Câu hỏi của khách hàng: Người khác được cấp sổ đỏ cả phần đất mình canh tác thì có đòi quyền lợi được không

Các bác cho em hỏi nhà bác em với nhà em canh tác trên 1 diện tích đất lâm nghiệp chưa có sổ đỏ đã được phân chia ở giữa là đường dân sinh năm 2007 thì 2 nhà cùng làm sổ đỏ năm 2017 nhà bác ấy được phát sổ đỏ trong sổ đó bao quát cả diện tích đất nhà em và nhà em không được cấp sổ đỏ giờ bác ấy nhận phần đất nhà em đang canh tác là của ông ấy còn hoa màu trên mặt đất là của nhà em. Giờ em có căn cứ của huyện về xác minh đất chỉ rõ sổ đỏ ông ấy không có đường dân sinh và lời xác minh của 1 số hộ liền kề là nhà em có sử dụng và thâm canh từ lúc bắt đầu cho đến nay vậy liệu đưa nhau ra tòa thì ai là người thắng và nên giải quyết theo dân sự hay hành chính ..mong mọi người tư vấn giúp xin cảm ơn


Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 15/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất

  • Luật đất đai năm 2013
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Luật khiếu nại năm 2011

3./ Luật sư trả lời Người khác được cấp sổ đỏ cả phần đất mình canh tác thì có đòi quyền lợi được không

Theo thông tin bạn cung cấp thì trong quá trình cấp sổ đỏ cho phần diện tích đất của gia đình bạn và gia đình bác của bạn đã có sai sót dẫn tới việc phần diện tích đất của gia đình bạn sử dụng được xác lập quyền sử dụng cho gia đình bác của bạn. Trong trường hợp này bạn cần xác định sự việc như sau:

-Xác định thời hạn khiếu nại quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ thể có thẩm quyền cho bác của bạn. Căn cứ Điều 9 Luật khiếu nại:

“Điều 9.Thời hiện khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Mà theo thông tin bạn đưa ra thì việc cấp Giấy chứng nhận cho bác của bạn với cả phần diện tích đất được sử dụng bởi gia đình bạn đã được ra quyết định, thực hiện tại năm 2017. Nên, đến nay, thời hạn khiếu nại quyết định hành chính đã kết thúc. Để giải quyết tranh chấp giữa gia đình bạn và gia đình bác, bạn cần thực hiện việc khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

-Về thủ tục khởi kiện về tranh chấp đất đai. Trong trường hợp của bạn, đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng phần đất đang được sử dụng bởi gia đình bạn nhưng được cấp Giấy chứng nhận cho bác của bạn.

Do đây là tranh chấp về quyền sử dụng đất nên, về cơ bản, để Tòa án thụ lý giải quyết vụ án dân sự, gia đình của bạn cần thực hiện việc hòa giải tranh chấp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 và Điều 203 Luật đất đai. Bởi, việc tranh chấp đã được hòa giải ở cơ sở là một trong những điều kiện để xác lập thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án.

Căn cứ Khoản 9 Điều 26, Khoản 1 Điều 35 và điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của gia đình bạn trong trường hợp trên là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất bị tranh chấp. Khi nộp đơn khởi kiện, gia đình bạn cần nộp kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của gia đình là hợp pháp, có căn cứ pháp luật cùng các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình mà gia đình có thể cung cấp được cho Tòa án cùng với biên bản hòa giải tại cơ sở không thành.

Còn về việc kết quả giải quyết của Tòa án như thế nào thì còn cần xem xét vào những yếu tố khác như chứng cứ, tài liệu mà các bên đưa ra có hợp pháp hay không, việc chứng minh quyền sử dụng của các bên như thế nào,… cũng như nhìn nhận của phía Tòa.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, thông thường gia đình bạn cần thực hiện việc hòa giải ở cơ sở. Khi hòa giải không thành, gia đình bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự. Về việc khiếu nại, thông thường, với thời gian như bạn trình bày thì đã quá thời hạn để gia đình bạn thực hiện quyền khiếu nại quyết định hành chính.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Câu hỏi của khách hàng: Đất chưa có sổ bị đo nhập vào nhà khác thì đòi lại thế nào?

Xin chào các bạn. chào các luật sư. mình có việc nhờ ai hiểu biết về luật đất đai giúp đỡ, vụ việc như sau

Nhà mình có mảnh đất cạnh mảnh đất nhà chú (mảnh đất đó trước kia là ao sâu do mình vượt nên. còn mảnh của ông chú có 6m cả hai đều chưa có giấy tờ gì). nhưng vừa rồi ở chỗ mình địa chính đo lại đây dôi dư mình có chỉ mốc rõ ràng, nhưng đến khi gọi ra xã xác nhận lại thì mảnh đất nhà mình không có mà lại được xác nhập hết vào nhà chú mình.

Vậy mình muốn nhờ các bạn và các luật sư tư vấn giúp mình làm thế nào để đòi lại mảnh đất ấy.

Và điều thứ hai mình muốn hỏi là nếu ông chú ấy muốn chiếm mảnh đất ấy thì mình có được bồi thường không. và mình đòi bồi thường thì mình cần chuẩn bị những gì

Rất mong các luật sư tư vấn giúp xin cảm ơn và chờ hồi âm của mọi người


Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 18/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất

  • Luật đất đai 2013
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai.
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Đất chưa có sổ bị đo nhập vào nhà khác thì đòi lại thế nào?

Theo thông tin bạn cung cấp, mảnh đất của nhà bạn không có sổ đỏ, khi đo lại địa chính, xã xác nhận nhập đất của bạn vào đất của chú, bạn muốn biết làm thế nào để đòi lại đất hoặc xác lập quyền sở hữu với quyền sử dụng mảnh đất trên.

Căn cứ vào Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai thì “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Theo đó, để xác định được đất thuộc quyền sở hữu của ai, cần căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, hai bên không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó, cũng không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất, nên Điều 101 Luật Đất đai thì chủ thể sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khi:

-Là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 1/07/2014 mà không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

-Hoặc là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Căn cứ Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc sử dụng đất ổn định được hiểu là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:

+Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;

+Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;

+Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;

+Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

+Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;

+Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;

+Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;

+Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;

+Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;

+Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

+Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất trong trường hợp không có các giấy tờ trên/ có nhưng không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất.

Trên cơ sở quy định của Luật Đất đai, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và các văn bản liên quan, để bạn có thể lấy lại mảnh đất, bạn cần chứng minh được đất thuộc quyền sở hữu của mình. Tức là, bạn cần có các giấy tờ chứng minh đất sử dụng ổn định, lâu dài, các giấy tờ được UBND xã xác nhận là sử dụng không có tranh chấp và sử dụng đúng mục đích không vi phạm pháp luật.

Nhưng trước hết, bạn cần làm thủ tục khiếu nại quyết định của chủ thể có thẩm quyền (quyết định công nhận phần đất của bạn là thuộc sở hữu của nhà chú của bạn). Trong trường hợp việc giải quyết khiếu nại đưa tới kết quả hủy quyết định bạn khiếu nại thì bạn có thể thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai để xác lập quyền sử dụng mảnh đất trên của bạn.

Trường hợp đã hết thời hạn khiếu nại quyết định hành chính, bạn cần thỏa thuận với người chú của bạn để thực hiện chuyển quyền sở hữu phần đất trên từ chú của bạn sang cho bạn. Nếu hai bên không thỏa thuận được, bạn cần làm đơn đề nghị UBND xã hòa giải tranh chấp giữa hai người theo quy định tại Điều 202Điều 203 Luật đất đai. Sau khi có biên bản hòa giải, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu mảnh đất trên theo quy định tại Điều 26, Điều 35Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của bạn thường là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp.

Sau khi có kết quả giải quyết của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bạn có thể được xác lập quyền sở hữu đối với quyền sử dụng mảnh đất trên theo nội dung bản án/ quyết định có hiệu lực pháp luật đó.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính của chủ thể có thẩm quyền để bác bỏ quyền sở hữu quyền sử dụng đất của người chú của bạn. Hoặc khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết khi hòa giải tại cơ sở không thành. Bạn có thể thu thập các giấy tờ chứng minh đất đã được sử lâu dài, ổn định, các giấy tờ được UBND xã xác nhận là sử dụng không có tranh chấp và sử dụng đúng mục đích không vi phạm pháp luật để chứng minh cho quyền sở hữu của bạn với quyền sử dụng mảnh đất.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com

Câu hỏi của khách hàng: Con rể ép mẹ vợ ký giấy tờ mua bán rồi làm giả giấy tờ nhà đất xử lý thế nào

Xin cho mình hỏi vấn đề này

Mình có bà cô (bà A) bà có mua 1 căn nhà ở tân bình bằng văn tự mua bán tay được lập 1967

Sau ngày giải phóng có kê khai tài sản năm 1977

Và có hộ khẩu 1987

Đến năm 1988 cô mình đi vượt biên và để lại căn nhà đó cho bà chị (con nuôi của bố cô ấy ở nhờ và cũng có tên trong hộ khẩu)

Đến năm 1999 bà con nuôi của bố cô ấy (bà B) có kê khai 1999

Bà B này có đứa con gái, nhỏ này lấy chồng năm 2003

Đầu 2017 thằng rể này nó ép bà B ký giấy bán nhà bằng hợp đồng tay chỉ với tờ kê khai 1999

Bên thằng mua lo liệu giấy tờ

Thằng mua nó làm giả hộ khẩu 1976, và tờ giấy cho tặng của bà A cho bà B

Đến năm 2018 thì nó trồng đủ tiên và bà B và thằng rể giao nhà,nhưng bà A bên nước ngoài nghe được và bay về Việt Nam! Để đòi lại nhà

Trong thời gian đó thằng mua tiến hành thủ tục ra sổ hồng nhưng đã bị mình phát hiện và chặn lại.

Nay mình muốn lấy lại nhà cho bà A bằng cách làm sổ cho bà A

Hỏi phải làm như thế nào (mình đã kêu người đo đạt thực trạng nhà để bổ túc hồ sơ làm sổ hồng

Bên bà B ,thằng rể và thằng mua làm giấy tờ giả kia bị tội danh gì??

Xin chân thành cám ơn

Xin chào thân ái


Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 01/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất

  • Luật đất đai năm 2013
  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

3./ Luật sư trả lời Tranh chấp quyền sử dụng đất?

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Nói cách khác, việc định đoạt (bán tài sản) được xác lập trên cơ sở người bán là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản hoặc là người được chủ sở hữu trao quyền này theo quy định.

Căn cứ Điều 221 Bộ luật dân sự thì việc xác lập quyền sở hữu trong trường hợp bạn đưa ra là không có căn cứ. Nói cách khác, việc bà B hiện đang sử dụng căn nhà trên hoàn toàn không làm phát sinh quyền sở hữu của bà đối với căn nhà. Do vậy, bà B không có quyền bán căn nhà.

Theo thông tin bạn cung cấp, mảnh đất và căn nhà trên đều thuộc quyền sở hữu của bà A, có văn tự mua bán tay được lập 1967, có hộ khẩu năm 1987. Việc bà B được bà A cho sử dụng căn nhà trong thời gian bà A đi vắng không phải là căn cứ xác lập quyền sở hữu của bà B nên bà B không phải là người có quyền quyết định bán căn nhà.

Căn cứ Điều 123 Bộ luật dân sự:

“Điều 123.Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

Giao dịch giữa bà B và người mua đó sẽ bị vô hiệu do bà B không có quyền bán nhà bà đang sử dụng vì bà không phải là chủ sở hữu ngôi nhà. Theo đó, bạn A cần yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán nhà giữa bà B và người mua vô hiệu. Khi đó, bà A cần làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận để được công nhận quyền của chủ sở hữu theo quy định, tránh các trường hợp tương tự xảy ra.

Việc xin cấp Giấy chứng nhận được thực hiện như sau:

Căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 100 Luật đất đai về Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Việc bà A có văn tự mua bán nhà được lập 1967, đã kê khai tài sản năm 1977,  có hộ khẩu 1987 đã đáp ứng đủ điều kiện để bà A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp của bạn, bạn cần tiến hành xin Giấy chứng nhận theo quy định sau:

Bước 1: Chuẩn bị 1 bộ hồ sơ:

+Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;

+Văn bản uỷ quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu bạn là người làm).

+Văn tự mua bán nhà được lập năm 1967

+Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã đất không có tranh chấp

Bước 2: Nộp hồ sơ trên tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân xã, thị trấn (cơ quan này có trách nhiệm chuyển hồ sơ của cá nhân, hộ gia đình lên Ủy ban nhân dân cấp huyện). Bộ phận có thẩm quyền tại Ủy ban nhân dân huyện tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, viết phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 3: Chuyển hồ sơ đến Phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.

Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa khi cần thiết; Ủy ban nhân dân xã, thị trấn có trách nhiệm thẩm tra, xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất.

Khi đủ điều kiện thì cấp Giấy chứng nhận gửi kèm hồ sơ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ký giấy chứng nhận.

Bước 4: Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi ý kiến đối với trường hợp không đủ điều kiện

Bước 5: Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất chuyển kết quả cho Bộ phận trả cho người sử dụng đất hoặc trả kết quả cho UBND xã để trả cho người sử dụng đất. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, người có hành vi làm giả giấy tờ tặng cho quyền sử dụng đất (giữa bà A và bà B ) sẽ bị xử phạt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do, người mua nhà đó, đã bằng hành vi gian dối, giả mạo chữ ký của bà A để làm hợp đồng tặng cho tài sản cho bà B để hợp pháp hóa quyền sở hữu định đoạt nhằm mục đích bán nhà cho mình với lỗi cố ý. Cơ quan điều tra sẽ xem xét mức độ hành vi nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ khởi tố vụ án.

Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

… c)Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; …”

Hành vi của con rể bà B: uy hiếp, đe dọa mẹ vợ để bán nhà cho người khác khi biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của mình, đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hành vi đe dọa này có thể là đe dọa dùng vũ lực nếu mẹ vợ không chịu ký bán nhà hoặc đe dọa tinh thần khiến mẹ vợ phải ký vào hợp đồng mua bán. Dù người con rể đó không thực hiện hành vi đe dọa để chiếm đoạt tài sản làm của riêng nhưng là đồng phạm với người mua tài sản đó và được lợi từ hành vi vi phạm pháp luật đó. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, xem xét về mức độ hành vi của người con rể có đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Xét thấy hành vi trên có dấu hiệu tội phạm cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố bị can.

Đối với hành vi làm giả hộ khẩu thường trú cho bà B của người mua nhà sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 4 triệu đồng (điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bà A cần làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán trên là vô hiệu. Sau đó bạn có thể làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. Và tùy vào kết quả điều tra của chủ thể có thẩm quyền, những người có hành vi vi phạm pháp luật (người con rể của bà B, người mua đất) sẽ phải chịu những trách nhiệm tương ứng.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com