Chém đứt ngón tay cái người khác thì mức án khoảng bao nhiêu năm

Câu hỏi của khách hàng: Chém đứt ngón tay cái người khác thì mức án khoảng bao nhiêu năm

Luật sư cho em hỏi 1 chút được không ạ. Gần nhà em có anh gây sích míc anh ấy đã đánh nhau mà dùng dao chém không may cụt mất 1 ngón tay cái bên phải. Mất Vĩnh viễn luôn. Nếu như đưa lên toà bị khởi tố thì dính mức án khoảng bao nhiêu năm hay án treo vậy ạ


Luật sư Tư vấn Bộ luật Hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 23/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm hình sự khi chém cụt ngón tay của người khác

Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;

3./ Luật sư trả lời Chém đứt ngón tay cái người khác thì mức án khoảng bao nhiêu năm

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác dù là lỗi cố ý hay vô ý đều có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo thông tin bạn cung cấp, do có xích mích, một người đã dùng dao chém và không may chém cụt mất một ngón tay của đối phương. Để xác định hành vi trên cấu thành tội phạm gì, thông thường, cần phải làm rõ thêm các yếu tố sau:

-Mục đích của hành vi dùng dao chém cụt ngón tay người khác là phòng vệ hay tấn công;

-Lý do các bên xích mích là gì? Có dẫn đến việc hàng xóm nhà bạn rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh rồi gây thương tích hay không?

-Lỗi của người vi phạm là cố ý hay vô ý khi gây ra hậu quả?

-Tỷ lệ tổn thương cơ thể là bao nhiêu?

Theo quy định của pháp luật hình sự thì trước khi một đối tượng bị khởi tố hình sự vì hành vi của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền sẽ phải tiến hành các hoạt động điều tra để xác minh sự thật của vụ việc, chỉ khi nào hành vi mà người vi phạm thực hiện đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì các chủ thể có thẩm quyền mới tiến hành sang thủ tục khởi tố. Và để kết luận hành vi đó cấu thành tội phạm gì, các chủ thể có thẩm quyền cũng sẽ dựa vào những kết quả mà cơ quan điều tra điều tra, xác minh được.

Căn cứ Điều 10 Bộ luật Hình sự quy định:

“Điều 10.Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

2.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Theo đó, việc một người dùng dao gây gổ, chém cụt mất ngón tay người khác được xác định là lỗi cố ý, với việc “không may” gây hậu quả, lỗi cố ý này có thể được xác định là lỗi cố ý gián tiếp theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, việc phân loại lỗi này còn tùy thuộc vào mục đích của hành vi dùng dao gây thương tích cho người khác là tấn công (lỗi cố ý trực tiếp) hay phòng vệ, dọa dẫm (lỗi cố ý gián tiếp).

Với mỗi loại lỗi trên, người có hành vi sẽ bị khởi tố về các tội khác nhau sao cho cấu thành của tội phạm đó phù hợp nhất với hành vi của người này. Dựa trên những căn cứ mà bạn đưa ra, chủ thể có thẩm quyền có thể sẽ khởi tố người có hành vi vi phạm theo một trong các tội phạm sau đây:

-Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Thông thường, người có hành vi vi phạm sẽ bị khởi tố về trách nhiệm này khi thực hiện hành vi vi phạm với lỗi cố ý và tỷ kệ tổn thương cơ thể thường là từ 11% trở lên.

-Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135 Bộ luật Hình sự). Trong trường hợp này, lỗi của chủ thể vi phạm vẫn là lỗi cố ý, nhưng tỷ lệ tổn thương cơ thể thường là từ 31% trở lên, đặc biệt, người này phải thực hiện hành vi khi người này đang trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.

-Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự. Trường hợp này, người có hành vi vi phạm thực hiện với lỗi cố ý, tỷ lệ tổn thương cơ thể cũng thường ở mức 31% trở lên, lý do gây thương tích là do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Tuy nhiên, với việc bị chém cụt một ngón tay, căn cứ Thông tư 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH thì tùy vào ngón tay bị chém cụt là ngón nào, mất từ đoạn nào mà tỷ lệ tổn thương cơ thể trong trường hợp này sẽ được xác định khác nhau và thông thường là rơi vào khoảng từ 1 – 25 phần trăm (Mục 4 Khoản 8 Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do tổn thương hệ Cơ- Xương- Khớp Bảng 1– Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích Thông tư 28/2013/TTLT- BYT-BLĐTBXH).

Do vậy, nếu bị khởi tố, người có hành vi vi phạm trong trường hợp của bạn thường sẽ là về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1.Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …”

Nên, thông thường, nếu bị khởi tố, người có hành vi trên sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Còn về việc có được hưởng án treo hay không còn phụ thuộc vào việc người vi phạm có đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật quy định về Điều 65 Bộ luật hình sự và các quy định hướng dẫn điều này.

Vậy, tùy thuộc vào kết quả điều tra của chủ thể có thẩm quyền để xác minh những căn cứ nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận hành vi trên cấu thành tội phạm gì, từ đó thực hiện việc khởi tố hình sự. Tuy nhiên, trên những căn cứ mà bạn đưa ra thì thường người có hành vi phạm tội sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự (nếu có) với hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Về việc hưởng án treo, điều này còn tùy thuộc vào từng yếu tố cụ thể mà người phạm tội đáp ứng được về điều kiện được hưởng án treo.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com