Cám ơn các bạn đã truy cập website của chúng tôi, để được tư vấn trực tiếp xin vui lòng liên hệ Hotline: 1900.0191. Sau đây sẽ là nội dung bài viết:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư ! Tôi chuẩn bị kết hôn và có một câu hỏi xin luật sư tư vấn giúp ạ ! Bố tôi có một mảnh đất đứng tên bố tôi và cho tôi để tôi làm nhà. Ngoài số tiền bản thân tích góp được tôi còn vay mượn thêm 400 triệu đồng ở ngân hàng để hoàn thiện ngôi nhà. Tôi và bố mẹ tôi cùng kí tên để vay nợ, sổ đỏ ngân hàng đang giữ. Tính đến thời điểm này tôi đã trả được ngân hàng 150 triệu đồng, nghĩa là tính đến thời điểm trước khi kết hôn tôi còn nợ ngân hàng 250 triệu đồng.
Nếu sau khi kết hôn, trả xong nợ được lấy sổ đỏ về bố tôi có thể để thừa kế riêng tài sản bao gồm cả đất và nhà cho tôi không? Tài sản đó có được coi là tài sản riêng của tôi không? Nếu sau này chúng tôi sống không hạnh phúc dẫn tới ly hôn thì tài sản đó sẽ được chia như thế nào, vợ tôi có lấy được lý do là khoản nợ 250 triệu còn lại do cả 2 cùng trả để đòi chia đôi tài sản không? Vì lương của vợ chỉ đủ sống, 4-5 triệu, phần lớn là do tôi trả nợ, lương tôi 11-12 triệu.
Mong luật sư giúp đỡ tôi ! Chân thành cảm ơn luật sư !
Người gửi: Nguyễn Thành Long (Hà Nội)
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi 1900.0191
Luật sư tư vấn:
Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật LVN. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật LVN xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:
1/ Căn cứ pháp lý
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
2/ Quyền đối với tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở trước khi kết hôn, sau khi ly hôn
Theo như thông tin bạn cung cấp thì hiện nay bạn chuẩn bị kết hôn và mong muốn sau khi kết hôn thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (ngôi nhà) là tài sản riêng của bạn.
Về quyền sử dụng đất và ngôi nhà bạn có được xem là tài sản riêng của bạn không?
Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
“1.Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.“
Như vậy, sau khi bạn kết hôn, trả xong hết nợ, bố bạn lấy sổ đỏ về và để tài sản đó cho bạn thừa kế, thì về nguyên tắc, quyền sử dụng đất đối với mảnh đất và ngôi nhà đó được xem là tài sản chung của hai vợ chồng bạn. Trừ trường hợp, bố bạn ghi rõ trong di chúc là để lại thừa kế cho riêng mình bạn hoặc tặng cho riêng mình bạn số tài sản trên. Đây là tài sản mà bạn được thừa kế riêng từ bố bạn, do đó, nó đương nhiên sẽ là tài sản riêng của bạn. Lúc này, bố bạn có quyền để bạn thừa kế, tặng cho riêng quyền sử dụng đất và ngôi nhà trên mảnh đất đó cho bạn, số tài sản này sẽ là tài sản riêng của mình bạn.
Sau khi ly hôn, quyền sử dụng đất và ngôi nhà được chia như thế nào?
Theo như phân tích ở trên, nếu hai bạn không sống hạnh phúc với nhau sau đó ly hôn, quyền sử dụng đất và ngôi nhà sẽ được giải quyết tùy vào các trường hợp sau:
Trường hợp một, quyền sử dụng đất và ngôi nhà (sau đây sẽ gọi chung là tài sản) là tài sản riêng của mình bạn được bố bạn cho thừa kế riêng, không liên quan đến vợ bạn (bạn cần có giấy tờ, chứng cứ chứng minh số tài sản này bạn được thừa kế riêng từ bố bạn), lúc này, số tài sản đó sau khi ly hôn vẫn là tài sản riêng của bạn. Vợ bạn không có quyền yêu cầu chia. Trừ trường hợp, tài sản này trong thời kỳ hôn nhân bạn đã thỏa thuận với vợ là nhập số tài sản riêng đó vào khối tài sản chung của hai vợ chồng theo Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.“
Khi đó, tài sản mà bạn nhập vào tài sản chung của hai vợ chồng sẽ trở thành tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Sau khi ly hôn, số tài sản này về nguyên tắc, trước hết do thỏa thuận của hai vợ chồng bạn phân chia tài sản như thế nào, nếu không thỏa thuận được thì về nguyên tắc số tài sản này sẽ được chia đôi cho cả hai vợ chồng bạn, nhưng có tính đến các yếu tố sau: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Trường hợp hai, quyền sử dụng đất và ngôi nhà, bạn không chứng minh được nó là tài sản riêng của mình, tài sản đó sẽ trở thành tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (khoản 3 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Lúc này, việc giải quyết tài sản sau khi hai vợ chồng bạn ly hôn sẽ được giải quyết như việc bạn đã nhập số tài sản riêng vào khối tài sản chung của hai vợ chồng theo như phân tích ở trên.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật LVN về quyền đối với tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở trước khi kết hôn, sau khi ly hôn. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật LVN để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH LVN)
Để được giải đáp thắc mắc về: Quyền đối với tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở trước khi kết hôn, sau khi ly hôn
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900.0191
Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây
CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG
Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân
Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào
Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900.0191
hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Emailcho chúng tôi, Luật LVN luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn