Bàn về khái niệm “Luật có mối quan hệ mật thiết nhất” trong quan hệ hợp đồng

Bàn về khái niệm “Luật có mối quan hệ mật thiết nhất” trong quan hệ hợp đồng

13/08/2015

Xác định luật áp dụng điều chỉnh quan hệ hợp đồng có tính chất quốc tế (hợp đồng có yếu tố nước ngoài) là một vấn đề pháp lý khá phức tạp không chỉ dưới góc độ pháp lý mà cả trong trong thực tiễn. Một trong những nguyên tắc cơ bản để xác định luật áp dụng đối với hợp đồng được quy định trong Tư pháp quốc tế các nước hiện nay là nguyên tắc “Luật có mối quan hệ mật thiết nhất” với hợp đồng áp dụng trong trong trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng.

Đây là một nguyên tắc phổ biến trong hệ thống pháp luật các nước và pháp luật quốc tế , nhưng chưa từng được quy định trong pháp luật Việt Nam. Cho đến bản Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) để lấy ý kiến nhân dân năm 2015 , tại Phần thứ V về áp dụng pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, khoản 1 Điều 702 về hợp đồng, Dự thảo lần đầu tiên đã quy định nguyên tắc này như sau: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng, pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng”.

Nguyên tắc “luật có mối liên hệ mật thiết nhất” là một hệ thuộc khá đặc thù và trừu tượng trong tư pháp quốc tế, việc giải thích và áp dụng hệ thuộc luật này ở các nước cũng khá phức tạp, đặc biệt tại Việt Nam do chưa được nghiên cứu về lý luận cũng như áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, bài viết này sẽ nghiên cứu tìm hiểu khái niệm luật có mối quan hệ mật thiết nhất theo các quy định của luật pháp quốc tế, trên cơ sở tìm hiểu thực tiễn giải thích và áp dụng hệ thuộc luật này ở các nước nhằm đóng góp kinh nghiệm cho việc giải thích áp dụng quy định này tại Việt Nam trong tương lai.

1. Đặt vấn đề

Dưới góc độ lý luận của Tư pháp quốc tế, việc xác định luật áp dụng điều chỉnh các quan hệ pháp luật có xung đột (các quan hệ có liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau) luôn dựa trên nguyên tắc là áp dụng hệ thống pháp luật có mối liên hệ mật thiết nhất với quan hệ pháp luật đó (most closely). Nguyên tắc này được áp dụng trước hết xuất phát từ chính đặc trưng của Tư pháp quốc tế là ngành luật luôn mang tính khách quan, trung lập trong việc xây dựng các quy phạm chọn luật áp dụng (quy phạm xung đột) điều chỉnh các quan hệ của Tư pháp quốc tế[1].

Đặc biệt, các quan hệ hợp đồng có tính chất quốc tế (còn gọi là hợp đồng có yếu tố nước ngoài) là loại quan hệ khá phức tạp do liên quan đến nhiều bên ở các nước khác nhau. Khác với các hợp đồng nội địa (chỉ chịu sự điều chỉnh của một hệ thống pháp luật trong nước), các hợp đồng có tính chất quốc tế có thể được điều chỉnh bởi hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, không chỉ bao gồm hệ thống pháp luật quốc gia mà cả hệ thống pháp luật quốc tế). Do vậy, trong trường hợp các bên không thỏa thuận, việc xác định luật áp dụng đối với hợp đồng quốc tế được đặt ra.

Để hiểu về khái niệm Luật có mối liên hệ mật thiết nhất trong quan hệ hợp đồng có thể xem xét tình huống Tranh chấp Hợp đồng phân phân phối dầu nhớt nêu dưới đây:

Công ty X (Việt Nam) ký kết một hợp đồng làm đại lý phân phối dầu nhớt với công ty Y (Singapore) là bên phân phối độc quyền. Dầu nhớt được sản xuất tại Italia bởi nhà sản xuất (công ty M). Theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên Việt Nam (công ty X) được phân phối dầu nhớt tại Việt Nam trong thời hạn 3 năm và có trách nhiệm xây dựng hệ thống khách hàng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 02 năm, công ty (Y) có hành vi cung ứng các mẫu mã hàng mới (có thay đổi về kiểu dáng vỏ hộp), khiến khách hàng tại thị trường Việt Nam không tiếp tục sử dụng loại sản phẩm mới này gây thiệt hại cho việc kinh doanh của X tại Việt Nam. Giả sử tranh chấp được đưa ra cơ quan tài phán Việt Nam, theo đó bên công ty X (Việt Nam) yêu cầu bên phân phối phải bồi thường thiệt hại.

Trong hợp đồng, các bên cũng không có thỏa thuận vấn đề chọn luật áp dụng giải quyết tranh chấp. Vấn đề pháp lý đặt ra đối với cơ quan tài phán là luật nào sẽ là luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng? Luật nào được coi là luật có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng này?

Như vậy, đối với các hợp đồng có tính chất quốc tế, việc xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng có ý nghĩa hết sức cần thiết bởi đây là cơ sở đảm bảo cho các cam kết, thỏa thuận của các bên được tôn trọng thực hiện, trong trường hợp hợp đồng quy định thiếu, không đầy đủ hoặc không rõ ràng… luật điều chỉnh hợp đồng cũng có ý nghĩa hoàn thiện hợp đồng. Đặc biệt, xác định luật áp dụng đối với hợp đồng có ý nghĩa quan trọng là cơ sở giải quyết các tranh chấp hợp đồng như trong các tình huống trên.

2. Hệ thuộc luật có mối quan hệ mật thiết nhất trong pháp luật và thực tiễn quốc tế

Dưới góc độ của luật pháp quốc tế, mô hình xác định luật áp dụng điều chỉnh quan hệ hợp đồng là luật có mối liên hệ mật thiết nhấtlần đầu xuất hiện tại Công ước Rome năm 1980 về Luật áp dụng đối với quan hệ nghĩa vụ hợp đồng của Hội đồng châu Âu[2] (Công ước Rome năm 1980). Tại Điều 4.1 Công ước Rome năm 1980 quy định về luật áp dụng đối với hợp đồng trong trường hợp các bên không thỏa thuận, theo đó: “Trong trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng theo Điều 3 của công ước thì hợp đồng được điều chỉnh bởi luật có mối quan hệ gắn bó nhất với hợp đồng”.

Để xác định luật có mối liên hệ mật thiết nhất, Điều 4 Công ước Rome năm 1980 đã quy định các trường hợp xác định luật áp dụng đối với các hợp đồng cụ thể – các giả định (presumtion) theo đó đối với các hợp đồng cung ứng dịch vụ hoặc hợp đồng mua bán là “luật nơi cư trú của bên thực hiện nghĩa vụ đặc trưng” (khoản 2 Điều 4); đối với hợp đồng sử dụng bất động sản và quyền sở hữu đối với bất động sản“là luật nơi có bất động sản”(khoản 3 Điều 4); đối với hợp đồng vận tải là “luật nơi có trụ sở chính của bên vận chuyển”nếu đó cũng đồng thời là nước nơi bốc, xếp hàng và là nơi có trụ sở của bên giao hàng trong các hợp đồng vận tải (khoản 4 Điều 4). Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 4 lại đưa ra một trường hợp ngoại lệ không áp dụng các khoản 2, 3, 4 Điều 4 nói trên: “Nếu mọi yếu tố xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể cho thấy hợp đồng có mối liên hệ mật thiết với một hệ thống pháp luật khác”.

Thực tiễn áp dụng Công ước Rome năm 1980 đã gây ra nhiều tranh cãi khi Tòa án giải thích khái niệm luật có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng. Có thể xem xét thực tiễn án lệ áp dụng giải thích việc xác định luật có mối liên hệ mật thiết nhất ở các nước trong hai vụ việc sau:

Một là,vụ tranh chấp hợp đồng mua bán

Tranh chấp trong một hợp đồng mua bán hàng hóa được ký giữa một công ty X (Phần Lan) bên bán và công ty Y bên mua tại Pháp. Theo hợp đồng, công ty X mua bảo hiểm cho việc vận chuyển lô hàng của công ty Tapiola (công ty Đức). Tapiola chỉ định công ty Westra (Đức) có trách nhiệm giao hàng cho công ty vận tải (Danzas) của Pháp để giao cho người mua tại Pháp. Tuy nhiên, tranh chấp phát sinh khi lô hàng bị mất. Tapiola phải trả một khoản tiền bảo hiểm trị giá 68.360 USD cho người mua bảo hiểm nên đã khởi kiện 2 công ty Westra và Danzas vì việc mất hàng.

Tranh chấp được giải quyết tại Tòa án Pháp, các bên không có thỏa thuận về chọn luật áp dụng nên thẩm phán tòa Tối cao Pháp đã căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Công ước Rome 1980 quy định rằng: “…hợp đồng được điều chỉnh bởi luật có mối quan hệ gắn bó nhất với hợp đồng”. Để xác định luật được coi là có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng này, thẩm phán đã áp dụng phối hợp khoản 2 Điều 4 và khoản 5 Điều 4 Công ước Rome 1980 để so sánh các yếu tố được coi là có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng. Thẩm phán cho rằng, hàng hóa được vận chuyển đến Pháp bởi công ty vận tải (Danzas) của Pháp, việc giao hàng cũng thực hiện tại Pháp, nên áp dụng khoản 5 Điều 4 Công ước Rome năm 1980 và luật được coi là có mối liên hệ mật thiết nhất là luật của Pháp[3].

Hai là,tranh chấp hợp đồng tư vấn giữa Ennstone Building Products Limited và Stanger Limited (Stanger Limited)

Trong vụ kiện hợp đồng được ký năm 1995, giữa công ty Ennstone Building Products Limited là một công ty của Anh (Nguyên đơn) và công ty Stanger Limited (Bị đơn) – công ty của Anh nhưng có trụ sở tại Scottland, liên quan đến cung ứng đá xây dựng giữa nguyên đơn là bên cung cấp đá cho các công trình xây dựng, bị đơn là bên cung cấp các dịch vụ về kiểm định chất lượng và tư vấn xây dựng.

Tranh chấp phát sinh khi nguyên đơn cung cấp đá cho công trình xây dựng tòa nhà the Standard Life building ở Edinburgh không đạt chất lượng yêu cầu. Tranh chấp được đưa ra Tòa án Anh. Một trong những vấn đề đặt ra với Tòa án là xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng giữa các bên.

Kết luận cuối cùng thẩm phán đã chấp nhận áp dụng luật Anh là luật có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng, với lập luận rằng:

Hợp đồng có nhiều mối liên hệ với cả luật Scotland và luật của Anh… Mặc dù hợp đồng được soạn thảo, thông qua tại Scottland, nơi thực hiện một phần hợp đồng là nơi thanh toán các khoản phí dịch vụ tại Scotland, nhưng việc tư vấn về chất lượng đá xây dựng và các báo cáo đều được gửi về trụ sở chính của công ty tại Anh nên luật Anh được coi là có mối liên hệ gắn bó[4].

Do vậy luật được coi là có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng phải là luật Anh theo Điều 4, 5 Công ước Rome năm 1980.

Điều 4 của Công ước Rome năm 1980 đã gây nhiều tranh cãi trong lý luận cũng như thực tiễn giải quyết tranh chấp về luật áp dụng đối với hợp đồng trong trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật. Đặc biệt, quy định này đã gây khó khăn cho việc xác định luật có mối quan hệ gắn bó nhất đối với hợp đồng trong thực tiễn, vì mặc dù Công ước đã đưa ra các giả định xác định luật có mối quan hệ gắn bó trong các loại hợp đồng cụ thể tại khoản 2, 3, 4 nhưng các giả định này sẽ không được áp dụng nếu cơ quan tài phán chứng minh được một hệ thống pháp luật khác được coi là có mối quan hệ mật thiết hơn trong hợp đồng.

Quy định của khoản 5 Điều 4 Công ước Rome năm 1980 đã tạo ra cho thẩm phán một khoảng quyền hạn khá rộng trong việc xét các yếu tố được coi là có mối liên hệ mật thiết nhất với một hợp đồng cụ thể. Thẩm phán có thể không áp dụng các trường hợp giả định đã quy định đối với các hợp đồng cụ thể như hợp đồng mua bán, hợp đồng vận tải hay hợp đồng liên quan đến bất động sản theo các khoản 2, 3, 4 Điều 4 Công ước.

Như vậy, khái niệm luật nơi hợp đồng được coi là có mối liên hệ mật thiết nhất trong pháp luật và thực tiễn quốc tế về cơ bản được giải thích là nước nơi thường trú hoặc nơi có trụ sở của bên thực hiện nghĩa vụ đặc trưng[5] vào thời điểm giao kết hợp đồng. Việc xác định nơi thực hiện nghĩa vụ đặc trưng sẽ tùy thuộc vào từng loại hợp đồng cụ thể như hợp đồng mua bán sẽ áp dụng luật của bên bán, hợp đồng phân phối áp dụng luật của bên phân phối, hợp đồng vận tải áp dụng luật của bên vận tải…[6]

Để khắc phục điểm hạn chế của Công ước Rome năm 1980, ngày 17/6/2008 Hội đồng và Nghị viện EU đã ban hành Quy tắc (EC) số 593/2008, còn gọi là Quy tắc Rome I về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng[7] thay thế Công ước Rome năm 1980.

Một trong những điểm thay đổi của Quy tắc Rome I so với Công ước Rome 1980 trước đây là Quy tắc Rome I đã xây dựng các quy định để xác định luật có mối liên hệ mật thiết nhất trong quan hệ hợp đồng rõ ràng, hiệu quả hơn, nâng cao tính chắc chắn, ổn định của quy định này, trên cơ sở xác định lần lượt thứ tự ưu tiên của luật được coi có mối quan hệ mật thiết nhất với hợp đồng.

Cụ thể, khoản 1 Điều 4 Quy tắc Rome I quy định luật áp dụng đối với hợp đồng trong trường hợp các bên không thỏa thuận thông qua một hệ thống các quy tắc chọn luật áp dụng chặt chẽ và rõ ràng cho 8 loại hợp đồng cụ thể tại với tính chất đây là các hệ thống pháp luật được coi là có mối quan hệ gắn bó nhất[8]. Chỉ trong trường hợp, hợp đồng không thuộc 8 loại hợp đồng quy định tại khoản 1 hoặc trong trường hợp các yếu tố của hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi nhiều hơn một điểm (a) đến (h) của khoản 1 thì luật áp dụng mới được xác định theo khoản 2 Điều 4 dựa trên tiêu chí là luật nước nơi thực hiện nghĩa vụ đặc trưng. Như vậy, nếu đã xác định hợp đồng thuộc khoản 1 thì không được giải thích tùy nghi luật nơi thực hiện nghĩa vụ đặc trưng theo khoản 2 nữa.

Trường hợp rõ ràng từ tất cả các tình tiết của hợp đồng được coi là có quan hệ chặt chẽ hơn với một quốc gia khác theo quy định tại khoản 1 hoặc 2 Điều 4 pháp luật của nước khác đó sẽ được áp dụng.

Tóm lại, quy định của Điều 4 Quy tắc Rome I đã lần lượt xác định thứ tự ưu tiên của các luật được coi là có mối quan hệ mật thiết nhất với hợp đồng, Quy tắc Rome I đã loại trừ điều khoản cho phép xác định tùy nghi luật có mối liên hệ mật thiết nhất[9] như mô hình của Công ước Rome 1980 trước đây.

3. Kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiếp thu kinh nghiệm của pháp luật quốc tế, trong Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) quy định về hợp đồng tại Điều 702,theo đó khoản 1 chỉ rõ: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng, pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng”. Cách quy định này có thể gây lúng túng cơ quan tài phán ngay khi phải xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng khi đưa vị trí ưu tiên áp dụng luật có mối liên hệ mật thiết nhất lên khoản 1, vì quy định này đã đưa một nguyên tắc trừu tượng, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Do đó, cơ quan tài phán có thể bỏ qua khoản 1 và dựa vào khoản 2 Điều 702 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để tìm cách giải thíchvề luật được coi là có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lần lượt trong 5 loại hợp đồng cụ thể là:

– Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa là pháp luật của bên bán;

– Đối với hợp đồng dịch vụ là pháp luật của bên cung cấp dịch vụ;

– Đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ là pháp luật của bên nhận quyền;

– Đối với hợp đồng lao động là pháp luật nước nơi thực hiện công việc hoặc luật nước nơi người sử dụng lao động thường trú;

– Đối với hợp đồng tiêu dùng là pháp luật nước nơi người tiêu dùng thường trú;

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 702 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lại quy định các trường hợp loại trừ không áp dụng khoản 2 trên đây trong 3 trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp một hợp đồng thuộc nhiều loại được nêu từ điểm a đến điểm đ khoản 2 Điều này dẫn đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau có thể được áp dụng. Ví dụ nếu luật của bên bán là nước có nhiều hệ thống có thể được áp dụng như trong vụ việc áp dụng luật Anh hay Scotland nói trên thì lại phải xác định luật có mối liên hệ mật thiết nhất trong hai hệ thống này.

Thứ hai, hợp đồng không thuộc 5 loại hợp đồng nêu tại Khoản 2 thì thẩm phán sẽ chủ động xác định thế nào là luật có mối quan hệ mật thiết nhất trong tình huống cụ thể.

Thứ ba, nếu trong một vụ việc cụ thể, Tòa án chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng đó thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nướccó mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó.

Như vậy, khoản 3 Điều 702 của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã theo hướng tiếp tục mở rộng thẩm quyền cho cơ quan tài phán trong việc giải thích và áp dụng nguyên tắc “Luật có mối liên hệ mật thiết nhất” theo mô hình của Công ước Rome 1980 hiện đã thay thế bởi Quy tắc Rome I năm 2008 nói trên.

Qua phân tích nội dung quy định của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), có thể trở lại ví dụ tình huống tranh chấp hợp đồng phân phối dầu nhớt của doanh nghiệp Việt Nam nói trên để minh chứng cho việc áp dụng quy định này như sau:

Trong vụ việc này, Tòa án Việt Nam nếu áp dụng khoản 2 Điều 702 thì luật áp dụng trong tranh chấp hợp đồng là luật của bên phân phối (Distributer). Trong tình huống này bên phân phối gồm hai công ty: công ty Y (Singapore) là bên phân phối độc quyền của nhà sản xuất (công ty M), công ty Italia. Trên thực tế, việc sản xuất dầu nhớt là tại Italia, nhưng việc thay đổi mẫu mã, sản phẩm lại được thực hiện bởi Đại lý (nhà phân phối Singapore). Nói cách khác công ty Singapore có hành vi trà trộn sản phẩm không chính hãng vào bán tại thị trường Việt Nam, gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Do vậy, Tòa án phải xác định luật có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng theo Khoản 3 điều 702 Dự thảo mà không phải là khoản 2. Điều này sẽ gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải thích Khoản 3 trong tình huống này, trên cơ sở phân tích các yếu tố có mối liên hệ mật thiết nhất. Thực tiễn các nước có thể sử dụng nguồn án lệ để giải thích vấn đề này, tuy nhiên, tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn cho cơ quan tài phán trong việc xác định luật áp dụng trong các tình huống cụ thể.

Tóm lại, việc xác định luật có mối liên hệ mật thiết nhất đối với hợp đồng trong thực tiễn sẽ tùy thuộc vào cách áp dụng và giải thích pháp luật của cơ quan tài phán, một mặt quy định của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ mở rộng thẩm quyền cho thẩm phán nhưng đồng thời cũng gặp những khó khăn. Do vậy, tác giả tiếp tục đề xuất Ban Soạn thảo tiếp tục hoàn thiện quy định này theo hướng như sau:

Thứ nhất, nên sửa đổi cho phù hợp với Quy tắc Rome I, cụ thể rõ ràng hơn, theo thứ tự ưu tiên các luật được coi là có mối liên hệ mật thiết nhất, theo đó đưa khoản 2 Điều 702 thành khoản 1 Điều này.

Thứ hai, do Việt Nam chưa có nguồn án lệ về vấn đề này, nên Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bổ sung một số tiêu chí để xác định luật có mối liên hệ mật thiết nhất. Cụ thể, quy định việc xác định luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất được xác định trên cơ sở đánh giá mối liên hệ giữa toàn bộ các yếu tố của quan hệ cụ thể, bao gồm yếu tố các bên, đối tượng hợp đồng, nơi giao kết, thực hiện nghĩa vụ đặc trưng trong hợp đồng, nơi phát sinh tranh chấp (nơi có hành vi vi phạm hợp đồng) và các yếu tố khác có liên quan.

Việc đánh giá mối liên hệ này phải tính đến sự hài hòa về lợi ích, luật pháp của các nước có liên quan, nhưng cốt lõi là bảo vệ sự công bằng giữa các bên tham gia quan hệ, bảo vệ lợi ích của bên bị thiệt hại (trừ trường hợp do lỗi của bên đó), bảo vệ được lợi ích của bên “yếu hơn” trong hợp đồng. Các yếu tố sự thuận lợi trong việc xác định pháp luật áp dụng và việc áp dụng pháp luật đó cũng có thể tính tới nhưng đóng vai trò thứ yếu.

Thứ ba, cần sớm công nhận các án lệ trọng tài, án lệ quốc tế và khuyến khích công tác nâng cao nghiệp vụ, chất lượng xét xử cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2011, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các luật chuyên ngành khác, thống nhất về các nguyên tắc xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Bùi Thị Thu

Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội



[1]Xem Điều 2 Luật về áp dụng luật với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài của Trung Quốc;Điều 1186Xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự của Nga; Điều 2 Bộ luật Tư pháp quốc tế Bungari về nguyên tắc quan hệ mật thiết nhất; Điều 17 Luật Tư pháp quốc tế Bỉ; Điều 15 Luật Tư pháp quốc tế Thụy sỹ…

[2]Công ước Rome số 80/934/ECC về luật áp dụng với các nghĩa vụ hợp đồng ngày 19/6/1980 (Convention on the law applicable to contractual obligations), có hiệu lực ngày 1/4/1991 (còn gọi là Công ước Rome năm 1980).

[3]Danzas et Westra c. Tapiola (Com. 19 décembre 2006), La Cour de Cassation, Chambre commerciale, financière et économique, 24 juin 2003, pourvoi n° 01-12.839.

[4] Royal Courts of Justice Strand, London, WC2A 2LL 28 June 2002, Case No: A1/2002/0023 England and Wales Court of Appeal (Civil Division) Decisionshttp://www.bailii.org/ew/cases/EWCA/Civ/2002/916.html

[5] Nguyên bản:The law of the country where the party required to effect the characteristic performance of the contract has his habitual residence”.

[6]Nicky Richardson – “The Concept of Characteristic Performance and the Proper Law Doctrine” Bond Law Review: Vol. 1: Iss. 2, Article 9 (1989) p 284-288.

[7] Regulation (EC) no 593/2008 of the European Parliament and of the Council of 17/6/2008 on the law applicable to contractual obligations (Rome I). Theo quy định tại Điều 29 của Quy định Rome I thì quy định này sẽ có hiệu lực và được áp dụng từ ngày 17/12/2009. Quy định Rome I sẽ ràng buộc toàn bộ và trực tiếp áp dụng tại các quốc gia thành viên (trừ Đan Mạch).

[8] Khoản 1 Điều 4 Quy tắc Rome I quy định về luật áp dụng trong trường hợp không có sự lựa chọn:

“1. Trong phạm vi mà luật áp dụng cho hợp đồng đã không được lựa chọn phù hợp với Điều 3 và không ảnh hưởng đến các Điều 5-8, luật điều chỉnh hợp đồng được xác định như sau:

(a) Một hợp đồng mua bán hàng hoá được điều chỉnh bởi pháp luật của nước mà người bán có nơi thường trú;

(b) Một hợp đồng cung cấp dịch vụ sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi mà các nhà cung cấp dịch vụ có nơi thường trú;

(c) Hợp đồng liên quan đến vật quyền vớibất động sản hoặc thuê bất động sản sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật nước nơi có tài sản;

(d)Hợp đồng thuêbất động sản cho sử dụng riêng tạm thời trong thời gian không quá sáu tháng liên tục sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi chủ bất động sản thường trú,

(f) Hợp đồng phân phối sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi mà các nhà phân phối có nơi thường trú;

(g) Hợp đồng mua bán hàng đấu giá sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi cuộc đấu giá diễn ra, nếu một nơi như vậy có thể được xác định;

(h) Hợp đồng mua, bán quyền lợi tài chính, theo quy định của Điều 4 (1), điểm (17) của Chỉ thị 2004/39/EC, phù hợp với quy định không tùy nghi và chi phối bởi một luật duy nhất, sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật đó”.

[9] Khoản 2, 3, 4 Điều 4 Quy tắc Rome I quy định:

“2. Trường hợp hợp đồng không thuộc khoản 1 hoặc trong trường hợp các yếu tố của hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi nhiều hơn một điểm (a) đến (h) của khoản 1, hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi bên được yêu cầu thực hiện hoạt động đặc trưng của hợp đồng có nơi thường trú.

3. Trường hợp rõ ràng từ tất cả các tình tiết của hợp đồng được coi là có quan hệ chặt chẽ hơn với một quốc gia khác với chỉ dẫn ghi trong đoạn 1 hoặc 2, pháp luật của nước khác đó sẽ được áp dụng.

4. Trường hợp pháp luật không thể được xác định theo khoản 1 hoặc 2, hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước mà nó có quan hệ chặt chẽ nhất.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com