Giải pháp để tránh rủi ro khi việc kết hôn với người nước ngoài gia tăng

Giải pháp để tránh rủi ro khi việc kết hôn với người nước ngoài gia tăng

22/10/2015

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam có bước phát triển đáng kể. Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến cuối năm 2014, cả nước có 50.452 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài, thì khu vực phía Nam có 38.483 người (chiếm 76%). Hàng năm, trên địa bàn khu vực có trên 9.000 trường hợp đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp và bình quân 3.000 trường hợp ghi chú kết hôn/năm, trong đó, chủ yếu là nữ công dân Việt Nam tham gia trong quan hệ kết hôn với người nước ngoài (chiếm khoảng 95%)[1].

1. Một số lý do dẫn tới việc kết hôn với người nước ngoài gia tăng

Có một thực tế không thể phủ nhận là có nhiều trường hợp việc kết hôn với người nước ngoài xuất phát từ tình yêu thực sự. Kết hôn vì tình yêu chân chính tạo ra nhiều điểm tích cực, nó tạo ra sự đan xen, sự tiếp cận đa dạng văn hoá, tạo điều kiện để giao lưu học hỏi, tuy nhiên, cũng còn nhiều trường hợp việc kết hôn không xuất phát từ tình yêu thực sự, mà xuất phát từ:

– Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghèo túng, trình độ học vấn thấp, xuất thân từ những khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội thấp, điều kiện địa lý không thuận lợi. Khi họ thấy bạn bè, người thân kết hôn với người nước ngoài hoặc những người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước ăn mặc sang trọng, hào phóng, đã tác động đến một bộ phận phụ nữ nông thôn bị ảnh hưởng chạy theo xu hướng lấy chồng ngoại, họ đã dễ dàng chấp nhận mai mối để kết hôn với người ngoại quốc hoặc là kết hôn để được bảo lãnh ra nước ngoài, kết hôn để được nhập quốc tịch nước ngoài, kết hôn để được bằng chị, bằng em. Đây là một nhận thức kết hôn lệch lạc dễ dẫn đến hôn nhân đổ vỡ, không hạnh phúc.

– Nhiều trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài vì mục đích kinh tế, thể hiện rõ nhất là các trường hợp kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc. Thực tế có một bộ phận sau khi kết hôn đã gửi tiền về giúp gia đình “đổi đời”, có nhà cửa khang trang, có kinh tế khấm khá hơn, thu nhập cao hơn; một số không ít phụ nữ có cơ hội về việc làm, thu nhập… Tuy nhiên, hình thái kết hôn này cũng để lại không ít hệ quả tiêu cực.

– Hoạt động môi giới hôn nhân ở nước ngoài phát triển mạnh. Trên thực tế, các công ty môi giới nước ngoài là công ty có giấy phép hoạt động môi giới hợp pháp hoặc ẩn nấp dưới dạng của những văn phòng tư vấn pháp luật cho người di trú kết hôn hay tư vấn du lịch. Bản thân các cá nhân môi giới tích cực, chủ động trong việc tiếp cận và thuyết phục đối tượng là những cô gái mới lớn, sống ở nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc chưa có công việc ổn định. Hoạt động môi giới đã khiến họ không từ thủ đoạn nào, để làm cầu nối cho nhu cầu kết hôn của cô dâu Việt Nam với chú rể nước ngoài bất chấp mọi hậu quả. Còn ở Việt Nam, hoạt động môi giới hôn nhân hiện đang ẩn dưới các hình thức giới thiệu từ người thân, người quen và vì thế việc kiểm soát hoạt động này không dễ dàng.

– Pháp luật về hôn nhân và gia đình một số nước quy định việc kết hôn đơn giản: ở Hàn Quốc, khi hai công dân Hàn Quốc đăng ký kết hôn, chỉ cần làm giấy đăng ký sau đó đến đăng ký tại cơ quan hộ tịch là được công nhận mà không cần phải nộp thêm bất cứ một loại giấy tờ nào khác. Trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài thì người nước ngoài có trách nhiệm phải tự chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình[2]. Quy định về công nhận và ghi chú việc kết hôn đã tiến hành ở nước ngoài khá đơn giản, đương sự chỉ cần xuất trình giấy tờ hộ tịch đã đăng ký hợp lệ tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì được công nhận và ghi chú vào sổ hộ tịch[3].

2. Những vấn đề pháp lý đặt ra

Kết hôn với người nước ngoài là quyền nhân thân của mỗi người, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ theo Luật Hôn nhân và gia đình. Luật pháp Việt Nam không có bất cứ quy định nào ngăn cản việc kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài, nhưng những năm gần đây việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài diễn ra rất phức tạp và đặt ra nhiều thách thức:

– Về quốc tịch: Hiện nay, có một số cô dâu Việt Nam rơi vào tình trạng không quốc tịch, do họ đã được thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được nhập quốc tịch nước ngoài. Bên cạnh đó, trên thực tế cũng phát sinh khó khăn liên quan đến vấn đề quốc tịch đối với trẻ em được sinh ra bởi hai dòng máu. Đây là số trẻ em đã có quốc tịch nước ngoài hoặc chưa xác định quốc tịch, nhưng theo mẹ hoặc được người mẹ gửi cho ông bà ngoại nuôi tại Việt Nam. Do vấn đề quốc tịch nên việc giải quyết khai sinh, đăng ký hộ khẩu cũng như việc thực hiện các chính sách giáo dục, y tế… đối với các trẻ em này gặp khó khăn, vướng mắc hiện chưa có hướng giải quyết một cách thống nhất, đồng bộ[4].

– Về ly hôn: Vướng mắc lớn nhất về pháp lý “bịt lối” làm lại cuộc đời của các cô dâu Việt Nam là nhiều người trốn về và không lấy được bản án ly hôn tại nước ngoài nên không thể kết hôn tại Việt Nam. Hoặc là trường hợp các cô dâu tự ý bỏ về và người chồng cũng chưa đưa đơn ly hôn ra tòa tại nước ngoài. Ví dụ tại Hàn Quốc, Tòa án Hàn Quốc chỉ lưu bản án ly hôn trong vòng hai năm sau khi có phán quyết của Tòa án (đối với những trường hợp thuận tình ly hôn). Sau thời gian này, bản án ly hôn sẽ bị hủy và không thể lấy bản án mà chỉ được cấp một giấy chứng nhận hôn nhân gia đình, trong đó có ghi rõ thời gian kết hôn, ly hôn, nhưng pháp luật Việt Nam lại không công nhận giấy chứng nhận hôn nhân gia đình này. Do đó, với những phụ nữ Việt Nam đã ly hôn người chồng Hàn Quốc quá hai năm mà không lấy được bản án ly hôn sẽ gặp rắc rối khi muốn kết hôn ở Việt Nam[5].

Trường hợp ghi chú kết hôn: Khi Sở Tư pháp công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã tiến hành ở nước ngoài, tức là họ được xem là vợ chồng tại Việt Nam, được hưởng các quyền theo Luật Hôn nhân và gia đình tại Việt Nam… Trường hợp, họ bị từ chối ghi chú kết hôn khi không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, có nghĩa ở nước ngoài họ là vợ chồng, còn ở Việt Nam thì họ không được xem là vợ chồng. Nếu phát sinh bất kỳ tranh chấp nào tại Việt Nam, thì đó được xem là tranh chấp dân sự thông thường. Một điều đáng quan tâm nữa là, vì hôn nhân của họ chưa được công nhận tại Việt Nam, nên theo nguyên tắc họ vẫn là người độc thân theo pháp luật Việt Nam và do đó họ hoàn toàn có quyền kết hôn với một người khác. Có thể nhận ra mâu thuẫn ở đây là: Việc không công nhận quan hệ hôn nhân tại Việt Nam là việc của Việt Nam, còn giá trị pháp lý trong quan hệ hôn nhân của họ ở nước ngoài không thay đổi.

– Về pháp lý: Xung đột pháp luật về giải quyết ly hôn giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân trong điều kiện Việt Nam và nước ngoài chưa có thỏa thuận tương trợ tư pháp; vấn đề quốc tịch của các cô dâu sau khi kết hôn; vấn đề khai sinh và quốc tịch của trẻ em được sinh ra bởi hai dòng máu. Đây là những nội dung pháp lý đang đặt ra từ thực tiễn các quan hệ hôn nhân với người nước ngoài.

– Vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ khi bị xâm hại: Do không có sự chuẩn bị các điều kiện cơ bản cho cuộc sống sau hôn nhân, nên nhiều phụ nữ khó có khả năng hòa nhập. Rào cản ngôn ngữ đã trở thành trở ngại lớn cho cuộc sống của phụ nữ Việt Nam tại nước ngoài, sự lệ thuộc kinh tế đem đến không ít bi kịch cho họ, nhất là những trường hợp lấy chồng vì mục đích thương mại. Không hiếm các hiện tượng bạo hành người vợ cả về thể xác lẫn tinh thần đã xảy ra và cái giá phải trả là đổ vỡ hôn nhân, thậm chí bị giết hại của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.

– Về buôn bán phụ nữ: Hiện nay tình hình buôn bán phụ nữ trên địa bàn cả nước nói chung, đặc biệt là buôn bán phụ nữ ra nước ngoài diễn ra dưới nhiều hình thức như xuất cảnh trái phép, kết hôn giả, lừa đưa ra nước ngoài lao động, du lịch sau đó ép làm nghề mại dâm. Thực tế, có không ít trường hợp thương tâm là các cô gái sau khi kết hôn đã bị bán làm gái mại dâm trong các nhà chứa mà báo chí đã có nêu xảy ra tại Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc hay bị lừa gạt lấy phải người chồng tâm thần, tàn tật…

– Về xã hội: Nhiều năm nay, hàng trăm bài báo đã điều tra các đường dây tuyển các cô gái đem về thành phố Hồ Chí Minh, để những người đàn ông lớn tuổi, tật nguyền từ Đài Loan, Hàn Quốc đến tuyển lựa. Nhiều bài báo cũng phản ảnh, mô tả cảnh cô dâu Việt Nam ở Đài Loan, Hàn Quốc bị ngược đãi, làm vợ tập thể… phải trốn về nước.

Hoặc nhiều trường hợp sau khi đăng ký kết hôn xong, người vợ không xin được Visa nhập cảnh theo chồng là người nước ngoài. Thực tế đó khiến một số trường hợp phải ly hôn do chờ đợi quá lâu mà chồng một nơi, vợ một nơi.

Tất cả những vấn đề trên đã để lại hậu quả mà xã hội phải gánh chịu không chỉ là trước mắt mà về lâu dài, ảnh hưởng đến nhiều mặt: Xã hội, pháp luật quốc gia và quốc tế. Đặc biệt những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nét đẹp vốn có từ lâu đời của phụ nữ Việt Nam bị xâm phạm.

3. Những giải pháp tránh rủi ro khi phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài

Kết hôn với người nước ngoài là hiện tượng bình thường xảy ra ở tất cả các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Chính vì vậy, những giải pháp cần thực hiện không nhằm mục đích hạn chế, ngăn cản quan hệ kết hôn với người nước ngoài mà nhằm tránh những rủi ro, không đáng có đối với phụ nữ Việt Nam tham gia quan hệ hôn nhân. Theo đó, trước mắt cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

– Chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với phụ nữ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đặc biệt, phải quan tâm đến việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, bảo đảm cuộc sống cho những phụ nữ còn khó khăn, những phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và những người bị buôn bán hoặc do hôn nhân bất hạnh trở về quê hương làm ăn sinh sống. Việc tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng các điển hình biết vượt lên số phận, hay tổ chức những cuộc tọa đàm, trao đổi trực tiếp với những người đã từng là nạn nhân của buôn bán, bất hạnh để cảnh báo họ.

– Định kỳ tập huấn cho cán bộ làm công tác hộ tịch tại các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, cán bộ tư vấn tại các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm nâng cao sự hiểu biết về văn hoá, pháp luật của các nước trên thế giới giúp cho việc đánh giá, nhận xét về sự hiểu biết của các bên được đầy đủ và toàn diện hơn, bảo đảm việc thực hiện thống nhất.

– Tăng cường hơn nữa việc hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra các địa phương trong việc thụ lý, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; kịp thời chấn chỉnh những sai lệch trong công tác này.

– Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài, theo đó cần sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết xung đột pháp luật về hình thức kết hôn có yếu tố nước ngoài; bổ sung các quy định bảo đảm ngăn chặn hiệu quả các tiêu cực trong việc kết hôn với người nước ngoài; tiếp tục thực hiện việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước có đông người Việt Nam cư trú, sinh sống.

Hoàng Huy Trường

Tài liệu tham khảo:

[1]. Tọa đàm về kết hôn có yếu tố nước ngoài tại khu vực phía Nam, nguồn: http://moj.gov.vn/cuccongtacphianam/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=6496.

[2]. Bộ Tư pháp. Báo cáo tổng hợp khảo sát kinh nghiệm của một số nước về công tác đăng ký hộ tịch.

[3]. Điều 36, 37, 38 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình.

[4]. Xem: Nan giải việc làm giấy khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài, nguồn: http://vtv.vn/xa-hoi/hau-giang-nan-giai-viec-lam-giay-khai-sinh-cho-tre-co-yeu-to-nuoc-ngoai-20140903224838224.htm.

[5]. Xem: Trợ giúp cô dâu Việt làm lại cuộc đời, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20140904/%E2%80%8Btro-giup-co-dau-viet-lam-lai-cuoc-doi/641098.html.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com