Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Bạn em có mua 04 chiếc xe máy là tài sản do người khác trộm cắp mà có. Hiện bạn em đã bị công an giam giữ. Cho em hỏi:

1. Bạn em sẽ bị xử phạt như thế nào? Bạn em sinh năm 1993 là nam giới, chưa từng có tiền án tiền sự và đã tự ý giao nộp 4 chiếc xe đó cho cơ quan công an.

2. Làm thế nào để bảo lãnh cho bạn em được tại ngoại?

Gửi bởi: Hoàng Thị Huyền Trang

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Xác định hành vi phạm tội

Bộ luật hình sự có quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tại Điều 250 như sau:

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 250 thì nếu bạn của bạn biết rõ số tài sản đó là do trộm cắp mà vẫn mua bán và việc mua bán này không có sự hứa hẹn trước thì hành vi của bạn đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự. Ngược lại, nếu bạn biết số lượng tài sản trên do người khác trộm cắp mà có và có sự hứa hẹn trước sẽ tiêu thụ và sử dụng hàng hóa hoặc tài sản trộm cắp nhằm củng cố thêm hành vi cho người thực hiện hành vi trộm cắp thì hành vi của bạn sẽ được xác định là hành vi đồng phạm với vai trò là người giúp sức và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật hình sự.

2. Về việc tại ngoại

Điều 93 của Bộ luật tố tụng hình sự quy định về đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm như sau:

“1. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

5. Trình tự, thủ tục, mức tiền hoặc giá trị tài sản phải đặt để bảo đảm, việc tạm giữ, hoàn trả, không hoàn trả số tiền hoặc tài sản đã đặt được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Về điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch số 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm khi có đủ các điều kiện sau đây: (1) Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; (2) Bị can, bị cáo có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo quy định. Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần mà không có hoặc không đủ tiền để đặt bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp của họ; (3) Có căn cứ xác định, sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và không tiêu huỷ, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử; (4) Việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; (5) Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3.

Khoản 2 Điều 3 quy định không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; (2) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; (3) Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; phạm tội rất nghiêm trọng thuộc loại tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản; (4) Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; (5) Bị can, bị cáo là người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; (6) Bị can, bị cáo là người nghiện ma tuý; (7) Bị can, bị cáo là người tổ chức trong trường hợp phạm tội có tổ chức; (8) Hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.

Trường hợp bạn của bạn, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 3 và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 17 thì sẽ được xem xét để áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm được thực hiện theo quy định tại Chương II của Thông tư liên tịch số 17. Theo đó, khi xét thấy bị can, bị cáo có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án gửi Thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm cho họ thông qua cơ sở giam giữ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được Thông báo, nếu có nguyện vọng xin được đặt tiền để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam thì bị can, bị cáo phải hoàn chỉnh đơn và giấy uỷ quyền (đối với người đã thành niên) và gửi cho cơ quan đã thông báo thông qua cơ sở giam giữ để chuyển cho cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án. Trường hợp khi thấy có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đề nghị bằng văn bản với cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án về việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét, nếu thấy có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì gửi cho bị can, bị cáo các mẫu văn bản theo hướng dẫn tại Điều 7 của Thông tư liên tịch này để làm thủ tục đề nghị được đặt tiền để bảo đảm. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết trong đó nêu rõ lý do.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn về việc đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật tố tụng hình sự

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com