Chia tài sản do anh trai đã chết để lại

Chia tài sản do anh trai đã chết để lại

 

 

Anh trai tôi có một mảnh đất. Khi anh chết không để lại di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất có mẹ tôi và vợ của anh (anh không có con). Mảnh đất của Anh tôi là đất ở không có tranh chấp và không có giấy tờ nhưng đã sử dụng lâu dài từ năm 1985. Gia đình tôi đã chia mảnh đất trên thành nhiều mảnh cho mẹ tôi, tôi và chị dâu tôi trên cơ sở thỏa thuận nhất trí của tất cả mọi người. Vậy xin cho tôi hỏi việc gia đình tôi phân chia như vậy có đúng pháp luật không và thủ tục như thế nào để biên bản phân chia đất của gia đình tôi được hợp pháp?

 

Gửi bởi: Cấn Hùng

Trả lời có tính chất tham khảo

 

 

 

Để thực hiện việc phân chia thửa đất do anh trai bạn để lại, bạn cần lưu ý mấy vấn đề sau:

1. Thửa đất của bạn phải đủ điều kiện tách thửa; khi tách thành 03 phần thì mỗi phần phải đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu (Điều kiện về diện tích tối thiểu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đối với từng địa phương, từng loại đất nên bạn có thể tự tìm hiểu quy định này tại địa phương mình).

2. Lưu ý về điều kiện thực hiện quyền thừa kế: Điều 168 và Điều 188 Luật đất đai quy định: Điều kiện nhận thừa kế đối với quyền sử dụng đất là “khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Theo thông tin bạn cung cấp: thửa đất do anh bạn để lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã sử dụng lâu dài từ năm 1985, không có tranh chấp. Bạn có thể căn cứ quy định tại Điều 99, Điều 100, Điều 101 Luật đất đai về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất (có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất) để kiểm tra xem trường hợp của gia đình bạn có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không. Nếu thửa đất anh trai bạn để lại đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình bạn có thể tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế như nêu ở trên.

3. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế, thỏa thuận phân chia, chuyển nhượng/tặng cho đối với quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực (theo khoản 3 Điều 167 Luật đất đai). Do đó, việc gia đình bạn tự phân chia quyền sử dụng đất nêu trên là chưa có hiệu lực pháp luật.

Về trình tự, thủ tục tiến hành:

Khi anh bạn chết, không để lại di chúc, di sản của anh để lại được chia cho những người thừa kế theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (điểm a khoản 1 Điều 276 Bộ luật dân sự). Theo quy định này và theo thông tin bạn cung cấp, di sản của anh sẽ được chia cho người thừa kế gồm: mẹ và chị dâu của bạn. Nếu gia đình bạn muốn phân chia cho ba người là mẹ, chị dâu bạn và bạn thì gia đình bạn phải tiến hành hai bước:

Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế. Tại bước này, mẹ và chị dâu bạn tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế do anh trai bạn để lại với tư cách là hai người thừa kế theo pháp luật.

Để thực hiện được thủ tục này, trước hết, gia đình bạn cần đến văn phòng đăng ký đất đai để xác nhận các thông tin liên quan đến thửa đất (như: số thửa đất, số tờ bản đồ, địa chỉ thửa đất, diện tích, nguồn gốc sử dụng đất…), sau đó cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Làm thủ tục tách thửa theo quy định của pháp luật. Theo đó, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên mẹ và chị dâu bạn đối với thửa đất do anh trai bạn để lại, hai người sẽ làm thủ tục tách thửa và phân chia tài sản chung (giữa mẹ và chị dâu bạn) đồng thời làm thủ tục chuyển nhượng/tặng cho một phần thửa đất cho bạn.

Gia đình bạn có thể tiến hành thủ tục khai nhận thừa kế, phân chia tài sản chung, tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại bất kỳ tổ chức công chứng nào nơi có bất động sản.

Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

– Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

– Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

– Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Trình tự, thủ tục công chứng thực hiện theo quy định của Luật công chứng và văn bản hướng dẫn.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 45/2013/QH13 Đất đai

Luật 53/2014/QH13 Công chứng

Trả lời bởi: CTV3

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com