Thực tiễn công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài có khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Thực tiễn công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài có khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

14/12/2015

Những năm qua công tác thi hành án dân sự đã có những tiến bộ rõ rệt, kết quả thi hành án dân sự có xu hướng ngày càng bền vững, qua đó, đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của đất nước và từng địa phương. Năm 2015, Chính phủ, Bộ Tư pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo thi hành án xong đạt trên 88% về việc và trên 77% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành, tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với những vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, những vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3%[1].

Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự nêu trên, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã tập trung giải quyết án các việc thi hành án dân sự trọng điểm, phức tạp, kéo dài đặc biệt là các vụ việc có khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

1. Quy định về các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài

Ngày 01/12/2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ký Quyết định số 813/QĐ-TCTHADS ban hành quy định tạm thời về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm[2]. Quy định này tạo cơ sở pháp lý và đặt nền tảng cho các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương căn cứ tiêu chí xác định vụ việc đã được ban hành để rà soát, lập danh sách việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài. Đồng thời với việc ban hành tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, lập danh sách và xây dựng kế hoạch, tập chung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc này.

2. Công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, phức tạp, kéo dài về thi hành án dân sự

Để giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, phức tạp, kéo dài về thi hành án dân sự, góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp giao, ngày 27/01/2015 Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Quyết định số 74/QĐ-TCTHADS phê duyệt Kế hoạch chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài của toàn hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự. Mục đích của kế hoạch là Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung kiểm tra, rà soát, tổng hợp, phấn đấu chỉ đạo giải quyết cơ bản dứt điểm 100% các vụ việc thuộc diện án trọng điểm phức tạp, kéo dài; hạn chế tối đa phát sinh mới loại việc trên, góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc giải quyết và chỉ đạo giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài.Kế hoạch đã đặt ra 02 yêu cầu: Một là, kế hoạch phải khả thi, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng và hiệu quả. Nội dung Kế hoạch cần phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; Hai là, trong quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Tổng cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ, ngành có liên quan, UBND các cấp, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất biện pháp giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Nội dung của kế hoạch đã phân công rõ trách nhiệm của Tổng cục[3] và trách nhiệm của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương[4] trong việc chỉ đạo, giải quyết các vụ việc trọng đểm, phức tạp, kéo dài. Kế hoạch trên được triển khai thực hiện trong toàn hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công bảo đảm hiệu quả, chất lượng. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo Tổng cục trưởng xem xét, chỉ đạo.

3. Kết quả rà soát

Thực hiện Kế hoạch chỉ đạo, giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài ban hành kèm theo Quyết định số 74/QĐ-TCTHADS ngày 27/01/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nêu trên, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, các cơ quan chuyên môn thuộc Tổng cục thực hiện xây dựng kế hoạch, rà soát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các việc thuộc loại này. Trung tâm Thống kê, quản lý dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin đã xây dựng biểu mẫu thống kê, quản lý dữ liệu liên quan đến các vụ việc này. Kết quả rà soát, chỉ đạo giải quyết năm 2015 được tổng hợp như sau:

Tại Tổng cục có 48 vụ việc (trong đó, cũ chuyển sang: 45 việc; phát sinh: 03 việc). Kết quả giải quyết xong: 13 việc; số việc chuyển kỳ sau: 35 việc.

Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là 3.688 vụ việc tương ứng với số tiền còn phải thi hành án là 267.149.700.866.000đ[5].

Đáng chú ý là năm 2015, một số vụ án lớn, phức tạp đã được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo giải quyết xong, cụ thể là:

– Vụông Trần Kia và Công ty Duyên HảiBạc Liêu:Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất đối với Công ty Duyên Hải Bạc Liêu và đã đưa ra bán đấu giá Quyền sử dụng đất thuê của Công ty Duyên Hải Bạc Liêu với giá 30 tỷ đồng. Được sự nhất trí của UBND tỉnh, ngày 14/9/2015 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu đã chi số tiền 30 tỷ đồng cho Công ty Cadovimex. Số còn lại, do Công ty Duyên hải Bạc Liêu không còn tài sản nên Công ty Cadovimex đồng ý xếp vào diện không có điều kiện thi hành.

– Vụ bà Đinh Ngân Bình (Bình Dương): Mặc dù việc thi hành án nhận người lao động trở lại làm việc gặp rất nhiều khó khăn do Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam không có thiện chí, không tự nguyện thi hành. Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo sát sao của BCĐ Thi hành án dân sự tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng cục THADS nên ngày 16/7/2015, dưới sự chứng kiến của cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát và các cơ quan có liên quan, Công ty đã nhận bà Bình trở lại làm việc, đồng thời chuyển số tiền hơn 900 triệu đồng (tiền công lao động trong thời gian chưa nhận người lao động trở lại làm việc) vào tài khoản của bà Đinh Ngân Bình. Bà Đinh Ngân Bình đã nhận đầy đủtiền, các giấy tờ có liên quan và rút toàn bộ các nội dung khiếu nại, kết thúc hoàn toàn việc thi hành án.

– Vụ ông Lâm Quang Lập (An Giang) đòi bồi thường do mua trúng đấu giá nhà, đất từ năm 1995 đến nay chưa nhận được tài sản: Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS có nhiều sai sót nên phải hủy kết quả bán đấu giá. Tuy nhiên, do UBND tỉnh An Giang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Lâm Quang Lập nên UBND tỉnh đã phải thu hồi GCNQSDĐ đó. Hiện nay, ông Lập chỉ khiếu nại đối với quyết định thu hồi GCNQSDĐ của UBND tỉnh An Giang chứ không khiếu nại cơ quan THADS.

4. Khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài

Mặc dù Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã rất cố gắng, quyết liệt trong việc tham mưu chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp, bức xúc kéo dài, tuy nhiên, kết quả giải quyết các vụ việc này chưa cao, số vụ việc được giải quyết dứt điểm còn thấp, các địa phương chưa dành nhiều thời gian để giải quyết dứt điểm các vụ trọng điểm phức tạp, kéo dài, trong khi số vụ việc mới phát sinh ngày càng nhiều, chiều hướng phức tạp ngày càng tăng là do công tác này có những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân sau:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn các vụ việc phức tạp bị tồn đọng, kéo dài, song chủ yếu tập trung vào các nguyên nhân sau:

– Nguyên nhân chủ quan: Lãnh đạo, công chức một số đơn vị thuộc Tổng cục, đặc biệt là Thủ trưởng và Chấp hành viên một số cơ quan THADS địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc tổ chức thi hành các vụ việc phức tạp, kéo dài nên chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và Kế hoạch rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài của Tổng cục; chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo giải quyết, cưỡng chế thi hành các vụ việc này. Trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của một số Chấp hành viên chưa đáp ứng yêu cầu, còn để xảy ra sai sót, vi phạm về trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thi hành án dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo gay gắt của công dân.

– Nguyên nhân khách quan:Hầu hết các vụ việc trong danh sách là những vụ đã tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm, việc tổ chức thi hành không nhận được sự đồng thuận của Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Nhiều vụ việc bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ khó thi hành, một số vụ cơ quan THADS đang chuẩn bị cưỡng chế hoặc đã tổ chức thi hành một phần nhưng có kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền, thậm chí có một số vụ kháng nghị và xét xử lại nhiều lần gây khó khăn cho công tác thi hành án. Nhiều đương sự cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để cản trở, kéo dài thời gian thi hành án. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, một số vụ việc nảy sinh vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật do pháp luật chưa có quy định hoặc có nhưng không rõ, không thống nhất dẫn đến những quan điểm trái ngược nhau…

5. Nhiệm vụ, giải pháp

Kết quả rà soát trên cho thấy, số lượng các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm còn tồn đọng rất lớn, hầu hết các vụ này rất phức tạp, nhiều vụ kéo dài đã lâu không được giải quyết. Do đó, để giải quyết các vụ việc này các cơ quan thi hành án dân sự ngoài việc xây dựng kế hoạch chung cần xây dựng kế hoạch giải quyết riêng đối với từng vụ việc trong đó nêu rõ các bước cần thực hiện (việc tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bồi thường), khó khăn vướng mắc phải giải quyết, đề xuất giải pháp thực hiện.

Trên cơ sở rà soát án trọng điểm, cơ quan thi hành án dân sự cần phân loại vụ việc theo tiêu chí phân loại vụ việc theo tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm được quy định tạiQuyết định số 813/QĐ-TCTHADS ngày 01/12/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Có vụ việc đáp ứng một tiêu chí nhưng cũng có nhiều vụ việc đáp ứng nhiều tiêu chí thậm chí đáp ứng cả 10 tiêu chí. Do đó, khi xây dựng kế hoạch người xây dựng kế hoạch cần bám sát vụ việc thuộc tiêu chí phân loại nào để xây dựng nội dung kế hoạch phù hợp, đề xuất giải pháp giải quyết vụ việc. Ví dụ: đối với vụ việc có khiếu nại, tố cáo bức xúc kéo dài, thuộc trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực thi hành và đã được xem xét, giải quyết tiếp nhưng đương sự tiếp tục khiếu nại thì mục tiêu của kế hoạch là giải quyết dứt điểm khiếu nại, ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với trương hợp này. Đảm bảo việc ra thông báo chấm dứt vừa là sự tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa là điểm dừng của vụ việc khiếu nại, tố cáo, đánh dấu sự giải quyết dứt điểm vụ việc trên thực tế.

Để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng và tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chỉ đạo, giải quyết các vụ việc trọng điểm, trong thời gian tới, Tổng cục, Cục THADS các tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Tập trung xây dựng và báo cáo Bộ trưởng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

– Tiếp tục phân công Lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Cục trực tiếp phụ trách chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục và các địa phương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch giải quyết án trọng điểm; chỉ đạo rà soát, tổng hợp đầy đủ, chính xác các vụ việc phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Bộ trưởng và Kế hoạch của Tổng cục; xây dựng Kế hoạch thực hiện của các đơn vị và Kế hoạch giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể, trong đó, xác định rõ biện pháp, giải pháp thực hiện, có phân công, phân nhiệm rõ ràng và xác định thời gian dự kiến hoàn thành;

– Nghiên cứu tổ chức thực hiện tốt Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp về Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng đẩy nhanh tốc độ, nâng cao hiệu quả và xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra.

– Tổ chức các cuộc họp liên nghành Trung ương và địa phương để thống nhất hướng giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp, kéo dài;

– Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương trong việc thống nhất, hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS địa phương trong quá trình tổ chức thi hành án nói chung và trong việc tổ chức thi hành, lập hồ sơ bồi thường, bảo đảm tài chính đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài nói riêng;

– Tổng cục, Cục THADS các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cấp uỷ chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo tổ chức cưỡng chế, thi hành các vụ việc phức tạp, kéo dài;

– Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Kế hoạch của Tổng cục, tăng cường kiểm tra trực tiếp hồ sơ các vụ việc phức tạp, kéo dài, để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện hoặc có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, hạn chế hậu quả xảy ra;

– Đối với 35 vụ việc còn tồn đọng thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc Tổng cục và 3.688 việc thuộc trách nhiệm của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương tích cực tổ chức thi hành các vụ việc trọng điểm, giải quyết khiếu nại tố cáo đúng pháp luật hợp tình, hợp lý; tổ chức thi hành đúng pháp luật các vụ án lớn, phức tạp mới thụ lý nhằm hạn chế phát sinh các vụ việc phức tạp ngay từ đầu; tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức cưỡng chế thi hành dứt điểm các vụ việc trọng điểm có điều kiện thi hành. Đồng thời,đề nghị Bộ Tư pháp làm việc với một số địa phương có nhiều vụ việc phức tạp, địa phương chưa tích cực chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành án, tăng cường công tác phối hợp trong việc chỉ đạo thi hành các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Tổng cục Thi hành án dân sự



[1]Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2015, hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn cả về giá trị tuyệt đối và về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2014.

Về việc, đến hết tháng 9/2014, số cũ chuyển sang là 248.203 việc; từ 01/10/2014 đến 31/7/2015 thụ lý mới 461.402 việc, tăng 102 việc (0,02%) so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tổng số thụ lý là 709.605 việc, tăng 9.148 việc (1,3%) so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả xác minh, phân loại có: 559.070 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 78,79%, giảm 1,11% so với cùng kỳ năm 2014), giảm 577 việc so với cùng kỳ năm 2014 và 150.535 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 21,21%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 404.526 việc, đạt tỷ lệ 72,36%. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 13.670 việc (3,5%) và tăng 2,52% về tỷ lệ. Một số địa phương đạt kết quả khá cao về việc như: Vĩnh Phúc (88,46%), Đăk Lăk (85,9%), Đồng Tháp (79,63%), Bến Tre (79,38%), Nghệ An (79,39%), Tp.Hồ Chí Minh (72,07%)…

Về tiền, đến hết tháng 9/2014, số cũ chuyển sang là 56.127 tỷ 149 triệu 948 nghìn đồng; từ 01/10/2014 đến 31/7/2015 thụ lý mới 65.905 tỷ 598 triệu 195 nghìn đồng, tăng 18.091 tỷ 701 triệu 964 nghìn đồng (37,83%) so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tổng số tiền thụ lý là 122.032 tỷ 748 triệu 143 nghìn đồng, tăng 32.621 tỷ 257 triệu 645 nghìn đồng (36,48%) so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả xác minh, phân loại có: 72.276 tỷ 164 triệu 571 nghìn đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 59,23%, giảm 8,06% so với cùng kỳ năm 2014), tăng 12.112 tỷ 593 triệu 886 nghìn đồng (20,13%) so với cùng kỳ năm 2014 và 49.756 tỷ 583 triệu 572 nghìn đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 40,77%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 34.629 tỷ 405 triệu 949 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 47,91%. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 10.025 tỷ 453 triệu 522 nghìn đồng (40,74%) và tăng 7,01% về tỷ lệ. Một số địa phương đạt kết quả khá cao về tiền như: Quảng Nam (82%), Lâm Đồng (65,07%), Đăk Lăk (74,65%), Khánh Hòa (59,4%), Tp.Hồ Chí Minh (54,9%)….

[2]Theo Quyết định số 813/QĐ-TCTHADS ngày 01/12/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định tạm thời về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm thì việc thi hành án dân sự được xác định là trọng điểm khi đáp ứng được một trong 10 tiêu chí sau:

1. Liên quan đến việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước (chính sách dân tộc, tôn giáo; xóa đói giảm nghèo; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu…).

2. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo địa phương quan tâm, chỉ đạo, yêu cầu phải tập trung giải quyết dứt điểm.

3. Có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương hoặc địa phương do quy định của pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng hoặc quy định của pháp luật còn chồng chéo, cần sự thống nhất để có biện pháp giải quyết dứt điểm.

4. Chưa nhận được sự đồng tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, hoặc báo chí và các phương tiện truyền thông có uy tín đăng tải, phản ánh sự bức xúc trong dư luận xã hội về việc tổ chức thi hành án.

5. Có hoặc dự kiến sẽ có sự chống đối quyết liệt của đương sự, việc tổ chức thi hành án đã hoặc có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng (đương sự tự sát, quá khích, chống đối quyết liệt dẫn đến hậu quả làm chết, bị thương nhiều người hoặc gây tổn thất nghiêm trọng đến tài sản, người tham gia cưỡng chế…) làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

6. Có giá trị tài sản phải thi hành lớn và có tầm quan trọng nhất định, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của trung ương hoặc địa phương.

7. Có vi phạm pháp luật về nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thi hành án đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận hoặc khởi tố hình sự đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, cán bộ thi hành án.

8. Cần giải quyết các quyền lợi của tập thể người lao động trong trường hợp cần tổ chức cưỡng chế đối với người phải thi hành án là các doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

9. Bản án, Quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tuyên không rõ, khó thi hành.

10. Có khiếu nại, tố cáo bức xúc kéo dài, thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;

b) Người khiếu nại, tố cáo có điều kiện, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, được vận dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ nhằm bảo đảm cho công dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại nhưng chưa hỗ trợ được do có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

c) Đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực thi hành nhưng có căn cứ cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng với quy định của pháp luật.

d)Đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực thi hành và đã được xem xét, giải quyết tiếp nhưng đương sự tiếp tục khiếu nại.

e) Khiếu nại, tố cáo đã quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo do quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp khó khăn, vướng mắc.

f)Công dân trực tiếp đến các địa điểm tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo gay gắt, thường xuyên; vụ việc có đông người khiếu nại, có dấu hiệu gây mất trật tự, an ninh cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

[3]Trách nhiệm của Tổng cục:Nội dung của kế hoạch đã chỉ rõ các cơ quan thuộc Tổng cục có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ (bao gồm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp), thời hạn thực hiện, kết quả thực hiện, cụ thể:

Một là, Tổng cục có văn bản chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lập danh sách các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài;

Hai là, các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục thực hiện rà soát, lập danh sách các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình (Danh sách vụ việc này có thể được bổ sung hoặc bãi bỏ vụ việc theo định kỳ rà soát); xây dựng Kế hoạch của đơn vị, phân công Lãnh đạo, chuyên viên chịu trách nhiệm đối với từng vụ việc cụ thể. Đối với những vụ việc đã có đủ điều kiện giải quyết thì phải xây dựng Kế hoạch chi tiết để chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong năm 2015.

Ba là,tổ chức thực hiện Kế hoạch giải quyết các vụ việc thuộc trách nhiệm của Tổng cục. Nội dung này đã giao cụ thể trách nhiệm của Lãnh đạo cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và trách nhiệm của các đơn vị thuộc Tổng cục, cụ thể:

– Lãnh đạo Tổng cục được phân công chỉ đạo Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết dứt điểm các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh các vụ việc thuộc loại này.

– Các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục tổ chức nghiên cứu hồ sơ, phân loại và xử lý giải quyết dứt điểm các việc thi hành án dân sự trọng điểm thuộc trách nhiệm của đơn vị mình.

Bốn là,kiểm tra, chỉ đạo giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài thuộc trách nhiệm của Tổng cục.

Năm là,xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý và Biểu mẫu thống kê danh sách việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài.

Sáu là, theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch:

– Hàng tháng báo cáo Lãnh đạo Tổng cục và định kỳ hàng quý báo cáo Lãnh đạo Bộ tiến độ rà soát, kiểm tra, chỉ đạo và kết quả giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm;

– Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm; kịp thời có biện pháp hoặc đề xuất có biện pháp xử lý đối với những trường hợp không thực hiện nghiêm túc Kế hoạch.

Xây dựng báo cáo theo yêu cầu đột xuất (nếu có) của Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với vụ việc thuộc Danh sách việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài.

Báo cáo tổng thể kết quả thực hiện Kế hoạch giải quyết và chỉ đạo giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm năm 2015.

[4]Trách nhiệm của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương:

Một là, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Cục, các Chi cục Thi hành án dân sự rà soát, lập danh sách các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài.

Hai là, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch của đơn vị, phân công Lãnh đạo Cục, Lãnh đạocác Phòng chuyên môn thuộc CụcLãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự, Chấp hành viên chịu trách nhiệm đối với từng vụ việc cụ thể. Đối với những vụ việc đã có đủ điều kiện giải quyết thì phải xây dựng Kế hoạch chi tiết để chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong năm 2015.

Ba là,Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân công Lãnh đạo Cục, Lãnh đạocác Phòng chuyên môn thuộc CụcLãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cấp huyện xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với các cơ quan, Ban, Ngành tại địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc địa bàn; kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; định kỳ báo cáo kết quả về Tổng cục.

Bốn là, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo rà soát, giải quyết các vụ việc của đơn vị; chịu trách nhiệm đối với các vụ việc trọng điểm phức tạp, kéo dài còn tồn đọng tại địa phương.

Năm là, theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch:

– Hàng tháng các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục Thi hành án dân sự báo cáo Lãnh đạo Cục tiến độ rà soát, kiểm tra, chỉ đạo và kết quả giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thường xuyên theo dõi, đôn đốc và báo cáo tiến độ giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài về Tổng cục Thi hành án dân sự; kịp thời có biện pháp hoặc đề xuất có biện pháp xử lý đối với những trường hợp không tổ chức thi hành án, để vụ việc tồn đọng kéo dài.

Xây dựng báo cáo theo yêu cầu đột xuất (nếu có) của Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với vụ việc thuộc Danh sách việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài.

Báo cáo tổng thể kết quả thực hiện Kế hoạch giải quyết và chỉ đạo giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm năm 2015.

[5]Số vụ việc trọng điểm phức tạp, kéo dài thuộc trách nhiệm của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là 3.688 vụ việc tương ứng với số tiền còn phải thi hành án là 267.149.700.866.000đ, trong đó:

– Liên quan đến việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước (chính sách dân tộc, tôn giáo; xóa đói giảm nghèo; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu…): 569 vụ việc;

– Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo địa phương quan tâm, chỉ đạo, yêu cầu phải tập trung giải quyết dứt điểm: 526 vụ việc;

– Có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương hoặc địa phương do quy định của pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng hoặc quy định của pháp luật còn chồng chéo, cần sự thống nhất để có biện pháp giải quyết dứt điểm: 571 vụ việc;

– Chưa nhận được sự đồng tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, hoặc báo chí và các phương tiện truyền thông có uy tín đăng tải, phản ánh sự bức xúc trong dư luận xã hội về việc tổ chức thi hành án: 132 vụ việc;

– Có hoặc dự kiến sẽ có sự chống đối quyết liệt của đương sự, việc tổ chức thi hành án đã hoặc có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng (đương sự tự sát, quá khích, chống đối quyết liệt dẫn đến hậu quả làm chết, bị thương nhiều người hoặc gây tổn thất nghiêm trọng đến tài sản, người tham gia cưỡng chế…) làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại địa phương: 936 vụ việc;

– Có giá trị tài sản phải thi hành lớn và có tầm quan trọng nhất định, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của trung ương hoặc địa phương: 331 vụ việc;

– Có vi phạm pháp luật về nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thi hành án đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận hoặc khởi tố hình sự đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, cán bộ thi hành án: 50 vụ việc;

– Cần giải quyết các quyền lợi của tập thể người lao động trong trường hợp cần tổ chức cưỡng chế đối với người phải thi hành án là các doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động: 13 vụ việc;

– Bản án, Quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tuyên không rõ, khó thi hành: 241 vụ việc;

– Có khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài: 319 vụ việc.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com