Đánh giá các quy định pháp luật BHXH về chế độ thai sản

Đánh giá các quy định của pháp luật BHXH về chế độ thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung năm 2014.

Chế độ thai sản là một chế độ thuộc bảo hiểm xã hội bắt buộc, có vai trò hết sức quan trọng đối với NLĐ, đặc biệt là lao động nữ, NSDLĐ và xã hội nói chung.

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT CHẾ ĐỘ THAI SẢN 

1. Khái niệm chế độ thai sản 

Chế độ thai sản là một trong các chế độ bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo  một phần thu nhập bị giảm và chi phí tăng lên cũng như đảm bảo sức khỏe cho  lao động nữ nói riêng trong quá trình mang thai, sinh con và cho người lao động  nói chung khi nuôi con sơ sinh. 

Chế độ thai sản có đặc trưng là có đối tượng áp dụng chủ yếu là lao động  nữ, mang tính chất ngắn hạn.Chế độ thai sản có mục đích bảo vệ sức khỏe người  lao động và thế hệ tương lai. Trợ cấp trong chế độ này nhằm để bảo vệ và bù đắp  cho người lao động nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con, nuôi con, giúp họ thực  hiện tốt thiên chức của mình, đồng thời có điều kiện chăm sóc con sơ sinh – thế hệ tương lai của đất nước.  

2. Vai trò của chế độ thai sản. 

Thứ nhất, đối với NLĐ: chế độ thai sản bù đắp cho NLĐ một phần thu  nhập bị thiếu hụt trong quá trình thai sản NLĐ phải nghỉ việc, thu nhập mất ổn  định phần nào. Hơn nữa, chế độ thai sản góp phần bảo vệ thiên chức làm mẹ,  làm vợ của người phụ nữ – đối tượng chủ yếu của chế độ, giúp họ yên tâm hơn  về mối lo ngại kinh tế.

Thứ hai, đối với NSDLĐ: chế độ thai sản tạo điều kiện cho NSDLĐ thu  hút NLĐ là nữ, góp phần nâng cao lực lượng lao động, giúp cho hoạt động sản  xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Mặt khác, chế độ thai sản thể hiện trách nhiệm và  nghĩa vụ của NSDLĐ đối với lao động nữ nói riêng và với toàn xã hội nói chung 

Thứ ba, đối với xã hội: Chế độ thai sản được tổ chức và sử dụng quỹ tài  chính tập chung hình thành do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH thể hiện  sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm đối với NLĐ khi nghỉ thai sản,  mang tính nhân văn và góp phần phản ánh, nâng cao trình độ văn hóa cộng đồng. 

II. ĐÁNH GIÁ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CHẾ ĐỘ THAI SẢN

Pháp luật về chế độ thai sản được quy định từ khá lâu thể hiện tại điều  

luật quốc tế (như Công ước số 3, Công ước đầu tiên quy định về bảo hiểm thai  sản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Công ước 102 về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội,…và nhiều Khuyến nghị khác) đến quy định của các quốc gia  khác nhau. Tại Việt Nam, pháp luật về chế độ thai sản được quy định tại Luật  Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong phạm vi tiểu  luận, em xin đánh giá các quy định pháp luật về chế độ thai sản theo quy định  pháp luật Việt Nam hiện hành với các nội dung sau đây.  

1. Đối tượng áp dụng chế độ thai sản 

Điều 2 và Điều 30 Luật BHXH 2014 quy định cụ thể chế độ thai sản được  áp dụng cho 6 đối tượng. Các đối tượng pháp luật đã quy định đa phần là những  NLĐ có thu nhập ổn định, nằm trong các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.  Khi có thu nhập ổn định thì nhu cầu quyền lợi về chế độ thai sản cũng được nâng  cao, đây sẽ là sự đóng góp tương đối ổn định vào quỹ bảo hiểm cũng như thể hiện sự chung tay chia sẻ với những NLĐ khác. 

Quy định Luật BHXH 2014 đã có những thay đổi nhất định để thích ứng  với nhu cầu của NLĐ, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng tham gia. Tuy nhiên,  chế độ ngắn hạn này hiện nay vẫn bó hẹp trong đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong khi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chưa được áp dụng nên số lượng tham gia chế độ thai sản mới chỉ ở mức độ nhất định. 

2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản 

Căn cứ vào Điều 31 Luật BHXH 2014, quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản có thể thấy pháp luật đã mở rộng điều kiện để lao động nữ được  hưởng chế độ thai sản, không chỉ bó hẹp trong các trường hợp thai nghén, sinh  và nuôi con thông thường mà còn có NLĐ nữ mang thai hộ, nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con sơ sinh dưới 06 tháng tuổi. Sự mở rộng này đã kịp thời đáp  ứng yêu cầu thực tiễn đời sống xã hội, góp phần đảm bảo chăm sóc toàn diện  hơn cho NLĐ nữ và trẻ em. 

Lao động nữ sinh con, mang thai hộ, nhận mang thai hộ hoặc nuôi con sơ  sinh dưới 06 tháng hưởng chế độ thai sản phải có điều kiện.NLĐ đã đóng BHXH  từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai cơ sở y tế yêu cầu phải nghỉ việc thì điều  kiện hưởng chế độ thai sản chỉ cần đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời  gian 12 tháng trước khi sinh con. Quy định này thể hiện tính chất công bằng, hạn  chế bất cập rằng NLĐ đã có quá trình đóng BHXH dài nhưng lại không được  hưởng chế độ thai sản. 

Đối với nhóm đối tượng có thời gian thụ hưởng ngắn, không thường  xuyên như lao động nữ đặt vòng tránh thai, lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con,.. pháp luật không quy định điều kiện thời gian đóng BHXH. 

Pháp luật Việt Nam quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản hoàn  toàn phù hợp với các quy định của ILO, thể hiện sự tiến bộ cũng như quan tâm  của nhà nước, chính phủ đối với lực lượng lao động nữ. 

3. Quy định về các chế độ thai sản 

Các chế độ của bảo hiểm thai sản bao gồm thời gian nghỉ hưởng chế độ và  mức hưởng trợ cấp. Tùy vào môi chế độ mà pháp luật quy định riêng về khoảng  thời gian và mức trợ cấp khác nhau:

3.1 Chế độ khám thai 

Điều 32 Luật BHXH quy định Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình  thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai”. Quy định này đã xảy ra  một số bất cập trong thực tế. Đó là đối với những cơ sở y tế nơi đăng ký bảo hiểm  thường xảy ra tình trạng quá tải, dẫn đến NLĐ phải khám ở những nơi khác có  thể mất nhiều thời gian hơn luật quy định, chấp nhận mức dịch vụ cao hơn trong  khi số tiền trợ cấp lại có giới hạn, hạn chế này đối lập với chủ trương và mục  đích mà bảo hiểm y tế nhắm đến cho NLĐ. 

Mức hưởng một ngày trong chế độ này được tính bằng 100% mức bình  quân tiền lương đóng BHXH 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc được chia cho  24 ngày là hợp lý khi thời gian nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần (Luật BHXH  2006 chia cho 26 ngày). 

3.2 Chế độ sẩy thai, nạo. hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Chế độ thai sản này đã tạo điều kiện cho những người mẹ vượt qua sự khó  

khăn về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng tới sức khỏe, cần có thời gian phục hồi  lại. Pháp luật đã dựa trên yếu tố mặt sinh học để quy định thời gian nghỉ tương  ứng: tuổi thai càng lớn thì ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ càng lớn, cần thời gian  phục hồi lâu hơn. Có thể thấy các nhà làm luật rất sáng suốt và có sự tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Mức hưởng của chế độ 01 ngày được tính  bằng 100% mức bình quân tiền lương đóng BHXH 06 tháng liền kề trước khi  nghỉ việc chia cho 30 ngày với thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày  nghỉ hàng tuần. 

So sánh với Luật BHXH 2006, thì Luật BHXH 2014 đã bổ sung thêm  trường hợp hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ phải phá thai bệnh lý và quy định mức thời gian tối đa mà NLĐ được nghỉ. Sự thay đổi này đã thể hiện  tầm nhìn bao quát và phù hợp hơn với thực tế của nhà làm luật. 

3.3 Chế độ sinh con 

Theo quy định tại Điều 34 Luật BHXH 2014, nhìn chung pháp luật đã có  sự thống nhất thời gian nghỉ sinh con đối với tất cả các trường hợp, phù hợp với  thông lệ quốc tế đồng thời đạt được mục đích bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé sơ  sinh. Mặc dù quy định thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi lao động nữ 

sinh con là 06 tháng nhưng pháp luật hiện hành cho phép NLĐ có thể đi làm  trước khi hết thời hạn nghỉ sinh và đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho họ.  Mức hưởng một tháng đối với lao động nữ nghỉ sinh con được tính bằng  100% mức bình quân tiền lương đóng BHXH 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Hơn nữa, họ còn được hưởng trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 02 lần mức  lương cơ sở và dựa trên số con sinh ra. 

Bên cạnh thời gian nghỉ sinh con, Luật BHXH 2014 cũng quy định trường  hợp người mẹ được nghỉ làm sau khi sinh con mà đứa trẻ bị chết tại Khoản 3  Luật này. Khoản 4,5,6 Điều 34 luật BHXH 2014 và Khoản 2 Thông tư  59/2015/TT-BLĐTBXH đã có những quy định chi tiết cho từng tình huống cụ 

thể dự liệu trường hợp mẹ chết sau khi sinh con. Các quy định này đã thể hiện  góc nhìn tiến bộ của nhà làm luật và nhất là thể hiện sự chia sẻ của xã hội với  NLĐ 

Pháp luật hiện hành đã bổ sung thêm quy định trong thời gian vợ sinh con  thì người cha cũng được nghỉ với một thời gian nhất định để có phần trách nhiệm  là một điểm rất tiến bộ. Đó là sự sẻ chia và cũng thể hiện vấn đề bình đẳng giới  trong lĩnh vực này. Luật BHXH 2014 lần đầu tiên đã quy định cho phép lao động  nam nghỉ hưởng chế độ thai sản. Quy định này sẽ giúp những người chồng thấu  hiểu sự vất vả của người vợ khi sinh con, qua đó gắn kết tình cảm gia đình.

3.4 Chế độ đối với NLĐ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

Đây là một chế độ hoàn toàn mới so với Luật trước đó bởi Luật Hôn nhân  

và gia đình 2014 đã ghi nhận và cho phép hình thức mang thai hộ vì mục đích  nhân đạo. Đối với lao động nữ mang thai hộ, chế độ thai sản được áp dụng như  lao động nữ đang đóng BHXH bắt buộc, nếu đáp ứng các điều kiện về thời gian  tham gia BHXH thì được hưởng trợ cấp. Đối với lao động nữ nhờ mang thai hộ 

hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Như vậy, pháp luật quy định về chế định mới này đã tôn trọng và đảm bảo  quyền lợi của NLĐ tham gia vào mối quan hệ này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa  có quy định giới hạn số lần mang thai hộ cũng như việc người cha nhờ mang thai  hộ thì được giải quyết chế độ ra sao. 

3.5 Chế độ nuôi con nuôi sơ sinh 

Điều 36 Luật BHXH quy định Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới  06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06  tháng tuổi”. Như vậy, pháp luật đã thay đổi giới hạn tháng tuổi của con nuôi sơ  sinh khi được nhận nuôi lên đủ 06 tháng thay vì đủ 04 tháng như trước đây. Việc  điều chỉnh lại quy định như vậy thể hiện sự bình đẳng đối với NLĐ đặc biệt là  nhóm người không thể sinh con. Trường hợp này NLĐ được hưởng trợ cấp thai  sản như đối với trường hợp sinh con, nếu cả cha và mẹ đều tham gia BHXH thì  chỉ một trong hai người được hưởng chế độ. 

3.6 Chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai 

Quy định pháp luật tại Điều 37 Luật BHXH 2014 vẫn giữ nguyên chế độ khi NLĐ thực hiện các biện pháp tránh thai. Trước đây, khi NLĐ thực hiện các  biện pháp tránh thai thì chỉ được hưởng mức trợ cấp theo chế độ ốm đau (thấp  hơn chế độ thai sản) trong khi sử dụng các biện pháp này ảnh hưởng rất lớn đến  tâm lý và sức khỏe của NLĐ. Chính vì vậy, sự thay đổi quan điểm của các nhà  làm luật minh chứng thấy sự thấu hiểu, hỗ trợ và sự công bằng cho NLĐ.

3.7 Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 

Nhận thấy việc NLĐ sau thời gian hưởng chế độ thai sản còn nhiều trường  hợp chưa phục hồi sức khỏe như sinh đôi, sinh ba, phải phẫu thuật hoặc mắc các  bệnh lý nền cần phải có thêm thời gian. Điều 41 Luật BHXH 2014 quy định thời  gian nghỉ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết  định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do  người sử dụng lao động quyết định. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức  khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Tuy nhiên hiện nay vẫn  chưa có quy định trường hợp nghỉ dưỡng sức tại nhà hay tại cơ sở tập trung.  Việc định hướng quy định này nhằm hệ thống hóa các hình thức nghỉ dưỡng sức  cũng như tránh việc NLĐ gian dối trong quá trình chữa trị. 

4. Thủ tục thực hiện chế độ thai sản 

NLĐ phải thực hiện đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH  2014, được hướng dẫn cụ thể trong quyết định số 636/2016/QĐ-BHXH về việc  ban hành quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH. 

Nhìn chung, thủ tục để hưởng chế độ thai sản khá đầy đủ và chi tiết, cụ thể đối với từng trường hợp. Việc quy định như vậy nhằm tạo hành lang pháp lý  chặt chẽ cho NLĐ, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan bảo hiểm, các cơ quan  khác có thẩm quyền đều phải thực hiện đúng chức trách trong việc cung cấp hồ sơ và chi trả chế độ. 

III. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHẾ ĐỘ THAI SẢN 

1. Thực trạng thực hiện pháp luật về chế độ ốm đau 

Chế độ thai sản thuộc hệ thống các chế độ BHXH và là một trong những  chế độ được hình thành và phát triển sớm nhất ở nước ta. Từ khi được triển khai  thực hiện chế độ thai sản trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp  phần hỗ trợ cho rất nhiều phụ nữ tham gia lao động, hưởng trợ cấp thai sản. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc đặc biệt trong tình hình dịch bệnh  Covid-19 như hiện nay: 

Ưu điểm: 

Theo số liệu thống kê hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Trong 4  tháng đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới chế độ ốm đau,  thai sản cho gần 3 triệu người. Công tác quản lý chi trả BHXH (ốm đau, thai  sản…) và quản lý người hưởng các chế độ BHXH trong thời gian qua luôn được  ngành BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nhiều biện pháp quản lý được tăng  cường như ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp đồng bộ, hiệu quả của cấp  ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện tốt công tác chi trả các  chế độ BHXH kịp thời, đến đúng người thụ hưởng chế độ; góp phần củng cố niềm tin của người thụ hưởng đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng,  Nhà nước. 

Thủ tục chế độ thai sản được đơn giản hóa, thực hiện đúng quy định của  pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng. Nghị  quyết số 125/NQ-CP ngày 29/11/2017 quy định đơn giản hóa thủ tục “Giải quyết  hưởng chế độ thai sản”: Cụ thể, bỏ thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a,  điểm b khoản 1 Điều 101 Luật BHXH năm 2014. 

Về chi trả trợ cấp thai sản: nhìn chung số lượt trợ cấp thai sản có chiều  hướng tăng qua các năm. Nghị định 38/2019/NĐ-CP với mức lương cơ sở được  điều chỉnh lên 1.490.000 đồng/ tháng nên tiền trợ cấp thai sản cũng tăng theo.  Điều này phù hợp với thực tiễn, giúp ổn định cuộc sống của đối tượng tham gia  trong lúc thu nhập bất ổn. 

Hạn chế: 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong thời gian gần đây, qua công tác  quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện có tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cấp chứng từ hưởng BHXH  không đúng quy định cho NLĐ để thanh toán chế độ BHXH, có trường hợp trục  lợi chính sách, vi phạm các quy định của pháp luật về chính sách an sinh xã hội. Biểu hiện: Cấp giấy chứng sinh, giấy khai sinh không đúng thời gian thực tế sự việc phát sinh; số lượng GCN được cấp lớn trong thời gian ngắn; số ngày được  nghỉ trên 1 GCN nhiều bất thường; cấp GCN không đúng tình trạng mang  thai…; số GCN do một bác sĩ cấp/một ngày rất lớn, vượt xa số lượt khám tối đa  cho phép đối với một bàn khám (một bác sĩ) và một số biểu hiện bất thường  khác. Sau đó, NLĐ nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động đề nghị cơ quan  BHXH thanh toán chế độ thai sản. Ngày 1/6, BHXH Việt Nam đã ban hành  Công văn số 1511/BHXH-CSXH gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc  Trung ương về việc chấn chỉnh công tác quản lý, xét duyệt hưởng chế độ ốm  đau, thai sản 1 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cho cả thế giới chao đảo, ngày  17/3/2020, BHXH Việt Nam bàn hành Công văn 860/BHXH-BT hướng dẫn tạm  dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.  Những đối tượng này vẫn sẽ phải đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai  sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ BHYT và BHTN. Vì vậy,  quyền lợi của NLĐ về chế độ thai sản vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên một số  trường hợp NLĐ nghỉ việc trong khoảng thời gian bùng phát covid-19 nếu thỏa  thuận nghỉ không lương, NLĐ không đóng BHXH có thể ảnh hưởng đến điều  kiện hưởng chế độ thai sản. Như vậy, BHXH Việt Nam càng cần phải quyết liệt  trong công tác hoạt động, bổ sung các quy định ngắn hạn để đảm bảo quyền lợi  chính đáng cho NLĐ. 

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế độ thai sản 

Thứ nhất, cần mở rộng phạm vi các đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm  thai sản nhằm hướng tới việc bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của người lao động  trong xã hội. Nhà nước cần mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo  đó, trước hết cần mở rộng thêm chế độ thai sản trong hình thức bảo hiểm xã hội  tự nguyện và nhiều mức phí đóng bảo hiểm khác nhau để đảm bảo cho những lao  động nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, với mức thu nhập khác nhau có thể tham gia và hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật. 

Thứ hai, cần xem xét việc tăng thời gian hưởng chế độ khi khám thai hoặc  tăng mức hưởng trợ cấp cho NLĐ khi khám thai. Theo quy định hiện hành, thời  gian khám thai là không đủ so với thực tế thời gian mà người lao động phải bỏ ra. Việc kéo dài thời gian nghỉ khám thai sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho  NLĐ. 

Thứ ba, nghiên cứu và bổ sung thêm các quy định đối với trường hợp  mang thai hộ. Đây là chế độ còn rất mới và khá sơ sài, đang trong quá trình hoàn  thiện quy định pháp luật. Cần quy định thêm về việc giới hạn số lần mang thai  hộ đối với người mẹ mang thai hộ; giới hạn số con sinh ra từ người mẹ mang thai  hộ; trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng vi phạm chính sách  dân số (như lựa chọn giới tính cho thai nhi). 

Trên đây là những phân tích và đánh giá quy định pháp luật về chế độ thai  sản, có thể thấy một cái nhìn toàn diện về chế độ này đã mang nhiều điểm tiến  bộ, song vẫn cần phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho  đối tượng tham gia. Đây là yêu cầu đặt ra đối với các nhà lập pháp để đảm bảo tính khả thi, minh bạch của pháp luật!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Văn bản hợp nhất Luật Bảo hiểm xã hội 2014; 

2. Luật Bảo hiểm xã hội 2006; 

3. Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo  hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; 

4. Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ,  công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; 

5. Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi  hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt  buộc; 

6. Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 29/11/2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc  phạm vi chức năng quản lý của BHXH Việt Nam; 

7. Quyết định 636/QĐ-BHXH về việc ban hành quy định về hồ sơ và quy  trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; 

8. Công văn 1511/BHXH-CSXH về việc chấn chỉnh công tác quản lý, xét  duyệt hưởng chế độ ốm đau, thai sản của BHXH Việt Nam ngày  01/6/2021; 

9. Hoàng Thúy Hà (2017). “Pháp luật về bảo hiểm thai sản và thực tiễn  thực hiện tại quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội”, Luận văn thạc sĩ  Luật học – Trường Đại học Luật Hà Nội; 

10. Mai Nguyễn Ngọc Huyền (2020), “Pháp luật về bảo hiểm thai sản và  thực tiễn áp dụng tại tỉnh Sơn La”, Luận văn thạc sĩ Luật học – Trường  Đại học Luật Hà Nội;

11. Nguyễn Hồng Sóng (2020), “Pháp luật về bảo hiểm thai sản và thực  tiễn áp dụng tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên”, Luận văn thạc  sĩ Luật học – Trường Đại học Luật Hà Nội;

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com