Tố cáo Giám đốc Ngân hàng chi nhánh tỉnh thì tố cáo đến đâu?

Câu hỏi của khách hàng: Tố cáo Giám đốc Ngân hàng chi nhánh tỉnh thì tố cáo đến đâu?

Xin các anh chị tư vấn giúp em về luật Ngân hàng. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh là người ký kết luận thanh tra của một Tổ chức tín dụng, xong kết luận không theo kiến nghị của Đoàn thanh tra và không xử lý vi phạm của Tổ chức tín dụng đó. Kết luận cũng không được công bố công khai mà chỉ công bố với chủ tịch Hội đồng Quản trị thì như thế có đúng với luật pháp quy định không ạ.? Có dấu hiệu bao che từ giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thì tố cáo đến các cơ quan chức năng nào để được giải quyết ạ?


Luật sư Tư vấn Pháp luật Ngân hàng và Luật Thanh tra – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 06/03/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tố cáo Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh thì tố cáo đến đâu?

  • Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010;
  • Nghị định số 86/2011/NĐ-CP;
  • Luật Thanh tra năm 2010;
  • Luật Tố cáo năm 2018;

3./ Luật sư trả lời Tố cáo Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh thì tố cáo đến đâu? 

Bạn đang muốn hỏi về việc giám đốc Ngân hàng Nhà nước là người ký kết luận thanh tra của một Tổ chức tín dụng, xong kết luận không theo kiến nghị của Đoàn thanh tra và không xử lý vi phạm của Tổ chức tín dụng đó. Kết luận cũng không được công bố công khai mà chỉ công bố với chủ tịch Hội đồng Quản trị. Bạn thắc mắc về việc giám đốc ngân hàng Nhà nước làm như vậy là đúng hay sai? Và nếu sai, bạn muốn tố cáo vị giám đốc này thì phải tố cáo tại cơ quan nào. Với những câu hỏi này, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc giám đốc Ngân hàng Nhà nước không công khai kết luận thanh tra.

Theo Điều 50 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, thanh tra ngân hàng là hoạt động nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Hoạt động thanh tra ngân hàng là một hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước. Do đó, hoạt độn này chịu sự điều chỉnh của Luật Thanh tra năm 2010.

Điều 8 Luật Thanh tra năm 2010 quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước. Quy định này được hướng dẫn bởi Điều 4 và Chương 7 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP, cụ thể Điều 4 quy định như sau:

“Điều 4. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra

Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác đối với hoạt động thanh tra; chỉ đạo xử lý, thực hiện các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.”

Quy định trên cho thấy, việc giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ký kết luận thanh tra và không theo kiến nghị của Đoàn Thanh tra là vi phạm quy định pháp luật về thanh tra. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đóng vai trò là Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nên người này có trách nhiệm chỉ đạo xử lý, thực hiện các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Điều 13 Luật Thanh tra năm 2010 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó Khoản 3 có quy định nghiêm cấm:

3. Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.”

Như vậy, nếu phía tổ chức tín dụng thực sự có vi phạm pháp luật thì giám đốc Ngân hàng nhà nước cấp tỉnh phải ra kết luận thanh tra theo đúng sự thật và có biện pháp xử lý thích đáng. Nếu giám đốc Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh có vi phạm như vậy thì tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật với lỗi cố ý kết luận sai sự thật, quyết định, xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 3 Điều 76 Nghị định số Nghị định số 86/2011/NĐ-CP.

Công khai kết luận thanh tra được quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 và được hướng dẫn bởi Điều 46 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP. Theo quy định này, kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận thuộc bí mật nhà nước. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật ngân hàng hiện tại chưa có quy định nào về việc bắt buộc phải công khai kết luận thanh tra. Vì vậy, do hoạt động ngân hàng là hoạt động mang tính đặc thù nên trên thực tế không phải kết luận thanh tra nào cũng có thể công khai.

Thứ hai, về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo.

Khi nhận thấy giám đốc Ngân hàng có những sai phạm kể trên, bạn có thể tiến hành thủ tục tố cáo theo quy định tại Luật Tố cáo năm 2018.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật Tố cáo năm 2018, “tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.”

Theo quy định này, khi bạn muốn tố cáo giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thì trường hợp tố cáo của bạn là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyền, trong đó Khoản 1 có quy định về xác định thẩm quyền đối với trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cơ quan do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó giải quyết. Cơ quan cấp trên trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tố cáo của bạn trong trường hợp này là  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 để tiến hành tố cáo, bạn có thể lựa chọn một trong hai hình thức là làm đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp. Trường hợp bạn làm đơn tố cáo, đơn tố cáo phải bao gồm các nội dung được quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 . Trường hợp bạn đến tố cáo trực tiếp thì phải tuân theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018.

Sau khi tiếp nhận yêu cầu tố cáo của bạn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Như vậy, hành vi của giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh như vậy là vi phạm quy định pháp luật về thanh tra. Vì vậy, bạn có thể tiến hành tố cáo những sai phạm này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com