Sự giống và khác nhau giữa Hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền, văn bản ủy quyền, công văn ủy quyền, quyết định ủy quyền

Sự giống và khác nhau giữa Hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền, văn bản ủy quyền, công văn ủy quyền, quyết định ủy quyền. Các căn cứ pháp luật, căn cứ nhận định tiêu biểu về vấn đề này

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
  • Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe; 
  • Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;
  • Quyết định số 636/QĐ-BHXH về việc ban hành quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội;
  • Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Trả lời:

1.1. Điểm giống nhau:

Những điểm giống của các loại văn bản UQ trên là:

– Cùng mục đích xác lập. Bên UQ chỉ định bên được UQ nhân danh, thay mặt mình để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Văn bản UQ là căn cứ xác lập quyền đại diện của bên được UQ đối với bên UQ.

– Cùng hình thức xác lập, đó là hình thức văn bản;

– Đều có chữ ký, xác nhận của bên UQ;

– Đều ghi nhận các điều khoản cơ bản: thông tin của bên UQ và bên được UQ, nội dung UQ, thời hạn UQ.

1.2. Điểm khác:

Khác biệt được xem xét theo các tiêu chí: khái niệm, chủ thể tham gia ký kết, giá trị ràng buộc của văn bản, nội dung điều chỉnh của văn bản. Sau đây xin trình bày những điểm khác nhau của hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền, văn bản ủy quyền, công văn ủy quyền và quyết định ủy quyền qua sự phân tích các tiêu chí trên đối với từng loại văn bản:

+ Văn bản ủy quyền:

Đây là thuật ngữ pháp lý được ghi nhận trong các văn bản pháp luật như BLDS 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, không có quy định định nghĩa “văn bản ủy quyền”. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng “văn bản ủy quyền” là thuật ngữ mang tính bao quát nhằm chỉ hình thức UQ là hình thức văn bản. Cụm từ này được dùng để gọi chung mọi loại văn bản có chứa nội dung UQ. Nói cách khác, hợp đồng UQ, giấy UQ, văn bản UQ, công văn UQ hay quyết định UQ đều chính là “văn bản ủy quyền”.

+ Hợp đồng ủy quyền:

Đây là thuật ngữ pháp lý được định nghĩa tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 562. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Có 2 bên chủ thể tham gia ký kết, xác lập hợp đồng UQ đó là bên UQ và bên được UQ. Các bên chủ thể có thể là cá nhân, pháp nhân. Trường hợp pháp luật có quy định thì cá nhân, pháp nhân trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Hợp đồng UQ không có giá trị pháp lý nếu thiếu đi chữ ký, xác nhận của tất cả các bên. Kể từ thời điểm hợp đồng UQ có hiệu lực, bên được UQ bắt buộc phải thực hiện công việc UQ đúng theo thỏa thuận.

Nội dung trong hợp đồng bao gồm mọi thỏa thuận giữa các bên liên quan đến UQ, như các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của từng bên, thù lao UQ, phương thức giải quyết tranh chấp, chấm dứt hợp đồng, hiệu lực hợp đồng,…

+ Giấy ủy quyền:

Đây không phải là thuật ngữ pháp lý được quy định trong Bộ luật dân sự 2015, song ở một số văn bản pháp luật khác có ghi nhận thuật ngữ này. Chẳng hạn:

Tại Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

Điều 107. Uỷ quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

1. Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền.

2. Giấy uỷ quyền phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;

b) Phạm vi uỷ quyền;

c) Thời hạn uỷ quyền;

d) Ngày lập giấy uỷ quyền;

đ) Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.

Tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe:

Điều 9. Giấy tờ của chủ xe

5. Người được ủy quyền đến đăng ký xe phải xuất trình Chứng minh nhân dân của mình; nộp giấy ủy quyền có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.

Tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch:

Điều 24. Thủ tục chứng thực chữ ký

4. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Tại khoản 4 Điều 3 Quyết định số 636/QĐ-BHXH về việc ban hành quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội:

Điều 3. Hồ sơ, thời hạn, thẩm quyền giải quyết hưởng các chế độ BHXH và trách nhiệm lập, nộp hồ sơ, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết

4. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hưởng BHXH, quy trình luân chuyển hồ sơ, lưu trữ hồ sơ hưởng BHXH thực hiện theo quy định hiện hành về tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN và lưu trữ hồ sơ BHXH.

Người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện, người chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng, người đề nghị hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN do thương tật, bệnh tật tái phát và thân nhân người lao động nêu trên có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH. Khi nhận kết quả giải quyết thì phải trực tiếp nhận, trường hợp không đến nhận trực tiếp thì phải có giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB hoặc hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật cho người đại diện hợp pháp của mình nhận kết quả giải quyết hưởng BHXH.

Trên thực tế tồn tại 2 loại giấy UQ: loại giấy UQ thể hiện việc UQ đơn phương và loại giấy UQ mang bản chất của hợp đồng UQ.

+ Đối với loại giấy UQ thể hiện việc UQ đơn phương, chỉ có chữ ký của bên UQ là mang tính bắt buộc. Bởi giấy UQ lúc này là văn bản thể hiện hành vi pháp lý đơn phương của bên UQ khi chỉ định một cá nhân, pháp nhân khác đại diện cho mình nên không bắt buộc phải có sự xác nhận cũng như đồng ý của bên được UQ.

Giá trị ràng buộc của giấy UQ thấp hơn hợp đồng UQ, bởi hiệu lực thực tế của giấy UQ chỉ phát sinh khi bên được UQ chấp thuận thực hiện công việc trên cơ sở tự nguyện mà không bị ràng buộc về mặt pháp lý.

Nội dung của giấy UQ đơn giản, ngắn gọn, linh hoạt hơn nhiều so với hợp đồng UQ. Thông thường giấy UQ chỉ ghi nhận thông tin cá nhân của các bên có liên quan, nội dung UQ, thời hạn UQ.

+ Đối với loại giấy UQ mang bản chất của hợp đồng UQ, tuy tên gọi của văn bản là “Giấy ủy quyền” nhưng toàn bộ nội dung và mục đích xác lập văn bản của các bên không khác gì khi tiến hành ký kết hợp đồng UQ. Lúc này, bản chất của văn bản là hợp đồng UQ chứ không phải giấy UQ như tên gọi các bên sử dụng cho văn bản UQ này.

+ Công văn ủy quyền:

Công văn không phải một loại văn bản QPPL và “công văn ủy quyền” không phải một thuật ngữ pháp lý. Khi trình bày công văn không có tên gọi văn bản, vậy nên “công văn ủy quyền” không phải tên gọi mà thực chất là việc đề cập chức năng, mục đích của công văn đó.

Công văn được xem là loại văn bản hành chính và được sử dụng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để giải quyết công việc nội bộ. Theo đó, công văn UQ do cấp trên ban hành UQ cho cấp dưới thay mặt mình hoàn thành công việc UQ. Trong công văn chỉ có chữ ký, con dấu của bên UQ.

Công văn có giá trị pháp lý bắt buộc với bên được UQ.

Nội dung của công văn UQ khá giống với giấy UQ và không chi tiết như hợp đồng UQ. Trong đó bao gồm các điều khoản về thông tin liên hệ của bên được UQ, nội dung, phạm vi UQ, thời hạn UQ và hiệu lực văn bản.

+ Quyết định ủy quyền:

Có 2 loại quyết định đó là quyết định của cơ quan nhà nước và quyết định không phải của cơ quan nhà nước. Quyết định của cơ quan nhà nước là văn bản pháp luật, bao gồm văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Loại quyết định thứ hai không phải là văn bản pháp luật, do ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp ban hành và chỉ sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp.

Dù có là VBPL hay không thì quyết định cũng đều là văn bản ghi nhận nhiệm vụ, yêu cầu từ cấp trên xuống cấp dưới. Quyết định UQ cũng do cấp trên ban hành nhằm chỉ định cấp dưới thay mặt mình tiến hành việc UQ. Quyết định UQ chỉ cần có chữ ký, đóng dấu xác nhận của bên UQ mà thôi.

Quyết định UQ có giá trị bắt buộc thực hiện đối với bên được UQ. Bên được UQ không được từ chối UQ. Nội dung của quyết định UQ tương tự với công văn UQ, trong đó ghi nhận thông tin liên hệ của bên được UQ, nội dung, phạm vi UQ, thời hạn UQ và hiệu lực văn bản.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com