các vùng đất ngập nước. Luật quản lý môi trường biển: Giám  sát môi trường, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin môi trường, làm sạch các  chất thải nhấn chìm, nạo vét các khu ô nhiễm, thu gom rác nổi và Trung tâm xử lý  rác thải. Luật Bảo tồn và quản lý các hệ sinh thái biển: điều tra các hệ sinh thái biển  trên phạm vi cả nước, các khu bảo tồn, hệ thống thông tin, phục hồi các hệ sinh thái, bảo tồn loài, kiểm soát sự phát triển. Luật bảo tồn vùng đất ngập nước chủ yếu phục  vụ bảo tồn môi trường, sinh cảnh và các vùng đất ngập nước.  

 Thực hiện quy định của Luật Quản lý môi trường biển, Tập đoàn quản lý  môi trường biển Hàn Quốc (KOEM) đã xây dựng hệ thống giám sát môi trường bao  gồm hệ thống trạm cố định, hệ thống trạm giám sát tự động và các thiết bị gắn trên  tầu biển. Có 13 trạm giám sát môi trường tự động tại các khu vực điểm nóng về ô  nhiễm biển. Hệ thống giám sát trên các tàu thương mại chạy xung quanh Hàn Quốc  để đo chất lượng nước. Các đặc trưng chất lượng nước được đo 10 lần trong 1  tháng. KOEM cũng xây dựng hệ thống thông tin phục vụ đưa ra báo cáo hiện trạng  môi trường, xây dựng chính sách quản lý và nghiên cứu. KOEM cũng thực hiện rất  nhiều dự án thu gom, xử lý rác thải, bảo tồn biển theo quy định của Luật Quản lý  môi trường biển và các luật khác. KOEM cũng xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu  môi trường biển.  

2.3.2. Kinh nghiệm của trong nước 

2.3.2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Bình Định 

Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/02/2007 của Ban  Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm  2020”, tỉnh Bình Định đã xây dựng được khu vực kinh tế biển phát triển toàn diện,  gắn chặt với đảm bảo QP, AN, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp  hoá, hiện đại hoá, làm cho tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.  

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, tỉnh Bình Định đã cụ thể hoá bằng nhiều dự án, đề án để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, đảo và ven  biển trên địa bàn, với những giải pháp phù hợp thực tế từng địa phương, tạo sự đồng  thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ vậy, tình hình kinh tế xã hội khu  vực biển đảo của tỉnh Bình Định ngày càng phát triển, các hoạt động kinh tế biển,  đảo được quan tâm chỉ đạo, đầu tư; đời sống người dân được cải thiện. Theo đó,  Bình Định đã tập trung phát triển ngành vận tải biển, xây dựng cảng biển và phát  triển công nghiệp đóng tàu gắn liền song song với công tác bảo vệ QP, AN biển  đảo. Cảng biển quốc tế Quy Nhơn (loại I) của tỉnh là cảng biển lớn nối tuyến Quốc  lộ 19 với các tỉnh Tây Nguyên với tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng từ năm  2007 – 2017 đạt trên 91 triệu tấn. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp khai thác và chế  biến hải sản của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, trên địa bàn  tỉnh có 4 doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản với tổng công suất hơn 12.000 tấn/năm, giải quyết gần 1.600 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập trên  3,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng là một trong những tỉnh  có đội tàu cá nhiều nhất nhì cả nước với trên 6.300 tàu với tổng công suất gần 1,9  triệu CV. Ngoài ra, với lợi thế về biển và di tích lịch sử, du lịch biển của tỉnh trong  những năm qua cũng đã có bước phát triển nổi bật. Tính từ năm 2011 đến hết quý I  năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến Bình Định ước đạt gần 16,9 triệu lượt khách  (trong đó khách quốc tế khoảng 1,25 triệu lượt) với tổng doanh thu ước đạt gần  7.500 tỷ đồng.  

Điểm nổi bật quan trọng tại tỉnh Bình Định trong quá trình phát triển kinh tế  biển gắn với đảm bảo QP, AN là việc huy động được các nguồn lực đầu tư phát triển,  xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các vùng biển, đảo, góp phần vào công cuộc  củng cố QP, AN biển đảo trên địa bàn tỉnh, đồng thời bảo vệ môi trường, phòng  chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở đây. Bên cạnh đó, nhờ quán triệt sâu  sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường QP, AN, bảo vệ chủ quyền,  quyền chủ quyền biển, đảo, trong những năm qua, thế trận quốc phòng trên biển, đảo  của tỉnh Bình Định đã được tăng cường. Tỉnh Bình Định đặc biệt coi trọng bồi dưỡng  các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo; tăng cường sự phối hợp giữa lực  lượng vũ trang với tổ chức đảng, chính quyền và người dân tại các địa phương gắn  với biển, đảo trong hoạt động bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.  

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về QLNN về biển,  đảo đã được ban hành và hướng dẫn thực hiện khá cụ thể. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình  Định cũng đã ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ QLNN về lĩnh  vực biển, đảo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó  giữa các tầng lớp dân cư vùng biển, đảo với các lực lượng vũ trang, trực tiếp làm  nhiệm vụ bảo vệ QP, AN như BĐBP, cảnh sát biển để vừa giúp nhau sản xuất, nâng  cao đời sống vật chất, tinh thần, vừa tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc.  

2.3.2.2. Kinh nghiệm của thành phố Hải phòng 

Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển  lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo  dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ.  

Trong những năm qua, kinh tế biển Hải Phòng đã đóng góp khoảng 30%  vào GDP toàn thành phố, GDP kinh tế biển Hải Phòng cũng chiếm khoảng hơn  30% GDP kinh tế biển – ven biển cả nước và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ chung vùng ven biển cả nước. Thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị,  sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt  Nam và hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển  thành phố Hải Phòng trong thời kỳ đổi mới, sự nghiệp phát triển kinh tế biển của  thành phố Hải Phòng đã luôn đảm bảo gắn kết với sự nghiệp bảo vệ QP, AN. Một  số kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng có nội dung như sau: 

Một là, Hải Phòng xây dựng hệ thống cảng biển phát triển cả về số lượng và  chất lượng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH cũng như đảm bảo  QP, AN của thành phố. Hiện nay, hệ thống cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển  tổng hợp cấp quốc gia, lớn thứ 2 ở Việt Nam và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc  tế của Việt Nam với 5 cửa sông lớn đổ ra biển, có chiều dài 42km với hơn 40 cảng  và 69 cầu cảng, các chức năng khác nhau… Năm 2018, cụm cảng Lạch Huyện cửa  ngõ quốc tế mới loại IA được đưa vào khai thác đã mang một tầm vóc mới cho cảng  biển Hải Phòng. Khu bến cảng Lạch Huyện được xác định phát triển trở thành khu  cảng hiện đại, là cảng duy nhất ở miền Bắc đón được các tàu có trọng tải lên tới  150.000 tấn, đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung  chuyển quốc tế.  

Hai là, các đơn vị vận tải biển, lĩnh vực dịch vụ logistics đã từng bước  chuyển đổi hướng đầu tư phát triển theo hướng trẻ hoá, chuyên môn hoá, hiện đại  hoá trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế biển, phát triển cơ  sở hạ tầng, trang thiết bị và phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin 

(CNTT) nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh phù hợp với yêu cầu hội nhập của  thị trường vận tải biển trong khu vực và quốc tế, giúp cho Hải Phòng có được năng  lực phòng ngừa, ngăn chặn những mối đe doạ tiềm ẩn đối với an ninh, ổn định trong  giao thông vận tải biển.  

Ba là, hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH thành phố nói chung, cơ sở hạ tầng  biển, đảo nói riêng, trong đó trước hết là hạ tầng giao thông, điện, nước sạch, thông  tin liên lạc, công trình hạ tầng thuỷ sản, đặc biệt là các dự án về xây dựng khu hậu  cần dịch vụ nghề cá và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được đầu tư phát triển  bằng nhiều nguồn, phát triển khá đồng bộ, từng bước hoàn thiện, hiện đại hoá, chất  lượng cao hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu đẩy mạnh khai thác tài  nguyên biển, phát triển kinh tế biển, KT-XH ven biển, đảo của thành phố và tạo ra  nguồn lực để củng cố QP, AN trên biển của thành phố.  

Bốn là, công tác quản lý bảo vệ môi trường biển, tài nguyên thiên nhiên, phát  triển bền vững các hệ sinh thái biển và phòng chống thiên tai đã được các cấp, các  ngành đặc biệt quan tâm và chú trọng đầu tư. Trên địa bàn thành phố có nhiều trung  tâm quan trắc môi trường biển phục vụ các nhu cầu tuân thủ luật bảo vệ môi trường  của các ngành nghề, hoạt động kinh tế.  

Năm là, hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân  lực biển luôn luôn được chú trọng. Nội dung nghiên cứu khoa học, công nghệ được  nâng cao, đan xen các nội dung về bảo vệ QP, AN cũng như nâng cao nhận thức  cho mọi tầng lớp nhân dân về quyền và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên  biển. Hải Phòng vẫn đang xứng đáng là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học  công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển của vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.  

Sáu là, sự nghiệp an ninh – quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thường  xuyên được củng cố và giữ vững. Công tác chỉ đạo, tuyên truyền của quốc, góp  phần giữ gìn hoà bình, hợp tác hữu nghị và phát triển của nước ta trong khu vực.  

2.3.2.3. Kinh nghiệm của thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh công nghiệp mạnh về kinh tế biển, ổn định về  chính trị, vững mạnh về QP, AN. Những năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã huy động  mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và  toàn dân, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng  toàn dân, gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân ở  từng khu vực và trên toàn địa bàn, bảo đảm mỗi bước tăng trưởng, phát triển KT-XH của tỉnh là một bước tăng cường tiềm lực QP, AN. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng  bộ Tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định: “Chú trọng kết hợp chặt chẽ  nhiệm vụ KT-XH với QP, AN, đối ngoại và kinh tế đối ngoại, bảo đảm giữ được thế,  tạo động lực ngày càng vững chắc cho khu vực phòng thủ của Tỉnh, quan tâm đầu tư –  cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện phục vụ chiến đấu đối với lực lượng vũ trang” [25]. Trên cơ sở đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của mình, tỉnh chủ trương phát triển  công nghiệp, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, du lịch; tập trung xây dựng hệ thống kết  cấu hạ tầng kỹ thuật đảm bảo mục tiêu gắn phát triển kinh tế, xã hội với QP, AN trên  địa bàn; chú trọng đầu tư vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng biển,  đảo. Đồng thời, nghiên cứu, đổi mới, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp  lý, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt  các dự án kinh tế – quốc phòng trên địa bàn. 

Quá trình thực hiện, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển những ngành kinh tế  trọng điểm, có tính lưỡng dụng như: dịch vụ cảng biển, khai thác hải sản, bưu chính  – viễn thông, y tế và giao thông – vận tải… trước hết phục vụ mục tiêu KT-XH;  đồng thời, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, trực tiếp là gắn với xây dựng các công  trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần – kỹ thuật của khu vực phòng thủ.  Hiện nay, các dự án KT-XH, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất vật liệu (khí đốt,  hoá chất, gạch ngói, sắt thép…) đã và đang được triển khai đều được thẩm định và  gắn với bảo đảm QP, AN. Cùng với lĩnh vực khai thác dầu khí, tỉnh còn là một  trong những trung tâm năng lượng và du lịch của cả nước, với hệ thống cảng biển  và cảng sông có tiềm năng lớn, đang được khai thác và phát huy hiệu quả trong phát  triển kinh tế và tăng cường tiềm lực quốc phòng trên địa bàn.  

Là tỉnh ven biển, với hơn 156 km đường bờ biển, Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có  những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức trong phát triển KT XH, tăng cường QP, AN. Trên biển, tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp;  các hành động xâm phạm chủ quyền, đánh bắt cá trái phép của tàu thuyền nước  ngoài, xâm hại môi trường biển, buôn lậu… thường xuyên xảy ra, nếu không được  giải quyết tốt sẽ là những nguy cơ gây mất ổn định. Để khắc phục tình trạng đó, tỉnh  đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong lãnh đạo, chỉ  đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với QP, AN. Mọi chủ  trương, quan điểm, nội dung, giải pháp kết hợp được cụ thể hoá trong các chỉ thị,  nghị quyết của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế  gắn với bảo đảm QP, AN trong nhiệm kỳ và từng năm, trong quy hoạch, kế hoạch tổng  thể phát triển KT-XH, xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh và các sở, ban, ngành, địa  phương. Cùng với việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) Về chiến  lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh chủ động rà soát các chính sách, chế độ đã  ban hành, kể cả việc thực hiện chủ trương kết hợp đánh bắt cá xa bờ với bảo vệ biển,  đảo; thực hiện các chính sách thu hút lực lượng tham gia phát triển kinh tế biển và giữ  gìn an ninh, trật tự trên biển. Đồng thời, có chính sách ưu tiên cụ thể đối với huyện đảo,  chú trọng xây dựng lực lượng và động viên nhân dân trên đảo thực hiện tốt công tác  QP, AN theo phương châm mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ biển, đảo. 

2.3.3. Bài học kinh nghiệm cho thành phố Đà Nẵng 

2.3.3.1. Bài học từ kinh nghiệm nước ngoài 

Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP,  AN của một số quốc gia, có thể rút ra những bài học như sau:  

Một là, ở cấp quốc gia phải xây dựng chiến lược, chính sách phát triển kinh  tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN để lấy đó làm căn cứ pháp lý cho  cấp tỉnh (thành phố) thực hiện. Xây dựng chính sách biển quốc gia của Việt Nam  phải dựa trên hệ thống các quy định của luật và công ước quốc tế giống như Nhật  Bản và Trung Quốc. Hiện nay Việt Nam đã có những luật riêng cho từng ngành  như: Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Luật Tài nguyên nước, Luật Dầu khí, Luật Bảo  vệ môi trường… Tuy nhiên, các luật này mang tính chuyên biệt và không đảm bảo  đáp ứng những yêu cầu quản lý chung về biển. Ngoài ra, muốn xây dựng hệ thống  chính sách đồng bộ về quản lý biển trước hết cần phân định rõ vùng biển quốc gia.  Hiện nay Chính phủ đã tuyên bố xác định được cơ bản các vùng biển quốc gia (tuyên bố ngày 12/07/1977). Tuy nhiên, nội dung tuyên bố cũng chưa đề cấp tới vấn  đề quản lý các vùng biển của Việt Nam và đến nay các văn bản này đã lạc hậu và  không phù hợp với nội dung của công ước quốc tế về luật biển năm 1982. Vì lẽ đó  tất yếu cần xây dựng một luật mới để tạo lâp khung pháp lý cho quản lý biển ở cấp  độ vĩ mô. Về mặt nội dung, luật này cần làm rõ các vấn đề như: đưa ra những  nguyên tắc về quản lý biển; đề ra phương hướng để xây dựng các chính sách cấp  quốc gia về biển; xây dựng một trung tâm điều phối liên ngành với chức năng xây  dựng và quản lý biển… Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện các luật chuyên ngành  để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với chính sách biển quốc gia và các mục tiêu lâu dài  về phát triển kinh tế biển để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và khai  thác biển cho phát triển kinh tế – xã hội. 

Chính sách biển quốc gia cần đảm bảo tính toàn diện và bao quát các nội  dung về biển như: xác định rõ mục tiêu, nguyên tắc cơ bản về quản lý biển (nguyên  tắc phát triển bền vững biển; nguyên tắc quản lý tổng hợp; nguyên tắc cẩn trọng…).  Ngoài ra, chính sách biển cần xác định rõ các chủ thể tham gia quản lý biển, các  chương trình quản lý có thể thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tập chung.  Việc xây dựng chính sách biển quốc gia các các chương trình cần có lộ trình phù  hợp với khung thời gian chi tiết để theo dõi giám sát quá trình thực hiện nhằm đánh giá kết quả và cho phép có những điều chỉnh kịp thời để nâng cao tính hiệu quả  trong khai thác và quản lý biển. 

Hai là, phải kết hợp hài hoà các phân ngành với phương thức phù hợp để  khai thác hiệu quả tài nguyên biển; trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Về  cơ bản các quốc gia được nghiên cứu rất thành công trong xây dựng những chính  sách khai thác tài nguyên biển có hiệu quả theo hướng: Từ thăm dò vùng biển gần tới  vùng biển xa; khai thác trên nguyên tắc đảm bảo bảo vệ môi trường biển và quốc  phòng, an ninh biển đảo. Họ xây dựng các bộ quy tắc, quy định trong khai thác biển  và xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên sâu khoa học hiểu rõ về tài nguyên biển. Trong  khi đó ở Việt Nam, công tác khai thác biển tài nguyên biển đến nay tập trung nhiều ở  nghề cá. Xu hướng tới, lĩnh vực đánh bắt hải sản, đặc biệt là đánh bắt cá tại các vùng  biển sâu sẽ đóng vai trò quan trọng ở nước ta; nghề nuôi trồng thủy sản ven biển sẽ  phát triển và giữ vị trí quan trọng trong điều kiện nguồn hải sản tự nhiên ngày môt  khan hiếm; vận tải biển sẽ có tốc độ phát triển nhanh, mạnh và có quy mô ngày càng  lớn, tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu  vực và thế giới; ngoài ra ngành dầu khí nước ta cũng sẽ có sự phát triển dựa trên tiềm  năng to lớn về dầu khí của đất nước; bên cạnh đó các ngành như: du lịch biển và ven  biển cũng có nhiều không gian phát triển thuận lợi. Để khai thác biển có hiệu quả,  Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý tổng hợp biển, đảo, đội  ngũ này phải được đào tạo một cách bài bản, có khả năng điều tra, nghiên cứu để tìm  ra các quy luật tự nhiên, xã hội tại các vùng biển, hải đảo và áp dụng có hiệu quả các  kiến thức nắm được vào việc quản lý khai thác bền vững các nguồn tài nguyên và bảo  vệ môi trường biển, tổ chức phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai trên biển,  hoạch định các chính sách, phân vùng quy hoạch phát triển bền vững các vùng biển,  đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên biển. 

Ba là, phải làm tốt công tác quản lý các hoạt động liên quan đến kinh tế  biển. Từ thành công của các quốc gia nêu trên, Việt Nam cần xây dựng đề án tái cơ  cấu ngành kinh tế biển, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của  các ngành, các cấp, các địa phương và vùng lãnh thổ, có sự quản lý tập trung của  Trung ương, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu  theo chiều rộng và chiều sâu. Bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành  theo nội dung mới gắn phát triển kinh tế biển với phòng ngừa thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo; đồng thời, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các  ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hoá các doanh nghiệp, thu hút đầu  tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển… Xây dựng  chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xác định và  tiếp cận cho từng lĩnh vực như: Vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản, trồng  trọt, chăn nuôi… có sự tham gia của đại diện các cơ quan ở địa phương, các chuyên  gia kỹ thuật, các tổ chức quần chúng, các hộ gia đình, lập bản đồ về các mối hiểm  nguy, kế hoạch lưu giữ nước ngọt, áp dụng cách tiếp cận vùng để quản lý tài nguyên  thiên nhiên ven biển dựa trên cộng đồng. gấp rút đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên  cứu quản lý các ngành kinh tế biển và cộng đồng cư dân ven biển không những có  trình độ chuyên môn mà còn có kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ  quyền biển đảo. Tăng cường đầu tư xây dựng mới và củng cố hệ thống đê biển vững  chắc; kiện toàn hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và  dự báo thời tiết; phát triển hệ thống rừng và rừng ngập mặn, trước mắt triển khai sớm  hệ thống đê biển ở vùng thấp và vùng ngập nước. Việt Nam có thể áp dụng giống  Hàn Quốc trong việc thể chế hoá việc quản lý các vùng biển, phân chia vùng biển có  người ở và không có người ở để đưa ra các nội dung quản lý phù hợp. 

Bốn là, nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ môi trường biển Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đặc biệt chú trọng tới công tác bảo vệ  môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái biển. Họ chủ trương hàng đầu việc phát triển  môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái biển. Họ chủ trương hàng đầu việc phát triển  kinh tế biển bền vững chứ không khai thác biển bằng mọi giá. Để làm được điều đó,  họ xây dựng hẳn những bộ luật về bảo vệ hệ sinh thái và tham gia chặt chẽ vào các  công ước bảo vệ biển trên thế giới.  

2.3.3.2. Bài học từ kinh nghiệm tỉnh (thành phố) trong nước  

Thứ nhất, bài học về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển vững  mạnh. Giống như thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng luôn luôn cần phải nâng cao, nâng  cấp và xây dựng hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển vì đây là nơi giao  thương, buôn bán tấp nập cũng như vận tải thường xuyên không chỉ của riêng địa  bàn thành phố mà còn liên quan tới nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Đó là cơ  hội để Đà Nẵng phát triển, vươn xa ra bên ngoài, đồng thời cũng góp phần củng cố  cho hệ thống QP, AN trên biển vùng Trung bộ.

Thứ hai, bài học về tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức và huy động  mọi nguồn lực, mọi thành phần, tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế đồng  thời bảo vệ QP, AN. Đà Nẵng có thể học tập từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong công tác  tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình đối  với việc bảo vệ QP, AN hay chủ quyền đất nước trên biển. Tuyên truyền, vận động các  doanh nghiệp kinh tế biển, người dân cũng như các lực lượng chuyên trách đóng góp  sức lực và vật chất cho công tác đảm bảo QP, AN, sao cho mỗi bước tăng trưởng, phát  triển KT-XH của thành phố cũng là một bước tăng cường tiềm lực QP, AN. 

Thứ ba, bài học về đầu tư cho khoa học – công nghệ, nhằm phòng ngừa ngăn  chặn các nguy cơ gây mất an toàn, an ninh cũng như hướng đến việc khai thác  không gây tổn hại tới môi trường biển. Khoa học – công nghệ nghiên cứu các vấn đề  về biển, khai thác biển và phát triển kinh tế biển giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đây  là xu hướng đầu tư chung của mọi quốc gia trên thế giới. Khoa học – công nghệ đem  lại lợi ích to lớn không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn cho các hoạt động về  phòng ngừa rủi ro, phát hiện sớm để ngăn chặn xâm lấn, ngăn chặn các nguy cơ hay  mối đe dọa tới QP, AN trên biển, đảo. Do đó, Đà Nẵng cần phải đầu tư cho khoa  học – công nghệ một cách thích đáng.  

Thứ tư, bài học về xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các tầng lớp dân cư vùng  biển, đảo với các lực lượng vũ trang, lực lượng chuyên trách về QP, AN trên biển. Đà  Nẵng nên học tập tỉnh Bình Định trong công tác xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa  ngư dân với BĐBP, cảnh sát biển cũng như các cơ quan, tổ chức Nhà nước về bảo vệ  QP, AN. Đây chính là thế trận lòng dân vững chắc để đối phó lại mọi nguy cơ xâm hại,  đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ, đoàn kết để phát triển KT-XH.  

Thứ năm, bài học về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần vào  công cuộc phát triển kinh tế biển trong mối quan hệ với đảm bảo QP, AN. Đây là  bài học tuy không mới và gần như không bao giờ bị bỏ sót trong bất cứ yêu cầu phát  triển kinh tế nào, bởi vì con người là trung tâm của vũ trụ, là khởi nguồn của vạn  vật, phát triển hay không, ổn định QP, AN hay không rốt cuộc đều dựa trên yếu tố  căn bản là con người. Tuy nhiên không vì vậy mà xem nhẹ việc đào tạo chất lượng  và số lượng nhân lực. Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác phát  triển kinh tế gắn với đảm bảo QP, AN cần có nội dung phù hợp, sát sao thực tiễn và  phải được đầu tư thích đáng.  

Chương 3 

THỰC TRẠNG KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG,

AN NINH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 

3.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ – XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ  NẴNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ BIỂN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐẢM  BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH 

3.1.1. Điều kiện tự nhiên của thành phố Đà Nẵng 

Vị trí địa lý 

Thành phố Đà Nẵng nằm ở trung độ của đất nước, trên trục giao thông Bắc – Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đà Nẵng cách Thủ  đô Hà Nội 764km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 964 km về phía Nam,  cách thành phố Huế 108 km về hướng Tây Bắc. Đà Nẵng còn là trung điểm của 3 di  sản văn hoá thế giới nổi tiếng là Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.  Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng  ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các  nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) với điểm  kết thúc là Cảng biển Tiên Sa. Nằm trên một trong những tuyến đường biển và  đường hàng không quốc tế trọng yếu, thành phố Đà Nẵng có một vị trí địa lý đặc  biệt thuận lợi cho sự phát triển kinh tế biển nhanh chóng và bền vững.  

Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên là 128.543,09 km2, trong đó huyện  đảo Hoàng Sa là 30.500 km2. Về hành chính thành phố có 06 quận là Hải Châu,  Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ; 02 huyện là huyện Hoà Vang và huyện đảo Hoàng Sa với tổng diện tích trên đất liền là 94.261km2.  

Địa hình thành phố Đà Nẵng vừa có đồng bằng vừa có núi, vùng núi cao và  dốc tập trung ở phía Tây và Tây Bắc, từ đây có nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một  số đồi thấp xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp. Địa hình đồi núi chiếm diện tích  lớn, độ cao khoảng từ 700m -1.500m, độ dốc lớn (>40%), là nơi tập trung nhiều  rừng đầu nguồn và có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố. Hệ thống  sông ngòi ngắn và dốc, bắt nguồn từ phía Tây, Tây Bắc và tỉnh Quảng Nam. Đồng  bằng ven biển là vùng đất thấp chịu ảnh hưởng của biển bị nhiễm mặn, là vùng tập  trung nhiều cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quân sự, đất ở và các khu  chức năng của thành phố. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com