Thủ tục nhận cha, mẹ, con và đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài

Thủ tục nhận cha, mẹ, con và đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài

Tôi có tìm hiểu thủ tục đăng ký khai sinh và nhận cha/mẹ/con, hồ sơ yêu cầu: Thẻ thường trú đối với người nước ngoài; Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ.Trường hợp của tôi và chồng tôi chỉ mới đính hôn chưa có giấy đăng ký kết hôn, chồng tôi có quốc tịch Singapore, thường xuyên đi đi về về Việt Nam nên không đăng ký thẻ thường trú, vậy tôi có thể nộp thiếu thẻ thường trú trong trường hợp này được không? Còn giấy tờ chứng minh quan hệ có nhất thiết phải nộp hoặc tôi có thể dùng hình chụp của gia đình chúng tôi chụp chung được hay không? Cháu bé chỉ mới được sinh cách đây 1 tháng nên tôi có thể đăng ký khai sinh và nhận cha/mẹ/con cùng một lúc được không và trình tự như thế nào? Vì thời gian xử lý đăng ký khai sinh là 4 ngày, nhận cha/mẹ/con là 45 ngày.Kính mong Cán bộ tư vấn giúp đỡ cho chúng tôi. Chân thành cảm ơn!

Gửi bởi: Tran Thi Kim Ngọc

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về việc nộp Thẻ thường trú trong hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con:

Điều 30 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của LuậtHôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định về hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau như sau:

“1. Hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:

a) Đơn xin nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam ở nước ngoài) của người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con;

c) Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp xin nhận con; của người nhận cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ;

d) Giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ (nếu có) để chứng minh giữa người nhận và người được nhận có quan hệ cha, mẹ, con;

đ) Bản sao Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước); Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con.

2. Giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này được lập thành 01 bộ hồ sơ và nộp tại Sở Tư pháp, nếu thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; nộp tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam, nếu thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con thuộc Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam”.

Như vậy, quy định về thẻ thường trú trong trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con chỉ áp dụng đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Nếu chồng bạn không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì không phải nộp giấy tờ này cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

2. Về trình tự, thủ tục nhận cha, mẹ, con và đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú (cha, mẹ chưa có đăng ký kết hôn):

Theo quy định tại điểm 2.2 mục II Thông tư số 07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, thì trong trường hợp người xin nhận cha, mẹ, con có các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ để chứng minh về quan hệ cha, mẹ, con (như thư từ, phim, ảnh, băng, đĩa hình, kết quả giám định về mặt y học…) thì nộp cùng đơn xin nhận cha, mẹ, con; nếu không có các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ đó, thì Sở tư pháp vẫn xem xét giải quyết (nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ). Ngoài ra, trong trường hợp người con chưa đăng ký khai sinh, thì có thể cho phép kết hợp giải quyết việc xin nhận cha, mẹ, con trước và đăng ký khai sinh sau.

Do đó, bạn có thể nộp ảnh chụp gia đình của bạn để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Việc nhận cha, mẹ, con được tiến hành đồng thời tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 32 (nếu cư trú tại Việt Nam) hoặc Điều 33 (nếu cư trú ở nước ngoài).

Theo như bạn trình bày thì hiện bạn và con bạn đang cư trú tại Việt Nam, còn chồng bạn thường xuyên đi về Việt Nam. Vì thế, bạn có thể nộp hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con (gồm các giấy tờ theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài) tại Sở Tư pháp nơi bạn hiện đang cư trú. Thời hạn giải quyết việc nhận cha, mẹ con là 45 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp cần xác minh thì thời hạn này được kéo dài thêm 20 ngày. Trình tự giải quyết việc nhận cha, mẹ, con tại Sở Tư pháp được quy định tại Điều 32 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:

“1. Trong thời hạn 35 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con trong 15 ngày liên tục tại trụ sở Sở Tư pháp, đồng thời có công văn đề nghị ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con đó. ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con trong 15 ngày liên tục tại trụ sở ủy ban. Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc xin nhận cha, mẹ, con thì ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi văn bản báo cáo ngay cho Sở Tư pháp.

b) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo về việc nhận cha, mẹ, con hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh, kể cả phỏng vấn các đương sự hoặc yêu cầu họ bổ sung giấy tờ cần thiết;

c) Báo cáo kết quả thẩm tra và đề xuất ý kiến giải quyết việc xin nhận cha, mẹ, con, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con.

2. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp và hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con, nếu xét thấy các bên đương sự đáp ứng đủ điều kiện xin nhận cha, mẹ, con thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tiến hành trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên đương sự, ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp từ chối công nhận việc nhận cha, mẹ, con thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thông báo cho người gửi đơn yêu cầu.

3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà đương sự có yêu cầu khác về thời gian, Sở Tư pháp tiến hành trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên đương sự và ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con”.

Sau khi tiến hành xong thủ tục nhận cha, mẹ, con, Sở Tư pháp sẽ hướng dẫn bạn thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con bạn theo quy định pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 68/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Thông tư 07/2002/TT-BTP Về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Hành chính tư pháp

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com