Thẩm quyền thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Thẩm quyền thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh

Xin chào Luật sư.

Tôi là Lê Huy Toàn, hiện công tác và sinh sống tại tỉnh Gia Lai. Tôi có việc này xin Luật sư tư vấn giúp với.

Theo pháp luật về thanh tra hiện hành Thanh tra tỉnh có thẩm quyền thanh tra Cơ quan chuyên môn thuộc Sở hay không (Cơ qua chuyên môn thuộc Sở chứ không phải cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh)? Nếu có thì được quy định ở văn bản nào?

Cơ quan chuyên môn thuộc Sở đã được Thanh tra Sở thanh tra hành chính giai đoạn 2014-2015, Kết luận thanh tra vào tháng 7.2015. Thanh tra tỉnh lại đưa vào Kế hoạch thanh tra và tổ chức thanh tra 2018 giai đoạn 2013-2017. Trường hợp kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh trái với kết luận thanh tra của Thanh tra Sở giai đoạn 2014-2015 thì xử lý thế nào?

Rất mong Luật sự hồi âm. Tôi xin cám ơn nhiều. Chúc Luật sự và Wiki Luật ngày càng phát triển./.


Luật sư Tư vấn Thẩm quyền thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh – Gọi 1900.0191

1./ Thời điểm xảy ra tình huống pháp lý

Ngày 04 tháng 03 năm 2018

2./ Cơ sở văn bản Pháp Luật áp dụng

  • Luật Thanh tra 2010
  • Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

3./ Luật sư trả lời

1. Thẩm quyền của Thanh tra Tỉnh

Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 21 Luật Thanh tra 2010 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh như sau:

Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh

1. Trong quản lý nhà nước về thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó;

b) Yêu cầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là sở), Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra;

c) Chỉ đạo công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính đối với Thanh tra sở, Thanh tra huyện;

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thanh tra tỉnh.

2. Trong hoạt động thanh tra, Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập;

b) Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao;

d) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi cần thiết.

3. Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4. Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.”

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV quy định chi tiết, hướng dẫn nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh như sau:

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra tỉnh

Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

1. Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng;

b) Dự thảo quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm; chương trình, đề án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao;

c) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh đối với cấp Trưởng, cấp Phó các tổ chức thuộc Thanh tra tỉnh; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra sở; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Dự thảo quyết định, chỉ thị cá biệt về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Dự thảo kế hoạch thanh tra hàng năm và các chương trình, kế hoạch khác theo quy định của pháp luật.

c) Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị thuộc Thanh tra tỉnh.

3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

4. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Giám đốc sở trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức, nghiệp vụ thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Thanh tra sở.

6. Về thanh tra:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Thanh tra sở;

b) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thanh tra vụ việc phức tạp có liên quan đến trách nhiệm của nhiều sở, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và các cơ quan, đơn vị khác theo kế hoạch được duyệt hoặc đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

c) Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao;

d) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Chánh Thanh tra tỉnh và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

đ) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi cần thiết;

e) Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Giám đốc sở kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao; quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chánh thanh tra sở, Chánh Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

g) Yêu cầu Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thanh tra trong phạm vi quản lý của sở, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…..”

Vậy, căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các Sở thuộc Ủy ban nhân dân. Theo đó, trong cơ cấu tổ chức của các Sở bao gồm các cơ quan chuyên môn thực hiện chức nặng, nhiệm vụ của Sở đó trong Ủy ban nhân dân. Do đó, việc thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các Sở chính là thanh tra hoạt động của các cơ quan chuyên môn trong hoạt động của Sở. Như vậy, với những quy định pháp luật nêu trên, Luật Thanh tra 2010 đã quy định nội dung này trong quyền hạn của Thanh tra Tỉnh phù hợp hợp chức năng, nhiệm vụ.

2.Xử lý trường hợp kết luận thanh tra của Thanh tra Sở trái với kết luận thanh tra của Thanh tra Tỉnh

Căn cứ Điều 7 Luật Thanh tra 2010 quy định về nguyên tắc của hoạt động thanh tra như sau:

Điều 7. Nguyên tắc hoạt động thanh tra

  1. Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.
  2. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.”

Căn cứ Điều 21, 22, 24 Luật Thanh tra 2010, trường hợp kết luận thanh tra của thanh tra Sở nêu trên sẽ bị hủy bỏ và thực hiện theo kết luận của thanh tra tỉnh dựa trên thẩm quyền.

Với những tư vấn trên đây Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com