Nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ của Nguyên tắc luật Châu Âu (PEL SC) và bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thiện quy định pháp luật ở Việt Nam

Nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ của Nguyên tắc luật Châu Âu (PEL SC) và bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thiện quy định pháp luật ở Việt Nam

Bài viết trọng tâm phân tích các nội dung trong quy định về nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ (tên gọi là Service contract) của Nguyên tắc chung về luật Châu Âu (Principles of European Law – viết tắt PEL). Trên cơ sở các phân tích này, tác giả đưa ra kiến nghị hoàn thiện chế định nghĩa vụ tiền hợp đồng của hợp đồng dịch vụ trong bối cảnh dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2005 sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo Bộ luật) đang lấy ý kiến nhân dân.

1. Một số vấn đề cơ bản về nghĩa vụ tiền hợp đồng, hợp đồng dịch vụ và hợp đồng dịch vụ trong nguyên tắc luật hợp đồng Châu Âu

1.1. Khái quát nghĩa vụ tiền hợp đồng

Xuất phát từ thực tiễn thực hiện hợp đồng, đặc biệt các tranh chấp xảy ra mà luật sư người Đức Rudolph Von Jhering là người đầu tiên đưa ra học thuyết về nghĩa vụ tiền hợp đồng Culpa in contrahendo vào năm 1861[1]. Hợp đồng chỉ có thể được thực hiện và đem lại lợi ích cho các bên chủ thể một cách tốt nhất khi nội dung hợp đồng được giao kết phản ánh gần nhất mong muốn, tiệm cận gần nhất lợi ích thực sự của các chủ thể. Để đạt được mục tiêu này, giai đoan trước khi hợp đồng được giao kết, các bên phải thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình như nghĩa vụ cung cấp thông tin, đảm bảo sự trung thực, thiện chí. Chính sự phù hợp với thực tiễn nên học thuyết dần dần được thừa nhận, đánh dấu bước nhảy vọt thông qua việc pháp luật các quốc gia ghi nhận dưới tên gọi như precontractual liability hoặc culpa in contrachendoc(pháp luật Đức, Pháp…), được thừa nhận trong phán quyết của Tòa án (Anh, Hoa Kỳ)hay trong các bộ nguyên tắc về hợp đồng mang tính chất quốc tế như: Nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (Pricinples of international commercial contracts – viết tắt là PICC), Nguyên tắc về luật hợp đồng Châu Âu (Priciples of European contract law – viết tắt là PECL). Về cơ bản, nghĩa vụ tiền hợp đồng mang các đặc trưng: (1) Thời điểm phát sinh nghĩa vụ tiền hợp đồng là trước khi các bên tiến hành ký kết hợp đồng; (2) Căn cứ phát sinh nghĩa vụ tiền hợp đồng là các quy định của pháp luật dưới sự chi phối của nguyên tắc trung thực, thiện chí. Đây cũng là cơ sở để khẳng định nghĩa vụ tiền hợp đồng là các nghĩa vụ do luật định; (3) Nghĩa vụ tiền hợp đồng là cơ sở làm phát sinh trách nhiệm dân sự nếu có hành vi vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng. Do đó, nghĩa vụ tiền hợp đồng được hiểu là các xử sự mà pháp luật buộc các bên chủ thể trước khi tham gia ký kết hợp đồng phải thực hiện và trong trường hợp các bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu các hậu quả pháp lý mang tính chất bất lợi cho mình.

1.2. Khái quát hợp đồng dịch vụ

Pháp luật Việt Nam hiện nay có sự phân biệt giữa thương mại với dân sự trong lĩnh vực luật tư. Thương mại vốn dĩ đi từ gốc dân sự của lĩnh vực tư (hay còn được coi là dân sự theo nghĩa rộng), khi các hoạt động kinh tế “có một khối lượng nhất định về sản xuất và trao đổi, khi quan hệ quốc tế trở nên sôi động và khi có một sự tự do vừa đủ cho các thương gia”[2], tức là hàng hóa, dịch vụ trở thành đối tượng được trao đổi trên thị trường thì thương mại ra đời. Trong lĩnh vực dịch vụ, các chủ thể thiết lập quan hệ với nhau trên cơ sở hợp đồng. Đối với dịch vụ thương mại, hợp đồng sẽ chịu sự điều chỉnh bởi các nguyên tắc chung về hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (sau đây gọi tắt là Bộ luật) và các quy định riêng nằm trong Luật Thương mại. Đối với dịch vụ không mang tính thương mại (hay còn gọi dịch vụ dân sự) sẽ chịu sự điều chỉnh bởi chế định hợp đồng dịch vụ – một hợp đồng dân sự thông dụng được ghi nhận trong Bộ luật. Bản chất hợp đồng dịch vụ là sự kết hợp giữa bản chất của hợp đồng dân sự với bản chất của dịch vụ – đối tượng của hợp đồng. Hợp đồng dịch vụ được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ với bên thuê dịch vụ nhằm làm phát sinh ràng buộc pháp lý như bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện một công việc mang tính dịch vụ xác định cho bên thuê dịch vụ hoặc người thứ ba (trong trường hợp hợp đồng dịch vụ vì lợi ích của người thứ ba), bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ tiếp nhận kết quả công việc, trả tiền dịch vụ… Như vậy, hợp đồng dịch vụ có thể được xem xét dưới nhiều giác độ: Là một căn cứ phát sinh quan hệ trái quyền; căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự; một chế định trong Bộ luật; hoặc là một bằng chứng ghi nhận phạm vi quyền, nghĩa vụ của các bên chủ thể. Hợp đồng dịch vụ hiện nay được Bộ luật định nghĩa tại Điều 518: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Như vậy, khái niệm hợp đồng dịch vụ hiện nay được xem xét dưới góc độ là căn cứ phát sinh quan hệ trái quyền, căn cứ hình thành quan hệ nghĩa vụ với đặc trưng cơ bản về đối tượng là công việc phải thực hiện, mang tính song vụ và có tính chất đền bù.

1.3. Khái quát về hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu (PEL SC)

Trên lộ trình hướng tới xây dựng Bộ luật Dân sự Châu Âu (European Civil Code), liên minh Châu Âu (European Union) đang từng bước xây dựng nhiều quy định chung mang tính chất tham chiếu cho các quan hệ phát sinh, thực hiện trên khu vực này, điển hình là Nguyên tắc chung về luật hợp đồng Châu Âu (Principles of European Contract Law – viết tắt PECL). Trong các quy định chung về hợp đồng, liên minh Châu Âu đang hướng tới xây dựng bảng tham chiếu về hợp đồng dịch vụ đóng vai trò như “hộp công cụ” nhằm hỗ trợ cho các chủ thể trong quan hệ hợp đồng này trong quá trình xây dựng nội dung, giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng cũng như trách nhiệm của các bên khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ. Hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu được chia thành 7 chương[3].

2. Nội dung quy định về nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ của Nguyên tắc luật Châu Âu

Trong các quy định chung về hợp đồng dịch vụ của Nguyên tắc luật Châu Âu, tại Điều 1:103[4] ghi nhận cụ thể về nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng của bên cung ứng dịch vụ và bên thuê dịch vụ. Nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng bao gồm các nội dung:

Thứ nhất,quy định về nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng của bên cung ứng dịch vụ, trường hợp miễn không áp dụng nghĩa vụ này đối với bên cung ứng dịch vụ cũng như hậu quả pháp lý khi bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghĩa vụ này của mình. Bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng trong các trường hợp cụ thể nhất định. Tại khoản (1) của Điều luật ghi nhận rằng bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ cảnh báo khi bản thân chủ thể này biết hoặc phải biết những rủi ro khi cung ứng dịch vụ trong ba trường hợp cụ thể: Không đạt được kết quả như đã thỏa thuận hoặc dự liệu đối với khách hàng; có thể gây thiệt hại khác cho lợi ích của khách hàng; hoặc có thể làm tăng chi phí hoặc tăng thời gian so với dự kiến hợp lý ban đầu đã thỏa thuận với khách hàng. Xuất phát từ bản chất của dịch vụ là các công việc được thực hiện chuyên nghiệp, mang tính chất ngành nghề kinh doanh, ngành nghề hoạt động hoặc nghề nghiệp của cá nhân, nên khi trở thành người cung ứng dịch vụ, chủ thể này được kỳ vọng và tin tưởng là người thực hiện công việc chuyên nghiệp và có chuyên môn. Chính vì thế nên bên cung ứng dịch vụ được coi là có kinh nghiệm trong việc dự đoán, nắm bắt và xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình cung ứng dịch vụ.

Tuy nhiên, nhà làm luật của Châu Âu cũng đã dự liệu trường hợp không áp dụng nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng cho bên cung ứng dịch vụ. Theo ghi nhận tại khoản (2) của Điều luật này, nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng sẽ không được áp dụng khi khách hàng: Hoàn toàn biết các rủi ro có thể xảy ra trong các trường hợp áp dụng nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng; và có cơ sở để biết về những rủi ro có thể gặp phải khi dịch vụ được thực hiện. Như vậy, khi bản thân khách hàng bằng nhận thức của mình hoặc có cơ sở để khẳng định rằng họ nhận thức được các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dịch vụ thì bên cung ứng dịch vụ sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ cảnh báo của mình. Điều đó cho thấy, nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng của Bên cung ứng dịch vụ nhằm bảo vệ khách hàng trong trường hợp mặc định hiểu rằng, khách hàng là người không có đủ kinh nghiệm và chuyên môn để nhận biết trước các rủi ro khi so sánh với bên cung ứng dịch vụ – người thực hiện dịch vụ chuyên nghiệp.

Khi bên cung ứng dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình dẫn đến những rủi ro xảy ra thì bên thuê dịch vụ có quyền: Không chấp nhận thay đổi dịch vụ theo như nguyên tắc được quy định tại Điều 1:111. Tuy nhiên, bản thân trường hợp này cũng có ngoại lệ. Khi bên cung ứng dịch vụ chứng minh được khách hàng đã được cảnh báo đầy đủ nhưng vẫn chấp nhận tham gia vào hợp đồng; và khách hàng có quyền tự mình khắc phục thiệt hại như tại trường hợp đã được ghi nhận trong Điều 4:117 (2) và (3) của hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu. Như vậy, các quy định chung của hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu đã tạo nên thế chủ động đối phó của bên thuê dịch vụ đối với các tình huống có thể xảy ra và nguyên nhân sâu xa là sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho bản thân mình.

Thứ hai, hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu quy định nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng của bên thuê dịch vụ và những hậu quả pháp lý đặt ra khi chủ thể này có hành vi phạm nghĩa vụ của mình. Khi bên thuê dịch vụ biết và phải biết được các sự kiện bất thường mà sự kiện này là nguyên nhân tăng chi phí dịch vụ hoặc kéo dài thời gian thực hiện dịch vụ thì phải có nghĩa vụ cảnh báo cho bên cung ứng dịch vụ. Trường hợp này thường áp dụng khi điều kiện khách quan có thay đổi bất thường mà chỉ có bên thuê dịch vụ mới biết. Nội dung này được ghi nhận tại khoản (4) của Điều luật 1:103.

Bên thuê dịch vụ khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng thì bên thuê dịch vụ cũng phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý bất lợi cho mình. Tại khoản (5) của Điều 1:103, nhà làm luật quy định: (a) Bên cung ứng dịch vụ không phải gánh chịu thiệt hại xảy ra khi dịch vụ không thể thực hiện được do sự kiện bất thường mà Bên cung ứng dịch vụ không được cảnh báo đầy đủ; (b) Bên cung ứng dịch vụ có quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dịch vụ trên cơ sở yêu cầu thực tế. Điều đó có thể hiểu, khi thiệt hại xảy ra do lỗi của bên thuê dịch vụ không thông báo sự kiện bất thường ảnh hưởng trực tiếp thực hiện dịch vụ thì chính chủ thể này sẽ phải gánh chịu thiệt hại, không được bên cung ứng dịch vụ bồi thường hoặc chịu sự điều chỉnh thời gian từ phía chủ thể này.

Thứ ba, hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu đưa ra căn cứ để xác định nghĩa vụ tiền hợp đồng của Bên cung ứng dịch vụ và Bên thuê dịch vụ. Theo đó, tại khoản (6) Điều 1:103, bên cung ứng dịch vụ khi có đầy đủ ba yêu cầu: Biết về những rủi ro rõ ràng trong trường hợp những rủi ro đấy được xác định trên cơ sở kinh nghiệm cung ứng dịch vụ trong cùng điều kiện, hoàn cảnh của mình hoặc những nhà cung ứng cùng loại; thông tin được thu thập từ yêu cầu kết quả của khách hàng; và điều kiện cụ thể để thực hiện dịch vụ thì bên cung ứng phải thực hiện nghĩa vụ cảnh báo. Việc quy định minh thị về điều kiện xác định phải có nghĩa vụ cảnh báo của bên cung ứng dịch vụ là một bước tiến lớn bởi theo quan niệm truyền thống thông thường, các yếu tố như kinh nghiệm, chuyên nghiệp, chuyên môn, trách nhiệm của nhà cung ứng dịch vụ… đều là các vấn đề khó định lượng, khó xác định. Những điều kiện này sẽ cơ sở pháp lý trong việc xác định nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng của bên cung ứng dịch vụ.

Hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu làm rõ điều kiện “có cơ sở để nhận thức” của bên thuê khách hàng khi chủ thể này có nghĩa vụ cảnh báo tới bên cung ứng dịch vụ. Người thuê dịch vụ không được coi là biết hoặc buộc phải biết về rủi ro chỉ đơn thuần do người đó có chuyên môn, trình độ hoặc được tư vấn bởi người có chuyên môn, trình độ trong lĩnh vực có liên quan, trừ trường hợp người đó là đại diện cho khách hàng trong trường hợp sử dụng dịch vụ tương tự. Từ quy định này cho thấy, yêu cầu đối với bên thuê dịch vụ trong nghĩa vụ cảnh báo đặt ra thấp hơn so với Bên cung ứng dịch vụ. Điều này xuất phát từ quan niệm của các nhà làm luật về tính chất dịch vụ cũng như trách nhiệm của bên thực hiện công việc chuyên nghiệp, có chuyên môn và giàu kinh nghiệm là bên cung ứng dịch vụ.

Nguyên tắc luật hợp đồng Châu Âu nói chung và Hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu nói riêng được đánh giá là bộ nguyên tắc về hợp đồng tiên tiến theo kịp hơi thở hiện đại của các giao dịch kinh tế hiện nay. Những quy định nằm trong bộ nguyên tắc này có giá trị tham khảo lớn đối với pháp luật của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

3. Bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thiện chế định nghĩa vụ tiền hợp đồng của hợp đồng dịch vụ trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005

Trong Bộ luật hiện hành, chế định nghĩa vụ tiền hợp đồng nói chung và nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ nói riêng dường như còn khá “xa lạ”. Bộ luật hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận nghĩa vụ tôn trọng quyền trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng của bên đề nghị giao kết hợp đồng với bên được đề nghị giao kết hợp đồng[5] hay điều kiện áp dụng quyền sửa đổi, rút hoặc hủy bỏ lời đề nghị giao kết hợp đồng. Nghĩa vụ tiền hợp đồng chưa được thừa nhận chính thống, rõ ràng và minh bạch. Điều này xuất phát từ việc tôn trọng học thuyết bất biến trong quan hệ hợp đồng. Nghĩa vụ tiền hợp đồng cần được ghi nhận mang tính nguyên tắc dành chung cho các hợp đồng dân sự. Nghĩa vụ này được coi là trường hợp cụ thể của nguyên tắc thiện chí, trung thực của các chủ thể khi bắt đầu đàm phán và giao kết hợp đồng.

Hợp đồng dịch vụ với đặc trưng gắn liền các thông tin cung cấp cũng như chịu sự chi phối sâu sắc điều kiện khách quan thực hiện công việc nên nghĩa vụ tiền hợp đồng cần được quy định cụ thể, rõ ràng và bao quát. Trên cơ sở phân tích các quy định của hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu cho thấy, các bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thiện chế định nghĩa vụ tiền hợp đồng đối với hợp đồng này như sau:

Thứ nhất, cần xác định phạm vi nghĩa vụ tiền hợp đồng phù hợp với tính chất dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ. Hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu mới chỉ dừng lại quy định về nghĩa vụ cảnh báo dành cho bên cung ứng dịch vụ và bên thuê dịch vụ đối với nhau. Tuy nhiên, để xác định được tính chất, phạm vi của công việc mang tính dịch vụ thì trước khi tiến hành đàm phán, giao kết hợp đồng dịch vụ, các bên phải tiến hành cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ, đặc biệt là bên thuê dịch vụ. Trên thực tiễn, bên thuê dịch vụ có thể điền vào các mẫu yêu cầu dịch vụ, mẫu cung cấp thông tin… Do đó, phạm vi của nghĩa vụ tiền hợp đồng phải bao gồm cả nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan việc xác định phạm vi công việc. Bên cạnh đó, khi hoàn cảnh khách quan thay đổi mà các bên không dự liệu được trong khi đã hoàn thành đàm phán phần nội dung này mà cả hai bên chủ thể đều mong muốn tiếp tục đàm phán để đi đến ký kết hợp đồng thì các bên cần tuân thủ nghĩa vụ đàm phán lại. Việc đàm phán lại khi hoàn cảnh thay đổi sẽ tránh lãng phí các chi phí, thời gian dành cho hoạt động đàm phán hợp đồng. Theo quan điểm người viết, phạm vi nghĩa vụ tiền hợp đồng bao gồm các nghĩa vụ cụ thể: Nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, chính xác; Nghĩa vụ cảnh báo của các bên về các rủi ro có thể xảy ra; Nghĩa vụ tôn trọng quyền trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng; Nghĩa vụ đàm phán lại khi hoàn cảnh thay đổi.

Thứ hai, xác định cụ thể trách nhiệm trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ.Trong hợp đồng dịch vụ của Nguyên tắc luật Châu Âu ghi nhận quyền của các bên khi bên kia vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng. Tuy nhiên, trong các quy định này không đề cập đến trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng. Trách nhiệm pháp lý áp dụng cho các chủ thể cũng có thể tuân theo một trong hai trách nhiệm đang được luật hợp đồng truyền thống ghi nhận: (1) Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ mà đã vi phạm. Trách nhiệm này áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng khá đặc thù. Thông thường, các bên chủ thể phải có thành ý và mong muốn tiếp tục được đàm phán, giao kết hợp đồng thì sẽ áp dụng loại trách nhiệm này; (2) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại áp dụng khi các bên vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng của mình gây ra thiệt hại thực tế cho bên kia. Trong nhiều trường hợp, khi bên thuê dịch vụ sử dụng phương pháp “tung hỏa mù” – tức là ký hợp đồng với một bên nhưng lại đàm phán với nhiều nhà dịch vụ khác nhau nhằm mục đích buộc bên cung ứng dịch vụ mà mình mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình giao kết hợp đồng, nên cung cấp thông tin thiếu trung thực, đầy đủ với các đối tác còn lại làm cho những nhà cung ứng dịch vụ này mất nhiều chi phí cho hoạt động đàm phán trên cơ sở cung cấp thông tin không trung thực, đầy đủ (như chi phí đi lại, ăn ở, nhân lực…).

Thứ ba, xác định các trường hợp được không áp dụng nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ. Theo quy định của hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc luật Châu Âu, do nghĩa vụ tiền hợp đồng dừng lại ở nghĩa vụ cảnh báo rủi ro nên trong trường hợp bên kia đã biết và buộc phải biết những rủi ro đó thì bên này không có nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng. Do đó, đối với từng loại nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ cần phải quy định cụ thể các trường hợp không cần áp dụng nghĩa vụ tiền hợp đồng, cụ thể:

– Nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng: nghĩa vụ cung cấp các thông tin mang tính chất đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện hợp đồng dịch vụ. Nhóm thông tin mang tính chất phổ biến hoặc có cơ sở khẳng định bên kia đã biết đầy đủ các thông tin chi phối đến thực hiện hợp đồng thì sẽ không áp dụng nghĩa vụ này.

– Nghĩa vụ đàm phán lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi: Hoàn cảnh thay đổi chỉ làm phát sinh nghĩa vụ đàm phán lại khi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các bên chủ thể, vi phạm nghiêm trọng “lẽ công bằng”[6] khi một bên phải gánh chịu những thiệt hại quá lớn một cách vô lý. Tuy nhiên, trong trường hợp do chính sách nhà nước thay đổi (như các trường hợp cấm không được thực hiện hành vi cụ thể) thì không thể áp dụng nghĩa vụ đàm phán lại do hoàn cảnh thay đổi. Trường hợp này cũng là một trường hợp miễn áp dụng nghĩa vụ tiền hợp đồng.

ThS. Kiều Thị Thùy Linh

Đại học Luật Hà Nội


[1] Nguồn: http://www.sjol.co.uk/issue-4/pre-contractual-negotiations-a-good-clean-fight-or-no-holds-barred-a-comparison-of-english-french-and-german-law

[2] Roger Houin – Michel Pédamon – Droit Commercial – Dalloz 11, rue Soufflot, 75240 Paris Cedex 05 – 1990, p2 (Nguồn: Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thương mại (tập 1), NXB CAND, trang 14)

[3]Chương 1 là các quy định chung, chương 2 về dịch vụ xây dựng, chương 3 là dịch vụ gia công, chương 4 là dịch vụ gửi giữ (lưu kho), chương 5 là dịch vụ thiết kế, chương 6 là dịch vụ thông tin và chương 7 là dịch vụ chữa bệnh. Từ chương 2 đến chương 7 quy định riêng cho các dịch vụ cụ thể. Chương 1 là các quy định chung dành tất cả các loại dịch vụ. Các quy định chung của hợp đồng dịch vụ trong Nguyên tắc chung luật Châu Âu quy định chi tiết phạm vi điều chỉnh (Điều 1:101), Giá dịch vụ (Điều 1:102), Nghĩa vụ cảnh báo tiền hợp đồng (Điều 1:103), nghĩa vụ hợp tác (Điều 1:104), điều kiện thực hiện dịch vụ (Điều 1:105), nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ (Điều 1:106), tiêu chuẩn chung của dịch vụ (Điều 1:107), yêu cầu đối với công việc của bên thuê dịch vụ (Điều 1:108), chỉ dẫn của khách hàng (Điều 1:109), nghĩa vụ cảnh báo theo hợp đồng của bên cung ứng dịch vụ (Điều 1:110), thay đổi hợp đồng dịch vụ (Điều 1:111), nghĩa vụ áp dụng các biện pháp khắc phục của bên cung ứng dịch vụ (Điều 1:112), trường hợp không hợp lý của không thông báo (Điều 1:113), giới hạn trách nhiệm pháp lý (Điều 1:114) và hủy bỏ hợp đồng dịch vụ (Điều 1:115).

[4] Article 1: 103: Pre-contractual duties to warn

(1)The service provider is under a pre-contractual duty to warn the client if the service provider becomes aware or if the service provider has reason to know that the service requested.

(a) May not achieve the result stated or envisaged by the client, or

(b) May damage other interests of the client, or

(c) May become more expensive or take more time than reasonably expected by the client.

(2) The duty to warn in paragraph (1) does not apply of the client:

(a)Already knows of the risks referred to in subparagraph (1) (a), (b), or (c) or

(b) Has reason to know of the risks.

(3) If an event referred to in paragraph (1) occurs and the client was not duly warned:

(a) The client need not accept a change of the service under Article 1:111 unless the service provider proves that the client, if the client would have been duly warned, would have entered into a contract taking into account the event; and

(b) The client may recover damages in accordance with Article 4: 117 (2) and (3) PECL (Damages).

(4) The client is under a pre-contractual duty to warn the service provider if the client becomes aware, or if the client has reason to know of unusual facts that are likely to cause the service to become more expensive or take more time than expected by the service provider,

(5) If the facts referred to under paragraph (4) occur and the service provider was not duly warned, the service provider is entitled to:

(a) Damages for the loss the service provider sustained as a consequence of the non-performance; and

(b) A adjustment of the time of performance that is required for the service.

(6) For the purpose of paragraph (1), the service provider has “reason to know” if the risks would be obvious to a comparable service provider in the same situation as this service provider from all the facts and circumstances known to the service provider, considering the information that the service provider must collect about the result stated or envisaged by the client and the circumstances in which the service is to be carried out.

(7) For the purpose of subparagraphs (2) (b) and (4), the client has “reason to know” if the risks would be obvious to a comparable client without investigation. The client is not treated as knowing of a risk, or having reason to know of it, merely because the client was competent, or was advised by other who were competent, in the relevant field, unless such other person acted as the agent of the client, in which case Article 1: 305 PECL (imputed knowledge and intention) applies.

[5] Khoản 2 Điều 390 Bộ luật Dân sự năm 2005

[6] Khái niệm “lẽ công bằng” hiện nay vẫn chưa được đưa ra chính thức nhưng nó được quan niệm bởi hai câu châm ngôn nổi tiếng: “Phần của ai trả về người đó” (Trong tác phẩm Repbulic của Plato) và “cư xử binh đẳng với người đồng đẳng và cư xử bất bình đẳng với người bất đồng đẳng theo mức độ bất đồng đẳng của họ”.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com