Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn khi thỏa thuận, soạn thảo ký kết hợp đồng tư vấn pháp luật và đưa ra những giải pháp khắc phục. Minh họa bằng các tình huống thực tiễn

Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn khi thỏa thuận, soạn thảo ký kết hợp đồng tư vấn pháp luật và đưa ra những giải pháp khắc phục. Minh họa bằng các tình huống thực tiễn.

Người ta thường nghĩ người tư vấn là một nhà hùng biện mà hiếm khi cho rằng họ cũng là người soạn thảo văn bản giỏi. Tuy nhiên, những kỹ năng của người tư vấn để soạn thảo văn bản, đặc biệt là hợp đồng tư vấn pháp luật, là một trong những kỹ năng căn bản nhất mà bất kỳ người tư vấn nào cũng phải nắm vững. Do đó, em xin chọn đề bài 11 làm bài tập học kỳ của mình: Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn khi thỏa thuận, soạn thảo ký kết hợp đồng tư vấn pháp luật và đưa ra những giải pháp khắc phục. Minh họa bằng các tình huống thực tiễn”.

1. Khái quát về thỏa thuận, soạn thảo ký kết hợp đồng tư vấn pháp luật

  • Tư vấn pháp luật là gì

Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp khách hàng thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ[1].

Người tư vấn pháp luật có thể là trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật. Các chủ thể này phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về hoạt động tư vấn pháp luật.

  • Thỏa thuận, soạn thảo hợp đồng tư vấn pháp luật

Hợp đồng tư vấn pháp luật là một loại hợp đồng dịch vụ pháp lý. Không phải tất cả các buổi tiếp xúc khách hàng đều có thể đi đến giai đoạn thỏa thuận hợp đồng tư vấn pháp luật. Đối với những vụ việc không phức tạp, có quy trình rõ ràng và biểu phí ấn định trọn gói thì khách hàng và người tư vấn có thể thỏa thuận và ký kết hợp đồng ngay trong buổi tiếp xúc khách hàng. Ngoài ra có rất nhiều vụ việc mà người tư vấn cần nghiên cứu hồ sơ trước khi trao đổi với khách hàng những nội dung của hợp đồng. Trước khi thỏa thuận về hợp đồng tư vấn, với những lý do riêng phát sinh từ mỗi vụ việc thì người tư vấn có thể đề nghị khách hàng cung cấp thêm các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc hay khách hàng đề nghị người tư vấn cung cấp bảng chào dịch vụ trước khi khách hàng trao đổi cụ thể hơn về các nội dung của hợp đồng tư vấn pháp luật.

Việc soạn thảo hợp đồng tư vấn pháp luật diễn ra sau khi người tư vấn và khách hàng thỏa thuận về hợp đồng này. Trong hoạt động tư vấn pháp luật, người tư vấn phải soạn thảo rất nhiều văn bản khác nhau như thư chào phí, thư tư vấn, thư yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung, thư yêu cầu tính phí, bảng kê thời gian, hợp đồng tư vấn pháp luật…

2. Một số sai sót thường gặp của người tư vấn khi thỏa thuận, soạn thảo ký kết hợp đồng tư vấn pháp luật và giải pháp khắc phục

2.1. Một số sai sót thường gặp của người tư vấn khi thỏa thuận, soạn thảo ký kết hợp đồng tư vấn pháp luật

  • Không chuẩn bị hoặc chuẩn bị không chu đáo về hợp đồng tư vấn pháp lý và các tài liệu liên quan

Không ít người tư vấn đã không chuẩn bị trước hoặc chuẩn bị không đầy đủ về hợp đồng tư vấn pháp luật và những tài liệu liên quan. Đến khi khách hàng và người tư vấn đi đến thỏa thuận về hợp đồng tư vấn pháp luật, người tư vấn mới đi in, lục tìm hay soạn thảo… Việc này tuy không mất quá nhiều thời gian nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của người tư vấn trong mắt khách hàng.

  • Không suy xét kỹ lưỡng các điều khoản của hợp đồng tư vấn pháp luật

Về thời hạn thực hiện hợp đồng tư vấn pháp luật

Việc xác định thời hạn tư vấn pháp lý đòi hỏi người tư vấn phải có sự tính toán kỹ lưỡng những vấn đề sau: tính chất vụ việc đơn giản hay phức tạp, thời gian sử dụng để thực hiện nội dung tư vấn, những yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công việc tư vấn pháp luật, thời điểm bắt đầu thời hạn thực hiện hợp đồng tư vấn pháp lý. Việc không suy xét kỹ lưỡng những vấn đề trên sẽ dẫn đến việc không hoàn thành hoạt động tư vấn đúng thời hạn cho khách hàng hoặc có thể khách hàng sẽ có sự so sánh với những người tư vấn khác cũng thực hiện hoạt động tư vấn.

  • Phương thức thanh toán và mức thù lao, các khoản chi phí (nếu có)

Việc xác định mức thù lao đối với hoạt động tư vấn pháp luật cho khách hàng, người tư vấn thường dựa vào các căn cứ: tính chất vụ việc tư vấn; thời gian, công sức của người tư vấn sử dụng để tư vấn; trình độ học vấn của người tư vấn; kinh nghiệm, uy tín của người tư vấn. Dựa vào các căn cứ trên, người tư vấn có thể thống nhất với khách hàng về các phương thức tính phí sau: giờ làm việc của người tư vấn; vụ, việc với mức thù lao trọn gói; vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá dự án. Trong hoạt động tư vấn pháp luật, có thể người tư vấn sẽ không căn cứ hoặc căn cứ không đúng để xác định mức thù lao và phương thức thanh toán phù hợp. Khi đưa ra mức thù lao, người tư vấn có thể sẽ không giải thích hoặc giải thích không rõ ràng cũng như ghi nhận không cụ thể trong hợp đồng tư vấn pháp luật rằng mức phí đó đã bao gồm những cho phí gì và chưa bao gồm chi phí gì (ví dụ như thuế VAT, các phí và lệ phí Nhà nước,…). Từ đó, có thể dẫn đến việc khách hàng không hiểu đúng về các điều khoản hợp đồng mà không ký kết hợp đồng hoặc phát sinh tranh chấp giữa người tư vấn và khách hàng khi thực hiện hợp đồng tư vấn pháp luật.

  • Không dự tính các khả năng phát sinh

Trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật, có thể xảy ra những tình huống mà cả người tư vấn và khách hàng đều không mong muốn. Đó có thể là các sự kiện bất khả kháng; một bên vi phạm hợp đồng; chấm dứt nửa chừng việc thực hiện hợp đồng; thay thế người tư vấn bằng người tư vấn khác trong cùng một tổ chức hành nghề đối với một công việc cụ thể; khi công việc đã hoàn tất mà khách hàng không muốn thực hiện cam kết trong hợp đồng về nghĩa vụ thanh toán (nhất là vấn đề thưởng khi đạt được mục tiêu trong vụ việc dân sự, kinh tế)… Đây là những vướng mắc thực tế thường gặp trong quan hệ luật sư với khách hàng[2].

  • Mắc lỗi kỹ thuật trong hợp đồng tư vấn pháp luật và tài liệu liên quan

Tất cả các văn bản do người tư vấn soạn thảo phải đảm bảo tính logic; súc tích; ngôn từ chính xác, thích hợp; văn phong rõ ràng, dễ hiểu; trình bày cẩn thận, sáng sủa. Khi soạn thảo văn bản, người tư vấn có thể mắc các lỗi như: diễn đạt dài dòng hoặc lạm dụng sự súc tích, diễn đạt quá ngắn gọn đến mức khách hàng không hiểu được (ví dụ: không thể viết cho khách hàng rằng hợp đồng của họ bị vô hiệu vì trái với Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005 mà không giải thích lý do cụ thể nào khiến cho hợp đồng bị xem là vô hiệu); sử dụng từ ngữ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau hay sử dụng từ ngữ chuyên môn hay thuật ngữ pháp lý cổ nay không còn được sử dụng như bãi nại, khế ước… mà khách hàng không thể hiểu được; hay những sai sót trong trình bày văn bản như lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, ý bị lặp lại, font chữ…

2.2. Giải pháp khắc phục

– Để chuẩn bị cho việc thỏa thuận ký kết hợp đồng tư vấn pháp lý diễn ra thuận lợi, người tư vấn nên chuẩn bị trước mẫu hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với những điều khoản cơ bản, biểu giá… sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về các hoạt động mà người tư vấn sẽ tiến hành, thể hiện được sự chuyên nghiệp, góp phần nâng cao uy tín của người tư vấn.

– Suy xét kỹ lưỡng mọi vấn đề trước khi thỏa thuận, soạn thảo hợp đồng tư vấn pháp luật. Đặc biệt, người tư vấn cần phải đảm bảo mình có đủ năng lực để thực hiện việc tư vấn cho khách hàng. Bởi lẽ mọi khách hàng đều có quyền đòi hỏi một dịch vụ tư vấn pháp lý được cung cấp bởi người tư vấn có trình độ. Trên thực tế có nhiều người tư vấn để đảm bảo an toàn nghề nghiệp đã đưa ra thời hạn thực hiện việc tư vấn dài hơn dự tính. Về thời điểm bắt đầu thời hạn tư vấn pháp lý, có thể dựa trên các mốc thời gian mà các tổ chức hành nghề luật sư thường quy định về cung cấp dịch vụ pháp lý nói chung sau: (i) kể từ ngày ký; (ii) kể từ ngày khách hàng cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và thông tin theo yêu cầu bằng văn bản của luật sư; (iii) kể từ ngày khách hàng thanh toán một phần hoặc toàn bộ phí dịch vụ pháp lý; (iv) kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tiếp nhận hồ sơ; (v) kế hoạch công việc của luật sư.

– Mô tả, giải thích rõ ràng, đầy đủ các vấn đề trong hợp đồng, hỏi lại khách hàng còn vấn đề nào mà khách hàng chưa hiểu rõ, cần biết thêm những thông tin gì nữa không…

– Dự kiến các tình huống có thể phát sinh cũng như các nguyên tắc, giải pháp cụ thể để có thể khắc phục, giải quyết tốt các tình huống đó. Có thể thỏa thuận thêm các điều khoản khác không trái quy định của pháp luật và đạo đức như: luật áp dụng hợp đồng (trường hợp tư vấn cho người nước ngoài); điều khoản về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; điều khoản ghi nhận các cam đoan, bảo đảm của mỗi bên…

3. Tình huống thực tiễn

Một trường hợp xảy ra cách đây vài năm: một tổ chức hành nghề kết hợp với vài chủ thể khác (do tổ chức hành nghề đứng tên ký hợp đồng dich vụ pháp lý với khách hàng) trong việc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trả hết phần tiền do thu hồi đất của nhiều hộ dân trong phạm vi một số xã, với tổng số tiền khoảng 18 tỷ đồng. Vấn đề này Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản khẳng định việc tỉnh giữ lại số tiền này là cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Số lượng họ rất đông tới hàng trăm hộ, đã làm giấy ủy quyền cho một nhóm người ký kết hợp đồng với một tổ chức hành nghề luật sư, nội dung là tổ chức hành nghề được hưởng 50% giá trị đòi được. Sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định trả lại số tiền này cho người dân. Khi các hộ dân này nhận được tiền và trả cho tổ chức hành nghề được khoảng vài tỷ đồng thì trong cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo tỉnh tuyên bố người dân đương nhiên được nhận số tiền này, luật sư không có vai trò gì nên các hộ dân đã không tiếp tục trả tiền cho luật sư nữa. Khi đó cũng xuất hiện vướng mắc, không thống nhất giữa tổ chức hành nghề với vài chủ thể khác đã tham gia cùng giải quyết dịch vụ này. Vướng mắc và tranh chấp nhiều bên đã xảy ra.

Như vậy, để tránh tranh chấp xảy ra, phải thiết lập hợp đồng đầy đủ, rõ ràng, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và các nguyên tắc giải quyết tranh chấp nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người tư vấn và khách hàng. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu các chủ thể làm giấy ủy quyền cho người đại diện đúng theo quy định của pháp luật. Nếu không xác định được rõ, có thể phát sinh tranh chấp khi những người này không thống nhất về quan điểm xem xét giải quyết vụ việc.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, người tư vấn cần phải thành thục nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng về thỏa thuận, soạn thảo hợp đồng tư vấn pháp luật. Những kỹ năng này cần được rèn luyện một cách cẩn thận, thường xuyên, nghiêm túc.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. TS. Phan Chí Hiếu, ThS. Nguyễn Thị Hằng Nga, Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật, Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội – 2012;
  2. Ths. LS Đào Ngọc Lý, Những vướng mắc thường gặp trong thực tiễn hành nghề luật sư, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 1+2 Tháng 1+2/2016;

[1] TS. Phan Chí Hiếu, ThS. Nguyễn Thị Hằng Nga, Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật, Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội – 2012, trang 10

[2]  Ths.LS Đào Ngọc Lý, Những vướng mắc thường gặp trong thực tiễn hành nghề luật sư, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 1+2/Tháng 1+2/2016, trang 61

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com