Mối quan hệ giữa một số chủ thể tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Mối quan hệ giữa một số chủ thể tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

15/06/2015

1. Mối quan hệ giữa Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên

Mối quan hệ giữa Hội đồng xét xử (HĐXX) và Kiểm sát viên (KSV) hiện thân nó biểu hiện mối quan hệ giữa cơ quan xét xử và cơ quan kiểm sát trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành. HĐXX do Tòa án lập ra để xét xử vụ án hình sự, còn KSV là người đại diện cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa.

Cụ thể về mối quan hệ giữa HĐXX và KSV biểu hiện ở hai bình diện là mối quan hệ phối hợp và mối quan hệ chế ước, cụ thể:

1.1. Mối quan hệ phối hợp

Thứ nhất, quan hệ phối hợp giữa HĐXX và KSV xuất phát từ mục đích, ý nghĩa của hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Mà cội rễ sâu xa của nó là mối quan hệ hữu cơ giữa chức năng xét xử và chức năng buộc tội. Không thể xét xử nếu không có sự buộc tội, hay nói cách khác ở đâu có buộc tội thì ở đó phát sinh hoạt động xét xử và bào chữa:

Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân phải có trách nhiệm phối hợp với nhau để giải quyết vụ án hình sự đúng đắn, khách quan theo luật định. Các cơ quan tiến hành tố tụng không những có trách nhiệm phối hợp với nhau mà còn phải phối hợp với các cơ quan nhà nước khác bằng những nội dung cụ thể, thiết thực theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003[1] dựa nguyên tắc xác định sự thật vụ án và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan, tổ chức nhà nước. Bên cạnh đó, quan hệ phối hợp còn xuất phát từ yêu cầu phải thực hiện đúng đắn thẩm quyền của cơ quan và người tiến hành tố tụng; nhu cầu hoàn thiện pháp luật.

Một số văn bản pháp luật thể hiện mối quan hệ giữa Tòa án và Viện kiểm sát, như: Thông tư liên tịch số 01 ngày 8/12/1988 của TANDTC, VKSNDTC; Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 15/10/1994 của Bộ nội vụ (nay là Bộ Công an)- VKSNDTC- TANDTC; Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT- BCA- VKSNDTC- TANDTC; Thông tư số 01/2008/TTLT- VKSNDTC- TANDTC-BQP- BCA… Ở cấp địa phương để giải quyết những vấn đề thực tiễn vướng mắc trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng coi trọng việc xây dựng kế hoạch liên ngành[2]. Ngoài ra, họp liên ngành tư pháp cũng là một hình thức phối hợp linh động nhằm thống nhất giải quyết những vấn đề phức tạp đặc biệt đối với những vụ án hình sự còn có nhận thức khác nhau, hoặc cần rút kinh nghiệm về thủ tục tố tụng cụ thể nào đó[3]. Những năm gần đây, thực hiện yêu cầu của cải cách tư pháp, hạn chế tình trạng án tại hồ sơ, việc họp liên ngành có chiều hướng giảm; ý thức về tính độc lập trong hoạt động tố tụng hình sự ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Thứ hai, quan hệ trong hoạt động tố tụng giữa Toà án và Viện kiểm sát còn nhằm tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội, kiến nghị hoặc yêu cầu các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm.

Quan hệ phối hợp giữa HĐXX và KSV xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ tranh tụng tại phiên tòa. Một ví dụ cụ thể đó là việc phối hợp trong áp dụng các thủ tục xét xử tại phiên tòa: KSV buộc tội bằng cách xét hỏi, đưa ra chứng cứ, hoặc là KSV cùng HĐXX phải xem xét các yêu cầu, kiến nghị của bị cáo và người tham gia tố tụng khác đưa ra, hoặc thực hiện tranh luận với người bào chữa phải có sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa; HĐXX công bố tài liệu, vật chứng theo yêu cầu của KSV; xem xét vật chứng và nơi xảy ra tội phạm do HĐXX cùng KSV tiến hành… Hoạt động buộc tội hỗ trợ đắc lực cho chức năng xét xử, và ngược lại hoạt động xét xử tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động buộc tội.

1.2. Mối quan hệ chế ước

Từ điển Bách khoa Việt Nam nêu rõ: “Chế ước là hạn chế, quy định trong những điều kiện nhất định”[4]. “Khái niệm chế ước có thể được hiểu như là sự tác động qua lại giữa các bên theo hướng khống chếlẫn nhau, kiềm chế sự vận động của nhau”[5]. Ở góc độ hoạt động tố tụng hình sự, có thể hiểu chế ước là sự tác động qua lại giữa các hành vi tố tụng có chủ ý tạo ra mục đích rõ rệt của các chủ thể nhằm kiểm soát lẫn nhau, cơ bản là nhằm tuân thủ pháp luật, tránh lạm quyền.

Cụ thể hơn về mối quan hệ chế ước tại phiên tranh tụng được biểu hiện: KSV thực hiện việc buộc tội, nhưng phán quyết lại thuộc về HĐXX về tội trạng và mức hình phạt… Ngược lại HĐXX phán quyết phải đảm bảo đúng yêu cầu, giới hạn của xét xử, dựa trên chứng cứ khách quan được thu thập, và được đưa ra tranh tụng công khai trước tòa. Cũng có thể thấy KSV ngoài nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại tòa, còn có chức năng giám sát việc tuân thủ pháp luật của HĐXX tại phiên toà. Trong quá trình xét xử, KSV có quyền đề nghị HĐXX triệu tập thêm người làm chứng, thay đổi thành viên HĐXX, yêu cầu HĐXX thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục xét xử tại tòa (như yêu cầu trở lại việc xét hỏi nếu có căn cứ…). Quan hệ chế ước giữa HĐXX và KSV phải trên cơ sở chức năng tố tụng của mỗi cơ quan, tuy nhiên, phải phù hợp và hỗ trợ đắc lực cho nguyên tắc tranh tụng, như nhận định: “Ở giai đoạn xét xử, tuy toà án (hoặc HĐXX) là cơ quan giữ vai trò chỉ đạo việc xét xử, là cơ quan quyết định quá trình xét xử, nhưng Viện kiểm sát và Toà án lại hoàn toàn độc lập với nhau. Mỗi cơ quan tự chịu trách nhiệm về công việc của mình. Toà án không làm thay hay can thiệp vào công việc của Viện kiểm sát (Kiểm sát viên) và ngược lại, VKS cũng không can thiệp vào công việc xét xử của Toà án, mặc dù Viện kiểm sát có quyền và trách nhiệm kiểm sát hoạt động xét xử của Toà án”[6].

Phân tích và dẫn chứng ở trên cho thấy: Trong quan hệ phối hợp cơ bản là để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong hoạt động tố tụng hình sự. Trong quan hệ chế ước cơ bản là nhằm tránh lạm quyền trong thực hiện quyền năng tố tụng đối với Toà án và Viện kiểm sát. Trong xu thế cải cách tư pháp hiện nay, thiết nghĩ cần tiếp tục coi trọng quan hệ giữa HĐXX và KSV nói riêng, Tòa án và Viện kiểm sát nói chung để nhằm tháo gỡ vướng mắc, đạt được mục đích tố tụng và tránh lạm quyền. Tuy nhiên, cần xây dựng mối quan hệ đó theo hướng phải bảo đảm tính độc lập, thực hiện đúng đắn chức năng cơ bản của tố tụng và tăng cường hoạt động tranh tụng tại phiên xét xử sơ thẩm. Đặc biệt là ở quan hệ phối hợp cần tránh việc bao biện, thiện vị lẫn nhau giữa HĐXX và KSV, cần nhận thức và hành động đúng đắn là phối hợp nhưng không được tùy tiện làm trái thủ tục tố tụng, thẩm quyền tố tụng của ai thì người đó làm, luật quy định đến đâu thì làm đến đó và phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra vi phạm.

2. Mối quan hệ giữa Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử đối với người bào chữa

Tính chất của hoạt động tố tụng hình sự, có tính đa chủ thể, đòi hỏi phải có sự tham gia từ phía cơ quan quyền lực công và cơ quan chuyên môn ở từng công đoạn giải quyết vụ án hình sự. Đề cập ở góc độ hẹp, KSV là người đại diện cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng buộc tội, còn HĐXX đại diện cho Tòa án thực hiện chức năng xét xử, là các chủ thể đại diện cho quyền lực công; còn người bào chữa hoạt động mang tính chất nghề nghiệp, không nhân danh quyền lực công. Mối quan hệ giữa các chủ thể đó trong tố tụng hình sự được biểu hiện:

2.1. Mối quan hệ giữa KSV và người bào chữa là quan hệ đối tụng

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, pháp luật quy định cho người bào chữa các quyền năng tố tụng có tính độc lập so với KSV, đó là, họ có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, bao gồm cả KSV, vì người bào chữa cho rằng nếu để KSV tham gia phiên tòa vụ án sẽ không khách quan, gây bất lợi cho họ; người bào chữa đề nghị triệu tập thêm người làm chứng và đưa ra các yêu cầu, kiến nghị khác, ví dụ như đưa ra chứng cứ để HĐXX xem xét mà không phụ thuộc vào KSV có chấp nhận hay không.

Trong phần thủ tục xét hỏi, KSV và người bào chữa đều được tham gia xét hỏi liên quan đến việc buộc tội và bào chữa đối với bị cáo và người tham gia tố tụng khác; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm những tình tiết cần làm sáng tỏ trong vụ án, trình bày nhận xét của mình về chứng cứ của vụ án được đưa ra xem xét tại phiên tòa… Ở phần tranh luận, nếu như KSV luận tội và bảo vệ quan điểm truy tố, thì người bào chữa được đưa ra lập luận, lí lẽ phản bác để bảo vệ lợi ích cho bị cáo, và KSV phải đối đáp lại lời bào chữa. Đó là những hoạt động mang tính chất hiển nhiên do luật định không phụ thuộc vào ý chí của Kiểm sát viên. Cuộc tranh luận tại phiên tòa giữa một bên buộc tội và một bên bào chữa theo đúng nghĩa là bình đẳng và HĐXX không được can thiệp, không được hạn chế về mặt thời gian. Nó có tính gay gắt, tranh đấu liên tục. Là lúc chức năng buộc tội và chức năng bào chữa bộc lộ rõ nhất. Do đó nó có tính đối tụng rất cao.

2.2. Mối quan hệ giữa Hội đồng xét xử và người bào chữa là quan hệ chấp hành sự điều hành

Xuất phát từ yếu tố độc lập trong hoạt động xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân, do đó mối quan hệ giữa HĐXX và người bào chữa là quan hệ chấp hành sự điều hành. Biểu hiện cụ thể, đó là hoạt động tố tụng hình sự của người bào chữa mang tính phục tùng HĐXX, họ không được từ chối tham gia tố tụng trong trường hợp luật định. Trong quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên xét xử hình sự, người bào chữa phải phục tùng sự điều khiển của chủ tọa phiên tọa. Các yêu cầu, kiến nghị, đề xuất của họ tại phiên tranh tụng có thể không được HĐXX chấp nhận, nhưng vẫn phải chấp hành. Ví dụ như người bào chữa dù có quyền xét hỏi, tranh luận nhưng nếu việc này xảy ra lan man, không liên quan đến vụ án thì bị chủ tọa phiên tòa ngắt lời; hoặc như họ yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, yêu cầu hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không được HĐXX chấp nhận. Lý do của sự phục tùng của người bào chữa đối với HĐXX đề cập trên là xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ tố tụng riêng của các bên, đòi hỏi phải bảo đảm những mệnh lệnh, quyền hạn mang tính chất cưỡng chế trong tố tụng hình sự không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của cá nhân hay tổ chức nào khác.

Trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay, mối quan hệ giữa KSV và HĐXX với người bào chữa trong tố tụng hình sự cần được xây dựng theo hướng mở rộng hoạt động của người bào chữa, nâng cao vị thế của họ tại phiên tòa, nhằm đảm bảo việc xét xử theo nguyên tắc tranh tụng; đồng thời cần tạo tạo ra các cơ sở pháp lý đồng bộ để ngăn ngừa người bào chữa sa đà vào việc “mua chuộc” người tiến hành tố tụng làm ảnh hưởng đến uy tín, cũng như sự tin tưởng của người dân.

ThS.Nguyễn Ngọc Kiện

Khoa Luật, Đại học Huế



[1] Xem các nội dung phối hợp cụ thể tại Điều 26, Điều 27 BLTTHS năm 2003.

[2] Ví dụ: Kế hoạch số 01/KHLN ngày 12/7/2010 của CA- VKSND- TAND tỉnh Bình Dương về việc phối hợp tổ chức đợt tổng kiểm kê người có án phạt tù còn ở ngoài xã hội và người đang chấp hành hình phạt ở cấp xã.

[3] Ví dụ: Thông báo số 149/2009/TBLN-CAT-VKS-TA ngày 5/6/2009 về kết quả cuộc họp liên ngành Công an, Kiểm sát và Toà án tỉnh Bình Dương về việc thống nhất hướng dẫn giải quyết những vấn đề vướng mắc trong hoạt động TTHS.

[4] Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội , tr. 150.

[5]Đỗ Ngọc Quang (1997), Mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra với các cơ quan tham gia TTHS, Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 99.

[6] VKSNDTC (2006), Sổ tay Kiểm sát viên hình sự (tập I), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà nội , tr. 46.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com