Thực trạng quy định và áp dụng Bộ luật Hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính – Những vấn đề cần được sửa đổi

Thực trạng quy định và áp dụng Bộ luật Hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính – Những vấn đề cần được sửa đổi

30/10/2015

Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 đóng vai trò quan trọng. Bộ luật Hình sự không chỉ là văn bản duy nhất quy định về tội phạm và hình phạt mà còn là cơ sở pháp lý để Tòa án xét xử và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chế độ, bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, mặc dù tình hình tội phạm có sự gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất và hành vi song hầu hết các tội phạm xảy ra đều đã được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người đúng tội và đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự đang nổi lên những vấn đề mà bản thân Bộ luật Hình sự chưa theo kịp với thực tiễn, gây khó khăn, lúng túng cho công tác truy tố và xét xử tội phạm trong đó có các tội phạm trong lĩnh vực tài chính. Bài viết này xin được chỉ ra thực trạng các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực tài chính, thực tiễn áp dụng và ý kiến, quan điểm của cá nhân về sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Bộ luật Hình sự phần quy định về tội phạm tài chính.

1. Thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về tội phạm tài chính

Trong phần các tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tại chương XVI với 29 tội (từ Điều 133 đến Điều 181). Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã thay đổi tên gọi các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là các tội xâm phạm trật tự với 35 tội (từ Điều 153 đến Điều 181c). Như vậy, các tội phạm tài chính được quy định trong các tội xâm phạm trật tự và trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số điều sau đây:

Sửa Điều 161 quy định về tội trốn thuế, nâng mức định lượng của tội trốn thuế cho phù hợp với thực tiễn. Bổ sung 6 tội mới xâm phạm về trật tự, trong đó có 5 tội về lĩnh vực tài chính – kế toán: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a); tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164b); tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b); tội thao túng giá chứng khoán (Điều181c).

Như vậy, với việc sửa đổi và bổ sung các tội trong lĩnh vực tài chính đã làm nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đấu tranh, xét xử các tội phạm trong lĩnh vực này. Vì một trong những nguyên tắc cơ bản để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người pham tội là: “Chỉ người nào phạm tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 2). Do vậy, cơ sở để xác định và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong lĩnh vực tài chính phải được Bộ luật Hình sự luật hóa. Tuy nhiên, với phạm vi sửa đổi, bổ sung hẹp nên Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa bao quát hết các tội phạm, các tình tiết, các dấu hiệu và đặc biệt có nhiều tội phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực tài chính với tính chất mức độ ngày càng đa dạng phức tạp, thủ đoạn tinh vi đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đây là một trong những vướng mắc, thách thức lớn cho công tác phòng, chống và xử lý tội phạm trong lĩnh vực tài chính trong bối cảnh hệ thống pháp luật hình sự hiện hành chưa theo kịp, chưa có những thay đổi thích ứng và các hành vi phạm tội mới trong giai đoạn hiện nay chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự, trong đó có nhiều hành vi đặc biệt nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng như: Các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ trái phép; các hành vi thao túng ngân hàng thương mại, hành vi mua bán khống chứng khoán; gian lận hoàn thuế xuất nhập khẩu thông qua việc chuyển giá, trốn thuế trong việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa, gian lận thuế trong kinh doanh tư vấn pháp luật; gian lận trong định giá tài sản; sử dụng công nghệ cao rút tiền từ ngân hàng, rút tiền từ máy rút tiền ATM…

2. Về thực tiễn xét xử các tội phạm trong lĩnh vực tài chính

Quá trình xét xử cho thấy, từ năm 2010 đến nay số vụ án về kinh tế, đặc biệt là các vụ án trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có chiều hướng gia tăng về số lượng, tinh vi về thủ đoạn, gây hậu quả rất nghiêm trọng và thiệt hại lớn cho xã hội. Hầu hết các vụ án này đều có tổ chức với sự tham gia, tiếp tay của cán bộ nhân viên trong ngành tài chính, ngân hàng. Theo báo cáo của ngành Tòa án, năm 2010, đã thụ lý 963 vụ án kinh tế với 1.969 bị cáo, đã giải quyết 925 vụ với 1.876 bị cáo và đưa ra xét xử 803 vụ với 1.465 bị cáo. Năm 2011 đã thụ lý 965 vụ án kinh tế với 1.797 bị cáo, đưa vào giải quyết 933 vụ với 1.718 bị cáo và đã xét xử 845 vụ với 1.422 bị cáo. Chỉ riêng từ tháng 01/2012 đến tháng 7/2012, đã khởi tố 163 vụ với 275 bị can về tội tham nhũng, trong đó tham ô tài sản 59 vụ với 97 bị can, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 22 vụ với 34 bị can[1]. Trong các vụ án về kinh tế được giải quyết và đưa ra xét xử có nhiều vụ án về tài chính ngân hàng (tuy nhiên trong quá trình xét xử không tách riêng tội phạm về tài chính mà gọi chung là tội phạm về kinh tế).

Qua tổng kết công tác xét xử tội phạm về tài chính, ngân hàng cho thấy các tội phạm trong lĩnh vực này có 2 nhóm đối tượng vi phạm: Nhóm đối tượng là cán bộ của ngành và nhóm đối tượng ngoài ngành có sự móc nối với cán bộ trong ngành để phạm tội. Về hành vi có 2 dạng: Dạng thứ nhất cố ý, chủ động phạm tội và dạng thứ hai là do bị lôi kéo, mua chuộc dẫn đến phạm tội. Đối với nhóm đối tượng ngoài ngành hành vi chủ yếu là lừa đảo, thông đồng, cấu kết, có sự tiếp tay của cán bộ để lập hồ sơ, chứng từ giả mạo, chứng từ khống để tham ô, chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc lợi dụng sơ hở trong quản lý của các cơ quan tổ chức để phạm tội như tội làm giả thẻ tín dụng để rút tiền, đột nhập vào mạng ngân hàng, ăn cắp mật khẩu, đầu tư tài chính qua mạng… Trong quá trình xét xử phần lớn các tội phạm về tài chính được xét xử về các tội như: Lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, tội thiếu tinh thần trách nhiệm…Những tội phạm nàyđã gây thiệt hại cho xã hội với con số khổng lồ hàng nghìn tỷ đồng nhưng cũng chỉ áp dụng được hình phạt là tù đối với nhân thân người phạm tội, còn thiệt hại Nhà nước, cá nhân, tổ chức phải gánh chịu vì không có khả năng thu hồi hoặc con số thu hồi được cũng chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với con số thiệt hại gây ra.

Mặt khác, mỗi một tội phạm điều có các dấu hiệu, cấu thành và tình tiết khác nhau, do vậy nếu quy các tội phạm trong lĩnh vực tài chính xét xử như các tội lừa đảo, tham ô, tham nhũng… sẽ làm mất đi bản chất của các tội trong lĩnh vực tài chính và nguy cơ bỏ sót tội phạm, bỏ sót người phạm tội, công tác đấu tranh phòng chống và giải quyết tội phạm trong lĩnh vực này sẽ trở nên khó khăn phức tạp.

Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, sự gia tăng, xuất hiện các tội phạm mới trong lĩnh vực tài chính và qua thực tiễn xét xử tội phạm này thời gian qua đã và đang đặt ra vấn đề phải có một Bộ luật Hình sự hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát hết các tội phạm đặc biệt là các tội phạm trong lĩnh vực tài chính nhằm bảo đảm trật tự, an toàn cho nền tài chính trong tình hình mới. Do vậy việc sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, toàn diện với phạm vi rộng Bộ luật Hình sự hiện hành là vấn đề cấp thiết và luôn mang tính thời sự. Với quan điểm cá nhân, tôi xin được mạnh dạn đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự với các tội phạm về tài chính sau đây:

Thứ nhất, cần phân định rõ ràng ranh giới giữa tội phạm và vi phạm pháp luật khác nhất là vi phạm pháp luật hành chính theo nguyên tắc không hình sự hóa tất cả các vi phạm pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu này, cần phải xác định rõ các dấu hiệu, các tình tiết và đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, một số hành vi vi phạm pháp luật cần được định lượng cụ thể. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật tài chính nếu đủ các dấu hiệu, các yếu tố cấu thành tội phạm thì kiên quyết phải được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, quy định thành một chương độc lập các tội phạm về kinh tế và chia ra thành các nhóm tội như: Các tội xâm phạm trật quản lý kinh tế; các tội trong lĩnh vực tài chính, kế toán.

Thứ ba, bổ sung thêm các tình tiết, mở rộng dấu hiệu của một số tội về tài chính đã quy định trong Bộ luật Hình sự ví dụ như: Tội trốn thuế nên quy định thêm tình tiết của hành vi tạm nhập, tái xuất, hành vi chuyển giá… vì động cơ, mục đích của các hành vi này là nhằm trốn thuế. Hoặc tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng cần bổ sung các quy định định lượng để xác định hậu quả nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của tội này. Hay tội cho vay nặng lãi cũng cần bổ sung theo hướng mở rộng thêm các tình tiết, các dấu hiệu và định lượng cụ thể để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hoạt động tín dụng đen hiện nay.

Thứ tư, bổ sung các tội phạm mới trong lĩnh vực tài chính, kế toán thành nhóm tội bao gồm: Tội in, sử dụng hóa đơn chứng từ kế toán giả mạo, tội mua bán khống chứng khoán, tội thao túng ngân hàng, tội gian lận trong định giá tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, tội chiếm đoạt tiền thuế, tội cố ý làm sai lệch báo cáo kiểm toán, tội làm thẻ tín dụng giả.

Thứ năm, các nước trên thế giới đều quy định trách nhiệm hình sự đối với tổ chức là pháp nhân. Ở Việt Nam, theo thống kê hiện nay, có khoảng 600.000 doanh nghiệp, ngoài ra còn có các ngân hàng thương mại, các Hợp tác xã. Các tổ chức kinh tế này được xác nhận có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Một thực tế cho thấy, các tội phạm trong lĩnh vực tài chính xảy ra đều có liên quan và bắt nguồn từ hoạt động của các tổ chức kinh tế. Nhưng Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, chính điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan điều tra, xét xử khi hầu hết các vụ án về tài chính đều có liên quan đến pháp nhân là các ngân hàng, các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp. Do vậy, cần phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự làm căn cứ để truy cứu và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Tuy nhiên, để áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cần phân định và tách biệt rõ ràng hành vi phạm tội của cá nhân và pháp nhân.

Thứ sáu,một vấn đề quan trọng là phải kiên quyết xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có đủ các dấu hiệu, các yếu tố cấu thành tội phạm tài chính và để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan: Cơ quan Điều tra, cơ quan Kiểm sát và cơ quan Xét xử. Vì khi Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thì việc áp dụng Bộ luật Hình sự chỉ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình tố tụng. Do vậy, một vụ án trong lĩnh vực tài chính có được đưa ra xét xử hay không, xét xử như thế nào là bài toán chỉ có thể tìm ra đáp số ở hiệu lực, hiệu quả của hoạt động điều tra, kiểm sát và xét xử.

TS. Hoàng Thị Giang

Học viện Tài chính



[1] Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com