Tăng cường tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Tăng cường tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Trong nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày càng  khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt với một quốc  gia đang phát triển như Việt Nam. Tính đến tháng 06/2018 cả nước có khoảng trên  620.000 DNNVV, chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động thực tế 

trong đó số DN quy mô vừa chiếm 1,6%, còn lại là DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ (Hiệp hội DNNVV1, 2018). Hàng năm nhóm DN này đóng góp khoảng 40% GDP;  30% thu nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và tạo ra gần 60% việc làm…Để có sự phát triển bền vững, DN  cần có nguồn vốn ổn định, trong đó 02 nguồn vốn được DNNVV sử dụng là: vốn tự có và vốn vay. Trên thực tế, hầu hết các DN đều có nhu cầu vay vốn trong quá trình  kinh doanh và DN tìm kiếm vốn từ nhiều nguồn tài chính khác nhau. Tại Việt Nam,  hiện có đến 80% DNNVV có nhu cầu được tiếp cận các nguồn tín dụng từ ngân  hàng (Cục Phát triển DN, 2017) vì DN có thể vay với số tiền lớn, thời gian linh hoạt  và tính đảm bảo cao. Tuy vậy, nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra DNNVV trong nước  gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng (NH). Theo đó, có 32,38%  DN tiếp cận được nguồn tín dụng của các NH; 35,24% khó tiếp cận và 32,38%  không tiếp cận được (CIEM, 2017). Lý do được các nhà nghiên cứu chỉ ra tập trung  vào các nguyên nhân như sau: Tính minh bạch tài chính thấp; Năng lực điều hành  DN còn non yếu; Tính rủi ro của các phương án kinh doanh cao; Tài sản đảm bảo  không đáp ứng yêu cầu; Thủ tục vay vốn phức tạp; Thời gian xem xét cho vay kéo  dài; Trình độ của cán bộ tín dụng còn hạn chế…Ngoài ra, sự bất ổn trong kinh tế vĩ  mô cũng tác động đến tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV. 

Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng,  của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung và là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã  hội giữa vùng trung du Bắc Bộ. Tính đến 31/12/2018, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên  có khoảng 3200 DNNVV đang hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) chiếm trên  95% số DN của tỉnh (Niêm giám thống kê tỉnh Thái Nguyên). Giống như các  DNNVV trên cả nước, nguồn vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình  SXKD của DN. Hàng năm nhu cầu vay vốn NH của DN không ngừng tăng lên  nhưng việc đáp ứng các tiêu chuẩn để được NH cho vay còn hạn chế là lý do chính khiến 70% số DN không vay được vốn (Nguyễn Thị Minh Huệ, 2015). Với nhiều  chính sách thúc đẩy từ phía NH và nỗ lực của DNNVV tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn  2013 – 2018 số lượng DN và số vốn vay được tăng đều theo năm (Ngân hàng Nhà  nước chi nhánh Thái Nguyên). Trong năm 2018, đã có gần 1200 DNNVV vay được  vốn từ các chi nhánh NH trên địa bàn tỉnh với số vốn vay được đạt khoảng 31 nghìn  tỷ đồng. Với 36,9% DNNVV trên địa bàn tỉnh vay được vốn NH so với mức chung  của cả nước là 32,38% đã cao hơn nhưng mức chênh lệch thấp, chưa phản ánh được  sự vượt trội. Do vậy, nỗ lực trong hoàn thiện hệ thống tín dụng NH là đòi hỏi cấp  thiết giúp DNNVV có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Đặc biệt, với thách  thức trong thời kỳ mới ngày càng tăng, trong đó xu thế của cuộc cách mạng công  nghiệp 4.0 đòi hỏi các DNNVV cần phải khẳng định hơn nữa vai trò “xương sống”  nền kinh nên nếu nguồn vốn kinh doanh không đảm bảo sẽ tác động lớn đến sự phát  triển của bản thân DN và kinh tế quốc gia. Mục tiêu trong thời gian tới đối với  Chính phủ, địa phương, ngành NH và các DNNVV cần phải có nhiều biện pháp  thích hợp nhằm thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại (NHTM) với  DNNVV, giải quyết triệt để những khó khăn, trở ngại trong quá trình tiếp cận vốn  tín dụng NH nhờ đó tạo cơ hội cho DN chủ động hơn trong nguồn vốn vay, mở rộng  kinh doanh và phát triển bền vững. Với sự cần thiết, ý nghĩa khoa học, thực tiễn  được phân tích trên tôi đã lựa chọn đề tài: “Tăng cường tiếp cận nguồn vốn tín  dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”  làm nội dung nghiên cứu luận án của mình.  

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT 

STT Từ viết tắt Từ đủ nghĩa
BCTC Báo cáo tài chính
BLTD Bảo lãnh tín dụng
CBTD Cán bộ tín dụng
CIEM Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
CN Chi nhánh
CP Chính phủ
CTCP Công ty cổ phần
DN Doanh nghiệp
DNNVV Doanh nghiệp nhỏ và vừa
10 DNTN Doanh nghiệp tư nhân
11 EFA Phân tích nhân tố khám phá
12 FDI Đầu tư trực tiếp nước ngoài
13 GD Giám đốc
14 GDP Tổng sản phẩm quốc nội
15 KCN Khu công nghiệp
16 KHCN Khoa học công nghệ
17 LĐ Lao động
18 NĐ Nghị định
19 NH Ngân hàng
20 NHNN Ngân hàng Nhà nước
21 NHTM Ngân hàng thương mại
22 NHTMCP Ngân hàng thương mại cổ phần
23 NHTW Ngân hàng Trung ương
24 NQ Nghị quyết
STT Từ viết tắt Từ đủ nghĩa
25 NSNN Ngân sách nhà nước
26 PTNT Phát triển nông thôn
27 SMEs Doanh nghiệp nhỏ và vừa
28 SXKD Sản xuất kinh doanh
29 TCTD Tổ chức tín dụng
30 TN Thái Nguyên
31 TNHH Trách nhiệm hữu hạn
32 TP Thành phố
33 TT Thông tư
34 TX Thị xã
35 UBND Ủy ban nhân dân
36 VCCI Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam
37 XDCB Xây dựng cơ bản

MỞ ĐẦU 

1. Tính cấp thiết của luận án 

2. Mục tiêu nghiên cứu  

2.1. Mục tiêu chung 

Đề xuất các giải pháp tăng cường tiếp cận tín dụng NH của DNNVV thông  qua đánh giá thực trạng tiếp cận dưới góc độ của: Chính phủ, NH, DNNVV bằng  nhiều phương pháp nghiên cứu phù hợp. Từ đó giúp Chính phủ kịp thời đưa ra các  văn bản, chính sách hướng dẫn nhằm cụ thể hóa chương trình hỗ trợ tín dụng đối  với DNNVV và tạo điều kiện cho DN tiếp cận, lựa chọn các nguồn vốn khác nhau  giúp đảm bảo nguồn lực tài chính cho quá trình phát triển của DN.  

2.2. Mục tiêu cụ thể 

Nghiên cứu tập trung vào các vấn đề sau: 

Thứ nhất, hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về DNNVV, tín  dụng NH đối với DNNVV, tiếp cận tín dụng NH của DNNVV.  

Thứ hai, phân tích thực trạng tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái  Nguyên giai đoạn 2013 – 2018. 

Thứ ba, nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến tiếp cận nguồn  vốn tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung phân tích các yếu tố từ phía DNNVV bằng nhiều phương pháp nghiên cứu phù hợp. 

Thứ tư, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị tăng cường tiếp cận nguồn tín  dụng NH giúp DN chủ động hơn trong các nguồn lực tài chính. 

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu  

3.1. Đối tượng nghiên cứu 

Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là những vấn đề lý luận và thực tiễn  về tiếp cận nguồn tín dụng NH của DNNVV.  

3.2. Phạm vi nghiên cứu 

3.2.1. Phạm vi không gian 

Đề tài nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, luận án cũng tìm  hiểu kết quả nghiên cứu cũng như kinh nghiệm hỗ trợ, phát triển nguồn tín dụng NH  đối với DNNVV ở một số quốc gia, NHTM tiêu biểu trên thế giới và một số tỉnh,  DN của Việt Nam. 

3.2.2. Phạm vi thời gian 

Số liệu thứ cấp: thu thập trong giai đoạn 2013 – 2018; 

Số liệu sơ cấp: thu thập thông tin điều tra trong năm 2017  

Các giải pháp được nghiên cứu và đề xuất đến năm 2025. 

3.2.3. Phạm vi nội dung 

Về tiêu chí xác định và phân loại DNNVV, tác giả sử dụng cách xác định và  phân loại DNNVV theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP. 

Về thuật ngữ “tín dụng NH” luận án đề cập trên khía cạnh hoạt động cho vay  của NHTM đối với DNNVV. Các NH mà DNNVV tiếp cận vốn tín dụng được giới  hạn ở các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 

Nội dung nghiên cứu của luận án tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng  đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên để làm căn cứ xây dựng giải pháp nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng NH của DNNVV thời giàn  gian tới, cụ thể: 

– Về sự tác động của chính sách kinh tế vĩ mô, tác giả thực hiện phân tích định  tính thông qua số liệu tổng hợp, đánh giá mức độ tác động của các chính sách tín  dụng hiện nay đến thực trạng tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

– Về các yếu tố từ phía NH tác động đến tiếp cận tín dụng, tác giả sử dụng số liệu thứ cấp để đánh giá thực trạng tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái  Nguyên. Sử dụng kết quả thu thập từ phiếu điều tra để phân tích định tính thông qua  kỹ thuật tính toán trên phần mềm SPSS với các biến sau: Lãi suất, Thủ tục cho vay,  Mức độ đa dạng của các gói tín dụng, Trình độ của cán bộ tín dụng, Quy định về tài  sản đảm bảo. 

– Về các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của  DNNVV, tác giả nhận thấy những yếu tố từ bản thân DN có khả năng điều chỉnh,  thay đổi nhanh hơn từ phía NH hay Chính phủ. Do đó, nếu chỉ ra mức độ tác động,  tầm ảnh hưởng của các yếu tố sẽ là căn cứ để DNNVV lựa chọn thay đổi phù hợp 

nhằm tiếp cận tốt hơn nguồn vốn tín dụng NH. Vì vậy, tác giả sử dụng phương pháp  phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy đa biến đối với các yếu tố từ phía  DNNVV nhằm xác định mức độ và thứ tự ảnh hưởng của yếu tố đến tiếp cận tín  dụng NH. Từ đó, giúp DN đưa ra quyết định thay đổi theo thứ tự ưu tiên nhằm chủ 

động hơn trong quá trình vay vốn, nâng cao năng lực và mở rộng sản xuất. Mặc dù,  có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH từ phía DNNVV nhưng bằng  quan sát, phân tích và tiếp nhận ý kiến từ các chuyên gia, tác giả lựa chọn 07 yếu tố phù hợp với địa bàn nghiên cứu để đưa vào khung phân tích gồm: Tài sản đảm bảo,  Mối quan hệ của DN với NH, Năng lực của DNNVV, Báo cáo tài chính, Quy mô  của DNNVV, Phương án SXKD, Trình độ của chủ DN. 

4. Những đóng góp mới của luận án 

Một là, kết hợp nội dung tổng quan tài liệu và cở sở lý luận, thực tiễn trong  tiếp cận tín dụng NH của DNNVV, luận án đã góp phần hệ thống hóa và làm rõ cơ  sở lý luận và thực tiễn trong khái niệm, nội dung tiếp cận tín dụng NH của DNNVV  và các bài học kinh nghiệm liên quan nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng NH. 

Hai là, dựa vào các số liệu sơ cấp và thứ cấp thông qua những phương pháp  phân tích đa dạng, tác giả đã chỉ ra một số kết quả có tính mới như sau: (1) Số lượng DN và số vốn vay của DNNVV tỉnh Thái Nguyên giai đoạn  2013 – 2018 có xu hướng tăng những năm qua, trong đó DN có quy mô vừa tiếp cận  lượng vốn lớn nhất so với DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ; Số lượng DNNVV hoạt  động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ vay được vốn nhiều nhất nhưng số vốn  DNNVV hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng vay được lớn nhất. (2) Các yếu tố từ phía NH được tác giả nghiên cứu đều tác động đến tiếp cận  tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên, trong đó 02 yếu được đánh giá có mức  ảnh hưởng lớn nhất gồm: Quy định về tài sản đảm bảo, Thủ tục cho vay. (3) Các yếu tố từ phía DNNVV được tác giả nghiên cứu đều tác động cùng  chiều tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên, trong đó 03 yếu tố:  Phương án SXKD của DN (BP), Tài sản đảm bảo (CO), Báo cáo tài chính (FI),  Năng lực của DNNVV (CA) có mức độ ảnh hưởng lớn nhất. 

(4) Luận án đã đưa ra những bằng chứng định lượng chứng minh ảnh hưởng  thuận chiều của 02 biến quan sát mới trong yếu tố Trình độ của chủ DN: Chủ DN  xử lý tốt các tình huống phát sinh, Chủ DN luôn chia sẻ thông tin với người lao  động có tác động đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên mà các  nghiên cứu trước chưa kiểm chứng. 

Cuối cùng, tác giả đưa ra hệ thống giải pháp có tính đặc thù được phân theo  quy mô DN và ngành nghề kinh doanh nhằm giúp DNNVV trong từng lĩnh vực trên  địa bàn tỉnh Thái Nguyên có giải pháp phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng NH. 5. Bố cục của luận án 

Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án được kết cấu làm 5 chương, cụ thể: Chương 1: Tổng quan tài liệu nghiên cứu 

Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân  hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu 

Chương 4: Thực trạng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV  trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 

Chương 5: Một số giải pháp tăng cường tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của  DNNVV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 

Chương 1 

TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU 

1.1. Sơ lược các công trình nghiên cứu tiêu biểu về tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV 

Trên thế giới, tùy thuộc vào mức độ phát triển các sản phẩm tài chính và thị trường vốn của mỗi quốc gia, DNNVV sẽ có cơ hội tiếp cận những nguồn vốn khác  nhau từ NH, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính hay huy động từ cá nhân…Các nghiên  cứu của Paul (2011), Nguyễn Hà Phương (2012), Doherty (2013), Masato Abe  (2015) chỉ ra: tại các quốc gia phát triển DNNVV có nhiều cơ hội để vay vốn từ các nguồn quỹ khác nhau với đa dạng chính sách tín dụng như: bảo lãnh các khoản vay  từ các tổ chức tư nhân, tài chính không chính thức, tài chính nội bộ, vay nợ, vốn chủ sở hữu và tài chính dựa trên tài sản, hỗ trợ của Chính phủ, huy động vốn từ chính  cộng đồng…Việc tiếp cận tín dụng của DNNVV tại quốc gia đang phát triển gặp  nhiều khó khăn hơn từ nguồn vốn vay, hạn mức tín dụng đến thời hạn vay  (Amissah, 2014; Phan Quốc Đông, 2015). Do vậy, nguồn vốn vay từ phía NH vẫn  được coi là nguồn tài chính chủ đạo của các DNNVV tại các quốc gia đang phát  triển. Dựa trên các tài liệu thu thập được, luận án tổng hợp các công trình nghiên  cứu có ý nghĩa phục vụ nội dung luận án như sau: 

1.1.1. Các công trình nước ngoài 

Nghiên cứu của International Finance Corporation (2009) đã đánh giá các  trở ngại, khó khăn khi NHTM cấp tín dụng cho DNNVV, từ đó rút ra các bài học  kinh nghiệm cho các NHTM muốn mở rộng tín dụng DNNVV. Kết quả cho thấy  DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính gặp nhiều trở ngại hơn so với DN có quy mô  lớn với 30%, thêm vào đó DN còn chưa được đáp ứng đầy đủ về các sản phẩm, dịch  vụ tài chính. Những rào cản được International Finance Corporation (2009) chỉ ra  là: do thiếu hụt thông tin giữa NH – DN, DNNVV không đủ tài sản thế chấp và chi  phí giao dịch lớn. Ngoài ra, nghiên cứu cũng nhận thấy DNNVV ở các quốc gia  phát triển dễ dàng tiếp cận tài chính hơn các quốc gia đang phát triển, một mặt do  ngành dịch vụ NH dành cho DNNVV ở các quốc gia đang phát triển còn non yếu;  NHTM ở các quốc gia đang phát triển có nhiều yêu cầu thế chấp hơn nhằm hạn chế rủi ro tín dụng đảm bảo kinh doanh có lãi của NH; mặt khác, do đặc thù NH nên  quy mô tín dụng thấp và mức lãi suất cho vay cao hơn ở các quốc gia phát triển. 

Punyasavatsut (2011) nghiên cứu về khả năng tiếp cận nguồn tài chính của  các DNNVV trong ngành công nghiệp chế tạo của Thái Lan bằng việc sử dụng  thông tin từ một cuộc điều tra DN năm 2010 từ các ngành công nghiệp khác nhau.  Kết quả cho thấy khi thành lập DN chỉ có 30% DNNVV cần được hỗ trợ tài chính  từ các nguồn bên ngoài. Đa số các DN sử dụng các nguồn kinh phí từ bản thân, vay  mượn từ bạn bè và người thân để bắt đầu và điều hành kinh doanh. DN có xu hướng  sử dụng hình thức thấu chi đối với vốn lưu động. Đối với nguồn tài chính bên ngoài,  DNNVV phụ thuộc chủ yếu vào NH. Mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ của Chính  phủ nhưng số lượng DNNVV tiếp cận nguồn tín dụng chỉ có 40%, đa số là DN có  quy mô nhỏ. Nguyên nhân gây cản trở việc tiếp cận tài chính được nghiên cứu chỉ ra là: từ phía bên ngoài là do thiếu thông tin và lời khuyên từ các tổ chức tài chính;  sự phức tạp và rườm rà hồ sơ vay vốn và tài sản đảm bảo không đầy đủ. Từ phía  bên trong do DN không đảm bảo tài sản thế chấp, thiếu kinh nghiệm kinh doanh,  thiếu kế hoạch kinh doanh, lịch sử cho vay không xác định và nhu cầu vay vốn lớn.  Hơn nữa đa số các NH đều yêu cầu DN có tài sản đảm bảo để hạn chế rủi ro tín  dụng đã làm trầm trọng hóa sự chênh lệch tài chính và cản trở việc tiếp cận của  DNNVV. Từ đó, tác giả đề xuất một số biện pháp giúp DNNVV tiếp cận tốt hơn  nguồn tín dụng NH: gia tăng hiệu suất và giá trị của DN; chỉ tiêu tỷ lệ doanh thu/tài  sản cao, tỷ lệ đòn bẩy thấp (nợ đối với vốn chủ sở hữu); sử dụng tài sản có tính pháp  lý tốt để thế chấp; nâng cao kinh nghiệm trong kinh doanh…Tuy nhiên, đối tượng  nghiên cứu còn nhỏ mới tập trung vào các DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo nên thực trạng chưa phản ánh bao quát tình hình tiếp cận vốn của toàn hệ thống  DN và giải pháp cũng mang tính đặc thù. 

Wagema G. Mukiri và cộng sự (2011) nghiên cứu khả năng tiếp cân tín dụng  NH của DNNVV tại Kenya thông qua khảo sát với 218 DN sản xuất nhỏ ở Nairobi bằng phân tích cluster. Với 04 yếu tố liên quan đến đặc điểm của chủ DN được đưa  vào mô hình, nghiên cứu chỉ ra các yếu tố này có vai trò hình thành định hướng kinh doanh của doanh nhân – đây chính là một yếu tố quyết định trực tiếp đến tiếp  cận tín dụng của DNNVV. Từ đó, tác giả đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho chủ DN  bằng việc đào tạo các khóa học chuyên môn. Đóng góp quan trọng của nghiên cứu  là tác giả cho thấy tình hình tiếp cận tín dụng NH của các DN nhỏ tại Kenya đã  được cải thiện trong những năm qua. Lý do, nhờ cải cách về chính sách của nền  kinh tế Kenya, cụ thể kết quả từ việc giảm vay của chính phủ Kenya đến các NH địa  

phương. Điều đó khiến NH trong nước phải thâm nhập vào phân khúc thị trường  mới, đưa ra nhiều chương trình tăng cường hoạt động cho vay và DN quy mô nhỏ là  đối tượng được quan tâm. Đây chính là 1 biện pháp giúp việc tiếp cận vốn NH dễ dàng hơn nhờ vào sự can thiệp của Chính phủ. Tuy nhiên, quy mô nghiên cứu của  đề tài nhỏ hẹp, phương pháp nghiên cứu đơn giản, biến phân tích còn thiếu và chưa  trọng tâm. Do đó, giải pháp đưa ra mang tính chất đặc thù, không có ý nghĩa khái  quát rộng. 

Đánh giá yếu tố quyết định tiếp cận tín dụng của DN quy mô nhỏ tại Nigeria, Ajagbe.F.A (2012) đã đánh giá thực trạng tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng  khác nhau mà các DN có thể vay được thời gian qua. Kết quả cho thấy, các DN có  sự khác biệt về số lượng vốn vay, thời gian hoàn thành thủ tục vay, thời hạn cho  vay…Tác giả tiến hành khảo sát 350 DN quy mô nhỏ tại bốn khu vực chính của  bang Oyo, Nigeria, sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic để tiến  hành đánh giá mức độ ảnh hưởng của 07 yếu tố gồm các yếu tố từ phía DN và NH.  Theo đó, tất cả yếu tố nghiên cứu đều tác động đến tiếp cận tín dụng. Từ đó, tác giả  đưa ra khuyến nghị phụ nữ nên mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận tín dụng và môi  trường thể chế chính sách nên tạo điều kiện thuận lợi giúp các DN nhỏ dễ dàng trong  việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Nghiên cứu chỉ được thực hiện trên phạm vi  nhỏ, số lượng DN chưa đa dạng về ngành nghề, quy mô vốn và phương pháp phân  tích đơn giản. 

1.1.2. Các công trình trong nước  

Nhu cầu vay vốn của DNNVV trong nước khá lớn, tuy nhiên số lượng DN  tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH còn hạn chế, vì vậy các nghiên cứu trong nước  thường tập trung đánh giá mức độ tiếp cận, nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng đến  quá trình vay vốn của DN, cụ thể: 

Hồ Kỳ Minh (2013) đã tiến hành nghiên cứu thực trạng tiếp cận tín dụng NH  của DNNVV khu vực miền Trung – Tây Nguyên thời gian qua từ đó chỉ ra nguyên  nhân của vấn đề nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp. Kết quả được thông kê khi  nhóm tác giả tiến hành thu thập số liệu từ 735 DN trên địa bàn Đà Nẵng và miền  Trung- Tây Nguyên theo đó trên 66% DN cho rằng việc tiếp cận vốn NH có mức từ 

khó khăn trở lên. Hơn nữa 77,5% DN được hỏi cho rằng khó khăn của các DN khi  tiếp cận vốn NH hiện nay chủ yếu xuất phát từ phía DN (DN không đủ tài sản đảm  bảo, DN có quy mô nhỏ, DN đang chịu áp lực từ nhiều khoản nợ đến hạn/quá hạn)  

và 63% số DN điều tra nói rằng những khó khăn trong vấn đề vay vốn của họ xuất  phát từ phía NH (lãi suất cao, thủ tục vay vốn rườm rà, phức tạp). Nghiên cứu đã  chỉ ra: những quy định cứng nhắc của NH như: Không giảm tiêu chuẩn cho vay,  Quy định khắt khe về tài sản đảm bảo, Định giá tài sản đảm bảo thấp, Thủ tục vay  vốn rườm rà đã ảnh hưởng trực tiếp khả năng đáp ứng tiêu chuẩn vay của DN vì  không phải DN nào cũng có đủ năng lực trình độ đáp ứng thủ tục thường xuyên có  sự thay đổi. Khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cho vay của DN gặp những khó khăn  như sau: Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, Tài sản đảm bảo thiếu hụt, Phương án  kinh doanh không khả thi. Tác giả đã tiến hành thu thập và phân tích số liệu khá kỹ tại phiếu điều tra nhưng nếu kết quả được phân tích định lượng sẽ nâng cao kết quả 

nghiên cứu.  

Tiến hành phân tích sự tăng trưởng tín dụng NH đối với DNNVV khi nền kinh tế bất ổn Nguyễn Văn Lê (2014) đã tập trung vào các nội dung sau: làm rõ cơ  sở khoa học về DNNVV và tín dụng NH đối với DN. Thông qua việc phân tích kỹ các cuộc khủng hoảng trên thế giới, nghiên cứu đã đưa ra dấu hiệu của một nền kinh  tế vĩ mô bất ổn, từ đó gắn việc tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV của Việt Nam.  Tác giả đã tập trung đánh giá một cách tổng thể thực trạng tăng trưởng tín dụng đối  với DNNVV trong thời gian qua theo nhiều cách tiếp cận, bao gồm cách tiếp cận  định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu về mặt định lượng bằng mô hình OLS  cho thấy hệ thống DNNVV phải đối mặt với rủi ro tài chính khá lớn trong bối cảnh  kinh tế vĩ mô bất ổn, khi lợi nhuận tạo ra giảm sút trong khi chi phí lãi vay tăng cao.  Từ đó, luận án đã xây dựng một hệ thống các giải pháp được chia thành hai nhóm:  (i) Nhóm giải pháp mang tính chiến lược và (ii) Nhóm giải pháp cụ thể cho việc  tăng trưởng tín dụng cho DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn. Tuy vậy, số 

lượng DN được tác giả lựa chọn điều tra chưa đủ để phản ánh tình hình tăng trưởng  của Việt Nam nên có sự phân chia theo vùng miền điều tra để đưa ra kết luận khách  quan, chính xác hơn. 

Hạ Thị Thiều Dao và cộng sự (2014) đã sử dụng phương pháp phân tích hồi  quy Binary logistic để điều tra khả năng tiếp cận tín dụng của 756 DN nhỏ và một  bảng câu hỏi bán cấu trúc được sử dụng để tìm ra nguyên nhân gây thiếu kết nối  giữa các DN nhỏ và các NH ở Tỉnh Bến Tre. Theo đó, nhóm tác giả đã chỉ tra  những khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng của DNNVV tại Việt Nam có nguyên  nhân sau: Đầu tiên, những khó khăn từ tình hình kinh tế vĩ mô có biến động xấu  

trong 3 năm qua khiến thị trường đi xuống, hàng tồn kho tăng, các khoản nợ không  thực hiện mở rộng. Thứ hai, có những hạn chế trong việc đánh giá giá trị của tài sản  đảm bảo và các quy định của NH liên quan đến tài sản đảm bảo còn cứng nhắc. Thứ ba, trình độ của chủ DN cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc DN tuân thủ các quy  trình, thủ tục phía NH quy định cũng như văn bản, thông tư liên quan đến tín dụng  NH. Thứ tư, vị trí địa lý của DN cũng ảnh hưởng trong việc tiếp cận tín dụng ví dụ 

như nhóm DN nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng, miền Nam và hạ lưu sông Mê  kông có điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận tín dụng vì các chính sách hỗ trợ được  thực hiện dễ dàng và thuận lợi hơn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp  phần thúc đẩy sự phát triển của không chỉ DNNVV mà còn cả nền kinh tế. Thứ năm, tài sản của DN chưa minh bạch, sự tách bạch giữa tài sản cá nhân và DN đã  khiến việc chứng minh năng lực tài chính của DN gặp khó khăn. Từ đó tác giả đề 

xuất nhiều biện pháp liên quan nhằm tháo gỡ những cản trở giữa NH – DN trong  quá trình cho vay. Trong nghiên cứu chưa có sự logic khi chỉ đặt câu hỏi cho các  chi nhánh NH Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre mà không khảo sát  các NH khác trên địa bàn. DNNVV điều tra không có tại Bến Tre nên ảnh hưởng  đến kết quả. Hơn nữa phạm vi nghiên cứu không đủ phản ánh tình hình của cả  nước, không có sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn. 

Nhằm đề xuất giải pháp tăng cường tiếp cận tín dụng NH đối với DNNVV  tỉnh Phú Thọ Trần Quốc Hoàn (2018) đã xây dựng hệ thống các chỉ tiêu đánh giá  khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV, gồm: Mức độ chủ động của  DNNVV, của NHTM, của Chính phủ và địa phương; Dư nợ tín dụng DNNVV; Số 

lượng và tỷ lệ DNNVV được tiếp cận vốn tín dụng NH; Dư nợ tín dụng bình quân  một DNNVV và khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV theo nhân tố ảnh  hưởng. Tiến hành điều tra 387 DNNVV trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bằng phương  pháp phân tích nhân tố khám phá, hồi quy đa biến, tác giả chỉ ra các yếu tố: năng  lực của lãnh đạo DN và đội ngũ cố vấn, mối quan hệ của DN, tài sản đảm bảo, sự 

trả nợ của DN, chính sách tín dụng của NHTM và chính sách hỗ trợ DNNVV của  Chính phủ và địa phương có ảnh hưởng tích cực đến khả năng tiếp cận vốn; nhân tố chi phí vay vốn và lịch sử vay nợ của DN có sự ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, bằng  phương pháp Phân tích phương sai một yếu tố tác giả nhận thấy các DNNVV có  thời gian hoạt động dưới 3 năm, DN siêu nhỏ tiếp cận vốn tín dụng NH thấp hơn rất  nhiều so với các DNNVV còn lại. Nếu có thể, luận án nên phân tích kỹ hơn các  

quan sát nhỏ trong nội dung phân tích sự khác biệt để làm căn cứ trong xây dựng  giải pháp. 

Đối với địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có duy nhất 01 nghiên cứu được thực hiện  liên quan đến nội dung của luận án là luận văn thạc sỹ của Nguyễn Thị Oanh  (2015): “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các DNNVV trên địa bàn  tỉnh Thái Nguyên”. Nghiên cứu tập trung đánh giá tình hình phát triển của  DNNVV, nhu cầu vay vốn và dư nợ vay vốn NH của DNNVV giai đoạn 2012 – 

2014. Sử dụng mô hình hồi quy nhị phân Binary logistic để xác định mức độ tiếp  cận tín dụng của các yếu tố trong mô hình từ đó đưa ra các giải pháp đối với  DNNVV, NHTM nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng NH của DNNVV. Mặc  dù tên của luận án khá tương đồng với nghiên cứu của tác giả nhưng cách tiếp cận,  phương pháp và nội dung nghiên cứu của luận án hoàn toàn không trùng lặp với kết  quả được tác giả đưa ra. Nội dung tác giả nghiên cứu có thời gian rộng hơn và bao  trùm các thông tin mà tác giả đưa ra vì vậy, luận án có thể được coi là tài liệu có  tính tổng quát hơn các nghiên cứu trước đây đã từng thực hiện tại tỉnh Thái Nguyên. 

Ngoài những công trình đề cập trên, luận án còn tiến hành nghiên cứu các  nội dung liên quan đến phương pháp và yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH  của DNNVV của Ricardo (2004), Canovas (2006), Võ Trí Thành (2011), Nguyễn  Hồng Hà (2013), Khalid Hassan Abdesamed và cộng sự (2014), Mbugua (2014)

Đặng Thị Huyền Thương (2016)…để làm căn cứ cho các phần nghiên cứu trong  Chương 1 và những chương tiếp theo của luận án.  

1.2. Đánh giá chung các công trình nghiên cứu 

Sau khi tiến hành nghiên cứu tổng quan tài liệu, tác giả nhận thấy các đề tài  sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận  tín dụng NH của DNNVV, cụ thể: 

1.2.1. Về phương pháp nghiên cứu 

Nhiều nghiên cứu liên quan đến phát triển vốn, tín dụng NH đối với DNNVV  tại một số địa phương được các tác giả sử dụng phân tích thông qua phương pháp  thống kê, mô tả, tính giá trị bình quân…từ dữ liệu sơ cấp, thứ cấp thu thập được  trong quá trình điều tra để đưa ra nhận định và mức độ tác động đến quá trình vay  vốn của DNNVV, từ đó nghiên cứu chỉ nguyên nhân của vấn đề làm căn cứ đưa ra  nhóm giải pháp phù hợp (Nguyễn Thế Bính, 2013; Võ Đức Toàn, 2013; Trần Trọng  

Huy, 2013; Nguyễn Thị Kim Lý, 2013…). Wagema G. Mukiri (2011) sử dụng phân  tích cluster (phân nhóm các đối tượng có liên quan vào một nhóm đại diện bởi một  biến) để đánh giá tiếp cận tín dụng NH của DN nhỏ tại Nairobi với các biến đưa vào  mô hình liên quan đến đặc điểm của chủ DN và khẳng định: tuổi tác, trình độ, kinh  nghiệm kinh doanh của chủ DN có vai trò hình thành định hướng của doanh nhân  với chiến lược vay vốn. Nhưng phương pháp chưa chỉ ra mức độ ảnh hưởng cụ thể của từng yếu tố đến khả năng tiếp cận tín dụng NH. Tiến bộ hơn so với Wagema,  Nguyễn Văn Lê (2014) sử dụng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất  (OLS) để đánh giá sự tăng trưởng tín dụng cho DNNVV của Việt Nam khi nền kinh  tế mất ổn định. Tuy vậy có một số hạn chế khi thực hiện phương pháp OLS là: biến  phụ thuộc trong mô hình phải là biến liên tục; Có mối quan hệ tuyến tính giữa biến  phụ thuộc với các biến giải thích của mô hình nên kết quả nghiên cứu chưa phản  ánh tốt thực trạng vấn đề. Đối với nghiên cứu tiếp cận tín dụng, xác định xác suất  DNNVV được vay vốn là điều quan trọng nên nhiều nghiên cứu sử dụng như:  Canovas (2006), Mbugua (2014), Đặng Thị Huyền Thương (2016)…đã sử dụng  phương pháp phân tích hồi quy Probit. Ngoài ra các nhà khoa học còn kết hợp thêm  1 số phương pháp khác nhằm phân tích các vấn đề kỹ hơn như: Canovas (2006) ngoài việc sử dụng mô hình Probit kiểm tra mối quan hệ ngân hàng trên các khoản  bảo lãnh được yêu cầu, tác giả sử dụng thêm mô hình OLS để phân tích tác động  của mối quan hệ ngân hàng đối với lãi suất do bên vay trả. Okura (2009) áp dụng  mô hình probit để đánh mối quan hệ giữa các khoản vay từ NHTM để tài trợ vốn  lưu động, vốn đầu tư và quy mô doanh nghiệp, dịch vụ kế toán và pháp lý, hỗ trợ xuất khẩu và thông tin từ phía Nhà nước. Mbugua (2014) đã sử dụng phương pháp  phân tích nhân tố khám phá kết hợp với tổng hợp các kết quả thu được trong phiếu  điều tra để có đưa ra mức ảnh hưởng của từng yếu tố đến việc phát triển của  DNNVV tại Kiambu, Kenya. Đặng Thị Huyền Thương (2016) bổ sung phân tích bằng dữ liệu mảng để đánh giá sự khác biệt trong tiếp cận nguồn vốn vay chính  thức giữa DNNVV Hà Nội và DNNVV Việt Nam nói chung, giữa các DN có quy  mô vừa và DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Những năm gần đây phương pháp phân  tích hồi quy Binary logistic được đa số nhà khoa học như: Khalid (2014), Hạ Thị Thiều Dao (2014), Ajagbe (2012), Võ Trí Thành (2011), Ricardo (2004)…sử dụng  vì sự thích hợp khi ước lượng sự vay vốn NH của DNNVV. Tiến bộ hơn nữa  Nguyễn Hồng Hà (2013) sử dụng linh hoạt phương pháp phân tích hồi quy Binary  logistic và phân tích nhân tố khám phá – EFA để đánh giá mức động tác động của  

các nhân tố từ phía DN và NH trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Theo đó, tác giả sử dụng  phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) để rút gọn một tập hợp nhiều biến  quan sát phụ thuộc lẫn nhau thành một tập biến ít hơn để chúng có ý nghĩa hơn  nhưng vẫn chứa đựng hầu hết thông tin của tập biến ban đầu. Từ đó làm cơ sở giúp  quá trình hồi quy Binary logistic cho kết quả chính xác hơn. Mới đây nhất, Trần  Quốc Hoàn (2018) đã sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá, hồi quy đa  biến để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV và  phương pháp Phân tích phương sai một yếu tố để đánh giá sự khác biệt trong tiếp  cận vốn giữa các DNNVV với nhau. Đây là hướng phân tích mới phù hợp với các  nghiên cứu gần đây khi phương pháp phân tích nhân tố đang được sử dụng nhiều. 

1.2.2. Về các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV 

Hiện nay, có 3 nhóm yếu tố được nhà khoa học tập trung phân tích gồm: yếu  tố từ phía DN, yếu tố từ phía NH và yếu tố từ chính sách kinh tế vĩ mô. Tùy thuộc  vào từng hướng nghiên cứu mà các tác giả tập trung vào nhóm yếu tố đặc thù. Theo  đó, Muriki (2011), Khalid (2014) cho rằng các đặc điểm liên quan đến chủ DN như:  trình độ và kinh nghiệm kinh doanh của chủ DN, giới tính, tình trạng hôn  nhân…không tác động trực tiếp nhưng sẽ có vai trò hình thành định hướng của  doanh nhân với chiến lược vay vốn, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, Ajagbe  (2012) đã khẳng định các yếu tố liên quan đến đặc điểm của chủ doanh nghiệp được  nêu trên đều có tác động dương trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay của NH đối  với DN. Hơn nữa, các yếu tố quy mô và doanh thu của DN cũng được tác giả chỉ ra  là sẽ ảnh hưởng cùng chiều trong việc doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tại NH.  Không dừng lại ở đó, ba yếu tố: quy mô DN lớn, thời gian hoạt động DN dài và  những DN có mối quan hệ tốt với NH luôn dễ dàng hơn trong vấn đề vay vốn (số lượng vốn vay và thời gian vay) đã được Khalid (2014) nhận định là có tác động  đến tăng trưởng tín dụng NH. Theo Huang và Song (2006), Qian và các cộng sự (2009), Trần Đình Khôi Nguyên và Ramachandran (2006), Võ Trí Thành  (2011)…năng lực của DN giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng hơn. Xoáy sâu  vào phân tích các yếu tố liên quan đến nội tại DNNVV ảnh hưởng đến khả năng  tiếp cận vốn. Các tác giả Khalid (2014), Võ Trí Thành (2011), Ricardo (2004),  Nguyễn Hồng Hà (2013), Khalid (2014), Hạ Thị Thiều Dao (2014), Đỗ Thị Thanh  Vinh (2014), Đặng Thị Huyền Thương (2016), Trần Quốc Hoàn (2018)…đã sử dụng  nhiều phương pháp phân tích khác nhau để đưa ra kết luận rằng: quy mô DN, doanh  

thu DN, khả năng quay vòng vốn, mối quan hệ với NH, sử dụng tín dụng thấu chi,  mức độ thanh khoản, tài sản đảm bảo…có tác động trực tiếp đến tiếp cận tín dụng  NH của DNNVV.  

Ngoài các yếu tố từ phía DNNVV ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng NH,  Trần Trung Kiên (2015), Nguyễn Thị Minh Huệ (2012), Hồ Minh Kỳ (2013)…thông  qua các phương pháp thống kê, mô tả, so sánh đã chỉ ra những yếu tố từ phía NH  như: lãi suất vay cao, thủ tục vay vốn phức tạp, yêu cầu về tài sản đảm bảo…cũng  tác động lớn đến khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV. Nguyễn Hồng Hà (2013)  đã sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic và phân tích nhân tố khám phá để nghiên cứu mức động tác động của các yếu tố từ phía DN và NH đến  khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Theo đó, về 

phía NH, các yếu tố: lãi suất, thủ tục, thời hạn và thời gian xem xét cho vay đều tác  động trực tiếp đến việc vay vốn của DNNVV tại tỉnh Trà Vinh. Trong quá trình  phân tích, Đặng Thị Huyền Thương (2015), Nguyễn Văn Lê (2012) cho rằng khi  điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng NH của  DNNVV. Sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Binary logistic cùng bảng câu  hỏi bán cấu trúc Hạ Thị Thiều Dao (2014) chỉ ra rằng hình kinh tế vĩ mô khó khăn  khiến thị trường đi xuống trong thời gian qua chính là một trong nhiều nguyên nhân  làm hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng giữa NH và DN nhỏ tại tỉnh Bến Tre. Hơn  nữa, môi trường kinh tế và chính sách vĩ mô của Nhà nước; Đặc điểm kinh doanh  của các tổ chức tín dụng được Đặng Thị Huyền Thương (2015) nhận định là có ảnh  hưởng lên đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV. Cuối cùng, Trần Quốc Hoàn  (2018) chỉ ra yếu tố chính sách hỗ trợ DNNVV của Chính phủ và địa phương các  tác dụng thúc đẩy tiếp cận tín dụng NH của DNNVV thông qua phương pháp phân  tích nhân tố. Điều này khá chính xác vì từ năm 2008 trở lại đây khi cuộc khủng  hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, Nhà nước đã  đưa ra nhiều chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế trong đó có các chính sách hỗ trợ tài chính cho DN như: Thành lập Quỹ Phát triển DNNVV; Cho phép cơ cấu lại  nợ của DN; Triển khai các gói tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng; Liên kết ngân  hàng – doanh nghiệp, liên kết 4 nhà; Đẩy mạnh cho vay tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP…Từ đó NHNN sẽ đưa ra nhiều chương trình, biện pháp thực hiện  và chỉ đạo các NHTM có cách thức, kế hoạch hoạt động riêng trong vấn đề cho vay  vốn của mình đối với DNNVV phù hợp với các chính sách ưu đãi Chính phủ đưa ra. 

1.3. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu 

Các công trình nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đều khẳng định  DNNVV (đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển) đang gặp khó khăn trong quá  trình tiếp cận vốn tín dụng NH. Bằng nhiều phương pháp nghiên cứu như: phân tích  cluster, ước lượng bình phương nhỏ nhất, hồi quy Probit, hồi quy Binary logistic,  phân tích nhân tố khám phá, hồi quy đa biến các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều nhóm  yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận bao gồm: nhóm yếu tố từ phía NH, từ phía DNNVV  và từ môi trường, chính sách kinh tế vĩ mô. Từ đó, các nhà khoa học đề xuất các  giải pháp, kiến nghị phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn nghiên cứu.  

Tuy nhiên, một số vấn đề chưa được các nghiên cứu trước đây đề cập sẽ phần nào được “lấp đầy” trong luận án gồm: 

(1) Tập trung nghiên cứu sâu và cập nhật các kết quả mới nhất trong giai đoạn 2013 – 2018 liên quan đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái  Nguyên – hiện tại các công trình chuyên sâu nghiên cứu tại địa bàn tỉnh Thái  Nguyên theo tìm hiểu của tác giả là chưa có.  

(2) Sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy đa  biến, kiểm định phương sai 1 yếu tố để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố từ phía DN đến tiếp cận tín dụng NH cũng chưa được nhiều công trình sử dụng, đặc  biệt tại tỉnh Thái Nguyên chưa có công trình nào nghiên cứu. 

(3) Tác giả tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ khác biệt trong tiếp cận  tín dụng NH của DNNVV phân theo quy mô DN, ngành nghề kinh doanh, địa bàn  thông qua các số liệu sơ cấp, thứ cấp và các phương pháp phân tích phù hợp.  

(4) Kết quả của luận án sẽ cung cấp dữ liệu cho các nghiên cứu liên quan do  đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội ở các quốc gia và tỉnh tại Việt Nam là  khác nhau nên yếu tố và mức độ tác động đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV có  khác biệt.  

(5) Bổ sung 02 quan sát trong biến vào yếu tố Trình độ của chủ DN gồm: Chủ DN nắm bắt thông tin về chính sách tín dụng của NH và Chủ DN xử lý tốt các  tình huống phát sinh trong kinh doanh để đánh giá mức độ tác động của yếu tố đó  đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên.  

TỔNG KẾT NỘI DUNG CHƯƠNG 1 

Trong nội dung Chương 1, luận án đã tổng quan các công trình nghiên cứu  trên thế giới và trong nước có liên quan đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV.  Theo đó, DNNVV tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau để phục vụ quá trình sản  xuất kinh doanh nhưng đối với DNNVV tại các quốc gia đang phát triển như Việt  Nam nhu cầu vay vốn tại NH chiếm tỷ lệ lớn. Tuy vậy, mức độ tiếp cận tại mỗi  quốc gia, vùng, tỉnh có sự khác biệt. Các nhà khoa học đã sử dụng nhiều phương  pháp phân tích định tính, định lượng để chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín  dụng NH của DNNVV với 03 nhóm yếu tố chính: môi trường và chính sách kinh tế vĩ mô, NH và DNNVV. Trên cơ sở đó, luận án tổng hợp bảng tóm tắt các yếu tố ảnh  hưởng của những công trình nghiên cứu trước đó. Bên cạnh đưa ra đánh giá chung,  luận án đã chỉ ra “khoảng trống tri thức” của các nghiên cứu trước đây và tiến hành  bổ sung một phần nhằm hoàn thiện hơn cơ sở lý luận, thực tiễn trong nội dụng tiếp  cận tín dụng NH của DNNVV.  

Chương 2 

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TIẾP CẬN  

TÍN DỤNG NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA 

2.1. Cơ sở lý luận về tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với doanh  nghiệp nhỏ và vừa 

2.1.1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế 

2.1.1.1. Khái niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Cách xác định về DNNVV trên thế giới hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất,  việc định nghĩa rõ DN nào là nhỏ và vừa rất linh hoạt tùy thuộc vào từng quốc gia,  từng khu vực kinh tế. Theo tiêu chí phân loại của NH thế giới (World Bank), căn cứ  vào quy mô có thể chia DNNVV thành ba loại: DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa.  Các tiêu chí để phân loại DNNVV của World Bank chủ yếu dựa vào số lượng lao  động bình quân, tài sản và doanh thu hàng năm của DN. Ngoài ra World Bank còn  đưa thêm tiêu chí về quy mô vay trung bình để phân loại DNNVV. 

Bảng 2.1. Tiêu chí phân loại DNNVV của World Bank 

Qui mô  công tyNhân  viên (Người)Tài sản (tỷ đồng)Doanh thu  hàng năm (tỷ đồng)Quy mô vay trung bình (tỷ đồng)
Siêu nhỏ < 10 < 2,2 < 2,2 < 0,22
Nhỏ < 50 < 66 < 66 < 2,2
Vừa < 300 < 330 < 330< 22 (< 44 tỷ đồng đối với một  số quốc gia tiên tiến)

(Nguồn: Tổng hợp từ World Bank) 

(Quy đổi tỷ giá bình quân: 1USD = 22.000 VNĐ) 

Việc xác định quy mô DNNVV chỉ mang tính chất tương đối vì khái niệm  còn chịu tác động của các yếu tố như trình độ phát triển của một nước, tính chất  ngành nghề, điều kiện phát triển của một vùng lãnh thổ nhất định hay mục đích  phân loại DN trong từng thời kỳ nhất định cho các chính sách hỗ trợ. Phụ lục 01 

trình bày Phân loại DNNVV của một số quốc gia và khu vực theo các tiêu chí khác  nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi nước việc phân loại DNNVV có  khác biệt nhưng vẫn tuân theo một số tiêu chí cơ bản sau: số lượng lao động, tính  

chất ngành nghề, quy mô vốn…Đây chính là cơ sở để tác giả làm rõ các tiêu chí cụ thể khi xác định DNNVV ở Việt Nam.  

Trước năm 1988, chưa có định nghĩa cụ thể nào được Chính phủ đưa ra, do  vậy một số địa phương, tổ chức đã xác định DNNVV dựa trên các tiêu chí như: số lao động (dưới 500 người), giá trị tài sản cố định (dưới 10 tỷ đồng), số dư vốn lưu  động (dưới 8 tỷ đồng) và doanh thu hàng tháng (dưới 20 tỷ đồng) (Lê Xuân Bá,  2006). Văn bản đầu tiên đưa ra tiêu chí xác định DNNVV được trình bày trong  Công văn số 681/CP-KCN theo đó, DNNVV là những DN có vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng và lao động thường xuyên dưới 200 người. Việc áp dụng một trong hai tiêu  chí hoặc cả hai tiêu chí tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, ngành,  lĩnh vực. Để hoàn thiện hơn cho khái niệm cũng như tránh những phân loại khác  nhau giữa các tỉnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP trong đó  đưa ra định nghĩa: “DNNVV là DN có số vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng VND và lao  động dưới 300 người”. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên chính thức quy định về 

DNNVV, là cơ sở để các chính sách và biện pháp hỗ trợ cho DNNVV của cơ quan  nhà nước, tổ chức trong và ngoài nước được triển khai. 

Bảng 2.2. Tiêu chí phân loại doanh nghiệp 

Tiêu chíDN siêu nhỏ DN nhỏ DN vừa
Số LĐ (Người)Tổng vốn  (tỷ đồng)Số LĐ (Người)Tổng  vốn (tỷ  đồng)Số LĐ (Người)Tổng vốn  (tỷ đồng)
I- Nông,  lâm nghiệp  và thuỷ sản≤ 10 ≤ 3Từ trên  10 đến  100Từ trên  3 đến 20Từ trên  100 đến 200Từ trên 20  đến 100
II- Công  nghiệp và xây dựng≤ 10 ≤ 3Từ trên  10 đến  100Từ trên  3 đến 20Từ trên  100 đến 200Từ trên 20  đến 100
III- Thương  mại và dịch  vụ≤ 10 ≤ 3Từ trên  10 đến 50Từ trên  3 đến 50Từ trên  50 đến 100Từ trên 50  đến 100

(Nguồn: Nghị định số 39/2018/NĐ-CP) 

Để hoàn thiện hơn nữa Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/06/2009 của  Chính phủ đã đưa ra định nghĩa và tiêu chí xác định DNNVV như sau: “DNNVV là  cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành  ba cấp; siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương  đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của DN) hoặc số lao  động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên)”. Tuy vậy, Nghị định số  39/2018/NĐ-CP đã có một điều chỉnh về tiêu chí phân loại DNNVV theo đó, bổ  sung thêm tiêu chí về nguồn vốn, doanh thu đối với với DN siêu nhỏ; số lượng lao  động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của DN nhỏ và DN vừa trong các  ngành nghề đều giảm; nguồn vốn, doanh thu đối với với DN nhỏ trong lĩnh vực  thương mại, dịch vụ có sự thay đổi theo hướng tăng lên so với Nghị định số  56/2009/NĐ-CP. Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả sử dụng định nghĩa và tiêu chí  phân loại DNNVV Nghị định số 39/2018/NĐ-CP làm căn cứ (Bảng 2.2). Như vậy  so sánh với tiêu chí phân loại DNNVV giữa World Bank và Việt Nam ta thấy: 

Về số lượng lao động: không có sự chênh lệch quá lớn về quy định lao  động phân theo quy mô DN. 

Về nguồn vốn: Đối với quy mô siêu nhỏ sự chênh lệch không lớn nhưng với  quy mô nhỏ và vừa thì nguồn vốn theo World Bank quy định lớn hơn nhiều so với  Việt Nam. Lý do, World Bank xây dựng quy mô vốn trên được tính dựa vào giá trị  bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới bao gồm các quốc gia phát triển và  đang phát triển. Như vậy, Việt Nam là 1 quốc gia đang phát triển nên quy mô DN  còn khiêm tốn so với tiêu chuẩn World Bank, trong tương lai nếu có sự tăng trưởng  mạnh trong nhóm DNNVV tiêu chí nguồn vốn có sự thay đổi tăng – đây là một mục  tiêu phấn đấu của DNNVV nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. 

2.1.1.2. Đặc điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Với những tiêu chí về DNNVV giống như các quốc gia trên thế giới, đặc  điểm của DNNVV tại Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng nhưng vẫn mang đặc  trưng riêng biệt, cụ thể:  

DNNVV có quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực tài chính nhỏ 

Với lượng vốn đầu tư giới hạn khoảng 100 tỷ đồng và số lượng lao động tối đa  không quá 200 người nên quy mô của DN là tương đối nhỏ. Điều này mang lại một  số lợi thế cho DNNVV như sự dễ thành lập, dễ gia nhập thị trường, sự thu hồi vốn  

nhanh. Những lợi thế này đã tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển trong nhiều  ngành nghề, trên nhiều địa bàn, bù lấp vào các khoảng trống mà các DN lớn để lại.  Các DNNVV thường không đạt được lợi thế về hiệu quả về quy mô như các DN lớn.  Hơn nữa, quy mô nhỏ và vấn đề minh bạch thông tin hạn chế cũng khiến cho các DN  khó khăn trong việc tiếp cận với các nhà đầu tư để huy động vốn từ các NH cũng như  từ thị trường chứng khoán. Vì vậy, các DNNVV phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn phi  chính thức, chiếm dụng từ đối tác và lợi nhuận giữ lại.  

Loại hình DN và ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh phong phú 

DNNVV hoạt động dưới nhiều loại hình DN như DN tư nhân, công ty trách  nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Với  mọi ngành nghề từ nông lâm thủy sản, công nghiệp đến thương mại dịch vụ, các  DNNVV đều tham gia sản xuất, cung ứng với quy mô, chất lượng sản phẩm, giá bán  tùy thuộc vào khách hàng tiềm năng của DN. Nhờ quy mô nhỏ, có sự tập trung được  nguồn lao động và nguyên vật liệu tại địa phương, dễ dàng đáp ứng được những thay  đổi trong nhu cầu của thị trường, sản phẩm đa dạng với nhiều phân khúc thị trường  khác nhau nên DNNVV phát triển nhanh chóng, là nhân tố đóng góp vào gia tăng  việc làm, ổn định đời sống xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.  

Chiến lược sản xuất kinh doanh, trình độ khoa học kỹ thuật và năng lực  cạnh tranh hạn chế 

Nhiều DNNVV thiếu một chiến lược kinh doanh rõ ràng, phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu của DN mà đa phần chỉ xây dựng các kế hoạch sản xuất kinh doanh  mang tính tạm thời, ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu biến động ngắn hạn của thị trường.  Do đó, DNNVV thường có xu hướng đi lệch so với sứ mệnh và mục tiêu đề ra ban  đầu, thiếu sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý. Trong thời đại khoa học kỹ thuật thay đổi  nhanh chóng, đầu tư vào công nghệ sẽ làm tăng số lượng, chất lượng sản phẩm, tiết  kiệm chi phí trở thành điều kiện cốt lõi để giúp bất kỳ một DN nào muốn nâng cao  năng lực cạnh tranh. Đối với DNNVV, do quy mô vốn có hạn nên việc đầu tư nâng  cấp, đổi mới các máy móc thiết bị, quy trình sản xuất không được thường xuyên dẫn  tới tình trạng công nghệ sản xuất lạc hậu. Trình độ quản lý chủ DN không đồng đều,  xuất phát điểm thấp nên năng lực điều hành hạn chế, sự nhạy bén trong kinh doanh  chưa cao. Đó chính là những trở lực kìm hãm sự phát triển của DN. 

Hoạt động của DNNVV phụ thuộc vào biến động của môi trường kinh doanh 

Quy mô vốn ít, hoạt động sản xuất hàng hóa mang nặng tính thời vụ, thiếu  chiến lược kinh doanh dài hạn, nguồn vốn bổ sung hạn chế dẫn đến mức độ đa dạng  hóa hoạt động kinh doanh và tính ổn định của DNNVV tương đối thấp. Chính vì  vậy, những thay đổi trong môi trường kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh  thường có những ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của DNNVV, đặc biệt đối với  các chính sách trong lĩnh vực tài chính, văn bản luật liên quan đến sản xuất và cung  ứng sản phẩm. Tuy vậy, với quy mô nhỏ, DNNVV cũng có những lợi thế nhất định  khi dễ dàng chuyển hướng kinh doanh sản xuất, tăng giảm lao động, đổi mới mẫu  mã hàng hóa thậm chí di chuyển địa điểm sản xuất dễ dàng hơn các DN lớn. 

Bộ máy điều hành gọn nhẹ, có tính linh hoạt cao nhưng năng lực quản trị còn yếu 

Với số lượng lao động không nhiều, cơ cấu tổ chức sản xuất cũng như bộ máy quản lý trong các DNNVV tương đối gọn, không có quá nhiều các khâu trung gian. Điều  này làm tăng hiệu quả hoạt động của DN; các quyết định, chỉ tiêu…đến với người  lao động một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí quản lý DN. Áp dụng mô hình  quản lý trực tiếp nên chiến lược kinh doanh thường được đưa ra nhanh chóng, nhạy  bén với những thay đổi trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, việc đưa ra các  quyết định vội vàng kết hợp với việc thiếu nghiên cứu tình hình thị trường thường  dẫn tới rủi ro kinh doanh cho DN. Đây là hạn chế xuất phát từ thực tế, một bộ phận  ban lãnh đạo DNNVV ít được đào tạo qua các trường, lớp đúng chuyên ngành, thiếu  những kiến thức cơ bản về tài chính, luật pháp, quản trị kinh doanh… 

2.1.1.3. Vai trò DNNVV trong nền kinh tế 

Với số lượng các DN ngày càng tăng, đóng góp của khu vực DNNVV ngày  càng lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Vai trò của các DNNVV trong nền kinh tế được thể hiện trên các mặt sau: 

❖ Hệ thống DNNVV có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo công ăn  việc làm cho xã hội, giảm áp lực về việc làm và thất nghiệp. Với nền kinh tế đang  có sự chuyển đổi mạnh như Việt Nam, tốc độ đô thị hóa gia tăng, đấy mạnh quá  trình cơ cấu lại khu vực DN Nhà nước khiến lượng lao động dôi dư lớn cần được  giải quyết việc làm. Các DNNVV ra đời đã giúp Nhà nước tháo gỡ vấn đề trên, tạo  ra nhiều công việc mới với tốc độ tăng trưởng cao, góp phần tăng thu nhập của  người lao động, cải thiện đời sống kinh tế, ổn định trật tự, an ninh xã hội. 

❖ Hình thành và phát triển đội ngũ các nhà kinh doanh năng động. Sự xuất  hiện và phát triển của mỗi DN phụ thuộc rất nhiều vào những nhà sáng lập công ty.  Do đặc thù số lượng DNNVV rất lớn, thường xuyên phải thay đổi để thích nghi với  môi trường xung quanh, mức độ cạnh tranh lớn nên sự ra đời, phát triển, sáp nhập  hoặc giải thể các DNNVV thường xuyên diễn ra trong mọi giai đoạn. Đó là sức ép  lớn buộc người lãnh đạo DN cần linh hoạt trong quản lý, điều hành, dám nghĩ, dám  làm và chấp nhận mạo hiểm. Sự có mặt của đội ngũ những người quản lý này cùng  với khả năng, trình độ, nhận thức của họ về tình hình thị trường và khả năng nắm  bắt cơ hội kinh doanh sẽ tác động lớn đến hoạt động của từng DN. Đối với một  quốc gia, sự phát triển của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ quản lý chất  lượng cao, họ sẽ tạo ra một cơ cấu kinh tế năng động, linh hoạt phù hợp với các giai  đoạn phát triển của thị trường. 

❖ Hệ thống các DNNVV đã có những đóng góp quan trọng vào GDP,  tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu NSNN và làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo  hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Là loại hình DN chiếm một tỷ lệ lớn trong hệ thống DN, các DNNVV ngày càng đóng góp nhiều hơn vào GDP quốc gia do số lượng lớn, phân bố rộng khắp, tham gia trong hầu hết các ngành, lĩnh vực và kinh  doanh ngày càng hiệu quả hơn. Chính điều này đã giúp cho Chính phủ chủ động  hơn trong các quyết định liên quan đến sử dụng tài chính cho mục đích phát triển  kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng sản xuất của khu vực  DNNVV thường cao hơn so với các khu vực DN khác nên được coi là nhân tố chính để nâng cao vị thế của đất nước. Đặc biệt những DN thành lập ở các vùng  nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa trong quá trình tái cấu trúc kinh tế nông thôn,  đô thị hóa sẽ làm giảm tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực nông nghiệp và tăng  tại các ngành phi nông nghiệp trong cơ cấu phát triển kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế phù hợp hơn. 

❖ Đóng góp vào quá trình nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất. Với sự năng động của mô hình DN này, các DNNVV là chủ thể đi tiên  phong trong việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới, sáng kiến về kỹ thuật. Do áp lực cạnh tranh nên DNNVV thường xuyên phải cải tiến công nghệ,  tạo sự khác biệt để có thể kinh doanh thành công. Mặc dù không tạo ra được những  phát minh, sáng kiến mang tính đột phá nhưng nó là những động lực cho sự thay đổi  tiến bộ khoa học và công nghệ. 

❖ Tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với sự tồn tại của  nhiều DN hoạt động trong cùng một ngành, lĩnh vực sẽ làm giảm tính độc quyền và  buộc các DN phải chấp nhận cạnh tranh, phải liên tục đổi mới để tồn tại, phát triển.  Bằng sự linh hoạt của mình, các DNNVV cũng sẽ tạo sức ép cạnh tranh đối với các  công ty lớn. Ngoài ra, nhiều DNNVV còn đóng vai trò là vệ tinh cho DN lớn, thúc  đẩy quá trình chuyên môn hóa và phân công lao động, tăng hiệu quả của các  DNNVV và DN đối tác. Nếu kinh doanh thuận lợi DNNVV có xu hướng mở rộng  sản xuất theo cả hai hướng: chiều rộng và chiều sâu tạo tiền đề cho việc hình thành  DN lớn. Đồng thời, lành mạnh môi trường đầu tư và kinh doanh sẽ tạo ra sự cạnh  tranh đa dạng trong nền kinh tế.  

❖ DNNVV là trụ cột của kinh tế địa phương. Nếu DN lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế, vùng phát triển thì DNNVV có mặt ở khắp các địa  phương, vùng miền trên cả nước và là chủ thể đóng góp quan trọng vào thu ngân  sách, gia tăng sản lượng, tạo công ăn việc làm ở địa phương. Chính điều này đã  giúp cho DN tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Theo Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội năm 2016, DNNVV đã sử dụng gần 1/2 lực  lượng sản xuất lao động phi nông nghiệp (49%) trong cả nước, cá biệt có những  vùng 100% lao động phi nông nghiệp đều làm việc tại DN. Ngoài ra, DN còn sử dụng nguồn tài chính của dân cư, nguồn nguyên liệu tại địa phương để phục vụ hoạt  động sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho  người dân trong vùng. Hơn nữa, DNNVV là tiền đề tạo ra một môi trường văn hóa  kinh doanh mang tính kinh tế thị trường, tạo ra những nhà kinh doanh giỏi. 

❖ Những đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Một phần không  nhỏ các DNNVV tham gia vào những ngành nghề có giá trị xuất khẩu cao như dệt  may, nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ…Vì vậy, DNNVV là lực lượng rất quan  trọng trong hoạt động mở rộng xuất khẩu. Một số ngành nghề, đặc biệt là hàng thủ 

công mỹ nghệ, hàng truyền thống đặc trưng, sản phẩm xuất khẩu địa phương chủ yếu  do các DNNVV đảm nhiệm. 

2.1.2. Tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa 

2.1.2.1. Khái niệm tín dụng ngân hàng, tiếp cận tín dụng NH của DNNVV a. Khái niệm  

Tín dụng NH 

Danh từ “tín dụng” xuất phát từ một từ gốc Latinh “Creditumco” – nghĩa là  một sự tín nhiệm, tin tưởng lẫn nhau (Lê Văn Tề, 2013). Tín dụng NH là quan hệ tín  dụng giữa một bên là NH, một bên là chủ thể khác trong nền kinh tế như tổ chức,  DN, cá nhân…Tuy nhiên, khác với các hình thức tín dụng tồn tại hiện nay, đây  không phải là quan hệ dịch chuyển vốn trực tiếp từ nơi tạm thời thừa vốn sang nơi  tạm thời thiếu vốn, mà thông qua một tổ chức trung gian – NH. Nhưng vẫn mang  bản chất chung của quan hệ tín dụng là sự vay mượn hoàn trả cả gốc và lãi sau một  thời gian nhất định. Ngoài ra, có thể hiểu tín dụng NH là một giao dịch về tài sản  giữa bên cho vay và bên đi vay, trong đó các NH, tổ chức tín dụng vừa là bên đi vay  vừa là bên cho vay. Bên cho vay chuyển giao tạm thời quyền sử dụng tài sản cho  bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận, bên đi vay có  nghĩa vụ hoàn trả lại vô điều kiện đầy đủ vốn và lãi cho bên cho vay khi đến thời  hạn thanh toán. Tài sản giao dịch trong hình thức cấp tín dụng chủ yếu dưới dạng  tiền tệ (Nguyễn Thế Bính, 2013).  

Theo quan điểm của các nhà kinh tế: Tín dụng (cho vay) được hiểu như sau:  Cho vay phản ánh mối quan hệ kinh tế giữa một bên là người cho vay (NHTM) còn  bên kia là người vay (khách hàng vay vốn – DN). Nếu tiếp cận theo chức năng hoạt  động của NH thì tín dụng được hiểu: là một giao dịch về tài sản (tiền hoặc hàng  hoá) giữa bên cho vay (NH và các định chế tài chính khác) và bên đi vay (cá nhân,  DN và các chủ thể khác) trong đó bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời hạn nhất định theo thoả thuận, bên đi vay có trách nhiệm hoàn  trả về điều kiện vốn gốc và lãi cho bên cho vay khi đến hạn thanh toán (Trần Trọng  Huy, 2013). Dựa vào nội dung về Cấp tín dụng tại khoản 14 và 16 điều 4 Luật các  tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được Quốc hội Việt Nam ban hành ngày  29/6/2010 có thể hiểu: Tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một  khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn  trả bằng nghiệp vụ cho vay hoặc 1 số nghiệp vụ khác. 

Từ những quan điểm trên, luận án đưa ra khái niệm về tín dụng NH đối với  DNNVV phù hợp với nội dung nghiên cứu như sau: “Tín dụng NH đối với DNNVV  là sự chuyển nhượng tạm thời một lượng giá trị nhất định biểu hiện dưới hình thức  tiền tệ từ NH (bên cung cấp tiền tệ) sang người sử dụng (bên cầu tiền tệ – DNNVV)  bằng nhiều nghiệp vụ khác nhau trong đó có nghiệp vụ cho vay. Sau một khoảng  thời gian nhất định NH sẽ thu hồi về với giá trị lớn hơn số tiền đã cho vay, bao gồm  phần tiền ban đầu và tiền lãi có được từ số tiền cho vay đó”. 

Tiếp cận tín dụng NH 

Tiếp cận là một cụm từ chung dùng để miêu tả mức độ một sản phẩm, thiết  bị, dịch vụ hoặc môi trường có thể được sử dụng bởi càng nhiều người càng tốt.  Tiếp cận có thể được xem như tiếp cận và sự hưởng lợi từ một hệ thống hay vật chất  (Từ điển Việt Nam – wikipedia). Theo báo cáo của World Bank (2008) tiếp cận tín  dụng được hiểu là sự vắng mặt của các rào cản về chi phí phát sinh hoặc không có  chi phí phát sinh khi sử dụng các dịch vụ tài chính. Điều này không có nghĩa là tất  cả DN sẽ có thể được vay số tiền theo nhu cầu với lãi suất chính thức. Kitili (2012)  cho rằng tiếp cận tín dụng đề cập đến sự dễ dàng mà các DNNVV có thể nhận được  sự hỗ trợ tài chính hoặc các khoản vay từ tổ chức cho vay. Theo Nguyễn Thị Kim Lý  (2013): “Khả năng tiếp cận vốn là khả năng của DN nghiên cứu, nhận biết, nắm bắt  và có thể được cung ứng vốn với các chi phí vốn thấp nhất, có thể chấp nhận được  bởi cả hai phía là DN (người cần vốn) và người cung cấp vốn”. Đặng Thị Huyền  Hương (2016) cho rằng: “Tiếp cận nguồn vốn vay của DN là khả năng DN có thể đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định của tổ chức tín dụng tại mức lãi  suất phù hợp và tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay”. 

Như vậy, trong nội dung của luận án khái niệm tiếp cận tín dụng NH của DN  được hiểu như sau: “Tiếp cận tín dụng NH của DNNVV là việc DN có thể đáp ứng  các yêu cầu từ phía NH để vay được vốn với lãi suất phù hợp trong điều kiện không  phát sinh hoặc có phát sinh các chi phí ngoài nhưng ở mức độ thấp”. 

b. Đặc điểm tín dụng NH 

Tín dụng NH đối với DNNVV chứa đựng một số đặc điểm như sau: 

– Về đối tượng dùng để cấp tín dụng: được thực hiện chủ yếu dưới hình thái  tiền tệ gồm tiền mặt và tiền tín dụng (bút tệ). 

– Chủ thể trong quan hệ tín dụng NH: Trong quan hệ tín dụng NH, người đi  vay là DNNVV; người cho vay là các NH, tổ chức tín dụng. 

– Tín dụng mang tính hoàn trả nhưng có lãi: DN vay tiền sau thời hạn quy  định sẽ phải hoàn trả toàn bộ tiền vay và phần tiền lãi (theo quy định) cho việc sử  dụng khoản tiền vay đó đối với NH. 

– Nguồn tiền dùng để NH cấp tín dụng cho DNNVV đến từ hai nguồn gồm: vốn tự có của NH và nhận tiền gửi của khách hàng. Cụ thể: 

+ Vốn tự có gồm giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh NH nước ngoài và các quỹ dự trữ, một số tài sản nợ khác theo quy định của NHNN Việt Nam. 

+ Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy  đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận (Nguyễn Văn Lê, 2014). 

– Quá trình vận động và phát triển của tín dụng NH không hoàn toàn phù hợp  với qui mô phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hóa. Vì tín dụng NH được cấp  dưới hình thái tiền tệ có thể đáp ứng các nhu cầu khác nhau ngoài nhu cầu sản xuất  và lưu thông hàng hóa (Nguyễn Thế Bính, 2013). 

2.1.2.2. Vai trò của tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Cân đối cung cầu vốn trên thị trường 

NH ra đời gắn liền với sự vận động trong quá trình sản xuất và lưu thông  hàng hoá. Cần lưu ý khi quan hệ hàng hoá tiền tệ còn tồn tại thì hoạt động tín dụng  không thể mất đi, thậm chí ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ. Bởi vì trong  nền kinh tế, tại một thời điểm tất yếu sẽ phát sinh hai loại nhu cầu là: DN thừa vốn  cho vay để hưởng lãi và DN thiếu vốn đi vay để tiến hành sản xuất kinh doanh. Hai  loại nhu cầu này ngược nhau nhưng có chung một đối tượng đó là tiền tệ, chung  nhau về tính tạm thời và cả hai bên đều thoả mãn nhu cầu – đều có lợi. NH ra đời  với vai trò là nơi hiểu biết rõ nhất về tình hình cân đối giữa cung – cầu vốn trên thị trường như thế nào. Với hoạt động tín dụng, NH đã giải quyết được hiện tượng thừa  – thiếu vốn bằng cách huy động mọi nguồn tiền nhàn rỗi để phân phối lại vốn trên  nguyên tắc hoàn trả có lãi nhằm phục vụ kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh  của DN. 

Thúc đẩy các DNNVV nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tăng  cường quản lý và sử dụng vốn kinh doanh có hiệu quả 

Trong quá trình SXKD, DN không những cần nâng cao chất lượng lao động,  củng cố và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, chế độ hạch toán kế toán…mà còn  phải không ngừng cải tiến máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, sử dụng vật liệu  mới, mở rộng qui mô sản xuất phù hợp…Những hoạt động này đòi hỏi lượng lớn  vốn đầu tư đôi khi vượt quá nguồn vốn tự có của DN. Giải quyết khó khăn này,  

DNNVV có thể tìm đến NH để vay vốn, đáp ứng mục tiêu kinh doanh của mình.  Chủ DN khi nhận khoản vay cần phải có nhiều chiến lược kinh doanh hợp lý nhằm  gia tăng lợi nhuận để có thể chi trả những khoản vay đúng hạn. Điều này thúc đẩy  các DN cần quan tâm hơn nữa đến hiệu quả sử dụng vốn, giảm chi phí sản xuất,  tăng vòng quay vốn tạo điều kiện nâng cao khả năng tối đa hoá lợi nhuận. Việc  quản lý vốn thông qua quá trình hạch toán kinh tế góp phần củng cố chế độ kế toán  trong các DNNVV thêm vững chắc nhờ đó việc vay vốn trong những lần tiếp theo  được thuận lợi hơn. Như vậy, nguồn vốn tín dụng NH cấp cho DNNVV đóng vai  trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, bắt kịp xu thế và theo kịp  với nhịp độ phát triển chung, từ đó tạo mình một chỗ đứng vững chắc trong cạnh  tranh. Mặt khác, tín dụng NH cũng tác động mạnh mẽ vào việc tiêu thụ sản phẩm  cho các DN thông qua việc mở rộng tín dụng tiêu dùng; cho vay hoặc bảo lãnh để các tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lưu thông mua bán hàng hoá.  Tuy nhiên, NH chỉ tập trung cho vay những đối tượng hàng hoá có chất lượng cao,  có sức cạnh tranh tốt, qua đó thúc đẩy việc xác lập cơ cấu kinh tế mới theo hướng  hiện đại. Do vậy, để vay được nhiều vốn DN cần nỗ lực phấn đấu phát triển nhằm  nâng cao năng lực SXKD.  

Tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài 

Bên cạnh việc kích thích các tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước thực hiện  tiết kiệm, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn tiền tệ, tín dụng NH còn thu hút  nguồn vốn nước ngoài dưới nhiều hình thức như trực tiếp vay bằng tiền, bảo lãnh  cho DNNVV mua thiết bị trả chậm, sử dụng hạn mức L/C, thanh toán qua mạng  SWIFT…Tín dụng NH trở thành một trong những phương tiện nối liền kinh tế các  nước với nhau bằng các hoạt động tín dụng quốc tế như các hình thức tín dụng giữa  các tổ chức cá nhân (DN) với Chính phủ, giữa các DN ở các quốc gia…Nhờ đó,  quan hệ quốc tế được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đặc biệt là các  DNNVV hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.  

Tóm lại, tín dụng NH có vai trò vô cùng quan trọng đối với DN nói chung và  DNNVV tại Việt Nam nói riêng. Tín dụng NH là cầu nối giữa người có vốn và người  cần vốn, từ đó thúc đẩy tái sản xuất mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển  bền vững. Mặt khác, tín dụng NH còn thúc đẩy các DN tăng cường chế độ hạch toán  kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế, sử dụng hợp lý khoản tiền vay với  mục tiêu mở rộng thị trường, nâng cao vị thế của DN. 

2.1.2.3. Các hình thức tín dụng của ngân hàng đối với DNNVV 

Phân loại tín dụng là việc sắp xếp các khoản cho vay theo từng nhóm dựa trên  một số tiêu thức nhất định. Việc phân loại tín dụng có cơ sở khoa học là tiền đề để  thiết lập các quy trình cho vay thích hợp và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng,  tác giả sử dụng Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định các hình thức cho vay kinh  doanh đối với DN như sau:  

– Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng thực  hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay. 

– Cho vay hợp vốn: Là việc có từ hai tổ chức tín dụng trở lên cùng thực hiện  cho vay đối với khách hàng để thực hiện một phương án, dự án vay vốn. 

– Cho vay lưu vụ: Là việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đối với khách  hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu  kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch  hàng năm. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu  kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá  thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp. 

– Cho vay theo hạn mức: Tổ chức tín dụng xác định và thỏa thuận với khách  hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất  định. Trong hạn mức cho vay, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay từng lần. Một  năm ít nhất một lần, tổ chức tín dụng xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa  và thời gian duy trì mức dư nợ này. 

– Cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng: Tổ chức tín dụng cam kết đảm  bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi mức cho vay dự phòng đã thỏa  thuận. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức  cho vay dự phòng nhưng không vượt quá 01 (một) năm. 

– Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: Tổ chức tín dụng  chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách  hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán.  Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm. 

– Cho vay quay vòng: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho  vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 (một) tháng,  

khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu  kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá 03 (ba) tháng. 

– Cho vay tuần hoàn (rollover): Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận  áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện liên quan đến thời han  vay, số vốn vay, điều kiện trả nợ… 

– Các phương thức cho vay khác. 

2.1.3. Tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của DNNVV  

2.1.3.1. Nền tảng lý thuyết về tiếp cận tín dụng NH của DNNVV 

Lý thuyết phân bổ tín dụng (credit rationing) được đề xuất bởi Stiglitz &  Weiss (1981) cho biết: quy luật cung – cầu tín dụng dựa vào lãi suất không thể giải  thích khả năng tiếp cận tín dụng NH của DNNVV vì ngoài yếu tố lãi suất quyết  định cho vay của NH còn phụ thuộc vào cách NHTM lựa chọn, đánh giá DNNVV  dựa trên thông tin DN mà NH thu thập được. Nghĩa là không phải tất cả DNNVV  đều được cho vay khi đáp ứng được mức lãi suất quy định của NH mà còn dựa vào  tập hợp các thông tin mà NHTM có được về DNNVV. Nói cách khác, dòng chảy  vốn không chỉ tuân theo lý thuyết cung cầu mà là một quá trình xem xét từ lúc  DNNVV nộp hồ sơ vay vốn, NH thẩm định hồ sơ, năng lực của DN để đưa ra quyết  định cho vay. Hơn nữa, theo Stiglitz & Weiss (1981), thông tin bất cân xứng sẽ dẫn  đến việc các NHTM hạn chế cấp tín dụng cho DNNVV mà NH có ít thông tin của  DN liên quan đến tình hình tài chính, mục đích và quá trình sử dụng vốn vay của  DNNVV…Để giảm thiểu rủi ro, NHTM đã thực hiện nghiệp vụ thu thập và xử lý  thông tin về DNNVV và các dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh của  DNNVV, việc sử dụng tài sản thế chấp là phương thức phổ biết nhất để giảm thiểu  rủi ro cho NHTM. Trong nhiều trường hợp, NHTM sẽ quyết định không cấp tín  dụng, cấp ít hơn nhu cầu của DNNVV hoặc cấp tín dụng nhưng với lãi suất cao để bù đắp thiệt hại rủi ro mất vốn có thể xảy ra và các chi phí giao dịch phát sinh khi  cấp tín dụng cho DNNVV (Trần Quốc Hoàn, 2018)

Lý thuyết kinh tế học thể chế: North (1991) đã nghiên cứu khá đầy đủ nội  dung này và chỉ ra rằng thể chế giúp gia tăng cơ chế kiểm soát nhằm đảm bảo các  bên thực hiện đúng cam kết của luật chơi và làm gia tăng chi phí nếu không thực  hiện đúng cam kết trong quá trình hợp tác. Lý thuyết này hàm ý rằng quan hệ tín  dụng giữa NHTM và DNNVV chỉ diễn ra khi các bên tuân thủ luật chơi chung (các  quy định trong hợp đồng tín dụng), các DNNVV sẽ gặp khó khăn trong quá trình  

tiếp cận tín dụng NH nếu DNNVV chưa có thương hiệu, chưa tạo được lòng tin với  NHTM hoặc thiếu các mối quan hệ cần thiết. Do đó, các NHTM thường ưu tiên cấp  tín dụng cho các DN lớn, DN thường xuyên giao dịch với NHTM hơn là cho các  DNNVV, DN mới thành lập vì NH sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để đưa ra “luật  chơi” phù hợp tránh rủi ro tín dụng. 

Lý thuyết mạng lưới quan hệ xã hội: Granovetter (1973) chỉ ra rằng mạng  lưới quan hệ xã hội dùng để chỉ các mối quan hệ xã hội do con người xây dựng, duy  trì và phát triển trong cuộc sống của họ với tư cách là thành viên của xã hội. Lý  thuyết này gợi ý rằng với mạng lưới quan hệ xã hội rộng lớn có thể mang lại cho  DNNVV các cơ hội tiếp cận với các nguồn lực, giảm các chi phí giao dịch, do mối  quan hệ xã hội không những gắn kết các thành viên với nhau mà còn cung cấp  thông tin chính xác, cần thiết cho các bên tham gia mạng lưới. 

Như vậy, có thể kết luận quan hệ cung cầu tín dụng chưa đủ để DNNVV được  NH chấp thuận vay vốn. Quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn chi phối quyết định cho  vay của NH. Do sự thiếu hụt thông tin NH không nắm rõ năng lực kinh doanh, hình  hình tài chính của DN hơn nữa phương án SKKD, báo cáo tài chính của DN không  đáp ứng yêu cầu của NH…nên nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn NH. Điều  cần làm là DN nên hoàn thiện bộ máy quản lý, nâng cao khả năng kinh doanh, xây  dựng thương hiệu đồng thời tạo những mối quan hệ thân thiết chặt chẽ với NH, hiệp  hội DN để có nhiều cơ hội trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ vốn nhằm phát triển DN.  Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã sử dụng yếu tố Năng lực của DN,  Phương án SXKD và Báo cáo tài chính từ Lý thuyết phân bổ tín của Stiglitz & Weiss  (1981); yếu tố Mối quan hệ giữa DN với NH và Quy mô DN từ nghiên cứu Lý thuyết  kinh tế học thể chế của North (1991) và Lý thuyết mạng lưới quan hệ xã hội của  Granovetter (1973). Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu tổng quan tài liệu, các nhà  nghiên cứu đã chỉ ra yếu tố Tài sản đảm bảo và Trình độ của chủ DN có ảnh hưởng  lớn đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV Việt Nam vì vậy tác giả đã sử dụng các  yếu tố nêu trên làm căn cứ để xây dựng tiêu chí, đánh giá kết quả.  

2.1.3.2. Các tiêu chí đánh giá mức độ tiếp cận tín dụng của DNNVV a. Các tiêu chí định tính 

– Mức độ chủ động tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV: được thể hiện  qua tính năng lực của nhà quản lý, nhân viên trong DNNVV; sự lập dự án đầu  tư/phương án sản xuất kinh doanh; tính chủ động trong việc công khai thông tin tài  

chính; chủ động tạo lập mối quan hệ với chính quyền địa phương, các NHTM và  các DN khác…(Trần Quốc Hoàn, 2018) 

– Mức độ chủ động tiếp cận DNNVV của NHTM để vay vốn: được phản ánh  thông qua việc NHTM mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín  dụng của DNNVV; chiến lược kinh doanh của NHTM hướng đến khách hàng DNNVV như: hạ lãi suất, cho vay ưu đãi…; hệ thống hỗ trợ DNNVV trong quá  trình vay vốn… 

– Mức độ chủ động của Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng NH: Chính phủ đề ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi  trong phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn vốn, nâng cao năng lực tài  chính, hỗ trợ cung cấp thông tin, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của  DN. Với những chính sách trên, việc triển khai ở mỗi địa phương lại khác nhau phụ thuộc vào sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, vào sự năng động, tinh  thần trách nhiệm của bộ máy tham mưu, thực thi chính sách ở địa phương (Trần  Quốc Hoàn, 2018)

– Ngoài ra, một số tiêu chí khác cũng cần được quan tâm trong nội dung đánh  giá mức độ tiếp cận tín dụng NH của DNNVV như: mức độ tiếp cận thông tin và  chính sách tín dụng của DNNVV; mức độ đáp ứng các điều kiện, thủ tục vay vốn NH  của DN; thời gian từ lúc làm thủ tục vay vốn đến khi vay được vốn; tỷ lệ số hồ sơ bị 

từ chối vay vốn của các DNNVV; tỷ lệ số lần DNNVV bị từ chối cho vay vốn… b. Các tiêu chí định lượng 

Dựa vào nền tảng lý thuyết và tổng quan tài liệu, luận án đã đưa ra các tiêu  chí định lượng đánh giá tiếp cận tín dụng NH của DNNVV như sau: 

– Số lượng DNNVV làm thủ tục vay vốn: cho biết nhu cầu vay vốn của  DNNVV trong năm liên quan đến số lần có nhu cầu vay, số vốn mong muốn vay/lần. 

– Số lượng DNNVV vay được vốn: cho biết số lượng DN, số vốn vay được,  số lần DN được vay vốn trong năm. Trong đó: 

+ Tỷ lệ DNNVV vay được vốn trên tổng DNNVV đang hoạt động: chỉ tiêu  này cho biết mức độ tiếp cận nguồn tín dụng NH của DNNVV trong từng thời kỳ để từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể (Trần Quốc  Hoàn, 2018)

Số lượng DNNVV vay được vốn 

* 100% 

Tổng số DNNVV 

+ Dư nợ tín dụng bình quân/DNNVV: cho biết số tiền trung bình mỗi  DNNVV vay được là bao nhiêu tại một thời điểm nhất định. So sánh chỉ tiêu này  giữa các thời kỳ, nếu dư nợ tín dụng bình quân có xu hướng tăng cho thấy số tiền  NHTM chấp thuận cấp tín dụng cho mỗi DNNVV có xu hướng tăng lên, qua đó  phản ánh tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV tăng và ngược lại. 

Dư nợ tín dụng bình quân =Dư nợ tín dụng DNNVV 

Số lượng DNNVV còn dư nợ 

+ Tỷ trọng dư nợ của DNNVV trong năm: cho biết trong 100 đồng dư nợ tín  dụng thì có bao nhiêu đồng là dư nợ tín dụng DNNVV. So sánh chỉ tiêu này giữa các  thời kỳ sẽ cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu tín dụng của NHTM. Tùy thuộc vào từng  thời kỳ, chương trình của NHNN mà tỷ trọng tín dụng có sự biến động tăng giảm. 

(Phan Thị Thu Hà, 2013) 

Tỷ trọng dư nợ của DNNVV =Dư nợ của DNNVV trong năm* 100% Tổng dư nợ năm 

– Tăng trưởng dư nợ của DNNVV: cho biết số lượng, tỷ lệ DNNVV vay  được vốn có sự biến động ra sao qua các năm để làm căn cứ giải thích các nhận  định đưa ra. Trong đó:  

+ Mức tăng dư nợ tín dụng DNNVV: phản ánh số tiền mà DNNVV đang vay  của NHTM tại một thời điểm nhất định. Khi ∆ Dư nợ tín dụng > 0 (hay % Dư nợ tín dụng >  0%) thì chứng tỏ số tiền mà DNNVV vay được của NHTM tăng, NHTM có xu  hướng mở rộng tín dụng đối với DNNVV qua đó tiếp cận vốn tín dụng NH của  DNNVV tăng và ngược lại. 

∆Dư nợ tín dụng = dư nợ tín dụng DNNVV(t) – dư nợ tín dụng DNNVV(t-1) 

% Dư nợ tín dụng

∆ Dư nợ tín dụng 

Dư nợ tín dụng DNNVV(t-1) 

x 100% 

+ Tỷ trọng dư nợ tín dụng DNNVV trên tổng dư nợ: cho biết trong 100 đồng  dư nợ tín dụng thì có bao nhiêu đồng là dư nợ tín dụng DNNVV. So sánh chỉ tiêu  này giữa các thời kỳ sẽ cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu tín dụng của NHTM. Nếu  tỷ trọng này có xu hướng tăng cho thấy NHTM chú trọng mở rộng tín dụng  DNNVV và ngược lại. 

Tỷ trọng dư nợ tín dụng DNNVV =Dư nợ tín dụng DNNVVx 100% Tổng dư nợ 

– Sử dụng phương pháp phân tích phương sai 1 biến để đánh giá mức độ khác biệt trong tiếp cận tín dụng NH của DNNVV phân theo quy mô, loại hình DN. – Đánh giá mức độ tiếp cận tín dụng NH thông qua một số tiêu chí khác: 

+ Mức độ tiếp cận “dễ” hoặc “khó”: đây là tiêu chí mang tính chủ quan của  DN nó dựa vào những cảm nhận của DN khi thực hiện quy trình vay tại NH thông  qua thái độ phục vụ của CBTD, yêu cầu về hồ sơ, thời hạn giải quyết hồ sơ… 

+ Chi phí bỏ ra để tiếp cận nguồn vốn vay “cao” hoặc “thấp”: cho biết những  khoản chi phí ngoài mà DN cần phải bỏ ra để tiếp cận nguồn vốn vay từ NH. Nếu  chi phí này cao nghĩa là DN tiếp cận vốn khó khăn hơn và ngược lại. 

+ Thời gian “nhanh” hoặc “chậm” để DN vay được vốn: tiêu chí này cho biết  mức độ hiểu biết chính sách tín dụng NH của DN, tốc độ hoàn thiện hồ sơ của DN,  thời hạn giải quyết hồ sơ vay của NH…Nếu thời gian vay vốn nhanh nghĩa là  DNNVV tiếp cận vốn thuận lợi và ngược lại. 

2.1.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của DNNVV 

Dựa vào nền tảng lý thuyết, kế thừa kết quả nghiên cứu Ajagbe.F.A (2012) và các nghiên cứu khác được trình bày tại Chương 1, tác giả chỉ ra các yếu tố 03  nhóm yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng NH của DNNVV: môi  trường và chính sách kinh tế vĩ mô, từ phía NH, từ phía DNNVV. Các nghiên cứu  có sự khác biệt về không gian và thời gian nên yếu tố và mức độ ảnh hưởng khác  nhau, trong quá trình nghiên cứu, tác giả xin đưa ra một số yếu tố khá phù hợp có  tác động lớn đối với DNNVV và NH tại tỉnh Thái Nguyên như sau: 

a. Các yếu tố thuộc về môi trường và chính sách kinh tế vĩ mô 

Hoạch định chính sách phù hợp và hiệu quả là giải pháp quan trọng trong  việc thức đẩy tiếp cận tín dụng NH của DNNVV. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ vay vốn đối với DN được ban hành từ phía NHNN sẽ có hiệu quả lớn đến tiếp cận  vốn vay của DN, giúp DN có thể chủ động ứng phó các bất ổn trong kinh doanh  (Đặng Thị Huyền Thương, 2015). Sự lúng túng, chậm trễ tái cơ cấu tổng thể nền  kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và cải cách thể chế (trong đó cải  cách thủ tục hành chính được coi là then chốt) được xem là nguyên nhân tác động  đến việc tiếp cận vốn của DN (Phạm Ngọc Long, 2015). Trong giai đoạn suy thoái  

kinh tế hiện nay, nền kinh tế lạm phát cao với chính sách thắt chặt tiền tệ của  NHNN, nổi bật là quy định hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với các NHTM; vì vậy,  các NHTM cũng đã hạn chế cho vay, khiến cho các DNNVV từ trước vốn đã rất  khó tiếp cận với vốn tín dụng NH ngày càng khó khăn hơn (Nguyễn Thị Minh Huệ2012). Theo Nguyễn Văn Lê (2012) trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn, DNNVV  chịu ảnh hưởng không nhỏ nên để tiếp tục duy trì sản xuất nhu cầu vốn là rất lớn vì  vậy các NH cần tiếp tục tạo điều kiện, nới lỏng quy định để DN dễ dàng tiếp cận  hơn với nguồn tín dụng. Hơn nữa, với điều kiện quốc tế hóa mạnh mẽ như hiện nay,  hoạt động của các NH và DN không chỉ chịu ảnh hưởng của môi trường kinh tế trong nước mà cả môi trường kinh tế quốc tế bao gồm các vấn đề liên quan đến tình  hình chính trị, vấn đề ký kết các hiệp định quốc tế hoặc những chính sách được ban  hành bởi quốc gia có quan hệ kinh tế với Việt Nam (Hạ Thị Thiều Dao, 2012). 

Hơn nữa, DNNVV rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương  trong việc thành lập và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phát triển. Chính  quyền địa phương sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách chung của Nhà nước vào đặc  thù của mỗi địa phương. Sự quan tâm của chính quyền địa phương còn thể hiện ở 

việc xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ riêng của địa phương đối với  DNNVV như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng NH, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ về đào tạo…Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của các DNNVV trong quá trình thực  thi các cơ chế chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của DNNVV (Trần Quốc Hoàn, 2018). 

b. Các yếu tố từ phía NH 

Lãi suất  

Lãi suất là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến chất lượng tín dụng, là  tâm điểm của chính sách tín dụng của NHTM, lãi suất đầu vào – đầu ra quyết định  đến chi phí và thu nhập của NH. Trong đó, lãi suất vay vốn là điều DNNVV quan  tâm khi đưa ra quyết định vay của mình. Theo Ajagbe.F.A (2012), Nguyễn Hồng Hà  (2013), Hồ Kỳ Minh (2013) NH đưa ra lãi suất cao ngoài sức chịu đựng của DN  thậm chí có nhiều chi phí phát sinh trong quá trình vay đã làm nản lòng các DN vì  vậy DN sẽ hướng tới các hình thức vay vốn khác. Hồ Kỳ Minh (2013) chỉ ra rằng:  khoảng 78,5% số DN được hỏi cho rằng NH đưa ra lãi suất cao ngoài sức chịu đựng  của DN là 1 trong những khó khăn trong vấn đề vay vốn của DNNVV. Vì vậy, để 

tăng cường hoạt động cho vay các NH cần áp đặt mức lãi suất cho vay khác nhau  với hình thức, quy định cho mỗi nhóm khách hàng nhằm giải ngân nhiều hơn thêm  vào đó các quy định về giám sát nguồn vốn cần thực hiện sát sao hơn nhằm đảm  bảo hạn chế rủi ro tín dụng. 

Thủ tục cho vay 

Bao gồm những quy định cần phải thực hiện trong quá trình cho vay, thu nợ nhằm đảm bảo an toàn vốn tín dụng. Trên thực tế, những quy định cứng nhắc của  NH như: không giảm tiêu chuẩn cho vay, quy định khắt khe về tài sản đảm bảo  (TSĐB), định giá tài sản đảm bảo thấp, thủ tục vay vốn rườm rà đã ảnh hưởng trực  tiếp khả năng đáp ứng tiêu chuẩn vay của DN vì không phải DN nào cũng có đủ năng lực, trình độ đáp ứng thủ tục thường xuyên có sự thay đổi (Hồ Kỳ Minh, 2013;  Hạ Thị Thiều Dao, 2014). Trên thực tế, thủ tục, điều kiện tín dụng trên nền tảng  quản trị rủi ro tín dụng mới “siết chặt” trở nên phức tạp và quá sức đối với các  DNNVV đã cản trở việc tiếp cận tín dụng NH.  

Trình độ của cán bộ tín dụng 

Đối với cán bộ tín dụng (CBTD), khi làm việc phải có sự nhạy bén, linh hoạt  xử lý mọi vấn đề, không áp dụng nguyên tắc một cách máy móc, cứng nhắc để có  thể vừa thu hút được khách hàng vừa đảm bảo an toàn khoản vay cũng như tăng sự cạnh tranh cho NH. Đây không chỉ đơn thuần là một nghiệp vụ mà nói đúng hơn đó  là nghệ thuật trong kinh doanh. Nguyễn Hồng Hà (2013) cho rằng thái độ của  CBTD ảnh hưởng cùng chiều đến tiếp cận vốn của DNNVV. CBTD có trình độ,  chuyên môn tốt sẽ hoàn thiện hồ sơ vay tốt hơn với mức độ an toàn tín dụng tốt và  ngược lại. Việc đơn giản hóa thủ tục, cải thiện mối quan hệ giữa nhân viên NH và  DNNVV, đa dạng loại hình thế chấp của DN đóng vai trò quan trọng trong việc  tăng cường tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của DNNVV (CIEM2, 2011). 

Quy định về tài sản đảm bảo 

Hiện nay, 80% các NHTM đều cho vay có yêu cầu tài sản đảm bảo với  những yêu cầu về thủ tục rườm ra, khắt khe (Viện phát triển DN, 2015). Trong khi  văn bản quy định trong nhiều loại tài sản không rõ ràng gây khó khăn cho DN và  cán bộ tín dụng. Điều này làm cản trở DN khi hoàn thiện hồ sơ vay vốn cũng như số 

2 Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: http://www.ciem.org.vn 

tiền được vay (Hồ Kỳ Minh, 2013; Nguyễn Thị Minh Huệ, 2012). Trên thực tế,  nhiều NHTM đã triển khai các gói tín dụng không cần TSĐB và phần nào đã giải  quyết được nhu cầu vốn của DNNVV. Tuy nhiên, chính sách này chưa nhiều và có  những ràng buộc đặc thù nên không phải DN tiếp cận được.  

c. Các yếu tố từ phía DNNVV 

Tài sản đảm bảo của DNNVV 

Các DN có giá trị TSĐB lớn thường có khả năng vay vốn NH dễ dàng hơn vì  NH nhận thấy DN đảm bảo trả nợ cao hơn, rủi ro tài chính thấp hơn…Hơn nữa, khi  DN sở hữu nhiều tài sản cố định hữu hình bị phá sản, giá trị tổn thất thường thấp hơn  các DN sở hữu nhiều tài sản cố định vô hình (De Jong và cộng sự, 2008;  Daskalakis và Psillaki, 2009; Bevan và Danbolt, 2004). Với thị trường tiền tệ và thị 

trường vốn thiếu thông tin, chất lượng thông tin thiếu minh bạch như ở Việt Nam  vấn đề thông tin bất đối xứng trở nên rõ rệt nên yêu cầu TSĐB gần như trở thành  điều kiện bắt buộc cho bất cứ DN tìm kiếm các khoản vay. DN sở hữu các tài sản cố định có giá trị cao dùng làm tài sản thế chấp sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay NH hơn. 

Mối quan hệ của DN với NH 

Hiện nay, việc DN thường xuyên vay vốn tại một số NH chiếm tỷ lệ khá  nhiều. Chủ DN tạo được mối quan hệ thân thiết với NH việc huy động vốn có nhiều  thuận lợi hơn (Khalid Hassan Abdesamed, 2014). Theo chủ DN nếu có quan hệ tốt  với NH sẽ giúp DN hoàn thiện nhanh hơn các thủ tục do đã nắm được quy định của  NH. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp sẽ có những khoản ưu đãi vay được giới thiệu  từ lãnh đạo NH do DN có mối quan hệ thân thiết với NH. Nghiên cứu của Wagema  G. Mukiri (2011) cho rằng những đặc điểm của chủ DN sẽ hình thành phong cách  kinh doanh và cách thức vay vốn của DN. Bằng phương pháp phân tích hồi quy đa  biến, Trần Quốc Hoàn (2018) đã chỉ ra mối quan hệ giữa DN và NH có tác động  thuận chiều đến tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV. 

Năng lực sản xuất kinh doanh của DN 

Theo Huang và Song (2006), Qian và các cộng sự (2009), Trần Đình Khôi  Nguyên và Ramachandran (2006), Võ Trí Thành (2011) các DN với lợi nhuận cao sẽ tăng cường vay NH để mở rộng SXKD. Ngoài ra, nếu DN có năng lực kinh doanh tốt  sẽ khiến cho lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai sẽ cao, làm tăng khả năng vay được  vốn so với các DN khác. Như vậy, năng lực kinh doanh của DN có quan hệ thuận  

chiều với tỷ lệ nợ và tín dụng NH. Ricardo N. Bebczuk (2004) chỉ ra rằng những yếu  tố như: doanh thu DN, sự quay vòng vốn, mối quan hệ với NH, sử dụng tín dụng thấu  chi đóng vai trò quyết định đến khả năng vay vốn của DNNVV. Hiện nay, với quy  mô vốn nhỏ, TSĐB ít, khả năng lập dự án còn yếu, thông tin thiếu minh bạch…đã  làm cho NH không thật sự tin vào khả năng trả nợ cũng như sự phát triển của DN dẫn  đến việc tiếp cận vốn NH là rất khó khăn (Nguyễn Hồng Hà, 2013)

Báo cáo tài chính của DN 

Theo Nguyễn Thị Minh Huệ, (2012), Nguyễn Hồng Hà (2013), Trần Trung  Kiên (2015), Phạm Ngọc Long (2015)…báo cáo tài chính (BCTC) là một trong  những yếu tố cản trở việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của DNNVV tại NH do  những quy định mang tính cơ học khiến DN khó đáp ứng yêu cầu từ phía NH.  CBTD thường quan tâm đến các chỉ tiêu kinh tế trong BCTC của DN theo đó các  chỉ số cần lớn hơn 1 hoặc đáp ứng sự tăng trưởng dương sẽ đủ điều kiện để được  chấp nhận. Tuy nhiên, BCTC lại liên quan đến nhiều bên và cần phản ánh tình hình  SXKD của DN nên đa số các chỉ tiêu kinh tế không đáp ứng yêu cầu của NH.  CBTD hướng dẫn chỉnh sửa, DN lúng túng trong quá trình hoàn thiện BCTC làm  mất nhiều thời gian và thậm chí DN không đáp ứng được yêu cầu nên để hoàn thành  hồ sơ nhiều DN đã bỏ ra một số chi phí ngoài cho CBTD hoặc 1 bên thứ 3 giúp  hoàn thiện nhằm rút ngắn thời gian vay vốn. 

Quy mô của DN 

Quy mô của DN liên quan đến nhiều nội dung như: quy mô vốn, tài sản, số  lượng lao động. thời gian hoạt động, ngành nghề kinh doanh…Nghiên cứu của  Đặng Thị Huyền Thương (2015) đã chỉ ra rằng: đặc điểm kinh doanh của DN; thời  gian hoạt động của DNNVV; lịch sử tín dụng của DN có tác động không nhỏ đến  tiếp cận tín dụng NH của DN. Hơn nữa, thời gian hoạt động, nguồn vốn DN cũng  như ngành nghề kinh doanh của DN quyết định DN được vay vốn ra sao. Nhiều  nghiên cứu cho thấy rằng có một mối quan hệ tích cực giữa sự vay vốn với quy mô  DN (Darwin và Rodolfo, 2009; Ozkan, 2001; Fama và French, 2002; Chen, 2004;  Trần Đình Khôi Nguyên và Ramachandran, 2006…

Phương án sản xuất kinh doanh của DN 

Một DN xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, rõ ràng sẽ giúp quá trình  vận hành của DN thuận lợi hơn. Hơn nữa, phương án kinh doanh tốt là cơ sở để xác  định lượng vốn mà NH có thể cho DN vay, khi đã có sự chuẩn bị trước thì phương  

án kinh doanh khả thi sẽ giúp DN có hướng sản xuất hiệu quả trong thời gian tới.  Nguyễn Hồng Hà (2013) nhận thấy phương án kinh doanh tốt sẽ giúp DN dễ dàng  vay vốn NH hơn với hạn mức tín dụng cao hơn. Theo Hồ Minh Kỳ (2013) lý do  phương án kinh doanh không khả thi vì hạn chế về tầm nhìn, không có chiến lược  cụ thể, rõ ràng, rất nhiều DN không có kế hoạch kinh doanh cụ thể trong ngắn hạn  và chiến lược trong dài hạn. Việc xây dựng phương án kinh doanh thực chất chỉ là  đối phó với yêu cầu từ phía NH. Điều này làm giảm độ tin cậy của NH vào năng lực  kinh doanh và sự trả nợ của DN, ảnh hưởng đến tiếp cận vốn NH của DNNVV. 

Trình độ của chủ DN 

Trình độ, chuyên môn, giới tính, kinh nghiệm kinh doanh của chủ DN ảnh  hưởng lớn đến sự vay vốn của DN đặc biệt trong vấn đề liên quan đến tính pháp lý,  thủ tục trong quá trình vay vốn. Theo Ajagbe.F.A (2012) giới tính, tuổi tác, tình  trạng hôn nhân, lịch sử gia đình, vốn, tài sản, lãi suất và mức độ giáo dục là những  đặc điểm ảnh hưởng đến tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng của DN có quy  mô nhỏ. Wagema G. Mukiri (2011) cho rằng những đặc điểm của chủ DN sẽ hình  thành phong cách kinh doanh và cách thức vay vốn của DN. Độ tuổi, giới tính, kinh  nghiệm của chủ DN đôi khi cũng tác động đến tiếp cận vốn của DNNVV mặc dù  chủ yếu sẽ là yếu tố tác động, thúc đẩy việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với  NH. Theo Trần Quốc Hoàn (2018) năng lực của lãnh đạo DN và đội ngũ cố vấn có  tác động thuận chiều đến tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV. Tuy nhiên trong  nền kinh tế hội nhập toàn cầu, sự thay đổi trong chính sách diễn ra liên tục với sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã khiến chủ DN cần thường xuyên cập nhật và  nắm bắt xu thế. Do vậy, tác giả nhận thấy nếu Chủ DN xử lý tốt các tình huống phát  sinh trong kinh doanh sẽ giúp DN có nhiều cơ hội trong phát triển. Vì trong quá  trình sản xuất cơ hội và thách thức luôn song hành nếu chủ DN tỉnh táo, nhạy bén  trong việc xử lý các vấn đề sẽ thúc đẩy sự phát triển của DN. Khi DN có vị thế, DN  sẽ có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các nguồn tín dụng trong đó có tín dụng NH.  Hơn nữa, những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều văn bản luật về phát triển DNNVV trong đó có hỗ trợ tài chính, từ đó NHNN đã chỉ đạo các NHTM  đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đa dạng, hấp dẫn cho DNNVV. Các chính sách ưu  đãi tín dụng tại mỗi NHTM có sự khác biệt về đối tượng, mục đích, nguồn vốn, thời  hạn…nếu Chủ DN nắm bắt thông tin về chính sách tín dụng của NH kịp thời sẽ giúp DN có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các gói tín dụng ưu đãi, nhờ đó giảm  

thiểu chi phí, hạ giá thành sản phẩm giúp DNNVV có khả năng cạnh tranh tốt hơn  trên thị trường. 02 quan sát này theo tác giả nghiên cứu có ý nghĩa phản ảnh trình độ của Chủ DN tại các DNNVV tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Mà  các nghiên cứu trước đây hầu như chưa đề cập. Vì vậy, luận án sẽ bổ sung 02 quan  sát Chủ DN xử lý tốt các tình huống phát sinh, Chủ DN luôn chia sẻ thông tin với  người lao động trong yếu tố Trình độ của chủ DN làm nội dung phân tích mới  trong luận án nhằm nghiên cứu mức độ tác động của 02 quan sát đến tiếp cận tín  dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

2.2. Bài học kinh nghiệm về tiếp cận tín dụng NH của DNNNVV 2.2.1. Kinh nghiệm của Chính phủ các nước 

Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy các quốc gia thường sử dụng  các biện pháp như: bảo lãnh tín dụng, cho vay trực tiếp, hỗ trợ lãi suất vay  vốn…(Phụ lục 02). Tùy vào đặc thù của các quốc gia và DN, sức ảnh hưởng của  các chính sách có sự khác biệt. Đối với đặc thù của Việt Nam, tác giả nhận thấy một  số chính sách của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có những nét tương đồng và khả 

năng áp dụng nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng NH của DNNVV. 2.2.1.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản 

Nhật Bản là một quốc gia được biết đến với cái tên “Vương quốc của các  doanh nghiệp”. Trong đó, DNNVV Nhật Bản chiếm 99,7% (tương đương 4,21 triệu  DN) tổng số DN của cả nước, sử dụng 70% lao động của cả nước (24,7 triệu lao  động) và tạo ra hơn 50% giá trị gia tăng trong ngành sản xuất (56.000 tỷ yên, tương  đương khoảng 721 tỷ USD) (Nguyễn Hà Phương, 2012). Điều này có được là do  Chính phủ Nhật Bản luôn duy trì những chính sách hỗ trợ tối đa cho khối DN này  trong đó chính sách hỗ trợ tại chính được Chính phủ quan tâm rất nhiều. Cụ thể:  Chính phủ cho vay tiến hành cho DNNVV vay trực tiếp thông qua NH với các  khoản vay dài hạn không có lãi hoặc lãi suất rất thấp để nâng cao trình độ công  nghệ của DN nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh (Phạm Thái Hà, 2018). Việc cho  vay không cần tài sản thế chấp tương đối phổ biến và hiệu quả: Các tổ chức tài  chính, NH Nhật Bản có thể tiến hành cho vay chỉ dựa trên tín chấp hoặc thông qua  việc đánh giá phương án SXKD của DN. NH hợp tác Trung ương Công thương  Nhật Bản thường hỗ trợ cho các DNNVV đang bị suy yếu với những khoản vay tín  chấp nhằm hỗ trợ DN trong thời kỳ khó khăn hoặc các DN mới thành lập có thể 

được NH chấp thuận cho vay không cần tài sản đảm bảo tối đa khoảng 10 triệu  Yên…Hệ thống bảo lãnh đặc biệt hoạt động từ năm 1998 có chức năng như một  mạng lưới an toàn, nhằm giảm nhẹ những rối loạn về tín dụng và góp phần làm  giảm các vụ phá sản của DNNVV (Vũ Quốc Tuấn, 2009)

2.2.1.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc 

Vào đầu những năm 1980, Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến  khích DNNVV nâng cao vị thế của mình nhằm tương xứng với kỳ vọng của Chính  phủ, qua đó định hướng phát triển DNNVV trở thành những doanh nghiệp vệ tinh  cung cấp bán thành phẩm cho các tập đoàn lớn. Trong đó hệ thống hỗ trợ tài chính  cho DNNVV bao gồm: hệ thống bảo lãnh tín dụng trực thuộc NH Trung ương, các  cơ cấu tài chính khác thuộc Chính phủ và chính sách thuế. Chính phủ bắt buộc các  NH dành 35% toàn bộ vốn vay của mình cho DNNVV, đối với các NH nước ngoài  và tổ chức bảo hiểm tỷ lệ là 25%. Các Quỹ bảo lãnh tín dụng tạo điều kiện cho  DNNVV có điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi. Hệ thống bảo lãnh tín dụng của  Hàn Quốc cho đến nay đã hỗ trợ tài chính cho DNNVV được thành lập và chia theo  ba kênh chính: Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Ngoài ra, các DNNVV có thể huy  động vốn qua các kênh như phát hành trái phiếu, tiền gửi nhận được từ Quỹ quản lý  vốn theo Luật Quản lý quỹ công cộng…(Trần Trọng Huy, 2013). Chính phủ thiết  lập hệ thống thanh tra hợp nhất, tái cấp vốn cho các NH cung ứng tín dụng ra thị trường và thực hiện mua bán các khoản nợ xấu của NH qua các công ty KAMCO – 

Công ty mua bán nợ xấu (Nguyễn Thị Hồng Nhung, 2016). Với những chính sách  ưu đãi không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà chính phủ Hàn Quốc tính đến hết năm  2017, số lượng DNNVV chiếm khoảng 99,9% tổng số DN, đóng góp trên 102,9  triệu đô la Mỹ từ việc xuất khẩu và giải quyết được việc làm cho hơn 87,7% trên  tổng dân số đang ở độ tuổi lao động. 

2.2.1.3. Kinh nghiệm của Đài Loan 

Chính quyền đã thực hiện các biện pháp khuyến khích NH cung cấp tín dụng  cho DNNVV như: điều chỉnh lãi suất, quy định tỷ lệ cung cấp tín dụng cho  DNNVV tăng lên hàng năm. NH Trung ương yêu cầu NHTM phải thành lập phòng  tín dụng dành cho DNNVV tạo điều kiện cho khu vực DN này tăng khả năng tiếp  cận với nguồn vốn NH. Nhằm khuyến khích việc thiết lập quan hệ dài hạn giữa các  NH và DNVVN, Đài Loan đã khởi xướng một một dự án đặc biệt vào ngày  

1/7/2005 với tiêu đề “NH địa phương tăng vốn vay cho DNNVV”, với mục tiêu ban  đầu là các NH trong nước giải ngân số vốn vay 6,24 tỷ USD cho DNNVV từ tháng  6/2005 đến tháng 6/2006. Kết quả hoạt động của từng NH sẽ được đánh giá làm cơ  sở để đưa ra những phần thưởng tương ứng cho các NH. Đối với DNNVV, Chính  phủ thành lập trung tâm hướng dẫn và hỗ trợ chung cho DNNVV nhằm cung cấp  cách thức tiếp cận các nguồn tài chính cho DN, phối hợp với các tổ chức tài chính  giải quyết khó khăn về cung cấp tín dụng, hỗ trợ đào tạo quản lý tài chính. Đồng  thời, có các chương trình miễn phí cho các DNNVV cải thiện hệ thống kế toán, tăng  cường sự vạch kế hoạch kinh doanh, cải thiện các biện pháp thu hồi vốn (Nguyễn  Thế Bính, 2013). 

2.2.2. Kinh nghiệm tại các địa phương trong nước  

Hỗ trợ tín dụng NH cho các DN du lịch tại Bắc Ninh: đối với các DN hoạt  động trong lĩnh vực du lịch được ngân sách tỉnh xem xét hỗ trợ 100% phần chênh  lệch giữa lãi suất vay vốn ưu đãi của Nhà nước và lãi suất vay vốn của các NH mà  cơ sở kinh doanh vay để đầu tư xây dựng khu du lịch trên địa bàn tỉnh trong 3 năm  đầu. Từ khi chính sách ra đời năm 2008, một số DN tại các huyện có địa điểm du  lịch tâm linh, làng nghề truyền thống đã tiếp cận được nguồn vốn, tập trung xây  dựng các khu vực thăm quan, nghỉ dưỡng kết hợp ăn uống phục vụ du khách khi  đến những địa điểm du lịch trên. Nhờ đó, số lượng du khách dừng chân tại Bắc  Ninh nhiều hơn với thời gian lâu hơn và chi tiêu cho các dịch vụ du lịch tăng lên.  Điều này đã góp phần giúp du lịch của tỉnh đạt được một số chỉ tiêu như: thu nhập  du lịch đến năm 2018 đạt 2.800 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP của  tỉnh đạt xấp xỉ 4%. 

Nâng cao giá trị chương trình đối thoại giữa NH – DN và hỗ trợ phương thức  vay vốn cho DNNVV tại Khánh Hòa: chính quyền địa phương tổ chức chương trình  DN – NH đối thoại và ký hợp đồng vay vốn; hỗ trợ DN vay vốn lãi suất ưu đãi; gắn  kết Chương trình kết nối NH – DN với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội  của tỉnh. Hỗ trợ các NHTM tổ chức những lớp tập huấn cho DN về quy trình và thủ 

tục vay vốn, kiến thức và kỹ năng xây dựng – quản lý dự án đầu tư. Khuyến khích  các NHTM đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đổi mới các dịch vụ cung cấp cho  DNNVV như dựa trên tài sản cho vay, dựa trên tài sản cố định, cho thuê tài chính (UBND tỉnh Khánh Hòa, 2015). Tính đến hết năm 2018, đã có hơn 4.000 DN mới  thành lập và tạo thêm gần 20.000 chỗ làm việc mới, 65% số lượng DNNVV được  

vay tại các tổ chức tín dụng, dư nợ cho vay các DNNVV chiếm 40% tổng dư nợ cho  vay toàn tỉnh. Đóng góp của các DN chiếm 30% tổng thu ngân sách trên địa bàn. 

Phát huy sức mạnh tổng thể của các ban ngành tại tỉnh Lạng Sơn trong hỗ trợ DN vay vốn các tổ chức tín dụng: Với đặc thù DN có quy mô nhỏ, khả năng cạnh  tranh và tiếp cận vốn của DN kém, những năm gần đây chính quyền và các cơ quan  liên quan tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp DN tiếp cận tốt hơn  các nguồn tín dụng, đặc biệt là tín dụng NH. Cụ thể: Về phía UBND tỉnh, tỉnh đã xây  dựng Đề án phát triển DN Lạng Sơn đến năm 2025; thành lập tổ công tác giải quyết  khó khăn, vướng mắc về vốn cho DN, thực hiện các chương trình kết nối NH – DN.  Tỉnh thực hiện ký kết bảo lãnh cho DN vay vốn NH để thực hiện các dự án phát triển  kinh tế – xã hội của tỉnh đến hết năm 2020. Tỉnh cũng quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn của Quỹ phát triển DNNVV Trung ương và nguồn từ các  quỹ hỗ trợ do tỉnh thành lập. Về phía NH, chủ động kết nối, đối thoại với DN để nâng  cao hiệu quả phối hợp, tăng trưởng tín dụng, tạo thuận lợi cho các DN có triển vọng  phát triển nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn NH để phục vụ sản  xuất, kinh doanh; NH đã chủ động tiếp cận DN để tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh  doanh, nhu cầu vay vốn, tư vấn, giúp DN tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Kết quả:  trong 6 tháng đầu năm 2019, các NH trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác huy động  vốn và đẩy mạnh hoạt động cho vay; kết quả, tổng nguồn vốn huy động của các NH  trên địa bàn là 27.830 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng dư nợ cho  vay là 28.625 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2018, trong đó, mức lãi suất huy  động và cho vay tương đối ổn định. Tính đến ngày 15/6/2019, toàn tỉnh có 950 DN có  quan hệ vay vốn với các NH với tổng dư nợ gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng  dư nợ (Báo cáo kết quả kinh doanh của NHNN tỉnh Lạng Sơn, 2019). 

2.2.3. Kinh nghiệm tại các NH 

Kinh nghiệm của các NH Hàn Quốc: để tăng cường quan hệ tín dụng giữa  NH và DN, các NH thực hiện một số biện pháp sau: tăng cường công tác phát triển  công nghệ thông tin, sản phẩm ngày càng đa dạng, có phòng VIP để phục vụ những  đối tượng DN khác nhau…thay vì tập trung vào các tập đoàn kinh tế lớn (Chaebol)  như trước đây. Hơn nữa, để nâng cao chất lượng tín dụng đối với DNNVV các NH  Hàn Quốc rất chú trọng việc tự cải tổ chính hệ thống NH bằng cách công bố những  NH có nợ xấu cao và cho phá sản NH yếu kém. Ngoài ra Chính phủ khuyến khích  

NH cạnh tranh ra thị trường thế giới và tăng lòng tin của DN đối với NH…(Trần  Trọng Huy, 2013). 

Kinh nghiệm của NH Wells Fargo, Mỹ: Wells Fargo được thành lập năm  1852, là một trong năm NH lớn nhất tại Mỹ. Để gia tăng số lượng DNNVV vay vốn  tại NH, NH đã thực hiện nhiều chiến lược marketing như sau: phân nhóm DN để có  sự tư vấn phù hợp; chú trọng đổi mới tiếp thị sản phẩm đến từng DNNVV thông  qua việc gửi thông tin sản phẩm trực tiếp qua đường bưu điện và gọi điện thoại tiếp  thị; tiếp xúc trực tiếp DNNVV qua các cuộc hội thảo, hội nghị để giới thiệu và  hướng dẫn DNNVV về các lựa chọn tài chính, phát triển thị trường, kỹ năng quản  lý…(Trần Quốc Hoàn, 2018). 

Kinh nghiệm của NH ICICI, Ấn Độ: ICICI được thành lập năm 1955, là  NH tư nhân lớn nhất Ấn Độ. ICICI đã bắt đầu chiến lược hướng vào khách hàng  DNNVV từ năm 2003 và chỉ sau đó 4 năm, dư nợ tín dụng DNNVV tăng gấp 3 lần  (International Finance Corporation, 2009). Kinh nghiệm của ICICI nổi bật ở 2 nội  dung: Thứ nhất, phân chia DNNVV thành ba nhóm nhằm phát triển các hệ thống  quản lý rủi ro và hệ thống thông tin quản lý riêng biệt. Thứ hai, đánh giá xếp hạng  tín nhiệm DNNVV bằng việc phát triển hệ thống “Đánh giá rủi ro tín dụng 360 độ”  nhờ đó giúp ICICI có thể mở rộng tín dụng DNNVV, gia tăng lợi nhuận cho NH. 

Kinh nghiệm của Vietinbank: Hiện nay, ngoài tập trung vào hỗ trợ lãi suất  thông qua các Chương trình Kết nối NH – DN, NH còn “mở lối riêng” bằng nhiều  gói dịch vụ khác nhau tập trung hỗ trợ rất mạnh nhóm DNNVV. Cụ thể: ngoài  chương trình ưu đãi lãi suất dành riêng cho phân khúc SME hay các sản phẩm đặc  thù, VietinBank còn tung ra “Combo 6 trong 1” dành riêng cho khách hàng SME  mới, theo đó lãi suất vay ưu đãi của Chương trình Đồng hành của khách hàng vừa  và nhỏ, DN được hỗ trợ, giảm chi phí các dịch vụ quản lý dòng tiền, tài trợ thương  mại…NH đã ra mắt VietinBank SME Club với sự tham gia của 800 thành viên cao  cấp SME, chiếm 1,8% khách hàng SME tại VietinBank. Hiệu quả là khá rõ rệt khi  số lượng DNNVV vay được vốn tăng mạnh với tổng dư nợ cho vay SME của  VietinBank đã tăng tới 16.000 tỷ đồng, đạt gần 165.000 tỷ đồng tính đến hết tháng  6/2017. “Mảnh đất” SME màu mỡ từ chỗ chỉ được các NH cỡ vừa và nhỏ khai thác,  nay đang thực sự được khai phá và mở rộng bởi các NH lớn, không chỉ bằng dòng  

vốn tín dụng thông thường mà còn bằng nhiều “lối riêng” (Báo cáo kết quả kinh  doanh của Vietinbank năm 2017). 

2.2.4. Kinh nghiệm tiếp cận vốn tín dụng NH của một số DNNVV của Việt Nam 

Để nâng cao tiếp cận vốn cho DN trên địa bàn tỉnh Đà Nẵng, Hiệp hội  DNNVV thành phố Đà Nẵng đã thành lập công ty TNHH một thành viên Trung tâm  hỗ trợ và phát triển DNNVV Đà Nẵng với các mục tiêu đào tạo, tư vấn, hỗ trợ DN  trong quá trình hoạt động kinh doanh. Trong đó, hỗ trợ DN vay vốn đầu tư phát  triển sản xuất kinh doanh là mục tiêu quan trọng được duy trì với các hoạt động  như: tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, đối thoại có mời lãnh đạo thành phố, Ngân  hàng Nhà nước đến tham dự; tư vấn hỗ trợ DN lập hồ sơ vay vốn…nhờ đó nhiều  chương trình hỗ trợ tín dụng của NH được ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn  của DN, số lượng DNNVV tiếp cận vốn tăng lên. 

Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, Khánh Hòa là 1 trong 10 DNNVV tốt  nhất Châu Á năm 2013 được tạp chí Forbes công bố chia sẻ kinh nghiệm vay vốn  tại các NH như sau: Với một DN cần phải tiếp cận vốn ngân hàng thì điều kiện cốt  lõi nhất là DN đó càng minh bạch càng tốt trong hoạt động kinh doanh của mình.  Thứ 2 là DN đó đang hoạt động và có tăng trưởng trong ngành của mình. Thứ 3 là  DN cần chuẩn bị và làm quen với điều kiện NH về sự đồng nhất, chuẩn chỉnh của  số liệu tài chính. Khi đáp ứng được các điều kiện này, cơ hội DN được NH chấp  thuận cho vay là rất cao. 

Theo lãnh đạo công ty công ty TNHH sản xuất và thương mại Khánh Nghĩa,  Hà Nội để tiếp cận được nguồn tín dụng NH DN nên có mối quan hệ thường xuyên  với một số NH để có thể nắm vững các quy định trong hồ sơ vay vốn. Khi có nhu cầu  vay vốn DN cần phải thuyết phục được NH về mặt hiệu quả của phương án một cách  rõ ràng như: khó khăn và thuận lợi của dự án, chi phí ban đầu, doanh thu, kế hoạch  trả nợ…như vậy sẽ tăng khả năng vay được nguồn tín dụng NH của DNNVV. 

2.2.5. Bài học kinh nghiệm  

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và địa phương của Việt Nam  trong việc hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV, luận án rút ra một số bài học kinh nghiệm  phù hợp với Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng và NH, DNNVV trong  mục tiêu tăng cường tiếp cận tín dụng NH đối với DNNVV như sau:  

Đối với Chính phủ 

– Hoàn thiện hệ thống luật pháp hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi tối đa cho các DNNVV. Việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp các tổ chức tài chính và DNNVV yên tâm kinh doanh – đây là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. 

– Xây dựng một hệ thống các tổ chức tài chính phục vụ cho nhu cầu vốn của các DNNVV từ trên xuống dưới với nhiều loại hình khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của DN. Tháng 03 năm 2018, Chính phủ đã ký Nghị định số 34/2018/NĐ – CP về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV điều này sẽ tạo cơ hội cho  

DN trong tiếp cận vốn. Ngoài ra, Chính phủ có thể: lập quỹ tín dụng nhằm giúp cho  các DN khởi nghiệp, DN kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ mới, DN kinh  doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với mức lãi suất thấp hoặc không  lãi suất trong thời gian từ 3 đến 5 năm – đây là những loại hình kinh doanh chưa  nhận được nhiều khuyến khích phát triển. 

– Khuyến khích sự phát triển của các công ty đầu tư mạo hiểm, công ty mua bán nợ. Chính phủ có thể dành cho công ty đầu tư mạo hiểm một số ưu đãi về tài chính, hỗ trợ pháp luật và công nghệ nhằm hình thành nhiều hơn các Start – up. Ngoài ra, cần thành lập các công ty mua bán nợ – là đầu mối giữa NH và DN trong việc xử lý các khoản nợ nhanh chóng và có hiệu quả đối với DN kinh doanh thua lỗ. 

Đối với tỉnh Thái Nguyên 

– Khuyến khích các NHTM đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đổi mới dịch vụ cung cấp cho DNNVV như dựa trên tài sản cho vay, tài sản cố định, cho thuê tài chính…Tổ chức các lớp tập huấn thông qua chương trình khuyến công để phổ biến kiến thức về quản lý tài chính, kế toán để DN áp dụng chuẩn mực kế toán, minh bạch hóa thông tin tài chính, kiểm toán báo cáo tài chính, tạo điều kiện để NHTM xem xét cho vay. 

– Tăng cường năng lực và chất lượng hoạt động của các quỹ tín dụng nhân  dân, phát triển vững chắc, an toàn quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, mở rộng tín  dụng cho DNNVV, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tư vấn tài chính, quản lý đầu tư  và các dịch vụ hỗ trợ khác cho DNNVV. 

– Xây dựng hệ thống các tổ chức tài chính phục vụ cho nhu cầu vốn của  DNNVV. Thành lập những tổ chức tài chính dựa trên các chính sách ưu đãi của  Chính phủ để cấp vốn cho DNNVV. Ngoài ra, có thể xây dựng những hỗ trợ đặc thù  

cho từng nhóm ngành nghề nhờ đó vừa giải ngân nguồn tín dụng NH mà DN vẫn có  thể đáp ứng điều kiện vay vốn và sự an toàn của khoản vay.  

Đối với NH 

– Hệ thống các dịch vụ NH hỗ trợ DNNVV cần phải hướng tới mục tiêu giúp các DNVVN tăng trưởng và phát triển bền vững. Điều này có thể thực hiện được khi hệ thống quản lý tài chính của Việt Nam được quản lý theo ngành dọc từ NH Trung ương đến các NHTM địa phương, do đó các phát sinh sẽ dễ dàng được báo cáo và giải quyết kịp thời. 

– Nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHTM thông qua áp dụng hệ thống quản lý hiện đại, tiên tiến và áp dụng công nghệ mới để có thể cung cấp dịch vụ tới các DNNVV với chi phí hợp lý. Các NHTM trong nước cần xây dựng nhiều hơn những chính sách tín dụng phù hợp để thu hút DNNVV trở thành đối tác thân thiết của mình – vì số lượng đông đảo DNVVN đang trên đà gia tăng như hiện nay tại Việt Nam sẽ là nhóm khách hàng quan trọng trong tương lai của NH. 

– Đa dạng hóa hình thức vay vốn với lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài,  thậm chí với mỗi lĩnh vực kinh doanh NH có các gói tín dụng khác nhau kích thích  DNNVV vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Cải cách thủ tục, nâng cao trình  độ cán bộ tín dụng và thành lập bộ phận chuyên tư vấn, hỗ trợ DNNVV trong việc  lựa chọn gói tín dụng, thủ tục vay và vấn đề quản lý, sử dụng nguồn vốn. NH nên  chú ý việc kiểm tra định kỳ theo quý để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay tại DN. 

Đối với DNNVV 

– DNNVV nên tự hoàn thiện, phát triển dựa trên năng lực của chính mình  tranh thủ sự trợ giúp từ Chính phủ, NH đặc biệt trong vấn đề nguồn vốn. Có chiến  lược kinh doanh dài hạn để từ đó xây dựng kế hoạch hàng năm giúp chủ động  nguồn vốn vay trong quá trình SXKD. Hoàn thiện chế độ tài chính kế toán để làm 

căn cứ cho việc lập hồ sơ vay vốn thuận lợi hơn. 

 – Nâng cao trình độ của chủ DN bằng cách tham gia các chương trình học chuyên sâu, các khóa đào tạo ngắn hạn về tài chính, kinh tế. Thường xuyên đổi mới, cập nhật các văn bản luật và các quy định tín dụng của Nhà nước để nắm bắt được những chính sách ưu đãi theo từng thời kỳ. Giữ gìn mối quan hệ thân thiết với các NHTM nhằm nắm bắt kịp thời các chính sách tín dụng mới. 

TỔNG KẾT NỘI DUNG CHƯƠNG 2 

Trong chương 2, luận án đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về những vấn đề cơ  bản về DNNVV như khái niệm, phân loại, vai trò của DNNVV trong nền kinh tế. Có  sự so sánh về khác biệt trong tiêu chí phân loại DNNVV của World Bank và Việt  Nam. Khái quát nội dung về tín dụng NH để có cái nhìn tổng quan đến bản chất, chức  năng, đặc điểm cũng như vai trò của tín dụng NH đối với nền kinh tế nói chung và  DNNVV nói riêng. Luận án đã đưa ra khái niệm về tiếp cận tín dụng NH đối với  DNNVV phù hợp với nội dung nghiên cứu. Dựa vào nền tảng lý thuyết và các công  trình nghiên cứu trước đây để chỉ ra yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của  DNNVV từ 3 phía: yếu tố từ môi trường và chính sách kinh tế vĩ mô, yếu tố phía  NHTM và yếu tố từ phía DNNVV. Tiếp đó, luận án đã nghiên cứu kinh nghiệm tăng  cường tiếp cận tín dụng NH đối với DNNVV của các quốc gia trên thế giới, địa  phương trong nước, các NH trong – ngoài nước và những DNNVV thành công trong  việc tiếp cận tín dụng NH. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm đối với Chính  phủ, địa phương, NH và DNNVV nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng NH đối với  DNNVV tỉnh Thái Nguyên thời gian tới. Các nội dung được trình bày trong chương 2  sẽ là căn cứ để luận án hoàn thiện các chương tiếp theo. 

Chương 3 

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

3.1. Câu hỏi nghiên cứu 

– Tình hình tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của các DNNVV tỉnh Thái  Nguyên giai đoạn 2013 – 2018 như thế nào? 

– Mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV  tỉnh Thái Nguyên hiện nay ra sao?  

– Có sự khác biệt nào trong tiếp cận tín dụng NH của DNNVV theo quy mô  DN và ngành nghề kinh doanh không? 

– Giải pháp nào cần đưa ra nhằm giúp DNNVV tỉnh Thái Nguyên tiếp cận tốt  hơn nguồn tín dụng NH? 

3.2. Quy trình nghiên cứu và khung phân tích của luận án 

3.2.1. Quy trình nghiên cứu của luận án 

Quy trình nghiên cứu của luận án nhằm trình bày khái quát các nội dung  được thực hiện theo trình tự để tạo nên 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Tác giả đã khái quát  quy trình nghiên cứu tại Sơ đồ 3.1. 

3.2.2. Khung phân tích của luận án 

Dựa vào nội dung tổng quan tài liệu tại Chương 1, nền tảng lý thuyết và các  yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tại chương 2, tác giả tiến  hành đánh giá tình hình tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên giai  đoạn 2013 – 2018 dựa trên các số liệu sơ cấp và thứ cấp thu thập. Từ đó đưa ra các  kết quả cụ thể căn cứ vào thực trạng nghiên cứu thông qua những phương pháp  phân tích phù hợp để đề xuất kiến nghị, giải pháp dựa vào bài học kinh nghiệm,  quan điểm, xu hướng và tình tình thực tế tại tỉnh Thái Nguyên. Khung phân tích  được trình bày tại Sơ đồ 3.2. 

Tổng quan nghiên cứu 

Khung lý thuyết 

Nghiên cứu định tính Nghiên cứu định lượng

 Kết quả nghiên cứu 

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận  tín dụng NH của  

DNNVV 

Thực trạng Đánh giá các kết  quả phân tích 

Thành tựu, hạn chế 

Giải pháp tăng cường tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNNVV 

Sơ đồ 3.1. Quy trình nghiên cứu luận án 

(Nguồn: Mô tả của tác giả) 

Khung  lý  

thuyết 

Tiêu chí đánh giá 

Tiếp cận tín dụng  NH của DNNVV 

Các yếu tố ảnh hưởng 

50 

– Thực trạng  tiếp cận tín  dụng NH của  DNNVV  

phân tích số liệu thứ cấp – Thực trạng  tiếp cận tín  dụng NH của  DNNVV  

phân tích số liệu sơ cấp 

Bài học  kinh  

nghiệm 

Giải  

pháp,  

kiến  

nghị 

Quan  

điểm,  

định  

hướng 

Xu  

hướng 

Sơ đồ 3.2. Khung phân tích của luận án 

(Nguồn: Mô tả của tác giả) 

3.3. Phương pháp nghiên cứu 

3.3.1. Phương pháp thu thập số liệu 

3.3.1.1. Phương pháp phỏng vấn chuyên gia 

Tổng hợp lý thuyết về tín dụng NH đối với DNNVV và các yếu tố ảnh  hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV trên thế giới và Việt Nam cho thấy  các yếu tố ảnh hưởng khá đa dạng với mức độ tác động khác nhau. Do vậy để tránh  những nhận định mang tính chủ quan, các yếu tố ảnh hưởng có tính chất đặc thù với  địa bàn nghiên cứu thì phương pháp thảo luận nhóm chuyên gia rất phù hợp. Nhóm  chuyên gia là những người am hiểu về đặc điểm tín dụng NH, hoạt động sản xuất  kinh doanh của DN. Do vậy, các nhà khoa học, lãnh đạo NH và quản lý DN đang  làm việc tại Thái Nguyên hoặc có kinh nghiệm sẽ được mời để tham dự quá trình  thảo luận các vấn đề liên quan. Cách thức tiến hành thông qua thảo luận trực tiếp  

vào tháng 01 năm 2017. Theo trình tự đặt câu hỏi và làm rõ bằng hình thức phỏng  vấn sâu, đặt câu hỏi mở trên cơ sở lý thuyết của mỗi thành phần nhằm mục đích  khám phá, điều chỉnh, bổ sung mô hình nghiên cứu đề xuất (nếu có) và xây dựng  thang đo lường các yếu tố ảnh hưởng từ phía DNNVV đến tiếp cận nguồn tín dụng  NH. Trong nghiên cứu này, 15 chuyên gia (Phụ lục 03a) tham gia thảo luận nhằm  xem xét và phát hiện mới về mô hình nghiên cứu và thang đo của các thành phần  trong mô hình. Quá trình phỏng vấn, tham khảo ý kiến đã được luận án thực hiện  nghiêm túc và toàn bộ nội dung đã được trình bày trong Phụ lục 03b

Cuộc thảo luận được thực hiện nhằm làm sáng tỏ các vấn đề cụ thể sau: 1. Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV  

2. Khám phá các tiêu chí đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín  dụng NH của DNNVV từ phía DN nhằm xây dựng thang đo. 

Kết quả của quá trình phỏng vấn được dùng làm căn cứ giúp tác giả xây  dựng thang đo trong bộ phiếu điều tra phỏng vấn DNNVV nhằm giải quyết các vấn  đề nghiên cứu của luận án. 

Ngoài ra, tác giả tiến hành phỏng vấn sâu một số nội dung liên quan về nhận  định, quan điểm của các chuyên gia về các vấn đề tiếp cận tín dụng như: những  thuận lợi, khó khăn của DN/NH khi vay/cho vay, nhận định về tình hình tiếp cận  vốn tín dụng NH của DNNVV thời gian qua, những mong muốn trong tương lai… 

3.3.1.2. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp 

Số liệu thứ cấp được luận án thu thập từ nhiều kênh thông tin khác nhau  nhằm giải quyết 02 vấn đề trong luận án gồm: (1) Thực trạng hoạt động kinh doanh  của các chi nhánh NH và DNNVV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; (2) Thực trạng  tiếp cận tín dụng NH của DNNVV giai đoạn 2013 – 2018. Địa điểm và các nội dung  cần thu thập được trình bày tại Phụ lục 04

3.3.1.3. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp 

a. Mục đích 

Để đánh giá thực trạng tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên  thời gian qua, tác giả tiến hành điều tra, khảo sát 02 nhóm đối tượng NH – DNNVV  với 02 bộ phiếu với mục đích như sau: (1) Đối với phiếu điều tra NH: đánh giá mức  độ tiếp cận tín dụng của DNNVV, những khó khăn trong quá trình cho vay đối với  

DNNVV tại NH, phân tích định tính các yếu tố ảnh hưởng từ phía NH đến tiếp cận  nguồn vốn tín dụng NH của DNNVV để làm căn cứ xây dựng giải pháp từ phía NH.  (2) Đối với phiếu điều tra, khảo sát DNNVV: đánh giá nhu cầu vốn, lượng vốn vay,  khó khăn trong quá trình vay vốn của DN; sử dụng mô hình hồi quy đa biến để phân  tích các yếu tố ảnh hưởng từ phía DNNVV đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH; sử 

dụng kiểm định One – way Anova test để đánh giá sự khác biệt giữa ngành nghề kinh doanh, quy mô DN đến mức độ tiếp cận tín dụng NH của DNNVV nhằm chỉ ra  thuận lợi, hạn chế khi tiếp cận vốn để có giải pháp cụ thể. 

b. Xây dựng thang đo 

Đối với phiếu điều tra NH: dựa trên các lý thuyết nền, kế thừa và phát triển  các kết quả nghiên cứu đã công bố trước đó của Nguyễn Hồng Hà (2013) Nguyễn  Thị Minh Huệ (2012), Hạ Thị Thiều Dao (2014), Trần Quốc Hoàn (2018)…luận án  đã điều chỉnh và bổ sung một số biến quan sát phù hợp. Kết quả xây dựng 05 biến  đại diện với 22 biến quan sát sẽ được sử dụng làm căn cứ phân tích định tính của  nghiên cứu. Cụ thể: 

– Thang đo 1: Lãi suất (Rate of bank – RA). Gồm 4 biến quan sát, ký hiệu từ RA1 đến RA4 được sử dụng của Ajagbe.F.A (2012), Nguyễn Hồng Hà (2013).  

– Thang đo 2: Thủ tục cho vay (Loan procedures – PR). Gồm 5 biến quan sát, ký hiệu từ PR1 đến PR5 được sử dụng của Hạ Thị Thiều Dao (2014). 

– Thang đo 3: Mức độ đa dạng của các gói tín dụng (Variety of credit  packages – VA). Gồm 4 biến quan sát, ký hiệu từ VA1 đến VA4 được tổng hợp từ phân tích định tính. 

– Thang đo 4: Trình độ của cán bộ tín dụng (Qualification of credit officers – QO). Gồm 4 biến quan sát, ký hiệu từ QO1 đến QO4 được sử dụng của Nguyễn  Hồng Hà (2013), Hạ Thị Thiều Dao (2014). 

– Thang đo 5: Quy định của NH về tài sản đảm bảo (Regulations on secured  assets – RE). Gồm 4 biến quan sát, ký hiệu từ AS1 đến AS4 được sử dụng của Trần  Quốc Hoàn (2018). 

Đối với phiếu điều tra, khảo sát DNNVV: Dựa trên các lý thuyết nền, kế thừa kết quả nghiên cứu của Ajagbe (2012) trong đó nhấn mạnh các yếu tố ảnh  hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV như: Năng lực SXKD của DNNVV,  

Trình độ của chủ DN, Quy mô của DNNVV cùng với việc kế thừa nghiên cứu của  Ricardo (2004), Võ Trí Thành (2011), Khalid (2014), Hạ Thị Thiều Dao (2014),  Nguyễn Hồng Hà (2013), Đặng Thị Huyền Thương (2015), Trần Quốc Hoàn  (2018)…và đặc điểm của DNNVV, tín dụng NH đối với DNNVV (quy mô nhỏ, khả 

năng huy động các nguồn tài chính thấp, năng lực DN còn hạn chế, chưa có chiến  lược kinh doanh dài hạn đã ảnh hưởng đến quá trình vay vốn của DN) kết hợp với  kết quả phỏng vấn chuyên gia được trình bày tại Phụ lục 03b. Luận án đã điều  chỉnh và bổ sung một số biến quan sát, trong đó 02 biến quan sát: Chủ DN nắm bắt  thông tin về chính sách tín dụng của NH Chủ DN xử lý tốt các tình huống phát  sinh trong kinh doanh được bổ sung thêm vào thang đo Trình độ của chủ DN trong  nội dung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV  từ phía NH. Kết quả luận án đã xây dựng được 07 thang đo đại diện cho các yếu tố ảnh hưởng từ phía DNNVV (với 39 biến quan sát) và 1 thang đo đại diện cho tiếp  cận tín dụng NH của DNNVV tại tỉnh Thái Nguyên. Toàn bộ nội dung các thang đo  được luận án trình bày tại Phụ lục 05. 

– Thang đo 1: Tài sản đảm bảo (Collateral – CO). Gồm 6 biến quan sát, ký  hiệu từ CO1 đến CO6 được sử dụng của Đỗ T.T Vinh (2014), Hạ T.T Dao (2014)  và sự góp ý của các chuyên gia trong nghiên cứu định tính. Nhóm chuyên gia – nhà  quản lý cho rằng câu hỏi CO4 nên điều chỉnh lại văn phong cho dễ hiểu.  

– Thang đo 2: Mối quan hệ của DN với NH (The relationship of enterprises  with banks – RE). Gồm 6 biến quan sát, ký hiệu từ RE1 đến RE6 được sử dụng của  Khalid Hassan (2014), Đặng T.H. Thương (2016) và sự góp ý của các chuyên gia  trong nghiên cứu định tính. Các chuyên gia cho rằng biến RE6 nên chuyển sang  thang đo Trình độ của chủ DN thì phù hợp hơn.  

– Thang đo 3: Năng lực SXKD của DNNVV (Capacity of SMEs – CA). Gồm 5  biến quan sát, ký hiệu từ CA1 đến CA5 được sử dụng của Ajagbe (2012), V.T. Thành  (2012), Hạ T.T. Dao (2014), Đặng T.H. Thương (2015) và sự góp ý của các chuyên  gia trong nghiên cứu định tính. Các chuyên gia cho rằng nên bổ sung câu hỏi: DN có  xu hướng đổi mới KHCN hiện đại trong quá trình sản xuất thành biến CA6. 

– Thang đo 4: Báo cáo tài chính (Financial report – FI). Gồm 4 biến quan sát,  ký hiệu từ FI1 đến FI4 được sử dụng của Nguyễn Hồng Hà (2013), Đặng T.H.  Thương (2015) và sự góp ý của các chuyên gia trong nghiên cứu định tính. Các  

chuyên gia cho rằng nên chỉnh sửa văn phong của biến FI3 và FI4 cho sát nội dung  nhằm giúp người trả lời dễ dàng hơn. 

– Thang đo 5: Quy mô của DNNVV (The size of SMEs – SZ). Gồm 4 biến  quan sát, ký hiệu từ SZ1 đến SZ4 được sử dụng của Khalid Hassan (2014),  Ajagbe.F.A (2012), Ricardo N. Bebczuk, (2004) và sự góp ý của các chuyên gia  trong nghiên cứu định tính. Các chuyên gia cho rằng nên bổ sung thêm thêm biến  SZ5, SZ6 liên quan đến sản lượng sản xuất và doanh thu của DN vào thang đo. 

– Thang đo 6: Phương án SXKD của DN (Business plan – BP). Gồm 4 biến  quan sát, ký hiệu từ BP1 đến BP4 được sử dụng của Nguyễn Hồng Hà (2013) và sự góp ý của các chuyên gia trong nghiên cứu định tính. Các chuyên gia đều nhất trí  với các câu hỏi của thang đo.  

– Thang đo 7: Trình độ của chủ DN (Qualification of business owner – QU).  Gồm 8 biến quan sát, ký hiệu từ QU1 đến QU8 được sử dụng của Ajagbe.F.A  (2012), Trần Quốc Hoàn (2018) và sự góp ý của các chuyên gia trong nghiên cứu  định tính. Hai biến quan sát Chủ DN xử lý tốt các tình huống phát sinh, Chủ DN  luôn chia sẻ thông tin với người lao động được bổ sung vào thang đo là kết quả của  quá trình thảo luận chuyên gia, các chuyên gia – nhà quản lý cho rằng với điều kiện  kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay và ứng dụng khoa học công nghệ tại Thái  Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung 02 quan sát này có mức ảnh hưởng nhất  định tiếp cận tín dụng NH của DNNVV. 

– Thang đo 8: Tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV (Access credit – AC).  Gồm 4 biến quan sát, ký hiệu từ AC1 đến AC4 được sử dụng của Nguyễn Hồng Hà  (2013), Trần Quốc Hoàn (2018) và sự góp ý của các chuyên gia trong nghiên cứu  định tính. Các chuyên gia đều nhất trí với các câu hỏi của thang đo. 

c. Nghiên cứu thang đo sơ bộ 

Mục đích chính của nghiên cứu sơ bộ nhằm phát hiện và khắc phục các lỗi  có thể xảy ra trong thiết kế bảng câu hỏi trước khi tiến hành khảo sát chính thức với  mong muốn đảm bảo độ tin cậy và giá trị của các thang đo (Malhotra, 2005; Polit,  Beck & Hungler, 2001). Ngoài ra, nghiên cứu sơ bộ sử dụng để ước lượng tỷ lệ hồi  đáp cho các phiếu khảo sát và xác định cỡ mẫu cho của nghiên cứu chính thức. Do  đó, nghiên cứu sơ bộ có vai trò quan trọng và là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của các công cụ khảo sát (Green & ctg, 1988). 

Trong nghiên cứu sơ bộ, Green & ctg (1988) cho rằng đối tượng nghiên cứu  sơ bộ nên càng giống mẫu chính thức càng tốt. Tuy nhiên, theo Calder & ctg (1981)  lấy mẫu thuận tiện cũng thường được sử dụng để tạo ra một mẫu cho nghiên cứu sơ  bộ với kích thước mẫu đề nghị từ 12 đến 30 hoặc từ 25 đến 100 (Nguyễn Đình Thọ 

2009). Phiếu điều tra đối với NH tác giả không sử dụng để phân tích định lượng nên  sẽ không nghiên cứu thang đo sơ bộ. Đối với phiếu khảo sát DNNVV, dựa vào  những nghiên cứu trước đây và để đảm bảo độ tin cậy cho phiếu điều tra chính thức  tác giả tiến hành phỏng vấn 30 nhà quản lý tại 30 DNNVV tỉnh Thái Nguyên đã  từng vay vốn NH trong tháng 03 năm 2017. 

d. Lựa chọn mẫu điều tra 

Đối với phiếu điều tra cán bộ NH, nhằm phản ánh kết quả khách quan trong  nội dung phân tích định tính, tác giả tiến hành khảo sát một số thông tin trực tiếp từ cán bộ NH, cụ thể: tác giả tiến hành khảo sát tổng thể 21 chi nhánh NHTM đang  hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bằng 01 bộ phiếu (Phụ lục 12) được tổng  hợp từ nền tảng lý thuyết và các công trình nghiên cứu trước đây. Trong đó, phỏng  vấn 03 phiếu/ NH tổng số 63 phiếu điều tra.  

Đối với phiếu điều tra DNNVV, căn cứ vào đối tượng nghiên cứu, thời gian  và mục tiêu nghiên cứu, luận án không tiến hành điều tra của tổng thể toàn bộ các  DNNVV trên địa bàn tỉnh mà lựa chọn phương pháp điều tra chọn mẫu có chọn lọc  với cách thức phi ngẫu nhiên. Tác giả tiến hành điều tra các DNNVV đã từng vay  vốn tại NH trong giai đoạn 2013 – 2018 để xác định kích cỡ mẫu nghiên cứu, tác  giả sử dụng công thức Solovin như sau (Nguyễn Đình Thọ 2009)

Trong đó:  

N: Tổng thể 

n = 

n: Kích cỡ mẫu 

∆: Giới hạn sai số chọn mẫu 

Kích cỡ mẫu được chọn thường nhỏ hơn so với tổng thể đối tượng nghiên  cứu nên luôn tồn tại sự không chính xác tuyệt đối về kết quả nghiên cứu. Vì vậy,  theo Daniel và Gate (2004), trong các nghiên cứu xác suất, thống kê, khi xác định  kích cỡ mẫu, mức giới hạn sai số chọn mẫu thường là 5% hoặc 3%. Theo NHNN  chi nhánh Thái Nguyên, giai đoạn 2013 – 2018 đã có khoảng 1500 DNNVV vay  vốn tại các NHTM trên địa bàn, do vậy cỡ mẫu là 315 DN. Vì vậy, luận án phát ra  

350 phiếu điều tra DNNVV đã từng vay vốn tại các NHTM và để tránh sự trùng lặp  về thông tin mỗi DN tác giả sẽ sử dụng 01 phiếu điều tra. 

e. Phương pháp và thời gian khảo sát 

Để đảm bảo tính chính xác và lượng thông tin đa dạng, tác giả tiến hành 02  cách thức điều tra: phỏng vấn trực tiếp (gửi và nhận phiếu trực tiếp) và phát phiếu  khảo sát (gửi, nhận phiếu thông qua các hình thức gián tiếp). Quá trình điều tra,  khảo sát chính thức được thực hiện trong khoảng thời gian từ 06/2017 đến 12/2017.  

Đối với phiếu điều tra cán bộ NH: phương pháp điều tra là phỏng vấn trực  tiếp. Số phiếu phát ra 63 phiếu, số phiếu thu về và đạt yêu cầu 63 phiếu. 

Đối với phiếu phỏng vấn DNNVV: tác giả tiến hành 02 cách thức điều tra:  phỏng vấn trực tiếp và phát phiếu khảo sát. Số phiếu phát ra 350 phiếu, số phiếu thu  về 320 phiếu trong đó 300 phiếu hợp lệ đạt 95,2% đáp ứng yêu cầu khi phân tích.  

f. Đối tượng thu thập thông tin 

Đối với phiếu điều tra cán bộ NH: đối tượng phỏng vấn gồm 03 đối tượngBan giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch; Trưởng phó phòng kinh doanh, phòng tín  dụng; Cán bộ tín dụng NH. Các thông tin chung về đối tượng phỏng vấn được tổng  hợp từ các phiếu đạt yêu cầu và trình bày tại bảng 3.1.  

Bảng 3.1. Thông tin về cán bộ NH phỏng vấn 

Chỉ tiêuGiới tính Tuổi TỔNG
Nam Nữ < 30 Từ 30  đến 40Từ 40  đến 50Từ 50  đến 60Số lượng  (Người)Tỷ lệ  (%)
TỔNG 42 21 63 100
Trình độ  chuyên  mônĐại học 23 14 15 13 40 63,5
Sau đại học 19 10 10 23 36,6
Thâm  niên công  tácDưới 5 năm 10 15,9
Từ 5 đến 10 năm 18 10 13 10 28 44,4
Từ 10 đến 15 năm 15 21 33,3
Trên 15 năm 6,3
Vị trí  công tácGiám đốc, phó GĐ 16 21 33,3
Trưởng, phó phòng 12 21 33,3
Chuyên viên 14 21 33,3

(Nguồn: Kết quả điều tra cán bộ NH và tính toán của tác giả) 

Đối với phiếu điều tra DNNVV: để đảm bảo thông tin cho nghiên cứu, đối  tượng phỏng vấn là ban giám đốc của DNNVV tỉnh Thái Nguyên đã từng vay vốn  tại NH. Do có sự biến động khác nhau về số lượng DNNVV vay được vốn NH theo  năm nên quá trình điều tra DN mang tính tương đối trong các chỉ tiêu phân loại về 

quy mô, ngành nghề, địa bàn. Tác giả căn cứ vào quy mô DN để lựa chọn các  DNNVV tham gia điều tra, khảo sát. Theo đó, tỷ lệ lựa chọn mẫu căn cứ vào số lượng DNNVV đang hoạt động đã từng vay vốn NH phân theo quy mô từ Niêm  giám thống kê năm 2017, cụ thể: số DN có quy mô vừa được khảo sát 112 DN  (chiếm 30% số lượng phiếu), DN có quy mô nhỏ 167 DN (chiếm 45% số lượng  phiếu), DN có quy mô siêu nhỏ 93 DN (chiếm 25% số lượng phiếu). Về địa bàn  điều tra, tác giả tiến hành điều tra, khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh (02 thành phố và  7 huyện, thị xã), số lượng DN điều tra, khảo sát phân bổ giữa các huyện, thành phố 

căn cứ theo tỷ lệ số lượng DNNVV đang hoạt động đã từng vay vốn NH được luận  án tổng hợp từ Báo cáo của NHNN chi nhánh Thái Nguyên giai đoạn 2013 – 2018.  

Bảng 3.2. Số lượng DNNVV phát phiếu điều tra, phỏng vấn theo địa bàn 

Huyện/Thành phố Số DN phỏng vấn (DN) Tỷ lệ (%)
TP Thái Nguyên 91 26
TP Sông Công 49 14
TX Phổ Yên 61 17,5
Huyện Định Hóa 18 5
Huyện Võ Nhai 18 5
Huyện Phú Lương 26 7,5
Huyện Đồng Hỷ 35 10
Huyện Đại Từ 25 7
Huyện Phú Bình 28 8
TỔNG 350 100

(Nguồn: Tổng hợp của luận án) 

Kết quả thu được với 300 phiếu điều tra, khảo sát đạt yêu cầu, tác giả đã  tổng hợp và đưa ra các thông tin chung về đặc điểm của DNNVV được phỏng  vấn đã tổng hợp tại Bảng 3.3. Đặc điểm cán bộ được phỏng vấn (Bảng 3.4) như  sau: có 192 nhà quản lý là nam giới nhiều hơn nữ giới 84 người. Cán bộ quản lý  được phỏng vấn có trình độ đại học chiếm lớn nhất 46,7%, điểm đáng lưu ý những  người có trình độ trên đại học chủ yếu nằm trong độ tuổi dưới 45 tuổi – điều đó  chứng tỏ sự nhạy bén của những người trẻ trong sự nghiệp kinh doanh. Các nhà  

quản lý được phỏng vấn có thâm niên quản lý tính từ khi giữ các chức vụ trưởng  phó phòng trở lên chiếm tỷ lệ lớn nhất từ 5 đến 15 năm với 152 người ở độ tuổi từ 35 đến 55 tuổi chiếm 50%.  

Bảng 3.3. Đặc điểm DNNVV phỏng vấn 

ĐVT: Doanh nghiệp 

Ngành nghề  kinh doanh  Quy môCông nghiệp,  xây dựngNông, lâm,  ngư nghiệpThương mại,  dịch vụTỔNG
Số  lượng Tỷ lệ  (%)
DN siêu nhỏ 24 10 37 71 23,7
DN nhỏ 53 75 128 42,7
DN vừa 57 44 101 33,7
TỔNG 134 10 156 300 100

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của tác giả) 

Bảng 3.4. Đặc điểm cán bộ quản lý DNNVV phỏng vấn 

Chỉ tiêuGiới tính Tuổi TỔNG
Nam Nữ < 35Từ 35  đến  45Từ 45  đến  55 ≤ 55Số  lượng  (Người)Tỷ lệ (%)
TỔNG 192 108 300 100
Trình  độ  chuyên  mônSau đại học 46 24 20 27 18 70 23,3
Đại học 91 49 41 48 34 17 140 46,7
Cao đẳng 47 26 17 22 29 73 24,3
Trung cấp 14 17 5,7
PTTH 0,0
Thâm  niên  quản  lýDưới 3 năm 23 18 11 32 10,7
Từ 3 đến 5 năm 36 16 19 22 11 52 17,3
Từ 5 đến 10 năm 65 35 16 39 32 13 100 33,3
Từ 10 đến 15 năm 41 30 24 26 19 71 23,7
Trên 15 năm 27 18 10 18 17 45 15,0

(Nguồn: Kết quả điều tra và tính toán của tác giả) 

g. Thiết kế phiếu khảo sát  

Để nắm được thông tin từ 02 phía NH và DNNVV về thực trạng tiếp cận vốn  tác giả đã xây dựng 02 bảng khảo sát dành cho 02 nhóm đối tượng nghiên cứu.  Trong đó, với phiếu khảo sát cán bộ NH, tác giả sử dụng phương pháp tổng hợp và  

thống kê mô tả nhằm phân tích một số vấn đề thực tế. Với phiếu khảo sát DNNVV,  tác giả sử dụng nhiều phương pháp phân tích định lượng để xác định mức độ ảnh  hưởng của các yếu tố từ phía DN đến tiếp cận tín dụng NH như: phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy đa biến, kiểm định One – way Anova test. Hình thức  chung của phiếu khảo sát như sau: 

– Phần đầu nhằm thu thập thông tin chung của các đối tượng khảo sát, phục  vụ cho công tác thống kê mô tả.  

– Phần thứ hai được thiết kế nhằm thu thập ý kiến của các đối tượng khảo sát  về tình hình tiếp cận vốn NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên thời gian qua. Đánh  giá mức độ đồng ý về các yếu tố trong mô hình ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH  của DNNVV tại tỉnh Thái Nguyên.  

Ba loại thang đo được sử dụng trong nghiên cứu này là thang đo quãng,  thang đo định danh và thang đo thứ tự.  

Dạng thang đo định danh nhằm mô tả đặc điểm mẫu (giới tính, cấp bậc, tuổi,  loại hình sở hữu…).  

Dạng thang đo thứ tự nhằm sắp xếp đặc điểm mẫu (thâm niên công tác, quy  mô doanh nghiệp…).  

Dạng thang đo quãng Likert năm điểm dùng để đo lường mức độ đồng ý của  đối tượng nghiên cứu, biến thiên từ rất không đồng ý đến rất đồng ý.  

Xác định khoảng đo bằng cách xác định giá trị khoảng như sau:  

Giá trị khoảng cách = = 0.8 

Bảng 3.5. Thang đo quãng Likert đo lường mức độ đồng ý 

Thang đo Khoảng đo Mức độ đồng ý Mức đánh giá
1,00 – 1,80 Rất không đồng ý Rất thấp
1,81 – 2,60 Không đồng ý Thấp
2,61 – 3,40 Đồng ý một phần Trung bình
3,41 – 4,20 Đồng ý Cao
4,21 – 5,00 Hoàn hoàn đồng ý Rất cao

(Nguồn: Nguyễn Đình Thọ, 2009; Hoàng Trọng, 2008) 

Trên sơ sở tham khảo ý kiến của những người được phỏng vấn trong giai  đoạn nghiên cứu định tính, nội dung các câu hỏi được xây dựng đơn giản, dễ hiểu  nhưng vẫn đảm bảo đúng hàm ý của cơ sở lý thuyết. Trong giai đoạn thiết kế thang  đo của bản khảo sát, tác giả đã tiến hành tham khảo ý kiến về văn phong trong bản  câu hỏi, có hiện tượng trùng lặp trong bảng hỏi hay nội dung câu hỏi có dễ hiểu để 

từ đó xây dựng và điều chỉnh cho phù hợp hơn. 

3.3.2. Phương pháp tổng hợp số liệu 

3.3.2.1. Phân tổ thống kê 

Là một phương pháp quan trọng trong quá trình lập và xử lý các bảng số liệu  phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Tác giả sử dụng nhằm xây dựng các nội dung  sau: phân loại nguồn vốn của NH theo năm, loại vốn, cơ cấu vốn; Phân loại  DNNVV theo loại hình DN, ngành nghề kinh doanh, quy mô, phân theo năm… 

3.3.2.2. Phương pháp đồ thị 

Đây là phương pháp tổng hợp số liệu nhưng được mô hình hóa thành các  biểu đồ khác nhau như: đồ thị hình tròn, đồ thị hình cột, thanh biểu diễn để tổng hợp  các giá trị như: tổng nguồn vốn, vốn huy động, vốn vay, phần trăm giá trị dư nợ tín  dụng, cơ cấu dư nợ…Sử dụng phương pháp này giúp tạo sự đa dạng trong quá trình  tổng hợp số liệu, tránh sự trùng lặp và nâng cao tính khoa học của luận án. 

3.3.3. Phương pháp phân tích định tính 

3.3.3.1. Phương pháp so sánh 

Được sử dụng để chỉ ra xu hướng và mức độ biến động của các hệ thống chỉ  tiêu. Trong phạm vi luận án, phương pháp này được dùng để so sánh biến động số  lượng DN phân theo loại hình, ngành nghề quy mô tình hình vay vốn của DNNVV  trong giai đoạn 2013 – 2018; So sánh cơ cấu vốn của NH qua các năm, cơ cấu cho  vay phân theo địa bàn, loại hình DN, quy mô DN… 

Trong quá trình phân tích, tác giả tìm hiểu lý do để giải thích cho sự khác  biệt kết quả giữa các giai đoạn. Phương pháp này được tác giả sử dụng nhiều trong  nội dung mục 4.2. Thực trạng hoạt động kinh doanh của các chi nhánh NH và  DNNVV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và mục 4.3. Thực trạng tiếp cận tín dụng  NH của DNNVV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 -2018 trong Chương  4 của luận án. Với mục đích đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của các chi  

nhánh NHTM và DNNVV trên địa bàn tỉnh và phân tích thực trạng hoạt động tiếp  cận tín dụng NH của DNNVV. 

3.3.3.2. Phương pháp thống kê mô tả 

Thống kê mô tả cung cấp các chỉ số cơ bản của biến số với dữ liệu của mẫu  nghiên cứu nhằm giúp người đọc hiểu về dữ liệu sử dụng từ phần mềm SPSS 22.0.  Đối với biến có giá trị liên tục các chỉ số có như chỉ số trung bình (mean), cao nhất  (max), thấp nhất (min) và độ lệch chuẩn (standard deviation) của biến để có các đánh  giá khái quát về vấn đề nghiên cứu. Một trong những phân tích quan trọng trong phần  này là kiểm tra phân bố của các biến, nhất là biến phụ thuộc cần có phân bố chuẩn  không, việc kiểm tra giúp có phương án xử lý phù hợp trước khi tiến hành phân tích  (Saunder, 2010). Tác giả sẽ sử dụng linh hoạt phương pháp này trong nội dung  Chương 4. Cụ thể, với kết quả tổng hợp được từ phiếu điều tra cán bộ NH, tác giả sẽ phân tích mức độ đánh giá của người trả lời về các yếu tố từ phía NH ảnh hưởng  đến tiếp cận vốn của DNNVV từ đó làm căn cứ xây dựng giải pháp trong Chương 5.  Ngoài ra, tác giả tổng hợp một số kết quả điều tra từ phía DNNVV để làm cơ sở phân tích 1 số nội dung liên quan. Phương pháp này được tác giả sử dụng trong nội  dung 4.4. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của  DNNVV của Chương 4. 

3.3.4. Phương pháp nghiên cứu định lượng 

3.3.4.1. Mô hình phân tích 

Dựa trên nền tảng lý thuyết, kết quả nghiên cứu của Ajagbe (2012) và kế  thừa nghiên cứu của Ricardo (2004), Võ Trí Thành (2011), Khalid (2014), Hạ Thị  Thiều Dao (2014), Nguyễn Hồng Hà (2013), Đặng Thị Huyền Thương (2015),  Trần Quốc Hoàn (2018)…đã được luận án tổng hợp tại Chương 1 cùng với kết quả  phỏng vấn sâu chuyên gia ở mục 3.3.1.1 của Chương 3, tác giả đưa các yếu tố từ  phía DNNVV ảnh hưởng đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH gồm: Tài sản đảm  bảo (CO), Mối quan hệ của DN với NH (RE), Năng lực của DNNVV (CA), Báo  cáo tài chính (FI), Quy mô của DNNVV (SZ), Phương án SXKD của DN (BP),  Trình độ của chủ DN (QU). 

Mô hình phân tích 

– Biến phụ thuộc: AC: Tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH của DNNVV 

– Biến độc lập:  

CO: Tài sản đảm bảo 

RE: Mối quan hệ giữa DN và NH 

CA: Năng lực SXKD của DNNVV 

FI: Báo cáo tài chính 

SZ: Quy mô của DN 

BP: Phương án SXKD của DN 

QU: Trình độ của chủ DN 

– Mô hình hồi quy mẫu: 

AC = α0 + α1* CO + α2* RE + α3*CA + α4*FI + α5*SZ + α6* BP + α7*QU + zi Tài sản đảm bảo 

Mối quan hệ giữa DN và NH 

Năng lực SXKD của DNNVV 

Tiếp cận nguồn tín dụng  

Báo cáo tài chính ngân hàng của DNNVV Quy mô của doanh nghiệp 

Phương án SXKD của DN 

Trình độ của chủ DN 

Sơ đồ 3.3. Khung phân tích các yếu tố từ phía DN ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng NH của DNNVV 

(Nguồn: Tổng hợp từ các nghiên cứu) 

Giả thuyết nghiên cứu 

H1: Tài sản đảm bảo có ảnh hưởng thuận chiều đến tiếp cận tín dụng NH  của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

H2: Mối quan hệ thân thiết của DN với NH có ảnh hưởng thuận chiều đến  tiếp cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

H3: Năng lực SXKD của DNNVV tốt có ảnh hưởng thuận chiều đến tiếp  cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

H4: Báo cáo tài chính đúng quy định có ảnh hưởng thuận chiều đến tiếp cận  tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

H5: Quy mô của DNNVV lớn có ảnh hưởng thuận chiều đến tiếp cận tín  dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

H6: Phương án SXKD của DN khả thi có ảnh hưởng thuận chiều đến tiếp  cận tín dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

H7: Trình độ của chủ DN cao có ảnh hưởng thuận chiều đến tiếp cận tín  dụng NH của DNNVV tỉnh Thái Nguyên. 

3.3.4.2. Phương pháp phân tích sơ bộ thang đo 

Tác giả tiến hành đánh giá độ tin cậy và giá trị của thang đo trong bộ phiếu  điều tra tiếp cận vốn tín dụng NH của DNNVV từ kết quả phỏng vấn lãnh đạo  DNNVV thông qua phân tích hệ số tin cậy – Cronbach’s alpha bằng phần mềm  SPSS 22.0 để sàng lọc, loại bỏ các biến quan sát không đáp ứng tiêu chuẩn (biến  rác). Trong đó, Cronbach’s alpha là phép kiểm định thống kê về mức độ chặt chẽ 

(sự giải thích cho một khái niệm nghiên cứu) của tập hợp các biến quan sát (các câu  hỏi) trong thang đo. Hair & ctg (2010) và Kline (2005) cho rằng khi hệ số Cronbach’s alpha có giá trị từ >0,8 là thang đo tốt, từ 0,7 – 0,8 là sử dụng được.  Tuy nhiên, nếu Cronbach’s alpha quá cao (>0,95) thì có sự xuất hiện biến quan sát  thừa ở trong thang đo. Biến quan sát thừa là biến đo lường một khái niệm hầu như  trùng với biến đo lường khác, tương tự như trường hợp cộng tuyến (collinearity)  trong hồi quy, khi đó biến thừa nên được loại bỏ. Mặt khác, Cronbach’s alpha  không cho biết biến nào nên loại bỏ, biến nào nên giữ lại. Bởi vậy, bên cạnh hệ số 

Cronbach’s alpha, người ta còn sử dụng hệ số tương quan biến tổng (iterm – total  correlation) và những biến nào có tương quan biến tổng <0,3 sẽ bị loại bỏ (Ramanathan, R., 2002). 

Kết quả thu được từ kiểm định sơ bộ với 30 phiếu điều tra phỏng vấn lãnh  đạo DNNVV như sau: Trong lần kiểm định lần thứ nhất hệ số tin cậy của thang đo,  

có 03 biến quan sát ít có ý nghĩa thống kê giải thích trong mô hình do Corrected  Item-Total Correlation đạt dưới 0,3 và Cronbach’s Alpha if Item Deleted đạt giá trị cao hơn hệ số Cronbach’s alpha của nhóm biến gồm: RE4 (DN thường được NH  đánh giá mức tín nhiệm tốt), SZ6 (Doanh thu của DN tăng theo năm), QU8 (Chủ DN luôn đề cao văn hóa DN). Do đó, tác giả đã loại 3 biến quan sát ra khỏi mô hình  và tiến hành kiểm định lần 2. Phụ lục 06a trình bày đầy đủ kết quả Cronbach’s  Alpha của từng nhóm biến. Bảng 3.6 tổng hợp kết quả chính tại lần kiểm định thứ 2  cho thấy: hệ số Cronbach’s alpha của các thành phần từ phía DNNVV đều đạt tiêu  chuẩn (>0,70), đồng thời tương quan biến – tổng của các biến đều đạt yêu cầu và độ tin cậy (>0,40). Như vậy, mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín  dụng NH của DNNVV từ phía DNNVV có 8 thang đo đảm bảo chất lượng tốt với  40 biến đặc trưng và bảng hỏi của nghiên cứu được xây dựng khoa học, các câu hỏi  có tính gắn kết, có thể phản ánh chính xác thực tế tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH  của DNNVV. Thang đo chính thức được sử dụng để tiến hành phỏng vấn ban giám  đốc DNNVV tác giả trình bày tại Phụ lục 06b

Bảng 3.6. Các biến đặc trưng và thang đo chất lượng tốt 

TT Tên biến Mã  hóa Biến đặc trưng Cronbach’s  Alpha Ghi chú
1Tài sản đảm  bảo CO CO1, CO2,CO3,CO4,CO5,CO6 0,893 Chấp nhận
2Mối quan hệ  của DN với  ngân hàngRE RE1, RE2, RE3,RE5 0,841 Chấp nhận
3Năng lực của  DNNVV CA CA1,CA2, CA3, CA4,  CA5,CA6 0,900 Chấp nhận
4Báo cáo tài  chính FI FI1, FI2, FI3, FI4 0,868 Chấp nhận
5Quy mô của  DNNVV SZ SZ1, SZ2, SZ3, SZ4,SZ5 0,882 Chấp nhận
6Phương án  SXKD của DN BP BP1, BP2, BP3, BP4 0,863 Chấp nhận
7Trình độ của  chủ DN QU QU1, QU2, QU3, QU4, QU5,  QU6, QU7 0,825 Chấp nhận
8Tiếp cận vốn  tín dụng NH  của DNNVVAC AC1, AC2, AC3, AC4 0,829 Chấp nhận

(Nguồn: Tính toán của tác giả bằng phần mềm SPSS 22.0) 

3.3.4.3. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá 

Phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis  – viết tắt là EFA) là tập hợp những kỹ thuật phân tích thống kê có liên hệ với nhau  dùng để rút gọn một tập K biến quan sát thành một tập F (F < K) các nhân tố có ý  nghĩa hơn. Cơ sở của việc rút gọn này dựa vào mối quan hệ của các nhân tố với  biến phụ thuộc. Phương pháp EFA thuộc nhóm các phương pháp phân tích đa biến  phụ thuộc lẫn nhau vì các biến được đưa vào phân tích không có biến độc lập và  phụ thuộc mà chúng cùng phụ thuộc lẫn nhau (Nguyễn Quan Dong, 2012). Để chọn  số lượng nhân tố, ba phương pháp thường sử dụng là: 

– Tiêu chí E = Eigenvalue 

– Tiêu chí điểm uốn 

– Xác định trước số lượng nhân tố. 

Để diễn giải dễ dàng kết quả EFA, ta thường dùng phương pháp xoay nhân tố  để diễn giải kết quả, có thể xoay vuông góc hay không vuông góc. Để xác định sự  phù hợp khi dùng EFA, có thể dùng kiểm định Bartlert hoặc KMO (Kaiser -Meyer Olkin). KMO có giá trị từ 0,5 – 1, các biến có trọng số (factor loading) nhỏ hơn 0,5  sẽ bị loại và kiểm tra tổng phương sai trích được (>=50%), hệ số Eigenvalue >=1  đối với mỗi nhân tố mới đạt yêu cầu. 

3.3.4.4. Phương pháp phân tích hồi quy đa biến 

Để mô hình hồi quy đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả, luận án thực hiện các  kiểm định sau: 

– Kiểm định tương quan từng phần của các hệ số hồi quy. 

Khi mức ý nghĩa của hệ số hồi quy từng phần có độ tin cậy ít nhất 95%  (Sig.≤0,05) thì ta kết luận tương quan có ý nghĩa thống kê giữa biến độc lập và biến  phụ thuộc (Hoàng Trọng, 2008). 

– Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình. 

Mô hình được xem là không phù hợp khi tất cả các hệ số hồi quy đều bằng  không và mô hình được xem là phù hợp nếu có ít nhất một hệ số hồi quy khác không.  Sử dụng phân tích phương sai để kiểm định, nếu mức ý nghĩa đảm bảo có độ tin cậy ít  nhất 95% (Sig. ≤ 0,05) thì mô hình được xem là phù hợp (Hoàng Trọng, 2008). 

– Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến của các biến độc lập. 

Khi hệ số phóng đại phương sai VIF > 10 thì đó là dấu hiệu của hiện tượng  đa cộng tuyến của các biến độc lập (Nguyễn Trọng Hoài, 2009). Tuy nhiên trong  thực tế, nếu VIF > 2, thì cần phải xem xét các hệ số tương quan của biến đó với biến  phụ thuộc để so sánh chúng với trọng số hồi quy để xác định có xảy ra hiện tượng  đa cộng tuyến hay không (Ramanathan, R., 2002). 

– Kiểm định phương sai phần dư thay đổi. 

Phương sai phần dư thay đổi là hiện tượng các giá trị phần dư có phân phối  không giống nhau và giá trị phương sai không như nhau. Khi phương sai phần dư  thay đổi sẽ làm cho các ước lượng theo phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS)  của các hệ số hồi quy không hiệu quả, các kiểm định giả thuyết không còn giá trị,  các dự báo không còn hiệu quả. 

3.3.4.5. Phân tích phương sai một yếu tố 

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp phân tích phương sai  một yếu tố (One – Way Anova) để xác định sự khác nhau về tiếp cận vốn tín dụng  NH giữa các nhóm DNNVV. 

– Kiểm định Levene test dùng kiểm định phương sai bằng nhau hay không  giữa các nhóm. Nếu Sig. > 0,05 thì kết luận phương sai giữa các nhóm không có sự khác biệt, đủ điều kiện để phân tích Anova. 

– Kiểm định Anova: Nếu Sig. ≤ 0,05 thì kết luận đủ điều kiện để khẳng định  có sự khác biệt giữa các nhóm đối với biến phụ thuộc. Khi có sự khác biệt thì thực  hiện phân tích sâu hơn để tìm ra sự khác biệt như thế nào giữa các nhóm quan sát  bằng các kiểm định Tukey, LSD… 

3.4. Hệ thống các chỉ tiêu nghiên cứu 

3.4.1. Các chỉ tiêu phản ánh quá trình phát triển và kinh doanh của DNNVV 

– Số lượng DNNVV phân theo loại hình DN, ngành nghề kinh doanh, quy  mô DN, địa bàn. 

– Doanh thu thuần = Doanh thu tổng thể – Chiết khấu bán hàng – Hàng bán bị trả lại – Giảm giá hàng bán – Thuế gián thu 

– Thu nhập bình quân của lao động trong 1 tháng: 

– Tỷ lệ DNNVV so với tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn Số DNNVV đang hoạt động 

Tỷ lệ DNNVV = 

* 100% 

Tổng số DN 

– Các chỉ tiêu về số vốn đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn thông qua các chỉ tiêu  doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước, giải quyết lao động… 

– Tốc độ tăng trưởng bình quân: 

GTNC – 1Trong đó: GTNC : giá trị năm cuối 

GM = nGTNĐ 

 GTNĐ: giá trị năm đầu 

3.4.2. Các chỉ tiêu đánh giá kết quả kinh doanh của NH 

Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ (%): Chỉ tiêu này dùng để so sánh sự tăng trưởng  dư nợ tín dụng qua các năm để đánh giá sự cho vay, tìm kiếm khách hàng và đánh  tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng của NH. 

(Dư nợ năm nay – Dư nợ năm trước) 

Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ = 

* 100% 

Dư nợ năm trước 

Chỉ tiêu càng cao thì mức độ hoạt động của NH càng ổn định và có hiệu quả,  ngược lại NH đang gặp khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm khách hàng và thể hiện việc thực hiện kế hoạch tín dụng chưa hiệu quả. 

– Tỷ lệ vốn huy động NHTM/tổng nguồn vốn huy động các TCTD (%): chỉ  tiêu này cho biết mức độ huy động vốn của các NHTM so với tổng vốn huy động  của các tố chức tín dụng. Chỉ tiêu càng lớn thể hiện mức độ quan trọng của NH  trong công tác huy động vốn của các TCTD. 

– Tỷ lệ dư nợ NHTM/tổng dư nợ các TCTD (%): chỉ tiêu này cho biết mức độ  cho vay của các NHTM so với tổng vốn vay của các tố chức tín dụng. Chỉ tiêu càng lớn  thể hiện mức độ quan trọng của NH trong phát triển tín dụng của các TCTD. 

Tỷ lệ dư nợ/vốn huy động (%): Chỉ tiêu này phản ánh NH cho vay được  bao nhiêu so với nguồn vốn huy động, nó còn nói lên hiệu quả sử dụng vốn huy  động của NH, thể hiện NH đã chủ động trong việc tích cực tạo lợi nhuận từ nguồn .

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com