Vi phạm điều cấm của luật hôn nhân gia đình, thực hiện nghĩa vụ tài sản của vợ chồng

Vi phạm điều cấm của luật hôn nhân gia đình, thực hiện nghĩa vụ tài sản của vợ chồng

Một cô gái đã có chồng con, do bất mãn gia đình chồng nên cô đưa con về nhà mẹ. Cô yêu cầu ly hôn nhiều lần nhưng chồng không đồng ý. Cô đi làm ở xa, có quen biết một người con trai, nên người chồng làm đơn kiện việc vợ ngoại tình. Trước khi cô gái bỏ đi, gia đình chồng làm ăn thua lỗ 20 triệu, nay lên đến 100 triệu. Người chồng bắt cô gái chịu 50% món nợ này. Hỏi sự việc này theo luật giải quyết như thế nào?

Gửi bởi: Nguyễn Quang Thịnh

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về việc người chồng khởi kiện vợ ngoại tình

Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình cấm các hành vi sau đây:

Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

– Yêu sách của cải trong kết hôn;

– Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

– Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

– Bạo lực gia đình;

– Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Theo quy định nêu trên, nếu người vợ chỉ quen biết với người con trai khác thì hành vi đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Nếu người vợ chung sống với người con trai khác thì hành vi đó đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình như nêu trên. Người chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó. Nếu có hành vi vi phạm nêu trên, người vợ có thể bị:

(i) Xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng);

(ii) Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của nhà chồng

Theo thông tin bạn cung cấp, nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ của nhà chồng cô gái nên cô gái không phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, để chắc chắn về quyền, nghĩa vụ của cô gái đối với khoản nợ này, bạn có thể tìm hiểu về quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ chung và nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng và như sau:

* Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình): Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

* Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng (Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình): Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

– Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com