Cám ơn các bạn đã truy cập website của chúng tôi, để được tư vấn trực tiếp xin vui lòng liên hệ Hotline: 1900.0191. Sau đây sẽ là nội dung bài viết:
Tóm tắt câu hỏi:
Tài sản căn nhà thuộc sở hữu của bà ngoại nhưng bà đã mất cách đây ít ngày và không để lại di chúc. Bà có 3 người con:
– Người con thứ nhất đang định cư ở nước ngoài
– Người con thứ hai đang sinh sống ở Việt Nam
– Người con thứ ba đã mất nhưng có một người con được 7 tuổi, vợ thì đã ly dị
1. Người con thứ nhất đang định cư ở nước ngoài sẽ làm thủ tục gì để người em thứ hai có thể đứng tên sở hữu căn nhà?
2. Con của người con thứ ba sẽ làm thủ tục gì để người cô (người con thứ hai) có thể đứng tên sở hữu căn nhà?
3. Người con thứ hai đang sinh sống ở Việt Nam có thể đứng tên sở hữu căn nhà được không? và cần những thủ tục gì?
Tư vấn luật: 1900.0191
Xin chào bạn, cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật LVN. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật LVN xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:
Tài sản căn nhà thuộc sở hữu của bà ngoại nhưng bà đã mất cách đây ít ngày và không để lại di chúc nên việc phân chia di sản thừa kế sẽ xử lý theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.
Theo khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Căn cứ thông tin mà bạn đã cung cấp thì di sản của bà ngoại để lại có người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Người con thứ ba đã mất nhưng có một người con được 7 tuổi. Theo quy định tại Điều 677 Bộ luật dân sự thì người con được 7 tuổi sẽ là người thừa kế thế vị phần tài sản thừa kế của người con thứ ba. Do con của người con thứ 3 mới 7 tuổi là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật cho con của người con thứ ba sẽ là mẹ của bé.
Điều 642 Bộ luật dân sự 2005 quy định về việc từ chối nhận di sản thừa kế như sau:
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”
Như vậy, thời điểm mở thừa kế được hiểu là thời điểm người có tài sản chết. Người con thứ nhất đang định cư ở nước ngoài và con của người con thứ ba muốn người con thứ hai đứng tên sở hữu căn nhà của bà ngoại thì cần phải làm những thủ tục để từ chối nhận di sản thừa kế sau đây:
– Lập giấy từ chối nhận di sản.
– Thông báo từ chối nhận di sản cho người con thứ hai, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
Lưu ý: Giấy từ chối nhận di sản thừa kế chỉ được lập trong vòng sáu tháng kể từ ngày bà ngoại mất thì có hiệu lực. Quá sáu tháng theo quy định của pháp luật thì văn bản đó không có hiệu lực và người con thứ nhất, con của người con thứ ba vẫn là người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Người con thứ hai đang sinh sống tại Việt Nam có thể đứng tên sở hữu căn nhà sau khi giấy từ chối nhận di sản có hiệu lực. Người con thứ hai muốn đứng tên sở hữu căn nhà thì cần phải làm những thủ tục sau:
– Thứ nhất, người con thứ hai cần phải đến văn phòng công chứng để tiến hành công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế:
Theo khoản 2 Điều 57 Luật công chứng 2014 quy định:
“2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.”
Thành phần hồ sơ công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế bao gồm:
+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch.
+ Dự thảo văn bản khai nhận di sản (trường hợp tự soạn thảo);
+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
+ Giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu căn nhà của người để lại di sản đó.
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
+ Giấy từ chối nhận di sản thừa kế của người con thứ nhất và con của người con thứ ba.
+ Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết (bản chính kèm bản sao). Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
– Thứ hai, sau khi văn bản khai nhận di sản thừa kế có hiệu lực thì người con thứ hai cần làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu căn nhà:
+ Người con thứ hai chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
+ Người con thứ hai mang hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện.
+ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện kiểm tra hồ sơ, xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
+ Người con thứ hai cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước để được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật LVN về thủ tục đứng tên sở hữu nhà ở là di sản thừa kế. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật LVN để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại
Để được giải đáp thắc mắc về: Thủ tục đứng tên sở hữu nhà ở là di sản thừa kế
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900.0191
Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây
CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG
Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân
Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900.0191
hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Emailcho chúng tôi, Luật LVN luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn