Bồi thường thiệt hại khi bị gây thương tích

Bồi thường thiệt hại khi bị gây thương tích

Chồng tôi năm nay 32 tuổi. Hai vợ chồng tôi có 2 con nhỏ (con lớn 7 tuổi và con bé 3 tuổi). Cách đây nửa tháng, chồng tôi bị người ta vô cớ đánh vào đầu gây chấn thương sọ não, phải nằm bệnh viện. Nay chồng tôi đã được xuất viện, nhưng tình trạng sức khỏe yếu và hay bị choáng, giám định sức khỏe bị thương tích 38%. Nếu gia đình họ không chịu thỏa thuận với gia đình tôi, vụ việc sẽ được đưa ra Tòa án thì khi đó, gia đình tôi có được đền bù chi phí điều trị và tổn thất về tinh thần không? Ngoài ra, theo pháp luật thì phần tổn thất về sức khỏe của chồng tôi có được tính toán không? Họ có phải chịu trách nhiệm gì với hai đứa con của chúng tôi không?

Gửi bởi: Nguyễn Thị Quỳnh Nga

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp mà bạn nêu, hành vi của người đã đánh chồng bạn đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp này không thuộc một trong các trường hợp chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự, do vậy, người đã gây thương tích cho chồng bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, không phục thuộc vào việc chồng bạn có yêu cầu khởi tố hay không.

2. Về trách nhiệm dân sự

Theo quy định tại Điều 604 của Bộ luật Dân sự thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do vậy, người đã gây thương tích cho chồng bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bao gồm cả thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại và tổn thất về tinh thần.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 605 của Bộ luật Dân sự về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp không thỏa thuận được việc bồi thường thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 609), Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP 08 tháng 07 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (mục II) để giải quyết.

Bạn có thể căn cứ vào các quy định nêu trên để giải quyết trường hợp của gia đình mình.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự

Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com