Có được thu phí lãi suất tiền gửi ngân hàng của người được thi hành án chưa nhận không?

Có được thu phí lãi suất tiền gửi ngân hàng của người được thi hành án chưa nhận không?

 

 

Xin hỏi, người được thi hành án làm đơn đề nghị thi hành, cơ quan thi hành án đã thi hành xong và thu được tiền, báo nhận tiền theo quy định nhưng người được thi hành án không đến nhận. Cơ quan thi hành án đã cho đi gửi, sau 06 tháng người được thi hành án đến cơ quan thi hành án trình bày lý do không đến nhận và đề nghị cơ quan thi hành án chi trả. Cơ quan thi hành án đã rút tiền nhập quỹ cơ quan thi hành án và báo trả, sau đó ra quyết định thu phí của cả số tiền gốc và lãi. Như vậy thu phí số tiền thu được và tiền lãi gửi ngân hàng có đúng không?

 

Gửi bởi: Nguyễn Thanh Long

Trả lời có tính chất tham khảo

Trường hợp bạn hỏi, theo quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án. Căn cứ khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp, trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày thu tiền thi hành án, cơ quan thi hành án phải tiến hành chi trả cho các đối tượng được thi hành án theo thứ tự quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 tháng 09 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và có biện pháp xử lý các khoản tiền, tồn đọng theo các hình thức sau đây: Đối với những khoản tiền đã báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi đương sự đến nhận tiền. Cơ quan thi hành án phải mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, tên bản án, tên quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự. Trường hợp hết thời hạn 05 năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục chuyển nộp số tiền đó vào Ngân sách Nhà nước. Cơ quan thi hành án mở tài khoản tại ngân hàng để gửi đối với khoản tiền gửi không đủ điều kiện để lập sổ tiết kiệm.

Đối với khoản tiền đã thu nhưng việc thi hành án bị hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự.

Đối với khoản tiền hoàn trả cho đương sự, sau khi có Quyết định thi hành án, trong thời hạn không quá 10 ngày, Chấp hành viên phải báo gọi để chi trả cho đương sự. Đối với đương sự ở xa trụ sở cơ quan thi hành án, nếu đương sự có đơn đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản (đơn đề nghị có thể được gửi qua bưu điện), Chấp hành viên yêu cầu kế toán lập phiếu chi và gửi số tiền đã thu được cho đương sự qua đường bưu điện hoặc bằng hình thức chuyển khoản. Cước phí chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản do người nhận tiền chịu và được trừ vào số tiền họ được nhận. Giấy chuyển tiền qua bưu điện và phiếu báo nhận tiền (bản phô-tô) lưu trong hồ sơ thi hành án cùng với phiếu chi, bản chính lưu tại bộ phận kế toán.

Như vậy, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền thi hành án, cơ quan thi hành án phải thực hiện việc thu phí thi hành án và chi trả tiền thi hành án. Do đó, lúc này chưa phát sinh tiền lãi gửi tiết kiệm, nên cơ quan thi hành án chỉ thu phí thi hành án đối với số tiền thi hành án đã thu được và chi trả ở thời điểm này. Số tiền còn lại mà người được thi hành án chưa đến nhận, cơ quan thi hành án gửi tiết kiệm, khi họ đến nhận thì trả họ tiền gốc đã gửi và lãi suất tiết kiệm của số tiền đó.

Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp chi trả nhiều lần do thu được tiền thi hành án nhiều lần, thì cơ quan thi hành án phải tính toán để thu đủ số phí thi hành án phải nộp theo quy định là 3% của số tiền được thi hành án, nhưng không quá 200.000.000 đồng/01đơn yêu cầu thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự

Thông tư 22/2011/TT-BTP Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com