Luật cấm và hạn chế việc sử dụng loa phát thanh lớn

Câu hỏi của khách hàng: Luật cấm và hạn chế việc sử dụng loa phát thanh lớn

Anh hàng xóm nhà em mua loa phóng thanh về để nghe nhạc. Những 2 cái loa mở sáng, chiều mà ngày nào cũng mở. Làm cho mọi người hàng xóm xung quanh đều cảm thấy khó chịu, đinh tai nhức óc. Xin hỏi là có luật nào quy định và cấm việc làm như trên không ạ. Để em in ra mang sang cho gã ấy đọc a. Thank mọi người nhiều.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 11/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn của cá nhân

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

3./ Luật sư trả lời Luật cấm và hạn chế việc sử dụng loa phát thanh lớn

Hàng xóm bạn mở nhạc cả sáng, chiều gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Hành vi này đã gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người. Do đó, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi gây ô nhiễm môi trường, cụ thể như sau:

-Phạt tiền do vi phạm hành chính. Căn cứ Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP:

Điều 17. Vi phạm các quy định về tiếng ồn

1.Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.

2.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.

3.Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

4.Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

5.Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

6.Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

7.Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

8.Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

9.Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

10.Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.

… 12.Biện pháp khắc phục hậu quả:

a)Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;

b)Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.”

Theo đó, tùy theo độ cao của tiếng ồn (trong trường hợp của bạn là âm thanh do loa phát ra) mà người có hành vi mở loa sẽ bị phạt tiền từ phạt cảnh cáo tới phạt tiền đến 160.000.000 đồng.

-Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 602 Bộ luật dân sự:

Điều 602.Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”

Theo đó, khi hàng xóm bật nhạc lớn gây ô nhiễm tiếng ồn, bạn có thể làm đơn gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn sống để yêu cầu chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để chấm dứt hành vi gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của gia đình bạn và mọi người xung quanh. Cùng với đơn đề nghị bạn có thể gửi kèm các chứng cứ chứng minh hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn kể trên, có thể là ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn hoặc các hộ gia đình sống gần nhà bạn về người gây tiếng ồn để Ủy ban nhân dân xã có cơ sở giải quyết.

Ngoài ra, bạn có thể làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn, cũng như người đó cư trú để yêu cầu người gây tiếng ồn bồi thường nếu có thiệt hại do việc người này mở nhạc nhiều ngày gây nên.

Như vậy, trong trường hợp mà bạn đưa ra, hành vi của người hàng xóm khi mở nhạc lớn, trong nhiều ngày, gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới sinh hoạt của bạn và mọi người là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng trách nhiệm mà người này phải gánh chịu còn tùy thuộc vào độ cao của tiếng ồn và thiệt hại thực tế từ việc mở nhạc.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com