Thông tin pháp luật mới nhất tại thuvienluat.vn. Để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900.0191.
Trước khi tiến hành hoạt động in ấn, các doanh nghiệp hoạt động ngành in phải tiến hành xin cấp phép hoạt động (trừ trường hợp cơ sở in). Trước đây được quy định tại nghị định 60/2014/NĐ-CP tuy nhiên từ ngày 01/05/2018 khi nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi nghị định 60 thì việc cấp phép hoạt động ngành in trở lên đơn giản hơn rất nhiều.
Giấy phép hoạt động ngành in (không in xuất bản phẩm)
Đối tượng xin cấp phép hoạt động ngành in
Doanh nghiệp chế bản, in, gia công các sản phẩm theo quy định tại điểm a, c khoản 4 điều 2 nghị định 60/2014/NĐ-CĐ (sửa đổi bởi nghị định 25/2018/NĐ-CP):
– Báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí;
– Tem chống giả.
Điều kiện để được cấp phép hoạt động ngành in
– Có thiết bị phù hợp để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn chế bản, in, gia công sau in theo nhu cầu, khả năng hoạt động của cơ sở in và đúng với nội dung đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in
– Có mặt bằng hợp pháp để thực hiện chế bản, in, gia công sau in
– Có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và có người đứng đầu là công dân Việt Nam, thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
Địa điểm thực hiện cấp phép hoạt động in
– Cơ sở in thuộc các bộ, cơ quan, tổ chức Trung ương gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Cơ sở in khác gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp hồ sơ gửi qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến phải đảm bảo tính pháp lý theo quy định của pháp luật về chữ ký số và các quy định liên quan;
Hồ sơ xin giấy phép hoạt động in
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in theo mẫu quy định;
2. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký thuế, quyết định thành lập cơ sở in đối với cơ sở in sự nghiệp công lập;
3. Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in
Lưu ý: Trong hồ sơ cấp phép không yêu cầu giấy chứng nhận an ninh trật tự. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ xin giấy chứng nhận an ninh trật tự để hoạt động một cách hợp pháp
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in phải cấp giấy phép trong đó ghi rõ nội dung hoạt động in phù hợp với thiết bị của cơ sở in và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động in; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Hồ sơ đề nghị cấp phép của cơ sở in không đầy đủ thông tin, thông tin không trung thực hoặc không thể hiện việc đáp ứng đủ điều kiện hoạt động bị từ chối nhận hồ sơ cấp phép.
Cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in không phải đăng ký hoạt động dưới hình thức tờ khai cơ sở in. Trường hợp cơ sở in đề nghị cấp phép hoạt động in các sản phẩm khác theo hình thức tờ khai cơ sở in thì đồng thời đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm mà cơ sở in có đủ điều kiện theo quy định của Luật Xuất bản thì cấp chung trên một giấy phép
Giấy phép hoạt động nghành in (Có in xuất bản phẩm)
In xuất bản phẩm cũng là một trong các hoạt động in phải xin cấp phép. Tuy nhiên việc xin cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm sẽ khó khăn hơn so với hồ sơ xin cấp phép hoạt động in thông thường. Việc in xuất bản phẩm được quy định chặt hơn tại luật xuất bản 2012 theo đó quy định tại khoản 4 điều 4 luật xuất bản 2012 quy định về xuất bản phẩm:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
4. Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây:
a) Sách in;
b) Sách chữ nổi;
c) Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp;
d) Các loại lịch;
đ) Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.
Điều kiện cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm
– Giám đốc hoặc chủ cơ sở in xuất bản phẩm là công dân Việt Nam phải có văn bằng do cơ sở đào tạo nghề in cấp hoặc chứng chỉ xác nhận đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý về in do cơ sở đào tạo chuyên ngành văn hoá – thông tin cấp.
– Có mặt bằng sản xuất, thiết bị để thực hiện một hoặc các công đoạn chế bản, in và gia công sau in xuất bản phẩm;
Đối với công đoạn chế bản: Cơ sở in phải có ít nhất một trong các thiết bị: Máy ghi phim, máy ghi kẽm, máy tạo khuôn in;
Đối với công đoạn in: Cơ sở in phải có máy in;
Đối với công đoạn gia công sau in: Cơ sở in phải có máy dao xén giấy và có ít nhất một trong các thiết bị: Máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in.
– Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;
– Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở in xuất bản phẩm.
Hồ sơ cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm theo mẫu quy định;
2. Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ sở in;
3. Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in theo mẫu quy định; (là người đại diện theo pháp luật được ghi tại một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền)
4. Tài liệu chứng minh về việc có mặt bằng sản xuất và thiết bị để thực hiện một trong các công đoạn chế bản in, in và gia công sau in xuất bản phẩm;
+ Đối với tài liệu chứng minh về mặt bằng sản xuất: Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng hay các loại giấy tờ khác chứng minh về việc giao đất, thuê đất, thuê mặt bằng, nhà xưởng để sản xuất.
+ Đối với tài liệu chứng minh về thiết bị: Bản sao giấy tờ sở hữu hoặc thuê mua thiết bị; trường hợp chưa có thiết bị, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải kèm theo danh mục thiết bị dự kiến đầu tư.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, cơ sở in phải hoàn thành việc mua hoặc thuê mua đủ thiết bị theo danh mục dự kiến đầu tư, gửi bản sao chứng từ mua, thuê mua thiết bị cho Sở Thông tin và Truyền thông. Hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, cơ sở in không đầu tư đủ thiết bị theo quy định sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động in.
5. Bản sao (kèm bản gốc để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực văn bằng đào tạo nghề in của người đứng đầu (người đại diện theo pháp luật) của cơ sở in (bằng tốt nghiệp cao đẳng về in trở lên) hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in xuất bản phẩm của người đứng đầu (người đại diện theo pháp luật) do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
6. Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh – trật tự do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Theo quy định tại công văn 1384/BTTTT-CXBIPH ngày 20/04/2020 V/v tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện TTHC cấp Giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm quy định:
1. Không yêu cầu cơ sở in phải nộp “Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận vệ sinh môi trường” khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cấp Giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm.
2. Cơ sở in phải thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.
Thủ tục cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản phải cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm:
– Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cho cơ sở in của cơ quan, tổ chức ở trung ương;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho cơ sở in ở địa phương.
Xin cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết, nội dung của bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo do tính thay đổi của luật áp dụng tại từng thời điểm và những đặc thù trong từng sự kiện pháp lý. Để được tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất với trường hợp của quý khách, mọi câu hỏi, thắc mắc xin được phản hồi về Hotline 1900.0191 hoặc địa chỉ hòm mail bên dưới!