Hậu quả pháp lý của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ

Hậu quả pháp lý của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ

03/07/2013

Trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự nói chung, phía nguyên đơn (cá nhân, tổ chức) có quyền yêu cầu Toà án, nơi đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp gọi là “biện pháp khẩn cấp tạm thời” theo thủ tục, trình tự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của mình, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh việc có thể gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án (sau khi Tòa đã xét xử). Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, nguyên đơn có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện.

Theo Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự, thì có 13 biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ. Nhưng hiện nay, việc áp dụng biện pháp này trong thực tiễn mỗi nơi một cách khác nhau, thậm chí áp dụng không đúng dẫn đến xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Theo Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.

Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về phong tỏa tài sản chỉ là một giải pháp tình thế, nó chỉ tồn tại từ khi Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho đến khi Tòa xét xử nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của đương sự.

Do đó, một mặt là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, mặt khác cũng là để tránh sự lạm dụng quyền của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án chỉ có quyền phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ thực hiện. Để bảo đảm cho yêu cầu của mình là có căn cứ, người yêu cầu phải nộp một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng nơi có trụ sở Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này trên thực tế ở các địa phương không thống nhất, việc chấp hành quyết định này của các cơ quan, tổ chức cũng tùy tiện trong việc áp dụng dẫn đến xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị phong tỏa.

Ví dụ: Bà V là bị đơn trong một vụ án dân sự. Thẩm phán quyết định phong tỏa tài sản là nhà và đất (hơn 3.000 m2) của vợ chồng bà V, ông H. Tài sản này có giá 3 tỷ đồng, với giá trị phong tỏa là 300 triệu đồng cộng với lãi suất phát sinh. Bà V không được dùng tài sản để đảm bảo nghĩa vụ nào khác kể từ ngày ban hành quyết định, không được quyền thỏa thuận với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (mà không có sự đồng ý của nguyên đơn) để chuyển dịch quyền tài sản cho đến khi vụ án được giải quyết xong.

Quyết định trên có nhiều cách hiểu khác nhau:

Cách hiểu thứ nhất: Tài sản này không được thực hiện bất kỳ giao dịch nào nếu chưa giải quyết xong vụ án. Vì đây là tài sản chung hợp nhất nên không xác định phần nào phong tỏa, phần nào không phong tỏa. Do đó, việc chuyển nhượng (dù chỉ một phần nhỏ) cũng không thực hiện được.

Cách hiểu thứ hai: Tài sản trên không được phép giao dịch trong phạm vi phong tỏa 300 triệu cộng với lãi phát sinh và phần 50% của bà V. Vì đây là tài sản chung của vợ chồng, quyết định phong tỏa phần tài sản của bà V là người có nghĩa vụ, còn ông H vẫn được phép giao dịch. Vì người có nghĩa vụ là bà V còn ông H là người không có nghĩa vụ phải thực hiện, do đó phần của ông H vẫn được phép giao dịch (trong phạm vi của ông H).

Hậu quả pháp lý của việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ là:

Đối với các cơ quan thực hiện: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thường gửi đến các cơ quan như: Viện kiểm sát nhân dân, thi hành án dân sự, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức công chứng… và bắt buộc thực hiện đối với các cơ quan này. Nhưng quyết định phong tỏa của các cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ ghi chung chung như: “Người bị phong tỏa không được tiếp tục dùng tài sản bị phong tỏa trên để đảm bảo cho nghĩa vụ nào khác kể từ ngày ban hành quyết định, không được quyền thỏa thuận với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (mà không có sự đồng ý của nguyên đơn) để chuyển dịch quyền về tài sản…”. Theo nội dung quyết định phong tỏa, thì chủ sở hữu không được phép thực hiện các quyền đối với tài sản khi chưa có sự đồng ý của nguyên đơn, đồng thời pháp luật còn quy định giới hạn thời gian phong tỏa khẩn cấp tạm thời đối với tài sản là 15 ngày, tài khoản là 05 ngày nhưng hầu hết các quyết định phong tỏa đều không giới hạn thời gian. Trong trường hợp trên, nếu ông H đề nghị công chứng chuyển nhượng một phần nhỏ trong khối tài sản của mình, thì công chứng viên sẽ giải quyết như thế nào? Chấp hành quyết định phong tỏa và từ chối yêu cầu công chứng của ông H, haycông chứng hợp đồng chuyển nhượng một phần tài sản của ông H? Hậu quả pháp lý sẽ như thế nào khi thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu phong tỏa và khiếu kiện của người dân đối với vấn đề này. Trong thực tế, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được sử dụng không chỉ ở Tòa án mà còn có nhiều cơ quan áp dụng khá thường xuyên như cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, thậm chí cả cơ quan hành chính nhà nước kiểm sát hoạt động tư pháp, cơ quan giám sát cũng chưa chú trọng lĩnh vực này.

Để tránh tình trạng ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách tùy tiện và lợi dụng quyền hạn ra quyết định phong tỏa với động cơ tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, các cơ quan tố tụng và các cơ quan quyền lực nhà nước phải tăng cường kiểm sát, giám sát lĩnh vực này, qua đó, Nhà nước cần quy định rõ hơn thiết chế phong tỏa tài sản để các cơ quan áp dụng thống nhất, nhằm đảm bảo nguyên tắc quyền lực nhà nước đã được trao cho cá nhân, tổ chức phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ gắn chặt với chế tài trách nhiệm, chống lạm quyền

Trần Xuân Hiệp

Sở Tư pháp Gia Lai

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com