Nhìn lại một năm triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và định hướng cơ bản năm 2015

Nhìn lại một năm triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và định hướng cơ bản năm 2015

29/05/2015

Thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (TDTHTHPL) được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để thực hiện nhiệm vụ này nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đưa công tác TDTHTHPL tiếp tục phát triển lên một bước mới và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thực tiễn triển khai công tác TDTHTHPL có những thay đổi rất mới.

1. Bối cảnh triển khai thực hiện nhiệm vụ TDTHTHPL năm 2014

Mặc dù công tác TDTHTHPL được Chính phủ giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý trong phạm vi cả nước từ năm 2008 (tại Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp), nhưng phải đến năm 2012, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật mới được Chính phủ ban hành, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai nhiệm vụ TDTHTHPL. Trước năm 2014, Bộ Tư pháp đã nỗ lực cố gắng cùng các bộ, ngành địa phương tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn về TDTHTHPL, đồng thời triển khai xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định cho việc triển khai bền vững nhiệm vụ này. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp là đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ Tư pháp thực hiện công tác quản lý nhà nước về TDTHTHPL cho đến thời điểm ngày 15/5/2014. Tuy nhiên, trước yêu cầu chuyển hướng chiến lược trong xây dựng và thực thi pháp luật, trên cơ sở nghiên cứu, cân nhắc kỹ tình hình và yêu cầu của thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) nhằm đổi mới cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo hướng chuyên sâu, thực chất, gắn việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật với việc tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra và bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật. Nhiệm vụ theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật cùng với tổ chức (Phòng Công tác thi hành pháp luật) và một số biên chế thực hiện công tác TDTHTHPL của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – đơn vị trước đây được giao tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện công tác này, được chuyển sang Cục QLXLVPHC&TDTHPL khi Cục được thành lập theo Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trở thành một trong những phòng chủ chốt thuộc tổ chức, bộ máy của Cục – Phòng Theo dõi thi hành pháp luật(1).

Năm 2014 cũng là năm đầu tiên triển khai công tác TDTHTHPL theo lĩnh vực trọng tâm liên ngành. Vấn đề an toàn thực phẩm trong đó tập trung vào chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè là lĩnh vực trọng tâm liên ngành mà Bộ Tư pháp đã thống nhất với các bộ, ngành hữu quan xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai trong năm 2014 đạt kết quả bước đầu rất tốt, tạo đà cho việc tiếp tục triển khai phương thức TDTHTHPL này sang lĩnh vực trọng tâm liên ngành khác trong năm 2015 là chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

2. Những kết quả đạt được

2.1. Hoàn thiện thể chế về công tác TDTHTHPL

Nhằm cụ thể hóa Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014 và Chương trình hành động của Bộ Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác TDTHTHPL, ví dụ như: Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong công tác TDTHTHPL (kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-BTP ngày 17/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)… Đồng thời, thể chế về TDTHTHPL cũng đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện thông qua việc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác TDTHTHPL tại bộ, ngành, địa phương mình, ví dụ như: Thông tư số 58/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 của Bộ Giao thông vận tải; Thông tư số 35/2013/TT-BYT ngày 26/12/2013 của Bộ Công Thương; Thông tư số 22/2014/TT-BYT ngày 30/6/2014 của Bộ Y tế; Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 12/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên…Các văn bản nêu trên được ban hành có ý nghĩa quan trọng, góp phần gắn kết công tác TDTHTHPL với công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, đồng thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác TDTHTHPL của các bộ, ngành, địa phương.

2.2. Công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra thực hiện công tác TDTHTHPL

Công tác này đã được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện trong năm 2014(2). Theo đó, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ TDTHTHPL, trong đó đặc biệt tập trung hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch và xác định lĩnh vực trọng tâm, xây dựng báo cáo TDTHTHPL. Ngoài ra, trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra công tác TDTHTHPL tại Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương… Thông qua các hoạt động nêu trên, nhiều giải pháp quan trọng đã được các bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện. Đồng thời, đội ngũ cán bộ từng bước được trang bị kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, tổ chức triển khai nhiệm vụ TDTHTHPL, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

2.3. Các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác TDTHTHPL

– Về tổ chức bộ máy, biên chế:Tại Bộ Tư pháp, Cục QLXLVPHC&TDTHPL được thành lập theo Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1266/QĐ-BTP ngày 03/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục QLXLVPHC&TDTHPL. Theo đó, một phần biên chế của Phòng Công tác thi hành pháp luật thuộc Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã được chuyển sang Cục. Cục QLXLVPHC&TDTHPL chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11/7/2014. Tại các Sở Tư pháp, tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác TDTHTHPL tiếp tục được kiện toàn. Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 06 Sở Tư pháp đã thành lập Phòng Theo dõi thi hành pháp luật, 36 Sở Tư pháp thành lập Phòng kiêm chức năng TDTHTHPL, 21 Sở Tư pháp bố trí cán bộ làm công tác TDTHTHPL và giao nhiệm vụ này cho một phòng chuyên môn đảm nhận. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Vụ Pháp chế đã được thành lập ở tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó có 01 bộ thành lập Phòng Công tác thi hành pháp luật, 02 bộ thành lập phòng kiêm chức năng TDTHTHPL, các bộ, ngành còn lại đã bố trí cán bộ phụ trách công tác TDTHTHPL. Các địa phương đã thành lập trên 292 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó có 10/63 địa phương đã thành lập từ 14 Phòng Pháp chế trở lên; 28/63 địa phương thành lập, kiện toàn được một số Phòng Pháp chế và đang tiếp tục thực hiện. Theo thống kê, đến nay có khoảng trên 2.408 người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó khoảng 600 người chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm.

– Về kinh phí:

Kinh phí bảo đảm hoạt động TDTHTHPL bước đầu được các bộ, ngành, địa phương bố trí trong kinh phí thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đã đáp ứng một phần yêu cầu triển khai thực hiện công tác này. Bên cạnh nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, các bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động huy động nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoặc lồng ghép vào các chương trình, dự án khác đảm bảo cho công tác này.

2.4. Tổ chức thực hiện kế hoạch TDTHTHPL

Trong năm 2014, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch TDTHTHPL đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Ngoài việc theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực và địa bàn, các bộ, ngành, địa phương đã lựa chọn lĩnh vực có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và tổ chức nhiều hoạt động để triển khai thực hiện TDTHTHPL(3). Sự kết hợp giữa theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật với theo dõi chuyên đề, theo dõi liên ngành là một trong những nét mới của công tác này trong năm 2014. Vì vậy, công tác TDTHTHPL đã được thực hiện trên cơ sở bám sát nhiệm vụ của ngành, địa phương, chủ động triển khai và mang lại những hiệu ứng tích cực(4)

3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

3.1. Tồn tại, hạn chế

– Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về TDTHTHPL vẫn còn chậm, vì vậy đã dẫn đến lúng túng trong thực tiễn hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, cụ thể: Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2012, nhưng phải 02 năm sau thì Thông tư quy định chi tiết Nghị định này mới được ban hành5. Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện nay, chỉ tiêu thống kê quốc gia và thống kê ngành về TDTHTHPL, cũng như Thông tư hướng dẫn nội dung thống kê, sử dụng biểu mẫu trong lĩnh vực TDTHTHPL vẫn chưa được ban hành.

– Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ TDTHTHPL chậm được kiện toàn, bổ sung và chưa được tổ chức thống nhất, đồng bộ tại các bộ, ngành, địa phương. Đội ngũ công chức được giao làm công tác này thường kiêm nhiệm, số lượng ít, trình độ chuyên môn chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức công tác TDTHTHPL. Mặc dù đã được bố trí kinh phí hoạt động nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đa số các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn về kinh phí phục vụ việc triển khai công tác TDTHTHPL, trong đó thậm chí có địa phương kinh phí chỉ đủ triển khai nhiệm vụ xây dựng báo cáo và tổ chức một số cuộc kiểm tra về công tác TDTHTHPL.

– Hoạt động tập huấn nghiệp vụ về TDTHTHPL chưa được thực hiện thường xuyên; nội dung và phương pháp tập huấn cần tiếp tục được nghiên cứu đổi mới, bám sát hơn với yêu cầu thực tiễn. Một trong những vấn đề cần quan tâm là cần khẩn trương tổ chức biên soạn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ TDTHTHPL và bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên có kinh nghiệm để phục vụ cho việc hướng dẫn, tập huấn đội ngũ làm công tác TDTHTHPL trên toàn quốc.

– Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch TDTHTHPL của một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng; các hình thức TDTHTHPL còn đơn điệu, chủ yếu căn cứ trên báo cáo của các cơ quan nhà nước, trong khi việc tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật chưa thường xuyên, chậm được thực hiện; việc gửi báo cáo TDTHTHPL năm 2014 còn chậm, nhiều đơn vị chưa gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp xây dựng báo cáo chung về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ; nhiều báo cáo còn sơ sài, chưa bảo đảm chất lượng.

– Quá trình thực hiện công tác TDTHTHPL còn thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Do vậy, kết quả chưa tạo được sự lan tỏa trong xã hội, chưa có những kết quả mang tính đột phá, phản ứng chính sách thông qua hoạt động TDTHTHPL vẫn còn chậm, việc xử lý kết quả TDTHTHPL chưa kịp thời, thiếu triệt để, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.

3.2. Nguyên nhân

Thứ nhất,một số vấn đề lý luận liên quan đến vị trí, tầm quan trọng và nội dung của công tác TDTHTHPL vẫn chưa được nhìn nhận, nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo, đầy đủ. Trong khi đó, tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện đối với lĩnh vực này hiện vẫn chưa được cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai,đặc dù công tác TDTHTHPL trong phạm vi cả nước đã được Chính phủ giao Bộ Tư pháp thực hiện kể từ khi ban hành Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, nhưng cho đến nay, công tác TDTHTHPL vẫn chưa được luật hóa. Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có hiệu lực pháp lý cao nhất trực tiếp điều chỉnh đối với công tác TDTHTHPL là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP sau một thời gian thực hiện cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được tổ chức sơ kết đánh giá, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Thứ ba, TDTHTHPL là lĩnh vực hoạt động còn mới mẻ và phức tạp, do vậy đòi hỏi phải có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, địa phương, bên cạnh sự chủ động của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp. Kết quả công tác TDTHTHPL chưa thực sự nổi bật, chưa phản ánh đúng những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, chưa có nhiều đề xuất lớn để nâng cao hiệu quả thi hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật.Thực hiện quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước năm 2014 (Báo cáo số 64/BC-BTP ngày 18/3/2015), trong đó tập trung đánh giá về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ TDTHTHPL, tình hình triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật trong tất cả các lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với những đánh giá của Bộ Tư pháp về tình hình, phương hướng, giải pháp chủ yếu về công tác TDTHTHPL nêu trong Báo cáo và chỉ đạo thực hiện đối với các kiến nghị, đề xuất trong việc tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ này(6).

4. Định hướng công tác TDTHTHPL năm 2015 và các giải pháp chủ yếu

4.1. Định hướng công tác TDTHTHPL

– Nghiên cứu, đánh giá toàn diện các quy định của pháp luật về TDTHTHPL để từ đó tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, pháp luật trong hoạt động này, đặc biệt là đề xuất ban hành Luật về TDTHTHPL.

– Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TDTHTHPL đối với lĩnh vực quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, trong đó tập trung vào lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân.

– Chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về những vụ việc cụ thể trong quá trình thực hiện pháp luật, để từ đó gắn công tác xây dựng pháp luật với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và TDTHTHPL, kịp thời đề xuất giải pháp, phản ứng chính sách một cách hiệu quả.

– Khẩn trương, chú trọng việc kiện toàn bộ máy làm công tác TDTHTHPL tại các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở quy định của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV(7) của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2015; mở rộng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác TDTHTHPL của các bộ, ngành, địa phương; chú trọng thiết lập và phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên trong lĩnh vực TDTHTHPL.

– Nghiên cứu các vấn đề lý luận về TDTHTHPL, làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách, giải pháp hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng của công tác TDTHPL.

4.2. Các giải pháp chủ yếu

Một là,chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai quyết liệt Kế hoạch TDTHPL trên cơ sở bám sát nội dung Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; xác định lĩnh vực trọng tâm liên ngành thuộc vấn đề “nóng” trong đời sống kinh tế – xã hội để xây dựng kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện8; theo dõi chặt chẽ kết quả xử lý kiến nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội;

Hai là,nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa của các bộ, ngành, địa phương trong công tác TDTHTHPL; thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện công tác TDTHTHPL nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn;

Ba là, tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện kết quả thi hành pháp luật về công tác TDTHTHPL, trong đó trọng tâm là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, từ đó tiếp tục đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hoàn thiện thế chế, pháp luật trong lĩnh vực này;

Bốn là, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm nhằm thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định của pháp luật, cũng như kế hoạch TDTHTHPL trong phạm vi cả nước;

Năm là, phát triển mạng lưới cộng tác viên trên cơ sở thu hút sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội; chủ động tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin phản ánh về tình hình thi hành pháp luật để kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.Với vai trò là thiết chế bảo đảm thực thi hiệu quả, toàn diện các quy định của pháp luật, công tác TDTHTHPL cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những nỗ lực, quan tâm tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 đặt ra những yêu cầu mới trong cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, tổ chức thi hành và TDTHTHPL.

Tài liệu tham khảo:

1.Trước thời điểm nhiệm vụ TDTHPL được chuyển sang Cục QLXLVPHC&TDTHPL theo Quyết định số 717/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật là đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý công tác xây dựng pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác pháp chế. Tuy nhiên, do Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thời gian qua đã được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới có khối lượng lớn và tính chất phức tạp; bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ do Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đang thực hiện cũng có sự mở rộng về nội dung, yêu cầu, đối tượng và phạm vi quản lý… đã tạo nên những áp lực và thách thức, khó khăn cho Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ.

Theo Quyết định số 1266/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 03/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục QLXLVPHC&TDTHPL trên cơ sở Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục QLXLVPHC&TDTHPL trực thuộc Bộ Tư pháp, thì các tổ chức trực thuộc Cục giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước bao gồm: Văn phòng Cục; Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính; Phòng Theo dõi thi hành pháp luật; Phòng Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính. Đơn vị sự nghiệp thuộc Cục có Trung tâm thông tin pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

2. Kết quả cụ thể: Năm 2014, Bộ Tư pháp đã giới thiệu, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung liên quan đến công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào các quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Thông tư số 14/2014/TT-BTP; tổ chức 03 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tổ chức 01 Hội nghị quán triệt nội dung Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác theo dõi thi hành pháp luật; hoàn thành và đưa vào khai thác Trang thông tin về tình hình thi hành pháp luật (được tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp), các bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức được 20 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong năm 2014.

3. Ví dụ, năm 2014 có 27 địa phương đã ban hành kế hoạch riêng để triển khai theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè. Sau khi ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức gần 2.000 đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, gần 900 đợt điều tra, khảo sát, hội thảo, tọa đàm về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xử lý trên 400 lượt thông tin về tình hình thi hành pháp luật.

4. Kết quả tổng hợp báo cáo TDTHPL năm 2014 cho thấy, các bộ, ngành và địa phương đã phát hiện 43 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, 44 văn bản không bảo đảm tính khả thi.

5. Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

6. Công văn số 2475/VPCP-PL ngày 13/4/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2014.

7. Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

8. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 227/QĐ-BTP ngày 30/01/2015 ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gửi các bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc để chỉ đạo tập trung triển khai thống nhất lĩnh vực liên ngành đang “nóng” hiện nay.

Đối với lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp, ngày 17/3/2015, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã ký Quyết định số 485/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong cáclĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2015. Khác với kế hoạch triển khai công tác TDTHPL của Bộ Tư pháp những năm trước, năm 2015, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch riêng để tổ chức theo dõi tình hình thi hành trong các lĩnh vực trọng tâm là các văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực từ 03 năm trở lên, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Theo đó, các lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2015 của Bộ Tư pháp gồm có: (1) Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, (2) Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, (3) Trợ giúp pháp lý và (4) Nuôi con nuôi

Đặng Thanh Sơn

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com