Bác sĩ khám sai gây vỡ ruột thừa khởi kiện được không

Câu hỏi của khách hàng: Bác sĩ khám sai gây vỡ ruột thừa khởi kiện được không

Xin chào anh chị,

Thứ 3 tuần (11/9) trước bố em đau bụng và sốt. Đến thứ 4 thì đi lên 108 khám dịch vụ.

Khám ở đó bác sĩ rất sơ sài, làm từ xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim, chụp x quang, kiểm tra dạ dày… thì chỉ ra được hai bệnh: bệnh phì đại tiền liệt tuyến 52g và bệnh hở nhẹ 2 van tim.

Sau đó mua thuốc hết 3 triệu ở 108 về nhà uống thuốc. Tin tưởng 108 nhưng đến ngày thứ 5 thì quá đau nên sáng sớm thứ 6 gia đình đưa bố em khám lại ở Bệnh viện đa khoa tỉnh thái bình thì họ bảo ngay là Vỡ ruột thừa. Chuyển gấp lên việt đức. Bố mổ 10h đêm thứ 6, đến giờ là 80 tiếng đồ hồ chưa tỉnh.

Em muốn hỏi em có thể khởi kiện nhóm bác sĩ gồm: bác sĩ tư vấn và bác sĩ siêu âm ổ bụng cho bố em không?

Giấy tờ khám xét ở 108 em còn nguyên.

Nếu thứ 4 (12/9) mà 108 phát hiện thì bố em đã mổ nội soi ngay. Không bị vỡ ruột thừa gây ra nhiễm trùng, suy thận.


Luật sư Tư vấn Luật Khám bệnh, chữa bệnh – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 09/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm của bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh

  • Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
  • Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

3./ Luật sư trả lời Bác sĩ khám sai gây vỡ ruột thừa khởi kiện được không

Theo thông tin bạn cung cấp, ngày 11/9 bố bạn bị đau bụng và sốt. Ngày 12/9 bố bạn đi khám ở bệnh viện 108, bác sĩ chuẩn đoán là bị bệnh phì đại tiền liệt tuyến 52g và bệnh hở nhẹ 2 van tim. Sáng ngày 14/9 bố bạn tới bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình khám thì được chuẩn đoán là vỡ ruột thừa và được chuyển gấp tới bệnh viện Việt Đức. Bạn cho rằng hậu quả này xảy ra một phần là do các bác sĩ khám cho bố bạn ở bệnh viện 108 chuẩn đoán sai. Do vậy, bạn có thể:

Căn cứ Điều 36 Luật khám bệnh, chữa bệnh:

“Điều 36.Nghĩa vụ đối với người bệnh

1.Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật này.

2.Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh.

3.Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 11 của Luật này. …”

Theo Điều 37 Luật khám bệnh, chữa bệnh:

“Điều 37.Nghĩa vụ đối với nghề nghiệp

1.Thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật.

2.Chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình. …”

Theo đó, bác sĩ có nghĩa vụ tận tâm, hết lòng với bệnh nhân trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Ngoài nghiệp vụ chuyên môn tốt bác sĩ còn phải chịu trách nhiệm về việc khám, tư vấn và chữa bệnh cho bệnh nhân. Vì một sai sót nhỏ của bác sĩ có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe của bệnh nhân hoặc chết người.

Trong trường hợp của bạn thì bạn cho rằng bác sĩ tư vấn và bác sĩ siêu âm bụng cho bố bạn thiếu trách nhiệm dẫn tới việc sai sót trong chuẩn đoán gây hậu quả nghiêm trọng (bố của bạn bị vỡ ruột thừa, bị nhiễm trùng dẫn tới suy thận).

Tuy nhiên, việc này không phải chỉ nhìn nhận dưới góc nhìn chủ quan của bạn mà còn phải thông qua những chủ thể có chuyên môn nhất định, cụ thể là của hội đồng chuyên môn xem xét và kết luận. Để thành lập hội đồng chuyên môn thì bạn phải làm đơn yêu cầu Giám đốc bệnh viện xem xét thành lập hội đồng chuyên môn xem xét có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật của các bác sĩ đó. Nếu bạn không chấp nhận kết luận của hội đồng chuyên môn thì bạn có quyền đề nghị Bộ y tế thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét lại.

Căn cứ Điều 74 Luật khám bệnh, chữa bệnh:

Điều 74. Thành lập hội đồng chuyên môn

1.Trường hợp có yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh thì thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

2.Việc thành lập hội đồng chuyên môn được quy định như sau:

a)Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tự thành lập hội đồng chuyên môn hoặc nếu không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập hội đồng chuyên môn;

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp phải thành lập hội đồng chuyên môn.

b)Trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định tại điểm a khoản này, các bên có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ Y tế phải thành lập hội đồng chuyên môn. …”

Theo đó, kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định hướng xử lý, giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với y, bác sĩ có sai phạm.

Nếu hội đồng chuyên môn kết luận các bác sĩ (bác sĩ tư vấn và bác sĩ siêu âm ổ bụng) đã khám cho bố của bạn do thiếu trách nhiệm dẫn tới sai sót chuyên môn kỹ thuật thì bạn có quyền yêu cầu Giám đốc bệnh viện xem xét kỷ luật các bác sĩ đó và bồi thường thiệt hại cho bố bạn. Nếu không chấp nhận việc xử lý mà giám đốc bệnh viện đưa ra thì bạn có quyền khởi kiện các bác sĩ đó.

Ngoài ra nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể của bố bạn từ 31% đến 60% thì các bác sĩ đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự về “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”:

“1.Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. …”

Trường hợp bác sĩ có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh  chưa tới mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi của mình theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều 30 Nghị định 176/2013/NĐ-CP:

Điều 30. Vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật

6.Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.

7.Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.”

Như vậy, nếu bạn cho rằng các bác sĩ đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm dẫn tới sai sót chuyên môn thì bạn cần làm đơn yêu cầu người đứng đầu bệnh viện 108 thành lập hội đồng chuyên môn xem xét và tùy thuộc vào kết luận của hội đồng chuyên môn và mức độ tổn hại của bố bạn mà việc xử lý đối với những bác sĩ đó sẽ khác nhau.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com