Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Bắt ký cam kết phạt tiền không lộ bí mật kinh doanh công ty đúng hay sai

Khi vào thì hợp đồng không có mà chỉ có ghi sơ khai là cam kết bảo mật công ty và khi nghỉ việc thì công ty đưa ra một hợp đồng bảo mật, ép buộc ký mới trả tiền lương, hợp đồng không rõ ràng mập mờ các điều khoản nhưng nếu vi phạm sẽ phạt ít nhất 500 triệu. Những nhân viên cũ cũng không phải ký mà nó mới phát sinh gần đây (theo em hiểu là nếu có thì hợp đồng này phải có ngay từ lúc vào công ty, thế có đúng không?)

Vậy em sẽ dựa vào những sơ hở luật pháp nào của công ty để đòi lại tiền lương và quyền lợi cho bản thân mà không phải ký hợp đồng kia? Mong các luật sư giúp em vì số tiền không lớn nhưng mình phòng tránh việc công ty có những hành vi lừa dối người lao động. Em xin cảm ơn ạ


Luật sư Tư vấn Luật sở hữu trí tuệ – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 03 tháng 07 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Cam kết không tiết lộ bí mật kinh doanh

  • Luật sở hữu trí tuệ 2005
  • Bộ luật lao động 2012
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

3./ Luật sư tư vấn

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Bí mật kinh doanh là một trong những đối tượng được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ.

Trước tiên, về việc ký kết hợp đồng lao động, căn cứ Điều 16 Bộ luật lao động 2012 thì:

“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Đồng thời căn cứ Khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động 2012, hợp đồng khi được lập thành văn bản phải có các nội dung sau đây:

– Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

– Công việc và địa điểm làm việc;

– Thời hạn của hợp đồng lao động;

– Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

– Chế độ nâng bậc, nâng lương;

– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

– Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

– Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Do đó, trừ trường hợp làm công việc dưới 03 tháng, người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung nêu trên. Trường hợp không ký kết hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng (Theo Khoản 2 Điều 31 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, căn cứ Khoản 2 Điều 23 Bộ luật lao động 2012 quy định:

“2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.”

Như vậy, trường hợp công ty có bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và người lao động làm việc trực tiếp liên quan đến các bí mật này, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động ký cam kết không được tiết lộ bí mật kinh doanh.

Về nguyên tắc trả lương, theo Điều 96 Bộ luật lao động 2012, người lao động có quyền được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Có thể thấy, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động ký cam kết không tiết lộ bí mật kinh doanh. Người sử dụng lao động có thể ký hoặc không ký cam kết, nhưng khi bí mật kinh doanh bị tiết lộ và người sử dụng lao động có đủ bằng chứng chứng minh anh/chị là người tiết lộ bí mật, thì anh/chị sẽ bị khởi kiện ra Tòa án và bị yêu cầu bồi thường thiệt hại tương ứng. Do đó, việc ký cam kết không tiết lộ bí mật kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho cả người sử dụng lao động và người lao động trong thời gian thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, việc trả lương và việc ký cam kết là hai việc hoàn toàn độc lập. Do đó, khi người sử dụng lao động không trả lương đúng thời hạn, nguyên tắc nêu trên, anh/chị có quyền tố cáo hoặc khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc không tiết lộ bí mật kinh doanh. Những người sử dụng lao động không có quyền không trả lương cho người lao động vì không ký cam kết nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Bắt ký cam kết phạt tiền không lộ bí mật kinh doanh công ty đúng hay sai, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com