Tôi là hộ gia đình có bán hàng nguyên liệu cho một công ty thực phẩm để họ đóng gói và bán ra thị trường, khoảng 1 năm trước công ty này bắt đầu có dấu hiệu nợ đọng mấy tháng mới thanh toán, tới gần đây thì họ tuyên bố phá sản trong khi vẫn còn nợ gia đình tôi hơn 60 triệu đồng, vậy cho tôi hỏi giờ họ phá sản thì chúng tôi có thể đòi tiền ai, thủ kho là người ký nhập kho cho tôi, thủ quỹ ký giấy nợ cho tôi, giám đốc thì không ký, rất mong nhận được hướng dẫn của Luật sư.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, với thắc mắc của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Cơ sở pháp luật liên quan đến việc công ty phá sản:
– Luật phá sản 2014
Luật sư tư vấn:
Vì bạn không đề cập rõ là việc công ty phá sản này đã có quyết định tuyên bó phá sản của Toà án chưa. Nên chúng tôi xin phép giả sử công ty mà bạn nêu trong trường hợp trên tuyên bố phá sản khi đã có quyết định của Toà án.
Trước hết, vì số hàng của bạn đã được thủ kho ký giấy nhận hàng, thủ quỹ ký giấy nợ nên giấy nợ này là hợp pháp. Song với đó, giấy nợ này được lập trước thời điểm công ty tuyên bố phá sảnn. Do đó, bạn có quyền yêu cầu công ty này trả nợ cho bạn. Mà theo Điều 66 Luật phá sản năm 2014 thì:
“Điều 66. Gửi giấy đòi nợ
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
2. Giấy đòi nợ phải có các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ;
b) Tổng số nợ phải trả, bao gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán; số nợ chưa đến hạn; số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm; số nợ không có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải trả; khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).
3. Kèm theo giấy đòi nợ là tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.
4. Trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.”
Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Toà án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản thì bạn cần gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, nếu hết thời hạn này mà bạn không gửi giấy thì sẽ coi như từ bỏ quyền đòi nợ.
Thứ hai, việc vay nợ giữa hộ gia đình và công ty là khoản vay không có bảo đảm nên việc việc trả nợ sẽ được thực hiện như sau:
Về thứ tự trả nợ sẽ được thực hiện theo Khoản 1 Điều 54 Luật phá sản năm 2014:
“1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
“a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.”
Như vậy, bạn sẽ nằm trong nhóm thứ tự số 3 tức tài sản công ty sau khi trả phí phá sản, các khoản tiền lương, trợ cấp,…. cho người lao đồng xong thì sẽ đến lượt của bạn.
Trong trường hợp, tài sản công ty không còn lại gì hoặc còn nhưng sau khi thực hiện việc thanh toán phí phá sản, khoản nợ lương,…. ở Điểm a, b Khoản 1 Điều 54 Luật phá sản 2014 thì tài sản công ty hết ,thì rất tiếc trong trường hợp này bạn sẽ rất khó để đòi lại khoản nợ. Vì khi công ty phá sản thì sẽ không có bất kỳ ai đứng ra làm đại diện để trả nợ và như vậy, bạn sẽ không thể tìm đến chủ thể nào để yêu cầu thanh toán số nợ.